- Bạn dùng mạng xã hội bao lâu một ngày?
- Bạn thường làm gì khi lên mạng xã hội?
- Nếu một ngày không dùng mạng xã hội, bạn có thấy "thiếu thiếu", nhớ nhớ, bứt rứt không yên không?
Mạng xã hội là những công cụ giao tiếp nổi bật và phổ biến. Đây còn gọi là thế giới ảo.
Theo nghiên cứu của công ti nghiên cứu thị trường Connected Life từ Kantar TNS 2016, người Việt tìm đến mạng xã hội nhiều nhất khi online. Độ tuổi dùng mạng xã hội ở Việt Nam phổ biến nhất là từ 16-54, trong đó, độ tuổi từ 16-34 chiếm tỉ lệ phần trăm nhiều nhất. Thế hệ 9x và 10x (độ tuổi 16-24) dùng mạng xã hội nhiều nhất so với các nhóm tuổi còn lại.
Tại sao 9x, 10x lại ưa dùng mạng xã hội nhiều như vậy? Có tâm lí nào đứng đằng sau việc giới trẻ thích dùng mạng xã hội như thế? Hệ lụy nào gây ra cho họ khi tiếp xúc với mạng xã hội thường xuyên, về khía cạnh tâm lí? Và đâu là cách giúp họ thoát khỏi điều đó?
Thứ nhất, vì sao giới trẻ tìm đến mạng xã hội?
--->>> 1. Vì chẳng có việc gì để làm, tránh khỏi cảm giác lạc lõng.
Điều này thể hiện rõ nhất khi các bạn trẻ phải chờ đợi ai đó, hoặc ở giữa những người không quen biết. Điện thoại là phương tiện để cứu cánh cho họ chống khỏi cảm giác lạc lõng giữa chốn mênh mông.
Mạng xã hội là nơi các bạn trẻ sẽ ghé thăm khi rờ đến điện thoại của mình, để "check", đọc, post tin/ ảnh, status, comments, like.
--->>> 2. Giải tỏa cảm xúc.
Áp lực học hành và sức ép gia đình làm thế hệ trẻ tìm đến mạng xã hội để trút, giải trí. Thế giới nhỏ hẹp đằng sau khuôn hình điện thoại hay máy tính có hình chữ nhật luôn thu hút các bạn trẻ. Ở đó có đầy đủ thứ họ cần mà chẳng phải đi đâu xa. Từ ca nhạc, thời trang, ẩm thực, phim ảnh, cho đến tin tức.
Bạn biết đấy, giới trẻ với nhiều mơ mộng, mong ước nổi loạn, dám làm liều, nhưng lại bị ước chế trong hoàn cảnh gia đình, trường học. Ranh giới giữa nhu cầu muốn nổi loạn và bị ước chế đôi lúc khiến họ "phát điên."
Mạng xã hội là nơi giúp họ kiềm chế cơn điên đấy bên trong mình. Đó là nơi vừa giải trí để quên đi các phát tiết cảm xúc bên trong, lại vừa là nơi để trút những uất ức đấy ra ngoài mà không phải đập phá hay tàn hoại bản thân.
--->>> 3. Trốn khỏi thế giới thực.
Mong muốn là một người đặc biệt, tài giỏi, thành công hơn bạn bè đồng lứa thường là nhu cầu mãnh liệt của các bạn trẻ. Những mong muốn, khao khát được chứng tỏ bản thân mình.
Có sai không? Không. Nhưng nếu những bạn trẻ khó bộc lộ hoặc được người khác thừa nhận khả năng, đó sẽ là một điều đáng buồn âm thầm nảy sinh trong tâm lí của các bạn. Điều này khiến họ có nhu cầu muốn tìm đến một thế giới khác, thế giới ảo, cách li khỏi thế giới thực-nơi đầy giới hạn, ép buộc lên họ-để thể hiện bản thân.
Sự thể hiện đó có thể nằm ở những câu chuyện các bạn kể, những dòng status lãng mạn hoặc giật gân, từ những bức ảnh đi chơi, đi ăn quán xá cùng la cà. Đó là cách để các bạn trẻ tìm đến không gian ảo để trốn khỏi áp lực mình khi nghĩ rằng mình không phải là một người đặc biệt.
--->>> 4. Để cho giống người khác!
Nhiều bạn trẻ lập tài khoản trên mạng xã hội chỉ vì lí do rất đơn giản: Không muốn thấy mình bị lạc hậu, trông quê mùa, low-tech.
Nói như vậy nghe có vẻ không gian ảo là viên thuốc an thần giúp các bạn trẻ đấy chứ! Điều đó không phải vô lí đâu! Nhưng cũng như tác dụng phụ của bất kì loại thuốc an thần nào đến một người uống nó. Người tiếp nhận có thể được trấn an, bình thản ban đầu, nhưng vấn đề sẽ chuyển hướng sang một trạng thái khác, hoặc sẽ tiếp tục tái diễn trong tương lai, đặc biệt là, việc không hề chấm dứt đi.
Cũng như thế, đến với không gian ảo để giải tỏa, trốn tránh, giải trí, hay để thoát khỏi cám cảnh cô đơn của bản thân sẽ không khiến những điều đấy mất đi. Còn với những bạn trẻ tìm đến không gian ảo chỉ với lí do đơn giản ban đầu là để giải trí, ca nhạc, lượm lặt tin tức, làm dày mối quan hệ bằng nhiều "friends" hơn (có thể là hàng trăm, hoặc hàng nghìn friends), hay số lượng like trên những bài viết hay câu nói, thì cũng hãy biết rằng, có những hệ lụy đang chờ đợi họ về sức khỏe tinh thần. Còn về sức khỏe thân thể, hẳn bạn đã quá rõ rồi, và rất nhiều thông tin nói về nó rồi phải không?
Phần 2, Oopsy sẽ tiếp tục chỉ ra tác hại, hậu quả của việc dùng mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của người trẻ như thế nào.