- Lập kế hoạch cho chế độ ăn uống hoàn chỉnh và thề rằng sẽ thực hiện bằng được. Kết quả là chìm vào quên lãng chỉ sau vài ngày.
- Tự nhủ sẽ bắt đầu ngồi thiền, đọc sách, viết lách mỗi buổi sáng, nhưng lại dễ dàng "quên" mỗi khi cơn chán chường nổi lên.
- 10 phút nữa cần đi gội cái đầu, nhưng kết quả có thể là: "Để mai tính!".
Bạn có thấy những điều trên quen thuộc không? Có phải thật là chúng ta không có kỉ luật? Chúng ta là những kẻ nói dối, không đáng tin? Hay chúng ta thật vô vọng, muốn đổi thay lắm nhưng cứ gắn cuộc đời trên chiếc ghế, ăn đồ ăn vặt, xem TV và nhiều lúc cảm thấy chán ngán bản thân vô cùng? Điều gì đang diễn ra vậy nhỉ?
Để giải quyết một vấn đề, chúng ta nên tìm hiểu bản chất của vấn đề, từ đó mới tìm ra cách để khắc phục nó. Sau đây là 10 lí do thường khiến những dự định của chúng tan theo mây khói.
--->>> 1. Chúng ta không coi điều mình đặt ra một cách nghiêm túc
Chúng ta hầu như chỉ đặt nửa trái tim và nhiệt huyết của mình vào cam kết một việc nào đó, giống như là có một mối quan hệ nửa vời vậy – với tinh thần như vậy, chúng ta sẽ sớm bỏ cuộc.
--->>>2. Đơn giản là "QUÊN"
Chúng ta nói với bản thân rằng sẽ ngồi thiền hằng ngày với một tinh thần quả quyết. Rồi buổi sáng thức dậy ta cười khì, quên béng việc này. Ta chợt nhớ ra sau đó, nhưng lại bận việc khác mất rồi.
Xong buổi sáng tiếp theo đến ta lại quên. Đến lúc có thể nhớ được thì cũng là lúc chúng ta cảm thấy thất vọng với bản thân và bỏ cuộc.
--->>> 3. Xu hướng bỏ cuộc khi cảm thấy không thoải mái hoặc không chắc chắn.
Thiết lập một thói quen thường khiến bạn cảm thấy không thoải mái, như phải dậy sớm hơn 30 phút hoặc đang "điên cuồng" lướt web thì đã đến giờ cần ngồi thiền, bạn sẽ ngừng nó, và đưa ra lí do để hợp lí hóa cho hành động của mình.
Chúng ta không ưa việc phải đối mặt với cảm giác không thoải mái hoặc không chắn chắn vì vậy chúng ta cố gắng thoát khỏi nó.
--->>> 4. Không thoát khỏi sự cám dỗ
Sự cám dỗ luôn ở quanh ta: từ những thỏi sô-cô-la khi ta nói rằng mình đang ăn kiêng, hay những bộ phim hấp dẫn mời gọi khi ta định đi ngủ sớm hơn, đến sự cám dỗ của điện thoại, của mạng xã hội khi ta nói rằng mình cần đọc sách.
Trên thực tế, khi lòng ta chẳng an yên nổi thì sự cám dỗ nhỏ nhặt, vạch vãnh nào cũng khiến ta sa ngã..
--->>> 5. Hợp lí hóa mọi vấn đề
Khi điều gì đó trở nên khó khăn, hoặc có một sự cám dỗ trước mặt, tâm trí ta bắt đầu hợp lí hóa để dừng ngay việc làm đó.
Não của ta có thể rất rất giỏi trong việc hợp lí hóa: "Chỉ một lần thôi có sao đâu," hay"Mình đã làm việc vất vả rồi, mình xứng đáng điều này" hay "Lần này không tính, mình sẽ bắt đầu vào ngày mai," hay "Đây là dịp đặc biệt, xứng đáng để được ngoại lệ."
Một khi chúng ta bắt đầu tin vào những lí lẽ này, chúng ta đã mở cửa cho những kế hoạch của mình bay xa mãi xa...
--->>> 6. Ta lại đàm phán
Chúng ta nói mình sẽ làm gì đó, rồi khi khoảnh khắc đó đến, ta cảm thấy bị điều khác cám dỗ, không thoải mái, không chắc chắn v.v... và ta bắt đầu ngụy biện: "Hừm, mình sẽ vẫn làm nó, nhưng 5 phút nữa, sau khi mình kiểm tra tin nhắn đã". Hay, "Bây giờ mình mệt quá, mình chỉ cần dừng một ngày thôi và mình sẽ lại làm vào ngày mai".
Đây chỉ là một hình thức hợp lí hóa, một phản ứng thường xuyên khi không muốn làm và tìm cách để thoát khỏi nó thôi.
Có thể nói một trong những điều tai hại nhất trong quá trình xây dựng thói quen, thiết lập kỉ luật và niềm tin nơi bản thân là thói quen tự đàm phán lại với chính mình.
--->>> 7. Cho rằng ta không thích trải nghiệm đó và tránh những điều mình không thích.
Điều này dường như là bản chất con người – nếu tôi không thích ăn rau, tôi sẽ tránh ăn chúng; nếu tôi thấy công việc này khiến mình không thoải mái, tôi sẽ cố gắng loại bỏ nó.
Nhưng vấn đề là với mọi thói quen, mọi dự định dù không quá khó khăn để thực hiện ta luôn có những khoảnh khắc thấy không thoải mái, hay không thích trải nghiệm đó.
Ta sẽ không bao giờ làm xong việc gì cả nếu ta bỏ cuộc ngay khi cảm thấy không thích. Thay vào đó, ta phải thấy rằng cái lí tính bật thốt đầu tiên cho rằng mình không thích, ta đánh giá, phàn nàn, lảng tránh và bỏ cuộc... là những năng lượng tiêu cực, nó khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng bế tắc, chính ta cũng chán ngán mình hơn.
Chúng ta không cần phải thích mọi điều về một trải nghiệm để có thể đặt toàn bộ tâm trí mình vào nó. Cần tin rằng ta mạnh mẽ và dẹp bỏ được cái thói quen gàn dở, đỏng đảnh đó.
--->>> 8. Ta quên mất tại sao nó quan trọng
Khi bắt đầu một việc ta cho rằng nó rất quan trọng và cần nghiêm túc thực hiện. Nhưng một tuần sau đó thì sao? Ta thường quên mất nó có ý nghĩa như thế nào. Thay vào đó, ta chỉ nghĩ được nó đã khiến mình mệt mỏi thế nào.
Nếu ta quên mất một điều gì đó quan trọng, vậy thực ra việc đó có quan trọng đến thế không? Hãy minh bạch trong mình, nếu không đừng gán mác quan trọng cho nó để rồi lại chóng lãng quên và dằn vặt khi không thực hiện nổi.
-->>> 9. Ta thấy mặc cảm về bản thân hoặc từ bỏ trong thất vọng
Khi ta ngập ngừng, khi không có động lực hoàn thành những ước mong hay lí tưởng khi ta chỉ thấy mình là một mớ lộn xộn, không thông minh lắm, không chăm chỉ lắm... thực ra nó không phải một việc gì quá lớn.
Thay vì chỉ cần rút ra bài học từ đó và bắt đầu cố gắng chăm chỉ lại, ta thường tự dằn vặt bản thân, cảm thấy thất vọng não nề, ê trề đau khổ. Điều này thực sự có thể phá hoại, bào mòn nỗ lực của chính chúng ta.
--->>> 10. Có quá nhiều rào cản
Đây là lí do thường gặp nhất nhưng chúng ta cũng thường quên nhất. Ví như ta nói "Tôi muốn bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn" và thậm chí lập một kế hoạch cần tự nấu ăn ra sao, chăm chỉ uống nước thế nào. Nhưng rồi buổi sáng đến, vừa đói lại đang vội, tự nấu ăn ư, quá nhiều bước phải chuẩn bị, chưa đầy mấy giây sau ta đã quyết định chuyển sang đồ ăn nhanh chỉ với 5 phút đợi.
Đây là vấn đề lớn với hầu hết những điều mà chúng ta muốn thực hiện. Chẳng phải những rào cản quá sức khi chúng ta mệt mỏi, đang vội, hay cảm thấy không muốn làm nó đâu, rất có thẻ điều ta cần dẹp bỏ là cái tâm lí ngại việc và trốn tránh hiện thực thôi.
Đó là những lí do vì sao các kế hoạch của chúng ta thường đổ bể. Liệu có giải pháp nào không nhỉ?
***
Đó là những lí do vì sao các kế hoạch của chúng ta thường đổ bể. Liệu có giải pháp nào không nhỉ?
Có chứ! Mời các bạn đón đọc bài viết 9 CÁCH GIÚP BẠN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐÃ ĐẶT RA của OOPSY nhé
9 CÁCH GIÚP BẠN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐÃ ĐẶT RA
--->>> 1. Hãy làm nó thật nghiêm túc
Kế hoạch bạn đặt ra có quan trọng để đưa ra lời cam kết chắc chắn phải thực hiện không? Bạn có thực sự cần nó đến mức có thể đối mặt với cảm giác không thoải mái khi tình huống khó khăn xảy đến?
Bạn nên dành thời gian cân nhắc về điều này trước khi quyết định cố gắng thực hiện điều gì.
Sau khi đã suy nghĩ kĩ càng:
- hãy đặt nỗ lực vào nó;
- lập kế hoạch, ngay cả khi nó là một kế hoạch ngắn hạn.
- tìm một người tin tưởng và nhờ họ giúp đỡ.
- đặt ra các cách để luôn nhắc nhở mình như viết trên màn hình điện thoai, hay viết giấy nhớ dán ở các nơi dễ thấy.
- đồng thời bạn cũng nên đặt ra các mốc thời gian cụ thể để thực hiện.
--->>> 2. Hãy chắc rằng bạn sẽ không quên
Làm sao để bạn nhớ thời gian thực hiện kế hoạch? Bạn sẽ đang ở đâu, làm gì, với ai khi đến lúc cần ngồi thiền, hoặc viết lách, hoặc tập luyện hay ăn bữa trưa bổ dưỡng của mình?
Hãy đặt một khi chú nhắc nhở ở đó. Điều này thực sự quan trọng, bởi vì khi chúng ta bắt đầu làm một điều gì đó mới, thật dễ để quên.
Hãy đặt nhiều nhắc nhở, bao gồm cả trên điện thoại hay trong máy tính của bạn. Nếu bạn đã xem kế hoạch này là quan trong đủ để đưa ra lời cam kết thực hiện, vậy đừng ngại tìm ra các cách nhắc nhở bản thân mình.
--->>> 3. Coi môi trường không thoải mái và thiếu chắc chắn là một thử thách thú vị
Ngày nay, việc bạn có khả năng chịu được môi trường làm việc áp lực cao, linh hoạt và ứng biến trong đó trở thành một kĩ năng rất quan trọng và đáng giá. Dù vẫn biết rằng phản ứng não bộ của chúng ta thường muốn tránh trạng thái lưỡng lự và không thoải mái, nhưng không có lí do nào tốt để làm như vậy.
Không cần phải hoảng sợ và chạy khi chúng ta không thoải mái. Thay vào đó, chúng ta thậm chí có thể bắt đầu thưởng thức cơ hội thực hành này, coi đây là một trải nghiệm tuyệt vời để đạt được điều gì đó tốt hơn, học hỏi và tìm cách khắc phục cảm giác tiêu cực đó – đừng để chúng trở thành rào cản trong hành trình nâng cao lối sống lành mạnh của bạn.
--->>> 4. Coi các cám dỗ như một hoàn cảnh để thực hành
Cũng giống như vậy, mỗi lần chúng ta đối mặt với cám dỗ, hãy coi nó như một tín hiệu để tôi luyện: ta có thể vượt qua cảm giác không thoải mái thay vì lao vào các cám dỗ để lãng quên cảm giác này..
Hãy nói "có" với cơ hội để khám phá cảm giác chiến thắng được cám dỗ, để biết được niềm vui khi ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn với chính bản thân mình.
--->>> 5. Đặt ranh giới để nhận ra đâu là những lí do hợp lí thực sự và đâu chỉ là những lời ngụy biện
Chúng ta cũng có thể rèn luyện bản thân để nhận ra khi nào ta đang cố hợp lí hóa. Đôi khi thật khó để nhìn thấy bởi vì chúng ta đã quá quen với việc cho phép bản thân mình tin vào những lí lẽ ngụy tạo một cách không ý thức.
Vì vậy để thấy được nó một cách rõ ràng rằng chúng ta chỉ đang tìm cách hợp lí hóa, việc đặt ra những ranh giới vững chắc sẽ rất hữu ích trong trường hợp này. Bởi lẽ khi đó ta có thể nhận diện ra những suy nghĩ liên tục xuất hiện để thuyết phục chúng ta vượt qua ranh giới đó.
Khi bạn nhận ra điều đó, nó giống như bạn phá bỏ được chứng tự thôi miên mình vậy. Thật đáng chúc mừng. Bạn biết đấy, những lí lẽ đó, chúng có vẻ thuyết phục, nhưng chúng đang phá hoại bạn, cuộc sống của bạn.
--->>> 6. Không tái đàm phán trong thời điểm quyết định
Đừng khiến bản thân bạn rơi vào tình huống đó. Lập kế hoạch một ngày trước đó (hoặc đầu tháng, đầu tuần .v.v) nhưng đừng để bản thân đưa ra quyết định vào thời điểm xác định. Bạn quá dễ bịa đặt ra lí do nào đó để trốn tránh khỏi sự khó chịu của việc phải làm theo dự định.
Thay vào đó, nói với bản thân rằng bạn không thể để việc tái đàm phán diễn ra trong vòng 1 tuần hoặc 1 tháng. Chỉ sau khoảng thời gian đó bạn mới có thể ngồi xuống suy nghĩ một chút và quyết định xem bạn có muốn chắc chắc thực hiện kế hoạch đó không.
--->>> 7. Liên tục nhắc nhở bản thân tại sao nó quan trọng
Hằng ngày, khi làm việc mình đã cam kết làm, hãy hỏi tại sao điều này lại quan trọng với bạn? Tại sao bạn dành thời gian sống của mình cho nó, và nó có đáng để bạn làm vậy không?
Bạn có dành trọn trái tim và khối óc để làm nó không? Nó có là vấn đề quan trọng với bạn đủ để bạn vượt qua sự không khó chịu, mệt mỏi? Hãy thực sự chắc rằng bạn đang làm với sự tận tâm nhất có thể, đừng lãng phí thời gian và cơ hội của chính mình.
--->>> 8. Học cách tha thứ cho chính mình
Khi bạn khiến sự thể trở nên tồi tệ, khi bạn chưa làm đúng làm trúng những điều mình mong đợi, và điều đó làm bạn thất vọng về bản thân, âm thầm đau khổ. Khi đó hãy ngừng dằn vặt vắt kiệt trái tim, hãy dành tặng bản thân một chút khoan dung, một chút yêu thương để chấm dứt nỗi khổ sở đó.
Thay vì nhìn nó như một lí do để thấy mình tồi tệ, hãy nhìn nó như một động lực để vươn lên. Đó là những bài học để chúng ta nhìn thấy điểm tốt và điểm xấu của bản thân để cải thiện, để đứng dậy sau vấp ngã.
--->>> 9. Loại bỏ càng nhiều rào cản càng tốt
Bạn đã buông lời cam kết, đã biết thiết lập nhắc nhở, đã có đủ cơ sở để biết tại sao điều này quan trọng đối với mình, cũng đã đặt ranh giới rõ rang và sẵn sàng để thực hiện dù phải đối mặt với cảm giác khó chịu, mệt mỏi, cám dỗ và thói tự ngụy biện... Giờ là lúc bạn nhìn nhận các rào cản và phá bỏ chúng càng nhiều càng tốt.
Bạn có chuẩn bị mọi thứ trước thời gian dự định, để khi nó đến bạn chỉ cần bắt đầu? Điều bạn muốn thực hiện tháng này là gì? Tháng tiếp theo hay năm tới là gì? Hãy xem xét chúng bây giờ, tìm ra tại sao chúng quan trọng với bạn và chúng có đủ quan trọng để thúc đẩy bản thân bạn tiến hành các bước trên không?
Một khi bạn đã quyết định hãy cố gắng cam kết bản làm hết mình. Điều bạn thu về chắc chắn sẽ xứng đáng với nỗ lực đã bỏ ra của bản thân!
***