Những ngày tiếp theo, đám cai nô cách ba ngày sẽ cho các nô lệ ăn canh có cỏ độc một lần, các ngày còn lại canh không có độc.
Chúng không tuyên bố cho các nô lệ biết rằng họ đã trúng độc tức là quá trình đầu độc phải kéo dài.
Đằng Nguyên vừa lao dịch vừa quan sát tình hình khu mỏ.
Sau một tháng ra ra vào vào dãy phòng ngủ và các bãi khai thác đá, Đằng Nguyên thu thập được khá nhiều thông tin.
Mỏ này gọi là Dạ Cổ, nằm ở phía đông nam thành Huỳnh Tương, giáp đồi cát Dạ Cổ mênh mông vạn dặm bao bọc toàn bộ phía nam.
Vùng đồi cát này là tử địa vô tận, không ai biết nó kéo dài đến đâu, phía bên kia là đại quốc nào hay chẳng có gì, chỉ toàn cát vàng mênh mông không bờ bến.
Nô lệ bỏ trốn nhất định không được chạy về phía nam, chỉ có thể chạy về phía tây và phía bắc – chính là đại địa Huỳnh Tương.
Phía đông Dạ Cổ, băng qua hết sơn lâm trùng điệp là dải cát lầy mấy trăm dặm chạy tới bờ Vô Lịch hải.
Đây cũng là tử lộ vì giữa bãi cát mênh mông có những hố cát lún lớn đủ để nuốt chửng cả một đội quân.
Thụt xuống đó là thấy liệt tổ liệt tông ngay.
Vậy nên các nô lệ có ý định chạy trốn rỉ tai nhau phải chạy về phía tây và phía bắc.
Hướng tây được lựa chọn nhiều hơn vì có cơ hội tẩu thoát sang Tập thành của Sa Lục Châu.
Phía bắc dẫn tới trung tâm thành Huỳnh Tương, sẽ đụng phải các thôn, trấn, trạm gác của chúng.
Thành Huỳnh Tương rộng gấp bốn lần Hồi thành, chế độ chiếm hữu nô lệ vô cùng hà khắc, nô lệ Sa Lục Châu không có cơ hội sống sót ở đây, đã đào tẩu buộc phải trở về cố hương.
Đằng Nguyên chưa vội suy xét đến phương hướng, lặng lẽ sục sạo bên trong mỏ trước.
Mỏ Dạ Cổ chia thành rất nhiều khu, phân biệt rạch ròi khu khai thác đá và khu phòng ở.
Khu phòng ở lại chia làm ba: Thượng, Trung, Hạ.
Đằng Nguyên đang ở khu Hạ cùng năm trăm nô lệ khác.
Khu Trung nằm ở khoảng giữa, chia năm xẻ bảy, nhiều nô lệ nhất.
Khu Thượng nằm ở gần đại môn, tập hợp toàn nô lệ cũ và những kẻ nhỏ gầy yếu đuối, những thiếu niên mới lớn bị bắt tới.
Bọn lính cai nô kinh nghiệm đầy mình để thiếu niên và kẻ yếu ớt ở gần đại môn cũng có chủ đích cả.
Nguyên tháng đầu tiên đã có gần năm mươi nô lệ mới đào tẩu mỗi khi đại môn mở để chuyển đá ra ngoài.
Đương nhiên không kẻ nào trốn thoát.
Tất cả đều bị tên của lính trên tháp canh bắn chết hoặc bị lính cai nô chặn bắt, kết cục là đòn roi lột da tróc thịt, cũng chết mà thôi.
Càng ngày càng ít nô lệ mới đào tẩu.
Khu Hạ mà Đằng Nguyên ở tựa lưng vào vách núi cao chọc trời, đỉnh núi vần vũ mây mù bao phủ, khả năng leo qua gần như bằng không.
Phía đông có một cánh rừng thưa chỉ kéo dài đến gần chân tường đá.
Bức tường đá thô lậu ở khu này cao muốn chạm mây, dày gần một bộ, lại thường xuyên có lính tuần tra, trèo không được, đục không xong.
Dụng cụ đục đá cũng bị quản lý rất chặt chẽ, rời khỏi khu khai thác đá, không ai mang được dụng cụ ra ngoài.
Căn bản việc bỏ trốn hoàn toàn bế tắc.
Đằng Nguyên mò ngược lên thượng nguồn dòng suối, phát hiện có một cái thác cao trăm trượng, nước đổ ầm ầm xuống một hồ nhỏ rất sâu.
Hắn đã thử lặn xuống thăm dò nhưng không phát hiện ra sơn động nào, chỉ có những khe đá nhỏ mà phàm thể không chui lọt.
— QUẢNG CÁO —
Hoàn toàn bế tắc!
Vạn đạo bất khả, độc đạo khả thi chính là đại môn của mỏ đá, nơi dày đặc lính canh cung tên sẵn sàng, con kiến cũng không chui lọt.
Đằng Nguyên mò vào khu rừng thưa bên bờ suối, thấy những loại rau ăn được đều đã bị nô lệ nhổ sạch.
Chỉ còn nấm, cây và hoa độc trật lại.
Nhưng muốn đầu độc lính canh không phải dễ.
Thứ nhất, nô lệ không được tiếp xúc với trù phòng.
Thứ duy nhất mà Đằng Nguyên lợi dụng được chính là nước suối.
Bất quá nô lệ xách nước đổ đầy các chum, Đằng Nguyên lại không biết chum nào bọn lính trù phòng sẽ dùng để nấu cho lính canh, chum nào nấu cho nô lệ.
Thứ hai, mỗi khu Thượng, Trung, Hạ đều có trù phòng; thậm chí khu Trung còn có tới năm dãy.
Đằng Nguyên không thể cùng lúc đầu độc lính canh cả ba khu để chúng gục hết xuống cho nô lệ chạy thoát.
Giết từng khu một không có tác dụng, chúng sẽ phát giác, chia lại người rồi lùng sục kẻ chủ mưu, giết người báo thù.
Đằng Nguyên thấm thía những ánh mắt u ám, tối tăm của các nô lệ cũ và một bộ phận nô lệ mới.
Phàm là con người ai chẳng có ý chí cầu sinh, ngặt nỗi nghịch cảnh quá khắc nghiệt bóp chết hi vọng, bào mòn thân thể khiến họ héo hon, chết dần chết mòn trong cái chốn nghiệt ngã này.
Đằng Nguyên thở dài, nằm nhìn lên mái căn nhà gỗ thô lậu, cũ nát.
Tháng tám tới rồi… Nghe nói mùa đông ở Huỳnh Tương không lạnh như ở Hồi thành nhưng đề phòng nô lệ không được phát thêm áo và giày, Đằng Nguyên săm soi mấy lỗ thủng trên tường và mái.
Cần phải đốn gỗ trám mấy lỗ này lại, hoặc đào được đất sét đắp vào trước khi mùa đông đến, nếu không họ sẽ bị thổi cho đông lạnh.
Tà thể không sợ lạnh nhưng chỉ ở mức độ nhất định.
Đằng Nguyên phải gom dây leo bện thêm giày.
Dây leo gần đây cũng rất khó kiếm vì nô lệ đổ vào rừng cắt hết, phải sục sạo rất lâu.
Khu rừng đó thực sự nhỏ và nghèo nàn vì số lượng nô lệ quá đông.
Đêm đã khuya, bên ngoài chỉ còn tiếng côn trùng kêu rả rích.
Bọn lính canh đi ngủ hết, còn vài toán gác đêm đốt lửa ở các chốt canh chơi bài.
Căn nhà gỗ này ban đầu có hai mươi nô lệ, hiện tại chỉ còn mười lăm.
Trong một tháng đầu tiên, toàn mỏ Dạ Cổ có hơn năm trăm nô lệ đã chết vì đủ lý do.
Trượt ngã từ vách núi, bị đá đè, ốm mà không có thuốc, kiệt sức, bị đánh đến chết…
Những kẻ sống sót đầu cúi thấp, ít nói hơn, dần gầy gò và mất hết hi vọng.
Tuy nhiên nhiều người không chịu từ bỏ, trong đó có huynh đệ Điền gia, Lưu gia.
Xác định lính canh đã ngủ, Điền Đông và Lưu Tống từ từ ngồi dậy.
Lưu Tống thì thầm: — QUẢNG CÁO —
- Sao rồi, có thu hoạch gì không?
- Có người sẽ trốn ra.
– Điền Đông đáp, giọng rất nhỏ.
– Nhưng không biết chính xác thời gian nào.
Đệ còn nghe nói có nô lệ biết phương pháp của kẻ đó, chỉ cần y thành công, bọn họ sẽ thực hiện theo, cùng bỏ trốn.
Lưu Ngọc Lâm lập tức vùng dậy bò tới kích động hỏi:
- Thật sao? Là người ở thôn nào?
- Ta không rõ, chỉ biết là người Tập thành.
– Điền Đông kích động hơn.
– Bất quá nô lệ muốn trốn rất đông, không biết bọn họ có chịu tiết lộ cho chúng ta không.
Nói đến đây, cả Lưu Ngọc Lâm và Điền Đông đều nhìn Lưu Tống trông chờ biện pháp.
Lưu Tống nhíu mày suy tư:
- Muốn đổi lấy chỗ tốt từ đối phương đương nhiên phải bỏ ra thứ tốt tương tự nhưng ở cái mỏ đá hoang tàn này kiếm đâu được thứ tốt chứ?
Cả bọn lại quay sang nhìn Đằng Nguyên.
Hắn ngồi dậy, một suy nghĩ táo bạo loé lên, nói với Điền Đông:
- Điền đại ca, chẳng phải huynh có bảo bối thần kỳ có thể đổi lấy phương pháp của đối phương sao?
Điền Đông ngơ ra một lát rồi mở to mắt à lên một tiếng, chỉ vào Đằng Nguyên.
Hắn nhếch mép cười.
— QUẢNG CÁO —
Bảo bối thần kỳ của Điền Đông chính là cỏ chống rắn và nhựa cây xát lên cơ thể để đuổi côn trùng.
Đằng Nguyên thường đùa những thứ đó là bảo bối vì chỉ cần ngậm cỏ chống rắn, chẳng con rắn nào dám bén mảng lại gần.
Sau khi ra khỏi mỏ lập tức các nô lệ phải vượt rừng rậm.
Cỏ và nhựa cây tăng khả năng sống sót trước độc trùng.
Lưu Tống và Lưu Ngọc Lâm cũng biết bảo bối là gì, Lưu Ngọc Lâm kích động thì thầm:
- Đúng rồi.
Tập thành ít sơn lâm, nhiều đồng bằng, có thể không nhiều người biết về loại cỏ này.
- Phải đấy.
– Lưu Tống tràn trề hi vọng nhìn Điền Đông.
Điền Đông nhăn mặt:
- Nhưng từ khi tới đây, đệ chưa từng thấy khu rừng bên cạnh có cỏ đó.
Đại địa và khí hậu khác biệt, hoa thảo cũng chẳng giống nhau.
- Vậy cùng tìm đi.
– Lưu Ngọc Lâm vẫn bừng bừng khí thế.
– Chúng ta nhiều hán tử khoẻ mạnh, am hiểu đi rừng, đám hán tử Tập thành sao sánh bằng.
Chắc chắn có cơ hội.
Lưu Tống gật gù tin tưởng.
Điền Đông trầm ngâm hơn vì thực ra gã chưa từng nhìn thấy cỏ chống rắn và nhựa cây đuổi côn trùng ở đây, biết cơ hội tìm thấy không cao.
Dù đám hán tử Tập thành không nói bao giờ kẻ kia sẽ bỏ trốn, cũng không nói khi nào họ trốn nhưng Điền Đông linh cảm mọi chuyện sẽ diễn ra rất nhanh.
Nô lệ đông, ai ai cũng muốn đào tẩu, một khi phương pháp được truyền đạt lập tức vô số người bất chấp nguy hiểm cắm đầu lao ra.
Như vậy sẽ đánh động bọn lính cai nô.
Càng những người trốn sau càng ít cơ hội thành công.
Nếu đã định đổi lấy phương pháp, họ phải là một trong số những nhóm trốn đầu tiên.
Đằng Nguyên thực sự tò mò không biết phương pháp của những người kia là gì.
Hắn rất muốn biết nhưng không nôn nóng như huynh đệ Lưu gia, Điền gia vì khi đã nắm được phương pháp, chính hắn phải suy nghĩ xem có nên dùng, có khả năng thành công không.
Kẻ đầu tiên nghĩ ra phương pháp này phải sống sót ra khỏi khu mỏ đã, sau đó mới tính..