Hai đàn sói nhanh chóng bị đánh tan, nhiều con cắm đầu phi vào rừng.
Các huynh đệ ném thương, ném rìu theo, giết bớt con nào hay con đó.
Xác sói nằm la liệt trên đất, mùi máu tanh nồng xộc lên nhức mũi.
Đằng Nguyên chà tay và rìu xuống cỏ, chùi máu, bốc đất xoa loạn lưỡi rìu một hồi mới tiến tới hỏi chuyện những kẻ còn sống.
Nguyên lai nô lệ khu Thượng và khu Trung chạy vội ra ngoài mà chưa kịp tháo xiềng đã tách thành từng nhóm nhỏ, chạy bán sống bán chết vào rừng.
Chỉ có một nhóm lớn theo đường mòn hướng về phía bắc.
Nhưng vì không chuẩn bị lương thực và nước nên họ cũng chẳng kiên trì trên đường mòn được lâu, phải vào rừng tìm cái ăn, vì thế càng xé nhỏ hơn.
Nhóm này có gần hai mươi người, vốn dĩ cử một nửa vào rừng tìm thức ăn nhưng không ngờ người đi chẳng thấy quay lại, còn bị cả đàn sói nhào ra cắn xé.
Hiện tại ba người còn sống thương thế ghê rợn, dù cố gắng cứu chữa cũng chẳng thể cứu nổi, huống hồ điều kiện hiện tại không cho phép.
Đằng Nguyên đứng dậy, quay lại nói với các huynh đệ đang tập trung hết một chỗ:
- Đi tiếp…
- Còn bọn họ? – Lưu Ngọc Lâm sửng sốt.
– Không cứu sao?
- Không.
– Đằng Nguyên lạnh lùng đáp.
– Thương thế quá nặng, mang theo chỉ rước vạ vào thân.
Chúng ta đang đào tẩu chứ không phải đi cứu tế nạn dân.
Phải tìm suối để tắm rửa, tẩy sạch mùi máu trước khi trời tối, nếu không đêm nay kẻ phải chết là chúng ta.
Nói đoạn hắn bước qua các nô lệ bị thương và mấy xác chết, hướng đường mòn rảo bước.
Trình Hạ, Điền Đông và Lưu Tống lập tức theo sau.
Các nô lệ khác nhìn nhau bất lực, nhiều người thở dài cúi đầu theo Đằng Nguyên.
Ba nô lệ khu Trung kia bò lê trên đất, kêu gào thảm thiết:
- Cứu… Làm ơn cứu ta…
- Du Hạo… cứu ta… - Có kẻ biết tên Du Hạo, gào lên thống thiết.
– Đều là người Tập thành, ngươi nỡ tàn nhẫn bỏ bọn ta lại đây chờ chết sao?
Du Hạo lau mũi thương vào lá cây, ánh mắt lạnh lẽo lướt qua khuôn mặt nhăn nhúm khổ sở của nô lệ nọ, buông một tiếng:
- Nỡ.
Sau đó y bước qua, dắt thương lên lưng, rảo nhanh theo Đằng Nguyên.
— QUẢNG CÁO —
Đám nô lệ túm chân những người đi phía sau, cầu xin lòng trắc ẩn.
Có điều, nhân nghĩa, thương người như Lưu Ngọc Lâm còn phải nhắm mắt làm ngơ, lực bất tòng tâm, những kẻ khác có thể làm thế nào?
Người lành lặn chưa chắc đã sống sót ra khỏi khu rừng này huống hồ kẻ đã bị cắn nát chân, rách bụng…
Nếu cứu bọn họ, mang theo kiểu gì?
Họ đi được sao?
Thảo dược ở đâu ra mà đắp vào vết thương?
Nô lệ bị đánh tróc da lưng đã sốt thập tử nhất sinh, đám người này bị sói cắn, có thể không sốt ư?
Thời gian đâu mà khiêng theo một phế nhân trong khi mạng mình còn chẳng biết có giữ nổi không.
Đằng Nguyên chẳng lắm lời thừa hơi mà giải thích, cứ tiến thẳng về phía trước.
Những kẻ nhân nghĩa chần chừ một hồi, dù oán trách Đằng Nguyên quá mức lạnh lẽo vô tình nhưng khi chính họ dừng lại muốn cứu người thì bế tắc hoàn toàn.
Đây không phải Đằng Nguyên ép họ không được cứu mà đảo qua suy nghĩ làm thế nào để cứu mới biết hai chữ “bất lực” viết ra sao.
Đến khi từng người, từng người trong số họ bước qua, để mặc ba nô lệ bị thương ở đó chờ chết, bản thân họ cũng lạnh lùng, vô tình, ích kỷ và đáng trách không khác gì Đằng Nguyên.
Do vậy chẳng kẻ nào dám hé răng lên án hắn.
Phàm là con người, sống trên đời đều vì chính mình trước.
Đội của Đằng Nguyên cắm đầu chạy về phía trước, bỏ lại tiếng kêu gào, rên rỉ khóc lóc, oán hận… của ba kẻ thảm thương.
Lưu Ngọc Lâm bứt rứt trong lòng, chạy vọt lên trước sóng vai với Đằng Nguyên, nhìn sườn mặt bình thản đến đáng giận của hắn, mất một lúc lâu mới mở miệng hỏi:
- Nếu đệ cũng bị thương như vậy, huynh sẽ bỏ đệ lại hả?
Đằng Nguyên liếc Lưu Ngọc Lâm, nhếch mép cười tà:
- Trí nhớ của đệ bị bọn cẩu cai nô gặm hết rồi à? Kẻ nào đã cõng đệ từ trong núi chạy ra?
Lưu Ngọc Lâm sực nhớ tới chuyện Đằng Nguyên đã cứu mạng gã hồi còn ở Tụ Sơn thôn, cảm giác hổ thẹn trào lên xen lẫn hoan hỉ.
Tuy nhiên gã vẫn đặt ra giả thiết: — QUẢNG CÁO —
- Tình huống không giống nhau… Đệ nói tương lai phía trước cơ.
- Có thể giống nhau sao? Đệ cứ bị thương đi thì biết.
- Đằng Nguyên cười khẽ một tiếng, nói nước đôi.
Điền Đông ở phía sau tát bốp một phát vào đầu Lưu Ngọc Lâm, mắng:
- Có thể giống nhau sao? Ngu xuẩn!
Đương nhiên là không giống.
Lưu Tống quăng cho Lưu Ngọc Lâm ánh mắt chê bai nhưng thông cảm vì Lưu Ngọc Lâm còn trẻ tuổi, chưa hiểu chuyện, đôi khi mông lung vì những điều quá rõ ràng.
Đằng Nguyên hỏi ngược lại:
- Nếu ta bị thương nặng như vậy, chân không đi được, trúng độc sắp chết, đệ có bỏ lại ta mà chạy không?
Lưu Ngọc Lâm rít lên:
- Bệnh thần kinh à? Đương nhiên không bỏ… Ta sẽ cõng huynh theo cho đến khi huynh toi đời hoặc xóc muốn chết mà bò xuống tự đi.
Nói đến đây, Lưu Ngọc Lâm tắt tiếng, vỡ lẽ, lập tức ngậm miệng.
Đằng Nguyên mỉm cười, vò vò cái đầu đinh của Lưu Ngọc Lâm.
Tình nghĩa huynh đệ bọn họ làm sao mấy nô lệ lạ mặt kia có thể so được.
Hoàn toàn không giống nhau.
Người dưng nước lã, bèo nước gặp mặt, Đằng Nguyên dứt khoát bỏ qua nhưng huynh đệ cùng thôn, cùng trải qua hoạn nạn cho đến tận giờ phút này thì không thể bỏ.
Hắn sẽ bảo vệ họ đến cùng, chỉ là không nói ra thành lời mà thôi.
Những nô lệ phía sau loáng thoáng nghe thấy cuộc đối thoại, mỗi người một suy nghĩ.
Người hoang mang không biết khi mình bị thương có được ai đó sẵn sàng mang theo hay sẽ bị bỏ lại.
Kẻ âm thầm đánh giá huynh đệ cùng đồng cam cộng khổ với mình, ai sẽ cõng mình theo, ai sẽ bỏ mình lại; mình sẽ cứu ai, bỏ ai…
— QUẢNG CÁO —
Lòng người thâm sâu khó dò, mỗi kẻ một suy nghĩ.
Họ rẽ khỏi đường mòn khi phát hiện có một nhóm nô lệ khu Trung đang đốt lửa ngay trên vệ đường dưới chân quả núi kế tiếp.
Đằng Nguyên giải thích cho các huynh đệ lý do phải tránh đi:
- Những nô lệ chạy trước không có lương thực và nước, đã chạy khỏi mỏ ba ngày rồi, khẳng định đói khát.
Bọn họ còn nhiễm độc, đã lâu không có thuốc giải, độc tố trong người đang phát tác.
Hồi nãy một nô lệ khu Trung nôn ra máu có lẫn dịch nhầy màu vàng, đây chính là do độc gây ra, không phải bị nội thương.
Nếu chúng ta chạy ngang qua, khẳng định những nô lệ phía trước kia sẽ cầu xin được nhập vào…
Như vậy phải chia lương thực, nước và thảo dược cho họ.
Đội của Đằng Nguyên sẽ thêm gánh nặng.
Các huynh đệ lập tức hiểu ra.
Đằng Nguyên nói tiếp:
- Một đội quá đông không những khó khăn di chuyển mà còn tiềm ẩn nguy cơ bằng mặt không bằng lòng, nuôi ong tay áo.
Những kẻ khác chí hướng nhập vào, tâm tâm niệm niệm lo cho an nguy của bản thân, bất chấp thủ đoạn cầu sinh có thể đẩy chúng ta vào chỗ chết để cứu tính mạng chính chúng.
Hắn ngừng lại không nói thêm điều gì.
Nô lệ trong đội đều hiểu, không ai lên tiếng phản đối, chất vấn về sự ích kỷ này.
Họ chẳng đủ lương thực, nước và thảo dược để mà chia cho những kẻ xa lạ nào đó trên đường.
Trình Hạ nghĩ ngợi một hồi, lớn tiếng hỏi:
- Đằng huynh… Liệu nô lệ khu Thượng đào tẩu trước có dồn hết về đường mòn này không?
Đằng Nguyên cười lạnh:
- Hết thì không nhưng phần đông chạy hướng này là có khả năng.
Bọn họ sẽ đánh động lính chuyển đá, Bạch Đà quân, thậm chí người dân Vạn Tư quốc.
Chuyện nô lệ đồng loạt trốn khỏi mỏ Dạ Cổ sẽ sớm bại lộ vì động tĩnh quá lớn.
Chúng ta không có thời gian đâu.
Các huynh đệ gật như gà mổ thóc.
Cẩm Bàng nhìn chằm chằm gáy Đằng Nguyên, mắt lóe sáng kinh ngạc.
Họ đi vòng qua chỗ đám nô lệ kia.
Trong khi đi một vòng lớn qua chân núi, Đằng Nguyên tìm thấy một khe suối nhỏ.
Cả đội thay nhau tắm táp, gột rửa.
Y phục có thể giặt thì giặt sạch, xát cỏ đuổi muỗi mà Điền Đông kiếm được; cái nào không thể giặt lập tức vứt bỏ, hạn chế tối đa mùi máu.
Mấy huynh đệ bị thương nhẹ trong lúc đánh nhau với đám cai nô đắp thảo dược lên các vết thương, cột chặt lại.
Xong xuôi, họ quay lại đường mòn, tiếp tục chạy như ma đuổi về phía bắc..