Dường như may mắn của Đằng Nguyên mấy năm nay đều đã bị sử dụng hết vào hai vụ đầu độc lính cai nô và khoảng thời gian dẫn đội đào tẩu khỏi mỏ Dạ Cổ.
Ngày thứ tư, kỵ binh bắt đầu cho hắn ăn.
Thức ăn không có độc nhưng mê dược bị đổi thành loại khác khiến tất cả nỗ lực làm quen của Không Đàm trở nên vô nghĩa.
Đằng Nguyên lại rơi vào tình trạng mê man, ngày ăn một bữa, uống một gáo nước, mơ mơ hồ hồ rung lắc như điên trên xe suốt ba, bốn ngày kế tiếp.
Hắn không xác định được rõ thời gian, đầu óc u mê.
Không Đàm sử dụng độc tố tích tụ trong cơ thể để chữa lành các vết thương do tên bắn nhưng vì tác dụng của mê dược, quá trình này rất chậm, nhìn từ bên ngoài gần như không thấy có sự khác biệt.
Đằng Nguyên nằm lay lắt trong xe, không tỉnh táo nổi mà tính toán chuyện đào tẩu.
Khi gần đến thành Huỳnh Tương, một lần nữa kỵ binh lại đổi mê dược.
Đằng Nguyên gần như tuyệt vọng.
Hắn biết tà thể dù khác thường, sức chống chịu mãnh liệt cũng không sống nổi nếu bị chặt đầu.
Hắn loáng thoáng nghe được bọn lính nghị luận về các cực hình mà hắn phải chịu khi đến Huỳnh Tương, đủ loại ghê rợn từ kẹp nát xương, lột da đến xẻo thịt, khoét mắt.
Nhưng trên hết, dù hắn chết sớm hay chết muộn chúng cũng chặt đầu hắn treo lên tường thành thị chúng.
Chặt đầu là toi rồi!
Lần trước ở mỏ Dạ Cổ tưởng chết nhưng Không Đàm chỉ tạo trạng thái chết giả, thân thể đóng băng cứng như đá, không còn hơi thở, tim ngừng đập.
Bọn lính canh mỏ đã mang nguyên “thi thể” ra hố xác vứt vì nghĩ sói sẽ dọn nốt phần còn lại.
Chúng không chặt đầu hắn nên hắn còn sống đến giờ này.
Tuy nhiên nếu lần hành hình sắp tới, chặt đầu là bắt buộc, Đằng Nguyên chắc phải đi đầu thai.
Đời hắn kết thúc dễ dàng vậy sao?
Đằng Nguyên dùng toàn bộ sự tỉnh táo để giữ đầu óc tỉnh táo, cố chống lại mê dược, nỗ lực tính kế thoát thân.
Khi hắn có thể ngồi dậy nhìn cảnh vật hai bên đường thì dịch trạm Huỳnh Tương đã ở ngay trước mặt.
Đám kỵ binh Bạch Đà quân quây săm soi Đằng Nguyên hồi lâu, tuốt gươm đao sáng loáng.
Khi xác định hắn run rẩy không có sức chống cự chúng mới cho người mở cũi lôi hắn ra ngoài.
Trên cổ Đằng Nguyên xuất hiện thêm một cái gông.
Một ngày cuối cùng, Đằng Nguyên bị áp tải đi bộ từ dịch trạm ngoại thành về tới cổng thành Huỳnh Tương.
Xích sắt trên tay, dưới chân, gông trên cổ nặng trĩu, đi lại còn khó khăn chứ đừng vọng tưởng chuyện phá gông giật đứt xích đánh trả.
Khi còn đầy đủ sức mạnh của tầng thứ hai Huyết Liên, Đằng Nguyên cũng không dứt đứt được xích nô lệ của mỏ Dạ Cổ, huống hồ mấy sợi xích này lớn gấp đôi.
Hắn sốt ruột phát điên, đầu óc quay cuồng tính cách tẩu thoát nhưng đều phí công.
Kỵ binh bổ sung thêm bộ binh vào đội áp tải, từ mười tên tăng lên thành hai mươi tên.
Đằng Nguyên không bị cho uống mê dược vì còn phải đi bộ nhưng sau hơn chục ngày, phàm thể như cái lọ đựng mê dược, chân tay hắn còn cảm giác, còn bước đi được đã là đỉnh lắm rồi.
Có điều đánh trả là bất khả.
— QUẢNG CÁO —
Hắn thử dùng sự đau đớn để khiến đầu óc thanh tỉnh nhưng vô ích, bấm vào tay không có bao nhiêu cảm giác đau.
Hắn cứ thế một đường bị lôi tới cổng thành Huỳnh Tương vào giữa trưa ngày thứ mười ba, bị một đội kỵ binh Bạch Đà quân mũ giáp sáng loáng, tên nào tên nấy to lớn hung hãn tiếp nhận, lôi lên cột hành hình.
Nắng giữa tháng sáu thiêu đốt da thịt Đằng Nguyên, y phục trên người hắn bị lột sạch chỉ chừa lại mỗi tiết khố bẩn thỉu đầy máu; gông và xiềng xích tay được tháo ra.
Cột hành hình là một đài cao xây ngay bên ngoài cổng thành Huỳnh Tương, trông cũng giống cái ở mỏ Dạ Cổ nhưng được dựng toàn bộ bằng đá.
Hai cây cột đá nhẵn bóng chôn hai bên, cây cột bắc ngang nhỏ hơn, cũng là đá trắng được chạm khắc chìm nổi phức tạp, vừa đẹp mắt vừa giữ được xích không trượt qua lại.
Trên cột ngang có hai sợi xích to thõng xuống.
Đằng Nguyên đứng nhìn tường đá cao chót vót hùng tráng bao bên ngoài thành Huỳnh Tương, tháp canh hai bên xây vọt lên đầy ắp lính canh mặc giác nâu, cổng thành làm bằng gỗ hai cánh vừa to vừa chắc chắn, lòng cảm khái không thôi.
Đời hắn tàn ở chốn này ư!
Rất nhiều sự hối hận trào lên loạn xạ trong đầu, trong tim hắn.
Giữa trưa, cổng thành vẫn mở, Bình binh gác cổng đứng thành hàng dài, bá tánh qua lại thưa thớt.
Khi Đằng Nguyên được đưa tới, nhiều kẻ dừng lại nhìn ngó, chỉ trỏ nghị luận.
Hắn bị lôi lên đài, xích hai tay treo lên như hình chữ Y, tư thế không khác lần trước bất quá tầm nhìn thấp hơn, đông người xem hơn và Bạch Đà quân quây tròn canh gác dày đặc.
Phải tới gần năm mươi tên phụ trách gác vòng trong vòng ngoài quanh cột để ngăn hắn chạy trốn.
Chúng cho Đằng Nguyên uống một bát thuốc có độc khiến mê dược trong thân từ từ bị áp chế, cảm giác như kim châm đau nhức nhối dưới da duy trì trong thời gian một chén trà cho đến khi độc tính bắt đầu được tà thể hấp thu.
Đầu óc hắn tỉnh táo phần nào, phàm thể dần có cảm giác trở lại.
Đây là thuốc giải mê dược.
Đằng Nguyên quan sát bốn phía.
Bạch Đà quân ở lại canh gác có cả thảy bốn mươi bốn tên, không kể tên Ngũ dinh thường xuyên chạy mất hút.
(Ngũ dinh cao hơn đội trưởng Lục dinh một bậc, quản lý nhiều binh lính hơn.) Chúng đứng quay lưng lại với Đằng Nguyên, một số tên quay mặt về phía hắn, xếp thành hình vuông quanh cột hành hình.
Toàn bộ bọn này là lâu la, đội mũ giáp đầy đủ, không có nô lệ và tiểu tướng quý tộc nào xuất hiện.
— QUẢNG CÁO —
Bên dưới đài hành hình có một cái bảng đá trắng lớn dán cáo thị.
Bá tánh qua lại cổng thành xúm xít tới xem cáo thị viết bằng chữ Vạn Tư quốc mà Đằng Nguyên không biết đọc, nghị luận om sòm:
- Đằng Nguyên… Tên này là chủ mưu dẫn nô lệ đào tẩu?
- Huynh đài, cho hỏi đào tẩu ở đâu vậy?
- Không thấy viết.
Chỉ viết vụ đào tẩu quy mô lớn, rất nhiều nô lệ đã trốn thoát.
Tên này là chủ mưu, phải dụng hình đến chết, chặt đầu bêu trên tường thành thị chúng.
- Dụng hình đến chết rồi còn chặt đầu? Sao không trực tiếp chặt đi cho nhanh?
- Đại thẩm này thật là… Lần đầu thấy nô lệ đào tẩu bị hành hình sao? Phải dụng hình để răn đe những nô lệ khác.
- Phải đấy.
Ngày mai kiểu gì các thế gia cũng cho nô lệ nhà họ ra nhìn một lượt lấy đó làm gương.
Đào tẩu bị bắt lại chỉ có nước chết thảm.
Thanh âm xôn xao bàn tán lọt hết vào tai Đằng Nguyên không sót lời nào.
Hắn nhìn kỹ những bá tánh Vạn Tư quốc xúm xít chỉ trỏ, thấy dường như họ không khác bá tánh Sa Lục Châu là bao, lòng vô cùng khó chịu.
Nam nhân người Vạn Tư quốc để tóc dài tết sát da đầu; y phục vải dệt hoặc bố sam thô lậu nhưng nếu là bố sam sẽ thêu hoa văn vuông trang trí ở cổ tay, cổ áo và vạt trước.
Những hoa văn này được quan niệm là may mắn, trừ tà và trường thọ… Đằng Nguyên không rõ lắm chỉ thấy bá tánh ở đây chú trọng đến y phục hơn mấy sơn thôn xa xôi mà hắn ẩn nấp tháng trước.
Hán tử thích đeo các loại vòng bằng răng nanh trang trí quanh thắt lưng, vòng tay và vòng cổ cũng làm bằng răng nanh, nhiều kẻ xỏ lỗ tai như nữ nhân, vô cùng kỳ dị.
Thế gia công tử quyền quý bận y phục vải dệt tinh xảo, đeo ngọc ở thắt lưng, các loại vòng cổ, khuyên tai, đồ trang trí tóc cũng lủng lẳng lạ mắt.
Nếu không phải người Vạn Tư quốc cao lớn lực lưỡng, tên nào tên nấy dữ tướng, đeo loan đao hoặc dao găm bên hông, chắc Đằng Nguyên sẽ tưởng đám công tử đó là kỹ nam đỏm dáng từ tửu lâu chạy ra.
— QUẢNG CÁO —
Nữ nhân Vạn Tư quốc nhìn chung to béo, xấu hơn nữ nhân Sa Lục Châu; y phục vải dệt hoạ tiết tinh xảo hơn nam nhân, rất ít người bận bố sam.
Thiếu nữ chưa thành thân sẽ tết tóc, thả suôn một phần sau lưng; phụ nhân đã thành thân thì tết tóc rồi búi các kiểu phức tạp.
Trang sức của nữ nhân còn lủng lẳng lằng nhằng hơn.
Nhiều người đội mũ lông vũ, gắn các đồ lông vũ trên tóc bất chấp thời tiết cuối tháng sáu nắng nóng gay gắt.
Đằng Nguyên nghe hết tốp nọ tốp kia tụ tập nghị luận nửa buổi chiều, loại người nào cũng thấy qua, lông mày hắn nhíu xệch.
Bá tánh nơi nào cũng như nhau, kẻ nọ người kia đủ loại, lương thiện có, gian xảo có, thông thái có, ngốc nghếch có… Dù họ qua lại, ở xung quanh, hay ngụ trong một thành lớn như thành Huỳnh Tương, được bảo vệ bởi Bạch Đà quân tàn bạo cũng chẳng đại biểu cho cái gì.
Hầu hết bọn họ không biết vụ thảm sát Tập thành và Hồi thành mặc dù hai tòa thành này nằm ngay bên kia biên giới, giáp thành Huỳnh Tương.
Các phụ nhân tụ tập chỉ trỏ Đằng Nguyên, hỏi nô lệ Sa Lục Châu từ đâu ra.
Đám lão hán đoán già đoán non Đằng Nguyên bị bán từ Sa Lục Châu sang qua các thương đội nhưng hắn không chịu an phận mà tổ chức nô lệ bỏ trốn mới ra nông nỗi này.
Hán tử cho rằng hắn thật đáng đời, nhà nào có nô lệ đều muốn mang nô lệ ra xem, lấy đó mà làm gương.
Các nữ nhân chưa chồng nhìn chằm chằm thân thể trần trụi đầy sẹo của Đằng Nguyên, rất ít tiểu cô nương tỏ ra e thẹn, hoàn toàn không giống nữ nhân Sa Lục Châu yểu điệu, giữ ý.
Nhiều tiểu thư thế gia còn tiếc rẻ vì Đằng Nguyên trông cao lớn tuấn tú, thì thầm hỏi người nhà xem có thể mua lại hắn không.
Bất quá vàng bạc nào mua được mạng Đằng Nguyên giờ này?
Án tử đã định, dấu trên cáo thị là của Tướng quân Hàm Tang – thống lĩnh Bạch Đà quân – kẻ nào dám nhấc hắn xuống mang bán chắc muốn lấy mạng nam đinh toàn tộc mình..