Tâm Lý Học

Bipolar Disorder - Bệnh Lưỡng Cực

Bệnh Lưỡng cực từng được gọi là bệnh phấn khích – trầm cảm. Và đến tận nay có nhiều nhà tâm lý học thích dùng thuật ngữ này hơn vì nó diễn tả đúng các triệu chứng của bệnh. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-4 thì bệnh nhân mắc bệnh Lưỡng cực phải trải qua giai đoạn phấn khích và trầm cảm, hai giai đoạn trái ngược hẳn nhau thế nên mới có tên là bệnh Lưỡng cực. Tuy nhiên khi bản chính của DSM-5 ra đời năm ngoái thì phần chẩn đoán này đã bị loại bỏ và thay vào đó, DSM-5 nhấn mạnh giai đoạn phấn khích và tạo ra một phần tiêu chuẩn chẩn đoán mới cho bệnh Lưỡng cực có đủ giai đoạn phấn khích và trầm cảm. Nhưng ở bài viết này, tôi chỉ đề cập đến bệnh Lưỡng cực I và II nhấn mạnh vào giai đoạn phấn khích với những triệu chứng chẩn đoán theo DSM-5. Xin hãy lưu ý từ "phấn khích" ở đây tôi dùng với ý nghĩa tột cùng, cực kỳ phấn khích (thế nên mới gọi là "cực") , chứ không phải phấn khích vui mừng bình thường.

Phấn khích, tuy khác hẳn với trầm cảm, nhưng cả hai đều có chung đặc điểm là sự nhiễu loạn cảm xúc đi kèm với nhiều triệu chứng khác. Triệu chứng của phấn khích bao gồm cảm xúc hân hoan, tự mãn về bản thân, thời gian ngủ ít đi, dễ bị phân tâm, áp lực cần phải nói và nói nhiều hơn nữa, và suy nghĩ dường như chạy đua trong đầu nhanh hơn cả nói. Vì thế phấn khích tột độ giống như trầm cảm, là một hội chứng tâm lý.

Để nhìn rõ hơn các khía cạnh của hội chứng tâm lý này, chúng ta hãy bắt đầu với một case bệnh và thông qua đó, xác định các triệu chứng chẩn đoán của chứng Lưỡng cực.

Debbie, một cô gái độc thân 21 tuổi, phải nhập viện tâm thần giữa giai đoạn phấn khích. Cô đã từng được chữa trị tâm lý trầm cảm khoảng vài tháng khi cô còn học ở trường cấp 3 nhưng sau đó thì cô không nhận bất kỳ trị liệu nào nữa. Sau khi chấm dứt hai mùa học ở trường đại học cộng đồng thì Debbie tìm được một công việc tốt tại văn phòng quảng cáo của tòa soạn báo địa phương, và cô đã làm việc ở nơi đó khoảng hai năm.

Giai đoạn phấn khích của Debbie có thể lần ngược lại khoảng ba tháng trước khi cô nhập viện. Lúc ấy Debbie cảm thấy vui vẻ một cách bất thường trong vài tuần. Ban đầu thì cô không nghĩ đến điều gì bất thường. Ngược lại, Debbie cảm thấy như vậy rất rốt. Mọi thứ dường như đang đi đúng hướng. Năng lượng của cô tràn đầy, đồng thời cô cảm thấy tự tin với chính bản thân của mình và trong mọi mối quan hệ với người khác, đặc biệt là với cậu bạn trai mới vừa chuyển đến một thành phố xa. Ban đầu, cô rất chào đón cảm giác này, một phần vì bản tính Debbie khá ngại ngùng và xấu hổ khi phải tiếp xúc với người khác.

Một ngày nọ, Debbie cảm thấy cực kỳ hồ hởi. Cô thôi việc một cách bốc đồng và đi thăm bạn trai mình. Bỏ công việc mà không suy xét kỹ, và không có phương hướng thay thế tìm công việc khác là dấu hiệu đầu tiên cho thấy khả năng phán đoán, suy xét sự vật sự việc của Debbie có vấn đề. Mặc dù cô chỉ mang đủ tiền để mua vé máy bay nhưng cô ở lại thành phố đó tận vài tuần. Cũng chính trong khoảng thời gian đó, cô bắt đầu thấy khó ngủ. Cảm xúc của cô bắt đầu thay đổi. Dần dần vui mừng bị thay thế bởi sự khó chịu, bực mình. Cô trở nên mất kiên nhẫn và cực kỳ nóng vội, và điên tiết lên nếu bạn trai không đồng ý với cô. Một lần nọ, cả hai có một trận cãi vã lớn ở bãi đỗ xe trước nhà của cậu bạn trai. Cô cởi áo ra và từ chối mặc lại một cách bực tức mặc cho cậu bạn trai yêu cầu và cả sự hiện diện của mọt số người chung quanh. Ngay sau đó cô thu dọn quần áo và đi ra đường vẫy tay xin quá giang vài chiếc xe để đi về nhà.

Lúc về đến nhà ba mẹ, Debbie bắt đầu cãi nhau với họ không ngừng nghỉ trong vòng vài ngày. Cảm xúc của cô dao động thường xuyên. Có lúc cô tràn trề động lực với những kế hoạch và dự định và nếu kế hoạch cô gặp trở ngại thì ngay lập tức cô sẽ trở nên cuồng nộ giận dữ. Cô gọi điện cho một câu lạc bộ tennis và đề nghị được huấn luyện riêng mặc dù cô không đủ khả năng tài chính để chi trả chuyện đó. Mẹ cô phải ngăn cuộc điện thoại giữa chừng và cô bỏ nhà đi trong giận dữ, tiếp tục quá giang nhờ xe đến câu lạc bộ tennis. Giữa đường cô được hai người đàn ông lạ mặt cho quá giang và khuyên cô theo họ đi dự tiệc thay vì đi tập tennis. Khi đến bữa tiệc, cảm xúc của cô trở nên phấn khích lại và ngay trong đêm đó cô quan hệ tình dục với ba người đàn ông lạ mặt mà cô chưa gặp bao giờ.

Ngày hôm sau cô mượn tiền một người bạn và trở về nhà. Lúc đó cô đã có cuộc cãi vã lớn với ba mẹ. Debbie tấn công ba của mình và lái xe của họ đi. Giận dữ, thất vọng và lo sợ trước hành động của con, ba mẹ cô đã gọi cảnh sát đến. Thông qua sự xác định của chuyên viên tâm lý trước sự bất thường về nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc bạo lực, cả khả năng phán xét của Debbie, chuyên viên tâm lý đã sắp xếp để cô được nhập viện.

Trong viện, biểu hiện của Debbie đầy tính tham chiến, khiêu khích và đòi hỏi. Mặc dù cô ngủ tổng cộng khoảng bốn giờ trong ba ngày, cô bảo cô vẫn tràn trề năng lượng. Cô quyến rũ lẳng lơ trước những bệnh nhân nam khác bằng cách ngồi trên đùi họ, hôn họ và thỉnh thoảng cởi áo quần mình ra. Debbie có vài ý tưởng lạ lùng như bảo cô là vận động viên bơi lội Olympics, hoặc cô là sinh viên trường y. Cô không nghĩ nhận thức của mình có vấn đề gì, và cô khẳng định rằng mình đến viện tâm thần là vì muốn giúp đỡ các bệnh nhân khác.

"Tôi là chuyên viên chữa trị tâm linh học, tôi có năng lực chữa thương từ vũ trụ. Tôi nhìn mọi thứ rõ ràng và sâu đến tận gốc rễ và tôi phải chia sẻ kiến thức này cho những người xung quanh."

Cũng giống như bệnh trầm cảm. Các triệu chứng của bệnh Lưỡng cực chia làm bốn mục: Cảm xúc, Nhận Thức, Sinh lý và Hành vi.

Triệu chứng cảm xúc:
Bệnh nhân cảm thấy phấn khích không tưởng, tựa như họ đang "đứng trên đỉnh thế giới". Giống như Debbie vậy, cô cảm thấy vui vẻ lạc quan, mặc cho những hành vi không phù hợp ấy mang lại bất lợi cho cuộc sống của cô. Tuy nhiên, qua một thời gian những cảm xúc đó trở nên trầm trọng hơn, kéo dài trở nên có hại với người bệnh. Chưa có một ranh giới rõ ràng nào giữa cảm giác tích cực, vui vẻ, làm việc hiệu suất cao với cảm xúc không thể điều khiển được và gây hại đến bản thân.

Kay Jamison, giáo sư môn tâm thần học ở trường y học John Hopkins đã diễn tả lại sự chuyển đổi thầm lặng này trong căn bệnh Lưỡng cực mà cô mắc phải.

"Có một nỗi đau rất đặc biệt, phấn chấn, cô độc và khiếp sợ trong cơn điên rồ này. Khi bạn phấn chấn vui vẻ, những cảm xúc đó rất to lớn, dữ dội. Suy nghĩ và cảm xúc lướt qua bạn nhanh và thường xuyên như sao băng, và bạn cứ đi theo nó cho đến khi bạn tìm được cái tốt hơn và sáng hơn. Xấu hổ không còn, năng lực quyến rũ người khác như điều hiển nhiên. Bạn trở nên nhạy cảm hơn, muốn quyến rũ người khác và được người khác quyến rũ. Tất cả những vấn đề khó khăn dường chưa tồn tại. Bỗng nhiên, mọi thứ từ từ thay đổi. Những suy nghĩ, ý tưởng đó trở nên quá nhanh, nhanh đến mức bạn không kịp nắm bắt nó. Sự rối loạn thay thế sự rõ ràng. Mọi thứ lúc trước đang đi đúng hướng dường như bây giờ chống đối lại bạn. Bạn cảm thấy khó chịu, giận dữ, sợ hãi, không kiềm chế được bản thân và bạn giống như bị nhốt trong cái hang động đen tối nhất của tâm trí."

Nhiều người mắc bệnh lưỡng cực, mặc dù họ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nhưng đồng thời cũng rất dễ tức giận, giống như Debbie trong case bệnh bên trên.

Triệu chứng nhận thức:
-Các bệnh nhân bệnh Lưỡng cực thường nói rằng suy nghĩ của họ đột nhiên nhanh hẳn đi. Ý tưởng suy nghĩ lướt qua đầu họ trước khi họ kịp suy nghĩ. Bệnh nhân còn thường dễ bị phân tâm, phản ứng trước những kích thích ngoài theo cách không thể lý giải nổi hoặc không mạch lạc. Sự hoang tưởng khuếch đại và tự mãn quá mức về bản thân cũng là một trong những đặc điểm của bệnh Lưỡng cực. Trong trường hợp trên thì Debbie nghĩ rằng mình là vận động viên Olympics và nhà tâm linh học là các triệu chứng nhận thức.

Triệu chứng cơ thể:
Người bị bệnh lưỡng cực ngủ rất ít nhưng lúc nào cũng cảm thấy trần trề năng lượng và phấn khích tột đỉnh. Tuy nhiên việc không đảm bảo giấc ngủ khiến cho khả năng tư duy và cảm xúc của họ bị ảnh hưởng. Đó cũng có thể là lý do sau một thời gian cảm thấy phấn khích và tích cực thì cảm xúc người bệnh chuyển sang khó chịu, giận dữ và nóng nảy.

Triệu chứng hành vi:
Như tôi lặp đi lặp lại nhiều lần bên trên. Người mắc bệnh lưỡng cực thích giao du và đầy năng lượng. Hành vi của Debbie là một ví dụ. Hành vi quyến rũ và thách thức của cô ở trong viện là không phù hợp. Cô không thể nào ngồi yên một chỗ trong vài phút. Dường như mọi thứ trở nên cực kỳ thú vị với cô và cô dễ bị phân tâm, thay đổi từ suy nghĩ này đến kế hoạch khác.

Tổng kết lại, các triệu chứng dùng để chẩn đoán bệnh Lưỡng cực bao gồm:

-Suy nghĩ rời rạc, nhanh và không liên kết

-Suy nghĩ, niềm tin hoang tưởng.

-Cảm giác khó chịu không phù hợp với tình huống

-Cảm giác hân hoan không phù hợp

-Ham muốn tình dục tăng cao

-Nói nhanh hơn bình thường và lớn giọng.

-Có nhiều năng lượng hơn mức bình thường.

-Khả năng suy xét phán đoán giảm

-Ngủ ít vì năng lượng nhiều hơn mức bình thường, gây ra khó ngủ.

Giai đoạn phấn khích phải kéo dài trong một tuần và hầu hết mỗi ngày, và phải có từ ba triệu chứng tôi liệt kê ở trên trở lên mới được chẩn đoán bệnh Lưỡng cực.

Giai đoạn phấn khích này được chia làm hai loại, cực phấn khích và hơi phấn khích. Sự khác nhau giữa hai loại này dựa vào mức độ nặng nề và thời gian của nó. Với cực phấn khích thì giai đoạn này phải kéo dài ít nhất một tuần, còn với hơi phấn khích thì giai đoạn này phải kéo dài ít nhất bốn ngày. Cực phấn khích khiến người bệnh không thể tham gia vào các hoạt động xã hội bình thường như Debbie, còn người bệnh với giai đoạn hơi phấn khích thì họ vẫn có thể tham gia các hoạt động xã hội bình thường dù họ có thể gặp một số khó khăn nhất định.

Bệnh lưỡng cực với cực phấn khích như Debbie sẽ được xếp vào bệnh lưỡng cự c loại I. Một số bệnh nhân với chẩn đoán này đồng thời cũng có khoảng thời gian bị trầm cảm trước hay sau giai đoạn phấn khích.

Bệnh lưỡng cực với hơi phấn khích sẽ được xếp vào loại II. Ngoài ra các triệu chứng chẩn đoán của hai bệnh này gần như giống nhau.

Bệnh trầm cảm nếu xuất hiện giai đoạn phấn khích sẽ ngay lập tức được chẩn đoán là bệnh Lưỡng cực thế nên không có trường hợp hai bệnh xảy ra trong cùng một người. Chỉ có hoặc bệnh trầm cảm, hoặc bệnh Lưỡng cực.

Đã xong phần triệu chứng, vậy thì chúng ta cùng đi đến phần nguyên nhân nhé. Do chưa có nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh tâm lý nên hầu hết các bệnh tâm lý đều được xét dưới mô hình xã hội, sinh học và tâm lý. Bệnh Lưỡng cực cũng không ngoại lệ.

Nghiên cứu về những ảnh hưởng của tác nhân xã hội và tình huống áp lực đối với bệnh Lưỡng cực không nhiều nhưng một vài nghiên cứu đã cho thấy vài tuần trước giai đoạn phấn của thì tầng suất các sự kiện áp lực trong cuộc sống đều tăng cao. Khác với bệnh trầm cảm, các sự kiện diễn ra trước giai đoạn phấn khích tột độ không phải tiêu cực mà là tích cực ví dụ như họ đạt được mục tiêu quan trọng nào đó trong cuộc sống, được lên chức v...v

Sự chỉ trích của những người thân trong gia đình đối với bệnh nhân bị bệnh Lưỡng cực có thể khiến cho họ tái phát bệnh nhanh hơn. Bằng chứng này cho thấy tiến trình của bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường.

Nghiên cứu giữa các cặp song sinh cùng trứng và khác trứng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh Lưỡng cực ở các cặp song sinh cùng trứng cao hơn hẳn so với các cặp song sinh khác trứng. Vì thế bệnh Lưỡng cực có thể di truyền được, nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh thì tỷ lệ con cũng mắc bệnh Lưỡng cực cao hơn người thường.

Ngoài ra sự rối loạn chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrine (có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc), hoặc có nhiều chất dẫn truyền GABA (có chức năng gây hứng khởi) đều có thể gây ra bệnh Lưỡng cực.

Vì thế nên thuốc dùng để điều rị bệnh Lưỡng cực thường dùng các thuốc điều chỉnh hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh này. Trong đó muối Lithium carbonate (LiCO3) được dùng nhiều nhất. Muối này làm giảm hàm lượng GABA và khiến cảm xúc ổn định hơn. Tuy nhiên có khoảng đến 40% bệnh nhân mắc bệnh Lưỡng cực không cải thiện sau khi dùng thuốc. Những trường hợp như thế thì bệnh nhân sẽ được kê đơn dùng thuốc chống chấn động (anticonvulsant). Có khoảng 50% bệnh nhân có phản ứng tích cực với thuốc và thuốc này có thể dùng để trị giai đoạn phấn khích tột độ rất tốt.

Đi cùng với việc dùng thuốc thì phương pháp chữa trị nhận thức cũng được áp dụng nhiều. Hai phương pháp này được áp dụng chung với nhau làm tăng thêm hiệu quả chữa bệnh. Phương pháp chữa trị nhận thức cố gắng điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của bệnh nhân với các tình huống áp lực trong cuộc sống cũng như quan điểm của bệnh nhân về việc dùng thuốc. Bệnh Lưỡng cực khó chữa hơn bệnh trầm cảm ở chỗ bệnh nhân không cảm thấy phiền với tình huống của bản thân, ngược lại, họ thích cái cảm giác phấn khích ấy hơn, họ thích được "high" như vậy thế nên một số bệnh nhân từ chối uống thuốc hoặc từ chối nhận bất kỳ điều trị nào.

Bệnh Lưỡng cực không tự nhiên mà khỏi, nếu cứ kéo dài thì tình trạng bệnh sẽ càng thêm nặng nề. Nó không phải là bệnh mà nếu bạn cứ nghĩ mình không sao là nó khỏi được.

Bài viết đến đây đã dài nên tôi xin tạm dừng ở đây. Tôi cũng không ngờ là nó dài đến vậy. Đến khi viết rồi mới phát hiện ra có nhiều điểm cần phải triển khai. Kỳ sau tôi định viết về tự tử và vài mẩu chuyện đời tôi nếu có ai muốn đọc. Còn không thì tôi chuyển qua bệnh khác vậy.

Có một chuyện tôi cần phải nói rõ ở đây. Khi các bạn đọc các bài viết về bệnh chứng, bạn có thể tự xem xem mình có bao nhiêu dấu hiệu nhưng xin đừng tự chẩn đoán mình mắc bệnh này bệnh nó. Việc đó có hại đến tâm lý của các bạn. Chẳng ai cảm thấy vui vẻ khi nghĩ mình bệnh cả và điều đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh bạn. Nếu bạn nghi ngờ phân vân thì hỹ đến gặp bác sĩ tâm lý để được định hướng và chẩn đoán chính xác nhất.

Cre: Hiroshimi.wordpress.com


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui