Tàn Dương Kiếm - Lãnh Nguyệt Đao


Núi Nga My, tiết lập thu, lá cây rừng đã quá nửa ngả màu vàng, đỏ.

Đứng ở lưng chừng núi, phóng tầm mắt ra xa nhìn tán cây bạt ngàn xanh, vàng, đỏ đan xen như một tấm thảo dệt bởi nữ chúa thiên nhiên tài hoa nhưng kiêu kỳ dệt nên, mặc cho người đời thưởng ngoạn với vẻ tiếc nuối không thể níu giữ được giây phút này mãi.

Nắng thu hanh vàng nhè nhẹ lách qua kẽ lá, khẽ nhảy múa trên nền đất mỗi lúc gió thoảng qua nhưng không làm giảm đi cái tĩnh mịch của con đường núi quanh co.

Lâu lâu thoáng có tiếng vượn hú từng đợt ngắn nghe sao cô tịch.

Tiết thu ở núi Nga My đẹp, nhưng mang theo một không khí man mác buồn đầy hoài niệm khiến ai qua cũng khó mà kiềm được phải buông khẽ một tiếng thở dài.

Dưới gốc phong già, lá đổ từng đợt như tuyết đỏ, một thiếu nữ ngẩn ngơ dựa lưng ngắm mây bay lặng lẽ.

Tiểu cô nương này còn trẻ tuổi lắm nhưng cũng học theo các sư tỷ búi tóc cao, mặc áo lụa dài thướt tha, cũng ra vẻ phong thái chững chạc lắm.

Nhưng đứng trước cảnh Bạch Vân Giáp vào thu, nét thơ trong đôi mắt biếc không thể nào giấu được mà ngẩn người, pha chút hào hứng trước thiên nhiên hào hùng.

Thả hồn vào thu, cô nhỏ không nghe thấy tiếng chân sư phụ đã tiến lại gần từ khi nào.

Mãi đến khi tiếng người vang lên nghiêm khắc, cô nhỏ mới giật nảy mình:
- Vĩnh Tình, sư phụ dặn con lên đây luyện kiếm mà sao lại ngồi chơi thế này?
Vĩnh Tình giật bắn mình, quay lại nhìn sư phụ, ấp úng thưa:
- Đệ tử biết lỗi! Mong sư phụ tha tội.

Thấy cảnh đẹp quá, đệ tử bất giác không kiềm được mà dừng tay ngắm một lát thôi ạ.

Để đệ tử đi lại bài Nhất Diệp Tri Thu, mong sư phụ chỉ điểm thêm.
Nói đoạn, Vĩnh Tình từ từ phát kiếm, thi triển lại bài kiếm pháp nhập môn của Nga My.

Đệ tử Nga My đa phần là nữ giới, kiếm pháp do vậy cũng rất mềm mại, uyển chuyển, dĩ ý bất dĩ lực.

Nhất Diệp Tri Thu, ngắm một chiếc lá rơi mà biết mùa thu đã về, quả là hợp với cảnh này lắm thay.

Chỉ Nhược nghiêm nghị xem đường kiếm của Vĩnh Tình tuy còn non nớt nhưng cũng đã nhiều phần uyển chuyển, chính là toát được cái cốt lõi của bài kiếm này.

Nàng tuy không nói ra miệng nhưng ánh mắt cũng không giấu vẻ hài lòng.

Chỉ Nhược nhậm chức chưởng môn khi chỉ mới gần ba mươi tuổi, là chưởng môn trẻ nhất trong lịch sử của Nga My.

Áo gấm đoạn thiên thanh thả tà trong gió lồng lồng, tóc búi cao khoe làn da trắng sứ, mắt như hồ thu khi cười thì như tiết xuân tràn ngập mà lúc nghiêm thì cũng không thiếu khí độ của một vị tôn sư.

Mắt nàng vô tình nhìn ra khung cảnh lạc diệp thu phong, khẽ buông tiếng thở dài.

Nơi đây lá thu đỏ, ngoài khi máu tuôn trào.

Từ sau khi quân Nguyên bị đánh đuổi khỏi lãnh thổ người Hán, Minh Thái Tổ đã lập ra nhà Minh, võ lâm dường như cũng đã yên ổn trở lại.

Ngoại trừ Minh Giáo bị tiết chế ngặt nghèo, các môn phái, bang hội khác đều dần quay lại với hoạt động thời bình.

Thiên Chí, chồng nàng, năm đó theo các nghĩa sĩ nổi lên chống quân Nguyên.

Chiến tranh vừa dứt, chồng nàng lại không may qua đời có đến hơn mười năm nay.

Nàng tránh loạn chiến, ôm con vừa lọt lòng lên nương nhờ Nga My Phái.

May được chưởng môn tiền nhiệm cưu mang, nhận làm đệ tử tục gia, lại truyền cho võ công của phái, nàng mới có cơ hội thể hiện thiên phú võ học trời ban, chỉ một thời gian rất ngắn đã nhận được tín nhiệm của chưởng môn và các đệ tử, đường hoàng trở thành chương môn Nga My.

Vừa tu luyện võ công, vừa quản một võ phái lớn, vừa phải chăm sóc con thơ, ngỡ như nàng chẳng còn thời gian để nhớ người chồng quá cố của mình.

Nhưng hôm nay ngắm mặt trời đã dần lặn nơi Bạch Vân Giáp, nỗi nhớ khôn nguôi đó lại cuồn cuộn đổ về.

Nàng bâng khuâng, khẽ nói thành tiếng:
- Thiên Chí..
Vĩnh Tình mới luyện, kiếm pháp còn có chút chưa thông, có chút ngập ngừng.

Chỉ Nhược nhẹ giọng, nói:
- Vĩnh Tình, để sư phụ chỉ điểm con thêm một lần nữa.

Nhất Diệp Tri Thu là kiếm pháp nhập môn của Nga My Phái chúng ta.

Tuy đơn giản nhưng bao hàm truyết lý căn bản của môn phái.
Vĩnh Tình hai tay dâng kiếm cho sư phụ.

Chỉ Nhược thu kiếm ra phía sau, nhắm mắt định thần, chợt thấy không khí xung quanh bỗng lặng như tờ.

Từ từ Chỉ Nhược xuất kiếm, mũi kiếm hướng xuống đất, vừa ra chiêu vừa nói:
- Nhất thức, Lục Diệp Tảo.

Nga My của chúng ta trọng lễ nghĩa, chiêu đầu tiên tất có ý khiêm nhường nhưng không để mất khí phái.

Cây non đội đất, lễ độ thẳng thắn, sức sống dồi dào.
Lại thấy đường kiếm phất lên, hoa mấy vòng kiếm quang rực rỡ, kết lại là một đường kiếm vòng nhằm vai đối thủ:
- Nhị thức, Phiên Diện Nghinh Phong.

Quân tử là thân, thuyền quyên tựa lá.

Đường kiếm phải mềm mại, linh hoạt như lá đón gió, xuất kỳ bất ý tấn công.
Chỉ Nhược lại nhún người, khẽ nhảy lên cao, lưỡi kiếm chém xuống nhưng lại khẽ lay động nhưng thực như ảo, thoắt bên phải, khi lại đảo sang trái, nhanh như chớp dứt điểm rồi hoàn kiếm, quay về thế đứng ban đầu:
- Thoái Diệp Quy Nguyên, lá rụng về cội, theo gió la đà phiêu hốt khó đoán biết.

Làm đệ tử Nga My nhất định không được quên tiên tổ, sư môn.

Nhất tâm quy nguyên, tinh vạn lễ.
Kiếm pháp nhập môn, tất nhiên đơn giản nhưng vào tay Chỉ Nhược cũng muôn phần uy lực.

Kiếm phong xuất ra như gió thu man mác, không cuồng mãnh như gió đông nhưng bao quát cả không trung, đâu đâu cũng thấy kiếm ảnh.

Vĩnh Tình nhìn sư phụ chỉ điểm kiếm pháp, trong lòng vô cùng ngưỡng mộ.

Kiếm đã thu về hồi lâu vẫn chưa định thần, ngây ra nhìn.

Chỉ Nhược lúc đó mới hỏi:
- Con đã nhớ kỹ chưa?
Vĩnh Tình mau mắn gật đầu, thưa:
- Thưa sư phụ, con đã nhớ rồi.
Chỉ Nhược khẽ gật đầu, đưa lại kiếm cho Vĩnh Tình.

Bỗng từ xa có tiếng thiếu nữ oanh vàng vang lên, gọi:
- Muội muội đang luyện kiếm à? Hay theo tỷ đi chơi chút đi rồi tối luyện tiếp.
Hai người quay lại thì thiếu nữ kia đã rảo bước đến nơi.

Tuổi trạc đôi tám, tóc huyền ngang lưng, môi đỏ da trắng, phục trang trắng muốt.

Vĩnh Niệm mỗi ngày mỗi lớn, đẹp tựa một nhành mai tinh khôi đang hé nở nhưng cũng vẫn có nét cứng cáp, rắn rỏi của cha.

Vĩnh Tình nghe rủ đi chơi, trong lòng như mở cờ ngày hội nhưng liếc nhìn sư phụ rồi lí nhí:
- Muội đang luyện kiếm cùng sư phụ.

Tỷ cứ đi trước đi.
Vĩnh Niệm thấy cô nhỏ sợ uy mẹ mà phải kìm nỗi háo hức trong lòng, vừa đáng yêu, vừa đáng thương.

Cô mỉm cười bước đến ôm lấy tay Chỉ Nhược, hạ giọng năn nỉ:
- Mẹ cho Vĩnh Tình đi chơi với con một chút thôi.

Trời đã muộn lắm đâu.

Tối về con sẽ luyện kiếm cho muội ấy tiếp.
Chỉ Nhược nghiêm nét mặt.

Cô con gái này của nàng được các sư tỷ nuông chiều nên rất hay làm nũng.

Tuy rất thương con nhưng thân là chưởng môn, không thể quá dung túng.


Nàng nghiêm giọng:
- Vĩnh Tình còn phải luyện xong năm lượt bài Nhất Diệp Tri Thu.

Con ra đây chơi hẳn cũng đã thuần thục bài Sóc Phong Vọng Nguyệt rồi?
Lời này đụng trúng tim đen, Vĩnh Niệm giật mình chạy ra đứng cạnh Vĩnh Tình, rụt rè cất tiếng:
- Con luyện được ba lần rồi..
Chỉ Nhược đưa thanh đoản kiếm cho nàng, bảo:
- Vậy con luyện lại cho ta xem.

Nếu đã thuần thục, con có thể đi chơi ngay.

Nếu chưa thuần, con phải cùng Vĩnh Tình luyện xong bài này hôm nay.

Vĩnh Tình, con cũng luyện tiếp đi.
Bóng ba người ngả dài theo ánh dương tàn đã dần xuống núi.

Kiếm quang vẫn loang loáng, thân thủ nhịp nhàng, tiếng nhắc nhở ngắn gọn vang lên không ngừng.

Luyện đến khi trời đã không còn nhìn rõ mặt người, ba thầy trò mới định quay lại chính đường thì một nữ đệ tử đi tới, ôm quyền báo tin:
- Bẩm chưởng môn, có vị tiền bối hàng năm hôm nay lại đến ạ.
Chỉ Nhược thở dài.

Từ khi Thiên Chí ra đi, nàng chỉ gặp Băng Tâm duy nhất một lần lúc ông ghé Nga My báo tin dữ.

Từ ngày đó, tuy năm nào Băng Tâm cũng ghé qua, nhưng nàng đều kiếm cớ tránh mặt.

Đã mười mấy năm rồi, nhưng nàng vẫn sợ khi gặp ông lại gợi nàng nhớ về người chồng vắn số.

Vĩnh Niệm liếc nhìn mẹ, nói:
- Mười mấy năm rồi..

mẹ có lẽ nên gặp tiền bối một lần chăng?
Chỉ Nhược nhìn sang con gái, ánh mắt cô có vẻ đượm buồn nhưng tuyệt không có vẻ tránh né.

Nàng chợt nhận ra con gái mãnh mẽ hơn nàng tưởng nhiều, có lẽ còn hơn nàng nữa.

Chỉ Nhược gật đầu, nói với đệ tử:
- Ngươi ra mời tiền bối vào chính đường dùng trà.

Ta sẽ ra gặp ngay.
Nữ đệ tử vâng mệnh, quay ra đón khách.

Chỉ Nhược thu kiếm, đi về phòng riêng thay đồ rồi mới vào chính đường.

Chỉ Nhược là môn chủ, nhưng trước bậc tiền bối như Băng Tâm cũng nhiều phần kính nể, vội ôm quyền, bước lên chào hỏi trước:
- Tiền bối ghé thăm, thứ lỗi cho Chỉ Nhược không kịp đời đón tiếp chu đáo.
Nàng nhìn Băng Tâm, thấy người không già đi là mấy so với năm xưa.

Ông luyện nội công Cửu Âm Quy Nguyên, đã qua mười mấy năm mà Băng Tâm vẫn giữ được nét tinh anh lúc trước.

Gương mặt vẫn giữ vẻ lạnh lùng cố hữu nhưng ánh mắt xem ra đã bớt vẻ cô độc, lánh đời.

Băng Tâm gật đầu, đáp:
- Con bất tất đa lễ.

Nhiều năm như vậy, hôm nay con chịu ra gặp ta là tốt lắm rồi.

Xem ra thời gian không tác động đến con chút nào.
Chỉ Nhược mỉm cười, nói:
- Tiền bối nói đùa rồi.

Tiểu nữ tế qua nhiều năm như vậy, còn đủ sức cáng đáng việc môn phái cũng đã là phúc phận lắm, đâu dám nói đến dung mạo.

Lại để tiền bối chê cười rồi.
Băng Tâm nhấp chén trà, nói:
- Ta tuyệt không nói quá.

Con vẫn vậy, vẫn như ngày đó..
Nói đến đây, biết mình lỡ lời, ông vội dừng tiếng, khẽ giọng xin lỗi:
- Thứ lỗi cho ta.
Chỉ Nhược như lại thấy trước mắt ngày hôm đó, cách đây hơn mười năm, khoảng canh hai một đêm tối trời, toàn phái Nga My đang say giấc thì bỗng tiếng đệ tử đi tuần vang lên gấp gáp:
- Ngươi là ai? Đêm hôm khuya khoắt lại to gan đột nhập vào vào Nga My Phái chúng ta! Biết điều thì quỳ xuống chịu trói, chờ chưởng môn xử lý!
Chỉ Nhược thấy động, bèn mặc áo khoác ngoài rồi mở cửa từ phòng riêng bước ra.

Lúc đó đệ tử đã đến kín sân, vây lấy một người tóc trắng như cước, đứng im ở giữa.

Tay chắp sau lưng, đai đeo ngọc tiêu, đôi mắt sáng lạnh, Băng Tâm nói:
- Chỉ Nhược, ta có việc muốn trao đổi với ngươi.
Chỉ Nhược thấy Băng Tâm đêm hôm đến đây, tất là có chuyện gì gấp.

Bất chợt nàng có một linh cảm rất xấu.

Chỉ Nhược run run nói:
- Các người chớ vô lễ.

Đây là tiền bối của ta, mau giải tán! Tiền bối, mời người vào trong rồi từ từ nói chuyện.
Băng Tâm lặng lẽ theo Chỉ Nhược vào chính đường, cũng ngồi tại chính vị trí hôm nay.

Chỉ Nhược không kìm được sốt ruột, vội hỏi:
- Tiền bối, có chuyện gì gấp người xin cứ nói thẳng!
Ông lặng thinh làm không khí lại càng thêm nặng nề.

Lát sau, hít vào một hơi thật dài, Băng Tâm chầm chậm cất lời, giọng lạnh lẽo nhưng đượm vẻ u uất:
- Thiên Chí..

nó đã không còn rồi.
Chỉ Nhược nghe lần đầu, còn tưởng mình nghe nhầm, run run hỏi lại:
- Tiến bối..

tiền bối nói nhầm đúng không? Hay là tiểu nữ tế..

tiểu nữ tế nghe nhầm?
Băng Tâm lắc đầu, nói lại:
- Thiên Chí đã không còn rồi.

Nó bị đám Hành Giả mai phục, đã mất trong trận loạn chiến mất rồi.

Lúc ta đến ứng cứu thì cũng đã muộn.
Chỉ Nhược nghe đến đây tưởng như mình đang trong cơn bão đó.

Tai nàng ù đi, trời đất quay cuồng trước mặt.

Dù đang ngồi ghế mà nàng phải bám chặt vào thành ghế mới giữ người không ngã.

Chỉ Nhược lắp bắp:
- Không..

không..

không thể nào!
Nàng chợt nhớ như nguyên ngày Thiên Chí cáo biệt ra đi.

Tay nàng tưởng vẫn vương hơi ấm từ cái ôm thật chặt, môi nàng tưởng vẫn thấy mặn chát nụ hôn biệt ly.

Văng vẳng bên tai nàng lời hứa chàng sẽ trở về.

Bất giác, nước mặt nàng tuôn như mưa, kêu lên thảm thiết:
- Không! Chắc chắn là tiền bối đã nhầm rồi! Không thể nào chàng chết được! Chàng đã hứa sẽ quay trở lại mà! Tiền bối, người mau đưa ta đi, ta phải đi tìm chàng ngay!
Băng Tâm thấy nàng thần trí mỗi lúc một thêm loạn, đành giữ chặt vai nàng, nói lớn, mong nàng có thể trấn tĩnh lại:
- Chỉ Nhược! Bình tĩnh lại! Ngươi đau lòng, nhưng không thể mất lý trí được.

Thiên Chí đã đi rồi, nếu ngươi không đứng vững thì con cái ngươi sẽ dựa vào ai?

Cơ mà lúc này lời Băng Tâm nào có khác gì tiếng nói khẽ trong cơn báo lớn, chẳng lời nào lọt vào tai nàng.

Nàng vô thức giận dữ tung Băng Sương Hóa Âm Thủ đánh ra.

Đến khi chợt thấy một luồng nhiệt khí chảy khắp tay.

Định thần lại mới hay trảo thủ đã bấm xuyên qua vai Băng Tâm.

Ông đứng đó, không tránh né, không trách móc, không tức giận.

Ông lặng lẽ giơ tay, vỗ vai nàng, ô tồn nói:
- Mạnh mẽ lên con..
Chỉ Nhược lúc này mới bật khóc nức nở, gục đầu vào ngực Băng Tâm, lắp bắp:
- Con..

con xin lỗi..

Con xin lỗi..
Băng Tâm không ôm nàng vỗ về, cũng chẳng đẩy nàng ra.

Phận sư tôn tiền bối không cho phép ôm được đụng chạm với nữ tế của đệ tử.

Nhưng tấm lòng người sư phụ cũng không đành đẩy người phụ nữ đã đến tận cùng đau khổ ra.

Ông cứ đứng vậy, lặng lẽ suốt đêm cho nàng dựa vào.

Ngoài kia trời đổ cơn mưa rào.

Từng giọt, từng giọt mưa rơi thấm vào lòng người góa phụ, thêm tê tái, thêm buồn..
Quay lại hiện tại, Chỉ Nhược nghe Băng Tâm nói lời tạ lỗi mà lòng trào lên niềm ân hận vô hạn.

Nàng cúi đầu nói:
- Năm đó, tiểu nữ tế đả thương người.

Trong lòng vẫn luôn áy náy khôn nguôi, đến mức nhìn mặt người con cũng không dám.

Vậy mà cũng đã mười mấy năm rồi, giờ có đủ dũng khí để gặp người mà vẫn luôn thấy mình không phải, mong người tha tội.
Băng Tâm xua tay nói:
- Ta không trách con.

Ngày đó con quá đau lòng, tâm thần kích động nên vô thức ra chiêu, không phải cố ý.
Chỉ Nhược thở dài, đột nhiên nhìn thẳng vào mắt Băng Tâm, hỏi:
- Thiên Chí vốn đã không liên quan đến chuyện giang hồ, binh quyền đã lâu.

Ngày đó chàng từ biệt, không nói gì thêm nhưng nếu không phải chuyện cấp bách hoặc được ủy thác thì tất sẽ không đột ngột rời đi như thế.

Tiền bối có biết Thiên Chí ngày đó đã đi đâu không?
Băng Tâm trầm mặc một hồi lâu, lát sau nghiêm túc nói:
- Chính ta đã ra lệnh cho nó đi ám sát Chu Nguyên Chương.
Chỉ Nhược hít một hơi thật sâu rồi run run thở ra, tựa như đang phải nén một nỗi uất hận chỉ chực nàng thiếu kiểm soát trong giây lát là sẽ bùng lên được.

Nàng bình tĩnh, run run hỏi:
- Tiểu nữ nông cạn, chỉ dám hỏi tiền bối sao lại đẩy đệ tử của mình vào nơi hung hiểm như vậy? Lại không bảo toàn được cho chàng?
Băng Tâm im lặng không nói gì.

Chỉ Nhược cũng không phải người ngốc, nàng thở dài nói:
- Tiền bối hẳn có điều khó nói, tiểu nữ cũng không tiện truy cứu.

Chỉ là chuyện tiền bối không làm, mong tiền bối đừng nhận thay người khác.

Minh Giáo bị truy sát, Thiên Chí nặng nghĩa nặng tình, tất nhiên không thể nào tụ thủ bàng quan được.

Tiểu nữ chỉ trách chàng sao không chia sẻ gánh nặng này cho tiểu nữ.

Ngày đó nếu tiểu nữ đi cùng, biết đâu hai người lại tìm được sinh lộ.
Băng Tâm nhìn ngoài trời lúc này cũng đã lác đác hạt mưa, chậm rãi nói:
- Con còn đứa nhỏ đó phải chăm sóc, còn Nga My phải chấp chưởng.

Nếu con có mệnh hệ gì thì Thiên Chí sao có thể sống tiếp được.

Đây là chiếc hộp mà Thiên Chí có nhờ đưa lại cho con.

Vốn Vô Kỵ sẽ là người đưa, nhưng gia đình đó đã bặt vô âm tín đã lâu.

Ta đành thay Vô Kỵ chuyển cho con vậy.
Băng Tâm lấy ra một chiếc hộp gỗ nhỏ, đưa cho Chỉ Nhược.

Nàng run run mở ra thì bên trong là một mảnh khăn lụa màu đen hãy còn vương vài điểm máu đỏ.

Chỉ Nhược bỗng mỉm cười, nhớ lại tấm khăn này chính nàng đã tự tay bịt mắt Thiên Chí để hai người có thể luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh cho đỡ phần xấu hổ.

Thiên Chí luyện xong, lỡ nhìn lén nàng nên bị thổ huyết nhẹ, có vương một chút lên tấm lụa này.

Nàng cầm tấm khăn lụa vuốt ve, nâng niu với dáng vẻ vừa ân cần, lại vừa đau thương làm Băng Tâm vốn cứng rắn cũng không khỏi thở dài.

Lát sau, ông mở lời hỏi sang chuyện khác:
- Hôm nay ta đến đây, phần là muốn ghé thăm hai mẹ con.

Phần nữa, cũng muốn hỏi tung tích gia đình của Vô Kỵ.
Chỉ Nhược thở dài thườn thượt, liếc nhìn về phía hậu phòng, nói:
- Từ ngày Triệu Mẫn tỷ đưa Vĩnh Tình đến đây nương nhờ chăm sóc, con cũng không còn gặp lại cả tỷ tỷ lẫn Vô Kỵ.

Bao nhiêu năm như vậy, con vẫn luôn nhờ người tìm kiếm nhưng tuyệt không thấy tin tức của họ lẫn Tuệ Phong.

Phàm không thể tìm ra tin tức, có khi nào..
Băng Tâm gạt phắt, nghiến răng nói:
- Không thể!
Chỉ Nhược biết Băng Tâm cũng rất đau lòng, đành nói:
- Tiểu nữ tế cũng mong họ được bình an.
Băng Tâm lặng thinh hồi lâu, mông lung nhìn ra ngoài trời.

Trời bấy giờ đã mưa nặng hạt.

Gió lớn đưa làn mưa quất vào cửa chính ầm ầm như tiếng ai gọi cửa.

Chỉ Nhược thấy mưa lớn như vậy, cũng đã tối rồi, bèn mời Băng Tâm vào dùng bữa tối rồi nghỉ lại ở khách đường.

Lát sau, Vĩnh Niệm bước ra mời mẹ và thái sư phụ vào dùng cơm.

Ngồi vào bàn lúc đó, ngoài Băng Tâm và Chỉ Nhược ra, còn có Vĩnh Niệm và Vĩnh Tình cũng đợi ăn cùng.

Nga My vốn ăn uống thanh đạm, bữa cơm đơn giản nhưng xem ra được nấu rất khéo.

Nấm rừng xào, những lát nấm thái hơi dày, mềm mại, óng mượt một lớp xì dầu mỏng, điểm thêm vài hạt vừng rang, đôi nhát hành lá.

Cắn một miếng mà thấy ngon ngọt tựa thịt gà rừng mà thanh thoát, không ngấy chút nào.

Đậu hũ hoàng bào, răng vừa sảng khoái cắn ra lớp vỏ ngoài giòn tan trứng muối lại được ôm ấp trong nhân đậu hũ mềm mượt trắng tinh.

Bát canh rau củ dại đủ loại, nhìn tưởng tạp mà kỳ thực lại tinh tế vô cùng.

Rau sam chua chua, lại có vị ngăm ngăm của rau đăng đất làm đằm thêm cái vị ngọt của cải đỏ.

Cơm hạt kê dẻo thơm, chỉ mở liễn thôi đã nức mùi gạo mới.


Băng Tâm đi lại trên giang hồ nhiều năm, bản thân cũng không quá trọng chuyện ăn uống mà hôm nay cũng phải bật lên lời khen:
- Công phu nấu nướng của đệ tử Nga My xem ra khá quá.
Vĩnh Niệm nhanh miệng đáp:
- Vĩnh Tình muội hôm nay trổ tài đấy ạ.

Biết có thái sư phụ đến dùng bữa, muội ấy ra tay nấu toàn món ruột.
Băng Tâm nhìn Vĩnh Tình, thấy cô nhỏ quả nhiên có nhiều nét của Vô Kỵ, thanh tú, thiện lương, lại điểm chút sắc sảo của Triệu Mẫn.

Ông khen:
- Món ăn con nấu chưa cần ăn cũng đã thấy ngon, chẳng bù cho mẹ con, chỉ biết nấu cháo thôi.
Vĩnh Tình túm lấy tay Băng Tâm, hỏi:
- Ông biết mẹ con ạ?
Chỉ Nhược nạt:
- Con phải gọi là ngoại công chứ!
Vĩnh Tình vội sửa:
- Ngoại công biết mẹ con ạ?
Băng Tâm nghe chữ ngoại công, lại nhớ khi xưa Tuệ Phong vẫn luôn gọi mình vậy môi khi ông trở lại thảo nguyên Nội Mông, sống mũi bất giác cay cay.

Ông vuốt tóc Vĩnh Tình, nói:
- Tất nhiên ngoại công biết, mẹ con rất xinh đẹp, như một đóa hoa vô thường nơi thảo nguyên vậy, lại rất dũng cảm và cực kỳ thông minh.
Vĩnh Tình buồn buồn nói:
- Con cũng nghe sư phụ nói vậy.

Chỉ là con chưa được gặp mẹ bao giờ.

Mẹ con đâu rồi hả ngoại công? Có phải con hư nên mẹ không muốn gặp con không?
Băng Tâm lắc đầu nói:
- Mẹ con thương con biết bao nhiêu cho đủ.

Con ngoan thế này, mẹ con chắc chắn rất vui và tự hào.

Ngoại công nhất định sẽ tìm được mẹ con về đây.
Vĩnh Tình ông lấy ông, mắt sáng ngời:
- Ngoại công hứa nhé! Ngoại công ngoéo tay hứa với con đi!
Chỉ Nhược định mắng nhưng Băng Tâm đã cười, đưa ngón út giao hẹn với Vĩnh Tình:
- Ta hứa!
Vĩnh Niệm năm nay đã mười sáu, hiểu chuyện hơn nhiều.

Cô nói với Vĩnh Tình:
- Muội đừng quấy nữa.

Để thái sư phụ dùng bữa đã chứ.
Mọi người vui vẻ dùng bữa.

Đến tuần trà, Băng Tâm mới hỏi:
- Chỉ Nhược, con đã có ý truyền lại y bát cho ai chưa?
Chỉ Nhược ngạc nhiên, không rõ sao Băng Tâm lại đột ngột hỏi chuyện này, nhưng nàng cũng thành thật thưa:
- Thực ra tiểu nữ tế cũng chưa tính đến chuyện này.

Trong môn phái cũng có một số đệ tử có thực tài, nhưng có tư chất khá nhất có lẽ là Vĩnh Niệm.

Nếu được, có lẽ tiểu nữ sẽ truyền lại y bát cho nó.
Băng Tâm gật gù, hỏi thêm:
- Vĩnh Tình thì sao?
Chỉ Nhược mỉm cười, gật đầu nói:
- Vĩnh Tình từ bé đã được con chăm sóc và truyền thụ võ công.

Có thể nói tư chất của nó còn cao hơn cả Vĩnh Niệm, chỉ là tuổi nhỏ còn phải dày công phu rèn luyện.
Băng Tâm nhấp ngụm trà, nói:
- Quả vậy, ta xem khí chất hai đứa, đều là nhân tài hiếm có.

Chỉ là..

theo ý ta thì Vĩnh Tình có lẽ sẽ hợp căn cơ võ công của Nga My hơn.

Nội lực của Nga My có gốc vốn là Cửu Dương Thần Công, lấy chữ "Bác", vô cùng phong phú, rộng lớn.

Kiếm pháp Nga My, duy có bộ Diệt Tuyệt Kiếm của sư phụ con là cương liệt, còn lại đều rất uyển chuyển, dĩ nhu chế cương.

Vĩnh Tình tính cách hồn hậu, lại rất sáng dạ, có thể phát huy được tinh hoa của công phu Nga My.
Chỉ Nhược gật đầu, hỏi thêm:
- Vậy Vĩnh Niệm thế nào, thưa tiền bối?
Băng Tâm vuốt chòm râu bạc, nói:
- Vĩnh Niệm có cái âm trầm của Thiên Chí, có khí chất ngạo khí bất phục, xem ra nếu không phải bộ võ công nào có nét âm nhu, lại vừa có đường bạo liệt thì khó cho nó phát huy hết sở tài.
Chỉ Nhược ồ một tiếng, nói:
- Tiền bối quả thực tinh tường.

Tiểu nữ tế bấy lâu nay trong lòng vẫn có chút gợn, chỉ là không biết sai ở đâu.

Nay được tiền bối chỉ điểm mới thực rõ ràng.
Băng Tâm hắng giọng, nói tiếp:
- Vậy nên ta muốn nhận Vĩnh Niệm làm đệ tử.

Nó có nền tảng về kiếm pháp, ta có bộ kiếm pháp năm xưa đấu thắng Nam Cung Thiết Tâm muốn truyền lại cho nó.
Chỉ Nhược giật nảy mình.

Thiên hạ võ lâm rất nhiều cao thủ, nhưng trong hai giới hắc bạch đều lan truyền tin đồn về ngũ đại cao thủ, võ công có thể đạt ngưỡng thôn thiên phạt địa mà xưng tụng là Ngũ Đế.

Nam Cung Thiết Tâm là một trong số năm huyền thoại này, được người đời xưng là Kiếm Hoàng, nhất kiếm phục vạn cường địch.

Vốn cũng chỉ nghĩ là chuyện không căn cứ, không ngờ hôm nay lại được chính Băng Tâm nói đến, lại có bộ kiếm pháp của người này, đương nhiên là một cơ duyên không thể nào cầu mà được.

Chỉ Nhược nửa vui mừng, nửa ái ngại nói:
- Chuyện này..

hiển nhiên là phúc phận bất khả cầu của Vĩnh Niệm.

Chỉ là không rõ ý Vĩnh Niệm thế nào.

Con bé đó từ nhỏ đã rất ương ngạch, không ép nó được.

Chỉ e..
Chưa dứt câu thì tiếng Vĩnh Niệm đã vang lên ở hậu phòng:
- Con đồng ý!
Chỉ Nhược quay lại thì thấy Vĩnh Niệm đang hớn hở vén rèm bước ra.

Nàng lườm con gái, nói:
- Con đã suy nghĩ kỹ chưa?
Vĩnh Niệm gật đầu, nhìn Băng Tâm nói:
- Con nghe mẹ nói thái sư phụ là tuyệt thế cao thủ, võ công cao cường không thua gì Vô Kỵ bá bá.

Được người đích thân truyền thụ võ công cho thì còn gì bằng!
Băng Tâm nghiêm giọng, nói:
- Ta cũng nói trước là nếu theo ta học võ công thì sẽ rất vất vả đấy.
Vĩnh Niệm ánh mắt kiên nghị, khảng khái gật đầu, nói như chém đinh chặt sắt:
- Con không ngại!
Chỉ Nhược lúc bấy giờ cũng đành thở dài, không thể khuyên thêm.

Băng Tâm gật đầu, nói:
- Vậy con chuẩn bị đồ đạc đi.

Sáng mai chúng ta sẽ lên đường ngay.
Chỉ Nhược thấy mọi người diễn biến quá nhanh, tuy là mừng cho con gái có được minh sư nhưng lòng người mẹ sao có thể không lo lắng để cho đứa con rời xa vòng tay mình.

Tuy thế nàng vẫn là tôn sư một phái, chỉ nhẹ nhàng nói:
- Vĩnh Niệm, nếu con đã quyết tâm vậy, mẹ cũng mừng cho con.

Đi theo thái sư phụ, nhất định phải giữ phép tắc, kính trọng thái sư phụ.

Việc tập luyện nhất nhất phải nghe lời, tuyệt đối không được chểnh mảng, rõ chưa?
Vĩnh Niệm hớn hở ôm chầm lấy mẹ rồi dắt Vĩnh Tình chạy ù về phòng chuẩn bị đồ đạc, để lại ánh mắt có nét âu lo nhưng không kém phần hãnh diện của Chỉ Nhược dõi theo.
* * *
Khởi Nguyên Đạo Quán ẩn mình dưới rừng từng nơi hiên núi Thanh Thành.

Bóng từng cổ thụ rợp cả sân đạo quán khiến không khí nơi đây lúc nào cũng có vẻ âm u, kỳ bí.

Tại chính đường, một nam tử đang ngồi đọc sách.

Người này vóc dáng khôi vĩ, diện mục oai nghiêm, da rám nắng ngả màu đồng hun, tóc bện thành dải, thân mặc áo điêu bằng gấm đoạn đen vân vàng rất quý.

Đặt sách xuống, người này nâng chén trà, nhấp một ngụm, ra điều rất thỏa mãn, nói:
- Quả nhiên đến Trung Thổ có hai điều làm ta rất mãn ý, đó chính là tàng thư nơi đây phong phú và trả cũng đúng là tuyệt phẩm.

Tiểu muội ở đây đã lâu vậy, hẳn cũng đã đọc rất nhiều sách quý, thưởng rất nhiều trà ngon rồi.
Ngồi đối diện là một nữ nhân rất đỗi xinh đẹp.

Tuy không còn ở tuổi đôi tám trăng rằm e ấp nhưng vẻ đẹp không tuổi của nàng có thể sánh với nụ hồng nở rộ, lộng lẫy không giấu diếm.

Da nàng trắng hồng, đôi mắt trong như hồ thu, không gợn chút bụi trần.

Vầng trấn thanh tú, đôi môi như hoa đào hé.

Mỹ nhân này thoáng mỉm cười, đáp:

- Lãng Nghệ huynh, huynh đã ở Trung Thổ được chục năm rồi.

Thư văn có loại nào huynh chưa xem, trà có loại nào huynh chưa thưởng.

Tiểu muội kiến văn hạn hẹp, sao dám nói vượt qua mắt huynh chứ.
Nam tử kia cười vang, hào sảng nói:
- Ô Nhĩ Bát Đài ta mãi vẫn không quen được cái tên Lãng Nghệ.

Nhiều khi ta nghe gọi mà cứ ngỡ đang gọi ai đó kìa.

Triệu Mẫn, nay ta gọi muội đến đây có chuyện quan trọng muốn bàn bạc.
Triệu Mẫn nhìn Lãng Nghệ, ánh mắt lộ nét chán ghét nhưng đó chỉ thoáng qua thôi đã trở lại nét điềm tĩnh ban đầu.

Nàng điềm đạm hỏi:
- Tiểu muội bất tài, không rõ huynh có điểm gì phân phó?
Lãng Nghệ nhìn thoáng qua Triệu Mẫn cũng biết nàng một bụng đầy hỏa khí, chỉ hận không một đao chém chết mình ngay, bèn hỏi:
- Chuyện đã qua nhiều năm, muội không thể gạt sang một bên để mưu sự quốc gia sao?
Triệu Mẫn đập bàn, đứng dậy, chỉ mặt Lãng Nghệ, không còn kiêng nể gì nữa mà gay gắt nói:
- Huynh có tư cách để nói sao? Cứ thử như huynh có con, rồi huynh bị người khác ép buộc phải gửi nó đi nơi khác, long đong chịu cảnh không cha không mẹ.

Liệu huynh có an lòng không? Nếu huynh thực sự có một người nguyện gắn bó cả đời, nên duyên phu phụ, mà lại bị ép phải rời xa người đó, không bao giờ gặp lại.

Liệu huynh có thể thư thả ngồi đó uống trà, đàm đạo với kẻ đã bức bách huynh mất đi tất cả không?
Lãng Nghệ nghe đủ lời cay đắng, nhưng mặt không hề biến sắc, vẫn thản nhiên uống trà, cười cười:
- Muội bất tất phải nóng giận.

Ta biết từng đó năm, chưa có giây phút nào muội bỏ qua cho ta.

Ta không trách muội.

Gia quyến ta cũng đâu còn ai.

Nguyên Triều có còn lại gì.

Muội nghe ta, xong việc nhất định ta sẽ để gia đình muội đoàn tụ.
Triệu Mẫn từ cơn nóng giận, chuyển thành nỗi đau cùng cực, ngỡ như uống Đoạn Trường Thảo mà còn đau hơn thế.

Nàng nghẹn ngào:
- Con gái đáng thương của ta, không biết bây giờ con đã lớn thế nào rồi.

Đã mười hai năm không gặp con, con có chịu nhiều cực khổ không, có ai bức hiếp con không..
Lãng Nghệ thấy nàng khóc lóc thảm thương vậy, có thoáng chạnh lòng, nói:
- Năm nào ta cũng cử người giao thuốc cho nó, thấy bẩm báo lại là nó vẫn mạnh khỏe.

Dù nó không cha, không mẹ nhưng cũng vẫn giữ được tính mạng.
Triệu Mẫn qua cơn xúc động, biết là không nên phí nước mắt với hạng người sắt đá như Lãng Nghệ, lạnh lùng nói:
- Năm đó chẳng những huynh bức ép ta phải rời xa con gái mà con trai ta cũng bị huynh cướp đi.

Huynh đã làm gì nó rồi?
Lãng Nghệ xua tay, cười nói:
- Con trai muội không sao, nó sống rất tốt.

Giờ đã là một trang tuấn kiệt rồi.
Triệu Mẫn nghiến răng, nén cơn thịnh nộ mà xuống giọng, nói:
- Vậy huynh cho mẹ con ta gặp nhau một lần đi.

Đã bao năm rồi không gặp, muội chỉ nhìn con một lần thôi rồi chuyện gì huynh giao muội cũng sẽ làm.
Lãng Nghệ cười lớn:
- Muội ở đất này lâu ngày, nhiễm cái thói ủy mị của đàn bà nơi đây rồi.

Người Mông Cổ chúng ta chỉ biết có quốc gia là hàng đầu, việc gì phải để ý việc khác.

Nhưng không sao, nếu muội làm xong việc này, ta tất sẽ bố trí cho muội gặp lại con trai.
Triệu Mẫn im lặng, không đáp, cũng không van nài thêm.

Lãng Nghệ vờ như không thấy, nói tiếp:
- Ta muốn muội lần này lên Võ Đang một chuyến.
Triệu Mẫn nghe đến Võ Đang, giật mình hỏi:
- Có việc gì phải đến Võ Đang?
Lãng Nghệ, nhẹ nhấp ngụm trà, ngước mắt nhìn nàng.

Ánh mắt hắn sắc lạnh như cơn gió đông u tối thổi vào lòng nàng một nỗi bất an vô cùng..
* * *
Cự Kình Bang, chi phái Vân Nam hôm nay tĩnh lặng đến lạ thường.

Ngày thường lũ diêm tiêu còn đang hoạt động rất sôi nổi, đêm nay lại không thấy một bóng người.

Đêm tối trời, đường lên núi tịnh chỉ thấy ánh đèn đuốc le lói mờ mờ.

Xa xa vẳng lại tiếng kêu đau đớn, lại có tiếng vũ khí va vào nhau chí chóe.

Trường Thọ Lĩnh dẫn theo thuộc hạ chạy vội lên núi.

Đi đến nửa đường thì thấy gió đưa mùi máu lanh xộc lên mũi, soi đuốc mới thấy xác thuộc hạ trong bang nằm la liệt, trải dài từng bậc thang suốt đường lên đỉnh núi.

Kẻ nào kẻ nấy đều gãy tay chân, không thì ngực bị dập nát mà chết.

Đám thuộc hạ Thọ Lĩnh dẫn theo không kìm được kinh hãi, lắm kẻ còn phải gục xuống nôn ngay ra đất.

Trường Thọ Lĩnh là trưởng một chi phái, huyết chiến trải qua cũng không phải vài trận, gặp chuyện chết chóc vốn cũng chẳng phải xa lạ gì.

Nhưng nhiều người chết thê thảm thế này thì quả là chuyện đáng kinh sợ.

Thọ Lĩnh giục thuộc hạ:
- Đi mau! Cự Kình Bang hôm nay gặp tai kiếp rồi!
Càng lên cao, xác chết lại càng nhiều.

Chân Thọ Lĩnh đặt đến bậc thang cuối cùng thì tiếng la hét cũng tắt lịm, chỉ còn lại một kẻ tóc tai rũ rượi, gương mặt đầy máu, trên tay còn nhỏ máu tươi tong tỏng xuống đất.

Chiếc áo bố rách nát không che nổi thân thể tuy gầy gò nhưng nội lực tỏa ra cuồn cuộn, nóng như mặt trời thiêu đốt.

Đặc biệt là đôi mắt đầy sát khí như một con sói đang say máu, điên loạn tìm kiếm con mồi.

Hắn lẩm bẩm:
- Không có..

Không có..
Thọ Lĩnh thấy ngay cả trưởng chi phái Vân Nam cũng đã tử nạn, người bị một thanh gỗ lớn xuyên qua, hiển nhiên đã bị một chường rất mạnh đánh bay vào khúc gỗ gãy.

Thọ Lĩnh bèn hô hào thuộc hạ:
- Các huynh đệ, lập trận!
Cự Kình Bang chuyên về thủy chiến, tuy nhiên trên bộ cũng có Độc Diêm và trận pháp Tu La Diêm Trận rất bá đạo.

Đám người Cự Kình Bang chia nhau đứng theo mười sáu phương vị trong Tu La Trận, mỗi người có hai người đứng trước sau, đồng loạt áp trận.

Chỉ thấy muối độc bay ra rào rào, lỡ trúng phải mấy xác chết rải rác quanh đó thì da thịt bốc hơi như tạt cường toan.

Người đứng trước vừa tung muối độc, kẻ đứng sau tung ngay xích sắt có đầu móc.

Dụng cụ này vốn dùng để khi cướp thuyền thì tung sang để neo thuyền xấu số để tiện bề áp sát.

Nói vậy để thấy nếu móc sắt này móc vào người, mượn lực tứ phương mà kéo thì chẳng khác gì tứ mã phân thây.

Chỉ thấy kẻ điên kia cởi áo, phất một cái đã thấy kinh phòng ào ạt thổi dạt cả diêm tiêu ngược lại làm lũ người Cự Kình Bang không ít kẻ trúng độc mà thiệt mạng.

Tiếng la hét đau đớn rầm trời.

Móc sắt tung ra như thiên la địa võng mà chỉ thấy kẻ điên kia đảo chân, khua tay thành những vòng tròn lớn nhỏ làm đám móc bay loạn xạ vào nhau, mắc thành một nùi rối tinh.

Kẻ điên kia lại phiêu hốt áp sát từng người, đánh mỗi tên một chưởng, nếu không phải dập nát phế phủ thì cũng là trúng yếu huyệt mà chết.

Thọ Lĩnh thấy thuộc hạ bị chế ngự, bèn xuất song đao, áp đến tấn công.

Đao pháp của Thọ Lĩnh gọi là Cuồng Phong Đao vì thế đao đi liên tiếp liên hồi, liên mien bất tận, vừa nhanh vừa mạnh tựa cơn cuồng phong ập đến.

Nhưng mà kỳ lạ thay, cơn cuồng phong lại như gió thoảng qua nhà trống.

Đao còn chưa chạm được vào kẻ điên kia thì tay hắn đã bị cầm nã thủ khóa chặt.

Kẻ điên kia thuận tay phế luôn cả hai tay của Thọ Lĩnh.

Hắn hét lên đau đớn, nhìn vào mắt kẻ điên kia chẳng thấy chút gì là tỉnh tháo, chỉ toàn tia máu rất đáng sợ.

Kẻ điên kia lẩm bẩm:
- Yến muội đang ở đâu?
Thọ Lĩnh kinh hoàng lắc đầu, thấy một chưởng đánh xuống, sau đó tất cả chỉ còn lại màu đen.

Kẻ điên kia vẫn tiếp tục đồ sát, miệng vẫn lẩm bẩm:
- Không có..

Không có...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận