Tần Nhượng Thư

Mẫu thân Nhương Thư là người thành Trường Sa, phủ Hồ Nam, nên biết rõ nhân vật này, từng kể cho chàng nghe. Ðoan Mộc Toàn thành danh từ năm hai mươi bốn tuổi, do xuất thân từ nhà đại phú nên cho đóng một chiếc thuyền lớn, trang trí hoa lệ, buồm bằng gấm dầy màu xanh, lúc thì lưỡng lờ trên Ðộng Ðình hồ, lúc xuôi ngược Trường Giang, oai phong lẫm lẫm. Về võ công, Ðoan Mộc Toàn đứng đầu võ lâm phương Nam nhờ pho Thiên Cương kiếm pháp và cả thanh Thiên Cương thần kiếm cứng rắn tuyệt luân.

Ông ta lại anh tuấn hơn người, đúng câu tài mạo song toàn, vì thế mà cao ngạo, khó khăn cả trong việc chọn người phối ngẫu, gần bốn mươi vẫn phòng không chiếc bóng.

Ðột nhiên, đến năm Kỷ Tỵ, nhằm năm chính thống thứ mười bốn, lúc Nhương Thư tròn một tuổi, Cẩm Phàm kiếm khách mắc phải quái bệnh, mặt mũi, thân thể lở lói, u nần như người bị phong cùi. Và sau đó không lâu, Ðoan Mộc Toàn biến mất, chẳng rõ đi đâu.

Nhương Thư đang trầm ngâm suy nghĩ thì Anh nhi đã mang ra một túi nhỏ bằng da nai, trao cho chàng và nói :

- Trước khi chết! Cha ta có dặn rằng khi nào có người nào đến đây thì cho họ xem cái túi này!

Nhương Thư mở nút thắt dây buộc bụng miệng túi, đổ những vật bên trong ra phản, gồm một kim bài có dây đeo, một quyển sách và một mảnh lụa tròn.

Chàng xem xét tấm kim bài vàng óng kia trước, thấy một mặt khắc nổi hai câu liễn giống trên vách, mặt kia là một chiếc thuyền buồm.

Nhương Thư trao thẻ bài ấy cho Anh nhi rồi trải cuộn lụa ra. Nó chính là di thư của Cẩm Phàm kiếm khách, có lẽ được viết bằng câu nhọn chấm máu tươi, vì nơi đây làm gì có bút mực. Ngay mảnh lụa cũng chỉ là một vạt áo cắt ra.

Nội dung của di thư thế này :

“Duyên nhân nhã giám! Lão phu vốn thực là Cẩm Phàm kiếm khách Ðoan Mộc Toàn đất Hồ Nam. Năm tứ thập, lão phu mắc quái chứng, dung mạo bị phá hủy, bèn bỏ Ðộng Ðình hồ đi tìm danh y. Triệu Châu Thần Y đã tận tình điều trị cho lão phu hết nửa năm mà không có kết quả. Mùa xuân năm chính thống thứ mười lăm, Bố Y Thần Toán Tô Hữu Tề đến Triều Châu thăm Tạ thần y, biết chuyện của lão phu liền bói dùm một quẻ. Ông ta khuyên lão phu nên đi lên hướng Bắc, khi nào nghe chim tu hú kêu bảy tiếng thì dừng chân ắt gặp thuốc thang!

Lão phu liền nghe lời họ Tôn nên có mặt ở Cưu Sơn này. Mật của loài Ðộc Hoàng Phong đã chữa lành quái bệnh, song không thể trả lại dung mạo anh tuấn cho lão phu.

Trước khi lâm bệnh, lão phu đã có lời minh sơn thệ hải với Nghi Xương Thần Nữ Khúc Phi Anh. Do vậy, lão phu không dám vác gương mặt lồi lõm, đầy sẹo về Hồ Nam gặp nàng, đành chôn vùi đời mình chốn rừng sâu.

Tám năm sau, trong lúc đi săn thịt, lão phu chợt phát hiện có một đứa bé gái độ bốn tuổi đang sống chung với bầy vượn. Lão phu liền bắt về nuôi, đặt tên là Ðoan Mộc Anh, để tưởng nhớ đến người yêu cũ.

Anh nhi hiếu thảo và ngoan ngoãn đã khiến cuộc đời lão phu có được những ngày hạnh phúc. Năm Anh nhi mười hai tuổi lão phu đã quyết định đưa nó về với nhân quần xã hội, nào ngờ, chưa kịp thực hiện thì lão phu bị một con rắn cực độc cắn vào đùi.

Biết mình không thể sống sót, lão phu xé áo, cắt tay viết bức di thư này để lại. Ai là người hữu duyên vào được chốn tuyệt địa, đọc thư này, xin hãy khai ân đưa đứa con gái nuôi của lão phu về Ðoan Mộc gia trang ở Trường Sa. Túc hạ cứ đưa tấm kim bài và di thư này ra, sẽ được hậu tạ ngàn lượng hoàng kim.

Ðoan Mộc Toàn tái bút!”

Ðọc xong, Nhương Thư giảng giải sơ lược cho Anh nhi nghe rồi dặn dò :

- Nay ta còn phải lên núi Cưu Sơn một chuyến, Anh nhi hãy ở đây chờ đợi vài ngày nữa ta sẽ quay lại rước nàng!

Ðoan Mộc Anh tròn mắt thắc mắc :

- Vách núi dựng đứng cao ngất, làm sao ngươi lên được!

Nhương Thư mỉm cười :

- Sẽ có người thả dây kéo ta lên!

Ðoan Mộc Anh lộ vẻ đắc ý :

- Ta chẳng cần dây cũng lên được. Ngươi thật là dở tệ!

Nhương Thư biết nàng không nói dối vì đã mấy năm sống với bầy vượn, khả năng leo trèo phải khác thường.

Hoàng hôn đã tắt lịm, lát nữa đây không gian sẽ tối đen, Nhương Thư đòi đi ngay. Anh nhi hăng hái :

- Ta sẽ dẫn ngươi đi cho nhanh. Song chỗ hẹn có đặc điểm gì để nhận ra?

Nhương Thư đáp :

- Ban ngày họ cắm lá cờ trắng, ban đêm thì đốt lửa trên đỉnh vách!

Anh nhi cười hì hì :

- Thế thì không lo! Chúng ta ăn cho no cái đã!

Trong thư, đệ tử Cái bang ở Cưu Sơn đã nói rằng Kỵ Ba Thần Quân không thể đóng xong thang trong vòng năm sáu ngày tới. Do vậy, Nhương Thư chẳng gấp lắm, ở lại ăn bữa chiều với Anh nhi. Thực ra bụng chàng cũng đói meo.

Ðoan Mộc Anh thổi bùng bếp than, bẻ thêm củi khô vào để nướng chiếc đùi nai. Gia vị chỉ có loại muối là tro của thảo mộc, chẳng mặn mà cho lắm.

Trong lúc ăn, Nhương Thư vui vẻ nói :

- Anh nhi! Ta sẽ nhận nàng làm em! Từ nay ngươi gọi ta là Tần đại ca và xưng là tiểu muội!

Ðoan Mộc Anh mừng rỡ lập đi lập lại hai từ ấy, miệng cười khúc khích, để lộ hàm răng trắng nhọn của kẻ quen ăn thịt. Trước khi về với Cẩm Phàm kiếm khách, nàng không biết dùng lửa và ăn thịt sống.

Xong bữa, Anh nhi hớn hở đưa đường cho Nhương Thư, chỉ nửa canh giờ sau đã đến bìa rừng, nơi tiếp giáp với sườn phía Bắc núi Cưu Sơn.

Chân vách toàn đá sỏi nên cây cối rất thưa thớt, tạo một khoảng trống lớn, dọc theo chân núi. Nhờ vậy, Nhương Thư đã nhìn thấy đốm lửa lập lòe trên đỉnh vách, cách chỗ chàng đứng không xa.

Nhương Thư dịu dàng bảo :

- Anh nhi hãy về động đi, tối đa là mười ngày ta quay lại đón hiền muội!

Ðoan Mộc Anh gật đầu không nói song ánh mắt hoang dại kia sáng rực niềm tin và nỗi lưu luyến.

Thực ra thì lúc ấy trời đã tối, sương mù từ cánh rừng bốc lên che phủ không gian, song cả Nhương Thư lẫn Ðoan Mộc Anh đều có nhãn lực phi thường nên mới thấy rõ nhau, cũng như cảnh vật.

Nhương Thư rảo bước, lát sau đã đến nơi, phát hiện dưới chân ngọn lửa trên đỉnh núi là một tảng đá khổng lồ, cao nửa trượng, mặt lớn độ chục mảnh chiếu.

Nhương Thư đã mấy lần rơi xuống vực, đối với độ cao cũng âm thầm ngán ngại, chẳng khác chim rừng trúng tên, thấy cành cong là sợ. Chàng nhủ nhầm :

- “Hoàng Nghi Tuyệt quả khéo chọn địa điểm! Lỡ đứt dây, ta rơi xuống tảng đá này thì khó sống!”

Bỗng chàng nghe tiếng động sau lưng, quay lại thì thấy Ðoan Mộc Anh, liền cau mày hỏi :

- Sao Anh muội không chịu về động?

Anh nhi lúng túng đáp :

- Tiểu muội từng té gãy xương vì dây leo đứt, lo cho đại ca.... nên đến đây xem sao?

Nhương Thư phì cười :

- Làm sao hiền muội hứng ta cho được, lúc ấy cả hai cùng chết chứ nào có ích gì? Những người trên kia là bạn của ta, chắc y đã kiểm tra dây kỹ lưỡng, làm sao đứt được!

Ðoan Mộc Anh gật gù :

- Thế thì tốt! Nhưng tiểu muội sẽ ở đây, chờ đại ca lên an toàn rồi mới đi!

Nhương Thư cảm động trước sự quan hoài của cô gái rừng hoang dã, vỗ vai nàng rồi nhảy lên tảng đá. Sợi dây chão lớn bằng cổ tay đã thả sẵn, song Nhương Thư phải báo hiệu rồi mới dám lên. Chàng ngửa cổ vận công nói :

- Tại hạ là Tần Nhật Phủ đây!

Người phía trên đáp ngay :

- Hay quá! Không ngờ Tần đại hiệp lại đến sớm như thế! Mời đại hiệp thượng sơn!

Nhương Thư yên lòng nắm dây chão lần lên, hai chân điểm vào vách, phần dây chão phía dưới được quấn hờ hơn nửa vòng quanh thân để có thể neo mình nghỉ ngơi khi cần. Lực đạo hai cánh tay chàng rất khỏe nên tốc độ tiến khá nhanh, nửa khắc đã đạt độ cao mười trượng, cách đỉnh vách chỉ ba trượng.

Bỗng từ trên đầu chàng có ba người ló ra, tay phải cầm đao, tay trái cầm đuốc soi sáng. Một gã cười khanh khách :

- Tần Nhật Phủ! Ngươi trúng kế của Thần quân rồi!

Nhương Thư chưa kịp cảm nhận được hết sự kinh hoàng thì đối phương vung đao chặt dây chão. Nhớ đến tảng đá dưới chân, Nhương Thư chua xót tự nhủ rằng mình chắc chắn phải chết. Ngay cả khi không rơi trúng tảng đá, chàng cũng khó toàn mạng vì nền đất chân núi cứng rắn.

Nhát đao oan nghiệt kia nhanh đến mức không cho phép chàng phản ứng.

Dây đứt lìa trong tiếng rú phẫn nộ của Nhương Thư. Nỗi sợ hãi khiến chàng co rúm người lại, tay nắm chặt sợi dây, chân kẹp cứng lấy đoạn chão nãy giờ quấn quanh hông.

Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, Nhương Thư chợt thấy sợi dây chão phía dưới căng ra và một lực đạo mãnh mẽ giật phăng thân hình chàng chấn sang mé hữu, rơi xuống tàn lá xum xuê của một cây cổ thụ ở cách tảng đá ba trượng. Chiều cao của cây này đã năm trượng nên khoảng cách rơi giảm bớt đi.

Theo bản năng sinh tồn, Nhương Thư đã dồn toàn bộ công lực bảo vệ thân thể. Sức nặng cộng với đà rơi của chàng đã làm cành cây gãy răng rắc một loạt từ trên ngọn xuống. Dĩ nhiên, da thịt của Nhương Thư chẳng thể lành lặn, rách toạc nhiều đường và mê man bất tỉnh vì đầu bị đập mạnh, nhưng chàng vẫn còn sống.

Trưa hôm sau, Nhương Thư hồi tỉnh, ngỡ ngàng nhận ra mình đang nằm sấp, thân thể lõa lồ, lưng đùi sau vương vướng cái gì đó.

Chàng vừa định ngồi lên thì có tiếng người nhắc nhở :

- Ðại ca cứ nằm im, chờ tiểu muội thay thuốc lá, băng bó xong mới được cử động!

Ðấy là tiếng của Ðoan Mộc Anh. Chàng xấu hổ quá liền nằm im thin thít. Dẫu sao nằm sấp vẫn kín đáo hơn ngồi dậy.

Hồi tưởng lại cảnh tử vong, chàng nhận ra chính Anh nhi đã cứu mạng mình. Nhương Thư liền hỏi :

- Anh muội! Ngươi làm thế nào để cứu được ta vậy?

Ðoan Mộc Anh vừa giã lá cây trong chiếc cối gỗ, vui vẻ giải đáp :

- Ðại ca biết không, tiểu muội chờ đại ca lên được nửa đường, liền nắm đầu dây trèo lên cây cổ thụ, cột chặt vào ngọn rồi giữ lấy và thu dần về!

Nhương Thư hiểu ra, lầm bầm :

- Thảo nào ta có cảm giác phần dây phía dưới hơi căng và cứ tưởng do gió đưa!

Anh nhi nói tiếp :

- Nhờ ánh sáng cây đuốc của bọn ác độc kia mà tiểu muội nhìn thấy nhát dao chặt dây, và kịp thời kéo đại ca về phía mình!

Nhương Thư cảm động nói :

- Hiền muội thực là thông minh và tốt bụng!

Bảy ngày sau, nhờ những thứ thuốc vô danh mà thần diệu trong rừng Cưu Sơn, ngoại thương của Nhương Thư đã hoàn toàn bình phục, song lòng lại nặng trĩu lo âu.

Thứ nhất, chàng lo cho an nguy của Cưu bang. Vụ ám sát chàng chứng tỏ rằng Kỵ Ba Thần Quân đã chiếm được Cưu Sơn, trước khi chàng đến, thư cầu viện chỉ là quỷ kế.

Thứ hai, giờ đây chàng lại có thêm trách nhiệm với cô gái bạc mệnh Ðoan Mộc Anh. Trong những ngày qua, Anh nhi đã chăm sóc chàng chẳng chút thẹn thùng, và dù không nói ra nhưng ánh mắt kia ngập tràn niềm yêu thương vô hạn. Nàng đã thẳng thắn từ chối việc về Trường Sa sống với nhà họ Ðoan Mộc và đòi theo chàng mãi mãi.

Nhương Thư hiểu rằng lời thề đồng hành xuống suối vàng với Thúy Sơn sẽ chỉ được thực hiện sau nhiều năm nữa. Hình bóng ba người vợ đang mang thai luôn nhắc nhở chàng không được phép chết. Chẳng thà bất tín chứ không thể bất nhân, bất nghĩa.

Trời sanh đã quá ưu đãi, nhiều lần ban cho chàng mạng sống, sao chàng có thể tự hủy được?

Mười một viên Lân Hỏa Thần Ðạn được Nhương Thư nhét vào ngực áo nên không bị cành cây va chạm vào khi chàng rơi xuống. Ðây cũng là điều xảo diệu khôn lường, vì nếu không gặp Ðoan Mộc Anh, không tặng nàng bộ quần áo cuối cùng thì Nhương Thư đã bỏ túi thần đạn vào tay nải, và chắc chắn chúng sẽ phát nổ, thiêu chết chủ nhân.

Chàng chỉ mang theo ba bộ võ phục, một mặc trên người, hai trong bọc. Khi bỏ một, tặng một, túi hành lý rỗng không, vô dụng, được để lại trong thạch động.

Kẻ gian hùng, mưu đồ bá chủ, thường có tật luyến tài, muốn thu dụng những kẻ anh hùng về làm thủ hạ. Do vậy, Nhương Thư hi vọng bọn Hoàng Nghi Tuyệt vẫn còn bị giam giữ chứ chưa chết.

Lực lượng chính phái ở Cưu Sơn toàn là những cao thủ kiêu dũng, số còn sống sót sau cuộc chiến tất sẽ được Kỵ Ba Thần Quân dùng Nhiếp Hồn đại pháp khống chế chứ không giết cho uổng phí. Tham vọng càng lớn thì càng cần nhiều nhân thủ để thực hiện.

Nghĩ vậy nên Nhương Thư quyết định dọ thám Cưu Sơn một lần xem sao. Chàng hỏi Ðoan Mộc Anh :

- Anh muội! Hôm trước ngươi bảo rằng có thể trèo lên vách đá Cưu Sơn mà không cần người kéo lên! Nay ta muốn nhờ hiền muội giúp ta lên đấy để cứu những người đang bị giam giữ!

Cô gái đã trả lại cho Nhương Thư bộ võ phục, vì bộ trên người chàng đã tan nát khi rơi xuống tàn cây. Dù định lực cao như núi, Nhương Thư cũng phải giữ lễ, bắt Anh nhi khoác vào người mảnh da gấu. Thường thì nàng chỉ mặc nó khi tuyết bắt đầu rơi.

Cẩm Phàm kiếm khách qua đời khi con gái nuôi mới mười hai tuổi đến giờ thì những bộ quần áo da cũ đã không còn vừa vặn, nên Anh nhi phải vụng về tự chế tác lấy. Ðơn giản là nàng lột da con gấu đen, chặt đầu, chặt hai bàn tay, và thiến ngang bụng, rốt cuộc có được chiếc áo khoác lông dài đến quá gối.

Khổ thay, Anh nhi lại chẳng có thói quen khép hai vạt áo nên cái gì cần giấu lại lộ ra. Nhương Thư khổ sở nhắc nhở thì nàng cười khúc khích.

- Thế này cho mát! Vả lại đại ca đã thấy ráo trọi rồi, che giấu làm gì nữa! Còn của đại ca thì tiểu muội nào có lạ gì!

Nhắc lại, khi nghe Nhương Thư đòi lên núi, Ðoan Mộc Anh hăng hái nhận lời :

- Tiểu muội sẽ lên trước, thả dây để đại ca lên sau!

Sợi dây chão oan nghiệt hôm trước vẫn còn nằm vắt vẻo trên tàn cây cổ thụ, tuy thiếu ba trượng song vẫn đủ dùng vì Nhương Thư có thể từ một chỗ cao nào đó tung mình lên chụp lấy đầu dây.

Xế chiều hôm ấy, hai người chuẩn bị lên đường. Anh nhi trút ngay bộ lông gấu ra :

- Leo núi không thể mặc áo lùng tùng, nặng nề này được!

Nhương Thư xốn mắt trước thân hình thon lẳng, khỏe mạnh, đầy sức sống thanh xuân của Anh nhi, vội cởi áo mặc cho nàng.

- Vậy thì hiền muội hãy mặc áo này vào!

Quả là chiếc áo đủ dài để che phủ đến tận gối mà không làm cô gái vướng víu khi leo trèo.

Hai người có mặt ở chỗ cũ, Anh nhi rút lấy đầu dây chão đang lòng thòng, cuộn lại rồi dẫn Nhương Thư đi về hướng Ðông thêm vài chục trượng. Ðoạn vách đá phía này ghồ ghề, có nhiều mẩu lồi, khe nứt, khả dĩ làm điểm tựa đặt chân. Song chỉ có loài khỉ vượn mới có thể vượt vách bằng con đường cheo leo hiểm trở này.

Nhương Thư thầm lo ngại, hỏi nàng :

- Anh muội có chắc lên được hay không?

Ðoan Mộc Anh mỉm cười tự hào :

- Ðại ca yên tâm! Tiểu muội đã lên núi ba bốn lần rồi!

Sương chưa lên, ánh tà dương vẫn còn soi rõ cảnh vật, song trên đỉnh vách không người canh gác nên Nhương Thư chẳng sợ bị phát hiện. Chàng chỉ lo Anh nhi trượt tay mà thôi.

Nhương Thư thở dài :

- Hiền muội lên đi! Ðại ca sẽ cố đỡ nếu ngươi rơi xuống!

Chàng không nói khoác vì biết rõ sức mạnh của mình. Chàng định sẽ nhảy lên hứng lấy Anh nhi. Và dùng xác thân mình làm nệm cho cú rơi của nàng.

Ðoan Mộc Anh chỉ cười, nhanh nhẹn trèo lên. Gió Tây lồng lộng thổi tung vạt áo để lộ đôi mông rám nắng tròn đầy khiến Nhương Thư bật cười.

Chàng cười chính mình vì đa dục mà e dè, sợ hãi đủ điều. Trong khi Anh nhi hồn nhiên, vô tư, trong sáng như trời xanh lồng lộng. Tự bao giờ con người phải dùng y phục để che chở thân thể trước con mắt dục vọng của đồng loại? Y phục trước tiên chỉ là dụng cụ làm ấm da thịt khi lạnh giá, sau đó kín đáo hơn để chống muỗi mòng.

Nhương Thư nghe lòng thanh thản hơn, chăm chú theo dõi bước tiến của cô gái rừng. Anh nhi hành động nhanh nhẹn, chuẩn xác như loài vượn, tứ chi bám vào những điểm tựa nhỏ bé, từng bước vững vàng vượt lên. Nàng không sợ độ cao, như cá không sợ nước nên đã thành công, tất nhiên phải kể đến sức mạnh và sực khéo léo của cuộc sống hoang dã.

Hơn khắc sau, Ðoan Mộc Anh đã an toàn ngồi vắt vẻo trên đỉnh vách, thả sợi dây se bằng vỏ cây xuống. Nó rất nhẹ nên nàng phải cột đầu dây vào một cục đá.

Nhương Thư bắt lấy, cột đầu dây chão vào để Anh nhi kéo lên. Sau khi cố định đầu trên, Anh nhi ra hiệu cho Nhương Thư. Ðoạn vách này thấp hơn chỗ chàng ngộ nạn hai trượng nên Nhương Thư chỉ cần tung mình lên là nắm được ngay.

Có dây, chàng thoăn thoắt trèo, hơn nửa khắc đã đến nơi. Theo kế hoạch, Anh nhi ở lại bảo vệ đường rút lui, còn Nhương Thư lần ra sườn Ðông dọ thám.

Ðoan Mộc Anh có mang theo Thiên Cương thần kiếm, ở chỗ chật hẹp hiểm trở này, dẫu gặp cường địch cũng không đáng ngại. Nhương Thư đã khảo sát võ nghệ của nàng, mừng vì Anh nhi có sức khỏe phi thường và trình độ kiếm pháp khá cao.

Thiên Cương kiếm pháp chủ ở lực đạo mãnh liệt, đòn ra như lôi giáng. Chiêu thức không rườm rà nhưng rất hiểm độc. Nó vốn dành cho nam nhân, nhưng Ðoan Mộc Anh còn khỏe hơn lũ đàn ông. Nàng lại mang bản chất sơn dã, khi đánh nhau thì dữ như cọp.

Nhương Thư tủm tỉm cười kéo vạt áo xốc xếch của Anh nhi xuống và nói :

- Hiền muội đừng vì nóng ruột mà lần theo ta! Nếu để mất sợi dây này là nguy đấy!

Anh nhi nghiêm nghị :

- Tiểu muội chỉ chờ đến lúc bình minh! Ðại ca không ra thì tiểu muội sẽ vào đấy!

Nhương Thư cảm động gật đầu và buột miệng nói đùa :

- Muội ăn mặc thế này mà vác kiếm đánh nhau thì e rằng phe đối phương khó thoát chết!

Anh nhi ngơ ngác không hiểu, nhìn theo bước chân Nhương Thư.

Họ Tần nương theo cây cối, đi vòng ra sườn núi hướng Ðông, lòng ngạc nhiên trước vẻ tĩnh lặng khác thường của nơi này. Dù phe nào chiếm cứ cũng không thể im ắng vì giờ mới là giữa giờ Dậu, chiều đã đi nhưng màn đêm chưa buông.

Nhương Thư mạnh dạn áp sát khu nhà gỗ, không chờ đợi bóng đêm nữa. Nghe ngóng hồi lâu, chàng có thể khẳng định nơi đây chẳng một bóng người.

Nhương Thư thận trọng tiến vào hậu viện, lục soát dần ra ngoài. Tất cả những tài sản có giá trị đều đã bị lấy sạch. May thay, trong phòng nọ còn sót lại hai bộ võ phục cũ kỹ của nam nhân và cả chục bộ võ phục dành cho nữ.

Nhương Thư đoán đây là khuê phòng của vợ chồng Hoàng Nghi Tuyệt. Phe địch toàn đàn ông nên không lấy quần áo đàn bà làm gì. Nghĩ đến Ðoan Mộc Anh, Nhương Thư dồn vài bộ cả nam lẫn nữ vào một vuông vải, đeo lên vai.

Không hề có mùi máu, chứng tỏ nơi đây chẳng xảy ra cuộc chiến. Vậy thì Kỵ Ba Thần Quân đánh chiếm Cưu Sơn bằng cách nào?

Lòng đầy nghi vấn và lo lắng, Nhương Thư đi vào tòa đại sảnh bằng gỗ, trụ sở chính của Cưu bang. Nơi đây cũng còn nguyên vẹn, chỉ mất những vật trang trí.

Nhương Thư chậm chạp đi dọc chiều dài đại sảnh, ra đến cửa chính, đứng dưới mái hiên bâng khuâng nhìn quanh chiếc sân rộng, kéo dài đến tận mép bình đài.

Ðã gần cuối giờ Dậu, không gian nhá nhem, mờ mờ, song trên nền trời vẫn nổi bật hai vật khiến chàng chú ý. Ðó là hai cột gỗ có thanh ngang ở trên như chữ thập, và dường như ai đó đang bị trói ở đấy.

Nhương Thư kinh hãi lao vút về hướng ấy, nhận ra hai thân hình tả tơi, lem luốc, y phục đầy máu khô kia chính là Hoàng Nghi Tuyệt và Từ Thanh Huệ.

Nhương Thư run giọng gọi :

- Hoàng đại huynh! Hoàng đại tẩu!

Song không ai trả lời cả. Nhương Thư sa lệ, vung kiếm đốn cột gỗ trói Hoàng Nghi Tuyệt, chỉ ba bốn nhát đã xong, chàng buông kiếm đỡ lấy cột, từ từ hạ xuống đất.

Trước tiên, chàng thò tay thăm mạch cổ họ Hoàng, hân hoang khôn xiết vì gã còn sống. Nhương Thư đến luôn cây cột thập tự giá thứ hai, càng mừng hơn khi Từ Thanh Huệ cũng chưa chết, dù mạch mong manh như sợi tơ mỏng.

Không thể mạo phạm đến vợ của bằng hữu. Nhương Thư liền đưa cả người lẫn cột vào đại sảnh. Những ngọn đuốc cắm trên tường quá rẻ tiền nên chẳng ai thèm lấy. Chàng đốt cả lên cho sáng sủa rồi chặt dây trói và tìm nước cho hai nạn nhân uống.

Sau đó, Nhương Thư chạy ngược phía sườn Bắc, gọi Ðoan Mộc Anh :

- Anh muội mau đến giúp ta một tay! Phe đối phương đã rút hết cả rồi, chỉ để lại hai người bạn của ta!

Anh nhi đang nóng ruột đợi chờ, mừng rỡ chạy đến ngay. Ðôi mắt cú vọ của chàng nhìn rất rõ cặp đùi ngựa của Anh nhi đang phơi ra trước gió, liền tháo tay nải, nhanh tay lấy ra một chiếc quần dài.

- Hiền muội hãy mặc vào kẻo bạn ta cười đấy!

Ðoan Mộc Anh ngoan ngoãn thêm lời và còn ra vẻ lễ giáo :

- Tiểu muội đã nhớ được lời phụ thân dạy bảo lúc còn thơ, quyết từ nay không lõa thể nữa!

Nàng bỗng mỉm cười và nói thêm một câu :

- Nhưng với đại ca thì tiểu muội chẳng hề e ngại!

Nhương Thư rầu thúi ruột, chẳng hơi đâu mà cãi cọ với con bé kém văn minh này. Chàng nắm tay Anh nhi lôi đi thật nhanh.

Gần nửa đêm, hai nạn nhân đã được đưa về đến thạch động. Tuy đã được cho uống nước lúc còn trên núi. Song giờ đây một bát nước nóng pha mật ong rừng cũng là điều cần thiết. Có lẽ họ đã phải chịu đói khát vài ngày.

Sau đó, Nhương Thư dồn chân khí kiểm tra kinh mạch. Nhận ra có bảy huyệt đạo bị phong tỏa, nên gân cốt vợ chồng họ Hoàng đều mềm nhũn, không còn tính cường cơ. Còn những vết thương rướm máu kia chính là vết roi da, hậu quả của một cuộc tra tấn hành hạ.

Thương tích không nặng song đã làm độc khiến hai người sốt mê man, lại thêm kiệt lực vì chẳng được ăn uống. Họ còn sống là nhờ đã dày công luyện võ, chân nguyên thâm hậu, sức chịu đựng hơn người.

Kỵ Ba Thần Quân quả là tàn ác khi dành cho họ cái chết dần mòn đáng sợ này.

Trước tiên, Nhương Thư truyền chân nguyên, đả thông những huyệt đạo bị bế tắc, thúc đẩy chân khí bản thân họ lưu chuyển.

Thủ pháp điểm huyệt của Kỵ Ba Thần Quân rất quái dị, Nhương Thư tốn rất nhiều sức lực mới giải phá được. Cũng may Nhiên Ðăng tâm pháp vô cùng uyên bác, màu nhiệm, lại thêm tu vi gần hoa giáp nên Nhương Thư đã thành công.

Kinh mạch ổn định song nạn nhân vẫn chưa tỉnh lại được. Nhương Thư tiến hành bước điều trị ngoại thương.

Ðoan Mộc Anh thấy chàng cởi y phục Hoàng Nghi Tuyệt cũng lăng xăng cởi áo Thanh Huệ. Nhương Thư giật mình cản lại :

- Nàng hãy ra ngoài, chờ ta lo xong cho họ Hoàng rồi hãy vào rửa vết thương cho Hoàng đại tẩu!

Anh nhi tròn mắt thắc mắc :

- Sao chúng ta không cùng làm một lúc cho nhanh?

Nhương Thư bối rối giải thích :

- Thân xác của nữ nhân chỉ dành cho trượng phu, người ngoài không được phép nhìn hay chạm đến. Từ nương là vợ của họ Hoàng, ta đâu thể thất lễ được!

Ðoan Mộc Anh gật gù ra vẻ hiểu biết, chậm rãi đi ra ngoài. Ðược vài bước thì quay lại nói :

- Ðại ca! Nếu thế thì tiểu muội chính là vợ của đại ca phải không?

Nhương Thư biết nàng ám chỉ đến việc hai người quá quen thuộc với nhau, liền hổ thẹn, chẳng biết nói sao. May thay, Anh nhi không chờ câu phúc đáp bước đi ngay.

Ttrưa hôm sau, nhờ uống mật ong quí và được đắp lá rừng, Hoàng Nghi Tuyệt đã hồi tỉnh trước., Gã ngơ ngác nhìn đôi nam nữ lạ mặt đang đứng cạnh giường, lát sau mới đủ tỉnh táo để nhận ra đôi lông mày kép quái dị nhất thế gian. Họ Hoàng lộ sắc mừng, thều thào hỏi :

- Tần đại hiệp vẫn còn sống đấy ư? Thế mà Thành lão quỷ bảo rằng Tần đại hiệp đã chết ở sườn núi phía Bắc!

Gã chợt nhớ đến ái thê, lo lắng hỏi thêm :

- Từ nương thế nào rồi? Ðại hiệp có cứu được nàng không?

Nhương Thư gật đầu trấn an :

- Hoàng huynh yên tâm! Ðại tẩu vẫn bình an, đang nằm ở góc xa kia!

Ánh mắt Hoàng Nghi Tuyệt lộ vẻ hân hoan. Gã thở phào :

- Trời cao có mắt nên người tốt chẳng thể chết oan!

Tri ân nhưng không nói lời cảm tạ vốn là thói quen của họ Hoàng.

Nhương Thư cho gã uống một bát mật ong rồi hỗ trợ việc hành công. Ðến chiều thì Hoàng Nghi Tuyệt đã khôi phục được bảy phần sức lực và Từ Thanh Huệ cũng tỉnh lại song vẫn còn rất yếu ớt.

Hoàng Nghi Tuyệt đã có thể ăn uống bình thường, ngấu nghiến thanh toán món thịt nai nướng, song ăn từng ít một cách quãng nhau để khỏi chết vì bội thực như Vương An Thạch.

Trong khoảng cách giữa hai lần ăn, họ Hoàng trò chuyện với ân nhân. Nhương Thư liền hỏi :

- Kỵ Ba Thần Quân chiếm được Cưu Sơn bằng cách nào? Tại hạ thấy chiếc thang khổng lồ kia chưa đóng xong mà?

Hoàng Nghi Tuyệt quắc mắt căm hờn chậm rãi nói :

- Gã khốn kiếp Tiểu Hồ Ly Chung Kim Dục đã bán đứng bọn tại hạ. Hôm rằm tháng tám, gã bỏ thuốc mê vào thức ăn, nước uống khiến đêm ấy mọi người ngủ say như chết, và Sơn Hải bang chiếm được Cưu Sơn mà chẳng tốn một mũi tên. Hôm sau, Kỵ Ba Thần Quân được thư của Vô Ưu Cái bang chủ, biết đại hiệp sẽ đến bằng đường sườn Bắc liền tương kế tựu kế để sát hại.

Nhương Thư hỏi tiếp :

- Lực lượng cao thủ chính phái ở Cưu Sơn đâu cả rồi, có ai bị hại không?

Hoàng Nghi Tuyệt buồn rầu đáp :

- Tất cả đều bị khống chế bằng độc dược và Nhiếp Hồn thuật! Họ sẽ trở về để ám hại năm vị Chưởng môn trong hội đồng võ lâm!

Nhương Thư giật mình kinh hãi :

- Nguy hiểm thực! Tại hạ phải đi ngay để ngăn chặn âm mưu này!

Họ Hoàng chua chát lắc đầu :

- Có lẽ đã quá trễ rồi! Tuy nhiên Thành Vô Chiến không có ý định giết chóc mà chỉ khống chế hội đồng võ lâm! Ðại hội Minh chủ sắp đến, không thể thiếu họ được, và vì Kỵ Ba Thần Quân tin rằng ngôi vị tối cao ấy sẽ thuộc về mình.

Nhương Thư thở phào :

- Thế thì chưa đến nỗi! Tại hạ sẽ tìm người giải tỏa Nhiếp Hồn pháp cho họ!

Và chàng ngạc nhiên hỏi lại :

- Vì sao Hoàng huynh lại biết rõ mọi mưu đồ của Sơn Hải bang như thế?

Hoàng Nghi Tuyệt cười lạnh :

- Tại hạ và chiết thê đã thống lãnh Cửu Bang tiêu diệt khá nhiều thủ hạ Sơn Hải bang nên bị Thành Vô Chiến căm ghét, không cho phép sống sót. Trong lúc giam cầm, tên cẩu tặc Tiểu Hồ Ly đã thường xuyên đến đánh đập và chọc tức bằng cách tiết lộ kế hoạch của Kỵ Ba Thần Quân. Gã này cho rằng bọn ta chẳng thể thoát chết mà kể lạí!

Nhương Thư phẫn nộ trước sự phản bội đê tiện của Chung Kim Dục, an ủi họ Hoàng :

- Tại hạ thề rằng sẽ bắt Tiểu Hồ Ly đền tội!

Chợt nhớ đến an nguy của ba người vợ bụng mang dạ chửa, Nhương Thư cau mày bảo :

- Dẫu sao tại hạ cũng phải đi ngay Lạc Dương xem tình hình thế nào. Hoàng huynh và đại tẩu cứ ở đây dưỡng thương bình phục hãy lên đường. Hẹn gặp nhau ở Tổng đà Cái bang!

Hoàng Nghi Tuyệt liền bàn :

- Nếu Vô Ưu Cái đã bị hại thì Lạc Dương chẳng còn là nơi an toàn! Mong đại hiệp thận trọng khi vào thành! Ngoài cửa Ðông có tòa Toàn Chân đạo quán của Từ Phong chân nhân Khúc Hoàn Sơn. Ông ta quen biết với tiên sư tất sẽ vui lòng cho Tần đại hiệp trú chân. Vợ chồng tại hạ cũng sẽ đến đấy tìm đại hiệp.

Sáng hôm sau, tức hai mươi bảy tháng tám, Nhương Thư dặn dò Ðoan Mộc Anh chăm sóc vợ chồng Hoàng Nghi Tuyệt rồi rời thạch động.

Chàng trở lại quán trọ trong thôn nghèo hôm trước lấy ngựa. Lão điếm chủ thực thà vẫn chưa bán mất tuấn mã của vị khách thất tung. Nhương Thư đền bù cho lão bằng tờ ngân phiếu trăm lượng bạch ngân.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui