Tần Nhượng Thư

Cuối tháng mười, bọn Nhương Thư sang đến tả ngạn sông Hoàng Hà, thiếu mất bốn người đàn bà vì Từ Thanh Huệ và ba ả họ Điền đã ở lại Tần gia trang, dưới chân núi Ngũ Đài sơn để tĩnh dưỡng. Họ là thai phụ nên không thể tham gia cuộc viễn chinh gian khổ được!

Ải Thần Quân đã trả cho Nhương Thư dung mạo cũ, song Dạ Quân Tử lại phải chế tác cho chàng một chiếc mặt nạ Tần Nhật Phủ!

Nhương Thư đã lên chùa Phật Quang hội ngộ với đồng môn, Chân Không thiền sư, phương trượng chùa, đã hứa sẽ bảo vệ bốn nữ nhân bụng mang dạ chửa kia!

Dĩ nhiên các nhà sư chỉ phụ trách vòng ngoài, việc hầu hạ bên trong đã có đám nữ tỳ lo toan!

Đoan Mộc Anh không bị giữ lại để giặt giũ như Bạch Cúc từng tính toán. Cô gái rừng thản nhiên tuyên bố :

- Tiểu muội sẽ đi theo Tần đại ca cho đến khi bụng to như tam vị đại thư mới thôi!

Bạch Cúc nổi dóa :

- Muốn bụng to thì nào có khó! Ngươi cứ ở lại đây để ta kiếm cho một gã tiều phu, hà tất phải bám lấy tướng công?

Đoan Mộc Anh nghe vậy rút kiếm đâm cổ tự sát, may mà Nhương Thư kịp ngăn lại. Bạch Cúc hết hồn hết lời năn nỉ cô gái sơn dã cương cường. Uyển Xuân cũng nói vào Anh nhi mới nguôi giận.

Chiều ngày đầu tháng mười một, Nhương Thư có mặt ở Toàn Chân đạo quán. Và ngay tối hôm ấy, họ bí mật vào thành Lạc Dương, đột nhập Phân đà Cái bang.

Vô Ưu Cái hồi sinh, và sau bốn ngày, nội bộ Cái bang không còn ai là tai sai của Kỵ Ba Thần Quân nữa.

Thiết Thủ Cái quỳ xuống khóc lóc xin tha mạng và đã toại nguyện. Bề ngoài, lão vẫn là Bang chủ Cái bang để bảo toàn bí mật cho chiến dịch giải thoát các phái của bọn Nhương Thư.

Sau Cái bang, Thiếu Lâm, bọn Nhương Thư giải phóng thêm phái Hoa Sơn ở Thiểm Tây và phái Võ Đang ở Hồ Bắc. Dạ Quân Tử Quách Tàn Bôi về Tứ Xuyên để cứu phái Nga Mi. Đến cuối tháng mười một thì cục diện võ lâm được vãn hồi hoàn toàn, phe chính phái bàn đến việc phản công, tiêu diệt Sơn Hải bang.

Nhưng Phân đà bí mật của Cái bang ở Tế Nam đã gởi tin về! Đó là việc Kỵ Ba Thần Quân kết thông gia với Tri phủ Sơn Đông. Thành Võ Chiến đã đem ái nữ xinh đẹp như tiên gã cho đứa con trai xấu xí đần độn của Quách tri phủ để củng cố thế lực của mình. Thế là lão được sự hậu thuẫn của quan quân Sơn Đông, khiến lực lượng bạch đạo chẳng dám bén mảng đến Tế Nam.

Tin thứ nhứt là đám cưới, tin thứ hai thì ngược lại! Võ Lâm Mạnh Thường Quân đột nhiên trúng gió độc, sắp chết và có di chúc để lại hết gia sản cho trưởng nữ.

Nghe xong tin này, Ngọa Long Tú Sĩ biến sắc nói :

- Thành lão quỷ quả là ác độc, không từ bất cứ thủ đoạn nào. Tài sản Điền gia phần lớn nằm trong các bất động sản, Thần quân muốn chiếm đoạt hết nên mới hạ độc thủ. Sau khi võ lâm Mạnh Thường Quân chết, chắc chắc trưởng nữ là Hổ Hồng Nhan Điền Ngọc Trâm cũng khó yên thân.

Nhương Thư bàng hoàng nhớ đến người con gái ngang tàng, nóng nảy và bồng bột ngày nào! Thúy Sơn là gái giả trai nên Ngọc Trâm vô tội, từ lâu, Nhương Thư định đi Tế Nam tìm nàng nhưng không có cơ hội. Quê vợ là sào huyệt của Sơn Hải bang nên chẳng ai cho chàng đến đấy cả.

Song giờ này, nghe nói tính mạng người xưa đang bị đe dọa, Nhương Thư chẳng thể bỏ qua. Chàng nghiêm nghị nói :

- Hầu lão ca! Tiểu đệ phải đi Tế Nam rước Ngọc Trâm mới được!

Vô Ưu Cái nhìn chàng bằng ánh mắt yêu thương, cười bảo :

- Ngươi đi là phải đạo! Nhưng phải có kế sách chu đáo mới được!

Lão quay sang nói với Ngọa Long Tú Sĩ :

- Này Lỗ hiền đệ! Ngươi mau trổ tài Gia Cát, bày cho lão phu một diệu kế để bình định Sơn Đông xem nào?

Lỗ Đăng Hân gượng cười :

- Hầu bang chủ chớ nên bỡn cợt kẻ hèn này nữa. Tiểu đệ chỉ có thể hiến một kế mọn để cứu cha con Võ Lâm Mạnh Thường Quân và bọn Bất Trí thư sinh ra khỏi tay hùm mà thôi.

Cao lão, Thiết Kình Ngư và anh em Tô Châu ngũ tặc vẫn còn bị Sơn Hải bang giam giữ ở Tế Nam, vì Kỵ Ba Thần Quân mến tài Bất Trí thư sinh, muốn ông phò tá mình.

Vô Ưu Cái hài lòng :

- Kế ấy thế nào?

Tú Sĩ nghiêm nghị đáp :

- Lần này tiểu đệ sẽ đích thân đến Sơn Đông, tùy cơ ứng biến, không thể nói trước được. Chỉ phiền Bang chủ bố trí đại quân mại phục ở đèo Cù Vân, nếu Kỵ Ba Thần Quân đuổi theo thì xem như lão ta đã tận số! Đèo Cù Vân nằm trên đường quan đạo từ Tế Nam đi Tế Châu, địa hình cực kỳ hiểm ác, một bên là sườn núi đầy loạn thạch, bên kia là vực sâu.

Vô Ưu Cái hân hoan :

- Hay lắm! Ngươi quả là khéo chọn nơi mai táng Thành Võ Chiến, lão phu tán thành kế hoạch này.

Cứu nhân như cứu hỏa, ngay sáng hôm sau, Nhương Thư và Hoàng Nghi Tuyệt đã khởi hành, đi trước một bước.

Thời xưa, trong luật giao thông, có một hạng người được hưởng quyền ưu tiên số một, đó là bọn dịch tốt chuyển vận công văn hỏa tốc. Họ có thể phóng ngựa như bay, ai không tránh đuờng, lỡ bị dẫm chết thì ráng chịu.

Muốn đi nhanh mà không gây nghi ngờ, Nhương Thư và Nghi Tuyệt đã giả làm hai dịch tốt. Tuy nói là giả nhưng họ lại có đủ giấy tờ tùy thân thiệt thọ, có luôn công văn của Tri phủ Hà Nam gởi cho Tổng trấn Quân Vụ Sơn Đông.

Tri phủ Hà Nam Tây Môn Đạt vốn là anh vợ của quan Tổng trấn Trần Đăng Khải, nhân vật uy quyền số hai ở đất Sơn Đông. Đấy là trong thời bình, còn khi bờ biển bị quân Nhật Bản, Cao Ly xâm phạm thì Trần tổng trấn chịu sự điều động trực tiếp của bộ Hình, không thuộc quyền Tri phủ Sơn Đông nữa.

Là người giữ gìn cương thổ, Trần tổng trấn luôn phải có mặt tại thanh đảo, dù nhà cửa, thê tử thì ở Tế Nam.

Trần Đăng Khải là một võ quan tài ba và rất thanh liêm nên cảnh nhà thanh bạch, chẳng được sung túc lắm. Do vậy, Tổng trấn phu nhân, nhũ danh Tây Môn Lan, không được vui khi thấy gia tài của Quách tri phủ ngày càng đồ sộ.

Là nữ nhân, bà cóc cần biết chồng mình tốt gấp trăm lần lão Quách Tốn, lòng luôn bị hậm hực khi bị thua sút Tri phủ phu nhân nhiều mặt. Đàn ông có nghèo thì cũng cười xòa, nhâm nhi vài chén rồi gõ bầu rượu mà ngâm câu “an bần lạc đạo”, xong đàn bà phải lo toan đủ thứ nên không nuốt trôi nổi câu ấy.

Bào huynh của Tạy Môn Lan biết rõ gia cảnh của em gái nên thỉnh thoảng cũng giúp đỡ vài trăm lượng. Dĩ nhiên, Tri phủ Hà Nam luôn dùng đường dây dịch trạm để chuyển tiền, vừa nhanh chóng lại vừa an toàn. Bọn đạo tặc chẳng dại gì chặn dịch tốt để cướp những tờ công văn vô dụng.

Nay đã gần giữa tháng chạp, tuyết rơi đầy, tiết trời lạnh căm căm, nhưng lòng Trần phu nhân nóng như lửa, mong mỏi món tiền viện trợ của anh trai. Không có nó, gia đình bà khó mà ăn tết cho vui vẻ được.

Bởi thế, Tổng trấn phu nhân vui mừng khôn xiết khi nghe quân gác cổng dinh vào báo rằng có dịch tốt từ Lạc Dương đến.

Tây Môn Lan là em gái út nên tuổi mới ba mươi, dù đã hai mặt con nhưng nhan sắc vẫn mặn mà, xinh đẹp nhất hàng ngũ các mệnh phụ thành Tế Nam. Người đẹp thì thường quý trọng nhan sắc của mình, luôn tô điểm bằng y phục và dồ trang sức để được nhận những ánh mắt ngưỡng mộ, tán thưởng của thiên hạ.

Nàng lại không muốn bọn dịch tốt của anh mình xem thường nên càng phải giữ tư thế, không để họ về Lạc Dương kháo chuyện lung tung. Bởi vậy, Tây Môn Lan đã mặc bộ y phục đẹp nhất, son phấn cẩn thận rồi mới ra khách sảnh. Nàng hy vọng người ngoài chỉ nhớ đến nhan sắc của mình mà quên đi cảnh nghèo nàn của dinh Tổng trấn.

Sau khi ngồi chễm chệ cạnh bàn, Tổng trấn phu nhân mới cho lính mời hai gã dịch tốt kia vào.

Tuyết phủ đầy mũ và áo lông, khách phải phủi sạch, cởi ra trao cho tên lính hầu rồi mới nhập sảnh.

Tây Môn Lan kinh ngạc khi thấy hai gã dịch tốt này tướng mạo anh hùng, đường bệ chứ chẳng tầm thường, nhất là cái gã trẻ tuổi, có đôi vành tai phúc hậu kia lại càng bội phần tôn quý.

Và cũng gã ấy mỉm cười đôn hậu, vòng tay thi lễ theo cung cách võ sĩ rồi cất giọng trầm ấm :

- Tại hạ Tần Nhương Thư, bái đệ của Tây Môn đại nhân, xin ra mắt phu nhân!

Phải chăng Nhương Thư nói láo? Thưa không, chàng đã cùng Tri phủ Hà Nam Tây Môn Đạt lạy nhau tám lạy ngay tối mùng một vừa rồi.

Vì sao quan Tri phủ lại chấp nhận mối kết giao này? Bởi đã từ lâu, Tây Môn Đạt là nghĩa đệ của Bang chủ Cái bang Hầu Mộ Thiên.

Việc này người ngoài không được phép hay biết, song Tây Môn đại nhân được ngồi vững ba mươi năm ở ghế Tri phủ Hà Nam cũng là nhờ Cái bang. Y nổi tiếng là vị quan công minh, có tài xử án như thần, chưa hề để xảy ra oan khuất. Tình hình trị an trong phủ Hà Nam cũng rất yên ổn.

Tây Môn Đạt nhiều lần ban sắc chỉ khen thưởng, nhưng mọi công lao kia thực ra đều thuộc về Cái bang. Bọn hóa tử có mặt khăp nơi, mau chóng tìm ra hung thủ để Tri phủ đại nhân thăng đường phán xét.

Mà Nhương Thư còn hơn em ruột Vô Ưu Cái, lại là Minh chủ võ lâm, thì tội gì Tây Môn Đạt không vơ lấy?

Nhắc lại, Tổng trấn phu nhân Tây Môn Lan nghe khách nói thế, vội mời mọc :

- Đã là người nhà cả, mời Tần hiền đệ và vị huynh đài đây an tọa.

Nhương Thư giới thiệu danh tánh Hoàng Nghi Tuyệt với chủ nhà rồi cùng gã ngồi xuống. Chàng lấy thư của Tri phủ Hà Nam trao cho Tây Môn Lan.

Trong bao thư có đến hai tờ hoa tiên. Nét mặt Tây Môn Lan biến đổi theo từng hàng chữ, bàn tay búp măng trắng trẻo run nhẹ.

Trong tờ thư thứ nhất có một đoạn đáng chú ý : “Thất muội! Ba năm trước, Thái hậu du ngoạn Lạc Dương, làm mất vật yêu quý là con Hồng Anh Vũ. Ngu huynh may mắn tìm thấy nên được Thái hậu ân thưởng hai ngàn lượng hoàng kim. Nay thấy hiền muội cảnh nhà thanh bạch, ngu huynh xin tặng một nửa, mong hiền muội nể mặt ta mà nhận cho!”

Tây Môn Lan đọc hết hai thư này, ngước lên nhìn Nhương Thư. Chàng trai họ Tần liền lấy ra một xấp ngân phiếu, cung kính đặt trước mặt nàng.

Tây Môn Lan thừa thông minh để hiểu số vàng này là của ai? Chị dâu của nàng, tức Tri phủ phu nhân, là một người keo kiệt, đâu dễ gì chịu nhả cho em chồng khoản hoàng kim nhiều như vậy?

Và nếu Tây Môn Dạt thực sự có lòng thương em gái sao không chia từ mấy năm trước?

Nhưng của ai cũng mặc, Tây Môn Lan rất cần số vàng hợp pháp này. Chồng nàng cũng như người ngoài không thể đàm tiếu, dị nghị vì đã có phong thư làm bằng chứng. Anh cho em là chuyện thiên kinh địa nghĩa, dù ít khi xảy ra trường hợp mà số vàng lên đến cả ngàn lượng!

Bỗng nhiên Tây Môn Lan có cảm giác tri ân đối với Nhương Thư, kẻ đã giải thoát gia đình mình khỏi cảnh nghèo khó. Vì với số lương bổng nhỏ bé của quan Tổng trấn, chắc chắn lúc về hưu, không dành dụm nổi trăm lượng bạc chứ đừng nói bạc ngàn.

Bổng lộc của quan lại triều đình rất thấp, do vậy, việc tham ô, nhũng nhiễu rất phổ biến. Ai cũng muốn vơ vét một mớ để dưỡng già. Trong mười vị quan, may ra chỉ một là thanh liêm.

Tri phủ Hà Nam, anh nàng, đã viết rất rõ yêu cầu của bọn Nhương Thư, là được tạm trú ít hôm để cứu người thân đang bị giam cầm trong Điền gia trang. Dinh Tổng trấn thì rộng thênh thang, lại là cơ ngơi do triều đình cung cấp, Tây Môn Lan chẳng mất mát gì cả mà được ngàn lượng vàng, bảo sao nàng không cảm kích Nhương Thư?

Hơn nữa, Tổng trấn phu nhân chẳng ưa gì quan Tri phủ Sơn Đông lẫn thông gia của lão là Kỵ Ba Thần Quân! Hôm đám cưới con họ, nàng đã mất toi năm chục lượng bạc dù chẳng được ăn miếng nào. Nếu đến dự, nàng phải mừng trăm lượng, hết cả tiền chợ tháng ấy!

Ai cũng bảo “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim!” Nhưng thực ra, sự giàu sang đã tạo cho con người một ái lực! Người quân tử lãnh đạm với bọn phú quý song đàn bà lại chưa bao giờ được xem là quân tử. Vì thế, Tây Môn Lan chợt có ý định thân cận với Nhương Thư, nhất là khi chàng công tử giàu nứt đố đổ vách này lại hiền lành, nhân hậu chứ không kiêu ngạo như bọn trọc phú! Tây Môn Lan vui vẻ nói :

- Nay công tử đã là bái đệ của đại ca ta, thì hãy gọi ta là thất tỷ cho đúng lễ!

Nhương Thư vội vòng tay :

- Tiểu đệ xin tuân mệng thất tỷ!

Và chàng lấy ra một túi lụa nhỏ, kính cẩn nói :

- Đây là chút quà bái kiến của tiểu đệ, mong thất tỷ hạ cố thu nhận.

Tây Môn Lan hài lòng, bảo ả tỳ nữ đưa khách vào hậu viện tắm gội, nghỉ ngơi rồi chờ cơm trưa. Phần nàng mau mắn về khuê phòng giấu kỹ xấp ngân phiếu.

Khi đổ túi lụa ra xem thử, Tây Môn Lan chóng váng, tròn mắt nhìn hơn chục viên Lam Bảo Ngọc và Hồng Bảo Ngọc quý hơn vàng. Trị giá số châu báu vượt xa số vàng ngàn lượng. Nàng tin chắc rằng trong thành Tế Nam này không một nữ nhân nào có được loại ngọc xinh đẹp đến thế!

Lam Bảo Ngọc thì may ra con mụ Tri phủ phu nhân còn có được, là sản phẩm của Trung Hoa. Nhưng những viên Hồng Bảo Ngọc đỏ như máu bồ câu này chỉ có ở Miến Điện và Xiêm La!

Tây Môn Lan bồi hồi nghĩ đến lúc mình đeo châu báu xuất hiện trước mặt lũ mệnh phụ kênh kệu trong thành! Cảm giác chiến thắng quả là tuyệt diệu!

Ngay buổi chiều Nhương Thư và Hoàng Nghi Tuyệt mang mặt nạ, đội tuyết tìm đến Thiền Vân ni viện ở gần cửa Nam thành, nơi tu hành của Hổ Hồng Nhan Điền Ngọc Trâm.

Ni viện nằm sâu trong khoảnh vườn đào u tịch, vắng vẻ, rất thích hợp với việc xa lánh bụi hồng trần.

Tuyết rơi mù mịt, hoa đào chưa nở, vậy mà quanh vườn thấp thoáng rất nhiều bóng khách nhàn du. Họ co ro trong áo choàng lông, đi qua đi lại cho đỡ lạnh, miệng lẩm bẩm liên hồi, chẳng phải là ngâm thơ vịnh tuyết mà là chửi cha mắng mẹ cái phiên gác gian khổ.

Trách nhiệm của một trăm tên bang chúng này là giữ kỹ vị ni cô pháp danh Vô Sắc cho đến lúc Điền trang chủ qua đời.

Khi Vô Sắc, tức Điền Ngọc Trâm về dự đám tang cha sẽ lọt vào tay Kỵ Ba Thần Quân. Lão chỉ cần nửa khắc để nhiếp hồn buộc Ngọc Trâm tự ý xin hoàn tục và trở lại thành con dâu của lão ta. Nhưng thế thì tại sao Thần quân không giúp cho Điền Đông Giám chết sớm hơn, rồi dùng bản lãnh thần thông vào ni viện mà khống chế Ngọc Trâm?

Thành Võ Chiến cũng muốn như vậy nhưng không dám vì nhiều lý do. Thứ nhất, Điền trang chủ quan hệ rất rộng rãi, không phải chỉ ở đất Sơn Đông mà cả Bắc Kinh và các phủ lân cận. Thứ hai, không có loại thủ pháp hay dược độc nào giết người mà không để lại dấu vết. Nếu Hổ Hồng Nhan đòi mổ xác khám nghiệm thì Thần quân sẽ nguy to. Do vậy lão quái đã phải dùng Nhiếp Hồn thuật biến Điền Đông Giám thành một kẻ chán ăn. Không ăn thì sẽ chết và chẳng ai nghi ngờ hay buộc tội Thần quân được cả.

Khi Điền trang chủ lâm bệnh, người trong họ đã mời các đại danh y đến chữa trị. Song nạn nhân vẫn lỳ lợm, không chịu nuốt bất cứ loại thực phẩm nào ngoại trừ nước lã. Người ta đành phải nấu sâm già cho lão uống cầm hơi. Sâm dù quý cách mấy cũng không thay được gạo, thịt, do đó, sớm muộn gì họ Điền cũng chết vì kiệt lực.

Còn việc đột nhập Thiền Vân ni viện thì Thần quân chịu thua. Ngôi chùa nữ này có đến ba trăm mụ ni cô, đầu láng bóng như nhau, nửa đêm biết ai với ai mà mò. Vào ban ngày thì dễ bị lộ và rất nguy hiểm, vì ni viện này được sự đỡ đầu của chính hoàng Thái hậu. Đây cũng là nơi mà vợ con các quan lại Tế Nam thường xuyên đến lễ Phật.

Nhắc lại, Nhương Thư và Hoàng Nghi Tuyệt quan sát hồi lâu, nhận ra Thiền Vân ni viện được canh phòng cẩn mật, thất vọng quay về dinh Tổng trấn.

Tối hôm ấy, Nhương Thư lộ vẻ buồn rầu, họ Hoàng liền nhắc nhở :

- Sao công tử không lấy túi gấm mà Ngọa Long Tú Sĩ đã trao lúc lên đường. Lão ta dặn rằng khi nào gặp khó khăn thì hãy mở cẩm nang ra.

Nhương Thư gượng cười :

- Tại hạ không quên, chỉ thẹn mình thiếu cơ trí, chưa bao giờ tự giải quyết được việc gì cả.

Hoàng Nghi Tuyệt vỗ vai chàng, cười khanh khách :

- Nhân vô thập toàn! Hà tất công tử phải ưu phiền vì khiếm khuyết nhỏ nhoi ấy? Vả lại, chẳng phải lòng nhân của công tử đã thu phục được trí tuệ của Lỗ tú sĩ đấy sao?

Nhương Thư hổ thẹn, mở bọc hành lý lấy túi gấm để xem diệu kế của Ngọa Long Tú Sĩ.

Chàng và Hoàng Nghi Tuyệt kề đầu đọc chung, lát sau nhìn nhau mỉm cười, giơ ngón cái khen ngợi tài thần cơ diệu đoán của Lỗ Đăng Hân. Lão ta đã đoán trước việc Thiền Vân ni viện bị phong tỏa và bày cho Nhương Thư kế sách xâm nhập đúng như câu “Ốc trung quyết sách, thắng ư thiên lý ngoại!” (ở nhà liệu việc mà thắng xa ngàn dặm)

Hai người liền khăn áo chỉnh tề lên khách sảnh mời Tổng trấn phu nhân đến thương lượng. Dĩ nhiên Tây Môn Lan vui vẻ đáp ứng, chẳng hề nghi ngại.

Hôm sau là rằm tháng chạp, Tổng trấn phu nhân lên kiệu đi đến Thiền Vân ni viện để lễ Phật. Là vợ của quan nhị phẩm, Tây Môn Lan được dùng kiệu phủ sa hay lụa màu xanh. Trời hạ thì sa, trời đông thì lụa dầy. Trong kiệu còn có lồng than bằng đồng để sưởi ấm.

Ngoài hai gã phu khiêng kiệu, Tây Môn Lan còn mang theo mười gã vệ binh đeo đao tiền hô hậu ủng rất oai phong. Nhà nàng nghèo nhưng danh giá nhất nhì Sơn Đông này.

Mới giữa giờ Thìn nên Tây Môn Lan là tín đồ đến sớm nhất, khiến bọn bang chúng Sơn Hải bang mai phục bên ngoài ni viện phải ngạc nhiên, song chẳng chút nghi ngờ. Đương nhiên chúng không dám chận đường để hỏi han.

Cửa chùa đã rộng mở và bên trong sân gạch phía trước có hơn chục nữ ni đang quét tuyết chuẩn bị đón khách thập phương.

Một ni sư tuổi trung niên đon đã chào hỏi :

- A di đà Phật! Sao hôm nay nữ thí chủ đến sớm hơn mọi rằm khác vậy?

Tây Môn Lan vén màn kiệu, vui vẻ đáp :

- Đêm qua đệ tử có giấc mơ lạ nên đến sớm để thỉnh giáo Thần ni.

Vị ni cô kia cười bảo :

- Sư phụ đang đi quyền ở hậu tự, Tây Môn thí chủ cứ thẳng vào mà bái kiến.

Tây Môn Lan gật đầu, dặn bọn vệ binh ở lại sân trước rồi ra lệnh cho phu kiệu đưa mình đi tiếp. Qua khỏi Quan Âm bảo điện là đến vườn hoa nhỏ nằm giữa ba dãy Thiền đường. Sau lưng Thiền đường mới là tăng xá của các nữ ni.

Trụ trì ni tự này có pháp hiệu Thiền Vân khỏe mạnh, minh mẫn. Người ta đồn rằng Thần ni rất giỏi võ, song chưa ai thấy bà xuất thủ bao giờ.

Thần ni noi gương Thiếu Lâm tự, dạy khí công và võ nghệ cho các ni cô, song chỉ dạy quyền cước chứ không dạy kiếm thuật.

Thấy cỗ kiệu quen thuộc dừng cạnh sân gạch, Thần ni bỏ dở pho quyền, bước vào ngồi trong tòa tiểu đình bát giác gần đấy.

Tây Môn Lan đã xuống kiệu, tất tả đi đến tiểu đình, cung kính đảnh lễ trước thềm. Thần ni thấy mến vị phu nhân nghèo mà mộ đạo này nên hiền hòa bảo :

- Đã là chỗ quen biết, sao thí chủ lại phải đa lễ như vậy? Xin mời vào dùng với lão ni chén trà cho ấm.

Tây Môn Lan khép nép ngồi xuống chiếc đôn sứ cạnh bàn đá, nhấp hớp trà thơm nóng bỏng.

Thần ni nhìn khách chăm chú rồi nói :

- Phải chăng thí chủ có việc quan trọng muốn bàn với lão ni?

Tây Môn Lan ngượng ngập gật đầu :

- Bẩm Phương trượng! Hôm nay đệ tử đến đây vì việc của ni sư Vô Sắc. Đệ tử nghe nói Kỵ Ba Thần Quân đã ám hại Điền trang chủ và sẽ hạ thủ luôn Vô Sắc để đoạt gia sản.

Thiền Vân thần ni bình thản đáp :

- Vô Sắc đã là người nương thân cửa Phật, không màn đến của cải, còn sự an toàn của nó đã có bần ni lo liệu. Thí chủ bất tất phải quan tâm.

Tây Môn Lan nóng mặt cười nhạt :

- Phật tổ cũng dạy chúng sinh phải hiếu để, lẽ nào con thấy cha sắp chết mà không cứu?

Thần ni cau mày :

- Điền lão thí chủ lâm trọng bệnh, các danh y còn bó tay thì Vô Sắc làm gì được?

Tây Môn Lan nghiêm giọng :

- Điền trang chủ bị Thần quân dùng thuật Nhiếp Hồn ám hại mà bỏ ăn đến chết chứ chẳng bệnh hoạn gì cả. Đệ tử cam đoan cứu được Điền lão, chỉ cần sự hợp tác của Thần ni mà thôi.

Thiền Vân lưỡng lự :

- Thôi được, lão ni sẽ gọi Vô Sắc ra đây xem ý nó thế nào

Bà quay sang bảo nữ ni hầu trà :

- Tiểu Tĩnh! Con mau gọi Vô Sắc sư tỷ đến đây.

Lát sau, Tiểu Tĩnh đưa một ni cô có thân hình thon gầy, dung mạo xinh đẹp nhưng đầy nét bi ai, ra đến tiểu đình.

- Vì sao phu nhân lại biết rõ nội tình Sơn Hải bang mà đứng ra can thiệp?

Tây Môn Lan mỉm cười :

- Đệ tử có một gã nghĩa đệ từ lâu thầm thương trộm nhớ Hổ Hồng Nhan. Y muốn làm rể họ Điền nên ra sức lập công, cứu cho được cha vợ.

Vô Sắc chính thị con cọp cái xinh đẹp đất Tế Nam nên tính nóng như lửa vẫn còn. Nàng giận dữ nạt :

- Mụ chớ nói càn! ta không nhịn nữa đâu nhé.

Tây Môn Lan che miệng cười khanh khách :

- ối chà! Kẻ tu hành sao lại hung dữ đến thế? Sau này ta phải bảo nghĩa đệ dạy dỗ lại mới được.

Rồi nàng giơ tay vẫy hai gã phu kiệu, họ vội rảo bước đến ngay.

Thiền Vân thần ni dù có định lực thâm hậu cũng không chịu nổi cảnh này, liền gằn giọng :

- Thí chủ đừng ỷ mình là Tổng trấn phu nhân mà tự tung tự tác. Lão ni sẽ tấu lại với hoàng Thái hậu đấy.

Tây Môn Lan xua tay, ra hiệu cho bà im lặng. Thần ni ngơ ngác nhìn đệ tử yêu thét lên khi một gã lính khiêng kiệu lột nón ra :

- Tần tướng công!

Và nàng lảo đảo như sắp ngất xỉu. Thiền Vân thần ni vướng bàn đá nên không sao ra được để đỡ, nhưng gã họ Tần kia đã bay vút đến, ôm gọn thân hình ẻo lả của Vô Sắc và xoa bóp quanh gáy để cứu tỉnh.

Vô Sắc mở mắt ra, ôm chặc họ Tần mà khóc lóc kể lể :

- Tướng công ơi! Hai năm nay lòng thiếp chẳng lúc nào nguôi phiền muộn vì hối hận và nhung nhớ. Khi nghe tin chàng chết chỉ muốn tự sát cho xong.

Nhương Thư ngượng ngùng trước ánh mắt ngỡ ngàng của vị lão ni, liền bịt miệng Hổ Hồng Nhan và dịu dàng nói :

- Ta may mắn thoát chết, trở về đây rước nàng và cứu nhạc phụ. Ngôi chính thất vẫn mãi là của nàng.

Ngọc Trâm thẹn thùng nói :

- Thiếp mặt mũi nào mà tranh giành ngôi thứ với Thúy Sơn?

Té ra dù không ra khỏi ni viện nhưng Ngọc Trâm cũng am tường chuyện giang hồ, biết cả việc Thúy Sơn là gái giả trai. Có lẽ đám nhà bếp tình cờ đi chợ nên nghe ngóng được.

Ngọc Trâm không để ý đến nét mặt kỳ quái của Nhương Thư, quay sang giới thiệu tình quân với Thần ni :

- Sư phụ! Chàng chính là trượng phu của đồ nhi từ cõi chết trở về.

Thiền Vân thần ni ngán ngẩm, tiếc công dạy dỗ con cọp cái đa tình kia! Thân đang là ni cô mà thản nhiên ôm ấp nam nhân trước mặt trụ trì thì còn tu hành chi nữa.

Bà chưa kịp nổi giận thì Nhương Thư đã quỳ xuống đảnh lễ :

- Đệ tử Phật Quang tự, Ngũ Đài sơn, xin ra mắt Thần ni.

Thiền Vân chấn động hỏi lại :

- Thí chủ là đệ tử của vị thần tăng nào vậy?

Nhương Thư cung kính đáp :

- Bẩm Thần ni! Tiên sư là Phật Đăng Thượng Nhân, lúc sinh tiền vẫn thường nhắc đến Thần ni.

Thiền Vân hoan hỉ nói :

- Thiện tai! Thiện tai! Té ra thí chủ là truyền nhân của Phật Đăng sư huynh! Theo vai vế ngươi hãy gọi ta là sư thúc.

Vài khắc sau, khi khách thập phương đến đông thì kiệu của Tổng trấn phu nhân cũng rời ni viện. Bước chân hai gã kiệu phu vẫn bình thường khiến không ai có thể nghi ngờ rằng trong kiệu có đến hai người ngồi. Với công lực của Nhương Thư và Hoàng Nghi Tuyệt thì dẫu khiêng ngàn cân cũng vẫn nhẹ nhàng.

Chiều mười sáu, dinh Tổng trấn có thêm vài vị khách. Họ mặc y phục võ quan, chừng như là thủ hạ của Tổng trấn mang thư về thăm nhà.

Bốn người này chính là Ngọa Long Tú Sĩ, Dương Châu Thần Thâu, Đoan Mộc Anh và Triều Châu Thần Y.

Nhương Thư giới thiệu Điền Ngọc Trâm với những người mới đến, bắt Đoan Mộc Anh gọi nàng bằng đại thư. Anh nhi không chịu, trợn mắt nói :

- Tiểu muội đến trước phải làm chị, sao làm em được?

Nhương Thư liền nhỏ nhẹ giải thích rằng Ngọc Trâm là chị cả của bọn Mã Lan, tuổi tác hơn cả Anh nhi rắt nhiều.

Đoan Mộc Anh không tin, hờn dỗi nói :

- Đại ca lừa tiểu muội ư? Y thị không có lông thì làm sao lớn hơn được Anh nhi?

Cô gái rừng rú này mới học tiếng Bắc Kinh chẳng bao lâu nên dùng chữ mao thay cho chữ phát, khiến Tổng trấn phu nhân Tây Môn Lan phá lên cười nắc nẻ, còn đám nam nhân chỉ dám nhếch mép.

Hổ Hồng Nhan biết phận hàng thần, cố nén cơn giận dữ, cúi gầm mặt xuống đất trông rất đáng thương. Nhương Thư thấy gia sự rối ren, vừa buồn vừa xấu hổ cho cái tính đa mang của mình, liền đứng lên đi về phòng.

Anh nhi mang bản chất hoang sơ tinh tuyền, tuy ngoài miệng nhận vợ chồng nhưng trong lòng vẫn xem Nhương Thư như người cha. Nay thấy chàng buồn vì mình, Anh nhi sợ hãi, hối hận, rời ghế lao vút theo chặn đường, ôm chân Nhương Thư mà khóc :

- Anh nhi đã biết lỗi, đại ca hãy đánh đòn tiểu muội chứ đừng buồn rầu nữa! Từ nay Anh nhi chẳng bao giờ dám cãi lời đại ca, dù có phải gọi ả không lông kia là bà nội cũng chẳng sao!

Nàng dùng tiếng Hồ Nam, gợi cho Nhương Thư nhớ đến mẫu thân. Chàng bùi ngùi đỡ Đoan Mộc Anh lên vỗ về :

- Ta rất yêu thương Anh muội, đâu nỡ đánh đòn.

Anh nhi sung sướng cười khì, quay lại gọi Ngọc Trâm là đại thư, ngồi xuống bên cạnh, dáng điệu rất ân cần, trìu mến.

Nhương Thư hài lòng, về ghế cùng mọi người bàn bạc kế sách cứu Điền trang chủ và bọn Bất Trí thư sinh. Tổng số tù nhân lên đến tám người nên công việc không hề dễ dàng chút nào cả.

Ngọa Long Tú Sĩ yêu cầu Ngọc Trâm vẽ lại sơ đồ nhà cửa trong Điền gia trang. Ông xem kỹ, trầm ngâm suy nghĩ, vầng trán rộng và gương mặt sáng láng toát ra vẻ thông thái, cương nghị.

Nhương Thư ngắm lão lòng đầy cảm giác kính phục và yêu mến. Trí tiệu của Lỗ tú sĩ hữu dụng hơn hẳn bản lãnh võ công của chàng.

Lỗ Đăng Hân bỗng hỏi :

- Dinh Tri phủ nằm cách Điền gia trang bao xa?

Tây Môn Lan là vợ võ tướng, bản thân cũng biết chút đỉnh võ nghệ nên rất thích thú chuyện giang hồ. Nàng thực sự bị cuộc phiêu lưu của bọn Nhương Thư mê hoặc, chẳng còn nghĩ đến hậu quả. Tây Môn Lan hồ hởi ứng tiếng ngay :

- Dinh Tri phủ ở mé Tây thành, cách Điền gia trang chỉ độ hơn dặm. Phải chăng Lỗ túc hạ sợ lão Quách Tốn cho quân đến tiếp viện thông gia?

Lỗ Đăng Hân mỉm cười lắc đầu :

- Không phải sợ mà là mong cho họ đến thật đúng lúc. Tháng này có hai người mười tám và mười chín. Đúng là trời đã giúp ta.

Lão bèn trình bày kế sách khiến cả nhà phải phục lăn. Ngay nửa đêm, Dương Châu Thần Thâu lập tức lên đường. Đối với một tay đạo chích thượng thừa như Bạch Túc Nhiên thì việc đột nhập Điền gia trang là điều khả thi, nhưng gã không thể cứu người ra và cũng chẳng được giao nhiệm vụ ấy.

Trong mùa đông, chẳng phải ngày nào tuyết cũng rơi mù mịt, mà đôi khi trở trời, chỉ lất phất vài hạt, hoặc hoàn toàn không. Nhưng kẻ tiên đoán được thời điểm ấy thì phải có tài thông thiên triệt địa cỡ Gia Cát Lượng.

Lỗ Đăng Hân đã không làm hổ thẹn cái thanh danh Ngọa Long Tú Sĩ, sáng mười tám tuyết ngưng rơi cho đến tận nửa đêm mười chín vẫn chưa có.

Và đúng giữa canh ba, một loạt những công trình phía sau Điền gia trang đột nhiên phát hỏa, cả nhà bếp, nhà kho, nhà tù đều bốc cháy.

Ngọn lửa xuất phát từ nhà kho, nơi chứa ngũ cốc và một lượng dầu mỡ thắp đèn rất lớn.

Biết có kẻ phá hoại, Kỵ Ba Thần Quân ra lệnh chữa cháy và phòng vệ thật cẩn mật. Nơi đầu tiên lão quan tâm là tòa nhà gạch kiên có đang nhốt bọn Bất Trí thư sinh.

Lão kinh ngạc khi thấy cửa chính vẫn còn ổ khóa lủng lẳng và bọn canh gác cũng xác nhận tù nhân chưa hề thoát ra. Lửa bốc lên từ bên trong, sức cháy rất dữ dội vì có một lớp rơm dầy cho tù nằm.

Thành Võ Chiến ngơ ngẩn nhủ thầm :

- “Chẳng lẽ họ Cao quẫn trí nên tự thiêu cả bọn? Hay hung thủ không cùng phe với tù nhân?”

Lửa đã lan sang hai công trình bằng gỗ khác. Thần quân đành gạt bỏ nghi vấn lao về hướng ấy.

Tình thân gia mặn nồng nên Quách tri phủ cùng em trai đã thống lãnh quân sĩ đến Điền gia trang giúp đỡ. Chàng ngốc Quách Lang Sinh ế vợ đã lâu, nay lấy được tiên nữ nên hết lòng tri ân cha vợ, hăng hái đốc thúc quân lính chữa cháy.

Quân sĩ triều đình ngày xưa thường kiêm luôn việc cứu hỏa mỗi lúc doanh trại, công đường bị cháy. Do vậy, họ có đầy đủ dụng cụ, hành sự rất hiệu quả.

Đám cháy được dập tắt, Thần quân ngỏ lời cảm tạ cha con họ Quách. Ân nhân rút cả, Thành Võ Chiến sực nhớ đến nhà tù, liền sai thủ hạ tưới nguội căn nhà đã sập, bới ra tìm hiểu sự thực.

Khi phát hiện không có xác chết nào cả, Thần quân giật bắn mình, lao về nơi Điền Đông Giám đang dưỡng bệnh.

Biểu đệ của Võ Lâm Mạnh Thường Quân là Điền Đông Tạo, run rẩy nói :

- Bẩm Thành lão gia! Lúc nẫy có mấy gã quân triều đình vào đây mang theo một bộ y phục binh sĩ. Lạ thay, Điền biểu huynh mở mắt nhổm dậy, mặc vào và đi theo họ, y như không hề mắc bệnh vậy. Biểu huynh còn nhờ lão phu nhắn lại rằng: Thành lão gia khôn hồn thì hãy đi khỏi Điền gia trang, bằng không thì sẽ rơi đầu trước công đường đấy.

Kỵ Ba Thần Quân rụng rời chân tay, hiểu rằng chỗ đứng ở Tế Nam đang lung lay. Điền Đông Giám có hậu thuẫn của vài đại thần ở Bắc Kinh sẽ dễ dàng khép tội Sơn Hải bang. Thành Võ Chiến quyết tìm cho được họ Điền để cứu vãn tình hình.

Lão cho thủ hạ điều tra bốn cửa thành, được biết rằng có một cỗ xe và toán kỵ binh ra khỏi cửa Tây lúc cuối canh tư, ngay khi cửa thành vừa mở.

Dù đã trễ một canh giờ nhưng Thần quân vẫn quyết định truy đuổi. Lão mang theo mười gã đệ tử chân truyền, Đài Loan tứ ngư ông và năm mươi tay đao thiện chiến nhất. Xe chở bệnh nhân, là Điền Đông Giám, tất không thể chạy nhanh được, Thần quân tự tin sẽ bắt kịp.

Thành Võ Chiến không hề nghĩ đến việc đối phương dụ mình vào trận mai phục vì lão chẳng biết việc năm phái đã thoát vòng cương tỏa. Thiết Thủ Cái vẫn gửi thư điều đặn, khẳng định thế chủ động của Sơn Hải bang, chỉ cần các toán sát thủ ám hại được Minh chủ võ lâm Tần Nhật Phủ là xong.

Dọc đường, Kỵ Ba Thần Quân còn được bọn đệ tử Cái bang sốt sắng chỉ dẫn đường đào tẩu của cỗ xe song mã và đám kỵ binh. Từ lâu nay, Phân đà Sơn Đông đã nghe lệnh Thiết Thủ Cái tận tụy phục vụ Thần quân. Có điều, giờ đây tình thế đã đảo ngược khi Vô Ưu Cái hồi phục.

Đúng như tính toán của Ngọa Long Tú Sĩ, họ bị Thần quân bắt kịp dưới chân đèo Cù Vân. Tuy hơi chột dạ trước địa hình hiểm ác của ngọn đèo, song Thành Võ Chiến lại tự trấn an rằng Tần Nhật Phủ đơn thương độc mã, không được năm phái hỗ trợ, chẳng có người để mai phục.

Hơn nữa, trừ khi phục binh đông đến vài trăm và gồm toàn những tay kiên dũng thì mới đáng sợ, bằng như ô hợp thì lão và đám thủ hạ tinh nhuệ thừa sức đánh tan.

Đã có chủ ý, Thần quân vẫn tiếp tục đuổi theo, đưa đoàn nhân mã lên đèo. Lão đến đuợc đỉnh thì nhìn thấy cỗ xe song mã và mười gã kỵ binh kia dưới lưng chừng đèo, chỉ cách độ hơn dặm.

Họ Thành mừng rỡ ra roi phi xuống, nào ngờ, hàng cây cổ thụ bên đường lần lượt ngã xuống, dầu có phóng qua cây trước cũng vẫn vướng cây sau. Cùng lúc ấy, hàng trăm tảng đá to lớn từ sườn núi lăn xuống, gây ra những tiếng động khủng khiếp như địa chấn. Thần quân kinh hoàng hiểu rằng phe đối phương đông đến mấy trăm vì phải hai ba người mới xô nổi tảng đá to lớn như thế.

Người ngựa đang bị dồn cục trước những thân cây, đường đèo lại hẹp, không có chỗ cho ngựa xoay trở. Thế là thảm họa ập xuống đầu bọn hải tặc.

Khi viên đá cuối cùng rơi xuống vực thẳm, khói bụi lắng hết, Thần quân mới phát hiện ra chỉ còn mình và Đài Loan tứ ngư ông sống sót. Họ giỏi khinh công nên mới thoát chết trước trận lở núi này.

Song chưa hết, trên sườn núi vọng xuống tiếng cười ngạo nghễ, quen thuộc của Vô Ưu Cái và tiếng niệm Phật trầm hùng của Khánh Hỉ đại sư. Kỵ Ba Thần Quân biết mình đã trúng kế, giận dữ gầm vang :

- Hầu Mộ Thiên! Ngươi tưởng có thể hại đưọc bổn Thần quân ư? Đừng hòng!

Dứt lời, lão cùng Đài Loan tứ ngư ông xông ngược về phía đỉnh đèo, cố mở đường máu thoát thân. Cả năm người đều mặc bảo y da cá nên không sợ gươm đao.

Nhưng toán cao thủ trấn giữ đỉnh đèo đã đón tiếp Thần quân bằng những viên hỏa đạn. Tay trái bị cụt không ảnh hưởng nhiều đến công lực và bản lãnh của họ Thành. Lão múa tít bảo đao che thân, đánh bạt những viên bi vàng óng khiến chúng phát hỏa, lửa bay loạn xạ song không thể dính vào người Thần quân.

Tuy nhiên trong khung cảnh ồn ào, náo loạn ấy, Thành Võ Chiến chẳng nhận ra một tiếng cạch khô khan phía sau lưng, tức là trước mặt Đài Loan tứ ngư ông.

Khi bốn lão đồng thanh rú lên :

- Bang chủ nhảy mau!

Thì cũng là lúc trái Bạt Sơn Thần Lựu cuối cùng phát nổ. Kỵ Ba Thần Quân đã kịp đề khí tung mình về phía trước, nhưng hơi muộn nên máu tươi hộc ra thành vòi, da thịt ở mông và hai chân nát bấy.

Đã thế, Thần lựu lại thổi thân hình Thành Võ Chiến, cộng với đà nhảy, đưa lão văng xa đến năm trượng, vượt qua đầu phòng tuyến đỉnh đèo. Lão cố nén đau dồn tàn lực mà đào tẩu.

Có ba bóng người đã đuổi theo, quyết không lưu lại tai họa cho võ lâm. Đó là Nhương Thư, Hoàng Nghi Tuyệt và Đoan Mộc Anh. Giờ đây mọi người mới biết cô gái sơn dã kia đã có tốc độ của loài báo.

Chạy được vài dặm, Thần quân biết mình khó thoát vì hai chân đau đớn, máu tuôn xối xả, liền dừng bước để đổi mạng với đối phương.

Bọn Nhương Thư chia thế tam giác vây lão cướp biển già vào giữa, lão ta ngạc nhiên khi không thấy Tần Nhật Phủ. Lão yên tâm đôi chút, vung đao tấn công con bé có nước da đen đúa, nhưng hai gã nam nhân kia đã xông vào.

Vô Ưu Cái không lầm khi nhận ra xét rằng Kỵ Ba Thần Quân lợi hại hơn Âm Sơn lão tổ. Ngoài việc mang bảo giáp, đao pháp của lão đã đến mức thượng thừa, so với Đao Đế chưa chắc đã thua.

Một mình chống ba, thân lại thọ trọng thương, thế mà Thành Võ Chiến vẫn ngoan cường tả xung hữu đột, hung hãn như hổ cùng đường.

Đánh lâu sợ rằng Đoan Mộc Anh sơ xuất, Nhương Thư liền nhân lúc lão quay lưng đón chiêu đao của Hoàng Nghi Tuyệt, xạ liền một đạo chỉ phong dũng mãnh vào hậu chẩm đối phương.

Do không biết chàng trai lạ mặt kia là Tần Nhật Phủ nên Thần quân hoàn toàn chẳng nghĩ đến việc kẻ địch có thể chạm đến mình từ khoảng cách hơn trượng.

Chỉ kình không xuyên thủng nổi xương đầu cứng rắn nhưng cũng làm cho họ Thành choáng váng, đau đớn, mắt mờ đi. Hoàng Nghi Tuyệt không hề bỏ lỡ cơ hội, chặt phăng thủ cấp kẻ thù, khiến Kỵ Ba Thần Quân chết mà không hiểu tại sao.

Đài Loan tứ ngư ông cũng bị các Chưởng môn và lực lượng đông đảo phe chính phái hạ sát. Chiến thắng trọn vẹn này khiến quần hùng phấn khởi, reo hò vang dội.

Vô Ưu Cái cười khanh khách, vỗ vai Ngọa Long Tú Sĩ mà khen ngợi :

- Công đầu thuộc về ngươi đấy. Cái kế nhỏ kia quả là tuyệt diệu, thu hoạch đến bất ngờ.

Mọi người cũng xúm vào tán dương khiến Lỗ Đăng Hân cao hứng phi thường. Lão vòng tay nói vài câu khiêm tốn rồi thì thầm vào tai Vô Ưu Cái, Hầu Mộ Thiên gật đầu, cao giọng ra lệnh :

- Yếu quyết của binh pháp là hư thực khó lường. Do vậy, chúng ta sẽ dọn dẹp chiến trường thật sạch, không được để lại bất cứ dấu vết nào.

Nam sáu trăm người cùng hành động nên công việc hoàn thành rất chóng vánh. Xác người ngựa bị ném cả xuống vực thẳm cạnh đèo, máu trên đường cũng được xúc đi.

Không một khách lữ hành nào được chứng kiến trận chiến, vì trước đó, xa xa đã cắm biển gỗ mang dòng chữ : “Đèo có hổ dữ, cấm đi qua!”

Thế là bách tính phải rẽ qua đường khác.

Đoàn người về đến Lạc Dương thì đã là ngày mùng bốn tết Nguyên Đán, và nhận được tin quan Tri phủ Sơn Đông Quách Tốn bị triều đình thuyên chuyển về Phúc Kiến.

Sau đó, Sơn Hải bang tan rã vì không thấy Kỵ Ba Thần Quân cùng toán viễn chinh trở lại, và người đỡ đầu là Quách tri phủ bị đổi đi. Cơ ngơi Điền gia trang hiện đang được chú họ Hổ Hồng Nhan là Điền Đông Tạo quản lý. Số tù binh trúng Nhiếp Hồn thuật lập tức được Phân đà Cái bang Tế Nam đưa về Lạc Dương để điều trị.

Dù Nhương Thư hết lòng tôn kính, võ lâm Mạnh Thường Quân vẫn vô cùng hổ thẹn, cương quyết xuất gia tại chùa Thiếu Lâm, giao hết cơ nghiệp cho rể và con gái.

Khánh Hỉ đại sư vì nể mặt Nhương Thư mà nhận Điền Đông Giám làm đệ tử, trở thành cao tăng đời thứ hai chứ không đến nỗi đứng hạng bét cùng với đám chú tiểu mới nhập môn.

Việc bứng Quách Tốn đi khỏi Sơn Đông chính là một bước trong kế hoạch của Ngọa Long Tú Sĩ, đề phòng trường hợp Kỵ Ba Thần Quân không đuổi theo hoặc không rơi vào bẫy mai phục ở đèo Cù Vân.

Chim câu đã mang thư của Nhương Thư, tức Tần Nhật Phủ đến Bắc Kinh, nhờ quan Tả Đô ngự sử họ Lâm ở Đông Xưởng, đút lót bộ Lại, hoán chuyển Tri phủ hai địa phương Sơn Đông và Phúc Kiến.

Thời gian thấm thoát qua mau, chẳng mấy chốc đã đến rằm tháng hai, Tổng đàn võ lâm ở chân núi Thiếu Thất, thuộc rặng Tung sơn đã được xây xong trước đây nửa tháng.

Công trình này tuy đơn giản nhưng rất đồ sộ và kiên cố, toát ra vẻ uy nghiêm lẫm liệt, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao cả nhất võ lâm.

Dù khuôn viên mở rộng gấp đôi lúc trước nhưng những cây tùng già nua vẫn được giữ lại để che chở cho thảm cỏ xanh mượt mà. Chúng không hề che lấp tòa võ lâm đại sảnh ba tầng sừng sững, xây theo hình tháp trên nhỏ dưới to.

Tầng trệt rộng mênh mông có thể chứa cả ngàn người, bốn vách trổ cửa rất lớn, khi mở toang gần như không hề ngăn cách với sân gạch ở ba cạnh Nam, Tây, Đông, tăng khả năng hội họp lên gấp vài lần.

Hai tầng trên nhỏ hơn nhiều, là chỗ cư trú của Minh chủ và gia quyến. Nhiệm kỳ tính theo tuổi thọ hoặc sức khỏe của Minh chủ nên có thể Nhương Thư sẽ ở đây ba bốn chục năm hay hơn nữa.

Không phải chỉ đại sảnh là được lát nền, ốp tường bằng đá cẩm thạch Đại Lý mà tất cả những công trình khác cũng vậy.

Hai trăm cao thủ các phái làm nhiệm vụ ở Tổng đàn sẽ được bố trí trong những dãy nhà khang trang, sạch sẽ, được xây bằng cùng một loại vật liệu với đại sảnh.

Dĩ nhiên không thể thiếu vườn hoa với đầy đủ giả sơn, thủy tạ, suối khe, hoa cỏ. Tóm lại, gần nửa vạn hào kiệt giang hồ mặc sức suýt xoa, trầm trồ tán dương thánh địa của võ lâm.

Tiếng reo hò như sấm động khi mọi người được biết Tần Nhật Phủ là Tần Nhương Thư và hôm nay chính là ngày đại hỉ của chàng.

Ngộ biến tùng quyền, Vô Ưu Cái chỉ dọc tên cô dâu chứ không ai dám ló mặt ra. Một ả thì trọc đầu, ba ả mang bầu, ả chết, ả thất tung, chẳng lẽ đưa ra con mọi đen Đoan Mộc Anh ra chọc cười thiên hạ? Người giang hồ rất phóng khoáng nên chấp nhận tuốt, nâng chén chúc mừng lia lịa, ai nấy say mèm.

Hội đồng võ lâm cũng có thông báo qua tình hình, giúp mọi người hiểu rõ cục diện, cảnh giác đề phòng sự tái xuất của Báo Ứng hội, Tứ Phạn Thiên cung và Âm Sơn giáo. Hoàng Nghi Tuyệt được chọn làm Võ Lâm Chưởng kỳ sứ, có thể thay mặt Nhương Thư giải quyết mọi việc tranh chấp trên giang hồ. Ngọa Long Tú Sĩ, Bất Trí thư sinh và Triều Châu Thần Y được phong làm Võ Lâm Khách Khanh, cố vấn cho Minh chủ.

Thiết Kình Ngư, Dạ Quân Tử làm Chấp Pháp sứ giả, còn Tô Châu ngũ tặc làm Cận vệ, mỗi đội bốc chục người.

Mục Tử Lương, con trai Tỏa Hầu thì phụ trách hỏa xưởng chuyên chế tạo vũ khí. Gã rất hài lòng vì chính Tạ thần y cũng chỉ đảm nhiệm nghiên cứu thuốc trị thương và thuốc giải độc.

Kẻ có công lao với võ lâm đều được tưởng thưởng xứng đáng, quần hùng vui vẻ ra về, vững tin sự trường tồn của chính khí võ lâm. Đương nhiên họ hết lòng ca tụng Minh chủ Tần Nhương Thư, kẻ đã nhiều lần chết đi sống lại để tiêu diệt tà ma.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui