Tarzan 3: Luật Của Rừng Già

Vào lúc Tácdăng cùng người dẫn đường lẩn vào bóng tối của bến cảng, có một người đàn bà trẻ, đeo mạng che mặt hối hả chạy xuyên qua ngách phố, tiến vào một quán ăn. Đó là quán ăn mà Tácdăng và người dẫn đường đã gặp nhau trước đó. Người đàn bà trẻ dừng bên cửa, quan sát bốn phía. Hình như cô ta đang xem xét để xác định mình đã đến đúng chỗ cần tìm hay không. Do dự một lát, cô tiến thẳng tới chỗ nhốt gà vịt của nhà hàng. Mấy thủy thủ say rượu và những kẻ sống lang thang bến cảng đang ăn uống chợt dừng tay nĩa, giương mắt nhìn lên. Hình như chưa bao giờ họ thấy trong quán ăn này một người đàn bà tuyệt đẹp đến thế.

Gian Potơrôva bước tới bên một người đàn bà hầu bàn. Người đàn bà hầu bàn nhìn cô với cặp mắt vừa ngạc nhiên vừa ghen tị.

- Xin lỗi vì làm phiền chị! Chị có trông thấy ở đây có một người đàn ông trẻ tuổi, cao lớn, ăn mặc lịch sự? – Potơrôva hỏi – Anh ta đến đây rồi đi theo một người đàn ông chờ sẵn, ra khỏi quán?

Người hầu bàn gật đầu xác nhận rằng có trông thấy hai người đàn ông đó. Nhưng họ kéo nhau đi đâu thì bà không biết. Lúc bấy giờ có một thủy thủ tò mò lắng nghe câu chuyện liền lên tiếng, nói cho Potơrôva biết rằng, trước khi anh vào nhà hàng này, anh có trông thấy hai người đàn ông như thế đi ra bến cảng.

- Vậy thì anh làm ơn chỉ cho tôi biết họ đi đường nào! – Potơrôva vội vã yêu cầu rồi ấn vào tay người thủy thủ mấy tờ giấy bạc.

Người thủy thủ vui vẻ dẫn Potơrôva ra khỏi quán hướng tới bến cảng. Tới nơi, hai người trông thấy có chiếc thuyền con đang bơi ra con tàu gần nhất.

- Chính họ đấy – Người thủy thủ thì thào.

- Tôi sẽ biến anh 10 bảng , nếu anh kiếm được thuyền chở tôi bám theo họ

- Vậy thì chúng ta phải thật nhanh chân. Phải lên được tàu Kinxây trước khi nó nhổ neo. Lò hơi hầm máy đã đốt ba tiếng đồng hồ rồi. Tàu chỉ chờ một hành khách nữa là khởi hành. Cách đây một tiếng, bạn của tôi trên tàu bảo thế.

Người thủy thủ giơ tay bế bổng Potơrôva lên rồi thả xuống mép bê tông. Dưới chân Potơrôva đã có sẵn chiếc thuyền con bị xích. Người thủy thủ giúp cô ngồi cho thăng bằng rồi tháo xích, chèo thuyền rời bến.

Khi thuyền chạm hông con tàu Kinxây, người thủy thủ lại ngập ngừng ngỏ ý được thưởng công. Không cần đếm, Potơrôva móc túi đưa cả một nắm tiền. Rõ ràng là người đàn ông này đã được đền công khá hậu. Anh ta sốt sắng giúp Potơrôva leo lên thang dây rồi áp sát tàu chờ xem vị khách hào phóng có ý định quay trở lại không.

Động cơ con tàu nổ đều đặn như nhịp thở. Cuộn dây cáp neo tàu rít lên ken két. Dấu hiệu đó chứng tỏ là tàu Kinxây chuẩn bị rời bến. Bỗng chốc con tàu rùng mạnh rồi từ từ chuyển động.

Người thủy thủ quay mũi thuyền, chuẩn bị chèo trở lại bến cảng. Bổng anh ta nghe thấy trên boong tàu vang lên tiếng thét của người phụ nữ.

“Cô ta gặp rủi ro rồi”- Người thủy thủ lẩm bẩm nói một mình.

° ° °

Khi Potơrôva leo thang dây lên cao, cô nhận ra rằng boong tàu lúc này vắng ngắt, không một bóng người. Cô quyết định phải tìm thật kỹ cho ra dấu vết của đứa con trai. Không hề do dự , cô tiến thẳng tới phòng lái trên mặt boong tàu. Chiếc cầu thang ngắn dẫn cô tới buồng thuyền trưởng. Ngay cạnh đó là phòng ngủ của các sỹ quan. Vì tìm kiếm quá hấp tấp, cô không biết rằng một tấm cánh cửa ngay trước mặt cô đã đóng lại rất nhanh. Ở phòng nào cô cũng dừng lại tìm kiếm và nghe ngóng. Bốn bề yên tĩnh, không một tiếng động nhỏ. Cô chỉ nghe thấy tiếng động duy nhất là tiếng tim đập dồn dập trong lồng ngực cô, dường như làm rung động cả con tàu.

Cô vẫn tiếp tục mở hết cánh cửa này đến cánh cửa khác. Tất cả đều trống vắng như một con tàu bị bỏ rơi. Thực ra lúc này hệ thống chân vịt của con tàu đã chuyển động. Nhưng Potơrôva vẫn không hề hay biết. Cuối cùng Potơrôva bước tới tấm cánh cửa phía bên phải. Cô vừa đẩy cánh cửa thì bị một cánh tay khỏe mạnh rám nắng của một người đàn ông chụp lấy, lôi tuột cô vào một căn buồng hôi hám và chật chội.Cô ngẩng đầu nhìn lên. Đó là một người đàn ông khuôn mặt u tối, râu ria xồm xoàm. Vừa nhận ra khuôn mặt ấy, Potơrôva thét lên , kinh ngạc và lùi lại mấy bước

- Nicôlai Rôcốp! ông Tơran! – Potơrôva kêu lên.

- Vâng đúng thế ! Người ngưỡng mộ rất trung thành của cô đây ! - Rôcốp nhăn nhở trả lời và khẽ cúi đầu.

- Con trai tôi đâu? – Potơrôva hỏi ngay, không thèm để ý tới thái độ châm chọc của Rôcốp – Trả con cho tôi ! Ông thật tàn nhẫn ! Chẳng nhẽ ông không biết thương xót là gì hay sao? Hãy nói cho tôi biết là nó ở đâu? Có phải ở đây không? Thôi, tôi xin ông! Nếu ông còn có một trái tim, hãy trả nó cho tôi!

- Nếu như cô chiều theo ý tôi, đứa trẻ sẽ không bị hại - Rôcốp trả lời - Cô nhớ rằng nơi đây cô là một nàng tiên giáng trần. Cô đã tự nguyện tới đây thì cô phải chịu mọi hậu quả. Chính tôi cũng không ngờ rằng… Rôcốp ngập ngừng rồi nói tiếp, như nói cho chính mình nghe – rằng tôi lại gặp hạnh phúc bất ngờ thế này.

Rôcốp bước ra boong tàu rồi khóa cửa nhốt Potơrôva bên trong.

Một vài ngày sau đó, Potơrôva không nhìn thấy Rôcốp. Cô hơi ngạc nhiên vì không biết rằng Rôcốp là một gã đàn ông khốn nạn nhưng lại là một người không quen sóng biển. Ngay từ khi con tàu khởi hành, biển nổi sóng không lúc nào yên. Bị say sóng, Rôcốp không đủ can đảm rời khỏi giường nằm của mình.

Suốt mấy ngày ấy, người duy nhất đến phòng cô là một người Thủy Điển ít nói. Đó là đầu bếp của tàu Kinxây, thỉnh thoảng mang thức ăn đến cho cô. Anh ta tên là Sven Andecxen. Anh ta rất tự hào vì trong họ của mình có những hai chữ E. Mà có lẽ đó là niềm tự hào duy nhất của anh ta. Mặc dù thân thể gân guốc cao lớn, có bộ ria vàng rất rậm nhưng nước da anh ta không được khỏe, còn móng tay thì để quá dài. Mỗi lần mang thức ăn đến, ngón tay cái của anh ta cứ thọc sâu vào miếng thịt hầm, làm cho Potơrôva ghê tởm, không muốn ăn, dù là một chút. Cặp mắt ti hí, màu xanh sẫm của anh ta nhìn mọi vật lẫn con người một cách lơ đễnh như một người mất hồn. Cách cư xử của anh ta có vẻ nhút nhát một cách kỳ quặc, mặc dù lúc nào anh ta cũng đeo một con dao làm bếp rất dài bên tấm tạp dề. Với Potơrôva anh ta tỏ ra lạnh nhạt, ngay cả khi cô niềm nở bắt chuyện và cảm ơn rất tử tế vì thức ăn do anh ta mang tới.

Tất nhiên trong suốt những ngày bị giam cầm một cách vô nghĩa đó, lúc nào Potơrôva cũng chỉ có một ý nghĩ duy nhất về Tácdăng và thằng bé Giếch đáng thương của mình. Cô tin rằng, thằng bé vẫn còn sống và thế nào nó cũng đang bị dấu trên con tàu này. Còn chuyện Tácdăng còn sống hay không thì cô không dám chắc. Bởi vì cô biết rằng gã đàn ông người Nga ấy căm thù vợ chồng cô, lừa cho Tácdăng lên tàu chỉ vì muốn trả thù món nợ ngày trước: Vợ chồng cô đã làm hỏng kế hoạch đen tối của hắn, khiến hắn phải vào tù và lãnh án chung thân.

Trong khi đó Tácdăng vẫn đang nằm trên sàn gỗ của phòng giam. Chàng không biết rằng chỉ cách vài mét ở trên trần, Potơrôva yêu quý của chàng cũng đang nằm trong buồng giam.

Người đầu bếp Sven Andecxen cũng mang thức ăn hàng ngày vào cho Tácdăng. Tácdăng đã nhiều lần chủ động gợi chuyện với anh ta nhưng đều thất vọng, Tácdăng hy vọng qua người đầu bếp này, có thể biết thằng Giếch của mình có nằm trên tày Kinxây hay không. Nhưng đáp lại mọi câu hỏi của Tácdăng, anh chàng Thụy Điển này chỉ lẩm bẩm một câu tiếng Anh rất tồi về ngữ pháp: “Tôi nghĩ gió mạnh sớm nổi gió”.

Đối với hai tù nhân trên tàu, mấy tuần lễ trôi qua dài như hàng thế kỷ. Họ không còn biết con tàu đang chở mình đi đâu. Có một lần con tàu dừng lại, cập bến ở nơi nào đó để lấy nhiên liệu rồi lại lên đường. Cuộc hành trình của con tàu dường như là vô mục đích.

Một hôm Rôcốp đến gặp Potơrôva. Trông hắn tái xám, đôi mắt thâm quầng. Hắn đến chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Hăn hứa rằng nếu Potơrôva đưa cho hắn một khoản tiền lớn, hắn sẽ đảm bảo cho cô trở về nước Anh một cách an toàn.

- Nếu ông thả tôi và chồng con tôi xuống một hải cảng nào đó – Potơrôva trả lời – Tôi sẽ trả ông gấp đôi số tiền mà ông đòi. Tôi sẽ trả bằng vàng. Còn từ nay cho tới khi chúng tôi được thả lên bến cảng, ông đừng hy vọng ở tôi dù một đồng xu mẻ.

- Nếu cô không đưa trước cho tôi một tấm séc chuyển tiền thì vợ chồng cô không bao giờ thò chân xuống đất liền, ngay cả đất hoang.

- Tôi không tin ông ! – Potơrôva kêu lên – Ai đảm bảo cho tôi là ông cầm tiền rồi sẽ thực hiện đúng lời hứa. Tôi biết là ông hứa mà không muốn làm chút nào.

- Tôi tin là cô sẽ phải làm tất cả những gì tôi muốn – Rôcốp vừa nói vừa sửa soạn bước ra khỏi cửa – Nên nhớ là con trai cô đang nằm trong tay tôi. Tới lúc cô nghe thấy đứa con kêu thét lên vì bị hành hạ liệu cô có chịu đựng được không? Chính vì cô mà đứa bé bị đánh đập.

- Ông sẽ không làm điều ấy! Bà mẹ trẻ thét lên phẫn uất – Ông không thể làm! – Ông không phải là người man rợ đến như thế!

- Đúng, tôi không thế. Chỉ có cô mới là người man rợ! Rôcốp quay lại, trả lời lạnh lùng – Cô là người rất tàn nhẫn. Vì cô sẵn sàng để con mình đau đớn chỉ vì tiếc một khoản tiền.

Cuối cùng Potơrôva phải đầu hàng. Cô cầm bút ký vào tấm séc chuyển tiền rồi đưa cho Rôcốp. Rôcốp nhìn tấm séc nhếch mép nở nụ cười chiến thắng.

° ° °

Ngày hôm sau hầm nhốt Tácdăng tự nhiên bật nắp. Nhìn lên cao, Tácdăng nhận ra khuôn mặt Alecxây Paplôvích.

- Ông ra đi!- Alecxây Paplôvích ra lệnh – Nhưng ông nên nhớ là chỉ cần ông có một cử chỉ khả nghi, ngay lập tức sẽ bị bắn chết.

Tácdăng nhẹ nhàng leo lên boong tàu. Xung quanh Tácdăng đã có mấy thủy thủ nhăm nhăm tay súng, canh chừng. Paplôvích đứng ngay trước mặt chàng. Chàng nhìn ra xung quanh không tìm thấy vết tích nào của Rôcốp. Tuy vậy chàng biết chắc chắn rằng gã người Nga ấy đang ở trên tàu.

- Huân tước Grâyxtâu ! – Paplôvích nói với Tácdăng – Vì ông lúc nào cũng can thiệp một cách thô bạo vào mọi chuyện của bạn tôi – Nicôlai Rôcốp, ông đã tự chuốc lấy tai họa và đưa cả nhà rơi vào sự bất hạnh. Tự ông gây ra tất cả. Ông cũng nên biết rằng chi phí cho chuyến tàu Kinxây này không phải là ít tiền đâu. Vì ông nên mới sinh ra chuyến đi biển này. Ông sẽ phải trả mọi phí tổn như là gánh hậu quả về hành động của mình. Tự do của ông và cả mạng sống của ông phụ thuộc vào đó.

- Ông đang nói tới thứ tiền nào đấy? – Tácdăng hỏi – Mà có gì đảm bảo là ông sẽ giữ lời hứa? Tôi chẳng tin được lý do để đặt niềm tin cậy vào những kẻ khốn nạn như ông và thằng Rôcốp bạn ông.

- Đây không phải là lúc ông xúc phạm bọn tôi đâu – Gã người Nga cười một cách cay độc – Ông không còn cách nào khác là phải tin lời tôi nói. Chính ông cũng biết rõ là : Chúng tôi có thể thủ tiêu ông bất cứ lúc nào, nếu như ông không viết cho chúng tôi một tấm séc chuyển tiền mà tôi yêu cầu. Chắc ông không quá ngây thơ, tới mức để cho những xạ thủ này phải xiết cò súng. Họ chưa ra tay vì chúng tôi có nhiều cách trừng phạt ông mà chưa cần cho một viên đạn vào sọ.

- Hãy trả lời tôi một câu hỏi thôi! – Tácdăng nói – Con trai tôi đang ở đây phải không?

- Không, - Paplôvích trả lời – Nó vẫn còn sống nhưng đang ở một nơi khác. Nếu như chúng tôi phải giết ông thì cũng chẳng để nó sống làm gì cho bận tay. Không cần nói nhiều thì ông cũng biết rồi. Ông chỉ có thể bảo vệ sinh mạng con trai mình bằng cách duy nhất là tự giữ lấy mạng của mình. Mà điều đó thì rất đơn giản: chỉ cần chữ ký của ông vào tấm séc.

- Thôi được rồi – Tácdăng gật đầu. Chàng biết rằng hai gã người Nga này không chỉ dọa dẫm. Chúng sẵn sàng hành động nếu như chàng từ chối yêu cầu của chúng.

Chàng rút cuốn séc chuyển tiền và chiếc bút trên túi ngực.

- Ông đòi bao nhiêu? – Tácdăng hỏi.

Paplôvích nói ra một khoản tiền lớn tới mức Tácdăng phải bật cười. Lòng tham của kẻ vô lại này thật vô đáy. Tácdăng do dự, định thương lượng nhưng Paplôvích khăng khăng không chịu giảm một đồng. Cuối cùng Tácdăng phải ký chuyển một lượng tiền mà thực tế là vượt quá số tiền có trong tài khoản của chàng ở nhà băng. Vì vậy tấm séc mà chàng đưa cho Paplôvích thực tế chẳng có giá trị gì, chỉ là một tờ giấy vô nghĩa. Trong khi đưa tấm séc cho Paplôvích, Tácdăng liếc nhìn ra ngoài boong tàu. Chàng nhận ra rằng con tàu chỉ cách đất liền khoảng vài trăm mét. Thấp thoáng ven bờ đã hiện ra những bóng cây xanh sẫm của kiểu rừng nhiệt đới.

Paplôvích chỉ tay về hướng đất liền, tuyên bố:

- Bây giờ ông sẽ được thả lên bờ và được tự do.

Tácdăng như không còn tin vào mắt mình nữa.Chẳng lẽ chính đây là Phi Châu? Liệu chàng có thể tìm được ở đây một vết chân người?

- Ông cởi quần áo ra! – Paplôvích ra lệnh cho Tácdăng - Ở đây ông sẽ không cần đến chúng.

Đứng giữa những họng súng, Tácdăng buộc phải nghe lời. Xong việc, Tácdăng lặng lẽ bước xuống chiếc thuyền con. Bọn thủy thủ áp tải chàng vào bờ rồi quay ngay trở lại. Con tàu Kinxây từ từ quay mũi hướng ra khơi xa.

Trong lúc ngồi trong chiếc thuyền con, Tácdăng được một thủy thủ trao cho một mảnh giấy. Sau khi đặt chân lên đất liền, chàng vẫn chưa kịp xem mảnh giấy đó viết gì. Trong lúc nhìn theo con tàu Kinxây ra khơi, chàng phát hiện có ai đó đứng trên lan can boong tàu vẫy tay gọi chàng. Đó là một người đàn ông râu đen lởm chởm. Rõ ràng là hắn đang ôm trong tay một đứa trẻ. Tácdăng chạy xổ lên phía trước. Chàng muốn nhảy xuống biển, bơi đuổi theo con tàu. Nhưng biết việc làm đó là hoàn toàn vô nghĩa, chàng đành đứng lại, giương đôi mắt đờ đẫn nhìn theo con tàu Kinxây mỗi lúc một nhỏ lại nơi phiá chân trời.

Trên những lùm cây xung quang có một đàn vượn đang đuổi nhau chí chóe. Từ đâu đó rất sâu trong lòng rừng sâu vang lên tiếng kêu thống thiết của một con hoẵng lạc đàn.

Nhưng Giôn Clâytơn, huân tước Grâyxtâu trẻ tuổi của chúng ta thì chẳng nghe thấy gì hết cả. Chàng như đã hóa mù, hóa điếc, đứng im như pho tượng đá.

“Dù sao thì cuộc đời vẫn chưa mất hết – Tácdăng nghĩ – mình vẫn còn Gian ở Luân đôn. Ơn chúa trời, nàng không bị kẻ thù nhòm ngó”.

Cũng ngay lúc đó, có một con thú lớn đang tiến lại gần Tácdăng. Như một con mèo rình chuột, từ lúc chiếc xuồng con bơi trở lại tàu , nó đã theo dõi Tácdăng từng bước. Tại sao chàng không hề biết? Liệu chàng có còn chiếc mũi và đôi tai tinh tường của ngày nào? Liệu chàng có còn sót lại trong người dòng máu của rừng xanh?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui