2
Ở đây chúng tôi nói về “tiền giấy” chỉ là tên gọi chung của tiền âm phủ, chứ không chỉ tất cả vàng nén, bạc nén đều nằm trong số đó. Nhưng đa số tiền giấy được làm dưới hình dạng đồng tiền đồng, cái gọi là “vắt giấy thành tiền” nên chăng cũng là sự chế tác từ tiền đồng. Nhưng năng suất cắt tiền giấy quá thấp, cung không đáp ứng đủ cầu, thế là sau đời Đường, hầu hết đều sửa chữ cắt giấy thành tiền sang “đục” giấy thành tiền, hơn nữa dụng cụ dùng để đục giấy thành tiền đa số đều do người ta tự sáng chế. Ngưu Túc người thời Đường trong tác phẩm Ký vấn có viết: “Theo năm quyển bảo thư đời Đường có ghi lại, Lý Tư Nguyên đột tử hai mươi mốt ngày bỗng nhiên tỉnh lại, vừa tỉnh anh ta lập tức nói rằng: “Có người đến bắt con, hơn nữa còn bắt con làm đồ cống cho ba chục người ăn.” Anh nói tiếp: “Họ đòi một vạn quan tiền để đưa con trở lại.” Người cha nghe vậy lập tức ra lệnh chuẩn bị đồ lễ, đồng thời đục giấy làm tiền lễ nạp.”
Cách đục giấy đó vẫn được dùng đến vài năm về trước, đó là cách dùng một chiếc “dùi” làm bằng sắt, đục sấp giấy trắng, giấy vàng thành hình thù các đồng xu, tiền giấy có loại to loại nhỏ, loại to là loại có kích cỡ như chiếc bánh nướng (gần như chiếc bánh đa quế), được tách riêng ra thành từng đồng một, loại nhỏ thì chỉ dùng “dùi” đục trên giấy thành một vòng nhỏ bằng tiền đồng, mang tính tượng trưng, chứ không được tách rời ra. Hình dạng đồng tiền giấy thời cổ nhìn chung không quá khác biệt so với dạng tiền giấy này. Nhưng cũng không được cắt một cách lãng phí, bởi đó là loại tiền giấy thường được dùng trong các trường hợp đặc biệt. Thời kỳ đầu thời Tống, trong tác phẩm Thanh dị lục, Đào Cốc kể lại, trong ngày đưa thi thể Châu Thế Tông đi mai táng, vàng bạc châu báu đều được giấu đi, còn bày ra nhiều nhất chính là tiền giấy, trên những tờ tiền vàng viết “châu báu cống suối vàng”, trên tờ tiền trắng viết “châu báu cống âm phủ”. Loại tiền giấy cỡ lớn này hiện nay vẫn còn, chỉ có điều bên trên không in chữ, chủ yếu dùng để rải trên đường đến nơi mai táng. (Cho đến đời Tống lại xuất hiện loại “tiền giấy đen” chuyên dành cho hồn ma của những kẻ chịu hình mà chết, sau này lại có loại giấy đỏ in hình hoa dành cho những kẻ thích phô trương, thậm chí còn có loại “tiền giấy” dùng vàng thật rèn mỏng mà thành, tất cả đều là loại đặc biệt)
Hình dáng của tiền giấy tuy giống tiền đồng, nhưng lại có thể gọi chúng là vàng, là bạc. Từ đó mới có cách gọi tiền vàng, tiền bạc. Trong tác phẩm Quảng dị ký, Đới Phủ, người đời Đường nói tới việc sứ giả diêm phủ tới đòi tiền cảm tạ, bắt Bùi Linh phải trả ba mươi triệu tiền vàng, tiền bạc cho khoản phí trở lại dương gian. Bùi Linh nói: “Ta là quan kinh thành, cuộc sống nghèo túng, thực sự không có nhiều tiền như vậy.” Sứ giả diêm phủ nói: “Tiền vàng ở đây là tiền giấy vàng tiền bạc chính là tiền giấy trắng.” Dẫu sao nó chỉ là một tờ giấy, gọi thành tiền vàng tiền bạc đương nhiên nghe hay hơn tiền đồng, giá trị cao hơn dưới âm phủ, tuy là nói láo nhưng nó chẳng hại gì ình, lại lợi cho người, điều này hoàn toàn có thể hiểu được, điều đáng tiếc duy nhất đó là phương pháp này không thể áp dụng tại chốn quan trường nơi trần thế. Trong điều kiện này, Bùi Linh tưởng rằng làm tiền giấy là việc dễ dàng, chỉ có điều ông không biết làm thế nào để số tiền đó chuyển đến tay sứ giả âm phủ. Sứ giả bèn đáp:
Con người đúc tiền tại nơi đô thị, số tiền đó đa phần sẽ bị địa phủ thu lại. Ngươi có thể nhờ người đến căn mật thất trong nhà ngươi làm tiền giấy. Khi đã làm đủ số tiền, ngươi đóng gói chúng lại, đem đến cạnh một dòng suối rồi hóa chúng. Hóa xong ta sẽ nhận được tiền.
Đọan thoại này rất thú vị, nó đưa cách đúc tiền kín đáo của dương gian vào thế giới âm phủ. “Đúc tiền tại nơi đô thị” ý chỉ làm tiền giấy tư một cách công khai sẽ ảnh hưởng đến trật tự tiền tệ dưới âm phủ, âm phủ sẽ tịch thu toàn bộ số tiền đó. Nhưng nếu làm chúng trong căn mật thất trong nhà, diêm phủ sẽ không thể phát hiện ra được, lúc đó thần không biết, quỷ không hay. Tiếp đến, dùng một chiếc túi đựng tất cả chúng lại sao cho kín đáo, rồi cẩn thận vận chuyển ra bên ngoài, như vậy tất cả mọi sự sẽ được hoàn tất. Còn việc phải hóa tiền vàng bên sông, có lẽ đó là tập tục của thời Đường. Trong Minh báo ký, Đường Lâm có kể rằng, khi Lý Sơn Long được thả trở lại dương gian, tên lính âm phủ đòi phí cảm tạ, cũng yêu cầu “phải hóa chúng dưới gốc cây cổ thụ bên sông”. Hiển nhiên việc này hoàn toàn có cái lý của nó, có thể đó là quy định của con người đặt ra lúc bấy giờ. Nước là chất lỏng, luôn chảy xuống chỗ thấp, nước sẽ dễ dàng đưa tiền giấy được tới nơi suối vàng. Vào cuối đời Hán, Trương Lỗ sử dụng năm đấu gạo làm “tam quan thủ thư” tượng trưng cho trời, đất, và nước, một phần gạo đó sẽ được đưa lên trời - đem gạo rắc lên núi, một phần được chôn xuống đất, một phần cho chìm xuống nước. Sự việc này có lẽ cũng cùng một ý nghĩa với việc hóa vàng bên sông.
Ngoài ra chúng ta cũng được biết khi đó, trong tất cả các thành phố thời Đường đều đã có các xưởng chuyên sản xuất tiền giấy, cũng như có thể mời người đến tận nhà làm tiền giấy. Những người lấy nghề làm tiền giấy làm kế sinh nhai đương nhiêu đều là những người bần hàn, tuy nhiên trong đó cũng xuất hiện những nhân vật cỡ lớn. Trong Ly miêu hóa thái tử, Lý Chấn Phi (mẹ ruột của Nhân Tông) trong lịch sử ghi chép là người xuất thân từ gia đình bần hàn, em trai của bà sau khi lưu lạc tới làm thuê ột xưởng sản xuất tiền giấy. Khi vua Nhân Tông đăng cơ, người làm thuê kia cố nhiên trở thành Quốc cữu đại nhân của một nước, có quyền quản lý, chỉ huy tất cả quan trên quan dưới trong cung. Nếu nghề làm tiền giấy cần lập sư tổ, thì vị Lý quốc cữu này sẽ là một ứng cử viên sáng giá.
Tiền âm phủ còn được làm từ vàng, bạc lát mỏng (trên thực tế được làm từ thiếc), lúc này nó không còn là tiền giấy nữa, mà là đĩnh vàng, đĩnh bạc được gấp từ những lát vàng, lát bạc. Đương nhiên chúng chỉ có hình dạng của đĩnh vàng, đĩnh bạc chứ trên thực tế đều thuộc loại ngoài thật trong giả, hàm lượng vàng bạc trong đó chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ. Nhưng, cho dù có là “hàng rởm” đi chăng nữa, thì người thường cũng khó có đủ điều kiện để sử dụng chúng. Nếu cần loại tiền có bề mặt trơn sáng, đẹp mắt thì mua giấy nhuộm màu vàng, màu bạc hoặc những đĩnh vàng, đĩnh bạc làm từ thiếc cũng được. Việc sử dụng các đồ lễ cống nộp lên quan trên có chất lượng thấp, thì người đem tặng khó mà được sống yên ổn. Trong quyển chín, cuốn Duyệt vi thảo đường bút ký, Kỷ Vân đã kể lại câu chuyện có thật của gia đình mình như sau:
Mùa hạ năm Mậu Tý, cô nữ tỳ Ngọc Nhi mắc bệnh lao mà chết, rồi bỗng nhiên cô ta tỉnh lại, nói: “Binh lính âm phủ sai ta trở lại đòi tiền.” Mọi người đốt tiền giấy cho cô ta, lúc này cô ta mới chết. Nhưng lúc sau cô ta lại hồi tỉnh, nói: “Chỉ có tiền bạc là không đủ, âm phủ chưa chịu đâu.” Thế là người ta lại đem đĩnh vàng, đĩnh bạc ra đốt, sau đó cô ta mới dứt khoát ra đi không bao giờ tỉnh lại nữa.
Kỷ học sĩ lăn lộn chốn quan trường nhiều năm, vậy mà ông vẫn chất vấn trong văn của mình rằng: “Binh lính âm phủ đi đòi tiền như vậy, vậy quan dưới âm phủ quản lý việc gì?” Câu hỏi được đặt ra chẳng có lý chút nào, lẽ nào chỉ có quan lại nước Đại Thanh của ông mới được phép lơ là việc công, tham ô, tham nhũng?
Ghi chép về phong tục đất nước Trung Hoa có viết về tục đón tết Trung nguyên của người Cát An, Giang Tây, kể rằng trong dân gian có tục gấp tiền giấy, kỵ gấp vào ban đêm, và hơn nữa là kiêng phụ nữ mang thai gấp tiền. Nếu tiền giấy được gấp bởi phụ nữ mang bầu, sau khi hóa xong, những hồn ma dưới âm ti sẽ không chuyển được số tiền đó, như vậy chẳng phải uổng phí công sức sao. Rõ ràng tập tục này xuất phát từ góc độ bảo vệ phụ nữ mang thai, nhưng từ đó ta cũng có thể nhận ra rằng, tất cả các loại đồ vàng mã được gấp từ giấy đa phần thuộc loại công việc gia đình của người phụ nữ, hơn nữa đó không phải là một công việc nhàn hạ. Còn việc kỵ gấp tiền giấy vào ban đêm, bởi ban đêm thuộc về âm, không biết chừng bên này gấp tiền, bên kia sẽ xuất hiện loại tiền tệ ở ngân hàng âm phủ, khi đó khó tránh được việc các hồn ma hoang dại và các hồn ma hung hăng sẽ đến phá cửa cướp tiền.
3
Tất cả các loại tiền giấy có hình dáng gần giống với tiền đồng, chỉ cần đốt xong dưới phía âm phủ sẽ xuất hiện loại tiền âm phủ hoàn toàn giống với những tiền đồng ở dương gian. Không cần hoài nghi về quá trình kỳ diệu này, bởi có người đã tận mắt chứng kiến nó.
Trong quyển Hà Đông ký Tiết Ngư Tư, người thời Đường có ghi lại một sự việc xảy ra giữa năm Thái Hòa đời vua Đường Văn Tông: “Một viên quan nhỏ tên Tân Sát bỗng nhiên lên cơn đau đầu rồi ngất lịm đi, chỉ có điều tim ông vẫn đập. Tân Sát nằm trên giường, ông thấy có một người mặc áo vàng bước tới, kéo ông ra khỏi ngôi nhà nhỏ. Ra đến cửa, người mặc áo vàng nói: “Nhà ngươi vẫn chưa đến lúc phải chết, nếu ngươi đồng ý đưa ta hai nghìn quan tiền, ta sẽ đưa ngươi trở về.” Hóa ra đây là tên lính âm phủ có thói quen bắt xong dọa dẫm. Tân Sát biết thứ mà hắn cần chỉ là tiền âm phủ, bèn thông báo cho người nhà mau chóng đưa tiền giấy ra đốt. Người nhà trên dương gian đốt tiền, Tân Sát dưới âm phủ liền nhìn thấy tất cả chúng hóa thành tiền đồng. Đương nhiên, da thịt của Tân Sát khi đó vẫn đang nằm ở trên giường, chỉ có linh hồn ông mới nhìn thấy sự biến hóa đó.
Đôi khi con người rơi vào trạng thái bán hôn mê trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, cũng có thể nhìn thấy được cảnh tượng kỳ thú đó. Trong chương Thôi Minh Đạt tác phẩm Quảng dị ký, Đới Phù, người thời Đường có ghi, Minh Đạt bị diêm phủ bắt nhầm, bèn sai lính đưa Minh Đạt quay trở về dương gian. Tên lính âm ti đã đưa linh hồn đến bên giường bệnh, nhưng Minh Đạt vẫn hôn mê bất tỉnh, miệng không nói thành tiếng, chứng tỏ linh hồn vẫn chưa hoàn toàn nhập vào thể xác. Tên lính nói: “Ngươi phải giao cho ta một nghìn quan tiền mới được.” Tiền trước, lễ vật sau là quy tắc vốn có nơi quan trường, Minh Đạt bị cột lại giữa đường, quả thực không rõ là sống hay chết, lúc này chỉ có đồng ý là sự lựa chọn duy nhất. Không biết ông làm thế nào để nói với người nhà, nói chung cuối cùng người nhà trên dương gian đốt tiền, dưới âm phủ Minh Đạt nhìn thấy hai tên lính vác tiền đi mất. Đến khi cảnh tượng nơi âm ti hoàn toàn biến mất, Minh Đạt mới chính thức trở về với dương gian.
Tinh thần và linh hồn của con người trong trạng thái bình thường đương nhiên không thể nhìn thấy được điều đó. Vì thế, rất ít người tỏ ra hoài nghi về quá trình này, càng không có người muốn đích thân trải nghiệm. Trên cõi dương hóa tiền, dưới cõi âm sẽ nhìn thấy những xâu tiền tự nhiên xuất hiện. Cũng theo lý đó, những loại vàng bạc, châu báu làm từ giấy sau khi hóa sẽ trở thành vàng bạc châu báu thật nơi cõi âm. Chính bởi vậy, màu sắc của tiền giấy ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc của đồng tiền nơi âm phủ. “Ngụy trang tốt không bằng thành tâm”, tiền giấy được đục chắc chắc không được quy chỉnh như tiền giấy được cắt, nhưng việc chế tạo tiền đã được làm giả từ tiền đồng chuyển sang tiền giấy, vậy thì tiền giấy chuyển từ dạng cắt sang dạng đục thô thiển cũng là điều chấp nhận được. Lấy giấy làm tiền tuy có thể làm tùy tiện, nhưng cũng không thể quá qua loa, cẩu thả, chỉ cần đục vài đồng tiền giấy là có thể coi như đã hiếu kính với tổ tiên. (Ví như tiền giấy hiện nay, nhìn cả một xấp thì có vẻ giống tiền, nhưng nếu tách ra thành vài tờ một, có thể sẽ chẳng tìm thấy một “vết tích” nào của chiếc đục.) Ở đây cũng cần coi trọng thái độ nghiêm túc, đó là làm sao khiến con người ta coi những việc viển vông như những việc có thật để thực hiện, và cái có được chính là tấm lòng thành kính hướng tới tổ tiên.
Trong tập mười hai quyển Những chuyện lẻ tẻ về xứ Bắc, Tôn Quang Hiến có nhắc tới sự cẩu thả trong việc làm tiền giấy lúc bấy giờ, kết quả, chúng hiện nguyên hình khi được chuyển tới cõi âm. Tề tướng Võ Nguyên Hoành bị thích khách hại chết, linh hồn của ông được đưa trở lại dương thế thông qua một người dân thường bị diêm phủ bắt nhầm, ông truyền lời lại người bạn cũ của mình là Tư Đồ Vương Tiềm rằng: “Sau khi ta chết, rất ít người còn nhớ tới ta. Trong tất cả môn sinh, bạn bè cũ, chỉ có các hạ luôn nhớ tới ta, thường hóa tiền giấy tặng ta, nhưng loại tiền mà các hạ ban cho ta được làm quá mỏng, đến mức sợi dây không thể xâu chúng lại với nhau được. Có lẽ vì các hạ nhiều việc, đôi khi không có thời gian để quan tâm đến điều đó chăng?” Tác phẩm Hà đông chí cũng ghi chép lại câu chuyện này, nhưng có thêm một vài câu dặn dò của hồn ma Nguyên Hoành, ngoài chất lượng tiền giấy quá kém ra, khi hóa vàng nếu không dùng chiếc que để gẩy, thì sang đến cõi âm, chỗ tiền đó cũng biến thành đồng vụn, không thể tiêu thụ được.
Hai điểm nêu trên đều là sự sơ suất của người trần khi hóa vàng, mãi cho đến tận ngày nay vẫn gặp khó khăn trong việc sửa đổi. Nhưng khi dâng tiền cho tổ tiên, bạn bè, người ta rất dễ cho qua những tiểu tiết, còn nếu đối phương là thần linh, quan chức, thì dù có là ông thổ địa hay tên lính quèn nơi âm thế, người ta cũng không dám tái phạm lần thứ hai. Ít nhất người ta cũng phải kiểm tra về chất lượng “màu sắc” của tiền giấy. Tập hai mươi hai, quyển Tử bất ngữ có câu chuyện về “Ma nữ cáo trạng”, kể rằng có kẻ nào đó khi hóa vàng trả tiền cho lính âm ti, yêu cầu “lấy sáu nghìn tiền giấy, bắt buộc phải bỏ đi tất cả những tờ có khiếm khuyết, đốt bốn nghìn ở phía tiền sảnh, còn lại hai nghìn đốt ở con hẻm cạnh nhà. Sau đó quay về chỗ cửa chính làm lễ tiễn cáo trạng.” Tại sao lại lấy một phần tiền để đốt tại chỗ con hẻm? Theo quy định của nha môn, tất cả những lễ phẩm, tiền tài thu được phải làm công ích, phân phát dựa theo từng đầu mục, tựa như những “kho bạc nhỏ” hiện nay, chúng được công khai trong phạm vi nhỏ, vì thế cần phải hóa vàng tại tiền sảnh, còn hóa vàng trong con hẻm ý chỉ lén lút đưa tiền hoa hồng cho những hộ kinh doanh cụ thể. Tất cả những ai sống trong xã hội này đều hiểu rõ quy định đó, nếu các hạ không hiểu, thì đây có thể coi như một buổi lên lớp dành cho các hạ.
Lại đến Thái Thượng cảm ứng thiên chú, tập mười tám có nhắc tới những điều cầm kỵ khi hóa tiền vàng, không được dùng giấy có tẩm dầu nhóm lửa hóa vàng, nếu không tất cả số tiền giấy được hóa sẽ “tích thành núi tại thành Đông Nhạc, cõi âm cõi dương trong trời đất đều không chấp thuận.” Cống nạp tiền cho thần tiên trên tiên giới, cho nha môn nơi âm phủ, nếu có dính một chút dầu uế trên đó chứng tỏ không tôn trọng đối phương, thật khiến người ta khó hiểu. Có lẽ điều này được bắt chước theo chốn quan trường nên dương thế, thông thường ở đó quan lại một mặt vơ vét tiền, một mặt lại tỏ ra không ham của tanh hôi, chứng tỏ tấm gương sáng “ta đây địa vị cao sang, không ham tiền bạc”. Chuyện “hối lộ” nơi cõi âm còn hà khắc hơn chốn dương gian. Nếu tại dương gian, tiền giấy có màu không đẹp mắt có thể từ chối không nhận, người có tiền có thể xử lý vấn đề màu sắc. Còn đối với những loại tiền âm phủ kém chất lượng, loại tiền không hợp tiêu chuẩn cõi âm sẽ “tích lại thành núi”, chính là “núi tiền rách” được giới thiệu trong m sơn bát cảnh. Chỗ tiền rách, tiền bẩn đó chỉ cần được rửa qua lò lửa sẽ trở nên sạch sẽ đến mức không thể sạch hơn, đến mức có thể cống nạp lên Ngọc hoàng đại đế cũng không sao.
Từ những ghi chép trên, giữa hai thế giới âm dương không hề có các cơ quan chuyển phát tiền như ngân hàng hay bưu điện, nhưng không phải vì thế mà giữa chúng không có các quy tắc nhất định. Năm ngoái, tôi có đến ở vài ngày tại tòa nhà Minh Sa ở Triết Giang, thấy tại hành lang ngang phòng khách của khách đi trẩy hội có chất rất nhiều túi giấy. Tò mò, tôi hỏi vị sư phụ tại đó, sư phụ nói rằng, đó là “tiền gửi nhà kho”, tức đám khách trẩy hội này hóa chỗ tiền giấy gửi tiết kiệm xuống âm ti khác, để chuẩn bị ình sau này dùng tới. Trên mỗi chiếc túi hình như có in một vài con chữ, lúc đó tôi không nhìn kỹ, chỉ đoán đại loại trên đó có ghi địa chỉ nhận tiền. Việc nhận tiền gửi kho ngay từ thời Nam Tống đã có, chúng ta bắt gặp trong Di kiên chỉ, một bà cụ có một khoản tích cóp nho nhỏ, bà bèn đem số tiền đó đi mua tiền giấy mang vào chùa nộp tiền gửi kho, nhưng bà không biết viết chữ, mỗi lần bà đều phải nhờ người nô bộc giúp bà viết sớ. Tờ sớ đó như tờ giấy gửi tiền, có thể thấy trong Phật giáo vốn có cơ cấu chuyên quản lý. Một tác phẩm khác của người thời Nam Tống viết, đó là Quỷ đồng, những ghi chép trong đó dường như là một thể loại khác, tức thế giới âm phủ có chức quan thẩm phán chuyên phụ trách thu tiền, rút tiền, chuyển phát tiền và gửi tiền, mười hai tháng sẽ có mười hai phán quan thay nhau lo liệu, họ của phán quan có hình chữ gần giống với từ chỉ địa chỉ của tháng đó, ví dụ Phán quan Tử Nguyệt họ Vu, tháng Sửu họ Điền, tháng Dần họ Hoàng, v.v… Việc này có lẽ tiện giúp cho người gửi tiền sau khi chết có thể dễ dàng tìm vị phán quan này để rút tiền hằng tháng. Như vậy rất giống với “tiền gửi năm” hoặc “tiền bảo hiểm” của con người ngày nay.
Nhưng nếu đó là một hành vi cá nhân thì sao? Hóa tiền trước mộ sẽ là giao tiền tới tay người thân của mình, như vậy đương nhiên sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng nếu khắp mọi nơi, khắp đầu phố cuối ngõ đâu đâu cũng thấy tàn tro của tiền giấy theo gió quẩn đi khắp nơi, không biết chúng sẽ gửi tới phương nào, điều đó thực sự khiến người ta không thể an tâm. Trương Trác người thời Đường viết tác phẩm Tất cả những chuyện chính sử và dã sử, trong tập sáu có chương Đỗ bằng cử, viết rằng, khi hóa vàng phải gọi tên người nhận tiền, người nhận tiền sẽ cử người đến lấy. Đây có lẽ là một trong các cách để chuyển tiền, dựa vào việc của con người để xét chuyện của ma. Nếu là trả phí cho quan phủ, con người không thể gọi tên đối phương ra, lúc bấy giờ biện pháp tốt nhất là gặp mặt giao tiền. Còn hóa vàng cho những người thân, bạn bè ở nơi khác, theo tôi được biết, đa số người ta vẫn dùng chiếc túi giấy đựng đầy tiền vàng, nếu được gói ghém, niêm phong cẩn thận, thì ghi trên đó không phải là đường nào, phố nào ở diêm phủ, mà là nơi mộ phần của người đó yên nghỉ chốn dương gian. Năm mươi năm trước đây là như vậy, những năm gần đây hình như rất ít bắt gặp túi giấy, mà người ta chỉ dùng “một nắm đuốc” vẽ thành hình vòng tròn, tất cả những gì bên trong vòng tròn đó sẽ bén lửa và cháy hết, hoặc rút ra một nắm nhỏ tiền giấy rồi hóa ở bên ngoài cửa sổ, nghe nói phải trả cước vận chuyển cho nhân viên bưu điện. Đương nhiên, dù là có một khoản tiền lớn được giao đi, thì lúc này nhân viên bưu điện đó cũng chẳng đưa cho bạn bất cứ giấy tờ chứng nhận nào.
Còn một việc không thể không nói, đó là đến đời Đường, tục đốt tiền đã lan rộng thành trào lưu, nhưng không phải tất cả các loại tiền đều buộc phải đem đi đốt. Vào thời Đường, rất nhiều câu chuyện kể rằng tuy tiền giấy không được hỏa hóa nhưng các hồn ma vẫn có thể có được tiền âm phủ để tiên xài. Như trong chương Vi Lật quyển Quảng dị ký có kể, mẹ ruột một thiếu nữ đã chết cắt tiền giấy thành vàng chín quan, rồi đặt lên chiếc kệ kê bên cạnh quan tài, ngày hôm sau bà phát hiện chỗ tiền giấy đã thiếu mất ba quan, hóa ra vong hồn của người con gái đã dùng số tiền ba quan đó mua một chiếc gương đồng đặt vào quan tài. Số tiền giấy đó không hề được chuyển xuống âm phủ, mà qua bàn tay của ma quỷ nó lập tức biến thành tiền đồng, nhưng nếu số tiền đó rời khỏi bàn tay của ma quỷ, không lâu sau sẽ được khôi phục lại nguyên dạng. Cô thiếu nữ đáng thương không hề có ý dùng tiền để lừa gạt con người, bởi trong mắt cô tiền giấy chính là tiền đồng. Lại như chương Lô Bội quyển Hà Đông ký có ghi, phu nhân của thần đất đến khu mộ ở ngoại thành lấy tiền và rượu cúng tế của thầy cúng, “cô nữ tỳ đi theo thu dọn chỗ tiền giấy rồi chất lên lưng ngựa, vừa đặt lên lưng ngựa chỗ tiền giấy lập tức biến thành tiền đồng. Có thể thấy vào thời điểm bấy giờ, tục không hóa tiền giấy chưa hề bị tuyệt tích, hơn nữa sau đời Đường, tục lệ này vẫn còn dấu hiệu tồn tại.