Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1)

 
Có những phong tục mang tính địa phương, như người Sơn Tây coi trọng nhất là tết Hàn thực, trong dịp Tết này người ta cần kiêng kỵ lửa, vì thế vào ngày này tiền giấy không được hỏa hóa. Quyển thượng, quyển Chuyện lườn gà của Châu Mật thời Nam Tống có ghi lại, nếu cúng lễ tại mộ, sau khi lễ xong tiền giấy sẽ được treo trên cây, nếu cúng lễ người thân hoặc bạn bè ở nơi khác thì phải làm “vọng tế”, tức lên núi cao hướng về nơi người thân hay bạn bè của mình đang yên nghỉ, rồi xé lụa âm phủ ném vào không trung, người ta gọi là “tách tiền”. Bởi tiền giấy được xâu thành từng xấp, do đó, lúc này cần tách chúng ra thành từng tờ một rồi ném vào không trung, nhờ gió mang chúng đi. Nhưng tục tách tiền dường như không chỉ hạn chế ở vọng tế. Quyển bốn, quyển Di kiên tam chí dĩ tập, chương Cô gái Tế Nhan Dĩnh có kể, một hồn ma đến dương gian, đi du ngoạn khắp nơi, khi nhìn thấy người cúng mộ đang tách tiền giấy, nó đau khổ thốt: “Không biết cha ta đã thêm đất trên mộ ta chưa?” Có thể thấy, khi cúng mộ cũng có thể sử dụng tục tách tiền.
 
Không chỉ ở miền Bắc, mà miền Nam cũng có tục đốt tiền giấy. Trong quyển Mặc khách huy tê, Bành Quái, người đời Tống có ghi rằng, Khấu Chuẩn bị xử tử, triều đình ân chuẩn ang xác về quê an táng, khi linh cữu được đưa ngang qua huyện Công An, tỉnh Hồ Bắc, lão bách tính đều ra ngoài đường làm lễ viếng, “họ chặt trúc cắm xuống đất rồi treo tiền giấy lên trên đó”.
 
Còn có tục đặt tiền giấy lên đỉnh mộ rồi dùng đất cục đè lên. Bàn về phong tục đất nước Trung Hoa có viết về phong tục tảo mộ của người Sơn Đông. Người Sơn Đông áp dụng phong tục đã nói ở trên khi tảo mộ. Nhưng tiền giấy ở đây đã được hóa thành tro, trộn vào trong đất trên đỉnh mộ, rồi dùng đất cục đè lên. Như vậy, số tiền giấy này cũng giống như số tiền giấy rải ra đường khi đưa linh cữu tới nơi mai táng, chúng đều không liên quan đến hồn ma người đã chết đang nằm trong quan tài.
 
 
4
 

Khi sang đến cõi âm, tiền giấy sẽ trở thành tiền âm phủ, loại tiền âm phủ này khi quay trở lại dương gian sẽ lại biến thành loại tiền đang được lưu thông ở dương gian. Tuy nó có hạn chế về thời gian, nhưng cũng giống như trò “đấu giá” trên thị trường cổ phiếu, ở đó có không ít những kẽ hở để chúng ta lách léo. Quảng dị ký đa phần viết về sự chuyển đổi tiền giấy giữa hai cõi âm và dương. Chương Vi Lật là một ví dụ, tiếp đến trong Diêm Trắc có viết, Diêm Trắc bí mật hẹn hò với một hồn ma nữ, họ đã từng rất vui vẻ bên nhau. Khi phải chia lìa, ma nữ tặng cho Diêm Trắc một trăm nghìn quan tiền, sai tỳ nữ cất xuống gầm giường trong phòng ngủ. Diêm Trắc nhìn thấy, đợi khi tỳ nữ đã đi khỏi, Trắc nhìn xuống dưới giường quả nhiên có một trăm nghìn quan tiền ở đó. Diêm Trắc chưa kịp dùng số tiền đó vào việc gì thì chúng đã hiện nguyên hình thành tiền giấy, quả là Diêm Trắc đã phụ ý tốt của người tình.
 
Trong Dương Nguyên Ánh lại nói phải sau ba ngày mới biến thành tiền giấy: “Hồn ma của Dương Nguyên Ánh tặng cho con trai ba trăm quan tiền và dặn dò rằng: “Con phải dùng hết chúng trong ba ngày.” Người con trai nghe vậy bèn bắt đầu mua sắm không hạn chế, sau ba ngày, các thương gia kiểm tra trong tủ tiền của mình bỗng nhiên xuất hiện tiền giấy.”
 
Ngọc đường hiếm thoại của Vương Nhân Dục kể, một đêm nọ, người bắt cá gặp một người, người đó nói: “Nếu ngươi không bắt ba ba thì ta sẽ cho ngươi tiền.” Người bắt cá đồng ý, liền được cho năm quan tiền. Ông ta mang tiền về nhà, sang ngày hôm sau, ông bỗng nhiên thấy chiếc túi đựng năm quan tiền nhẹ hẳn đi. Ông kiểm tra lại, trong đó toàn là tiền giấy. Người mà đêm hôm qua người ngư dân gặp chính là yêu tinh ba ba, hóa ra yêu quái cũng dùng tiền giấy, đêm hiện hình là tiền đồng, ban ngày biến thành tiền giấy, cũng là sự tương hợp giữa tiền giấy của âm giới và tiền giấy của dương thế, vừa hợp cái lý thường thấy giữa hai thái cực khác nhau: âm - dương. Trong chương Quỷ tốt độ khê, tập mười chín, Di kiên đinh chí, tình tiết cũng tương tự như vậy. Các câu chuyện cổ xưa nói về việc ma quỷ đến dương gian để mua đồ thường vào lúc ban đêm, số tiền mang trên người sẽ hóa thành tiền giấy khi trời sáng âu cũng là duyên cớ như vậy.
 
Nhưng những câu chuyện trên còn tồn tại nhiều vấn đề, chẳng phải tiền giấy sau khi hóa thành tro bụi mới biến thành tiền đồng hay sao? Nếu dựa theo nguyên lý đó thì “nguyên dạng” của chúng phải là tro giấy mới phải. Nếu sau khi khôi phục nguyên dạng vẫn là hình dáng tiền giấy há chẳng phải lại có thể mang tới tiệm đồ vàng mã bán một lần nữa hay sao? Sau khi con người phát hiện ra điểm thiếu sót này, thì những câu chuyện được viết ra sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Trong Di kiên chỉ giáp, quyển năm, tại chương Lôi Thần Lôi Châu có kể, Lôi Thần Lôi Châu thưởng ột tên sai dịch phủ Quế Lâm trên trần gian hai nghìn quan tiền, trên đường trở về phủ, người này đã tiêu mất một khoản tiền, khi về đến nha môn, trong túi vẫn còn đủ một trăm quan, anh ta bèn giao lên quan phủ, lúc đó vẫn là tiền đồng. Nhưng chỉ trong nháy mắt, chúng đã biến thành tro giấy. Thời Sơ Thành, trong Từ ngữ mới Quảng Đông, quyển hai mươi tám, Khuất Đại Quan có bàn tới “thành phố ma” của đảo Hải Nam. Hằng ngày cứ vào giữa trưa, ma quỷ lại đến thành phố để mua đồ, khi thanh toán thì phát hiện ra tiền biến thành tro giấy. Còn trong Tử bất ngữ, quyển mười tám, câu chuyện được kể còn kinh sợ hơn, khi chiếc tay nải đựng ngân lượng được đặt trên mặt đất, chúng quả nhiên phát ra âm thanh va chạm của kim loại, nhưng khi mở tay nải ra, bên trong đã hóa thành tàn tro, chuyển hóa nhanh đến mức như làm ảo thuật vậy.
 
Chính vì trong nhà của những người dân thường có xuất hiện tiền giấy của ma quỷ, do đó, các nhà buôn bèn nghĩ ra biện pháp để kiểm tra tiền, đó là cách cho đồng tiền nhận được vào trong nước, nếu chìm xuống thì là tiền thật, nếu nổi trên mặt nước thì chắc chắn là tiền âm phủ. Phương pháp kiểm tra tiền này đã được con người áp dụng từ thời Nam Tống. Chương Những vị khách tại quán rượu Uông Nhất, quyển mười, Di kiên tam chí nhâm tập ghi rằng, có ba người khách xuất hiện tại quán rượu, họ uống rượu xong, thanh toán tiền rồi rời khỏi quán. Về sau, chủ quán biết được ba người này đã chết cách đây nhiều năm, bèn đem số tiền mà họ trả ném vào trong nước, trong phút chốc tất cả biến thành tro giấy. Từ đó có thể biết rằng, từ rất lâu, người ta đã biết dùng nước để kiểm tra tiền âm phủ.

 
Chương Họ Trình mua mũ áo, tập mười, Di kiên tam chi chí mậu tập kể rằng, một phụ nữ mua một chiếc mũ tại gánh hàng rong, khi người phụ nữ đi khỏi, chủ quầy mới cảm giác số tiền vừa nhận được rất nhẹ, bèn cho vào trong nước, quả nhiên số tiền đó nổi lềnh phềnh chứ không chìm xuống, một lúc sau, tất cả đã hóa thành mớ giấy nát. Trong những câu chuyện thuộc loại này, khiến cho người ta cảm thấy thương xót nhất chính là câu chuyện thứ tám, quyển Liệt hoàng tiểu thức của Văn Bỉnh, người cuối đời Thanh.
 
Sau khi đội quân phía Bắc (quân Thanh) rút lui, bệnh ôn dịch hoành hành khắp kinh thành, người chết vì bệnh nhiều vô kể. Có gia đình nhà mười nhân khẩu chỉ trong một đêm đã không còn ai giữ nổi mạng sống. Đâu đâu cũng thấy những tiếng kêu rên yếu ớt, thật khiến người ta đau xót. Giữa trưa, ma quỷ kéo lên trên phố, mỗi cửa hàng đều đặt một thùng nước lớn bên cửa ra vào, tiền thu được đều ném vào thùng nước đó để kiểm tra giả hay thật.
 
Trong tác phẩm Lời bạt về hành trình di cư của Hứa Tinh Dương, Chu Di Tôn có ghi chép, thời bấy giờ, ban ngày ma quỷ thường vào thành phố, dùng tiền giấy gõ cửa từng nhà chào mua quan tài. Thế giới loài người gần như trở thành vùng đất của ma quỷ, dựa theo quan niệm về thế giới bóng đêm của Trung Quốc, những linh hồn ma quỷ có thể hoạt động công khai tại chốn dương gian như vậy, chứng tỏ dương khí của thế giới đã rất suy yếu, khiến người ta lờ mờ nhận ra những tai họa lớn hơn sắp ập đến.
 
Ma quỷ mang theo tiền âm phủ tới dương gian sử dụng, tính chất của nó giống như việc cố ý dùng tiền giả đi mua đồ. Nhưng nếu chúng dùng tiền âm phủ để trả món nợ tại chốn dương gian thì sao?
 
Chương Mảnh đất Tư Thánh, tập sáu quyển Di kiên chi chỉ giáp tập có ghi chép: Phạm Tuân - một quan nhỏ tại huyện Kiến Xương từng vay trưởng lão chùa Thư Thánh một trăm nghìn quan tiền, hai mươi năm sau, vị trưởng lão đó qua đời, còn Phạm Tuân cũng quên luôn việc trả nợ. Sau này ông ta lâm bệnh nặng, chuẩn bị sang thế giới bên kia, lúc này, ông gọi vợ con đến và nói rằng: “Khi ta cưới nàng đã vay tiền của chùa Tư Thánh, nay thần Gia Lam tại nơi đó sai người thay trưởng lão đến đòi tiền, nàng và các con hãy mau chóng mua tiền giấy hóa cho trưởng lão.” Vợ ông nghe lời, liền đem tiền giấy đi đốt. Phạm Tuân nói: “Hai người đó đã đi rồi.” Xem ra hai người đến đòi nợ đã vui vẻ tiếp nhận, hoàn toàn không gây khó dễ cho người mang nợ.

 
Đây quả là diễm phúc cho những kẻ quỵt nợ, đã nợ tiền của người ta, lại đợi đến khi chủ nợ chết rồi mới dùng tiền giấy để trả nợ. Nhưng trong xã hội làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, vì thế, trong tất cả các câu chuyện ma quỷ, cũng chỉ có câu chuyện vừa rồi là ví dụ duy nhất mà thôi. Chương Viên ngọc phế tử trong Quảng dị ký đã sớm bàn tới việc người chồng dùng tiền riêng của người vợ quá cố, khi người vợ quay về đòi, người chồng liền nói: “Việc này đơn giản thôi!”, ý bảo sẽ dùng tiền giấy để trả nợ. Nhưng người vợ tức giận nói rằng: “Chàng dùng tiền đồng của ta, nay lại định dùng tiền giấy để trả ư?” Rõ ràng, người vợ không đồng ý. Ma về đòi nợ, nhưng nếu dùng tiền đồng để trả thì số tiền đó lại không tới được tay của họ. Biện pháp khá công bằng dành a quỷ là bắt con nợ dùng tất cả số tiền đã nợ đi mua tiền giấy hoặc mời hòa thượng đến đọc kinh như chương Thí tam sảo, tập mười một, quyển Di kiên bính chí có ghi.
 
Đương nhiên cách giải quyết tốt nhất là đem số tiền nợ trả cho người thân hoặc bạn bè của chủ nợ. Trong chương Trở thành thần không nhất thiết phải là hiền nhân, quyển hai mươi hai, quyển Tử bất ngữ có kể, một hồn ma đi đòi nợ, khiến kẻ mắc nợ sống trong tình cảnh chết dở, sống dở, kẻ mắc nợ muốn hóa tiền giấy để trả nợ, nhưng hồn ma không phải là một tên ngốc, nó cười lớn rồi đáp rằng: “Lấy tiền giấy để trả nợ tiền thật, trong thiên hạ làm gì có việc dễ dàng như vậy! Hãy mau đưa năm trăm quan tiền cho Lý lão gia, ta sẽ tha cho ngươi.” Vị Lý lão gia đó chính là bạn của hồn ma. Tác giả Viên Mai quá am hiểu mọi việc thoát tục, biện pháp này là hợp tình người nhất, chỉ là các vị hòa thượng hoặc đạo sĩ của chúng ta đã đánh mất một vụ làm ăn mà thôi.
 
 
5
 
Từ những câu chuyện được đề cập ở trên, bạn đọc nhìn chung đã có thể biết tiền giấy được sử dụng như thế nào trong thế giới âm phủ.
 

Đôi khi chúng dùng tiền giấy rồi mạo nhận là người sống để đến dương gian mua sắm, những hành vi này đồng nhất với hành vi lừa gạt, muốn tạo ra một thế giới hỗn loạn, ở đó người và ma bất phân - đó là việc bất khả thi. Đặc biệt hiện nay, tiền đồng, đĩnh bạc, châu báu đều không phải là loại tiền được lưu hành, nếu dùng tiến giấy mà trong tất cả các cửa tiệm đều đặt máy soi tiền, vậy thì các món đồ được chế tạo thô sơ chắc chắn không thể lừa gạt được chiếc máy soi tiền hiện đại ngày nay. Đương nhiên, đám dân cờ bạc nơi âm phủ cũng có thể dùng tiền âm phủ đánh cược, không cần phải đổi sang thẻ bài khác, còn những hồn ma thích sưu tầm cũng có thể coi tiền âm phủ là một món đồ sưu tầm khá thú vị, nhưng khi đó nó đã tách rời ý nghĩa gốc - tiền tệ lưu hành.
 
Mục đích lớn nhất và chính thức nhất của tiền giấy đó là đi biếu. Tất nhiên lễ vật ở đây không phải là những món quà của gia đình bình thường đi lại với nhau, mà là những món quà biểu thị lòng hiếu kính quan phủ, đó là những khoản đáp lễ dành cho từ những tên lính quèn cho đến Diêm Vương gia. Cổ ngữ có câu: “Nếu như có ông Diêm La Vương giống như Bao Chửng, thì có ngấm ngầm hối lộ, kéo quan hệ cũng không được.” Câu này con người chúng ta chẳng cần phải nghe, bởi Bao Chửng vốn là quan thanh liêm, nhưng các vị nắm giữ luật pháp dưới âm phủ chưa bao giờ biết ăn chay là gì cả. Từ lúc vong hồn cất bước trên đường, những tên lính nha phủ của quỷ đã đòi “lì xì”, hoặc còn gọi là “tiền công đức”. Các vị không nhìn thấy những xâu tiền giấy được treo trên chiếc cổ trắng đen khác người kia sao? Vì thế phong tục ma chay nơi dương gian, người chết ba ngày phải đi đốt “tiền lên đường”, đó là tiền biếu cho những tên sai nha áp giải hồn ma xuống âm phủ. Sau khi hồn ma lên đường, đi qua các cửa cũng phải tiền, qua cầu cũng tiền, tiền đó được gọi là “qua bến qua cầu, nơi nào cũng có thần ở, không đưa tiền sẽ không được qua”. (Xem chương Lý Bách Niên, quyển mười một, Tử Bất ngữ.) Cũng phải! Hơn nữa còn phải đút tiền cho lũ quỷ hoa, quỷ thổ phỉ, quỷ cướp xe… trên đường đi. Cứ như vậy, vong hồn không mang theo tiền bên mình sao được? Còn nữa, theo thuyết pháp nhà Phật, âm phủ vừa là giám ngục, vừa là công đường, cuối cùng còn có “văn phòng luân hồi” chuyên xử phạt các linh hồn. Vì vậy, khi lên công đường, thẩm vấn, phán quyết, cứ lần lượt đi qua từng cửa, không cửa nào là không phải đút tiền lệ phí, hàm oan cũng phải biếu tiền, bắt nhầm cũng phải biếu tiền, và quy tắc ở đó cũng là ăn cả của bên bị lẫn bên nguyên, một núi tiền được hóa xuống âm ti vẫn chưa đủ. Có người nói rằng: “Ánh sáng vàng soi phủ khắp mặt đất, chính bởi thế khiến điện Diêm Ma tràn ngập màu đen, hối lộ thực hiện công khai, khắp nơi chìm ngập trong thứ phong khí bại hoại, những cái chết oan xuất hiện mọi nơi, cả không gian là một màu đen ghê rợn.” (Liêu trai chí dị - Tích Phương Bình). Vì vậy, nói cho chính xác rằng, việc hồn ma đòi tiền, đối với vong hồn của kẻ dân đen mà nói thực sự là việc bất đắc dĩ, còn đối với hồn ma của kẻ giàu sang phú quý, đó là sự đảm bảo để duy trì quyền uy cũng như sự sung túc trước khi từ giã cõi trần.
 
Có điều ở đây đã xuất hiện một khe hở, âm phủ không có chợ búa, cửa hàng, tiền trong tay những người dân thường cũng chỉ là mấy đồng bạc lẻ, vậy các vị quan quỷ kia nhận chúng để làm gì? Bất kể việc gì cũng luôn có cái lý của nó, không cần thiết phải suy nghĩ, đắn đo quá nhiều. Việc quan quỷ nhận tiền đút lót được giải thích với hai lý do sau: hoặc là dưới âm phủ có xây dựng những cửa hàng đặc biệt chỉ dành cho quan lại đến mua sắm, thậm chí còn có cả những hộp đêm, các câu lạc bộ, tuy hàng đẹp, giá hời nhưng không có tiền thì cũng chẳng thể bước vào những nơi đó, mà tiền ít lại không thể vui chơi thoải mái, hoặc là một khi ma quỷ đã trở thành quan, họ cũng sẽ giống như những tên tham quan nơi trần thế, ngu muội đến mức chỉ thấy tiền là thứ tốt, thứ hay, có tác dụng hay không thì cũng mang chúng về nhà trước đã.
 
Đối với những người tin vào quỷ thần, một khi sự việc được đưa ra, sẽ khó tránh khỏi khiến họ cụt hứng. Dẫu rằng người xưa biết rõ mọi việc, nhưng cũng chỉ biết ngậm miệng làm ngơ. Còn tình hình thực tế là mặc dù người xưa mê tín, nhưng họ vẫn tin, thực sự tin rằng số tiền giấy đến tay những người thân quá cố của họ chẳng được bao nhiêu, nếu không họ đã chẳng mất công dựng nên những câu chuyện về tiền giấy để luận chứng cho việc này. Trong tâm họ thực sự không tin, nhưng tiền giấy họ vẫn cứ phải đốt, ý nghĩa của việc hóa tiền vẫn tồn tại trong đời sống của con người, mục đích để gửi gắm vào trong đó niềm thương nhớ đối với những người quá cố. Như Đậu Nga trước lúc bị hành hình có nói với mẹ chồng rằng: “Thưa mẹ, sau khi con chết, mỗi ngày lễ tết và Rằm hàng tháng, nếu có loại hương không chắt được ra nước thì xin mẹ hãy chắt cho con nửa bát, có loại tiền giấy không đốt được, thì hãy đốt cho Đậu Nga một trăm tờ. Như vậy là mẹ đã thương đứa con quá cố của mình rồi đấy.”
 
“Rau dại cũng trở thành sơn hào hải vị, tương ớt cũng trở thành rượu ngon.” Chỉ cần con cháu còn nhớ tới thì tất cả bấy nhiên thôi cũng sẽ trở thành một bữa tiệc thịnh soạn không gì thay thế nổi.
 
Cho dù cái mà họ đang đốt chỉ là phế liệu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận