Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1)

 
Chính điện dùng ngói lưu ly, cao tới tận thiên hà. Trên điện có năm vị thần ngồi hàng ngang, có người mặc áo mũ thời cổ đại, có người mặc trang phục của hiện tại, người ngồi chính giữa có chòm râu dài bạc trắng, khuôn mặt nghiêm nghị của bậc đế vương. Phía dưới bày hàng trăm chiếc chum lớn, bên trong chứa nước đen. Các hồn ma nườm nượp đi vào, Thẩm Tư hỏi trong chum chứa thứ gì, trả lời: “Là dầu gạo, ở dương gian gọi là khói thuốc phiện. Tất cả những kẻ gây tai họa được lệnh phải uống một chút nước này, sau khi nhập thế hễ ngửi thấy mùi là nghiện ngay tức khắc.”
 
Tất cả những người chết do tai họa, Diêm phủ đều cho vào một quyển sổ riêng, chỉ có điếu người chết quá nhiều, nhập sổ không kịp, đành phải thuê người viết từ dương gian. Câu chuyện này được viết với mục đích trào phúng thời thế hiện tại, nhưng từ đó cũng thấy được rằng, con người đã tìm ra một nhận thức chung, chỉ cần có nhu cầu thì loại sổ sách nào Diêm phủ cũng có thể tạo ra được. Những loại sổ sách được tạo ta một cách ngẫu hứng này rất hay xuất hiện trong tiểu thuyết, như trong Viết tiếp Kim Bình Mai có hai loại sổ “nguyên hội kiếp vận” và sổ “chu thiên nhân quả”, từ tên gọi của chúng có thể thấy, chúng thuộc vào loại văn hóa vĩ mô, nằm ngoài năng lực hiểu biết của kẻ tiểu dân.
 
Những loại sổ trên đều được phân loại theo nội dung, còn về mặt hình thức bên ngoài, sổ âm phủ cũng có sự phân biệt khác nhau. Nghe nói sổ âm phủ được phân ra làm ba loại vải lụa mỏng, lụa dai, và giấy. Ba loại nguyên liệu này được phân theo giá trị đắt rẻ, người được ghi tên trong đó đương nhiên cũng có sự phân biệt như vậy. Ở đây nội dung quyết định hình thức: quý nhân thì ghi vào sổ lụa mỏng, tiếp đến ghi vào sổ lụa dai, còn sổ giấy dành cho những thường dân nghèo hèn. Việc phân loại như thế này có tác dụng gì? Suy nghĩ một chút là hiểu ra ngay thôi. Trong Di kiên đỉnh chí, quyển hai mươi của Hồng Mại có chương Ô sơn uẩn, ghi lại dịch ôn dịch, đói khát hoành hành liên tục trong thời gian dài tại huyện Tân Kiến, tỉnh Giang Tây vào năm Can Đạo đời vua Tống Hiếu Tông, đó là do ông trời muốn “thu” tất cả người của nơi này. Đầu tiên “thu” hết những người trong sổ giấy, nếu chưa đủ số lượng, tiếp tục thu người thuộc sổ lụa dai, thu được một nửa là đạt số lượng yêu cầu, thì những người trong sổ lụa mỏng đương nhiên sẽ không bị lấy đi mạng sống. Tất nhiên, nếu trên trời có hạ xuống chính sách ưu đãi nào đó, thì chắc chắn phải bắt đầu từ những người trong sổ lụa mỏng.
 
Diêm phủ quản lý sổ âm phủ, nhưng ở Trung Quốc, từ nhà Tần cho đến triều đại Minh - Thanh, hình thái của Diêm phủ luôn có sự thay đổi. Như “thổ phủ” được nói ở phía trên chỉ là một trong những hình thái của nó. Tuy thể chế của nó được truyền lại và kế thừa sang hình thái khác nhưng xét từ danh mục, thời gian tồn tại của chúng rất ngắn, hơn nữa chúng thường biến mất ở thế hệ sau. Nhưng một số hình thái Diêm phủ lại có sức sống mãnh liệt, hình thái mới đã có rồi, nhưng hình thái cũ vẫn chưa biến mất, ví như hình thái Diêm phủ sớm nhất được quy cho Bắc Đẩu tư mệnh quản lý dưới sự giám sát của Thiên đế, giữa thời Hán Ngụy xuất hiện Thái Sơn phủ quân, thời kỳ Lục triều xuất hiện Diêm La Vương, những hình thái Diêm phủ này lại cùng lúc tồn tại ở thời Đường, gọi là “nhất quốc tam công”[9] có vẻ không ổn lắm, nên sau đó được gọi thành “nhất quốc tam chế”[10] nghe có vẻ xác đáng hơn.Vậy thì sổ âm phủ lúc bấy giờ cũng sẽ được chia làm ba loại, và tất nhiên anh tin ai thì sổ âm phủ của anh sẽ do người đó quản lý. Cũng ví như môn đồ của Nguyên thủy thiên tôn sẽ không bao giờ đến điểm danh chỗ của thần Jehovah hay thần Allah. Nhưng nếu gặp phải những người không có tín ngưỡng, vậy thì sau khi chết linh hồn của họ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn cuối cùng, nhưng cũng không cần phải lo lắng về việc sẽ không ai thu nhận anh.
 
[9] Nhất quốc tam công: một quốc gia ba hoàng đế.
 
[10] Nhất quốc tam chế: một quốc gia ba chế độ.
 
Trong Quảng di ký của Đới Phù có chương Trương Dao kể rằng, Trương Dao rất thích sát sinh, linh hồn của anh ta sau khi chết được áp tải về chỗ Diêm La Vương. Anh ta nhìn thấy tất cả những con vật mà mình đã giết tập trung tại sảnh chính của điện Diêm La, tất cả bọn chúng đều kêu oan đòi mạng. Nhưng một vị hòa thượng bệnh tật mà khi còn sống anh ta đã từng nuôi dưỡng cũng có mặt tại đó, hòa thượng nói rằng, Trương Dao đã đọc rất nhiều kinh Phật, phúc nhiều tội ít, vì vậy anh ta không đáng phải chết như thế này. Có phải chết hay không chỉ cần nhìn vào sổ sinh tử. Thế là Diêm Vương lệnh cho người tra “sổ tư mệnh”. Quyển sổ này được quản lý bởi đại thần tư mệnh, thuộc hạ của Thiên đế. Tra xong, tên của Trương Dao đã bị che mất, phải chết, lại lấy quyển sổ thứ hai là “sổ Thái Sơn”, cũng chính là sổ thuộc quyền quản lý của Thái Sơn phủ quân, cái tên đó cũng bị che mất, phải chết, cuối cùng lấy quyển sổ bản các, tức sổ của điện Diêm La, không ngờ: “Tên của ngươi bị che một nửa, ngươi chưa chết được.” Thế là Trương Dao được thả về dương gian, tiếp tục vùa sát sinh vừa đọc kinh Phật.
 
Câu chuyện này có vẻ như “tam giáo sống chung”, trong con mắt của các tín đồ Phật giáo, hai vùng Diêm phủ của tư mệnh và Thái Sơn phủ quân đều tồn tại tính hợp lý, mỗi người đều có sổ âm phủ ở ba nơi, giống như một người mà có trong tay hộ chiếu của ba nước vậy. Nhưng hiện nay anh ta đã phạm lỗi rồi, chiếu theo pháp luật của tư mệnh và Thái Sơn thì anh ta phải chịu hình phạt xử bắn, nhưng theo luật của Diêm La Vương anh ta chỉ là tội không che được phúc, không có tội thì phải thả ra, vậy thì anh ta phải tới đâu để mở phiên tòa đây? Một sự tiến hành so sánh giữa ba nhà, ba loại tôn giáo, vậy là dụng tâm của câu chuyện đã được hé lộ, hóa ra câu chuyện đã dùng sự tuyên truyền về sổ âm phủ làm vũ khí, để mở ra một trận chiến không chính thức, lôi kéo khách hàng đọc kinh Phật. Kết quả của cuộc đấu tranh này là, đến đời sau, người ta không còn nghe thấy có loại sổ tư mệnh hay sổ Thái Sơn nào nữa, từ đó, sổ âm phủ do một mình điện Diêm La lũng đoạn, không biết nó còn chính sách ưu đãi như trước kia không, lại xem những việc cúng tế, siêu độ vong hồn, lại là hòa thượng và đạo sĩ mỗi người chiếm một bên, hóa ra họ đã liên hợp với nhau để chèn ép dân thường.
 
Tất cả những loại sổ âm phủ trên đều được xây dựng trên quan điểm “không thể thay đổi”, tất cả thọ, lộc, công danh của con người đều do thiên mệnh sắp đặt sẵn, không có một khe hở để thay đổi. Thực chất không phải như vậy, dưới Diêm phủ cũng có một chính sách gọi là “trọng biểu hiện”, nếu một người đang sống có biểu hiện không tốt thì phúc, lộc, sinh, tử của người đó đều bị ảnh hưởng. Cái gọi là biểu hiện ở đây có các tiêu chuẩn khác nhau, trong đó, mục quan trọng nhất cần phải chú ý đó là “phái tính”. Ví như để một hòa thượng ra phán xét, mặc dù anh tham ô vô độ nhưng chỉ cần anh thích đọc kinh (đương nhiên phải là kinh của Phật Như Lai), anh sẽ được tăng lộc thọ. Vì thế, trong các câu chuyện do các tín đồ Phật giáo biên soạn, Diêm Vương nhìn thấy linh hồn đã được bắt về, câu đầu tiên ông ta hỏi là: “Nhà ngươi có đọc kinh không?” Nghiễm nhiên đó là ranh giới giữa người tốt và người xấu, ít nhất thì người đọc kinh cũng sẽ được giảm tội một bậc. Xin độc giả đừng nghĩ Diêm Vương là kẻ ngờ nghệch, thực ra ông ta cũng giống chúng ta những năm tháng trước đây, cứ có người tới thành phố là hỏi “xuất thân của cậu thế nào?” mà thôi. Những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, chúng tôi đi trên con đường lớn ở trung tâm thành phố nhỏ này, một người nông dân già đi một chiếc xe đạp không phanh, không chuông đâm vào một bà lão khiến bà không đứng dậy được. Cảnh sát tới giải quyết, định giữ xe đạp của người nông dân lại, nhưng dù họ có hỏi anh ta cái gì, anh ta đều giữ chặt tay lái chiếc xe đạp miệng lặp đi lặp lại một câu: “Tôi là nông dân nghèo”, khiến những người đứng xem xung quanh và cảnh sát đều không nhịn được cười. Người nông dân già mặt mày tái nhợt, có lẽ trong bụng cũng đang thắc mắc: “Mình đã nói mình là nông dân nghèo rồi, sao họ vẫn còn muốn truy cứu nhỉ? Người thành phố thật chẳng hiểu đạo lý gì cả!” Vì thế Diêm Vương hỏi một câu: “Ngươi có đọc kinh không?”, chính là muốn xác định rõ xem anh ta là người nhà hay người ngoài, chứng tỏ tính giác ngộ giai cấp của Diêm phủ vẫn rất cao.
 
4
 
Sổ sách dưới Diêm phủ nhiều như vậy, tạm thời không quản chúng nữa, để có những tài liệu đó, Diêm phủ phải sắp xếp biết bao nhiêu quan sai, mật thám ở dương gian, nếu như muốn ghi chép tất cả những tài liệu đó vào trong các loại sổ sách, e rằng hàng vạn người viết cũng không kịp. Nếu cho rằng tất cả mọi thứ ở thế giới ma quỷ đều thần kỳ khó đoán, vậy thì những tài liệu kia không cần có người ghi chép, tự nó sẽ hiện lên trên sổ một cách kỳ lạ và khó hiểu, nhưng thực tế đâu có được như vậy. Phía trên chúng ta đang nói tới “sổ họa khói đen”, chẳng phải nhờ người ở dương gian viết giúp đấy sao? Thực ra đây là quy tắc cũ, chỉ cần Diêm phủ bắt nhiều sinh linh trên dương gian, cũng chính là lúc dương gian gặp nhiều tai họa lớn nhất, số lượng người lo sổ âm phủ luôn không đủ, lúc này cần tìm sự giúp đỡ từ phía dương gian.
 
Tác phẩm Quảng dị ký của Đới Phù có chương Lý Cập, kể rằng Lý Cập bị bắt nhầm xuống Diêm phủ:
 
Lý Cập nhìn thấy hàng trăm chiếc xe bò đang chở thứ gì đó, bèn hỏi viên quan lại, những cái đó để làm gì. Viên lại đáp: “Phía Lộc Sơn đang tạo phảm, dân thường bị giết nhiều vô kể, hôm nay xe bỏ chở hồ sơ người chết tới đây.” Khi đó Lộc Sơn vẫn chưa xảy ra sự cố tạo phản, nên Lý Cập hỏi vặn: “Lộc Sơn vẫn chưa tạo phản, làm sao ngài biết?” Viên lại nói: “Sẽ tạo phản ngay thôi.” Rồi Lý Cập lại nhìn thấy hàng trăm người, tất cả đều đang vội vàng lo xử lý hồ sơ người chết.
 
“Hồ sơ người chết” nói tới ở đây chính là danh sách người sống chuẩn bị bị câu hồn, mấy trăm người vùi đầu vào sao chép danh sách, số sổ sách đó nhiều đến mức cần hàng trăm chiếc xe bò để vận chuyển. Quyển Hữu đài tiên quán bút ký, quyển tám của Du Việt, người đời Thanh ghi:
 
Trong nhân gian, mỗi lần gặp tai họa như lũ lụt, hạn hán, binh đao… đều có người nằm mơ thấy dưới Diêm phủ đang ghi chép sổ sách, nên có lẽ chuyện này là có thật. Đầu năm Hàm Phong, đám giặc cỏ ở Quảng Đông tạo phản, một người ở Hải Diêm nằm mơ thấy mình đi đến một nơi, ở đó văn thư chất cao như núi, mấy chục người đang cặm cụi viết lách.
 
Câu chuyện này chỉ là cuộc chiến tranh giữa Thái Bình Thiên Quốc và chính quyền nhà Thanh khiến rất nhiều người thiệt mạng. Liêu trai chí dị, quyển tám, chương Chiếc quan tài nhỏ có phần Ngô đường phụ ký kể, trước khi vụ án Thanh Hà bị bại lộ, “liên tiếp có người bị ma ám, nói rằng Diêm phủ đang cấp bách làm sổ”, ý chỉ những người chết trong vụ án này sẽ rất nhiều nên Diêm phủ đang gấp gáp làm sổ hồ sơ cho họ. Sau khi làm xong, sổ sách đó sẽ được dùng xe chở tới chỗ Diêm Vương và các Phán quan, có thể còn cần thêm mấy trăm người viết thẻ câu hồn. Còn trường hợp cầm sổ đến hiện trường điểm danh mà chúng tôi đã nhắc tới trước đó lại mang tính chất bán buôn, có thể bỏ qua việc viết thẻ câu hồn.
 
Cần phải nói rõ một chút, đó là đã có sổ sinh tử, sổ ẩm thực, tuổi thọ của con người đã được hạn định, đến lúc đó chỉ cần đưa số người hết dương thọ đã có mặt vào một tờ danh sách, như thế cũng được rồi. Vậy việc gì phải “làm sổ” nữa? Có lẽ nó được áp dụng theo trình tự của “ngục Hưng Đại” trên dương gian. Ngục Hưng Đại triều nào cũng có, nhưng hình như cứ cách vài năm mới có một lần sẽ không đủ để thể hiện uy phong của hoàng quyền. Một nhà ngục được xây lên là hàng trăm, hàng vạn người được đưa vào đó, cho dù số lượng đó chỉ chiếm năm phần trăm tổng dân số nhưng cũng đã đủ mệt cho bậc làm quan lo xử lý công tác làm sổ, nhưng cũng may dương gian không cần làm sổ vẫn có thể bắt giết tùy tiện, không sợ làm lỡ việc, cho dù sau này có phát hiện ra sai sót thì cũng chỉ long ân đại xá ột chút, đưa tất cả những nhân vật tên tuổi viết vào các bản chính văn, liệt vào bậc anh hùng trung hậu, viết đến mức những tên tuổi đó rất huy hoàng trong cả hai mươi lăm bộ sử của Trung Quốc, còn những người khác sẽ là người được các bậc anh hùng trên đại diện.
 
Thực ra, ngoài những đợt tai họa lớn mấy năm nay xảy ra một lần, ngay cả lúc bình thường, việc làm sổ dưới âm ti vẫn rất tất bật. Chỉ có điều, sổ câu hồn được làm đơn giản hơn, bỗng chốc câu kéo hồn của mấy chục người, mấy trăm người cũng không thành vấn đề. Vấn đề ở chỗ Diêm phủ có nhiều loại sổ sách như vậy, đặc biệt là các loại sổ thiện ác, sổ công danh tội lỗi, bình thường đã cần một lượng lớn đặc vụ và thư lại… thật khó để tưởng tượng ra một lượng công việc lớn như vậy. Theo quan điểm trong phần Sổ thổ địa, quyển ba, cuốn Tập di tân sao của Lý Hạc Lâm, người đời Thanh, loại sổ này cần được làm từ chỗ thần Thổ Địa, nhưng thần Thổ Địa thỉnh thoảng cũng đi bắt người trên dương gian. Nghe nói trong miếu thổ địa:
 
Hơn chục người ngày đêm không ngừng viết lách, theo báo cáo của Táo Quân trong các gia đình, tất cả những điều thiện ác lớn nhỏ đều được thông báo từng ngày, từng giờ, ngay cả những điều xảy ra trong lúc ăn, lúc uống, thậm chí ngay cả những lời thủ thỉ trong màn, tất cả đều được ghi lại không thiếu một từ.
 
Phạm vi cai quản của thần Thổ Địa có thể tương đương với ủy ban khu dân cư hoặc cảnh sát phường. Ông ta lại đặt tai mắt ở từng nhà dân một, các vị Táo Quân ngày ngày đến thông báo những công to việc nhỏ, không sót thứ gì. Nếu dùng những quyển sổ này để ghi chép lại thì không biết kiếm nơi nào để chất cho hết chỗ sổ sách, nhưng phí hỗ trợ công tác lại tương đối khả quan.
 
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những việc nhỏ, thư lại vất vả cực nhọc, chí ít cũng chỉ đến mức “cổ tay” rã rời, thực sự vất vả phải là những biệt phái viên ở dưới làm công tác thu thập thông tin tình báo. Chỉ riêng ghi chép việc “xem sách khi đại tiện”, thì họ phải “bám sát” các nhà vệ sinh, đối với Táo Quân, ông làm việc trong nhà dân, mấy nhân khẩu trong nhà đi vệ sinh lúc nào Táo Quân đã nắm rõ mồn một, vì thề ông không cần làm một chiếc “hố xí lá” nữa, ông chỉ cần để ý một chút là xong. Nhưng đáng thương là những anh đặc vụ ngồi trong các nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là nhà vệ sinh ở các thành phố sầm uất, các cơ quan, trường học, người nhiều phức tạp không cần nói, cái chính là mùi ở những nơi đó khiến anh càng cảm thấy khó chịu, nên công việc thu thập tình báo này thực sự rất vất vả, ít nhất người thường như chúng ta sẽ không thể chịu đựng được trong mấy phút. Chắc chắn sẽ có không ít quỷ mật thám oán hận luật “cấm mang sách vào nhà xí” thật nhiều chuyện, họ nhớ nhung những ngày tháng thái bình khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, ai lẩm bẩm sách thơ là bị chặt đầu, nhưng chắc chắn cũng không có người ham vui mà không thấy mệt bao giờ. Viết vẽ đến đây, rồi không chịu được cũng phải lệch dòng vẹo chữ.
 
 Đương nhiên vẫn chưa có kẻ ngu ngốc đi bám sát đến cùng chỉ để ghi chép việc “xem sách khi đi vệ sinh”, nhưng những việc tương tự cũng không phải không có, đó là để có được những thông tin tình báo quan trọng hơn. Một cậu học sinh bị theo dõi vừa từ nhà vệ sinh đi ra, lập tức có một đôi chăm chú nhìn một người bạn học khác của cậu ta đi vào, cậu ta lần tìm một trang giấy đã dùng qua trong cuộn giấy đang cầm trên tay, nghiên cứu một chút xem trên tờ giấy đó viết gì. Bởi hồi đó, sinh viên nghèo đi vệ sinh chỉ dùng giấy nháp đã viết chữ, còn những chỗ trống trên tờ giấy nháp cũng được dùng để luyện chữ, việc này có khả năng vô tình tiết lộ ra điều gì đó. Ngày này qua ngày khác. Cũng không phải những vất vả như vậy không nhận được thành quả. Nghe nói sau này phòng cất giữ hồ sơ của khoa chúng tôi đã phát hiện ra một bao “tài liệu” được cất giấu rất kỹ càng, sau khi tháo bỏ liên tiếp mấy lớp giấy, cuối cùng bên trong là một chiếc khăn tay giấy bên trên có viết chữ. Tôi thường nghĩ, ông trời nếu thật sự giáng xuống trần gian những nhân tài bất đắc dĩ, có những sinh viên thường ngày không phân biệt được rõ đâu là tân ngữ đâu là bổ ngữ, khi gặp phải những việc có gian tế như thế này, học lại có một linh cảm sắc xảo, có thể đưa ra những phương án rất kỳ diệu.
 
Khăn giấy trở thành thông tin tình báo, việc này không phải không có khả năng xảy ra. Nếu đối phương là đặc vụ Tưởng của quân Mỹ, thì có lẽ chiếc khăn giấy này có thể tiết lộ một vụ án lớn kinh thiên động địa như các vụ án phản Đảng phản quốc, vậy thì việc này còn có trở thành một đề tài để các cây viết sắc xảo phát triển thành một bài văn hay, biên soạn vào sách giáo khoa trung học. Thử nghĩ mà xem, hằng ngày cậu sinh viên bị theo dõi này đều âm thầm nghiên cứu, kiểm tra, nhận biết mọi thứ, cậu ta làm việc chăm chú, quên mình, mà người này thực ra lại trung hậu đến mức không đọc hiểu những ám hiệu của bọn phản cách mạng, vì thế chỉ có thể đưa cậu ta đến chỗ lãnh đạo chờ định đoạt, và rồi trên bàn làm việc của lãnh đạo có bày hàng đống các loại giấy tờ như vậy, do các nhà chơi trò đầu tranh giai cấp với khứu giác siêu phàm nghiên cứu, phân tích từng chữ, từng câu một, cuối cùng đã lựa chọn được ra tờ giấy này. Cả một quá trình thật khiến người ta cảm động! Chỉ đáng tiếc, tờ giấy ăn đó không hề để lộ ra những thông tin kinh thiên động địa của bất kỳ vụ trọng án nào, vì nó chỉ tạm thời phải nằm trong phòng hồ sơ, chờ đợi các thông tin tình báo khác có được sau này, sau đó gắn lại thành án, lúc đó mới thực hiện việc mưu sát cả cuộc đời người thanh niên kia.
 
Tôi ghi chép những điều này, để độc giả biết được rằng chúng tôi đã từng sống trong một thời đại như vậy, đã từng tự hào được làm một việc dơ bẩn như vậy. Những người chủ trì công tác đó nay cũng đã bảy, tám mươi tuổi, có lẽ cũng sắp đến lúc “để anh nhớ lại chuyện xưa” như Ostrovsky đã nói, vậy các bạn có nên nghiêm túc kiểm điểm mình khi nghĩ lại những việc trong quá khứ, quốc gia và nhân dân giao con cái của họ cho các anh, hy vọng các anh đào tạo chúng trở thành những nhân tài có ích cho đất nước, còn các anh - những “giáo viên”, các anh đã làm những gì? Các anh huấn luyện một số người trở thành mật thám, để lợi dụng họ tìm cách ột số người khác trở thành kẻ thù giai cấp, từ đó dạy dỗ đa số sinh viên còn lại thành những người dân ngoan ngoãn mất khả năng tư duy, đó là sự nghiệp mà các anh từng thề sẽ cống hiến “cả tính mạng và toàn bộ tinh lực của mình” cho nó ư? Hoặc đó chỉ vì muốn nhuộm đỏ chiếc mũ trên đầu và thỏa mãn việc vận dụng những biến thái tinh thần, căn cứ theo nhu cầu các anh có thể tùy lúc chi phối điên đảo thủ đoạn xu thời?
 
Sau thời kỳ cải cách văn học, nghe nói những thứ trong túi hồ sơ đã được thanh lý đi nhiều, những tài liệu mật giả tạo để vu cáo kia cũng bị tiêu hủy. Lúc đó, lòng người thảnh thơi, nhưng sau đó nghĩ lại không tránh khỏi cảm giác lỗ mãng, thực ra nên lưu lại chút chứng cứ mang tính đại diện thì hơn. Bởi chúng không chỉ chứng thực rằng con người có thể đê tiện đến mức độ nào, mà còn ghi lại sự hy sinh xương máu của biết bao người vô tội do sự đê tiện đó gây ra.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui