Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1)

 
Tác gia Đường Dật Danh cũng đã ghi chép về các vong hồn vì phải phục dịch tòng quân mà chết thảm nơi đất khách quê người, thỉnh thoảng may mắn kiếm được bữa no nhờ sự thương hại của những người qua đường.
 
Khai nguyên lục niên, có người bơi thuyền qua sông Hà Mi, thấy có một xác khô bên bờ sông thì đặt cho ít đồ ăn, sau đó liền nghe văng vẳng bên tai tiếng cảm ơn, và thơ rằng: “Ngã bản Hàm Đan sĩ, chi dịch tử vu Hà Mi, bất đắc gia nhân khốc, lao quân hành lộ bi.”[3]
 
[3] Dịch thơ: Tôi đây là tráng sĩ Hàm Đan, chết trận trên sông Hà Mi. Không được tiếng khóc tiếc thương của người thân, vất vưởng nhờ chút lòng thương của người quân tử qua đường.
 
Đời nhà Tống trong cuốn Triệu Khang Thanh công vấn kiến lục có ghi lại việc u Dương Tu bơi thuyền qua sông Hán Giang, “đêm khuya tĩnh mịch vẳng nghe có tiếng khóc, tiếng ca làm náo loạn cả khúc sông”, nhưng khi đến gần thì âm thanh lại im bặt. Hỏi người làng, chỗ này có nghĩa địa không? Đều trả lời là không. Đi được hơn một dặm thì gặp tòa thành cổ được xây dựng từ thời Chiến Quốc, có tên là Miện Thành. Những u hồn tử sĩ đã lưu lạc ở đây từ hơn nghìn năm nay.
 
Đổng Cốc, người đời Minh đã ghi chép về chuyến đi Nam Kinh của mình trong cuốn Bích lý tạp tồn rằng: “Trên đường đi có quá nhiều thứ quỷ quái, khiến người qua đường không dám đi”. Những hồn ma chết trận thời xưa đều biến thành quỷ hoang, giống như một lũ thổ phỉ, trải qua hàng nghìn năm vẫn không siêu thoát, ngày đêm quấy nhiễu cuộc sống của người dân. Chu Nguyên Chương định đô ở Nam Kinh, quyết định này của ông không được sáng suốt cho lắm, thiết nghĩ đám đại quân tử kia khi thấy các tú tài thì khí nóng trong xương tủy lại càng mãnh liệt, càng quấy nhiễu nhiều hơn.

 
Bất luận thế nào thì những hồn ma hoang dại, không nơi nương tựa cũng luôn là nỗi ám ảnh của những con người chốn dương gian, tuy nhiên vẫn có một số ít ngoại lệ. Sưu thần hậu ký có ghi chép về đội thuyền nhạc đi theo chiến quân của Tào Tháo bị chìm ở cửa Nhu Tu, u hồn đội nhạc kỹ từ đó mãi mãi được ngao du trên sông Giang Phủ, cũng giống như giếng Yên Chi trên núi Kê Minh ở Nam Kinh, từ đó nơi đây trở thành một thắng cảnh nổi tiếng với cảnh sắc nên thơ, tráng lệ. Trên mặt sông lúc nào cũng nghe du dương tiếng đàn, tiếng sáo, lẫn trong mây nước là tiếng chèo thuyền của đoàn công Tào Công, thỉnh thoảng lại có tiếng quẫy của người cá, khi hoàng hôn buông xuống hay lúc đêm về thì tiếng đàn, tiếng sao nghe lại càng du dương, thánh thót.
 
Hơn hai trăm năm trôi qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, thời đại cũng đã đổi thay, nhưng vẫn giữ được kiểu cách “quan thuyền”. Tào Mạnh Đức thất bại trên cửa sông Nhu Tu, biết bao nhiêu chiến thuyền đã gửi lại trên sông Trường Giang này, chỉ riêng những tướng sĩ bị nhấn chìm ở nơi đây đã lên đến mấy nghìn người, và từ đó họ không tan biến vào hư vô, không có những câu chuyện văn thơ làm chủ đề đàm đạo cho các hương thân phụ lão mỗi khi trà dư tửu hậu. Đều là những kẻ vô tội phải vùi thân dưới đáy Trường Giang, nhưng cái chết của các tướng sỹ và đội nhạc kỹ lại có những ý nghĩa khác biệt rõ rệt, thật khiến người ta cảm khái. Sự đảo lộn giá trị của người đời có lẽ cũng từ đó mà ra. Lại nhớ đến loạn An Sử, sau khi loạn An Sử nổ ra, hài cốt của người dân và quan binh vẫn phơi sương phơi gió ngoài đồng hoang, những cung nữ già liền học theo các nghệ nhân xưa, bắt đầu lưu truyền những câu chuyện kỳ quái nơi tam cung lục viện, những câu chuyện lấp lánh sắc màu quỷ quái, hư hư thực thực, nhưng dưới con mắt của kẻ nô tỳ thì tất cả đều vô cùng vĩ đại. Vậy là người nghe liền bị mê hoặc bởi những câu chuyện kỳ quái, tất cả những đau khổ đều tan biến, trận bạo loạn đảo lộn đất trời, với hàng ngàn, hàng vạn xác chết cũng bị một bàn tay vô hình che kín. Cho đến hàng trăm, hàng nghìn năm sau, những câu chuyện như thế vẫn chưa thể kết thúc.
 
Nhưng nói cho cùng, nếu chúng ta lo lắng, quan tâm đến các cô hồn thì hãy an táng hài cốt của họ thật chu đáo, để linh hồn của họ có nơi an nghỉ, hơn nữa, hầu hết các hồn ma đều mong mình được trở về với đất. Người xưa sau khi chết đi đều được an táng trong khu mộ riêng của gia tộc mình, còn những kẻ chiến bại trên sa trường thì đành chôn mình nơi đồng nội, không được trở về bên cạnh phần mộ của tổ tông, chết mà không ai phúng viếng, nhưng vẫn phải dùng xe ngựa thô sơ kéo về, kiếm cho họ cỗ quan tài nhỏ làm chỗ an thân, cũng có nghĩa là không cho họ quyền công dân nhưng cũng không được cướp đi quyền sinh tồn của họ. Vương Sĩ Trân, đời nhà Thanh có đoạn ghi chếp về Lâm Tứ Nương trong Trì Bắc ngẫu đàm. Lâm Tứ Nương là cung nữ đời nhà Minh, sau khi triều Minh sụp đổ, vong hồn của cô phiêu dạt trên đất Bắc, đau thương kể lể nỗi ưu phiền của những u hồn lang thang. Cư sĩ đời Thanh, Thung Nột trong quyển hai, cuốn Chỉ văn lục có đoạn kể về “Trịnh tú tài”, có người thương nhân họ Ngô bị bọn cướp giết chết ngoài biển, vong hồn của ông liền hiện về, than thở rằng: “Tuy hài cốt tôi đã chìm dưới đáy biển sâu nhưng linh hồn này vẫn luôn hướng về nơi quê cha đất tổ.” Thử hỏi rằng, nỗi lòng nhớ quê hương, nhớ thương người thân da diết ấy có khác gì với cuộc sống của người trần!
 
Đối với những hồn ma phiêu dạt tha hương thì phải đưa họ trở về quê hương bản xứ, chỉ cần di dời hài cốt của họ trở về quê hương thì vong hồn của họ tự khắc cũng sẽ trở về với họ tộc. Đây được gọi là “lữ quỷ tùy hài phản hương”.
 

Đới Phủ, người đời Đường đã ghi lại chuyến đi cùng cha về nhậm chức ở Mật Châu trong cuốn Quảng dị ký, trong mơ ông thấy mình làm quen với một cô gái, ngày hôm sau lại mơ thấy cô gái đến từ biệt, giọng nói đầy vẻ thê lương: “Thiếp là con gái Trưởng sử trước, chết ở phía đông nam thành. Anh trai thiếp ngày mai sẽ đến đón thiếp về an táng, ngày cuối cùng đến đây vĩnh biệt chàng, trong lòng quả thật vạn phần không nỡ!” Hài cốt được đưa về quê hương, vong hồn cô gái từ đó cũng không quay lại nữa, tuy tình cảm với người thương vẫn còn bịn rịn không nỡ xa rời, nhưng không còn cách nào khác, không muốn đi cũng không được.
 
Những lữ quỷ gửi thân nơi đất khách, mặc dù bị trói buộc bởi chính hài cốt của mình, không thể tự trở về quê hương, nhưng thỉnh thoảng cũng có thể về nhà thăm tình hình của cha mẹ, người thân. Những câu chuyện về các vong hồn có thể vượt ngàn gian khó về thăm gia đình cực kỳ hãn hữu, cho dù minh giới không có ràng buộc gì, nhưng vẫn có rất nhiều điều bất tiện. Hồng Mại trong quyển mười lăm Di kiên bính chí có đoạn kể về “thiếu phụ Nguyễn Lâm Châu”, nói rằng, những hồn ma từ nơi khác đến đều phải chịu sự quản giáo tạm thời của thổ thần địa phương, giống như thi thể của thiếu phụ họ Nguyễn được thác gửi nơi cửa Phật, chịu sự quản thúc của hộ pháp trấn giữ cửa chùa, “tuy có thể về nhà bất cứ lúc nào, nhưng khi có tiếng chuông sớm hoặc chuông chiều đều phải tức khắc trở về nhận lệnh, khổ cực vô cùng”. Họ được đối xử như phạm nhân vậy. Vì thế, cho dù có phải hỏa thiêu hài cốt thành tro bụi cũng nên nhanh chóng đưa họ về an táng tại quê nhà.
 
Thanh Thành Tử, người nhà Thanh trong tác phẩm Chí dị tục biên của mình có đoạn bàn về thuyết “hài cốt là nơi cự ngụ của vong hồn” đã giải thích rằng, có một điều khá thú vị mà rất ít người biết là, nếu hài cốt hóa thành hư vô thì âm hồn tự nhiên cũng theo đó mà tan biến.
 
4
 

Mộ phần tuy có quy mô và kiểu cách khác nhau, nhưng tất cả các ngôi mộ đều có một điểm chung là, đều phải đào một cái hố trên mặt đất, đặt quan tài người chết vào đó, rồi lấp đất chôn. Đối với người sống, ngôi mộ đó dù là xây dựng nguy nga như cung điện dưới lòng đất, hay công trình thế kỷ đi nữa, thì nó cũng chỉ có một chỗ có tác dụng, đó là phần giữa ngôi mộ, nơi cất giữ thi thể người quá cố.
 
Đới Tác, đời nhà Tấn có ghi chép một câu chuyện, một lần đi đêm bị lạc đường, ông nhìn thấy phía xa xa có đốm lửa sáng, dường như có nhà dân, liền chạy thục mạng về phía đó, quả thật là có một ngôi nhà, nhưng đến ngày hôm sau khi tỉnh dậy, bước ra khỏi nhà mới phát hiện đó chỉ là một ngôi mộ. Những câu chuyện tương tự như thế được lưu truyền rất nhiều trong dân gian. Cẩn Đào Tiềm trong Sưu thần hậu ký cũng ghi lại rất nhiều những câu chuyện như thế, như huyện sử đời Hán, Ngô Tường vì không chịu nổi những phục dịch hà khắc chốn quan trường liền tìm cách bỏ trốn vào núi sâu. Đi đến một con suối thì trời tối. Đến đây ông gặp một thiếu nữ, liền theo cô về nhà, ngôi nhà chỉ là một túp lều nát. Hôm sau, khi tỉnh giấc chỉ thấy một mình nằm giữa nghĩa địa. Trong Pháp uyển chu lâm cũng ghi lại một câu chuyện tương tự, Chu Mỗ người Nghĩa Hưng, đời nhà Tấn cưỡi ngựa ra ngoài dạo chơi, chưa về đến nhà thì trời đã tối, thấy bên vệ đường có một ngôi nhà cỏ nhỏ, một cô gái từ trong nhà bước ra. Những túp lều rách nát hay những că nhà nhỏ đơn sơ bên đường đều do những ngôi mộ nhỏ của những người dân lao động khốn khổ, hay những thiếu nữ bạc mệnh hóa thành.
 
Nếu như bạn lạc vào một khu nghĩa địa lớn, thì những ngôi mộ ở đó tự nhiên sẽ mọc thành những tòa nhà nguy nga tráng lệ. Lưu Nghĩa Khánh trong U minh lục có ghi chép, có một thương nhân sống ở thời nhà Ngô, tên Trần Tiên đi đêm, qua một ngôi nhà trống, cổng rộng tường cao, sáng hôm sau nhìn lại hóa ra chỉ là một khu nghĩa địa. Thái bình quảng ký có dẫn một câu chuyện rằng, Hoằng Môn dẫn Trương Vũ đi qua Đại Trạch Trung, trời sẩm tối chợt thấy một ngôi nhà lớn cổng mở toang. Trương Vũ liền lên trước thăm dò, thấy có một nữ tỳ ra hỏi, ông ta liền ngỏ ý muốn ngủ nhờ qua đêm. Nữ tỳ vào báo xong, liền kêu Trương Vũ vào. Vào nhà, ông ta thấy có một phụ nữ tuổi trạc ba mươi đang ngồi trong màn, xung quanh có đến hai mươi người hầu hạ, y phục vô cùng diêm dúa. Người phụ nữ đó chính là con gái thứ hai của thái thú Trung Sơn nên mới được sống trong ngôi nhà nguy nga với hơn hai mươi kẻ hầu người hạ như thế.
 
Những câu chuyện trích dân ở trên đều là truyện được những người của Lục triều ghi chép lại. Chuyện xảy ra dưới các đời Hán, Tấn, Tống… đều là các thời đại xa xưa không thể khảo cứu, nhưng có nguồn gốc dân gian đại thể vẫn có những giá trị nhất định. Những câu chuyện như trên đã trở thành một mô típ, vẫn được người đời sau kế thừa như những tiểu thuyết truyền kỳ, quái dị từ Lục triều đến nhà Đường, nhà Thanh. Như Lục Huân, người đời Đường trong Chí quái lục có ghi chép về câu chuyện Tôn Thiệu Tổ gặp một nhà dân ven đường, chợt nghe trong nhà văng vẳng tiếng đàn. Đoàn Thành Thức trong cuốn mười ba Tây dương tạp trở kể về câu chuyện Thôi La Thập, người Thanh Hà, đêm khuya đi qua mộ phần của một vị phu nhân, thấy châu môn phấn bích, lầu son gác tía. Qua một đêm tình cảm mặn nồng, trời sáng mới phát hiện, hóa ra đây là khu nghĩa địa của một gia đình danh gia vọng tộc. Minh thế vốn dĩ là cảnh tượng của người trần, là nơi diễn lại tất cả những gì xảy ra nơi trần thế. Địa vị, đẳng cấp của các linh hồn được thể hiện rõ ở việc ăn ở. Ở cõi nhân gian có nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía, nhưng cũng có những nhà tranh vách đất, lều cỏ đơn sơ, ở cõi âm cũng vậy. Thân phận cao sang hay nghèo hèn lúc sinh thời của các linh hồn vẫn được giữ nguyên ở cõi âm, vì thế mộ phần của họ cũng có những ranh giới, đẳng cấp khác nhau, thậm chí còn có quy định nghiêm ngặt hơn việc xây nhà ở cho người dương thế gấp bội phần. Những quy định cụ thể về việc xây mộ phần đều được ghi chép rất tỉ mỉ trong thể chế lễ pháp của các thời đại. Kích cỡ, chiều cao, chiều dài, số lượng tượng đá, ngựa đá đứng canh mộ đều được quy định rõ ràng, thậm chí cả những vật muốn chôn theo người chết xuống âm tào địa phủ cũng không được tùy ý sắp đặt.
 
Những điều này đều không đáng để quan tâm, nhưng người ta vẫn cứ bắt mình phải tin, mộ phần được xây dựng nguy nga hay chỉ là một đám cỏ, không chỉ có mối liên hệ chặt chẽ đến người chết, là ngôi nhà của các linh hồn, mà cũng khiến cho tâm hồn người sống được thoải mái hơn phần nào. Những quan niệm hoang đường này cũng là kết quả của sự bất lực về mặt tâm lý. Người ta không thể xây cho người chết một tứ hợp viện dưới lòng đất, nhưng cũng không đành lòng nhìn người thân của mình bị chôn vùi trong sáu mảnh gỗ, vì thế họ đành dằn lòng, tưởng tượng cỗ quan tài kia là một khu tứ hợp viện cho người chết, để yên lòng người quá cố cũng là để an ủi bản thân mình. Vì thế, trong Duyệt vi thảo đường bút ký có đoạn, có người khi mai táng cho người chết, lỡ chân đạp vỡ một mảnh ván, đêm mộng thấy bị Thành Hoàng giải đi, nói có người kiện anh ta phá hỏng nhà của họ. Minh chứng thuyết phục nhất cho điểm này là câu chuyện vào thời Ngụy Tấn, kể về việc người sống có thể đến thăm nhà của người đã khuất, thậm chí có thể sống thử một đêm để tìm hiểu cuộc sống cõi âm.
 
Theo lẽ thường, nơi ở của quỷ là chốn người phàm không thể vào được, cũng như người sống thì không thể vào trong mộ của người đã khuất, vì thế chỉ có phần hồn của người dương mới có thể đến được cõi âm, mà người ta thường gọi là quỷ sống. Như trong Quảng dị ký có phần Hà gian Lưu Biệt Giá, kể rằng Lưu Biệt Giá trên đường đi gặp một người đẹp, liền theo cô gái về nhà. Trằn trọc canh thâu, anh ra bất giác cảm thấy có điều gì đó khác lạ, nửa đêm nằm trong chăn ấm đệm êm mà toàn thân lạnh toát, cơ thể rã rời, trong lòng thầm nghĩ về những việc kỳ quái đã xảy ra. Sáng sớm hôm sau, vừa tỉnh dậy, cả cô gái và lầu ốc đều tan biến, còn mình đang nằm trong một khu vườn hoang.

 
Trằn trọc cả đêm, chắc chắn Lưu Biệt Giá không chỉ lăn qua lăn lại trên chiếc giường nhỏ, nhưng cho dù chàng đã thăm thú những đâu trong ngôi nhà ma quái đó thì ngôi nhà ấy cũng chỉ được gói gọn trong không gian sáu mảnh ván của cỗ quan tài, và thể xác chàng Lưu thực chất vẫn nằm trên bãi cỏ hoang, không thể vào trong ngôi nhà âm đó được. Vậy thì cái “chăn ấm đệm êm” mà chàng Lưu cảm nhận được chẳng qua là đám cỏ hoang (ở đây có lẽ là do yêu khí biến thành), nên chàng mới cảm thấy lạnh lẽo, buổi sáng tỉnh giấc, thấy mình đang nằm giữa khu vườn bỏ hoang.
 
Chương thứ mười lăm trong Duyệt vi thảo đường bút ký có ghi chép việc Mỗ ́t dẫn vợ đến Cam Châu, đi được khoảng mười dặm về phía đông thì bị lạc đường, đành trú lại ở một trấn nhỏ. Đường xa mệt mỏi, vừa đặt lưng hai người liền thiếp đi ngay. Sáng hôm sau tỉnh dậy, giật mình phát hiện mình đang ở giữa một cánh đồng hoang. Còn người vợ ngủ trong căn phòng khác, không ngờ nửa đêm bị ma nam cưỡng hiếp, sáng ra thấy trên mình không còn mảnh vải che thân, đầu tóc bù xù, quần áo bị mắc hết lên cành cao. Đây cũng là một minh chứng chứng tỏ rằng cơ thể người phàm không thể vào trong mộ phần của người đã khuất. Trong truyện Liêu trai có kể câu chuyện về Trương Hồng Tiệm. Trong truyện có ngôi nhà của gia đình hồ tiên chỉ hiện hình lúc đêm xuống, thực chất cũng là viết theo quy luật này mà thôi. Khi Trương Hồng Tiệm muốn ra ngoài dạo chơi, hồ tiên dặn đi dặn lại rằng, đợi khi trời tối mới được quay về. Chàng Trương nghe lời, đi sớm về muộn, trong vòng nửa năm cảm thấy mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng một hôm, chàng về nhà sớm hơn bình thường thì chẳng thấy nhà cửa, làng xóm đâu. Đang trong cơn hoảng hốt thì nhà cửa bỗng chốc mọc lên như có phép màu, bản thân chàng không hề nhấc bước mà đã ở trong nhà từ lúc nào không hay. Dường như sự thoắt ẩn thoắt hiện của ngôi nhà hồ tiên chẳng qua chỉ là sản phẩm của sự hoang tưởng, nhưng đối với con người mà nói, đây chính là một vật thể có thật. Ngôi nhà cõi âm từ hư thành thực, rốt cuộc là sự biến đổi do yêu khí tạo ra khi trời tối, hay chính là sự thể nghiệm đặc biệt của người dương sau khi bị rơi vào trạng thái của các linh hồn? Hư hư thực thực, huyền huyền ảo ảo, cái ranh giới mong manh đó quả thực khó mà vạch ra rõ ràng được.
 
Vì vậy, hầu hết các câu chuyện ma quỷ đều không có mối liên hệ chặt chẽ với các thực thể, những ngôi mộ đó không chỉ có người dương mà cả các loài vật thân thiết với con người như lừa, ngựa cũng có thể đăng đường nhập thất, cùng con người trải nghiệm cuộc sống dưới cõi âm. Những câu chuyện như thế ở thời Hán - Ngụy nhiều không kể xiết, cho đến đời Thanh, dân gian đều cho rằng đó là việc đương nhiên, hợp với lẽ thường.
 
Liêu trai chí dị có một phần kể về Ái Nô, viết rằng, chàng thư sinh được quỷ mời về làm thầy dạy, chàng mơ hồ không biết mình đang sống cùng quỷ trong ngôi mộ hoang. Trong một lần tức giân, chàng bỏ ra ngoài lúc trời sắp sáng. Vậy là phu nhân liền sai người hầu “tiễn chàng thư sinh rồi khóa chặt cửa nhà, cánh cửa vừa khép, chàng ta đi được mấy bước thì mặt trời chiếu rọi, mới thấy mình vừa bước ra từ bãi tha man. Chàng nhìn quanh tứ phía, toát mồ hôi lạnh, chỉ thấy sau lưng là một ngôi mộ cổ”. Một ngôi mộ cổ mà người dương lại có thể tự do ra vào, tuy cũng có cửa đóng then cài, nhưng điều này vẫn không hợp với lẽ tự nhiên. Tuy nhìn bên ngoài, đó chỉ là một ngôi mộ cổ, nhưng khi bước vào trong, ngôi mộ lại biến thành phủ đệ gia thế nguy nga, đêm xuống hiện nguyên hình một phủ đệ tráng lệ với cánh cửa lớn khắc hình hai con sư tử ở giữa, khi mặt trời lên thì lại kín cổng cao tường, điểm này thật khiến người ta khó mà lý giải. Có lẽ trong con mắt của người đương thời, điểm này cũng không bị coi là chi tiết vô lý, nhưng câu chuyện vốn dĩ không nên diễn ra theo hướng đó. Đối với ma quỷ, mộ phần chính là nơi ở, chín vì thế mà những đồ gốm sứ được mai táng theo người chết thường là đồ dùng gia đình.
 
Những câu chuyện ma quỷ ở các đời sau ít nhiều đã có những đổi khác, chú trọng nhiều hơn đến mối liên hệ nghiêm ngặt giữa các tình tiết truyện. Có những truyện với tình tiết diễn ra trong những giấc mơ của người dương thế, có truyện thì đào một lối đi riêng trong hầm mộ để tiện cho sự giao lưu giữa hai thế giới… Mặc dù các câu chuyện có những tình tiết gần gũi hơn với đời thường, nhưng dù thế nào cũng vẫn là những câu chuyện hoang đường, không thể trọn vẹn được. Nhàn Trai Thị trong chương ba, Dạ đàm tùy lục kể về câu chuyện của Thiến Nhi: “Thiến Nhi mời chàng thư sinh về tệ xá chuyện trò, hai người đi xuyên qua rằng cây tùng một quãng thì đến một huyệt mộ. Chàng thư sinh bị Thiến Nhi kéo vào trong đó, chỉ cảm thấy cơ thế mình như bị thu nhỏ lại còn một tấc, vào trong mộ cơ thể chàng lại trở lại như bình thường, thấy bốn bức tường đều làm bằng gỗ, sơn tinh xảo, đẹp mắt.” Có thể thấy trí tưởng tượng của tác giả cũng thật phong phú, để chàng thư sinh có thể chui vào huyệt mộ, tác giả liền để cơ thể chàng thoắt nhỏ rồi thoắt trở lại hình dáng cũ. Thực chất điều này cũng do tác giả vẫn chịu lệ thuộc của các sự vật hiện hữu trong thực tế, vì thế có những tiểu tiết chưa hợp lý cũng là điều dễ hiểu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận