Chương 18: Tiên quỷ thê lương
Khái niệm “Tiên quỷ" mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây không phải là
“Tiên quỷ” trong Đạo giáo. “Tiên quỷ" trong quan niệm của Đạo giáo là
linh hồn người chết sang thế giới bên kia tu hành đắc đạo thành tiên, chỉ là có địa vị thấp hơn. “Tiên quỷ” ở đây là một cách gọi khác của những vật ma quỷ, đa số là do vong hồn của những đứa trẻ vô tội nhập vào, nhưng bị những tên pháp sư thao túng, có thể báo điềm lành hung cho người khác, thông linh tiếp vong, thậm chí làm cả những việc tà ma. Trong nhân gian những linh hồn này có rất nhiều tên gọi như thần Nhĩ Báo, thần Chương Liễu, Linh Ca Linh Tỷ, Linh Đồng, Minh Đồng, thần Đồng… Trong đó có những loài chỉ khác nhau về tên gọi, hoặc tên gọi giống nhau nhưng có những khác biệt nho nhỏ, tuy nhiên tính chất về cơ bản là giống nhau, thực ra chỉ là sự biến đổi của cùng một vật mà thôi. Ở đây chúng tôi xin được mượn cách gọi của người đời Thanh, thống nhất gọi bằng một cái tên là “tiên quỷ”.
Thần Chương Liễu
Vương Triệu Vân, người nhà Minh có ghi chép về “chương liễu đồng”, trong đó có một câu chuyện như sau: “Ở một thôn nhỏ của tỉnh Tô Châu có người tên là Trương Nhị giữ chức lý trưởng trong làng, cứ vào ngày Mười lăm hằng tháng là phải đến điểm danh ở phủ quan một lần, nên vào ngày hôm đó ông đều phải xuất phát từ nửa đêm canh ba. Một hôm, trên đường vào phủ quan, trăng rất sáng, ông chợt giẫm phải một vật, liền nhặt lên xem, thì ra đó là một đứa trẻ đẽo bằng gỗ, dài khoảng ba tấc, mặt mũi sáng sủa, đầu tóc đầy đủ, quần áo kỳ dị. Ông tiện tay đặt nó lên mũ rồi lại thẳng bước vào phủ quan, từ lúc đó, trên đường đi ông luôn cảm thấy như có ai thì thầm bên tai rằng: “Trương Nhị, Trương Nhị, lên huyện điểm danh, bị đánh vào mông.” Trương Nhị ngoảnh đầu nhìn, thấy cả quãng đường vắng vẻ chỉ có một mình, chân tay bủn rủn, trong lòng vô cùng sợ hãi. Lên đến huyện phủ, quả nhiên vì đến điểm danh muộn nên bị một trận đòn nên thân. Trên đường về, Trương Nhị lại nghe có tiếng nói thầm bên tai: “Trương Nhị, Trương Nhị, vợ ông ở nhà đang ngoại tình với trai.” Trương Nhị nghe xong vô cùng lo lắng, chợt nhớ ra tên người gỗ đang để trên mũ, liền tức giận đập nát rồi ném vào một nhà xí bên đường.
Thần Chương Liễu ở đây là một con ma thích nói nhiều, tuy nhiên những gì nó nói đều là những lời nói thật, đây không phải là tội, chỉ là con ma không chịu nghe theo câu châm ngôn của Bặc Thương: “Tín nhi hậu gian, vi tín tắc dĩ vi bang dĩ dã”, lại gặp phải Trương Nhị chỉ thích nghe tin vui, không muốn nghe tin rủi, nên kết quả là bị đập nát quăng vào nhà xí.
Câu chuyện trên sau khi được người đời Thanh chỉnh sửa, cải biên lại đã được sưu tầm vào Dạ vũ thu đăng lục, trong đó con búp bê gỗ nhỏ biến thành một sinh linh bé bỏng ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Câu chuyện kể về một anh lính lệ chuyên đi thúc thuế ở quê tên là Trương Đại Nhãn, canh năm xuất phát lên huyện, đến nha môn để nộp sưu thuế. Khi anh ta đến chỗ rẽ ở một cánh đồng thì mặt trời đã bắt đầu mọc, anh ta cảm thấy nóng bức liền dừng chân nghỉ dưởi một gốc cây. Bỗng nghe trên cây có người đang hát, nhìn kỹ thì thấy một đứa trẻ đẽo bằng gỗ, mặt mũi được khắc tinh tế, mắt sáng, mày thanh, cao khoảng hai tấc, đang nấptrong đám hoa, mỉm cười tinh nghịch, nhưng tóc của cậu bé bị dính chặt vào cây, không thoát ra được. Trương Đại Nhãn thầm nghĩ đây có lẽ là thần Chương Liễu vẫn được kể trong dân gian, có thể báo trước tương lai. Vậy là anh ta liền cắt phăng mái tóc của đứa trẻ, cho vào túi áo và lên đường đến nha môn.
Khi sắp vào đến huyện đường, thằng nhóc liền nhảy nhót loạn xạ, rất nghịch ngợm, Trương Đại Nhãn đành nhét nó dưới đáy mũ cỏ, lát sau chợt nghe có tiếng hát thầm bên tai: “Trương Đại Nhãn thật to gan, đến bắt ta, được một nghìn đồng tiên, đánh ba mươi trượng.” Đại Nhãn cho rằng đó là những lời nói vớ vẩn, không thèm để ý, nhưng khi vừa vào trong thành, thì gặp huyện lão gia đang lên miếu thắp hương, Đại Nhãn chân tay luống cuống, liền bị mấy tên nha môn nghi là kẻ gian, bắt đến trước kiệu quan. Anh ta sợ đến mức toàn thân run cầm cập, nói không ra tiếng. Viên huyện lệnh tức giận nói: “Thoạt nhìn đã thấy không phải thứ tốt đẹp gì, lôi ra đánh ba mươi trượng cho ta.” Vậy là Đại Nhãn bị đè ra giữa phố, lột quần đánh cho ba mươi trượng. Không ngờ Đại Nhãn còn chưa kéo quần lên đã bật cười ha hả, quan huyện lấy làm lạ, hỏi mãi Đại Nhãn mới kể câu chuyện đã được thần Chương Liễu báo trước tai họa nhưng hắn ta không tin. Đến khi quan huyện hiểu rõ mọi chuyện liền ra hiệu cho đám nha môn lấy một xâu tiền đưa cho Đại Nhãn, coi như tiền bồi thường vì bị đánh oan, rồi không thêm một đồng nào, giật lấy con búp bê gỗ, cho vào túi áo rồi lên kiệu đi tiếp.
Chỉ cần nhìn cách tên quan huyện cướp con búp bê gỗ của Đại Nhãn đã đủ biết lão ta chẳng phải thứ tốt đẹp gì, cho dù tác giả không thêm thái độ châm biếm trong lời kể của mình. Còn đứng ở góc độ của thần Chương Liễu có thể thoát khỏi móng vuốt của đám pháp sư giang hồ, được vào gia đình quyền quý, sống trong nhung lụa như nhà quan huyện đã là điều vô cùng may mắn rồi.
Đây là câu chuyện vô cùng thú vị, nghe nói sau này còn được Vương Tăng Kỳ cải biên thành tiểu thuyết. Nhưng trong tác phẩm của tác gia nổi tiếng này cũng có những điểm chưa được thỏa đáng, vô hình chung khiến cho độc giả hiểu nhần, ngộ nhận rằng thần Chương Liễu đáng yêu tinh nghịch như những con búp bê trong tranh của chàng họa sĩ Dương Liễu, trong khi thực tế thần Chương Liễu chỉ là hồn ma của một kẻ có số phận cực kỳ bi thảm, hơn nữa chúng cũng chẳng có bản lĩnh bão trước điềm cát, hung gì cả.
Một con búp bê đẽo từ gỗ có thể chạy nhảy ca hát được không cũng là điều rất khó nói, nhưng nếu nó có thể nói chuyện, hơn nữa còn có phép thần thông, dự cảm trước được mọi việc thì đúng là rất đáng để người ta coi như một vật quái dị hoặc một vật thần thánh. Nhưng việc nó có thể tiên đoán được tương lai hay không chỉ là chuyện nhỏ. Vương Đồng Quỹ, người đời Minh từng nhận định trong Nhĩ đàm rằng, nó chỉ có thể nói về mộ phần, gia trạch và những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, còn Vương Sĩ Tính trong Quảng chí dịch lại nói: “Thần Chương Liễu tuy chỉ là một đứa trẻ, không tên không tuổi, không người thân, cũng không hiểu phép tắc, chỉ biết báo việc cho người ta biết trước, nhưng không dự báo được tương lai quá xa.” Còn trong Dạ vũ thu đăng lục lại kể một câu chuyện rằng, có người mua một thần Chương Liễu từ một thầy phù thủy, mong rằng nó có thể báo ình mọi điều hung cát, không ngờ, nó chỉ có thể dự đoán những chuyện vặt vãnh trong nhà, lại rất nghịch ngợm, hay phá phách người khác, khiến người trong nhà không lúc nào được yên giấc. Chỉ có vậy mà thôi.
Trong Thoái tỉnh lư bút ký của Tôn Ngọc Thanh lại nói thần Chương Liễu có bản lính khá lớn, nhưng phải có bùa phép do pháp sư niệm chú, đợi đến nửa đêm nó mới có thể nói chuyện được. Chuyện kể rằng, khi pháp sư hỏi chuyện làm ăn buôn bán hôm sau, thần Chương Liễu cũng chỉ nói mập mờ, khi hỏi những việc khác thì nó đều không biết, hỏi nhiều lại khiến nó nổi giận. Nhưng qua những gì thần Chương Liễu nói, pháp sư có thể dự đoán được lỗ lãi ngày hôm sau, điều này cũng rất đáng nghi. Nếu như nó có thể dự đoán được tình hình buôn bán trên thị trường thì chủ nhân của nó chuyển hẳn sang kinh doanh từ lâu rồi, không cần phải vất cả đi làm đạo sĩ giang hồ. Ngoài ra còn có một câu chuyện khác như sau, một ông nọ bỏ ra mười hai lạng bạc mua một thần Chương Liễu, mong có thể nhờ nó mà phát tài. Ông ta thử hỏi nó mấy lần, quả nhiên những gì nó nói đều rất linh nghiệm, nhưng đúng lúc ông ta định kiếm một mối làm ăn lớn thì nó lại không linh nữa. Tính ra sau khi mua nó về chỉ kiếm được có mười hai lạng, vừa đúng số vốn bỏ ra mua nó. Hóa ra đây chẳng qua là do tên đạo sĩ muốn chơi ông ta mà thôi.
Dù như thế có lẽ cũng đủ làm khó ón đồ đáng thương này. Chỉ là một hình nhân bằng gỗ mà lại thần kỳ đến thế, trước tiên sẽ làm cho người ta tò mò về chất liệu gỗ đẽo nên nó, có lẽ là một loại gỗ rất đặc biệt.
Có người nhìn từ cái tên thần Chương Liễu mà cho rằng, người ta kết hợp gỗ cây nhãn và cây liễu làm chất liệu đẽo nên nó, lại có người cho rằng “gỗ cây nhãn dùng để đẽo bé trai, gỗ cây liễu dùng để đẽo bé gái” (hồi mười lăm, Hải du ký). Nhưng cả hai cách nói này đều cho rằng “chương liễu” ở đây là tên hai loại gỗ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần dùng gỗ cây liễu, thậm chí có người còn nói chỉ được dùng cành liễu để đẽo. Nhưng tất cả các ý kiến trên hầu như đều tồn tại những điểm bất hợp lý, bời lẽ gỗ cây nhãn và cây liễu là những loại cây quá bình thường, chỗ nào cũng có, vậy thì những thần Chương Liễu sẽ được làm ra nhan nhản, nói không chừng ít nhất mỗi người sẽ có một con giống như điện thoại di động của chúng ta bây giờ. Sự ra đời của linh vật này chắc chắn không tầm thường. Tác giả Ngũ tạp trở đã chỉ ra rằng, gỗ của nó không phải gốc cây nhãn hay cây liễu, mà là gốc của một loài thực vật mang tên “thương lục”. Muốn có loại cây này thì phải đem người chết chôn dưới gốc cây, sau đó cây lớn lên mới có hình hài giống người vậy.
Vì vậy đến đàu đời Thanh, Trương Nhĩ Kỳ cho rằng, tên gọi chính xác của thần Chương Liễu phải là “thần Chương Lục”, bởi vì “thương lục” còn gọi là “chương lục”, mà chữ “lục” với nghĩa là lục địa đồng âm với chữ “lục” với nghĩa là số sáu. “Vật được khắc từ gốc cây chương lục, giống hình người, được yển thêm bùa, có khả năng tiên đoán họa phúc, gọi là thần Chương Lục.” Thương lục trong Nhĩ nhã còn gọi là “trúc thang”. Lý Thời Trần chỉ nói loài cây này có công hiệu của “trúc đương thủy khí”, chứ không hề chú ý đến phần gốc của nó. Trong Nhĩ nhã nghĩa sơ được viết thời nhà Thanh cũng nói khá tỉ mỉ, còn nhắc đến nói với cái tên Vương Mẫu liễu, hay còn gọi là “dạ hô”, giống như một vật mang hình người mà chỉ có gốc của nó giống hình người, và rất hiếm gặp, đào hàng ngàn, hàng vạn gốc cây may ra mới gặp được một cây thương lục. Trung Quốc thời cổ đại, tất cả những loài thực vật có phần gốc giống hình người đều rất được con người tôn sung, như các loài nhân sâm, phục linh, hoàng thị… hoặc người ta cho rằng, nó có thể làm cho con người trường sinh, hoặc có phép thần thông quảng đại. Cây thương lục là một loài cây như thế.
Nhưng nói thần Chương Liễu là vật được đẽo từ thân cây liễu cũng không phải hoàn toàn không có căn cứ. Triệu Sĩ Lân, người đời Minh có nhắc đến “trung châu” trong Kiến chỉ biên, nói rằng thân cây liễu mọc ra phần nhọn gỗ, hình dáng hệt như hình người. Có thể nói đây chính là một thần Chương Liễu do thiên nhiên tạo ra. Trên thân cây liễu lại mọc ra phần nhọt gỗ giống hệt hình người, nếu người thường nhìn thấy chắc sẽ không khỏi nổi da gà, nhưng những người có con mắt tinh đời sẽ nghĩ ngay đến việc mang về đẽo thành một thần Chương Liễu. Chàng thư sinh Triệu Sĩ Lân lại nhớ đến một loại linh vật khác được ghi chép trong sách cổ tên là “phong quỷ”. Có người nói “phong quỷ” ở đây là cái nhọt gỗ trên thân cây phong, cũng có người nói nói chính là một loài tầm gửi dống nhờ thân cây phong, nhưng đến đời Nam Triều bắt đầu được thần thánh hóa, trở thành một quỷ vật linh thiêng. Muộn nhất là đến đời Đường, mọi người dùng thiên bàn làm la bàn bởi tin vào phép linh của gỗ phong. Chất liệu chủ yếu lại là gỗ táo, cho nên nó có một tên gọi khác nuawxlaf “phong thiên táo địa.” Không chỉ vậy, Lưu Tuân trong Linh biểu dụ dị có ghi chép về công dụng của gỗ phong như sau: “Các vị pháp sư lẫy gỗ phong khắc hình nhân thì chắc chắn linh nghiệm.” Điều này không khỏi làm người ta tò mò, có lẽ tiền thân của thần Chương Liễu xuất hiện từ thời nhà Đường. Hơn nữa cũng không thể nói đây là chứng cứ duy nhất, chúng ta có thể thấy trong Dậu dương tạp trở có đoạn kể về một đạo sĩ chuyên tân tu luyện, không dám một ngày trễ nải. Bỗng một hôm, vị đạo sĩ mơ thấy một cái cây lớn, trên cây đột nhiên mở ra môt cái động, rồi một thằng nhỏ chạy ra, khiến đạo sĩ giật mình tỉnh giấc. Nếu đứa trẻ kia có thể báo trước nhưng đềm hung cát thì chẳng phải là tiền thân của thần Chương Liễu đó sao?
Nhưng một miếng gỗ hình người, bất kể là nó giống một cách tự nhiên hay được gia công lại thì linh khí trời đất trong mảnh gỗ đó cũng là thứ hữu hạn. Giống như Vương Triệu Vân đã nói: “Bất tất sinh nhân hồn sảng, chỉ dĩ thảo mộc hợp nhi vi chi.” Một miếng gỗ lại trở thành thần linh, dự báo được tương lai hay sao? Mục đích trục lợi của các vị pháp sư chế ra thần Chương Liễu đương nhiên không dễ dàng lật tẩy được.
Vương Sĩ Tính, người nhà Minh đã từng viết trong Quảng chí dịch, sở dĩ từ một miếng gỗ có thể đục đẽo thành hình người, lại có linh hồn như người thật, là bởi trước đây dưới gốc cây có chôn xác hai đứa trẻ nhà họ Liễu và họ Chương, ngày tháng trôi qua, linh khí hai đứa trẻ nhập vào gốc cây mà thành thần Chương Liễu. Nhưng trong tác phẩm cũng có nhắc, chỉ dùng gỗ đó đẽo thành hình đứa trẻ thì không thể lập tức linh ứng, mà pháp sư phải dùng kim châm vào tai nó và luyện phép qua bốn mươi chín ngày thì đứa trẻ mới có thể nói chuyện được, lúc đó mới rút kim ra.
Đọc đến đây, có lẽ người ta thầm cảm thấy cái gọi là thần Chương Liễu này phảng phát mùi máu của người chết, chứ không đáng yêu lanh lợi như trong Dạ vũ thu đăng lục có nhắc đến.
Linh ca, Linh tỷ
Trong hồi mười lăm của Hải du ký có nói thần Chương Liễu cũng phân biệt giới tính nam nữ, được gọi với hai cái tên là Linh ca và Linh tỷ, cách luyện ra các Linh ca, Linh tỷ này là: “Lấy gỗ cây nhãn làm Linh ca, gỗ cây liễu làm Linh tỷ, dung thiên linh luyện bốn mươi chín ngày, nửa đêm đem chiên trên chảo dầu, nhốt hồn ma vào trong người gỗ, niệm chú một trăm ngày mới được một đôi Linh ca, Linh tỷ.”
Cách làm này dường như khó khăn và đáng sợ hơn gấp vạn lần so với việc Mai Siêu Phong luyện cửu âm bạch cốt trảo. Hải du ký là một tiểu thuyết ma quái tiêu biểu. Đem hồn ma quỷ nhốt trong thân hình người gỗ là một cách liên tưởng khác hợp với tư duy của người Trung Quốc. Ngay cả những lão phu tử Nho gia chính thống khi giảng về đạo lễ tế cũng dạy các đệ tử rằng, chỉ cần con cháu hiếu thảo, thành tâm cầu khẩn thì sẽ khiến linh hồn của tổ tiên yên vị trên tấm bài vị đó thôi. Đương nhiên, linh hồn của tổ tong không thể dùng làm chất liệu để luyện thần Chương Liễu được, nên phải mượn vong hồn của người khác, cách làm này cũng rất hợp với những thủ đoạn của thời đại cũ. Có thể dùng cách bắt, bỏ tiền ra thuê, lừa về… nhưng tương truyền cũng có những hồn ma tự nguyện nhập vào đó để tìm chỗ yên thân.