Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 2)

Chương 17
Hoàn hồn tái sinh

1
Bình thường, ý nghĩa của “hoàn hồn” và tái sinh, sống lại không có sự khác biệt, chính là muốn nói người đã chết sống lại. Nhưng nếu phân tích cụ thể thì lại là hai trường hợp khác nhau. Một là người đã chết rồi, hồn rời khỏi thể xác, còn thể xác cũng không có dấu hiệu sống nữa, lúc này nếu “hoàn hồn” thì chính là hồi sinh từ cái chết. Còn có một trường hợp nữa, đó chính là hồn đã rời khỏi xác, nhưng người đó lại chưa chết, ví dụ như chúng ta thấy trong các cuốn tiểu thuyết thường viết “tim vẫn còn ấm”, lúc này nếu “hoàn hồn” thì không thể được gọi là sống lại sau khi đã chết. Hai trường hợp này thực ra chỉ có một chút khác biệt, thể xác kia dù đã chết hay chưa, nhưng một khi không có linh hồn thì cũng không khác gì người chết cả, vì vậy khái niệm “hoàn hồn” mà tôi nói tới ở đây bao gồm cả hai trường hợp: người chết hoàn hồn và người sống hoàn hồn.
Do các tăng lữ của Phật giáo thường dùng những câu chuyện về hoàn hồn, tái sinh làm phương pháp tuyên truyền của bản giáo, vì vậy, thường người ta cho rằng khái niệm về hoàn hồn bắt nguồn từ sau khi Phật giáo được du nhập vào. Thực ra không hoàn toàn như thế. Trong Nhân quả hoàn hồn không bắt nguồn từ Phật pháp ở quyển hai mươi cuốn Tùy Viên tùy bút do Viên Mai người đời Thanh viết có đề cập đến trường hợp của gián điệp nước Tần bị nước Tấn bắt trong Xuân Thu Tả Thị truyện, đem ra chợ giết, sáu ngày sau thì sống lại, hoặc trường hợp người con gái Triệu Xuân sau khi chết rồi lại hoàn hồn trong Hán thư. Ngũ hành chí[1], đây đều là những chuyện xảy ra trước khi Phật giáo lưu truyền vào Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta để ý kỹ hơn một chút sẽ phát hiện ra tính chất của hai chuyện này hoàn toàn không giống nhau, và sự khác biệt của nó chính là ở quan hệ với cõi âm, hay nói cách khác thì một người là sống lại, còn người kia chỉ là sống lại sau khi chết lâm sàng, hoàn toàn không liên quan gì đến việc hoàn hồn.
[1] ‘Hán thư’: một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán từ năm 206 TCN đến năm 25 TCN. Đôi khi sách này cũng được gọi là ‘Tiền Hán thư’ để phân biệt với cuốn ‘Hậu Hán thư. Ngũ hành chí’ là quyển bảy trong phần ‘Chí của ‘Hán thư’.
Gián điệp nước Tần trong Tả truyện xảy ra vào năm Lỗ Tuyên Công[2] thứ sáu, nhưng chỉ là bị trọng thương dẫn đến hôn mê, người chưa chết nên không thể nói là sống lại, cũng không có tình tiết hồn lìa khỏi xác. Tả truyện đặc biệt ghi chép lại, chỉ vì người này “sáu ngày sau mới sống lại”, thời gian khá lâu, thậm chí còn được coi là “chuyện lạ”, hoặc có thể gọi đấy là kỳ tích trong hiện tượng sinh lý của cơ thể con người. Đương nhiên, nói mang ra chợ giết, giết ở đây không phải chặt đầu, khiến đầu lìa khỏi xác, tôi thường nghĩ, hình thức tử hình của hậu thế đa phần đều là chém đầu thậm chí còn treo cái đầu đó lên một cây sào, thị chúng ba ngày cũng chưa chắc không phải không có ý ngăn người bị chặt đầu sống lại.
[2] Lỗ Tuyên Công: tức Cơ Nỗi (608-591 TCN), tại vị mười tám năm. Nước Lỗ là tên gọi một quốc gia thời cổ đại tại Trung Quốc trong thời ký Xuân Thu - Chiến Quốc.
Còn Triệu Xuân trong Hán thư. Ngũ hành chí lại là một trường hợp “hoàn hồn” điển hình. Nguyên văn như sau:
Tháng Hai năm Nguyên Thủy Bình Đế[3] thứ nhất, người con gái tên Triệu Xuân ở phương Bắc bệnh chết, đã cho vào quan tài được sáu ngày, sau khi ra khỏi quan tài, nói rằng đã gặp cha chồng đã chết, cha chồng nói rằng: “Năm hai mươi bảy không hợp tuổi để chết.”
[3] Nguyên Thủy Bình Đế: tức Hán Bình Đế, tên thật Lưu Khản hay Lưu Diễn, là vị hoàng đế thứ mười bốn của nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi từ năm 1 TCN cho đến khi bị ngoại thích Vương Mãng sát hại năm 5 CN. Trong thời ở ngôi, Hán Bình Đế sử dụng hai niên hiệu là Nguyên Thọ (năm 1 TCN), đây vốn là niên hiệu của Hán Ai Đế, đến đây, Hán Bình Đế tiếp tục sử dụng từ tháng Chín đến tháng Mười hai năm 1 TCN và Nguyên Thủy (1-5).
Triệu Xuân đã được cho vào quan tài sáu ngày rồi lại sống lại, mặc dù hiếm gặp nhưng cũng không phải không thể xảy ra. Nếu chỉ nhìn tình tiết đó thì thấy không khác nhiều so với chuyện gián điệp ở nước Tần, nhưng cô ta tự nói rằng sau khi chết đã gặp người cha chồng quá cố, tình tiết này liên quan tới âm gian rồi, hồn của cô ta đã xuống âm gian, sự sống lại của cô ta rõ ràng là sự trở về của linh hồn. Chỉ là có một điểm phải lưu ý, cha chồng của cô ta biết rằng cô ta chưa thể chết ở tuổi hai mươi bảy, nên bảo cô ta quay về, chi tiết này không rõ ràng lắm, không giống với những tác dụng của âm phủ được giảng giải kỹ càng trong các câu chuyện hoàn hồn đời sau, có lẽ khi ấy vẫn chưa có khái niệm về sổ sinh tử.
Chân tướng của chuyện này không phải điều đáng quan tâm nhất, mà điều đáng quan tâm là chuyện này đã phản ánh được ý thức về âm gian của con người thời đó (những năm cuối Tây Hán). Không hề nghi ngờ rằng, khái niệm sống lại xuất phát từ bản thân người Trung Quốc, câu chuyện của Viên Mai thực ra cũng xảy ra khá muộn, thuật phù thủy nguyên thủy của Trung Quốc đã có tình tiết chiêu hồn rồi, đương nhiên khi ấy không có quan niệm “âm phủ” dưới đất, linh hồn chỉ là phiêu du lang bạt trên không trung mà thôi. Cho dù sau khi Phật giáo được lưu truyền vào phía đông Trung Quốc, do sự tuyên truyền của nó bị hạn chế rất lớn, trước thời Tam Quốc, sức ảnh hưởng của nó trong dân gian không nhiều, vì vậy, đa phần những câu chuyện hoàn hồn sống lại ở thời Đông Hán và Ngụy - Tấn đều mang tính chất đặc thù của Trung Quốc, không liên quan gì tới Phật giáo.
Đương nhiên, sự “hoàn hồn” của Triệu Xuân cũng có thể được lý giải là “cái chết giả” trong y học. Chuyện này và chuyện về gián điệp nước Tần trong Tả truyện trước đó cùng với Tấn thư. Lưu Diệu tái ký[4] sau này kể về Trương Lô chết được hai mươi bảy ngày, do có kẻ trộm đào trộm mộ mà được sống lại, đều không trừ một phần sự thật nhất định. Chúng ta có thể lấy ghi chép Chết đi sống lại trong Tục Hán thư. Ngũ hành chí ngũ:
[4] ‘Tấn Thư’: một trong hai mươi tư cuốn sách lịch sử Trung Quốc (Nhị thập tứ sử), do Phòng Huyền Linh và Lý Diên Thọ phụng mệnh vua Đường Thái Tông biên soạn vào năm 648. Sách kể về các sự kiện bắt đầu từ Tư Mã Ý thời Tam Quốc đến khi Lưu Dụ phế Tấn Cung Đế lập nhà Lưu Tống năm 420, đồng thời sách còn bổ sung hình thức “ký tái” (ghi chép), dùng để tường thuật tình hình chính quyền của mười sáu nước. ‘Lưu Diệu tái ký’: nằm trong quyển ba của phần ‘Tái ký’.
Năm Hiến Đế[5] Sơ Bình[6], có một người họ Hoàn ở Trường Sa chết, cho vào quan tài được gần một tháng, bỗng mẹ anh ta nghe thấy trong quan tài có tiếng động, phát hiện ra anh ta vẫn còn sống. (Xem trong quyển sáu cuốn Sưu thần ký do Can Bảo viết.)
[5] Hiến Đế là Hán Hiến Đế (181 - 21/4/234, tại vị 189 - 25/11/220): tên thật là Lưu Hiệp, tự Bá Hòa, vị hoàng đế thứ mười bốn của nhà Đông Hán và cuối cùng của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
[6] Sơ Bình: một trong những niên hiệu mà Hán Đế dùng trong ba mươi hai năm làm vua. Niên hiệu Sơ Bình từ năm 190-193.
Tháng Hai năm Kiến An thứ tư (199), Khắc huyện phụ Quận Vũ Lăng tên là Lý Nga, năm nay hơn sáu mươi tuổi, bị bệnh chết được mười bốn ngày, được chôn cách thành vài dặm, có người qua đường nghe thấy trong mộ có tiếng nói về mách lại với người nhà. Người nhà đi đến mộ xem xét, quả nhiên nghe thấy tiếng phát ra từ bên trong, đào lên cứu sống Lý Nga.
Những chuyện kể trên có lẽ đều là một dạng sống lại của trạng thái chết giả, cho dù thời gian đều là hơn tháng, gần tháng nghe có phần hơi khoa trương, nhưng miễn cưỡng thì cũng có thể là cho qua được.
Cho dù là mất đi khả năng chân thực, ví dụ như não đã chuyển nhà đi nơi khác mà vẫn tiếp nhận được sự sống, có thể ăn cơm, sinh con đẻ cái, nhưng chỉ cần không giống như Triệu Xuân đã liên quan tới tử hồn ở âm giới thì không phải là chuyện ma, cũng không thể quy vào văn hóa âm phủ, chỉ có thể coi nó là tin tức xã hội có tính hư cấu. Những lời đồn đại này không liên quan gì tới việc linh hồn đi về giữa hai thế giới âm và dương, đương nhiên không thể coi là “hoàn hồn” trong câu chuyện về âm phủ. Còn về việc sau này mọi người cảm thấy thời gian giả chết ngắn quá không gây được chú ý với người nghe, lập tức thoát ly khỏi kiến thức thông thường như cuộc thi phóng vệ tinh ở thời kỳ đại nhảy vọt, bắt đầu hư cấu nhiều hơn, để người sống lại nằm trong mộ tới vài tháng, vài năm, mười mấy năm, thậm chí hàng trăm năm vẫn có thể bước từ mộ ra, như thế thì có lẽ quá xa chủ đề rồi. Chúng ta hãy đọc hai truyện được ghi lại trong quyển bảy của Bác vật chí[7] do Trương Hoa đời Tây Tấn viết:
[7] ‘Bác vật chí’: nghĩa là loài vật có chí lớn.
Cuối đời nhà Hán, quan trung đại loạn, phát hiện ra mộ của một cung nhân đời Tiền Hán, người cung nhân này vẫn còn sống, lập tức ra ngoài, lại như bình thường. Ngụy Quách Hậu yêu mến, cho nạp vào cung, ở bên hầu hạ sớm tối. Hỏi về những chuyện xảy ra trong cung thời Hán, người đó đều kể vanh vách, rất có trật tự. Sau Quách Hậu biết, khóc lóc rất thảm, rồi chết.
Cuối đời nhà Hán phát hiện ra mộ của Phạm Minh Hữu, người vẫn còn sống (Phạm Minh Hữu là con rể của Hoắc Quang[8]), nói về chuyện nhà Quang, chuyện truất ngôi, giống hệt như những gì được ghi lại trong “Hán thư”. Tên này thường đi khắp nhân gian, không dừng lại ở đâu, không biết sống ở đâu. Hỏi thăm về người này, đáng tin nhưng chưa ai gặp bao giờ.
[8] Hoắc Quang: tự Tử Mạnh, một nhà chính trị thời Tây Hán, làm quan dưới triều Hán Vũ Đế và là phụ chính đại thần thời Hán Chiêu Đế, Xương Ấp Vương và Hán Tuyên Đế.
Hai câu chuyện trên đều là những người chết bị chôn dưới mộ hàng trăm năm mà vẫn “còn sống”, nhưng chúng cũng chỉ giống như tường thuật lại “sự việc” trong các mẩu tin tức xã hội, chứ không nói gì đến âm phủ, quỷ thần. Từ điểm này có thể thấy, chúng thậm chí còn đơn giản hơn cả chuyện về Triệu Xuân được viết trong Hán thư. Ngũ hành chí từ mấy trăm năm trước, không có một chút thông tin nào về thế giới âm phủ. Quách Hoàng hậu chỉ biết hỏi người sống lại kia chuyện trong cung thời nhà Hán hoặc chuyện nhà Hoắc Quang, chứ hoàn toàn không hỏi tới chuyện xảy ra ở âm phủ, dường như hoàn toàn ngược lại với chuyện Hán Văn Đế nói: “Không hỏi chúng sinh, hỏi quỷ thần.” Mặc dù tác giả của câu chuyện cố ý đề cập tới điểm này chỉ vì muốn chứng minh người sống lại là người chết từ mấy trăm năm trước, còn mọi người cũng chỉ coi nó như một hiện tượng tự nhiên, rất hiếm gặp mà thôi.
Nhưng cũng chưa chắc đã là như thế. Những chuyện kỳ lạ này mặc dù không đề cập tới vấn đề “quỷ”, song một khi đã khiến đám Nho sinh ưa bàn chuyện lớn lao về ngũ hành chú ý, thì họ sẽ nghĩ cách để liên hệ những câu chuyện trên với tình tiết “ý trời”, tức là những chuyện này cũng giống như hiện tượng nhật thực, sao chổi, động đất… vậy, đều mang ý dự báo một “tai dịch”[9] nào đó trong biến cố chính trị, trở thành lời “thị cáo” của ông trời đối với chúng sinh. Ví dụ như chuyện Triệu Xuân sống lại, những thứ mà họ quan tâm hoàn toàn không phải việc Triệu Xuân đã ở địa ngục và có giao tiếp với linh hồn người chết, mà là bản thân việc sống lại này đã là một chuyện kỳ quái, muốn qua đó “đưa ra dự báo trước việc con người sẽ phạm phải”, ý của họ là chuyện này báo trước việc Đại tư mã Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Gia tộc ngoại thích Vương thị đã bị lật đổ thời Hán Ái Đế, không còn hy vọng lấy lại giang sơn nữa, nhưng đang trị vì thì Hán Ái Đế bệnh chết, Vương Mãng lập nên kỳ tích chỉ trong vòng một đêm mà khôi phục lại địa vị, chuyện này dường như có liên quan đến việc Triệu Thị chết rồi sống lại.
[9] Tai dị: có nghĩa là tai ương và biến cố.
Những Nho sinh này hoàn toàn không dựa vào điềm báo gì, chỉ là liên hệ, kết nối những chuyện xảy ra trong thời gian gần nhất với những “tai dị” lại với nhau, chứ không luận để so sánh, trên lập trường thuận nghịch cũng chẳng có gì chuẩn xác. Ví dụ, cuối thời Tam Quốc, Ngô Tôn Hưu[10] vào năm Vĩnh An thứ tư, An Ngô Minh Trần chết được bảy ngày lại sống lại, đội mồ mà lên, Can Bảo nói đây là ám thị việc Ô trình Hầu Tôn Hạo[11] “được lên ngôi”, còn vào năm Hàm Ninh thứ hai Tấn Vũ Đế[12], Lang Gia Nhân bệnh chết lại nói là giai đoạn Ngũ Hồ loạn Hoa[13] là lúc Lưu Uyên, Thạch Lặc phản lại nhà Tấn.
[10] Ngô Tôn Hưu: Tôn Hưu (235 - 3/9/264), tự là Tử Liệt, sau này trở thành Ngô Cảnh hoàng đế, vị quân vương thứ ba của nhà Đông Ngô trong thời kỳ Tam Quốc. Năm Vĩnh An (258-264) là niên hiệu khi Ngô Tôn Hưu trị vì.
[11] Hầu Tôn Hạo (242-284), hay Đông Ngô Mạt đế là vua thứ tư và là cuối cùng của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông có tự là Nguyên Tông, tên gốc là Tôn Bành Tổ. Tôn Hạo là cháu của Tôn Hưu. Khi Tôn Hưu lên ngôi thì Hạo được phong làm Ô trình hầu. Về sau, Tôn Hưu mất, các quan Đông Ngô cho Hạo là người sáng suốt nên đã lập lên làm vua.
[12] Tấn Vũ Đế: tên thật là Tư Mã Viêm, tên tự là An Thế (236-17 tháng 5 năm 290), là hoàng đế đầu tiên của nhà Tây Tấn (265-316) trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người có công thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời chia cắt Tam Quốc. Hàm Ninh là một trong những niên hiệu của Tấn Vũ Đế, từ năm 7-280.
[13] Giai đoạn Ngũ Hồ loạn Hoa: (năm dân tộc Hồ làm loạn Trung Hoa) Ngũ Hồ tính năm tộc: Hung Nô (Lưu Uyên - Hán Triệu), Yết (Thạch Lặc - Hậu Triệu), Tiên Ti (Mộ Dung - các nước Yên, trừ Bắc Yên), Đê (Phù Kiên - Tiền Tần, Lý Đặc - Thành Hán), Khương (Diêu Trường - nước Hậu Tần). Một thuật ngữ ít được sử dụng hơn là giai đoạn thập lục quốc để miêu tả thời kỳ hỗn loạn này từ năm 304 đến 439.
Những chuyện này dường như không liên quan gì tới những câu chuyện về địa phủ mà chúng ta muốn bàn tới, vì vậy nói tới những chuyện đó, chỉ vì muốn chỉ ra rằng, trong mắt Nho sinh của Trung Quốc, những câu chuyện về hiện tượng sống lại này nếu có thể kích thích chút gì đó tưởng tượng của họ, thì cũng không phát triển theo hướng nghĩ về thế giới dưới âm phủ, mà điều họ quan tâm hơn cả là ý trời và những liên tưởng về con người, sự vật.
Trong quyển năm của Ngũ tạp trở do Tạ Triệu Chiết người đời Minh đã từng nói rằng, cuối thời nhà Hán và thời Ngụy Tấn có rất nhiều những câu chuyện về việc đội mồ sống lại, và được ghi chép trong chính sử Ngũ hành chí, điều đáng ngạc nhiên nhất là, thời Ngụy Minh Đế, khi khai quật mộ lên, cô gái chôn trong đó còn sống, tính toán thì đã chôn được khoảng năm, sáu trăm năm rồi. Nhưng ông lại nói: Kỳ lạ là, vào cuối thời Đường “Ôn Thao, Hoàng Sào đào xới phần mộ khắp thiên hạ, mà chưa từng nghe nói chuyện lạ nào xảy ra.”
Những câu chuyện về việc đội mồ sống lại đa phần xảy ra vào cuối đời Hán, đầu đời Ngụy - Tấn, hiện tượng này đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

2
Từ thời Hán - Ngụy tới nay, văn hóa u minh của Trung Quốc đang xảy ra những biến đổi lớn trong dân gian. Nói chuyện người chết sống lại mà không thăm dò tình hình của người đó khi còn ở âm giới là không hợp với lẽ thường. Vấn đề này được đề cập hơi muộn bởi Can Bảo, trong quyển mười lăm của Sưu thần ký, Can Bảo đã tường thuật lại một câu chuyện được lưu truyền từ trước đó khá lâu, như sau: Thời Tào - Ngụy, có người đi đào mộ phá áo quan, phát hiện ra người phụ nữ trong quan tài diện mạo tươi tỉnh như người sống, bèn dựng dậy hỏi chuyện, đúng là một người sống thật, liền đưa chị ta vào kinh sư. Nhưng hỏi chị ta chuyện sau khi chết, chị ta không hề biết gì. Chỉ nhìn tấm bia gỗ trên mộ, chị ta có lẽ chết được hơn ba mươi năm rồi. Sau đó Can Bảo có đặt câu hỏi thế này:
“Không biết người phụ nữ này có phải đã sống ba mươi năm trong lòng đất hay không? Hay là vừa sống lại đúng lúc có người tới đào mộ?”
Câu hỏi này có lẽ sẽ khiến những người ở thời hiện đại cảm thấy rất mông lung, nhưng thực ra hoàn toàn không đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy. Đối với câu hỏi này, Can Bảo cũng đưa ra câu trả lời, câu trả lời mời xem trong Tấn thư. Can Bảo truyện, chính là câu chuyện về người thiếp của cha Can Bảo mà tôi đã từng nói tới.
Cha Can Bảo sinh thời có một người thiếp yêu, mẹ ông đem lòng ghen tuông, khi cha Can Bảo mất, bèn chôn sống người thiếp đó vào trong mộ với ông. Anh em Can Bảo khi ấy tuổi còn nhỏ, không thể khuyên can. Hơn mười năm sau, mẹ Can Bảo mất, đào mộ lên, thấy người thiếp kia đẩy nắp quan tài mà dậy, vẫn còn sống. Nói rằng vẫn thường ăn uống qua lại với cha Can Bảo, tình cảm nồng thắm như khi còn sống. Sau đó xuất giá lấy chồng, sinh con.
Người tiện thiếp bị chôn sống cùng cha Can Bảo, lại có thể ở trong trạng thái giữa sự sống và cái chết, bà ta là người sống, nhưng hơn mười năm trời lại “sống” dưới mộ, bà ta vẫn có thể sống cùng với vong linh của cha Can Bảo. Tất cả mọi thứ diễn ra dưới âm phủ trong mắt bà ta không khác gì trên trần gian, và không cảm thấy có gì là không thích ứng được. Chỉ hồn ma mới có thể trải nghiệm được điều đó. Thứ mà bà ta ăn là thực phẩm của con người, vì vậy mới có thể duy trì sự sống, nhưng lại có thể tiếp xúc được với linh khí của hồn ma, vì vậy mới có thể biết trước được hung cát giống như ma.
Mặc dù đường đường là quyển chính sử, nhưng những câu chuyện kỳ dị mà Tấn thư ghi chép lại vẫn có thể không đáng tin. Có điều bây giờ chúng ta không đi truy cứu xem có đúng là chuyện ấy xảy ra với nhà Can Bảo hay không, mà là xem con người thời ấy đã bày tỏ quan niệm của mình về thế giới u minh như thế nào trước thân nhân hư cấu của Can Bảo. Trong chương mười lăm của Sưu thần ký còn có một câu chuyện tương tự nữa: “Đời nhà Tấn có một tiện tì bị chôn nhầm không ra được. Hơn mười năm sau, đào mộ mở quan, người tiện tì đó vẫn sống. Nói rằng: “Như vừa nhắm mắt, cảm giác nghiêng dần.” Hỏi ra mới biết, cảm giác của người đó chỉ như vừa mới ngủ một giấc dậy mà thôi. Khi bị chôn, mới mười lăm, mười sáu tuổi. Sau đào mộ lên, tư chất vẫn như cũ. Sống lại năm mười lăm, mười sáu tuổi, lấy chồng, sinh con.” Tôi cảm thấy mấy câu chuyện này đều xuất phát từ một vấn đề chính. Nhưng hậu thế vẫn có những câu chuyện tương tự, ví dụ như trong quyển 375 của Thái bình quảng ký dẫn lời Thôi Hàm sau khi chết sống lại trong Tháp tự ký, Vân Thôi Hàm nói rằng: “Ở dưới đất hai mươi năm. Như người ngủ say, không cần ăn uống. Thỉnh thoảng du hành, hoặc gặp đồ ăn, giống như trong mơ, vẫn phân biệt được.” Còn dẫn lời của Lý Trung trong Kinh thính lục làm nô tì dưới đất ba năm, sau khi sống lại nói rằng “giống như vừa ngủ một giấc.”
Đây là quan niệm về u minh hoàn toàn không có chút liên quan gì tới Phật giáo, nó là sản vật đậm chất quê hương của Trung Quốc. Quan niệm về hai thế giới âm dương của lớp người này có thể kéo dài tới tận hậu thế, trở thành tư tưởng cơ sở cho rất nhiều những câu chuyện ma, đặc biệt là những câu chuyện về tình yêu giữa người sống và ma quỷ của Trung Quốc, cho tới cả những tiểu thuyết kỳ quái đời Minh - Thanh, ví dụ như Liêu trai, có thể còn tìm thấy rất nhiều ví dụ chứng minh nữa, có điều một người sống với nhục thể đầy đủ thì thời gian ở dưới âm giới không dài mà thôi. Ví dụ một đoạn khá quen thuộc với độc giả trong Ngũ Thu Nguyệt dưới đây: “Vương Đỉnh và người tình Ngũ Thu Nguyệt tản bộ trong viện đình vào một đêm trăng sáng, Vương Đỉnh hỏi Thu Nguyệt: “Dưới âm phủ có thành quách không?” Thu Nguyệt đáp: “Giống hệt dương thế, có thành quách. Nhưng thành quách dưới âm phủ không phải ở đây, mà cách đây khoảng ba, bốn dặm nữa, có điều lấy đêm làm ngày.” Vương Đỉnh muốn tới đó xem, Thu Nguyệt đồng ý, thế là:
Nhân lúc đêm trăng họ cùng đi, nàng lướt như gió, chàng vội vàng đuổi theo, chẳng mấy chốc đến một nơi, nàng nói: “Không còn xa nữa.” Vương cố nhướn mắt nhưng không thấy gì, cô gái lấy nước bọt bôi lên mắt chàng, mở ra lại nhìn thấy như bình thường, nhìn ban đêm rõ không khác gì ban ngày, chợt thấy một bức tường ẩn hiện trong đám sương mù xa xa, người đi trên đường tấp nập như đi chợ.”
Rất rõ ràng, Vương Đỉnh đi xuống âm giới với thân phận của một người còn sống, anh ta không thể bay lượn nhẹ nhàng như linh hồn, mà mắt của người sống cũng không thể nhìn thấy những thứ dưới âm giới. Khi anh ta mang theo vong hồn của người anh trai Vương Nại đưa về dương thế, hồn của Vương Nại lập tức tương hợp với thi thể mình, còn Vương Đỉnh lại không có trình tự ấy.

 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui