Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 2)

Chương 19
Mượn Thi Thể

1
Mượn thi hoàn hồn hoặc còn gọi là Dịch hình tái sinh, cũng chính là muốn nói thể xác của mình bị thối rữa hoàn toàn rồi, không thể hoặc không muốn sửa chữa, vậy thì đành để linh hồn mượn thi thể của người khác mà sống lại.
Về mặt đạo lý thì “mượn xác hoàn hồn” với “linh hồn phụ thể[1]” thời cổ xưa là giống nhau. Cổ nhân thích ví thể xác của con người như một căn phòng, vậy thì bình thường linh hồn phụ thể, giống như khái niệm “hạ thần” của các thầy phù thủy và khái niệm “va chạm” mà dân gian thường nói. Căn phòng đó chỉ có thể mượn dùng tạm thời, chủ nhân cũ của nó vẫn còn, hoặc tạm thời đi xa, hoặc cùng chen chúc trong đó, thủ tục mượn thi thể không thể làm được, bởi vì đến một lúc nào đó vẫn phải trả lại cho người ta. Nhưng mượn xác hoàn hồn đa phần không giống ở chỗ chủ nhân sở hữu căn phòng đã bị đá ra ngoài, chỉ cần chuyển vào ở là có thể ở lâu dài, cho tới khi tới số phải chết.
[1] Linh hồn phụ thể: linh hồn bám vào cơ thể.
Mọi người đều biết, những căn phòng như thế mỗi ngày, mỗi giờ đều phải trống mất một khoảng thời gian, nếu như để đám du quỷ tự ý ra ra vào vào, đổi đi đổi lại, thì thiên hạ đại loạn. Vì vậy thường thì những trường hợp mượn xác hoàn hồn đều do quan phủ sắp xếp, không thể làm việc theo chủ nghĩa vô chính phủ. Trình tự bình thường của nó thường là Diêm Vương phát hiện người nào đó mặc dù đã chết, nhưng vẫn chưa tận số, có điều thể xác đã hỏng, liền tìm một người vừa mới chết “lấy đó làm nhà cho người kia”, thế là hồn của Trương Tam liền chiếm lĩnh thể xác của Lý Tứ một cách hợp pháp, nhưng đây mới là bắt đầu của sự việc, bởi vì đồng thời Trương Tam còn phải chiếm hữu mọi thứ mà Lý Tứ có khi sinh thời một cách hợp lý. Những ví dụ kiểu này rất nhiều, mà được nhiều người biết đến, nhất là chuyện Lưu Toàn nhập vào quả dưa trong Tây du ký. Lưu Toàn và vợ là Lý Thúy Liên cãi nhau mấy câu, Lý Thúy Liên trong lúc tức giận nhất thời, tìm dây thừng treo cổ tự vẫn. Đến khi Diêm Vương tra ra vợ chồng Lưu Toàn đều sống thọ đăng sơn thì thi thể của Lý Thúy Liên đã hỏng không còn ra hình ra dạng nữa. Đúng lúc ấy, ngự muội của Đường Thái Tông là Lý Ngọc Anh phải chết vào ngày đó, Diêm Vương bèn ra lệnh cho quỷ sai mượn thi thể của Lý Ngọc Anh, để cho Thúy Liên hoàn hồn. Quỷ sai đó tuân mệnh, lập tức mang linh hồn của Thúy Liên vào trong hoàng cung nội viện. Chỉ thấy Ngọc Anh công chúa đang tản bộ ngắm trăng ngắm hoa, bị quỷ sai nhảy bổ vào lòng, đẩy ngã xuống đất, bắt sống linh hồn, đồng thời đưa linh hồn của Thúy Liên nhét vào trong cơ thể của Ngọc Anh. Vợ của một thường dân trong chớp mắt trở thành công chúa ngự muội. Từ đó có thể thấy, nếu như dưới âm phủ không có vị quan nào quản thúc những linh hồn đã rời khỏi thể xác, thì bọn họ nhất định sẽ chen chúc nhau đứng trước cửa lớn nơi hoàng cung, phủ quan, đợi vị quý nhân nào để “phòng” trống.
Nhưng không phải tất cả những trường hợp mượn xác hoàn hồn đều là quan phủ sắp xếp, có những du hồn hoặc là thấy kim thì luồn chỉ, hoặc là vì cơ hội trước mắt, liền lập tức bám vào thi thể thích hợp vừa bị trống nào đó. Nhân vật nổi tiếng nhất trong trường hợp mượn xác hoàn hồn là Lý Thiết Quả trong bát tiên, là trường hợp không phải do quan phủ bố trí.
Tiên nhân Lý mỗ (ở đây gọi là Lý mỗ, không phải là vì mất tên tuổi, mà là trong những phiên bản khác nhau thì tên của người đó cũng khác nhau, Lý Huyền, Lý Nhạc, Lý Nhạc Thọ, Lý Khổng Mục, Lý Bát Bách, Lý Ngưng Dương v.v… không thống nhất, nên đành tinh lược bớt đi) phải đi dự yến tiệc chỗ Thái thượng lão quân. Nhưng tiên nhân đi xa, không giống với người phàm, chỉ cần nằm xuống nhắm mắt lại, lập tức nguyên thần xuất ra khỏi thể xác, thế là đi thôi. Vì vậy nếu người ở dưới nghe được vị đại tiên nào đó nói rằng ngài chỉ cần trong nháy mắt là có thể chu du năm châu bốn bể, thì cũng đừng nghĩ ngài khoác lác, thực ra chỉ cần nhắm mắt lại, là có thể đi hết mọi nơi rồi. Lại nói Lý đại tiên trước khi “xuất thần”, dặn dò đồng tử coi sóc xác mình cho tốt, đừng để con gì tham ăn ăn mất, nói là bảy ngày sau sẽ về, nếu không về, thì mang thể xác đi hỏa thiêu. Không ngờ mẹ của tên đồng tử đó lâm trọng bệnh, có người mang thư tới đòi hắn ta phải về nhà gấp. Lúc này đã là ngày thứ sáu, đồng tử tự ý quyết định, liền mang thể xác của Lý đại tiên ra đốt. Khi linh hồn của Lý đại tiên đúng ngày đã hẹn trở về, lại không tìm được nhà, trong lúc nguy cấp, cũng không cần biết tốt xấu gì nữa, liền tìm ngay xác một người chết đói bền lề đường gửi hồn vào, sống trong bộ dạng vừa thọt vừa xấu đó. Hình tượng này rõ ràng là không được tương xứng lắm so với một tiên phong đạo cốt, nhưng tên thọt chống gậy lại trở thành hình tượng của ông ta, thôi cũng coi như là “trong họa có phúc”, vì vậy ông ta cũng không kỳ thị “căn nhà” mới nữa. Câu chuyện này không chỉ thấy trong Liệt tiên toàn truyện của người đời Minh, mà trong tạp kịch ở đời Nguyên và tiểu thuyết thời Minh cũng có những phiên bản khác nhau được lưu truyền. Không chỉ thế, trong tạp kịch thời Nguyên ngoài Lã Động Tân độ Thiết Quả Lý Nhạc ra, trong Hoắc Toàn Phong mượn xác hoàn hồn, Sái Chân Nhân dạ đoạn bích đào hoa đều có những tình tiết tương tự, từ đó có thể thấy, mượn xác hoàn hồn thật sự rất đi vào lòng người.
Ngoài trường hợp này ra, nếu vẫn còn trường hợp thứ ba, thì chính là quan phủ và người cùng nhau hợp tác để giải quyết. Nhưng kiểu mượn xác hoàn hồn này rất ít gặp, tôi chỉ đọc được một lần trong cuốn sách cũ, hơn nữa lại hoàn toàn không đáng tin. Trương Đậu người đời Đường có viết truyện Trúc Quý Trinh trong Tuyên thất chí, nói đến việc âm phủ có một quy định, có cách ba mươi năm lại có một người được tái sinh, cho phép linh hồn trong âm phủ được đưa ra lời thỉnh cầu. Nội dung thỉnh cầu chính là kể lại tội phúc mình có ở kiếp trước, chứng minh bản thân đã từng là một đại lương dân, sau khi sống lại sẽ không gây phiền phức cho hai thế giới âm dương nữa. Nếu như được thông qua, sẽ được trùng sinh. Việc này nhìn thì đơn giản, thực ra còn khó hơn cả trăm nghìn lần so với việc thi trạng nguyên trên nhân gian. Một là về mặt thời gian đã ba mươi năm chứ không phải ba năm, hai là số ma quỷ dưới âm phủ phải nhiều gấp mười lần số người trên nhân gian, vậy là Trúc Quý Trinh lại là người may mắn đó. Nhưng ông ta đã chết mười năm rồi, thi thể đã hỏng, minh quan hỏi ông ta làm thế nào. Trúc Quý Trinh nói: “Trong chỗ tôi có một người tên là Triệu Tử Hòa, vừa chết được mấy ngày, xin lão gia hãy cho tôi được mượn xác của anh ta để hồi sinh.” Minh quan cũng chẳng hỏi Triệu Tử Hòa và vợ anh ta có đồng ý hay không, cũng không đi tìm hiểu xem Trúc Quý Trinh có lòng ham tài ham sắc hay không, tùy tiện gật đầu một cái, Trúc Quý Trinh liền trở thành chủ nhân của Triệu gia một cách hợp pháp, vợ con, nhà đất của Triệu Tử Hòa trở thành của ông ta cả.
Kiểu tự ý chọn lựa và minh quan liền phê chuẩn này dễ khiến người khác hiềm khích, để ổn thỏa hơn, thì sự tùy cơ sắp xếp của minh quan có lẽ hợp lý hơn nhiều. Đương nhiên, chính sách ba mươi năm lại chọn một ngu dân cho trùng sinh này mặc dù nhằm cổ vũ bách tính của hai thế giới luôn hướng thiện, nhưng số lượng ma quỷ đệ đơn nhiều lại trăm phương nghìn kế, chen chúc nhau ở trong cửa thập điện, chỉ riêng việc duy trì trật tự thôi cũng phải dùng cả nghìn cảnh lực, lại thêm những công văn, đơn báo tích lại thành núi, Diêm Vương phán quan bắt người thẩm vấn làm những việc chính còn bận không kể xiết, giờ lại phải hy sinh giấc ngủ và niềm vui, đọc đơn xin tái sinh và phê chuẩn, kiểm tra bên trong, điều tra bên ngoài, thảo luận phỏng vấn, sao có thể không loạn như khi Tôn Hành Giả lên trời đại náo chứ? Vì vậy, chính sách mới này cũng chỉ thực hiện được một hai lần, sau này không ai nhắc đến nữa.

2
Cho dù ngoài miệng thì mọi người nói linh hồn quan trọng hơn thể xác, nhưng con người một khi liên quan tới vấn đề quyền lợi, lại căn cứ vào thể xác để phân bổ. Thể xác của Trương Tam có quyền sở hữu tiền bạc, quyền thế, danh tiếng, bố mẹ, vợ con của Trương Tam v.v…, tất cả mọi thứ, điều này dường như không cần phải nghi ngờ trong một thế giới bình thường. Nhưng giờ lại xảy ra trường hợp mượn xác hoàn hồn, linh hồn và thể xác lại tổ hợp với nhau, sẽ xảy ra chuyện khó giải quyết. Ví dụ, Trương Tam chết rồi, Lý Tứ chạy lại nói, linh hồn của Trương Tam đang ở trong thể xác của tôi, thế là đòi vào trong nhà Trương Tam, vào phòng Trương Tam, còn đòi ngủ trên giường của Trương Tam nữa, e là nếu làm vậy sẽ bị người nhà Trương Tam đánh đuổi ra mất. Linh hồn của Trương Tam dù cảm thấy ấm ức, sợ là chẳng có cách nào, đành quay về ngủ trên giường của Lý Tứ. đương nhiên, trong tiểu thuyết cũng có rất nhiều những câu chuyện, thường là Lý Tứ sau khi kể rõ đầu đuôi ngọn ngành, thì được gia đình Trương Tam tiếp nhận, và vợ của Trương Tam cũng vẫn ân ái mặn nồng như ngày nào, vẫn thản nhiên trước sau như một, nhưng những chuyện như thế này cuối cùng cũng khiến người ta cảm thấy kỳ quái, dễ khiến người ta nghi ngờ bị người thứ ba lợi dụng, không chỉ chen chân vào, mà còn thay thế luôn cả người chồng xui xẻo kia.
Mượn xác hoàn hồn mà gây ra đa số những chuyện lằng nhằng thì chỉ có loại này, không chỉ thấy trong tiểu thuyết, bút ký, thậm chí còn thấy cả trong chính sử. Ví dụ như Kim sử. Ngũ hành đức có một truyện:
Kim Thế Tông đại định chính nguyệt năm 13, thượng thư tỉnh tấu: “Uyển Bình Trương Hiếu Thiện có người con trai tên Hợp Đắc, bệnh chết vào tháng Ba năm Đại Định thứ mười hai, sau được sống lại, chạy đến nói là con trai Vương Kiến tên Hỷ Nhi, nhà ở Lương Hương, mà Hỷ Nhi đã chết từ ba năm trước, Kiến kiểm tra mọi chuyện xảy ra trong nhà, Hỷ Nhi đều có thể nói rõ tỏ tường. Thiện này đã mượn xác hoàn hồn, trở thành con của Vương Kiến.”
Hỷ Nhi người huyện Lương Hương, chết từ ba năm trước, nhưng lại mượn xác của Trương Hợp Đắc người huyện Uyển Bình để sống lại, hai huyện này cách nhau không xa, khoảng như trong và ngoại thành Bắc Kinh ngày nay. Sự việc kinh động đến chính quyền của tỉnh, là bởi vì chuyện này đã gặp nhiều trong những tiểu thuyết kỳ quái, đến khi thực sự xảy ra ngoài đời thế này, lại liên quan đến rất nhiều những vấn đề trong thực tế, quan trọng nhất chính là quyền thừa kế tài sản và địa vị. Thượng thư tỉnh thì cho rằng, nếu đã là mượn hồn thì nên trả Trương Hợp Đắc về cho Vương Kiến. Nhưng xem ra Kim Thế Tông có vẻ suy nghĩ cẩn thận, chu đáo hơn những vị đại thần kia, ông ta sợ rằng nếu để chuyện này lộ ra ngoài, thì không khéo trong nhân gian sẽ lại xuất hiện rất nhiều những sự việc mượn xác hoàn hồn khác nữa, người nào đó vừa ngủ một giấc, khi tỉnh lại lập tức trở thành con trai của vị đại tài vừa mới mất, điều đáng sợ hơn là, ngộ nhỡ có người nào đó nói cha, mẹ, hoàng tử, công chúa của hoàng đế mượn xác ông ta để hoàn hồn, thế thì chẳng phải sẽ còn đáng giá hơn cả sự mua bán của Lã Bất Vi hay sao! Vì vậy, đúng như những gì Kỷ Quân từng nói, trong dân gian khi lại phát hiện những sự việc như trên thì “quan phủ khi xử án này, căn cứ vào thể xác không căn cứ vào linh hồn”. (Quyển bốn Duyệt vi thảo đường bút ký) mà sau này mặc dù trong chính sử cũng có ghi chép lại việc mượn xác hoàn hồn, như Minh sử. Ngũ hành chí: “Tháng Tám năm Hồng Vũ hai mươi bốn, phụ ty long môn Hà Nam tên Mẫu Đơn mất đã ba năm, mượn xác của Viên Mã Đầu tái sinh”, nhưng họ chỉ bình luận đấy là việc yêu dị mà thôi.
Nhưng nếu nói cách khác, Trương Tam chết rồi, linh hồn của Lý Tứ chiếm thể xác của Trương Tam, vậy thì có thể đường đường chính chính và nhà của Trương Tam, vào phòng, lên giường, chỉ cần bản chủ không nói, thì không ai có thể nghi ngờ việc Trương Tam bị hồn người khác mượn mất xác, mà cho dù có nói, e là cũng chẳng có ai tin. Trong truyện Mượn xác hoàn hồn ở quyển sáu cuốn Dực quynh bại biên do Thang Dụng viết về một nho sinh già, tuổi đã ngoài bảy mươi, gia cảnh nghèo khó. Một tối khi đang nằm trên giường cùng vợ, mơ thấy mình ngã lăn xuống dưới, có lẽ là đã chết rồi. Nhưng không biết tại sao, linh hồn lại chạy sang thể xác của người khác. Khi ông ta tỉnh dậy, “da thịt nõn nà, quần áo tinh tươm, thơm tho sạch sẽ, không phải là loại vải thường. Trên giường có người nằm bên cạnh, đưa tay ra chạm vào người ấy, hoàn toàn không phải bà vợ già của mình, lật chăn ngồi dậy, người cùng giường cũng tỉnh, gọi người ở mang lửa đến, thì ra người cùng giường chỉ là một thiếu phụ trẻ hơn hai mươi tuổi.” Một ông lão nho sinh nghèo khó, bỗng chốc trở thành công tử nhà giàu, mặc dù bỏ lại người vợ già đáng thương, nhưng bản thân lại “có được rất nhiều điều tốt đẹp”. Còn chàng thiếu gia trước kia vốn mít đặc, nay tỉnh lại bỗng thơ văn đầy đầu, đối với nhà tài chủ này thì đây cũng là một may mắn lớn. Việc linh hồn của vị thiếu gia kia đang lưu lạc phương nào, tới nay không ai còn nghĩ đến nữa. Cái kết của câu chuyện cũng rất có hậu. Vị lão nho này “mỗi lần nhớ tới người vợ già ở kiếp trước, liền lén tới thăm nom”. Năm ấy ông ta đậu cử nhân, khi đến Bắc Kinh dự thi, lại đi đường vòng về thăm nơi ở cũ. “Thấy bà lão tóc bạc trắng, có hai đứa con nghèo khó, xác của mình còn chưa được chôn cất, cảm thấy buồn phiền mà bỏ đi.”
Những chuyện may mắn như thế không phải dễ gặp, nhưng có người gặp được lại chưa chắc cho nó là chuyện tốt. Trong Trường Thanh Tăng ở Liêu trai chí dị, một vị cao tăng đặc biệt thâm nghiêm, sau khi chết linh hồn đột nhiên nhập vào xác một quý công tử đã chết, khi tỉnh lại chỉ thấy “rất nhiều người da trắng tóc xanh, tập trung tra hỏi”, từ đó lão tăng không dám mở mắt, không cả dám thở, thê thiếp của vị quý công tử đó cũng đành phải làm quả phụ sống giữ tiết, như thế này thật không phù hợp với cả hai bên. Nhưng trong hàng vạn cao tăng giống như vị cao tăng này cũng tìm được một người, trong mắt chúng sinh người đó rõ ràng là một quái vật, không thể trở thành tấm gương để người khác học tập.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui