Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 2)

Chương 06
Các kiểu thoát khiếu [1]

[1] Khiếu ở đây là lỗ.
Trong các cuốn tiểu thuyết, bút ký, thường gọi việc linh hồn rời khỏi thể xác là “lý khiếu” (trong truyện Thang Công ở quyển ba của Liêu trai chí dị), linh hồn quay lại thể xác gọi là “nhập khiếu” (trong truyện Sinh hồn nhập thai, thai phụ sinh nở của Tục tử bất ngữ do Viên Mai viết). Càng kỳ lạ hơn, hồi còn nhỏ, khi nghe người già kể những câu chuyện kiểu này, họ liền gọi những linh hồn thoát khỏi thể xác trong giấc mơ là “khiếu”, cách nói nghe có vẻ hơi “trẻ con”. Khi về già nghĩ lại chuyện này, đột nhiên cảm thấy từ “khiếu” này có thể viết nhầm của từ “xác”, bởi vì từ “xác” và từ “khiếu” trong tiếng Trung là từ đồng âm khác nghĩa. Như trong truyện Bào hải la phu ở quyển bảy trong Động linh tục chí của Quách Tắc Vân viết cũng gọi là “xuất xác”. Nhưng cũng có một khả năng khác, tức là từ “khiếu” này muốn nói đến “khổng khiếu”[2] trên người. Bởi vì cũng có một cách nói, đó là linh hồn rời khỏi thể xác liền coi lỗ hổng đó là đường thoát. Là từ “xác” hay từ “khiếu”, cho dù có làm rõ thì về ý nghĩa cũng không khác nhau nhiều, đều là nơi trên cơ thể để linh hồn rời khỏi và quay lại thể xác, nhưng từ đó chúng ta liên tưởng tới một chuyện rất nhỏ khi linh hồn rời khỏi cơ thể: Linh hồn thoát khỏi thể xác như thế nào? Điều này lại khiến chúng ta không thể không nghĩ đến vấn đề về hình dạng của linh hồn là to hay nhỏ.
[2] Khổng khiếu: lỗ hổng.
Theo cách nhìn thông thường trong nhân gian, linh hồn của một người sẽ có hình dạng giống hệt như thể xác của người đó, về mặt trọng lượng có thể có khác biệt, nhưng dài ngắn, béo gầy thì giống hệt nhau. Trong câu chuyện về Liễu Thiếu Du đã nói ở trước, linh hồn và thể xác hoàn toàn giống nhau, khiến người bên cạnh còn không phân biệt được ai là chủ, ai là khách. Đây có lẽ là kiến thức thường thấy của chúng ta trong quan niệm về thế giới u minh, thử đọc một loạt những câu chuyện về linh hồn, những người tình trong giấc mơ, những sinh hồn do âm sai bắt đi, Diêm Vương tra khảo, và những linh hồn hiển linh trong nhân gian dường như đều giống hệt thể xác của người đó. Chỉ cần suy nghĩ một chút là có thể hiểu ngay, nếu linh hồn và thể xác khác nhau thì chẳng phải thế giới âm phủ sẽ đại loạn hay sao? Không chỉ đại loạn mà sẽ hoàn toàn sụp đổ!
Tôi có suy nghĩ thế này, nếu quỷ có thể gặp người mà người không thể gặp quỷ thì mối quan hệ giữa hai thế giới âm dương không được bình đẳng cho lắm, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều người cho rằng ma quỷ có khả năng siêu phàm, có thể biết những thứ mà con người không biết, làm những việc mà con người không thể làm. Người không thể nhìn thấy quỷ, nếu quỷ muốn người nhìn thấy, muốn người cảm nhận thấy thì phải trở thành “vật phụ thuộc”, quan niệm này mặc dù không phổ thông lắm, nhưng đúng là đã tồn tại trong một vài ghi chép của các học giả. Chẳng hạn như mảnh ván quan tài thì không thể thành tinh, cái phất trần hỏng thì không thể tác quái, lý do chúng bị con người cho rằng có thể trở thành tinh quái vẫn là vì có vật tinh quái đính kèm mà thôi. Tuy nhiên, nếu người nào đó có thể nhìn thấy quỷ, giả sử anh ta không phải là thuật sĩ có thể nhìn thấy quỷ, hoặc đứa trẻ có đôi mắt tinh tường thì nhiều khả năng anh ta có vấn đề về mặt tinh thần, nghiêm trọng hơn thì có lẽ thành phần quỷ trên người anh ta tương đối nhiều, cũng có thể anh ta sắp chết. Giống như một câu nói trong bộ phim Constantine[3] của Mỹ: “Khi bạn nhìn thấy họ thì họ cũng nhìn thấy bạn rồi.” Mặt khác, nhìn từ góc độ của ma quỷ thì họ vốn không nhìn thấy con người, thứ mà họ nhìn thấy chỉ là linh hồn của con người, phương thức mà họ và con người có thể giao lưu với nhau là thông qua giấc mơ, sự ảo giác nhất thời (tức là tạm thời ngao du giữa hai thế giới âm và dương). Những gì mà âm sai có thể nhìn thấy có lẽ cũng giống như thế, do đó, thứ mà chúng bắt đi cũng chỉ có thể là hồn mà không phải là “người”, khi chúng cầm dây quấn vào cổ “người”, thực ra là quấn vào cổ hồn của người đó. Những đối tượng ra đi một cách bất thường, khi tỉnh lại người đầm đìa mồ hôi, run rẩy đó không phải là người bệnh nằm trên giường mà là linh hồn của người đó. Ở đây tôi không muốn bàn luận quá nhiều về vấn đề này, chỉ muốn mượn nó để nói rõ một điều, thường thì, nếu linh hồn của người ta bị nhìn thấy, về lý giống hệt với thể xác của người đó, đến cả sự khác biệt nhỏ xíu giữa hai anh em sinh đôi có lẽ cũng không có.
[3] Người đến từ địa ngục.
Khi một linh hồn như thế phải rời khỏi thể xác, nếu phải thể hiện hình tượng thì tôi cảm thấy hình ảnh thần xác phân ly trong bộ phim Ghost[4] của Mỹ là hợp lý nhất: Khi người chết ngã xuống, một hình ảnh có hình dạng giống hệt người đó cùng lúc tách ra khỏi cái xác, từ từ đứng dậy, lơ lửng bay đi, hoặc lên thiên đàng, hoặc xuống địa ngục. Nhưng kiểu phân ly khỏi thể xác như thế rất ít được miêu tả trong những câu chuyện ma của chúng ta, mà là những người đồng ý với cách nhìn này cho rằng đó là chuyện hết sức bình thường, không có gì phải bàn cãi. Như truyện Sinh hồn vong tử trong Dực quynh bại biên mà chúng ta đã đề cập ở chương Mất hồn cũng là kiểu linh hồn cố gắng thoát khỏi thể xác. Còn có rất nhiều những câu chuyện về việc linh hồn nhập lại thể xác, hoặc linh hồn lao vào trong thể xác, hoặc linh hồn và thể xác gặp nhau rồi nhập lại thành một… Nếu có ai đó yêu cầu phải miêu tả giống như khi chơi búp bê Nga, từ từ nhấc con bên ngoài ra rồi lại nhấc tiếp con bên trong thì đúng là làm khó người kể chuyện rồi. Trong Phong thần diễn nghĩa[5], động một tí là lại nói: “Một linh hồn nữa đã chạy về đài phong thần rồi”, ba trăm sáu mươi lăm linh hồn chết đột tử là tách ra khỏi những cái đầu bị đánh vỡ toác hay thoát ra từ chỗ cơ thể bị đứt làm đôi, không có chỗ nào nói rõ. Xem ra Hứa Trọng Lâm cũng khó có thể nói rõ, nên đành ỡm ờ cho qua. Mà việc này vốn cũng không thể truy cứu tới từng chi tiết, nếu gặp phải những người thích tranh cãi, họ hỏi: Nếu như hình dạng của quỷ và thể xác giống hệt nhau, cho dù là người có bị chém thành hai đoạn đi nữa thì linh hồn của anh ta khi bay về đài phong thần cũng phải chia thành hai đoạn mà bay sao? Nhưng ở đây chúng ta không nói đến quỷ, vì vậy cũng không cần tranh cãi.
[4] Hồn ma.
[5] ‘Phong thần diễn nghĩa’ của Hứa Trọng Lâm
Nhưng cổ nhân có một vị tiên sinh khi gặp phải cảnh bế tắc, cảm giác như linh hồn thoát xác, phải giống như con tằm thoát khỏi kén, ve sầu thoát xác vậy, cần có một cái lỗ mới chui ra được. Đương nhiên, theo như điển tích mà Nho học đã nói, linh hồn chỉ là khói, là khí, có thể dễ dàng tưởng tượng, chỉ cần thoát ra khỏi cơ thể người như toát mồ hôi vào mùa hè, khí lạnh vào mùa đông, sau đó “phát dương ư thượng, vi chiêu minh, hôn hao, thê sảng”[6], giống như mây khói bay lên, tản ra, có là “làn khói hương hồn” của Tiêu Tương tiên tử cùng đám hồn ma cũng không thể làm gì được nó. Nhưng trong các câu chuyện ma, chỉ có khi linh hồn bị đạo sĩ bắt vào trong hồ lô, khi thả ra mới biến thành làn khói đen, uốn lượn bay ra, chứ chưa từng thấy trên thân người thoát ra một làn khói đen bao giờ. Còn chuyện một làn khói đen bay ra từ thân thể con người, sau đó làn khói này liền tụ lại thành hình người, từ nhỏ tới lớn, chuyện như thế cũng là thần thoại, tiểu thuyết hóa rồi.
[6] Xem chú giải ở trang 18.
Còn vị tiên sinh gặp phải cảnh bế tắc nên nói chuyện ma quỷ lại nhận định rằng linh hồn là một thực thể có thể tích, trọng lượng rõ ràng, đương nhiên cũng sẽ không chấp nhận thuyết linh hồn mong manh như làn khói của Nho học rồi. Bọn họ thà linh hồn biến thành một thứ đồ nào đó, cũng không cho phép linh hồn tan vào hư không. Linh hồn vừa có thể se thành sợi mì, nặn thành bánh trôi, hoặc là ruồi nhặng, con dế, như thế mặc dù dễ dàng trong việc thoát xác, nhưng đa phần là do văn nhân múa bút hoặc những người già nhàn rỗi buôn chuyện, được coi như những tư tưởng kỳ lạ, nên không cần phải hỏi nhiều. Dễ dàng di chuyển và giản tiện nhất là cứ để linh hồn giữ nguyên tỷ lệ hình dáng và có thể tùy ý biến nhỏ lại, tới mức có thể chui ra từ một chỗ nào đó trên cơ thể, mà sau khi chui ra rồi không đến nỗi khiến cơ thể xẹp lại thành một đống.
Cách nói linh hồn nhỏ hơn thể xác mặc dù không quá phổ biến, nhưng thỉnh thoảng cũng bắt gặp trong những bài tùy bút và tiểu thuyết. Trong truyện Kiếp trước của Lô Hân Ngộ trong quyển mười một của cuốn Dị kiên chí bổ của Hồng Mại, kể về Triệu Thị Tứ mười chín tuổi, chăn bò trong núi, trời mưa nên trượt chân xuống vách núi chết. Nhưng linh hồn của anh ta không biết là mình đã chết ra sức đứng dậy, sau đó mới nhìn thấy bên cạnh có một thi thể đang nằm, thậm chí cũng không nghĩ ngay ra rằng đó chính là thi thể của mình, mà là thi thể của người khác. Lúc này, linh hồn của anh ta cũng có kích cỡ giống như thể xác, nhưng sau đó, khi bố mẹ anh ta tới nhặt xác, trong mắt anh ta, bố mẹ lại “cao lớn bất thường”, dùng tỷ lệ của thể xác để suy đoán thì linh hồn của anh ta chỉ bằng một nửa so với thể xác thôi. Ngoài ra, tiểu thuyết ở thời Minh - Thanh cũng có không ít câu chuyện liên quan đến mức độ to nhỏ của linh hồn, cũng có vài chuyện nói linh hồn chỉ cao hơn một thước. Như truyện Chùy Ngộ Tai trong quyển thượng của cuốn Minh bảo lục do Lục Kỳ viết thì linh hồn và thể xác của người đó khi phân tách, phách thì cao lớn như cơ thể người, nhưng hồn lại chỉ cao hơn một thước.
Nhưng điều này cũng không được coi là độ co quá lớn, có một vài câu chuyện khác về việc thoát xác, trong những câu chuyện đó, linh hồn trở thành những “người nhỏ” như côn trùng, muỗi bọ vậy, chúng có thể chui ra chui vào cơ thể từ một lỗ hoặc một chỗ nào đấy. Quan niệm coi hồn là người nhỏ có lẽ bắt nguồn từ rất sớm, thuyết “thân thần” của Đạo giáo có lẽ cũng bị ảnh hưởng từ quan niệm này. Đạo sách cho rằng lục phủ ngũ tạng, tứ chi ngũ thể, gân cốt, đầu óc, da và mạch máu của con người giúp cho các lỗ được tuần hoàn, đều có thần linh chi phối, hơn ba vạn sáu nghìn thứ, những thứ nhỏ bé đó có thể to bao nhiêu? Tam thi thần mà các đạo sĩ thường đọc đó, hằng ngày ra vào cơ thể ba lần, vậy thì cửa tiện lợi nhất chính là lỗ trên và lỗ dưới rồi. (Trong những câu chuyện rất quen thuộc như Người trong lỗ tai, Đồng nhân ngữ trong Liêu trai chí dị chắc độc giả cũng có thể nhận ra được sự ảnh hưởng của sách Đạo giáo.) Nhưng quan niệm “thân thần” này ngược lại cũng ảnh hưởng đến nhận thức về linh hồn của con người, thứ mà người ta dễ coi là thứ nhỏ bé nhất chính là “mộng hồn”.
Trong truyện Hồn người chu du trong quyển bốn của Canh dĩ biên do Lục Sán viết, kể về câu chuyện xảy ra ở quê hương ông ở Tô Châu. Tên lý trưởng vì muốn thu tiền nha dịch, từ sớm đã đem theo một tiểu nô đi từ trước Phong Môn đến Tề Môn, trên đường đi vì mệt mỏi, liền vào mái hiên của một nhà nghỉ ngơi. Trong lúc mơ màng sắp ngủ, tên tiểu nô bên cạnh đã ngủ từ lâu, thế là chủ nhân “trong lúc mơ màng thấy một tên tiểu tử nhảy múa bên cạnh tiểu nô của mình, ngã xuống đất” cũng chính là linh hồn lìa khỏi thể xác. Đáng tiếc vị chủ nhân đó đã bỏ lỡ giây phút mà linh hồn của tên tiểu nô thoát xác, nhưng ông ta đã nhìn thấy linh hồn nhập vào thể xác như thế nào, có điều cũng rất mơ hồ, chỉ nhìn thấy linh hồn nhảy lên trên cái xác rồi biến mất. Linh hồn rời khỏi thể xác trong mơ này đã đi quanh vườn rau một lượt, còn tên tiểu nô đó đã mơ thấy mình đi dạo quanh khu rừng, đám rau cỏ trong giấc mơ của anh ta biến thành những thân cây cao lớn. Câu chuyện này có rất nhiều phiên bản, hồi nhỏ tôi thường nghe người lớn kể, có điều thêm thắt một vài tình tiết thú vị khác, ví dụ như “cái xác” đó ăn mấy cục phân dê, tỉnh dậy lại nói mình đã ăn một bàn đầy “bánh ga tô”… Từ đó cũng có thể nhìn ra quan hệ đối ứng giữa việc hồn đi chu du và các giấc mơ, cùng việc lý giải của con người đối với những giấc mơ đó.
Ngoài ra còn phải chú ý thêm là, vị chủ nhân có thể nhìn thấy mộng hồn của tên tiểu nô kia không ở trong trạng thái tỉnh táo, mà nửa tỉnh nửa mơ, nếu để tôi giải thích thì đó cũng là do mộng hồn của ông ta nhìn thấy, bởi vì nếu ở trạng thái bình thường thì không có khả năng nhìn thấy linh hồn. Thế nào gọi là “nửa tỉnh nửa mơ”? Có những lúc chúng ta tỉnh dậy trong giấc mơ nhưng vẫn không thể tỉnh táo ngay, hư hư thực thực, phải một lúc sau mới rõ ràng, đám vàng bạc châu báu vừa rồi xuất hiện trước mắt chẳng qua là đống xương còn lại trên bàn ăn.
Trong Liêu trai chí dị có câu chuyện Cống sĩ họ Trương, kể chuyện hồn của Trương cống sĩ thoát ra từ “ngực”, khi đó ông ta đang ốm, tất cả đều là tự mình nằm trên giường rồi nhìn thấu:
“Đột nhiên thấy từ trong ngực có một người thoát ra, cao tầm nửa thước, đội mũ mặc áo nhà Nho, dáng như con hát. Hát côn sơn khúc, điệu rất dễ nghe, lại tự nói tên họ, quê quán, giống hệt với mình. Những khúc người đó hát, bình sinh Trương mỗ đã từng nghe qua. Hát xong, ngâm thơ rồi biến mất.”
Người nhỏ bé này rõ ràng là linh hồn của Trương cống sĩ. “Ngực” là bộ phận không có lỗ, hồn vốn không phải là thực thể, là một ảo ảnh nên có thể tùy ý thoát ra ở bất cứ chỗ nào và không có trở ngại gì, nhưng “ngực” gần tim nhất, căn cứ vào kiến thức phân tích về linh hồn của người xưa, tim là nơi linh hồn trú ngụ. Cái lỗ cách tim gần nhất chính là rốn, vì vậy trong quyển bốn của truyện Quỷ đống không rõ danh tính và tác giả đời Tống có kể, âm phủ sai một con khỉ đi bắt hồn của Trần Sinh, viết: “Hồn của Trần Sinh thoát ra từ rốn.”
Còn về nơi linh hồn gửi thần, đa phần các kiến giải cho rằng linh hồn trú ngụ ở trên đầu, không rõ vị trí cụ thể, nhưng có lẽ là ở dưới lớp xương sọ. Đầu của con người có bảy lỗ, ngoài hai hốc mắt không được tiện lợi lắm, những con đường còn lại đều rất khang trang rộng rãi. Nhưng những linh hồn trong rất nhiều các câu chuyện kể đều không đi ra từ con đường chính mà xuyên qua đỉnh đầu để ra.
Trong Quảng dị ký của Đới Phu đời Đường có viết, quỷ sứ đuổi bắt Thôi Minh Đạt, “vẫn là bắt hồn người đó từ đầu ra”, trong truyện Thần du Tây Hồ, quyển năm của Di kiên chi mậu do Hồng Mại đời Nam Tống viết, nông dân Trần Ngũ sau khi chết rồi sống lại, kể rằng: “Khi mới chết, cảm thấy hồn phách đi ra từ não”, sau khi ra ngoài rồi, quay lại nhìn, “thấy thể xác nằm trên giường, vợ con kêu khóc, gọi tên mình thảm thiết, nhưng không có ai trả lời”. Trong truyện Thông u pháp của quyển bảy trong Tục tử bất ngữ do Viên Mai viết kể về linh hồn của một nông phu khi thoát xác: “Cảm thấy như hồn thoát ra từ đỉnh đầu, đau đớn vô cùng. Khi quay lại cũng vẫn đi từ đỉnh đầu vào, nhưng toàn thân dễ chịu, như trút được gánh nặng, như mệt mỏi quá mà phải thiếp đi.” Trong truyện Nhị Tác Nhân ở quyển một của Vấn kiến dị từ[7] do Hứa Thu Xá viết về một người luyện “xuất thần thuật”: “Khi thành công, thấy một người cao tầm hai tấc thoát ra từ đỉnh đầu, những chuyện bên ngoài không cần hỏi mà tự biết.” Trong truyện Đã chết bảy ngày lại hồi sinh ở quyển bốn trong Dung am bút ký của Tiết Phúc Thành có viết: “Khi sắp chết, hồn chui ra từ đỉnh đầu, tách ra khỏi thân xác.” Còn trong một chuyện ở quyển bốn Động linh tục chí của Quách Tắc Vân viết về một vị quan “học đạo thuật ở tuổi trung niên, ngày nào cũng phải ngồi thiền. Lâu dần, nguyên khí tích tụ, thấy có một đứa bé thoát ra từ đỉnh đầu”, lại có Uông Sinh, “chuyên tâm tu luyện, trong lúc đang ngồi thiền, đột nhiên thấy một đứa trẻ thoát ra từ đỉnh đầu”. Rõ nhất phải kể đến Thuyết Linh. Minh báo lục của Lục Kỳ: “Khi trút hơi thở cuối cùng, lập tức nhìn thấy hồn từ đan điền dưới bụng dưới, hình dạng trông như một viên bánh trôi, màu xanh ngọc bích, càng dâng càng cao, đến rốn thì khó thở, đến ngực thì thở gấp, khi dâng đến giữa cổ họng và đầu thì hai mắt trợn ngược, tắc ở đỉnh đầu, đè nén khá lâu, rồi vỡ tung như đá, hồn rời khỏi xác, phách tách khỏi hồn, trút hơi thở cuối cùng.” Đây là những cảm giác được kể lại từ một người đã chết sau đó được hồi sinh, không những có cảm giác mà kỳ lạ nhất là còn có thể nhìn thấy linh hồn ở trong bụng dưới giống như viên bánh trôi màu xanh ngọc bích, thật không biết là dùng “thiên nhãn” gì để nhìn nữa.
[7] Có nghĩa là những chuyện lạ tai nghe mắt thấy.
Còn việc linh hồn ra vào từ lỗ nào đó, trong các câu chuyện cũng có ghi chép. Chuyện hồn thoát ra từ tai, chúng ta có thể xem trong cuốn Thuật dị ký của Lương nhân Nhậm Phưởng[8], ghi lại chuyện của Mã Đạo Du thời Nam Tề: “Hai con quỷ đi vào từ tai, đẩy hồn ra, hồn rơi xuống chiếc dép gỗ.”
[8] Lương nhân Nhậm Phưởng (460-508).
Còn có thuyết nói về việc hồn ra từ lỗ mũi, mời đọc truyện Nhân hồn chu du ở quyển bốn của Canh dĩ biên do Lục Sán viết. Trong truyện này, khi linh hồn thoát khỏi thể xác sẽ biến thành một con rắn nhỏ, chui ra từ lỗ mũi, bơi lội trong hồ nước ngoài vườn một vòng, còn chủ nhân thì lại mơ mình đang được bơi ngoài biển, linh hồn hóa thành rắn, có lẽ là do người này có tính cách độc ác như loài rắn rết.
Từ đây có thể thấy, cổ nhân cho rằng linh hồn của con người nằm ở tim hoặc đầu. Nếu như linh hồn có một nơi trú ngụ cụ thể trong cơ thể thì có lẽ cũng chỉ có thể tưởng tượng như thế, không thể để nó trú ngụ ở ngón chân hay gót chân được. Nhưng cũng có linh hồn ra khỏi cơ thể người từ dưới háng. Trong truyện Từ tiên sinh, quyển sáu trong Tử bất ngữ có viết thế này: “Tên trộm họ Từ thân bị tù đày, khi biết mình sắp chết, nói với người quen cũ Thạch Tán Thần rằng: “Tôi chỉ sống được đến ngày mùng Một tháng Bảy thôi, huynh hãy đến tiễn tôi.” Đúng ngày, Tán Thần vào nhà lao, gặp tên họ Từ ở phòng tiếp đón, thấy dưới háng người đó xuất hiện một đứa bé, nói với họ Từ: “Nhìn là giết tôi! Nhìn là giết tôi!” Sau đó ngoẹo đầu, đứa trẻ biến mất.”
Linh hồn này có lẽ đi ra từ lỗ sau, nơi đó mặc dù không được nho nhã cho lắm nhưng lúc này tương đối kín đáo, người khác cũng khó nhìn thấy. Nếu đao phủ và những người đến thăm tù nhân xung quanh nhìn thấy một người nhỏ chui ra từ đầu hoặc từ một trong bảy lỗ trên cơ thể phạm nhân, có lẽ sẽ lại trở thành chuyện cười cho họ sau này. Điều này cho thấy họ Từ kia khác với lão Q, thà đi ra từ cửa bẩn, chứ quyết không muốn nhìn thấy những khuôn mặt bốc mùi của khách tới thăm.
Trong những tình huống bình thường, dù là chết, hôn mê, hay mơ ngủ thì linh hồn đều rất tự nhiên, không cần cưỡng bức cũng tách rời khỏi thể xác. Nhưng cũng có những linh hồn cần phải sử dụng thủ đoạn để cưỡng chế, chính là những trường hợp hồn thoát ra từ lỗ rốn hoặc từ tai kể trên. Trong truyện Chử sinh trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, nội dung của truyện phù hợp với giả thuyết cưỡng chế hồn lìa xác nói trên. Chử Sinh muốn tách linh hồn của Trần Sinh ra khỏi xác, hoặc nói cách khác là muốn chuyển xác của Trần Sinh ra chỗ khác để mình dễ bề nhập vào. Đến ngày thi, Chử Sinh đưa một người đến gặp Trần Sinh, nói rằng là anh họ Lưu Thiên Nhược của mình, bảo Trần Sinh đi cùng anh họ đến một hoa viên đẹp nào đó dạo chơi vài ngày. Trần Sinh đứng dậy, đang đi ra ngoài thì Chử Sinh kéo giật anh ta lại từ phía sau, khiến anh ta suýt nữa ngã dúi xuống đất. Lúc đó, Thiên Nhược vội vàng dùng tay kéo anh ta lại, rồi đưa anh ta đi. Người mà Chử Sinh kéo là xác của Trần Sinh, còn người mà Thiên Nhược dắt đi là linh hồn của Trần Sinh, một kéo một dắt nên linh hồn và thể xác tách khỏi nhau.
Từ chuyện này chúng ta nghĩ, có một vấn đề có lẽ cũng nên quan tâm, đó là vào thời khắc linh hồn thoát ra từ lỗ tai và rơi xuống bàn chân kia, liệu có phải nó sẽ nghĩ rằng ngã đau sa sẩm mặt này không? Khi len ra từ đỉnh đầu, liệu có đau tới mức méo miệng không? Những linh hồn này không nói và cũng không ai biết. Giống như câu chuyện ở trên nói Trần Sinh bị kéo suýt ngã dúi xuống đất, đấy cũng chỉ là cảm giác, nhưng nhiều hơn cả dường như bản thân mình biến thành một thứ mong manh như làn khói trong suốt không màu sắc. Nhân vật chính trong câu chuyện Thang công trong Liêu trai chí dị kể lại những gì mình đã được trải nghiệm: “Hơi nóng vẫn bốc lên ngùn ngụt, xuyên qua cổ, qua đầu, chui ra, linh hồn thoát khỏi lỗ và quên luôn thể xác.”
Trong quyển ba của cuốn Duyệt vi thảo đường bút ký do Kỷ Quân viết về hiện tượng hồn lìa khỏi xác của một người treo cổ tự tử như sau: “Huyết mạch đau đớn, từng thớ da thớ thịt trong người như muốn nứt toác, đau đớn như bị cắt. Lục phủ ngũ tạng trong người nóng như lửa thiêu, không thể chịu được.” Cảm giác này vừa hay đúng với nhận định của Viên Tử: “Cảm thấy như hồn thoát ra từ đỉnh đầu, đau đớn vô cùng.” (Thông u pháp của quyển bảy trong Tục tử bất ngữ do Viên Mai viết). Còn Du Việt lại tôn trọng thuyết của Nho học, cho rằng việc linh hồn thoát ra từ các lỗ trên cơ thể là “khí đó bay lên trên”, vì vậy trong Hữu đài tiên quán bút ký có mấy chỗ nói đến cảm giác khi hồn rời khỏi xác, lúc thì “đột nhiên cảm thấy cơ thể nhẹ bẫng như lông vũ”, lúc thì “cảm thấy cơ thể bay bay như mây trên trời”, lúc thì “bay bay theo gió, không thể tự chủ.”
Tổng hợp những điều kể trên, mỗi người mỗi ý, rốt cuộc là hồn thoát khỏi xác từ đâu không có một quy tắc nhất định, vì vậy, nói đi nói lại cả nửa ngày cũng bằng chưa nói. Cũng may khi độc giả còn chưa quan tâm nhiều đến chuyện này thì đã có bảy, tám quy định gì đó rồi, chẳng qua cũng chỉ là một hình thức, mọi người phải đến bảy, tám mươi năm sau cũng sẽ tự lý giải theo cách của mình.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui