Tây Du Ký

Quan Âm tìm kẻ thỉnh kinh lại, bây giờ nghĩa cho rõ sự tích Trường An:

Nguyên thành Trường An tại quận Hiệp Tây; các đời vương thường lập kinh đô tại đó, là từ nhà Châu, nhà Tần, nhà Hớn cho đến nhà Ðường, vì sứ ấy tới ba châu (tỉnh), đất đai tốt lắm, nên trên bờ huê kiểng như gấm thêu, còn dưới sông thì giáp tám mối nước, nên thuyền bè đông đảo. Nơi ấy thị tứ không xứ nào hơn, nhằm lúc vua Ðường Thái Tôn (Thế Dân) trị vì, xưng hiệu Trinh Nguơn năm thứ mười ba là năm Ất tỵ. Lúc ấy thái bình lắm, tám phương cống sứ, bốn biển làm tôi.

Ngày kia vua Thái Tôn lâm triều, văn võ trăm quan chầu chực.

Thừa tướng là Ngụy Trưng tâu rằng:

- Nay thiên hạ thái bình, tám phương lặng lẽ, xin Bệ Hạ ban phép mở hội khoa thi, kén kẻ tài hiền mà giúp việc nước nhà.

Vua Thái Tôn phán rằng:

- Khanh tâu rất phải.

Khen rồi truyền tống bảng văn, rao trong các phủ, các châu, các huyện, chẳng luận quân dân chi hết, ai văn chương thông thái, đặng vào thi tại đất Trường An.

Khi ấy có một người ở gần biển (Hải Châu) họ Trần tên Ngọc, tên chữ Quang Nhụy thấy bảng văn thì mừng lắm, về thưa với mẹ là Trương Thị rằng:

- Nay Triều chạy châu tri khắp sứ, mở hội thi tại Trường An. Con có công ăn học ít nhiều, cũng muốn vào khoa ứng cử, may nhờ đức cha mẹ mà thi đỗ làm quan thì vinh hiển Tông môn, nở mày đẹp mặt, nên con vào thưa cho mẹ rõ mà lo việc lên đường. Trương Thị nói:

- Con mười năm đèn sách, đi ứng cử đã đành. Song đường xá xa xôi, phải giữ gìn dè dặt. May tên đề bảng hổ, mau về kẻo mẹ đợi trông.

Trần Quang Nhụy hối tiểu đồng sửa sang rương trắp, rồi lạy mẹ mà đi, hèn lâu mới tới Trường An, vào trường thi đỗ. Rồi vào thi trước điện, ba bài văn sách đều hay. Vua Thái Tôn chấm đỗ lấy đậu Trạng nguyên, cởi ngựa khoe quan ba bữa đi ngang cửa ngõ Thừa Tướng là Ân Khai Sơn. Xảy bị trái cầu thêu (trái lăn) quăng nhằm trên mão.

Nguyên Ân Thừa Tướng có một người con gái tên gọi Ôn Kiều, hiệu là Mãn Ðường Kiều, dung nhan đẹp đẽ, Ân Thừa Tướng cưng con lắm, cho ở trên lầu quăng trái cầu duyên mà bói duyên (kén chồng) xảy thấy Trần Quang Nhụy cởi ngựa đi ngang. Ôn Kiều biết là Trạng Nguyên khoa mới, đã có tài lại thêm lịch sự; Ôn Kiều đẹp nên mới gieo cầu, thì có dàn nhạc nổi lên,mười mấy con đòi ra nắm dây cương rước Trạng Nguyên vào phủ.

Vợ chồng Thừa Tướng khen đặng rễ đông ràng, truyền dọn đuốc hoa gã tiểu thơ cho quốc trạng.

Vợ chồng làm lễ xong rồi, sắt cầm ăn nhịp.

Rạng ngày vua ngự văn võ vào chầu, vua Thái Tôn phán hỏi rằng:

- Trần Quang Nhụy đỗ Trạng tân khoa, nhắm bổ chức chi cho xứng đáng?

Thừa Tướng Ngụy Trưng tâu rằng:

- Tôi tra các châu các phủ có khuyết một chức Tri châu tại Giang châu, xin bổ Trạng nguyên vào chức đó.

Vua Thái Tôn phong Trần Quang Nhụy làm chức Tri châu, truyền phó nhậm Giang Châu lập tức Trần Quang Nhụy tạ ơn, về dinh luận bàn việc đi phó nhậm, vợ chồng lạy tạ cha mẹ sửa sang xe ngựa ra đi.

Nhằm tiết tháng ba cảnh tốt, gió hòa đưa liễu lục, mưa nhỏ rưới hoa hồng, mảng xem phong cảnh tốt tươi, xảy thấy đã kề nhà cũ.

Hai vợ chồng vào nhà lạy mẹ, Trương thị rất mừng.

Trần Quang Nhụy thưa rằng:

- Con nhờ đức mẹ, thi đỗ Trạng nguyên. Ði ngang cửa Thừa Tướng họ Ân, Tiểu thơ gieo cầu nhằm trẻ, nên định xong đôi lứa, vua lại phong chức Tri châu. Con trở về nhà rước mẹ đi theo phó nhậm.

Trương thị mừng lắm sửa soạn lên đường; cùng nhau đi đặng vài ngày ghé quán Lưu tiểu nhị mà nghỉ; Trương thị nhuốm bệnh, nói với con rằng:

- Trong mình mẹ không yên, ở nán vài ngày dưỡng bệnh.

Trần Quang Nhụy vâng lời ở đó.

Rạng ngày mai Trần Quang Nhụy thấy có người xách cá chài vảy vàng đi bán, liền kêu vào quán mua cho mẹ ăn, mua rồi thì thấy con cá nháy mắt thì thất kinh mới nói: "Nghe đồn rằng: Con cá, con rằn mà nháy con mắt, là không phải vật tầm thường". Rồi hỏi người bán:

- Con cá nầy ông bắt tại đâu?

Ông chài nói:

- Tôi chài tại sông Hồng giang, cách phủ mười lăm dặm.

Trần Quang Nhụy liền đem cá ấy thả đi, rồi về thuật chuyện lại cho mẹ rõ.

Trương thị nói:

- Phóng sanh là có phước, mẹ rất bằng lòng.

Ngày kia Trần Quang Nhụy vào thưa với mẹ rằng:

- Ở đây ba ngày, mà việc vua gấp lắm, con tính ngày mai dời gót, song chẳng rõ mẹ khá hay chưa?

Trương thị nói:

- Trong mình mẹ chưa khỏe; trời nắng gắt, rán đi e phải bịnh thêm, vậy thời con mướn phố, và để tiền chi phí lại đây, mẹ ở nán ít ngày, hai vợ chồng đi phó nhậm trước đi kẻo trễ. Ðợi sang thu mát mẻ sang rước mẹ về cùng.

Trần Quang Nhụy luận bàn với vợ, mướn phố cho mẹ ở và để bạc tiền.

Hai vợ chồng lạy mẹ ra đi phó nhậm, ngày đi đêm nghỉ hơn mấy bữa mới tới bến đò Hồng giang, xảy thấy ghe đò của Lưu Hồng với Lý Bưu, hai người đón rước, ấy cũng thời bỉ vận suy của Quang Nhụy biểu tiểu đồng đưa gánh đồ cho chủ đò cất. Vợ chồng đồng bước xuống đò.

Lưu Hồng thấy Ân tiểu thơ mặt như trăng rằm, mắt như sao nháy, miệng cười như búp bông ướm nở; lưng diệu như nhành liễu đương hoằng, hình dung cá lặn nhạn sa, diện mạo huê nhường nguyệt thẹn.

Lưu Hồng liếc thấy, khó dập lửa lòng, mới tính kế với Lý Bưu, chèo qua khúc vắng mà đậu; nửa đêm giết tiểu đồng, rồi đập chết Quang Nhụy, quăng thây xuống sông. Tiểu thơ thấy chồng như vậy, cũng liều mạng nhảy theo.

Lưu Hồng níu lại mà nói rằng:

- Nàng thuận với ta thì thôi, bằng nghịch mạng ta chặt làm hai khúc.

Tiểu thơ thất thế, phải chịu đỡ cho xuôi.

Lưu Hồng chèo tuốt qua sông, giao chiếc đò ấy cho Lý Bưu làm chủ, còn nó đội mão mặc áo của Quang Nhụy, lấy bằng cấp dắt tiểu thơ đi phó nhậm Giang Châu.

Thương hại thây tiểu đồng trôi theo dòng nước, còn thây Quang Nhụy chìm xuống đáy sông.

Quỷ Dạ Xoa đi tìm ngó thấy, về đến báo lại với Long vương rằng:

- Tôi đi tuần tới vàm Hồng Giang, không biết ai đập chết người học trò, bỏ thây chìm xuống đáy nước.

Vua Long Vương truyền khiêng thây đến, xem thấy than rằng:

- Người nầy có làm ơn cứu ta, không biết bị ai giết bỏ, lẻ thường mang ơn thì phải trả, nay ta cứu lại mà đền bồi.

Tức thời viết thơ sai Dạ Xoa đến Hồng châu mà đưa cho Thành hoàng, Thổ Ðịa, phải lấy hồn (lấy vía) tú tài ấy, mà giao lại cho ta.

Thành hoàng, Thổ Ðịa miễu Hồng châu sai Tiểu quỷ lấy vía Trần Quang Nhụy mà giao cho Qủy dạ xoa.

Dạ Xoa đem về, vua Long Vương thấy hồn mừng lòng mới hỏi:

- Tú tài tên họ là chi đó, quê quán ở đâu, tới đây có sự gì, mà bị người ta đánh giết? Hồn Quang Nhụy thưa rằng:

- Tôi là Trần Ngọc tên chữ Quang Nhụy, quê ở Hải châu, về huyện Hoằng Nông. Thi đổ Quốc trạng, bổ chức Tri châu tại Giang châu, vợ chồng tôi đi phó nhậm, tên lái đò là Lưu Hồng, thấy vợ tôi có nhan sắc, nên làm mưu độc, đánh tôi chết bỏ thây, xin Ðại Vương cứu tôi làm phước.

Vua Long Vương nghe rõ nói rằng:

- Ngày trước ông phóng sanh con cá chài vàng, ấy là tôi đó, nay ông mắc nạn, lẽ nào tôi chẳng cứu ông.

Truyền đem thây Quang Nhụy để trên giường, cạy miệng bỏ hột châu định nhản vào, thây tươi hoài không rả, chờ mản hạn sẽ cho sống lại mà báo cừu, lại nói với Quang Nhụy rằng:

- Hồn của ông sẽ ởø tại đền, mà làm chức việc.

Hồn Quang Nhụy tạ ơn.

Bây giờ nói Ân tiểu thơ cố oán Lưu Hồng muốn lột da ăn thịt nó đi, mới là đã giận. Song ở với chồng mình đã có nghén không biết gái trai, cùng chẳng đã làm thinh chịu đỡ, đi chừng một buổi đã đến Giang châu.

Nhà tơ thơ lại ra rước vào, các viên quan dọn yến mà đãi tân quan.

Lưu Hồng nói:

- Tôi đến đây nhờ sức các ông giúp đỡ.

Các viên quan nói:

- Quan lớn danh cao hơn thiên hạ chắc là coi dân như quan, ít việc hành phạt kiện thưa, chúng tôi nhờ đức. Ngài nói khiêm làm chi.

Yến tiệc xong rồi ai về dinh ấy.

Tháng ngày thấm thoát đã mấy năm rồi, bữa kia Lưu Hồng có công sự đi xa. Còn Tiểu thơ ở nhà một mình nhớ chồng hết sức, thương nổi mẹ chồng bệnh hoạn không kẻ dưỡng nuôi. Buồn ra nhà mát sau vườn mà khóc lén. Giây lâu đau bụng xây xẫm té nhào.

Xảy nghe tiếng nói bên tai rằng:

- Mãng Ðường Kiều nghe ta dặn. Ta là sao Nam Cực, vâng lệnh Quan Âm Bồ Tát đem cho nàng một đứa con nầy, ngày sau phải tầm thường, danh tiếng lớn lắm. Nếu Lưu Hồng về tới chắc giết đứa nhỏ đi, nàng phải hết lòng bảo hộ. Chồng nàng gặp Long vương cứu sống, ngày sau mẹ con gặp gỡ, chồng vợ sum vầy, trả thù báo oán. Thôi nhớ mấy lời ta dặn, tỉnh dậy cho mau.

Nói rồi đi thẳng.

Tiểu thơ tỉnh dậy, nhớ đủ mọi lời, thì đã sinh đặng một trai, nàng ngồi bồng con mà khóc. Trong lòng lo sợ không biết tính làm sao.

Kế Lưu Hồng trở về thấy thằng nhỏ đòi đem đi giết.

Tiểu thơ nói:

- Bữa nay trời tối, để mai liệng xuống sông.

Thời may rạng đông Lưu Hồng đi việc quan khẩn cấp.

Tiểu thơ nghĩ rằng:

- Nếu để Lưu Hồng về nữa thì thằng nhỏ không còn, chi bằng thả trôi sông chẳng may thì chết. Nếu Phật trời phò hộ thì xuôi người gặp mà nuôi. Lại e sau chẳng biết mà nhìn mới cắn ngón tay, lấy máu viết một bức thơ. Viết tên họ của cha mẹ căn cước mọi điều, rồi cắn đứt nửa ngón chân út bên tả con mà làm dấu. Cởi áo lót mồ hôi mà bọc thằng nhỏ. Rồi bồng ra mé sông cái, than khóc một hồi, muốn bỏ dựa mé mà bỏ về. Xảy thấy tấm ván trôi tới.

Tiểu thơ lòng mừng, lạy thinh không mà vái:

- Xin trời Phật cứu độ con tôi.

Rồi để con nằm trên tấm cây, lấy dây thẻo buộc phong thơ trước bụng. Rồi xô êm ra dòng nước, than khóc mà về. Còn tấm ván ấy trôi xuôi theo nước cách phủ đã xa, rồi mắc cạn dựa bực, ngay trước cửa chùa Kim Sơn, cũng thuộc về châu ấy.

Nguyên ông chủ chùa Kim Sơn là Pháp Minh hòa thượng, tu lâu năm cũng đã gần thành. Ngày kia ngồi trong liêu, nghe tiếng con nít khóc! Lấy làm sự lạ tìm đến mà xem, tới mé sông thấy thằng con nít mới đẻ nằm trên tấm cây, mà tấp vào bực.

Pháp Minh liền vớt, thấy trên bụng có phong thơ, xem hết đầu đuôi, mới tường gốc ngọn, lấy tích trôi sông đó, đặt tên Giang Lưu, cất áo và thơ, mướn vú nuôi bên tự.

Mặt nhật mặt nguyệt như thoi liệng, Giang Lưu 18 tuổi rồi, Pháp Minh hòa thượng thi phát quy y cho Giang Lưu đặt tên thánh là Huyền Trang, tu hành công quả, tánh trời đã phú, kinh luật đều thông.

Ngày kia nhằm tiết tháng ba, các sãi nhóm dưới cội tòng mà hóng mát. Hỏi kinh hạch luật cùng nhau. Tụi thầy chùa rượu thịt khoe tài, bị Huyền Trang vấn nạn (hỏi chuyện mắc, khó nói).

Mấy sãi ác tăng trả lời không đặng, giận mà rằng:

- Mầy là đồ súc sanh, không biết mẹ cha, chẳng thông tên họ, lại còn làm phách gì nà!

Huyền Trang bị chúng mắng mấy lời, vào chùa quỳ bạch với thầy mà rơi nước mắt: - - Người sinh trong trời đất, nhờ khí âm dương. Lẽ nào có thân thể mà không có cha mẹ! Xin thầy làm ơn cho tôi biết họ tên cha mẹ.

Cứ lạy hoài mà hỏi như vậy, Pháp Minh hòa thượng nói:

- Ngươi muốn tường sự tích cha mẹ, thì đi theo vô liêu.

Huyền Trang theo thầy bén gót.

Pháp Minh lên trên trinh, lấy hộp nhỏ giở ra lấy phong thơ mà đọc, mới biết tên họ, tên cha mẹ, và sự tích oán cừu, đọc rồi ngã lăn mà khóc, bạch với thầy rằng:

- Cừu cha mẹ không trả, sao phải làm người! Mười tám năm nay, không biết cha mẹ, nay mới rõ là mẹ còn. Bấy lâu hỏi thăm người ta nói: Thế cha mẹ chết hết nên thả trôi sông, nếu thầy không cứu vớt dưỡng nuôi, thì đệ tử không còn tánh mạng, xin cho tôi đi tìm mẹ tôi đã, rồi tôi sẽ ngồi kỳ, và tu bổ chùa chiền mà báo đáp ơn thầy nuôi dưỡng.

Pháp Minh hòa thượng nói:

- Ngươi muốn đi tìm mẹ, thì phải đem thơ và cái áo theo. Giả đi phú quyến mà vào dinh tư Giang châu thì mới gặp mẹ.

Huyền Trang vâng lời thầy dạy, giả làm sãi đi phú quyến, thẳng đến Giang châu, may nhằm dịp Lưu Hồng đi khỏi, cũng là trời khiến, mẹ con được gặp nhau.

Còn Ân tiểu thơ đêm trước nằm chiêm bao thấy trăng khuyết lại tròn, giật mình thức dậy, bàn rằng:

- Mẹ chồng tuy bặt tin tức, còn con thì thả trôi sông, nếu có ai vớt mà nuôi, thời nay đã mười tám tuổi, có khi trời cho gặp gỡ, cũng không biết chừng.

Ðương ngồi nghĩ một mình, nghe ngoài cửa có thầy đi phú quyến.

Tiểu thơ bước ra mà hỏi:

- Thầy ở đâu mà đến đây?

Huyền Trang nói:

- Tôi ở chùa Kim Sơn, đệ tử Pháp Minh hòa thượng.

Tiểu thơ nói:

- Như vậy thì bước vào đây, biểu dọn cơm chay mà đãi.

Nghe lời ăn tiếng nói, xem nết đứng tướng ngồi, giống chồng mình như tạc, chẳng những giống hình dạng mà thôi.

Tiểu thơ sinh nghi, cố ý sai thế nữ gia đinh đi ra hết thảy, mới hỏi sãi nhỏ rằng:

- Thầy tu hồi còn nhỏ, hay mới tu đây? Tên họ là chi, cha mẹ còn hay mất?

Huyền Trang nói: - Tôi không phải mới đi tu, cũng không phải tu hồi còn nhỏ, tôi nói ra thì cừu sâu như biển, oan lớn bằng trời, tôi bị chúng giết cha mà cướp mẹ, nên thầy tôi biểu đi đến phủ mà kiếm mẹ tôi.

Tiểu thơ hỏi:

- Bà già thầy tên họ chi?

Huyền Trang nói:

- Mẹ tôi họ Ân tên Ôn Kiều, cha tôi là Trần Quang Nhụy, còn tôi tên tộc là Giang Lưu, Huyền Trang tên thánh.

Tiểu thơ nói:

- Ta thiệt là Ôn Kiều, mà ngươi có vật chi làm tin?

Huyền Trang nghe xưng thiệt mẹ liền quỳ dưới đất mà khóc rằng:

- Nếu mẹ chẳng tin con, thì có áo và thơ làm chứng.

Nói rồi lấy áo và thơ dâng lên, Tiểu thơ xem quả thiệt, mẹ con ôm nhau khóc ròng, rồi biểu con đi cho mau kẻo mà lâm hại.

Huyền Trang nói:

- Mười tám năm nay không biết mặt mẹ, nay mới gặp đặng, biểu con đi vội sao cho đành?

Tiểu thơ nói:

- Con phải ngăn lụy mà về chùa, nếu để thằng quỷ về đây ắt là nó giết con chết! Ðể mẹ giả bệnh, nói rằng hồi trước có vái một trăm đôi giày. Xin đem đến chùa Kim Sơn mà huờn nguyện (cúng trả lễ) chừng ấy mẹ sẽ nói chuyện kín với con.

Huyền Trang vâng lời ra về am tự.

Còn tiểu thơ nửa mừng nửa sợ, ngày kia giả bệnh, bỏ cơm bỏ nước, nằm liệt trên giường.

Lưu Hồng về dinh hỏi làm sao vậy?

Tiểu thơ nói:

- Tôi hồi nhỏ có vái thí một trăm đôi giày vớ cho thầy chùa, hồi canh ba chiêm bao thấy ông sãi cầm đao đến đòi giày; thức dậy liền sinh bệnh.

Lưu Hồng nói:

- Chuyện nhỏ mọn sao không nói sớm, để mà nằm liều.

Nói rồi truyền quân rao cho dân sự:

- Mỗi nhà phải nộp một đôi giày và một đôi vớ thầy chùa, hạn năm ngày cho kịp.

Cách năm ngày dân sự nạp đủ số.

Tiểu thơ nói với Lưu Hồng rằng:

- Giày tuy đủ số rồi, không biết đây có chùa nào đặng đi huờn nguyện?

Lưu Hồng nói:

- Ðây có hai kiểng chùa là chùa Kim Sơn, với chùa Tiêu Sơn, muốn đi cúng chùa nào tự ý.

Tiểu thơ nói:

- Nghe đồn chùa Kim Sơn tử tế lắm để đi chùa Kim Sơn.

Lưu Hồng sai hai tên lính sắm sửa ghe thuyền.

Tiểu thơ dắt thế nữ xuống ghe mà đi trả lễ.

Còn Huyền Trang về chùa bạch hết sự tình cho thầy rõ.

Pháp Minh hòa thượng rất mừng, bữa sau thấy thế nữ vào chùa bạch rằng:

- Có phu nhân đến cúng.

Các sãi ra ngoài nghinh tiếp.

Tiểu thơ vào lạy Phật biểu thế nữ bưng mâm giày để trước chùa mới thắp nhang lạy vái, rồi giao cho Hòa Thượng phân phát giày vớ cho mấy thầy.

Huyền Trang thấy các sãi lãnh giày vớ đi tản, liền quỳ lạy mẹ.

Tiểu thơ bảo Huyền Trang cởi vớ mà coi chân, thấy chân trái mất nửa ngón út, mẹ con níu nhau mà khóc, rồi lạy tạ ơn Hòa Thượng nuôi dưỡng con mình.

Pháp Minh hòa thượng nói:

- Nay mẹ con gặp gỡ, mừng rồi về phủ cho mau, kẻo người dữ hay tin mà mắc họa!

Tiểu thơ nói:

- Con ôi! Mẹ đưa cho con một chiếc vòng vàng con đi qua Hồng châu phía Tây Bắc chừng một ngàn rưỡi dặm có tiệm Vạn Hoa vốn chỗ bà nội con là Trương thị ngụ đó mà thăm bà; và đưa chiếc vòng rồi con cầm phong thơ nầy đi xuống Trường An, phía bên tả thành vua có dinh quan thừa tướng Ân Khai Sơn là ông ngoại con đó, con trao thơ nầy cho ông ngoại đặng ông ngoại tâu vua xin phép, đem quân tới vây bắt Lưu Hồng, một là cứu mẹ, hai là báo cừu cha, mẹ không dám ở lâu sợ nó nghi ngại". Nói rồi từ giã mà xuống ghe.

Còn Huyền Trang lạy thầy, qua Hồng châu mà đi tìm bà nội, đến tiệm Vạn Hoa hỏi thăm.

Lưu Tiểu Nhị là người chủ tiệm rằng:

- Năm trước quan Tri châu có mướn phố cho bà mẹ ở, bây giờ còn sức khỏe hay không?

Lưu Tiểu Nhị nói:

- Năm trước ở phố tôi, sau tối hai con mắt, ba bốn năm không trả tiền phố, nay ở trong lò gốm bể phía Nam; thường ngày xin ăn qua bữa. Ông quan ấy đi lâu lắm, không biết cớ nào đó, biệt tin biệt tích đến nay.

Huyền Trang nghe nói, tìm vào lò gốm hỏi thăm.

Trương Thị nói:

- Tiếng mầy giống tiếng con tao là Trần Quang Nhụy!

Huyền Trang nói:

- Tôi không phải Trần Quang Nhụy, thiệt là cháu nội của bà; Ôn Kiều tiểu thơ là mẹ.

Trương Thị hỏi:

- Sao cha mẹ cháu chẳng đến đây?

Huyền Trang thưa:

- Cha tôi bị quân dữ giết rồi, bắt mẹ tôi làm vợ. Mẹ tôi có gởi lời thăm Bà nội, và gởi một chiếc vòng đây nè.

Trương Thị cầm chiếc vòng khóc lên mà nói:

- Con ta vì công danh mà ra thế ấy! Bấy lâu tưởng là bạch ngãi vong ân. Hay đâu bị người ta giết. Nhờ trời phò hộ cháu sức khỏe mà tìm bà.

Huyền Trang hỏi bà:

- Vì cớ nào mà bệnh con mắt?

Trương thị nói:

- Bà nhớ ông và cháu lắm, khóc hoài nên tối mắt đi!

Huyền Trang nghe nói, quỳ lạy trời mà vái rằng:

- Xin trời phật thương tôi, 18 năm chưa báo cừu cho cha mẹ, nay mẹ tôi sai đi tìm bà nội; Phật trời thương đến xin cho bà tôi sáng mắt ra.

Vái rồi le lưỡi mà rà con mắt cho bà.

Trong một giây Trương Thị thấy đặng mà hỏi rằng:

- Quả thiệt là cháu bà, nên giống Trần Quang Nhụy lắm, Huyền Trang mừng rỡ, dắt bà về tiệm Vạn Hoa, lấy tiền mướn phố cho bà ở.

Lại đưa tiền dụng cho bà mà nói rằng:

- Tôi đi ngoài một tháng rồi trở về đây.

Lạy tạ ơn rồi ra đi, lâu ngày mới tới dinh Thừa Tướng, nói với quân rằng:

- Có sãi nhỏ đến phủ mà tìm bà con.

Quân hầu vào bẫm cùng Thừa Tướng.

Thừa tướng nói:

- Lạ nầy, mình không bà con với ai hết, sao có sãi đến thăm?

Phu nhân nói:

- Hồi hôm tôi chiêm bao, thấy con về viếng, có khi thơ rễ gởi về chăng?

Thừa Tướng biểu vời hòa thượng vào, Huyền Trang bước vô, lạy ông bà mà khóc, rồi mới trao thơ, Thừa Tướng coi thơ rồi khóc lớn.

Phu nhân hỏi:

- Thơ có chuyện chi mà ông khóc thất thanh đi vậy?

Thừa Tướng nói:

- Sãi nầy là cháu ngoại của mình, rễ mình bị thằng chèo đò giết, rồi bắt con mình làm vợ.

Phu nhân nghe nói khóc róng lên, Thừa tướng khuyên rằng:

- Phu nhân phiền não làm chi, để mai vào tâu cho vua hay, đem binh ra bắt nó rồi cứu con và báo cừu cho rễ.

Sáng ngày Thừa tướng vào tâu rằng:

- Rễ tôi là Trần Quang Nhụy, vâng lệnh đi phó nhậm Giang châu, bị tên lái đò là Lưu Hồng đánh chết, cướp con tôi làm vợ, lấy bằng cấp giả làm Quang Nhụy, làm quan 18 năm nay, rày có tin về, thiệt là loạn lắm, xin Bệ Hạ cho tôi đem binh mà ra đánh báo cừu.

Vua Thái Tôn nghe tâu giận lắm, cấp quân ngự năm sáu muôn cho Thừa Tướng đi đánh, Thừa Tướng vâng lệnh lãnh binh về phủ, rồi kéo ra Giang châu, đi hèn lâu mới tới mé sông Hồng Giang đóng trại, cho mời lén quan Ðồng Tri đến tỏ hết sự tình, sai đi êm mà bắt vây cánh nó.

Còn Thừa Tướng lén qua sông lớn hừng đông đem binh tới vây dinh, Lưu Hồng còn đang ngủ. Xảy thấy nghe tiếng súng, chiêng trống gióng lên quân trào áp tới nhà tư, Lưu Hồng trở tay không kịp, bị quân bắt trói mèo, Thừa Tướng truyền bắt tụi nó dẫn ra pháp trường.

Thừa Tướng cho đòi Tiểu thơ ra mắt, Tiểu thơ hổ thẹn không ra, lấy dây đi thắt cổ. Huyền Trang nghe quân nói lật đật chạy vào mở dây đem xuống, lạy mẹ mà khóc và nói rằng:

- Nay ông ngoại đem binh đến, đã bắt đứa dữ mà trả oán cho cha tôi, sao mẹ đi tự ái; nếu mẹ thác, tôi không sống làm chi?

Thừa Tướng nghe tin cũng bước vào khuyên giải.

Tiểu thơ nói:

- Phận đàn bà con gái thì một chồng đến thác mà thôi, chồng tôi nó bị Lưu Hồng nó giết đi, lẽ nào tôi theo nó, vì có thai nghén, liều mình e tuyệt tự của chồng, cùng chẳng đã phải thờ đứa oán, nay con tôi khôn lớn, cha bắt đặng đứa thù mà báo cừu, tôi còn mặt mũi nào mà ra mắt cha, thà liều mình mà đáp nghĩa họ Trần dưới chín suối!

Thừa Tướng nói:

- Con chẳng phải chê chồng mà bỏ tiết. Ấy là gặp biến, túng phải tùng quyền, nào có lỗi chi mà hổ thẹn.

Nói rồi cha con khóc òa.

Huyền Trang cũng khóc, Thừa tướng khuyên dỗ rằng:

- Thôi, hai mẹ con bây chẳng khóc làm chi hoài, nay bắt đứa thù rồi, để lo mà xử.

Xảy thấy quan Ðồng Tri bắt Lý Bưu giải tới; Thừa Tướng mừng lắm truyền dẫn đến pháp trường, đem Lưu Hồng và Lý Bưu ra mà khảo một trăm, chúng nó khai thiệt hết.

Thừa Tướng truyền lấy đinh đóng Lý Bưu trên lừa bằng cây mà lắt thịt (xử bá đao) rồi chém bêu đầu mà răn kẻ gian hùng, rồi dẫn Lưu Hồng tới khúc sông Trần Quang Nhụy năm trước, mổ lấy tim gan mà tế Quang Nhụy, đọc văn tế rồi đốt, ba người cả tiếng khóc òa.

Quỷ Dạ Xoa đem văn tế về dâng cho Long Vương, Long Vương xem rồi, sai Nguơn soái Trạnh mời hồn Quang Nhụy vào cung, Long Vương thấy mặt mừng mà nói rằng: - Mừng cho ông lắm! Nay có Phu nhân và Công tử với ông nhạc của ông, mổ gan tim Lưu Hồng tế ông tại mé sông cái, nay cho ông trái châu như ý và trái châu tẩu bàn với mười cây hàng tốt, một sợi đai ngọc và đưa ông về sum hiệp với vợ con. Hồn Quang Nhụy tạ ơn.

Long Vương sai Dạ Xoa đem thây Quang Nhụy lên mà huờn hồn lại.

Còn Tiểu thơ cúng rồi khóc than thảm thiết, vùng nhảy xuống sông, Huyền Trang nhảy theo kéo lại, ai nấy xúm lại khuyên giải, xảy thấy thây Quang Nhụy nổi lên tấp lại mé sông.

Tiểu thơ nhìn quả thây chồng, hối quân vớt lên ôm thây mà khóc lớn, ai nấy lấy làm lạ, áp lại mà coi.

Trần Quang Nhụy tỉnh lần, lồm cồm ngồi dậy, ai nấy hãi kinh lấy làm lạ!

Trần Quang Nhụy mở mắt thấy vợ và cha vợ, với sãi nhỏ đồng ngồi khóc bên mình, mới hỏi rằng:

- Làm cái gì lạ vậy?

Tiểu thơ nói hết tự sự cho chồng nghe, rồi hỏi thăm rằng:

- Chẳng hay vì cớ nào mà mình sống lại?

Quang Nhụy nghe rõ, liền tạ ơn cha vợ, và thuật chuyện cho vợ con nghe rằng:

- Nhờ thả cá vàng tại tiệm Vạn Hoa, chẳng ngờ là rồng sông ấy, khi thằng ăn cướp đánh chết mà xô thây xuống nước, nhờ vua rồng (Long Vương) ấy cứu ta, đến nay đưa lên và cho đai ngọc, hàng, châu, buộc vào lưng ta đó, không dè sinh con đã bây lớn, nhờ ơn cha đến báo cừu, chi xiết nỗi vui mừng, thiệt hết suy tới thạnh.

Ai nghe cũng mừng rỡ, Thừa Tướng truyền dọn tiệc mà đãi quan quân.

Bữa sau đồng kéo binh về, đi ngang tiệm Vạn Hoa, Trần Quang Nhụy truyền dừng binh, dắt con đi tìm mẹ.

Còn Trương Thị chiêm bao thấy cây khôn mà trổ bông, sáng ngày nghe quạ kêu inh ỏi sau hè, bèn nói rằng:

- Có khi cháu đà về đó.

Giây lâu thấy cho con Quang Nhụy vào lạy mừng tỏ hết mọi điều, níu nhau mà khóc, rồi tính nợ thượng niên trả tất, kẻ xe người ngựa về tới Trường An.

Ðến dinh rồi, hai vợ chồng dắt mẹ và con vào ra mắt Phu nhân trong phủ.

Phu nhân mừng rỡ dọn tiệc đãi đằng.

Thừa Tướng nói:

- Tiệc này là tiệc đoàn viên (sum hiệp) ăn uống cùng nhau hỉ hạ.

Bữa sau Thừa Tướng vào chầu, tâu rõ các việc, và xin cho Trần Quang Nhụy làm quan tại trào; vua Thái Tôn nhậm lời, phong Quang Nhụy làm Hàn lâm học sĩ, coi việc trong trào, phán rồi bãi chầu, ai về dinh nấy.

Huyền Trang về nhà lại cha mẹ, đem bạc tiền làm chùa lại, và đền ơn thầy xong, rồi về thăm không chịu ở thế, nên cha mẹ biểu vào chùa Hồng Phước mà tu cho gần. Huyền Trang đi tu rồi, sau Tiểu thơ ở nhà uống thuốc độc mà chết êm.

Chuyện ấy chẳng nói chi cho kỹ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui