Triệu Phước, Triệu Lộc đang rao bán một cục đá cột chó, bỗng có hai người từ đầu kia đi lại hỏi:
- Cục đá này anh bán bao nhiêu tiền?
- Phải đúng một vạn lượng bạc mới bán.
Hai người nghe nói, lặng thinh quay gót định đi. Tế Điên nói:
- Xin hai vị khoan đi vội, chúng tôi muốn bán nhiều quá cũng bán không được. Hai vị cứ trả giá đi, chúng tôi thấy vừa giá thì bán. Hai vị muốn trả thấp là trả giá bao nhiêu?
- Có người đem cho chúng tôi một con chó, nó cứ chạy mãi. Tôi muốn lấy sợ dây cột nó vào cục đá cho đừng chạy nữa. Mấy vị ra giá cao quá, tôi lại nói giá quá thấp, xin đừng buồn. Cục đá này bán cho tôi 100 tiền nhé!
Tế Điên nói:
- 100 tiền cũng được, mấy vị có trả đủ tiền không?
- Cũng được. Để tôi trả đủ tiền cho quí vị.
Nói xong lấy tiền trả đủ rồi thuê một người rảnh việc vác đem đi.
Triệu Phước nói:
- Thưa Hòa thượng, cục bửu bối nầy mà bán có 100 tiền, làm sao rẻ như vậy được?
Tế Điên cười ha hả, nói:
- Cục đá ấy trừ hai đó ra không ai thèm lấy tới đâu, 100 tiền chỉ đủ tiền công vác mà thôi. Hai người chia một nửa, mỗi người lấy 50 tiền, Hòa thượng ta không cần lấy một xu nào cả. Các ngươi muốn đi buôn, ta mới dẫn các ngươi đi tìm bửu bối. Tại vận các ngươi chưa tới, chứ không phải ai cũng gặp được như vậy đâu nghe.
Hai người nghe nói thế cũng không dám nói gì, chỉ buột miệng nói:
- Thôi rồi, công lao bọn mình đi đứt, một vạn cũng không dính túi!
Tế Điên bảo:
- Đi mau, đi mau!
Mọi người đang đi, bỗng nghe phía trước có tiếng la:
- Tránh ra, tránh ra mau! Con mẹ điên đó, gặp ai đánh nấy đó đa!
Tế Điên nghe nói, nghĩ rằng chắc có điều gì uẩn khúc, bèn vỗ linh quang ba cái, miệng lẩm nhẩm:
- Hay a! Việc này ta đâu thể bỏ qua để người này mắc nạn được!
Vừa nói dứt, thì thấy có một người đàn bà từ phía Tây đi lại. Người này tuổi độ hơn 20, tư dung thanh tú, mặc áo dài lam, quần vải xanh, tóc tơ rối nùi, miệng hô:
- Lại đây, bọn bây theo ta về Tây phương chầu Phật Tổ!
Tế Điên thấy thế đã rõ biết hết cũng cất tiếng la:
- A, a! Tránh ra, tránh ra, ta cũng nổi điên đây!
La xong, co giò chạy một mạch tới trước. Triệu Phước, Triệu Lộc cũng lật đật chạy theo.
Đầu đuôi sự việc ấy như thế này: Trong huyện Côn Sơn có một thân sĩ tên là Triệu Hải Minh, tự là Tịnh Ba, nhà rất giàu mà dưới gối chẳng có con trai, chỉ có một mụn con gái tên là Ngọc Trinh. Nàng này quả là thu thủy, làn da bạch ngọc tháp cốt, dung tư yểu điệu, phẩm chất đoan trang, biết tam tùng, rành tứ đức, tường tận thất trinh cửu liệt, học nhiều sách thánh hiền, rộng xem gương liệt nữ. Triệu Hải Minh cưng như trứng mỏng, trong nhà gia sản lớn, lại là thân sĩ, mà đã 18 tuổi cô nương vẫn chưa gá nghĩa với ai. Đó là do tính tình của Hải Minh hơi kỳ quái, lúc trước có người đến làm mai mối cho cô nương bị Hải Minh mắng chửi đuổi ra cửa. Từ đó đám mai dong sợ quá không dám bén mảng tới. Hải Minh có một người em họ tên là Triệu Quốc Minh là một hương thân mà cũng là một nhà giàu có tại địa phương, đã làm quan chức Võ doanh, Lý Thiên Hộ, về sau từ chức ở nhà nuôi mẹ. Ông ấy là một người chánh trực, một hôm đến thăm anh là Triệu Hải Minh. Hai người cùng nhau đàm luận tại thư phòng, Triệu Quốc Minh hỏi:
- Huynh trưởng năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Ta đã 58, hiền đệ quên rồi sao?
- Còn chị năm nay bao nhiêu rồi nhỉ?
- Bà ấy năm nay 60, hơn ta hai tuổi.
Triệu Quốc Minh nghe xong gật đầu, nói:
- Huynh trưởng lại có thể sống tới 58 năm nữa à?
Hiền đệ nói câu đó sai rồi, người ta nói:
Thọ yểu cùng thông là số mạng
Vinh quang phú quí bởi do ta!
Tuổi thọ có ai định chắc được.
- Đã như thế, tôi xin có câu này nói với anh: Cháu nhà này đã 18 tuổi rồi, có mai mối đến cầu thân, anh mắng chửi người ta lại còn đuổi ra khỏi nhà nữa. Việc đó có phải là đợi chừng anh nằm xuống, cháu nó tự đi kiếm chồng à? Từ xưa đến nay trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng là lệ chung ở đời mà!
Triệu Hải Minh nghe nói, thở dài tiếp:
- Tại hiền đệ không rõ đó thôi! Không phải là ta không muốn gả chồng cho cháu, ngặt vì những người mai mối họ đề cập đến bọn con em chẳng ra gì, xuất thân từ cội nguồn không tốt, bọn họ đều không đúng ý tạ Ý ta muốn tìm cho cháu một tấm chồng giàu nghèo không đáng kể, chỉ cần là người gia giáo, ngũ quan tướng mạo đoan chính, không thích phù hoa là được rồi! Gả nhầm một tên lãng đãng, há chẳng phải làm hại một đời con gái mình sao? Vả lại hôn nhân là việc quan trọng, không nên quá hồ đồ mà thành ân hận.
- Hôm nay tôi đến đây là cũng là vì hôn nhân của cháu đó. Ở ngõ phía Tây nhà tôi có vị Hiếu liêm Lý Văn Phương. Ông ta có một người em ruột là Lý Văn Nguyên, mới nổi tiếng văn học, đi thi có thể trúng Tam nguyên, người ta khen là bậc tài tử. Năm nay cậu ấy mới có 18 tuối, tôi nghĩ người này về sau chắc sẽ đỗ đạt cao.
- Được, ngày mai hiền đệ dẫn Lý Văn Nguyên đến chơi, nhân tiện ta xin một đôi liễn để xem nhân phẩm cậu ta như thế nào?
Triệu Quốc Minh gật đầu đồng ý. Hôm sau cơm sáng xong, Triệu Quốc Minh cùng Lý Văn Nguyên cùng đến, Triệu HảI Minh nhìn thấy quả là người phong thần tiêu sát, khí vũ hiên ngang, ngũ quan thanh tú, phẩm hạnh khác người, Triệu Hải Minh vội mời vào thư phòng tiếp đãi, gia nhân dâng trà, Triệu Hải Minh nói:
- Tôi đã ngưỡng mộ đại danh mà chưa có dịp bái phỏng.
Lý Văn Nguyên nhỏ nhẹ thưa:
- Vãn sinh suốt ngày đọc sách ỏ thư phòng, việc thù tiếp bên ngoài đều do gia huynh định liệu, sự quen biết vãn sinh rất thiếu sót.
Chuyện vãn mấy câu, lại bàn đến thi văn, Lý Văn Nguyên đối đáp rất thông minh, Triệu Hải Minh lấy làm đẹp dạ. Lát sau tiểu đồng mài mực, Triệu Hải Minh xin Lý Văn Nguyên viết cho đôi liễn. Lý Văn Nguyên không từ chối, bèn kê bút viết ngay:
Thư đáo dụng thời phương hận thiểu,
Sự phi kinh quá bất tri nan.
Dịch:
Sách đến lúc dùng, hiềm chưa đủ,
Việc chẳng mó tay, há dễ tường.
Bút pháp rất thanh tú, Triệu Hải Minh càng quý trọng hơn nữa. Việc xong, nói chuyện trong giây lát, Lý Văn Nguyên xin cáo từ, Triệu Hải Minh đưa tới bên ngoài. Vào tới trong, Triệu Hải Minh dặn Triệu Quốc Minh lo xúc tiến việc hôn nhân. Ba tiếng năm lời giáp mặt, giao kết hôn sự đã xong, bèn đem trà lễ đến vấn danh, hơn nữa tháng sau lại làm trà lễ nghinh hôn, Triệu Hải Minh đưa theo của hồi môn không ít. Sau ngày hôn lễ, vợ chồng Lý Văn Nguyên sống rất hòa thuận. Hơn một năm sau, cũng là lúc Lý Văn Nguyên đi ứng thí. Khi thi xong, Lý Văn Nguyên tin chắc là mình sẽ đậu. Ngờ đâu không cần văn chương cao hơn thiên hạ mà chỉ cần văn chương đúng luật trường thị Sau khi thi tam trường xong, coi lại, tên ngoài bảng hổ, đứng dưới Tôn Sơn! Lý Văn Nguyên buồn quá phát bệnh. Về nhà cứ nói:
- Quan trường không có mắt, văn chương như vậy mà không đậu!
Bịnh mỗi lúc càng nặng thêm, báo hại Ngọc Trinh áo chẳng mở dải, ngày đêm túc trực cận kề. Nào ngờ đại hại khó qua, khác nào:
Trăng tỏ áng che mây vạn lý,
Hoa đẹp dập vùi mưa suốt canh.
Lý Văn Nguyên bị căn bệnh cướp đi giữa sự nghẹn ngào thương tiếc của người vợ trẻ. Triệu Hải Minh nghe báo tin như rơi từ dốc đứng, hai vợ chồng già vội thu xếp đến nhà họ Lý, nhìn thấy thi thể Lý Văn Nguyên, than khóc không ngừng. Vào đến phòng con gái, thấy Triệu Ngọc Trinh đôi mắt ráo hoảnh, Triệu Hải Minh và vợ là Hoàng An thị nói:
- Con ơi, số mệnh con sao khổ thế này, chồng con qua đời sao con không có chút thương tâm nào vậy?
- Thưa cha mẹ, số con quả là hồng nhan bạc mệnh! Hiện con đang có mang đã hơn 6 tháng, giờ đây tuy ruột gan rời rã con cũng không dám khóc, sợ động tới thai nhi mà mang tội bất hiếu. Sau khi sanh ra, nếu là con trai, có thể tiếp nối hương khói cho dòng họ Lý, nếu là con gái thì cũng là chứng tích máu thịt của chồng con.
Nói rồi bật khóc nức nở. Hai vợ chồng Triệu Hải Minh chỉ còn có nước vừa khuyên giải, vừa buồn lòng thương xót thôi. Lý Văn Phương lo rước thầy khai kinh tụng niệm. Qua mấy ngày tang lễ đã xong, Triệu Ngọc Trinh khổ giữ trinh tiết. Ba bốn tháng sau, gần ngày sinh nở, bụng thai động nhiều, bèn cho người mời cha mẹ ruột đến. Lúc lâm bồn có rước mụ đỡ đẻ cẩn thận. Đứa con sanh ra là một bé trai, đặt nhũ danh là: Mạc Lang nhị Theo tục lệ, mỗi khi chồng chết, sương phụ sanh con trai, đều đặt nhủ danh cho đứa bé là Mộ anh nhi, đó là nói trại, gọi đúng phải là Mạc Sanh nhị Triệu thị sau khi sanh con liền dọn ra ở một nhà riêng thủ tiết ba năm. Trẻ hầu không gọi không được tới. Vợ chồng Triệu Hải Minh cũng thường tới lui thăm viếng con gái. Một hôm, Ngọc Trinh nói với cha mẹ:
- Thưa cha mẹ, ngày mai là sinh nhật của đại ca Lý Văn Phương, xin ba má sắm sửa một ít lễ vật chúc mừng, trước là đến chúc thọ, sau nữa là đến nhắc nhở anh ấy quan tâm đến đứa bé côi cút này.
Vợ chồng Triệu Hải Minh gật đầu, nói:
- Để mai chúng ta đến chúc mừng chú ấy.
Ngày kế, Triệu Hải Minh cho người đưa lễ vật: đèn sáp, rượu ngon, đào, bún và một cuộn chúc thọ đến trước, rồi phu nhân ngồi kiệu, viên ngoại cỡi ngựa, bọn tôi hầu theo sau. Trước cổng nhà họ Lý, quang cảnh thật nhộn nhịp, ngựa xe chật ngõ, chẳng có quen nhân dịp cố làm quen. Thực ra Lý Văn Phương là thân sĩ tại địa phương, giàu có lớn lại đỗ Hiếu liêm, cả địa phương ai mà không trọng vọng. Lễ sinh nhật này, cả giám sinh viên, thân hào phú hộ của huyện Côn Sơn đều đến chúc mừng Lý nhân tròn 30 tuổi. Trong nhà đã bày sẵn cỗ bàn để tiếp đãi thân hữu. Vợ chồng Triệu Hải Minh vào bên trong chúc mừng xong, Lý Văn Phương nói:
- Thưa bác, từ ngày em cháu qua đời, lâu nay vì bận nhiều chúng ta chưa rảnh để hàn huyên. Hôm nay sẵn dịp vui vẽ này, đợi tối lại khách khứa về hết, chúng ta sẽ bày tiệc thô sơ để hàn huyên sự thế.
Triệu Hải Minh gật đầu đồng ý. Đến đỏ đèn, khách khứa đã về hết, Lý Văn Phương cho bày một tiệc rượu tại thư phòng cùng Triệu Hải Minh ngồi đối diện lai rai. Chuyện theo ứng rượu càng nồng, phút chốc canh một qua mau. Bỗng từ bên ngoài đi vào một cô gái hầu, trong tay cầm một ngọn đèn tắt ngấm, đứng trước bàn nói:
- Thưa cụ Ông, thưa viên ngoại, không xong rồi! Vừa rồi tôi sợ muốn đứng tim! Hồi nãy cụ bà và bà chủ đang uống rượu bên thư phòng, bảo tụi con đi mời mợ hai (nhị chủ mẫu) lên dự, con vừa lên trước phòng Đông, đối diện với thư phòng trong thì thấy có một bóng đen đứng lù lù ở đó, con sợ hết hồn té chạy đèn đuốc tắt mất!
Lý Văn Phương và Triệu Hải Minh nghe nói, trong lòng lấy làm kỳ lạ, bèn đốt lồng đèn lên, hai người cùng lên cửa Đông viện bảo tớ gái gọi cửa. Cô gái kêu:
- Mợ hai ơi, mở cửa!
Bên trong có tiếng bước chân đi lại rồi cửa mở, một bóng đàn ông trần trục chạy vọt ra…