Tế Công Hoạt Phật


Sau khi được vị lão trượng chỉ đường, Lôi Minh, Trần Lượng đi thẳng về hướng Bắc. Không xa đó quả nhiên có tiệm gạo Đức Thái Dũ ở phía Đông đường. Cách vách tường của tiệm về hướng Bắc có một con đường khá lớn. Theo con đường Hưng Long ấy đi một đỗi thấy bên đường trước mặt có một cái cổng to với hai cây hòe lớn bên ngoài. Trên cổng có một biển đề: "Lạc thiện hiếu thi". Trần Lượng xem kỹ biết bên trong thế nào cũng có nội quái. Nội quái là gì? Đó là tiếng lóng của giới giang hồ lục lâm, gọi những người mhận công việc bảo tiêu là nội quái, những người múa võ kiếm ăn trên đường là tinh quái. Trần Lượng quan sát rồi cùng với Lôi Minh đi qua phía Đông, thấy bên Đông của cửa lớn có một đường hẻm nhỏ ở bên chạy về hướng Bắc. Lôi Minh, Trần Lượng cùng bước vào con đường hẻm nhỏ ấy. Con đường này rất hẹp, rộng ước chừng hai thước (60m). Trần Lượng nói:
- Nhị ca, anh coi con đường hẻm nhỏ này, nếu đằng kia có ai mập mạp một chút đi lại thì hai bên chen nhau có thể không lọt lắm đấy.
Hai người đi thẳng vào con đường hẻm xem thử. Bên trong vách tường phía Tây là hoa viên của nhà họ Triệu. Lôi Minh, Trần Lượng đứng trên gò cao nhìn qua một lượt. Bên trong hoa viên bài trí rất lớp lang với những giá sơn đá đâm tua tủa, nguyệt nha hà, mẫu đơn đình, đậu tường vi, chiếc thuyền con, lưu phong các, đình đụt nắng, đình thưởng tuyết. Thật là hoa nở bốn mùa không ngớt, cỏ thơm tám tiết xanh rờn. Chính giữa vườn hoa có một nhà lầu ba gian. Trước những cửa sổ đều có treo màn. Mấy đứa a hoàn bộc phụ đang cầm giỏ nhỏ xuống lầu hái hoa, hái xong đem trở lên lầu. Trần Lượng nói:
- Nhị ca này, anh xem trên lầu chắc là có phụ nữ ở, nhưng vì mắc tấm rèm che chắn nên không nhìn rõ được bên trong là cô nương hay thiếu phụ.
Hai người cũng không dám nhìn lâu vì sợ e người mhà họ Triệu trông thấy. Trần Lượng nói:
- Nhị ca, tối nay bọn mình sẽ do con đường này vào dọ thám nhé.
Nói rồi hai người cùng trở ra ngõ hẻm. Vừa đến đầu hẻm thấy ở cổng nhà Triệu thiện nhân người vây đông nghịt. Trần Lượng ngạc nhiên nói:
- Hồi nãy mình mới vào đường hẻm này đâu có ai, sao bây giờ đông nghịt vậy kìa?
Nói rồi bèn vẹt mọi người tiến vào xem. Bên trong là một thiếu phụ còn nhỏ tuổi, đầu chít khăn tang, mình mặc hiếu phục, lưng thắt dây gai. Một ông lão đứng kế bên cầm tờ giấy trải trên đất. Trên tờ giấy viết sẵn tờ cáo bạch: Kính cùng chư vị tứ phương: Tiểu phụ nhân họ Lưu, nhà ở cuối đường phía Bắc ngõ Hưng Long này. Chỉ vì gia đình quá nghèo túng, bà gia tôi lo lắng lâu ngày, bệnh cũ nhân đó tái phát, thuốc thang vô hiệu, vừa tạ thế vào giờ Thân ngày hôm quạ Chồng của tiểu phụ nhân vốn sống bằng nghề buôn bán lặt vặt, mấy lúc nay bị ghẻ độc hành hạ không thể day trở được, bà già tôi vừa qua đời, áo mền quan quách đều không có, nhà đang chạy ăn từng bữa, không còn gì để bán được. Gặp cảnh khốn khó này chẳng biết phải làm sao! Cùng kế khả thi, chỉ trông cậy vào lòng trắc ẩn của chư vị bốn phương. Ngày xưa nhờ có thuyền thóc hỗ trợ mà khỏi được ốm o của ngựa kém. Xưa nay đều như thế. Thảng như nhờ lòng thương của chư vị ra sức giúp vun, góp ít thành nhiều, trọn nên nghĩa cử. Bà gia của tiểu phụ nhân được cất chôn kín đáo, thật là một ân đức không gì sánh kịp!
Nói xong, Lưu thị dập đầu bái tạ.
Trần Lượng xem thấy hoàn cảnh thật đáng thương tâm. Lại nghe ông lão đứng kế bên nói;
- Thưa các vị đại gia, người phụ nữ này là hàng xóm của lão hán. Nhân vì bà già chồng của cô ta vừa mới mất, chồng cô ta lại bị ghẻ dữ không thể tống táng được. Tôi đi với cô ta đến đây, cầu xin bốn phương quân tử mở lòng nhân từ, ra tay làm phước, mỗi người một ít giúp qua cơn nghèo ngặt.
Có người ưa làm việc bố thí, nghe thấy hoàn cảnh đáng thương vừa mới rút tiền ra, thì có người khác đứng kế bên nói:
- Lão huynh, anh đừng vội tin! chuyện này biết thiệt hay giả đấy? Coi chừng họ kiếm chuyện làm tiền anh đấy!
Vì câu nói ấy mà người nọ rút tay ra không! Thật là: "Một câu nói nên nhà, cũng một câu nói mà nát cửa" . Người vừa nói câu phá bình ấy họ Trần, tên là Sự Bất Túc, ngoại hiệu là Hoại sự hữu dư "rớ đâu hư đó" . Trần Lượng nói
- Nhị ca này, đây là việc tốt, chúng ta nên giúp đỡ cô ta.
Lôi Minh đáp: Phải đó!
Nói rồi rút ra một nắm bạc có hơn 10 lượng đưa cho người thiếu phụ ấy. Trần Lượng cũng móc bạc đưa thêm và nói:
- Khoản bạc này tính chung ước 40 lượng, cô hãy đem về nhà lo mua sắm quan tài và các vật dụng tang ma, khỏi phải trước mọi người kêu cầu nài nỉ.
Người thiếu phụ thấy Trần Lượng đưa cho số tiền lớn như vậy, lật đật hỏi:
- Xin hỏi nhị vị ân công quý tánh đại danh là gì?
Trần Lượng đáp:
- Cô khỏi cần hỏi tên họ tôi làm chi, chúng tôi không phải là người ở vùng này, đừng tính chuyện đền đáp làm chi, hãy trở về nhà lo việc thì hơn!
Người phụ nữ không ngờ gặp người qua đường có lòng tốt như vậy. Cô ta cốt đến đây để xin Triệu thiện nhân giúp đỡ mà thôi. Trước kia, Triệu thiện nhân thường hay thí xả quan tài cho người nghèo khó. Cũng bởi bọn vô sỉ lợi dụng lòng tốt của người, nhà không có người chết, cũng mặc áo sô đến nhà họ Triệu dập đầu xin quan tài, gạt lấy áo quan tài đem ra trại hòm bán lại. Vì thế hiện tại nhà họ Triệu không phát tâm thí áo quan nữa, trừ khi thấy đúng nhà có người chết mới chọ Người phụ nữ này định đến cửa nhà họ Triệu để xin Triệu thiện nhân. Nào ngờ được Lôi Minh, Trần Lượng giúp đỡ ột số bạc, người ấy hết lòng cảm tạ rồi trở về nhà.
Lôi Minh, Trần Lượng làm nghĩa cử ấy xong bèn về hướng Tây, ngõ Hưng Long, tìm một quán rượu vào ăn uống. Nhâm nhi mãi cho đến trống đổ canh hai, hai người tính tiền rượu rồi bước ra khỏi quán. Tìm chỗ vắng lấy bao đồ dạ hành lôi ra quần áo đen khăn đen để thay đổi. Trên đầu cột chiếc khăn đoạn màu đen, bên trên đội một cái mũ xẻ ba, khắp người quấn dây La hán đầu gút mối, trước ngực đính hình con bướm, hai cánh phủ đến cạnh sườn; trước đầu bướm là túi bát bửu, bên trong đầy đủ những vật dụng cần thiết như: thiên lý hỏa, đèn tự minh, nạy cửa khoét song... khố đen vớ xanh với đôi giầy đế cao. Đơn dao đút vào bao da cất kỹ, quần áo mặc ban ngày bỏ hết vào bao cột kỹ bên mình. Sửa soạn xong, hai người cất mình nhảy lên nóc nhà, dùng thuật phi thiềm tẩu bích lướt đi vùn vụt.
Hai người đi đến một ngôi nhà gồm có ba gian. Trong gian phía Đông có ánh đèn thấp thoáng, bóng người lung linh. Bỗng nghe có tiếng người nói:
- Nương tử cúng hai vị ân công chưa? Đốt hương chưa?
Có tiếng đàn bà đáp lại:
- Đã cúng rồi!
- Nương tử đi nghỉ chút đi! Ngày mai hãy đi mua quan tài. Thật tội cho nàng, hôm nay phải cực khổ quá! Nàng hãy nằm ngủ một chút. Kể ra ông trời cũng không nỡ đẩy người đến bước đường cùng, mới khiến cho gặp được người xem tiền như rác thế ấy.
Trần Lượng nằm trên nóc nhà nghe tiếng nói hơi quen, bèn kéo Lôi Minh nhảy xuống, đến bên cửa sổ lấy nước miếng thấm ướt dùi một lỗ nhìn vào: Trên đất nằm ngay ngắn một người đã chết, ấy là lão thái thái. Ngay phía trước là một cái giường tre, trên giường một người đàn ông chừng 30 tuổi, trên bắp vế mọc mụn ghẻ to bằng cái chén. Dựa vách phía Đông có đặt một chiếc bàn. Trên bàn thờ, một bài vị trên viết: - Nhị vị ân công thần vị. Trước bài vị, ba nén hương còn cháy dở. Một người phụ nữ đứng dưới đất chính là thiếu phụ chít khăn sô xin tiền quan tài lúc ban chiều. Người thiếu phụ sau khi thổi tắt đèn bèn đến bên giường, vẫn để nguyên áo, nằm xuống ngủ.
Trần Lượng kéo Lôi Minh ra góc tường Đông thì thầm:
- Nhị ca ơi, không xong rồi! Bài vị thờ trên bàn là người thiếu phụ ấy viết tên chúng ta đó.
- Thờ thì thờ, có sợ gì?
- Tại nhị ca không đọc sách nên không biết đó chớ. Hồi xưa vào thời Tùy Đường có vị tên Tần Quỳnh tự Phúc Bảo, ông ta cứu mạng Đường Vương Lý Uyên ở núi Lâm Đồng, Đường Vương hỏi họ tên ông là gì? Tần Quỳnh chạy xa nói với lại: Tôi tên là Tần Quỳnh. Vừa nói vừa đưa tay khoát. Đường Vương Lý Uyên nghe không rõ, tưởng là Quỳnh Ngũ. Trở về bèn thờ bài vị Quỳnh Ngũ đại tướng quân. Báo hại Tần Quỳnh sa sút đến nỗi phải cầm cây giản và bán con ngựa quý của mình ở thành Lộ Châu đấy. Bọn mình là bọn phàm phu tực tử mà bị thờ như vậy, há không tổn phước mà tàn mạt hay sao?
- Vậy để ta trộm quách bài vị cho xong.
- Anh lấy cắp rồi ngày mai họ lại viết bài vị khác.
- Vậy phải làm sao bây giờ?
Hai người nói chuyện tới đó bỗng nghe từ bên ngoài có cục đất ai ném vào. Lôi Minh, Trần Lượng đoán chừng Hoa vân long đi hái hoa ngang qua đây. Hai người lật đật đứng nấp vào góc tường nhìn ra. Từ bên ngoài vách nhô lên một cây sào dài, bên trên cột cây ngang, đó gọi là cái thang rết. Một tên trộm vặt từ bên ngoài leo vào, mắt nhìn quanh bốn phía. Tên trộm vặt vừa mới đến họ Tiền, tên là Tâm Thắng. Tên này vốn là người ở đường hẻm Hưng Long, thường ngày chẳng làm chi cả trừ việc ăn nhậu và đánh bạc. Bao nhiêu sản nghiệp tiêu ma hết, vợ con cũng buồn tình bỏ đi nốt. Trưa hôm đó hắn thấy bọn Lôi, trần giúp đỡ Lưu Vương thị một gói bạc độ 40 lượng, Tiền Tâm Thắng hận không được số tiền ấy. Tối lại hắn mới nảy ra ý gian, bèn làm một cái thang rết, đem đền nhà họ Lưu, leo lên tường dò thử rồi theo thang tuột xuống. Hắn rút ra một con dao nhỏ, đi đến cửa nhà trên cạy cửa một cái rồi nghe thử, cạy đôi ba lượt cửa mới bật mở. Tên trộm bước vào dòm thử, trong nhà chẳng có tủ rương chi, vợ chồng Lưu, Vương ngủ say như chết. Vì không có chỗ cất tiền, Lưu Vương thị bèn nhét tiền dưới mép chiếu. Tên trộm mò mẫm một lát liền vớ phải, lòng mừng khấp khởi, lật đật bước ra khỏi nhà, theo thang trèo lên tường. Đứng trên tường bỏ thang ra ngoài rồi trèo xuống. Lôi, Trần hai người đứng rình thấy rõ tất cả, bụng mắng thầm: "Hay cho tên trộm này! Thật là lòng lang dạ sói! Nhà người ta có người chết không tiền mua quan tài, phải dập đầu năn nỉ mọi người làm phước. Vậy mà nó nỡ lấy trộm của người ta chớ!". Trần Lượng tức giận phừng phừng nói:
- Nhị ca, anh đứng đây đợi tôi một lát nhé. Để tôi chạy theo nó.
- Phải đó!
Trần Lượng rút dao, nhảy khỏi tường chạy theo tên trộm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui