Tế Điên Hòa Thượng

Dạo Tây vào quán rượu nghe chuyện phiếm

Nổi xung thiên đêm tối lẻn Tô Gia

Khi Tế Điên ra đến cửa thì Trần Lượng đã đi xa rồi, Tế Điên bèn tức tốc
đuổi theo. Trần Lượng lúc đó chạy thật mau quanh mấy thôn trang rồi mất
dạng. Trời hừng sáng, Tế Điên đến Tường Vân quán. Nơi đây điện nhà Đông
nhà Tây đều bị thiêu rụi. Mọi người đến chữa lửa hãy còn chưa về. Phía
Tây có hơn một chục người xúm dụm lại, Tế Điên bước tới đó thấy Lưu Diệu Thông khắp người bị phỏng rộp đang thở dốc hấp hối. Tế Điên động lòng
trắc ẩn mới bước tới đến gần, nói:

- Đạo gia! Ngươi thấy trong lòng thế nào?

- Bạch Thánh tăng, tôi không có mắc tội với Ngài, chuyện vừa rồi do sư
huynh tôi làm việc bất chính nên phải gặp ác báo. Xin sư phó từ bi cứu
giúp cho tôi với!

Tế Điên cười ha hả, nói:

- Ông đã biết là tuần hoàn, làm oan nghiệt phải gánh lấy tai họa là tốt rồi, thôi để ta cho ông một viên thuốc là xong ngay.

Một vị quan địa phương đứng bên vội cản:

- Không được đâu, ông Hòa thượng đừng có lắm chuyện, ông cho uống thuốc vào rủi ro có bề gì thì càng rối thêm!

Diệu Thông nói:

- Không hề chi, uống thuốc vào dẫu có chết, ông Hòa thượng cũng không có can chi mà, tại mạng số thế thôi!

Mọi người có mặt cùng nói:

- Thây kệ! Ông muốn uống thuốc cứ cho uống, hơi nào mà lo.

Tế Điên bảo một người đem đến chén nước, đoạn lấy ra một viên thuốc đưa
cho Lưu Diệu Thông uống, Diệu Thông uống xong giây lát bụng sôi ục ục,
những mụt phồng rộp đều vở ra chảy nước, không còn nghe đau nhức nữa.
Mọi người chứng kiến đều buột miệng nói: - Thuốc hay thiệt!

Một người đứng sau Tế Điên nói:

- Hay quá, thật là thuốc thần tiên, linh đơn diệu dược có khác!

Tế Điên quay lại nhìn, thì ra là một người mình cao tám thước, lưng nhỏ
vai rộng, đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi bằng đoạn màu lam, bên trên gắn
sáu hạt minh châu lấp lánh, mình mặc áo tiễn tụ bào trắng thêu làm nổi
bật sợi tơ vàng thêu ngang lưng, chân đi giày đế mỏng lộ ra màu vớ xanh
nhạt, mặt như ngọc trắng với chân mày chữ bát trên đôi mắt sáng long
lanh, ngũ quan rất thanh tú. Tế Điên quay lại nhìn mặt người ấy, bỗng
thốt lên "a!" một tiếng. Người ấy lật đật co giò bỏ chạy, Tế Điên cũng
gấp rút đuổi theo. Người bỏ chạy không phải ai xa lạ mà chính là Thánh
thủ bạch viên Trần Lượng. Nhân vì khi hôm Trần Lượng bị Tế Điên đuổi
theo miết, đến quá nửa đêm không còn nghe tiếng dép phía sau mới dáng
ngừng lại tìm chỗ nghỉ đỡ, sáng ra lật đật thay đổi đồ mặc ban ngày,
định đến Tường Vân quán xem Lưu Diệu Thông sống chết ra sao! Vừa đến
thấy Tế Điên cho thuốc cứu mạng Diệu Thông bèn buộc miệng khen haỵ Hòa
thượng nghe tiếng, ngoái lại "a" một tiếng, Trần Lượng tự động quay mình bỏ chạy, Tế Điên cũng chạy theo nốt. Đang chạy, Trần Lượng nghĩ: "Mình
đâu phải là kẻ trộm, Hòa thượng cũng đâu bắt mình, tại sao mình chạy? Để coi ổng đuổi theo mình làm chi cho biết?".

Nghĩ rồi bèn đứng lại, Tế Điên cũng vừa trờ tới, Trần Lượng hỏi:

- Này Hòa thượng, ông rượt theo tôi chi vậy?

- Tại sao ngươi lại chạy chi vậy?

Trần Lượng nghe nói cũng tức cười, mới nói:

- Bạch Hòa thượng, tôi biết lão nhân gia là một bậc cao tăng. Xin nhân
gia thâu nhận tôi làm đồ đệ, tôi xin nguyện theo Ngài để xuất gia!

Tế Điên lắc đầu lia lịa, nói:

- Không được, không được đâu, ngươi là tên đạo tặc làm sao có thể xuất
gia theo ta được. Bọn xuất gia chúng ta phải kỷ luật là Tam qui Ngũ
giới, Tam quy là: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là không
được làm năm việc: giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói láo và uống rượu.
Ngươi là sao sửa đổi được mà làm những điều này?

- Tôi hiện nay
trên không còn cha mẹ vấn vương, dưới không vợ con cản trở, muốn xuất
gia để xong một đời oan nghiệt cho rồi! Thưa sư phó, những lời người vừa nói, tôi đều có thể làm được.

- Ngươi nói như vậy, ta cũng tạm
nhận cho, vậy ngươi hãy đến Lâm An đợi ta nhé. Hiện nay ta còn chút việc chưa làm xong, chúng ta sẽ gặp lại ở Lâm An nhé!

- Thưa sư phó, người bảo chờ người ở Lâm An mà thành Lâm An quá rộng lớn, tôi biết chờ lão nhân gia ở đâu?

Tế Điên ngẫm nghĩ rồi nói:

- Tới Lâm An, chúng ta sẽ gặp nhau ở sàn để hạ nhé!

Trần Lượng nghe nói, nghĩ rằng: "Ở thành Lâm An chắc có nơi nào có cái tên ngồ ngộ đó", bèn xá Tế Điên, nói:

- Tôi xin đi trước, đến Lâm An đợi lão nhân gia.

- Ờ, ngươi cứ đi trước đi.

Trần Lượng cáo từ, cũng không ghé qua Tường Vân quán thăm Diệu Thông, cứ
theo đường cái một mạch đi thẳng đến Lâm An. Trên đường đi cứ đói ăn,
khát uống, ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đến Lâm An. Trần Lượng lần
đầu mới đến kinh đô, thấy người qua lại như mắc cửi thật là nhộn nhịp,
bèn tìm một quán trọ Ở đường Thiên Trúc ngoài cửa Tiền Đường ở đỡ. Ngày
kế ra khỏi quán, một mình đi tản bộ về phía Tây Hồ, vào chơi Lãnh Tuyền
đình. Đứng ở Lãnh Tuyền đình nhìn ra bốn phía, cảnh đẹp nên thơ, hồ rộng nhìn không thấy bờ, ngắm cảnh giây lát lại thả bộ đi về chùa Linh Ẩn.
Đến trước cổng chùa, thấy có hai vị Tăng gác cổng đang ngồi bên trong,
bèn bước tới hỏi:

- Thưa hai vị sư phó, Tế Công trưởng lão ở chùa này đã về chưa?

- Ôi, ông ấy đi lu bù, ít khi có ở chùa lắm! Có khi năm, bảy bữa, có khi đi ba, bốn tháng mới về, không chừng đổi gì hết!

Trần Lượng nghe nói thế, đành thả bộ trở về, kiếm người hỏi thăm điểm hẹn. Gặp một người hỏi:

- Làm ơn cho hỏi thăm, sàn để hạ Ở đâu?

Gặp ai cũng hỏi. Hỏi không biết bao nhiêu người mà chả ai biết chỗ đó là ở
đâu cả! Buồn quá, Trần Lượng định tìm tửu lầu nào đó uống tí rượu giải
sầu rồi về quán trọ hỏi quản lý xem sao. Nghĩ rồi, bèn quay trở về, đến
đường Thiên Trúc thấy phía Bắc có một tửu lầu với chữ Thiên Hòa tửu lầu
to tổ bố ở trước cổng, bên trong vọng ra tiếng dao bằm thịt lốt bốp gợi
thêm. Trần Lượng vào quán đi thẳng lên lầu lựa một cái bàn kề bên cửa sổ nhìn xuống đường để dễ ngắm người qua lại nhộn nhịp. Trần Lượng mới vừa ngồi xuống ghế, phổ ky lật đật chạy lại lau bàn và hỏi:

- Khách quan dùng chi?

Trần Lượng kêu mấy dĩa thức ăn và mấy bầu rượu, tự rót rượu nhâm nhi một
mình. Uống được mấy chén, Trần Lượng kêu phổ ky lại. Phổ ky hỏi:

- Đại gia cần món gì thêm?

- Thôi, không cần kêu thêm nữa, tôi chỉ nhờ anh một việc là chỉ giúp tôi một địa điểm của thành này thôi.

- Tưởng cái gì khó, chứ còn chỗ nơi thì dễ ợt, đại gia cứ nói đi, ở đây hang cùng ngõ hẻm gì tôi cũng biết hết.

- Ở thành Lâm An này có nơi nào tên là Sàn Để Hạ không? Anh biết chỉ giùm tôi!

- Không có địa danh đó đâu!

Trần Lượng cũng không buồn hỏi lại, trong lòng thầm nghĩ: "Tế Công lão nhân
gia chẳng lẽ gạt tạ Không có địa danh đó ta biết đi hỏi ai bây giờ?".
Đang lúc buồn bực vì hỏi không ra Sàn Để Hạ là ở đâu, bỗng nghe tiếng ồn ào từ dưới đường phố vọng lên. Trần Lượng vội nhìn qua cửa sổ thấy có
một chiếc kiệu nhỏ đi qua với một số người tay cầm đao thương gậy gộc đi theo. Trong kiệu vang ra tiếng kêu khóc hình như đó là một vụ cướp
người giữa ban ngày. Kiệu đi từ Tây sang Đông, giây lát sau lại có một
người đàn ông đi ngược lại từ Đông sang Tây, khắp người máu me thương
tích, cùng với nhóm người ồn ào khi nãy chạy đến dưới tửu lầu mạnh ai
nấy cãi ô ô, a a loạn xạ. Trần Lượng nghe ồn ào mà không hiểu họ nói cái chi, mới hỏi phổ ky:

- Này phổ ky, dưới lầu này có một người bị thương mới đến, anh ta bị ai đánh? Mà sao bị đánh dữ vậy?

Quản lý nói:

- Thưa lão gia, lão nhân gia không phải là người ở địa phương này nên mới hỏi như vậy. Chứ sự thật đáng giận, đáng tức lắm! Lão nhân gia có thấy
người bị đánh vừa rồi đó không? Anh ta họ Vương, anh em một họ với
chưởng quỹ chúng tôi. Vì có tánh hay xía vô chuyện người, giữa đường gặp chuyện bất bình không tha nên anh ta mới bị đánh mang thương tích như
thế.

- Chuyện là thế này, ở xế cổng nhà của mấy người đó có anh
Hàn Văn Thành, sinh sống bằng nghề buôn bán vàng bạc, chỉ vì làm ăn lỗ
lã nên đóng cửa đã lâu, còn thiếu viên ngoại Tô Bắc Sơn 200 lượng bạc.
Hôm nay quản lý của Tô gia đi đòi bạc nợ, Hàn Văn Thành xin khất, đợi
bán nhà xong sẽ trả đủ. Tô quản gia không chịu, bèn đem người tới bắt em gái Hàn Văn Thành là Kim Nương làm con tin. Cả Hàn Văn Thành cũng bị
đánh cho một trận. Ông Vương tam gia ấy ưa xía vô chuyện thiên hạ mới
kéo người tới choảng nhau với họ, bị đánh cho một trận tơi bời, mới kéo
nhau về tìm chưởng quỹ chúng tôi nói cho hả tức! Viên ngoại Tô Bắc Sơn
là một thân sĩ của thành Lâm An này, lại là một tài chủ hạng nhất, kết
giao với quan lớn, ai mà dám đụng đến!

Trần Lượng nói:

- Ở đây sát bên Thiên tử mà còn làm việc bất kể vương pháp như thế, ở ngoài tỉnh xa, họ còn tác tệ biết chừng nào! Bọn côn đồ ác bá đó nhà nó ở
đâu?

- Ở phía Bắc ngã bốn hẻm Thanh Trúc trong thành nội có cái
nhà lớn, cổng cũng lớn. Ngoài ngõ có bốn cây long trảo hòe là nhà của
ông ấy.

Trần Lượng ăn uống xong, trả tiền xuống lầu, lân la đến
hẻm Thanh Trúc thám dọ đường đi nước bước, xem xét các nơi một lượt rồi
vào một quán uống trà, vừa uống trà vừa nghĩ thầm: "Nơi đây là chốn đế
đô mà sao lại có bọn côn đồ ác bá như thế? Hôm nay ta gặp chuyện này đâu có thể ngó lơ được. Tối nay ta sẽ vào giết quách hết cả nhà để cho mọi
người thấy là bao giờ ông trời cũng có mắt". Nghĩ rồi, chờ khi đêm
xuống, cơm nước xong, Trần Lượng tìm chỗ vắng thay y phục hạ hành, đem
đồ ban ngày gói lại và cột chặt vào thắt lưng, đoạn trổ thuật phi hành
leo tường vượt vách chạy qua mấy nóc nhà đến Tô gia để thám thính. Vào
đến Tô gia thấy nhà toàn bằng gạch, phòng ốc lộng lẫy, trước hàng ba sau đại sảnh rất là tráng lệ. Ở gian nhà phía Tây, có ánh đèn lung linh dọi ra và tiếng người nói chuyện. Trần Lượng lẻn đến gần nghe trong nhà có
tiếng gọi:

- Thu Hương đâu, đem trà lên cho ta!

Trần Lượng nép bên cửa sổ nhìn vào thì thấy bên trong là một cái phòng cuốn nhỏ.
Trên tường phía Bắc treo hình hoa lê rất đẹp, trên bàn trang trí những
đồ cổ, một cái giường lớn kế bên rèm bên trên đặt một cái tợ. Ngồi bên
tợ là một phụ nữ trung niên độ ngoài 40 tuổi, ngũ quan thanh tú đang
dùng trà, có hai a hoàn và hai bộc phụ đứng kế bên hầu trà. Kế nghe vị
phu nhân nói:

- Viên ngoại sao giờ này chưa về, đi đâu hoài không biết! Nhà ta không có đàn ông bảo ta không lo sao được!

Lại thấy một vị xử nữ nói:

- Thưa thái thái, viên ngoại chúng ta không về thế nào cũng có tin về cho mà! Nhà trong này nếu không có lệnh gọi đàn ông không được vào. Thưa
thái thái, để đỡ sốt ruột, chúng ta bày trò đố vui đi!

- Để ta nói một câu, bọn ngươi đoán thử xem nhé:

Cô Hoa hận nhất anh hàng dầu

Rước đưa liên tục suốt đêm thâu

Tới lui khách khứa tình lai láng

Nỡ đem ngọc thể ném ngàn dâu!

Hai bà vú già đoán mãi không ra, xử nữ Thu Hương, Thu Quế thấy thế kêu lên:

- Thôi, thái thái nói ra đi, để lâu bực chết đi được!

- Là cái bọng ép dầu.

Cả bọn Thu Hương đồng cười rộ. Lại nói:

- Xin lão nhân gia nói cái gì gần gần để chúng tôi dễ đoán!

- Thôi, ta không nói đâu! Nói ra rồi bọn bây đoán không ra lại quấy rầy ta nữa.

- Lần này bọn tôi không nói đâu. Thái thái cứ nói đi!

Phu nhân bèn nói:

Sông đen rắn bạc nằm chờ,

Một ngọn đèn sáng bên bờ lắc lư.

Nước sống rắn uống từ từ,

Sông đen khô cạn đứ đừ rắn tiêu.

Bọn Xử nữ đang cố sức đoán thử, bỗng nghe một tiếng bộp vang lên. Mọi người phụ nữ chạy ra xem: Một vạc lửa đỏ đang bốc ngọn. Thật là một chuyện
kinh người! Ấy là:

Sự đời trước mắt in tuồng giả,

Lời nói qua tai chưa chắc chân.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui