SAU KINH XẾ SÁNG
Tác giả: Umberto Eco
William giải thích giấc mơ của o
Tôi bàng hoàng đi qua cổng chính và thấy một đám đông ở đấy. Các Sư Huynh dòng Francisco sắp ra đi, và thầy William đã xuống chia tay họ.
Tôi cũng đến tạm biệt họ. Đoạn tôi hỏi thầy khi nào những người kia cùng với các phạm nhân sẽ lên đường. Thầy bảo họ đã đi cách đây nửa tiếng, khi chúng tôi đang ở trong hầm kho tàng, hay có lẽ khi tôi đang mơ.
Tôi hoảng hốt một lúc, rồi bình tâm lại. Thế tốt hơn. Tôi không chỉ chịu đựng nổi cảnh tượng những người phạm tội bị lôi đi xa và mãi mãi, tôi muốn nói đến tên quản hầm và Salvatore xấu xa… Và dĩ nhiên, tôi cũng muốn ám chỉ cô gái. Hơn nữa, giấc mơ đã làm tôi hoảng loạn nên cảm xúc như bị tê dại đi.
Khi đoàn lữ hành của các tu sĩ Khất thực đi ra cổng để rời tu viện, thầy trò tôi đứng trước cửa nhà thờ, lòng buồn rười rượi vì nhiều lý do khác nhau. Tôi quyết kể thầy nghe giấc mơ vừa qua. Mặc dù hư ảnh đó lộn xộn và nhiều màu nhiều vẻ, nhưng lạ lùng thay, tôi nhớ rất rõ từng hình ảnh, từng hành động, từng lời nói trong giấc mơ đó. Tôi kể hết không sót một chi tiết, vi tôi biết giấc mơ thường là những thông điệp huyền nhiệm, từ đó người ta có thể đọc được những lời tiên tri rõ ràng.
Thầy William lặng lẽ nghe tôi, rồi hỏi:
- Con có biết con đã mơ thấy gì không?
Tôi hoang mang đáp:
- Đúng như con đã kể…
- Đương nhiên, thầy hiểu. Nhưng con có biết phần lớn điều con kể đã được viết ra không? Con đã thêm những con người và sự kiện trong những ngày qua vào bức tranh quen thuộc với con, vì con đã đọc câu chuyện trong giấc mơ ở đâu đó, hay con được nghe kể trong trường, trong chủng viện khi còn nhỏ. Đó là “Bữa tiệc của Cyprian ”[1].
Tôi ngỡ ngàng trong giây lát rồi chợt nhớ ra. Thầy nói đúng! Có lẽ tôi đã quên tựa câu chuyện, nhưng có tu sĩ chững chạc hay tu sinh ngang ngạnh nào lại không cười vì những hư ảnh khác nhau trong câu chuyện bằng văn xuôi hay văn vần này. Mặc dù các thầy tu nghiêm khắc ghét cay ghét đắng và cấm đọc tác phẩm này, không có một chủng viện nào mà tu sĩ không thầm thì kể chuyện đó cho nhau nghe, nó đã được rút gọn và viết lại theo nhiều kiểu khác nhau, vài người còn thành kính sao chép lại, bảo rằng đằng sau tấm mạng khôi hài đó của câu chuyện có ẩn giấu những bài học luân lý bí mật, những người khác thì khuyến khích lưu hành nó vì cho rằng qua những hình ảnh giễu cợt trong đó, các tu sinh trẻ có thể dễ nhớ những đoạn thánh sử hơn. Một đoạn thơ đã được viết cho Giáo Hoàng John VIII, với lời đề tặng: “Tôi thích bông đùa, thưa Giáo hoàng John, hãy chấp nhận tôi trong lời bông đùa này. Và nếu Ngài muốn, Ngài cũng có thể cười”. Người ta còn nói Vua Charles Sói đầu [2] đã chuyển thể nó thành kịch dưới dạng một huyền thoại hài hước bằng văn vần để giải trí cho các vị chức sắc trong nhà thờ tới dự tiệc.
Các thầy tôi đã chửi mắng vô kể, khi tôi cùng các bạn đồng môn đọc các đoạn trong truyện đó! Tôi nhớ có một thầy tu già ở Melk thường bảo một người đạo đức như Thánh Cyprian không thể viết một câu chuyện thô tục, phạm thần phạm thánh, nhại lại Thánh kinh như thế, đó là chuyện của một tên vô thần hay một thằng hề chớ đâu phải chuyện của Thánh viết… Tôi đã quên mất những chuyện đùa trẻ thơ đó bao nhiêu năm nay rồi. Tại sao hôm nay “Bữa tiệc ” lại hiện lên trong giấc mơ của tôi rõ ràng đến thế? Trước đây tôi luôn luôn nghĩ rằng giấc mơ là những thông điệp thiêng liêng, hay tệ hơn nữa cũng là những điều vớ vẩn lặp lại từ tiềm thức, khi ta ngủ, về các sự kiện đã xảy ra trong ngày. Bây giờ tôi mới biết người ta cũng có thể mơ thấy sách vở, và do đó, mơ thấy những giấc mơ.
Thầy William bảo: - Giá thầy là Artemidorus để giảng giải thật đúng giấc mơ của con. Nhưng thầy nghĩ: dù không có tài học của Artemidorus đi nữa thì cũng rất dễ hiểu những điều đã xảy ra. Cậu nhỏ ạ, trong những ngày vừa qua, con đã chứng kiến một loạt biến cố, trong đó mọi quy luật chính trực dường như đã bị tiêu diệt. Sáng nay, khi con ngủ, trong tâm trí con đã tái hiện ký ức về một loại hài kịch, trong đó miêu tả một thế giới lộn ngược. Con đã ghép thêm vào đó các hồi ức, nỗi ưu phiền, sợ hãi gần đây nhất của con. Từ những hình vẽ minh họa bên lề của Adelmo, con cho sống lại một cuộc hội hè mà trong đó mọi thứ dường như đều quay ngược hướng, thế nhưng, như trong câu chuyện “Bữa tiệc ” mỗi người lại làm chính cái hành động của mình trong đời thực. Cuối cùng, trong giấc mơ con tự hỏi thế giới nào là giả, thế giới nào là thực, và đi cắm đầu xuống đất có nghĩa là gì. Giấc mơ của con không còn phân biệt được đâu là trời đâu là đất, đâu là sống, đâu là chết nữa. Giấc mơ của con gieo ngờ vực vào những lời giáo huấn đã ban cho con.
Tôi kính cẩn nói:
- Giấc mơ con, chớ không phải là con. Vậy thì giấc mơ không phải là thông điệp thiêng liêng, đó là sự mê sảng quỉ quái, và không chứa đựng một sự thật nào!
- o, thầy cũng chẳng biết. Chúng ta đã có quá nhiều sự thật, đến nỗi nếu một ngày nào đó có ai đòi rút tỉa ra một sự thật, ngay từ giấc mơ của chúng ta, thì đó sẽ là ngày tên phản Chúa đã thực sự sẵn sàng. Thế nhưng càng nghĩ đến giấc mơ của con, thầy lại càng thấy trong đó lộ ra nhiều điều hơn. Có lẽ không phải cho con mà cho thầy. Đừng phiền lòng nếu thầy dùng giấc mơ của con để lập nên những giả thuyết. Thầy biết đó là một hành động thấp hèn, không nên làm… Nhưng thầy tin linh hồn của con trong giấc ngủ hiểu nhiều điều hơn thầy trong sáu ngày tỉnh táo…
- Thật hả thầy?
- Thật. Và có thể không. Thầy thấy giấc mơ của con lộ ra điều trùng hợp với một trong các giả thuyết của thầy. Con đã giúp thầy nhiều lắm. Cảm ơn con.
- Nhưng có gì trong giấc mơ của con khiến thầy quan tâm đến thế. Nó cũng vô nghĩa như mọi giấc mơ khác!
- Như mọi giấc mơ và hư ảnh, nó có một ý nghĩa khác. Phải hiểu nó như một phép ẩn dụ, hay một phép loại suy…
- Như Thánh Kinh à?
- Giấc mơ là một đoạn trong thánh kinh, và nhiều đoạn kinh chẳng là gì cả mà chỉ là những giấc mơ.
Chú thích:
[1] Coena Cypriani.
Cyprian: Thánh tử đạo, giám mục thành Carthage (Hy lạp)
[2] Chỉ Vua Charles II (875-877 sau Công Nguyên) Vua của Thánh đế La Mã.