Tên Của Đóa Hồng

NGÀY THỨ BẢY

Tác giả: Umberto Eco

Nếu đề mục này phải tóm tắt

các tiết lộ phi thường của nội dung,

thì khác với thông lệ,

nó sẽ dài bằng chính chương này.

Chúng tôi đứng trên ngưỡng cửa của một phòng có hình thể tương tự như ba phòng bảy cạnh không cửa sổ kia, nồng nặc mùi mốc meo của sách ẩm ướt. Ngọn đèn dầu mà tôi giơ cao soi sáng vòm nhà trước tiên, và khi tôi đưa đèn từ phải sang trái thì ngọn lửa hắt ánh sáng mờ mờ lên các kệ sách đằng xa đặt dọc theo tường. Cuối cùng, ngay giữa phòng, chúng tôi thấy một cái bàn phủ đầy giấy tờ, đằng sau bàn có một người ngồi, nếu người ấy vẫn còn sống thì dường như đã ngồi bất động trong bóng tối, đợi chờ chúng tôi. Ngay trước khi ánh đèn soi sáng khuôn mặt người ấy, thầy William đã lên tiếng:

- Huynh Jorge kính mến, chúc Huynh một đêm vui. Huynh đang đợi chúng tôi à?

Khi chúng tôi tiến thêm vài bước thì ngọn đèn chiếu lên gương mặt lão già đang nhìn chúng tôi như thể thấy được. Lão hỏi:

- Sư Huynh William xứ Baskerville đấy hả? Tôi đã đợi Huynh từ trước lúc Kinh Chiều đến nay, từ lúc tôi vào giam mình ở đây. Tôi biết Huynh sẽ đến.

- Thế còn Tu viện trưởng? Có phải đó là người đập rầm rầm trong cầu thang bí mật không?

Jorge ngập ngừng một lát, đoạn hỏi: - Cha vẫn còn sống à? Tôi nghĩ Cha đã chết ngạt rồi.

- Trước khi chúng ta bắt đầu nói chuyện, tôi muốn cứu Cha. Huynh có thể mở từ máy trên này.

Jorge mệt mỏi nói:

- Không, không kịp nữa. Máy được điều khiển ở bên dưới, bằng cách nhấn vào tấm bảng; ở trên này, một đòn bẩy bật lên và mở cánh cửa sau cái kệ đằng kia. – Lão hất hàm về phía sau. – Kế bên cái kệ Huynh sẽ thấy một bánh xe với vài vật đối trọng để điều khiển bộ máy từ trên này. Nhưng khi tôi nghe tiếng bánh xe quay, dấu hiệu báo cho biết Cha Bề trên đã đến bên dưới, tôi giật mạnh sợi dây thừng giữa các vật đối trọng, và thừng đã đứt. Bây giờ hai đầu lối đi này đã bịt kín, Huynh sẽ chẳng bao giờ sửa được bộ máy cả. Tu viện trưởng đã chết.

- Tại sao Huynh lại giết Cha?

- Hôm nay, khi y gọi tôi đến, y bảo nhờ Huynh mà y khám phá mọi việc. Y vẫn chưa biết điều mà tôi hằng cố bảo vệ, y chẳng bao giờ hiểu chính xác những báu vật và cứu cánh của Thư viện. Y bảo tôi giải thích điều y chưa biết. Y muốn mở cửa “finis Africae”: Các tu sĩ Ý yêu cầu y chấm dứt cái mà họ gọi là sự bí ẩn do tôi và các bậc tiền bối của tôi nuôi sống. Lòng họ thôi thúc dục vọng muốn tìm biết những điều mới lạ…

- Huynh hẳn đã hứa với Cha sẽ đến đây và kết liễu mạng mình, như Huynh đã kết liễu mạng của những người kia một cách êm thấm để cứu vãn danh dự của tu viện và không ai biết điều gì cả. Rồi Huynh chỉ cho Cha cách đến đây và kiểm tra sau đó. Nhưng thay vì như vậy, Huynh đã đợi để giết Cha. Huynh không nghĩ Cha có thể vào bằng đường tấm gương à?

- Không, Tu viện trưởng trí quá hẹp. Y sẽ chẳng bao giờ tự mình giải được bí mật của câu thơ. Tôi bày cho y một lối đi khác mà chỉ mình tôi biết. Đó là lối đi tôi đã dùng hàng bao nhiêu năm nay, vì trong bóng tối nó dễ đi hơn. Tôi chỉ việc đến nhà thờ, rồi theo xương người chết đến cuối hành lang.

- Như thế Huynh đã dẫn dắt Cha đến đây, biết rằng mình sẽ giết Cha…

- Tôi không thể tin y nữa. Y đã hoảng loạn. Trước đây y nổi danh ở Fossanova vì đã xoay xở mang một cái xác xuống cầu thang trôn ốc. Một vinh quang không xứng đáng. Bây giờ y chết vì không lên nổi cầu thang của chính mình.

- Huynh đã dùng cầu thang đó bốn mươi năm nay rồi. Khi Huynh biết mình sẽ bị mù và không còn đủ khả năng điều khiển tu viện nữa, Huynh đã hành động rất khôn ngoan. Huynh dàn xếp để người ta bầu một người Huynh tin cẩn lên làm Tu viện trưởng. Thời còn là quản thư viện, Huynh đã đặt tên cho người ấy là Robert xứ Bobbio, người mà Huynh có thể điều khiển theo ý mình, rồi đến Malachi, người cần sự giúp đỡ của Huynh và chẳng bao giờ hành động mà không tham khảo ý kiến của Huynh. Bốn mươi năm nay Huynh là chủ của tu viện này. Nhóm tu sĩ Ý đã nhận thức được điều này, và Alinardo nhắc đi nhắc lại nó mãi, nhưng không ai chịu nghe già vì họ cho rằng bây giờ già đã điên rồi. Tôi nói đúng không? Nhưng Huynh vẫn đợi tôi và không thể bịt tấm cửa gương được vì máy mở đặt bên trong tường. Tại sao Huynh lại đợi tôi? Sao Huynh biết chắc tôi sẽ đến? – Thầy William hỏi, nhưng qua giọng nói, ta nhận rõ thầy đã đoán được câu trả lời, và mong nghe nó như phần thưởng cho tài suy đoán của mình.

- Ngay từ ngày đầu tiên, qua giọng nói của Huynh, qua cách Huynh lôi tôi vào việc tranh luận một đề tài mà tôi không muốn nhắc đến, tôi biết Huynh sẽ hiểu ra. Huynh giỏi hơn những người khác: bằng mọi cách Huynh sẽ tìm được giải đáp. Huynh biết chỉ cần suy nghĩ và hình dung lại suy nghĩ của người khác trong óc mình là đủ. Rồi tôi nghe Huynh đặt câu hỏi với các tu sĩ khác, tất cả câu Huynh hỏi đều đúng cả. Nhưng Huynh không bao giờ hỏi về thư viện, tựa như Huynh đã biết mọi bí mật của nó rồi vậy. Một đêm nọ, tôi đến gõ cửa phòng Huynh, nhưng Huynh không có bên trong. Huynh phải vào đây thôi. Tôi nghe một tôi tớ nói trong bếp mất hai cây đèn. Và cuối cùng hôm nọ, trong gian giữa nhà nguyện khi Severinus đến nói chuyện với Huynh về một quyển sách, tôi biết chắc Huynh đang bám theo dấu vết của tôi.

- Nhưng Huynh đã tìm cách tước quyển sách đó khỏi tay tôi. Huynh đến nói với Malachi, người chẳng hiểu gì về tình hình. Trong cơn ghen tức, tên ngốc ấy vẫn còn ám ảnh bởi ý nghĩ Adelmo đã cướp mất Berengar thân yêu của hắn vì Berengar khao khát xác thịt non trẻ hơn. Malachi không hiểu Severinus có liên quan gì đến việc này, và Huynh còn làm rối loạn suy nghĩ của hắn hơn nữa. Có lẽ Huynh bảo Malachi rằng Berengar đã thân mật với Severinus, và Berengar đã thưởng cho Severinus một quyển sách trong “finis Africae”. Tôi không biết chính xác Huynh đã nói với Malachi những gì. Điên lên vì ghen, Malachi đã giết Severinus, nhưng hắn không kịp săn tìm quyển sách Huynh đã miêu tả với hắn, vì quản hầm bước vào. Có phải mọi việc xảy ra như vậy không?

- Gần như vậy.

- Nhưng Huynh không muốn Malachi chết. Có lẽ hắn chưa bao giờ nhìn đến các quyển sách trong “finis Africae” vì hắn tin Huynh và tôn trọng lệnh cấm của Huynh. Hắn tự giới hạn trong nhiệm vụ mỗi đêm bỏ cây thuốc để đe dọa những kẻ lạ xâm nhập. Severinus cung cấp cho Malachi các loại cây thuốc này. Thế nên, hôm nọ Severinus mới để Malachi vào bệnh xá, đó là cuộc viếng thăm thường lệ của Malachi để thu các cây thuốc mới mà Severinus chuẩn bị hằng ngày theo lệnh của Tu viện trưởng. Tôi đoán đúng chăng?

- Huynh đã đoán đúng. Tôi không muốn Malachi chết. Tôi bảo hắn bằng mọi cách phải tìm lại quyển sách và mang nó đến đây, nhưng không được mở ra. Tôi bảo nó có sức mạnh bằng cả ngàn con bò cạp. Nhưng lần đầu tiên tên điên ấy làm theo ý mình. Tôi không muốn hắn chết vì hắn là kẻ trung thành. Nhưng chớ nhắc lại điều Huynh biết: tôi biết Huynh biết mà. Tôi không muốn Huynh thêm tự mãn, tự Huynh đã thế rồi. Sáng nay trong phòng thư tịch, tôi nghe Huynh hỏi Benno về “Bữa tiệc của Cyprian ”. Huynh đã đến gần sự thật lắm. Tôi không biết bằng cách nào Huynh khám phá được bí mật của tấm gương, nhưng khi Tu viện trưởng bảo Huynh đã đề cập đến “finis Africae”, thì tôi biết chắc chẳng bao lâu nữa Huynh sẽ đến đây. Do đó, tôi ngồi đây đợi. Bây giờ, Huynh muốn gì nào?

- Tôi muốn xem bản viết cuối cùng trong quyển sách bốn bản, gồm một bản tiếng Ả-rập, một bản tiếng Xy-ri cổ, và một bản bình giảng hay bản sao “Bữa tiệc Cyprian ”. Tôi muốn xem bản viết bằng tiếng Hy-lạp mà có lẽ do một người Ả-rập, hay một người Tây Ban Nha sao lại. Huynh đã tìm thấy bản này thời còn là phụ tá cho Paul xứ Rimini, Huynh đã dàn xếp để được phái về nước mình thu thập các bản hay nhất về sách Mặc Khải ở Léon và Castille. Số sách kiếm được này đã khiến Huynh nổi danh và cả tu viện kính trọng, giúp Huynh đoạt chức quản thư viện mà đáng lý thuộc về Alinardo, người lớn hơn Huynh mười tuổi. Tôi muốn xem bản sao bằng tiếng Hy-lạp viết trên giấy lụa, loại giấy thời đó rất hiếm, được sản xuất tại Silos, gần Burgos quê của Huynh. Tôi muốn xem quyển sách mà Huynh đã trộm ở đó. Sau khi đọc nó xong, để không ai được đọc nó nữa, Huynh đã giấu nó ở đây, bảo vệ nó rất khôn khéo mà không thủ tiêu nó, vì một người như Huynh không hủy sách mà chỉ canh giữ không để ai chạm vào nó. Tôi muốn xem tập hai tác phẩm “Thi ca ” của Aristotle, quyển sách mà mọi người vẫn tin đã bị thất lạc, hay chưa bao giờ được viết ra, quyển sách mà có lẽ Huynh đang giữ độc bản.

- William, Huynh có thể trở thành một quản thư viện tuyệt vời biết bao! – Jorge nói, giọng vừa thán phục vừa tiếc nuối. – Thế là Huynh đã biết tất cả. Đến đây, tôi nghĩ có một cái ghế ở cạnh bàn, phía bên Huynh đó. Ngồi đi, phần thưởng của Huynh đấy.

Thầy William ngồi và đặt chiếc đèn tôi đã đưa cho thầy xuống, nó soi sáng khuôn mặt của Jorge từ dưới lên. Lão già cầm lấy quyển sách nằm trước mặt, đưa cho thầy William. Tôi nhận ra cái bìa của nó chính là quyển sách tôi đã mở ra xem trong bệnh xá mà lại ngỡ là một bản tiếng Ả-rập. Jorge bảo:

- Này William, đọc đi, giở nó xem đi. Huynh thắng rồi.

Thầy William nhìn quyển sách, nhưng không chạm vào nó. Thầy lôi trong áo dòng ra một đôi găng tay, không phải là đôi găng hở ngón thường dùng, mà là đôi Severinus đang đeo khi chết. Thầy chậm rãi mở cái bìa cũ mòn mỏng manh ra. Tôi đến sát hơn, chồm qua vai thầy để xem. Đôi tai thính của Jorge bắt được tiếng động do tôi gây ra, bèn nói: - Cậu bé cũng ở đây hả? Tôi cũng sẽ cho cậu xem… sau.

Thầy William liếc nhanh qua những trang đầu: - Theo thư mục thì đây là bản Ả-rập nói về lời nói của một kẻ ngu ngốc nào đó. Nó là gì vậy?

- Ồ, những truyền thuyết ngớ ngẩn của bọn vô thần, cho rằng bọn ngốc phát ra những nhận xét khôn ngoan khiến ngay cả các linh mục của họ cũng phải kinh ngạc, các vua Hồi phải khoái chí…

- Bản thứ hai bằng tiếng Xy-ri cổ, nhưng theo thư mục thì nó là bản dịch của một quyển sách nhỏ tiếng Ai-cập về nghệ thuật giả kim, sao nó lại ở trong bộ này?

- Đó là một tác phẩm Ai-cập từ thế kỷ thứ ba, trong thời đại chúng ta. Nó liên hệ với các tác phẩm theo sau, nhưng ít nguy hiểm hơn, không ai để tai nghe những lời lảm nhảm của một tên giả kim Châu Phi. Hắn qui việc tạo ra thế gian này cho tiếng cười thiêng liêng… - Lão ngước mặt lên đọc, với trí nhớ phi thường của một độc giả mà bốn mươi năm nay vẫn tự nhắc mình những điều đã đọc được khi còn sáng mắt: - Khi Chúa cười thì bảy vị thần cai quản thế gian được sinh ra. Khi Ngài bật cười thì ánh sáng hiện ra, Ngài cười tiếng thứ hai thì nước tuôn, Ngài cười đến ngày thứ bảy thì linh hồn xuất hiện… Điên rồ. Tác phẩm theo sau cũng vậy, nó do một trong vô số gã ngốc đặt cho mình nhiệm vụ trau chuốt “Bữa tiệc ” viết… Nhưng chúng không phải là thứ Huynh chú ý đâu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui