Tên Tôi Là Đỏ

TÔI ĐUỢC GỌI LÀ SIYAH

Tuyết bắt đầu rơi lúc khuya và tiếp tục cho đến sáng. Tôi đã bỏ cả đêm đọc đi đọc lại lá thư của Shekure. Tôi đi tới đi lui trong căn phòng trống trơn của ngôi nhà trống trơn, thỉnh thoảng nghiêng về phía giá nến; trong ánh sáng lập lòe của ngọn nến tù mù, tôi quan sát nét chữ run run giận dữ của người tôi yêu dấu, những cú nhào lộn âm mưu đánh lừa tôi và chuỗi lắc hông từ phải qua trái của chúng. Bất ngờ, những cánh cửa rèm ấy mở ra trước mắt tôi và khuôn mặt người tôi yêu dấu cùng nụ cười muộn phiền của nàng xuất hiện. Và khi tôi thấy khuôn mặt thật của nàng, tôi quên tất cả khuôn mặt khác với những cái miệng anh đào chua đã ngày càng chín muồi trong trí tưởng tượng của tôi.

Lúc nửa đêm, tôi chìm trong những giấc mơ hôn nhân: Tôi tin chắc vào tình yêu của mình hoặc tin chắc rằng nó được đáp trả - chúng tôi cưới nhau trong trạng thái cực kỳ mãn nguyện - những, niềm hạnh phúc tưởng tượng của tôi trong bối cảnh một ngôi nhà có cầu thang, đã tan tành khi tôi không thể tìm được công việc thích hợp và bắt đầu gây gổ với vợ tôi, không thể làm cho nàng quan tâm đến lời nói của tôi.

Tôi biết tôi có được những hình ảnh mang điềm gở này từ đoạn nói về những bất hạnh trong hôn nhân trong Ihya Ulum al- Din 1 của Gazzali mà tôi đã đọc trong những đêm sống độc thân ở Ẳ Rập; đồng thời tôi nhớ lại rằng trong chính đoạn đó lại có lời khuyên về những ích lợi của hôn nhân, dù bây giờ tôi chỉ có thể nhớ hai trong số đó: trước tiên là mọi thứ trong nhà được giữ ngăn nắp (không hề có sự ngăn nắp như thế trong ngôi nhà tưởng tượng của tôi); thứ hai, tránh được tội thủ dâm và tội lê bước - một cảm giác tội lỗi thậm chí còn sâu hơn - theo sau những tên ma cô dắt tôi đi qua những ngõ hẻm tối tăm đến chỗ ở của bọn gái điếm.

Ý tưởng về sự cứu rỗi linh hồn vào lúc khuya khoắt này đã khiến tôi nghĩ đến chuyện thủ dâm. Với một sự khao khát chất phác, và để đầu óc thoát khỏi nỗi thôi thúc không thể chống lại này, tôi rút về một góc phòng, như thói quen, nhưng một lát sau tôi nhận ra rằng mình không thể thủ dâm - chứng cứ rõ ràng rằng tôi lại vướng vào tình yêu lần nữa sau mười hai năm!

Điều này khiến tôi quá kích động và sợ hãi đến độ tôi đi loanh quanh trong phòng gần như run lên như ngọn lửa của cây nến. Nếu Shekure cố ý xuất hiện nơi cửa sổ, vậy tại sao lá thư này lại đem cho tôi một niềm tin trái ngược hẳn? Tại sao cha nàng gọi tôi đến? Khi tôi bước đi, tôi có cảm giác rằng cánh cửa, bức tường và sàn nhà ọp ẹp đang cố cót két lên để trả lời từng câu hỏi của tôi.

Tôi nhìn bức tranh mình vẽ cách nay nhiều năm tả nàng Shirin bị cú sét ái tình khi nhìn hình chàng Husrev treo trên cành cây. Nó không khiến tôi lúng túng như mỗi lần hiện ra trong đầu tôi vào những năm sau này, cũng không đưa tôi trở về những ký ức êm đềm thời niên thiếu. Đến sáng đầu óc tôi đã nắm vững tình hình: Với việc trả lại bức tranh, Shekure đã đi một nước trong ván cờ tình ái mà nàng đã khéo léo nhử tôi vào. Tôi ngồi trong ánh nến viết thư trả lời nàng.

Buổi sáng, sau khi ngủ một lát, tôi rời nhà đi bộ dọc trên đường qua các con phố, nhét lá thư trong ngực và hộp đựng bút mực của tôi, theo thói quen, trong khăn quàng vai. Tuyết làm rộng những con đường hẹp ở Istanbul và khiến cho thành phố bớt đi những đám đông. Mọi thứ đều yên tĩnh và trầm lặng lại, như hồi tôi còn trẻ. Lũ quạ có vẻ như ngập đầy các mái nhà, những mái vòm và khu vườn Istanbul như đã từng ngập đầy như thế vào những ngày đông tuyết giá hồi tôi còn trẻ. Tôi bước nhanh, lắng nghe tiếng bước chân tôi trên tuyết và nhìn đám sương từ hơi thở của tôi. Tôi càng lúc càng kích động, và mong xưởng làm việc trong cung điện mà Enishte của tôi muốn tôi đến thăm cũng yên lặng như các con phố này. Trước khi bước vào khu Do Thái, tôi nhờ một thằng nhóc đường phố nhắn cho Esther, kẻ có thể giao lá thư của tôi đến Shekure, biết chỗ có thể gặp tôi sau buổi cầu kinh trưa.

Tôi đến xưởng thủ công hoàng gia nằm sau Hagia Sophia khá sớm. Ngoài những nhũ băng thò xuống từ mái hiên thì chẳng có thay đổi gì ở tòa nhà nơi tôi thường đến thăm Enishte của tôi và từng lao động hồi còn học việc.

Theo chân một thợ học việc trẻ đẹp trai, tôi đi qua những thợ đóng sách già nua, bị choáng vì mùi keo và mùi hồ của thợ đóng sách, những nhà tiểu họa lưng đã sớm còng và những thanh niên đang trộn thuốc màu mà thậm chí không nhìn vào những chiếc tô đặt trên đầu gối họ, họ bị ánh lửa trong bếp lò thu hút một cách quá đỗi buồn phiền. Trong một góc, tôi thấy một ông già đang tỉ mỉ sơn một quả trứng đà điểu đặt trên đùi, một ông già khác say mê tô điểm một ngăn kéo và một thợ học việc trẻ thán phục nhìn cả hai người. Qua một cánh cửa mở, tôi chứng kiến những học trò trẻ đang bị quở trách trong khi chúng chồm tới trước, mũi hầu như chạm vào những tờ giấy trải trước khuôn mặt đỏ lựng, trong khi chúng cố hiểu những lỗi lầm mình phạm phải. Trong một phòng khác, một thợ học việc rầu rĩ ủ ê, nhất thời quên hết màu sắc, giấy và việc vẽ, đăm đăm nhìn con đường mà từ đó tôi vừa hăm hở bước vào.

Chúng tôi leo lên cầu thang lạnh giá. Chúng tôi đi dọc hàng cột chạy quanh phía trong tầng hai của tòa nhà. Bên dưới, ở sân trong phủ đầy tuyết, hai học trò trẻ, rõ ràng đang run rẩy vì lạnh dù chúng mặc áo khoác bằng len thô dày, đang chờ - có lẽ là chờ một trận đòn sắp đến. Tôi nhớ thời trẻ của tôi và những trận đòn dành cho những học trò lười biếng hoặc lãng phí thuốc màu đắt tiền, và những cú roi buốt óc, đánh vào gan bàn chân cho đến khi chảy máu.

Chúng tôi bước vào một căn phòng ấm cúng. Tôi thấy hai thợ mới vào nghề vừa hoàn tất giai đoạn học việc. Vì những thợ cả những kẻ được Sư phụ Osman đặt cho nghệ danh riêng, hiện làm việc tại nhà nên căn phòng này, từng khơi dậy lòng kính trọng sâu sắc và niềm vui sướng trong tôi, nay không còn có vẻ giống xưởng làm việc của một vị vua giàu có và vĩ đại mà chỉ còn là một căn phòng lớn trong một quán trọ hẻo lánh nào đó ở vùng núi phương Đông xa xôi.


Ngay đàng kia bên vách, trước một cái quầy dài, tôi thấy Trưởng ban Trang trí, Sư phụ Osman, lần đầu trong mười lăm năm qua. Ông có vẻ giống một hồn ma. Mỗi khi ngẫm nghĩ chuyện minh họa và vẽ tranh trong những cuộc hành trình của mình, bậc thầy vĩ đại này thường hiện ra trong tâm trí tôi như thể ông chính là Bihzad; nay trong bộ áo choàng trắng và trong ánh sáng trắng như tuyết chiếu qua khung cửa sổ đối diện với Hagia Sophia, trông như thể từ lâu ông đã trở thành một trong những linh hồn của Thế giới bên kia. Tôi hôn tay ông, mà tôi nhận thấy đã trổ đồi mồi, và tôi tự giới thiệu mình. Tôi giải thích rằng hồi nhỏ Enishte của tôi đã gửi tôi đến đây học, nhưng tôi thích công việc bàn giấy hơn nên đã ra đi. Tôi kể lại những năm tháng rong ruổi trên đường, thời gian tôi sống ở các thành phố phương Đông làm thư ký cho các tổng trấn hoặc nhân viên cho người quản lý ngân khố. Tôi nói với ông rằng, khi làm việc với Tổng trấn Serhat và những người khác, tôi đã gặp những nhà thư pháp và trang trí ở Tabriz và làm ra những cuốn sách như thế nào; tôi đã sống ở Baghdad và Aleppo, ở Van và Tiflis, và tôi đã chứng kiến nhiều cuộc chiến.

"A. Tiflis!" bậc thầy vĩ đại đó nói, trong khi nhìn ánh sáng từ khu vườn tuyết phủ len qua lớp vải dầu che cửa sổ. "Tuyết đang rơi ngoài đó hả?" Cung cách của ông thích hợp với những bậc thầy già Ba Tư vốn lòa dần đi trong khi hoàn thiện nghệ thuật của họ; những người mà, sau một tuổi nào đó, sống cuộc đời nửa thần thánh nửa lú lẫn, và những truyền thuyết vô tận vẫn được kể về họ. Tôi lập tức thấy trong đôi mắt như âm hồn của ông rằng ông hết sức khinh thường Enishte của tôi và hơn nữa ông còn nghi ngờ cả tôi. Dù vậy tôi vẫn giải thích rằng ở những sa mạc Ẳ Rập tuyết không chỉ rơi xuống đất, như nó đang rơi xuống Hagia Sophia này, mà nó cũng rơi vào ký ức nữa. Tôi thêu dệt: Khi tuyết rơi trên pháo đài Tinis, những phụ nữ giặt quần áo hát những bài hát về màu sắc của hoa và trẻ em giấu kem dưới gối để dành cho mùa hè.

"Hãy cho ta biết những nhà trang trí và họa sĩ vẽ những gì ở những quốc gia anh từng ghé qua," ông nói. "Họ vẽ cái gì?"

Một họa sĩ trẻ có đôi mắt mơ màng đang lựa các trang trong góc, chìm trong mộng mơ, ngẩng đầu lên khỏi bàn làm việc cùng những người khác trong phòng và nhìn tôi như ngụ ý. "Mong đây là câu trả lời trung thực nhất của anh." Nhiều người trong số thợ thủ công này không biết đến người chủ tiệm tạp hóa ngay góc phố của họ hoặc một cân bánh mì giá bao nhiêu, nhưng họ rất tò mò về tin đồn mới nhất ở Đông Ba Tư, nơi các đội quân đánh nhau, các ông hoàng siết cổ nhau và cướp bóc thành phố trước khi đốt chúng thành bình địa, nơi chiến tranh và hòa bình đối chọi nhau mỗi ngày, nơi những vần thơ hay nhất được sáng tác và những tranh minh họa cùng những bức tranh đẹp nhất được làm ra suốt bao thế kỷ.

"Quốc vương Tahmasp trị vì năm mươi hai năm. Trong những năm cuối đời, như quý vị biết, ông đã từ bỏ tình yêu sách vở, việc minh họa và vẽ tranh, quay lưng lại với các nhà thơ, nhà minh họa và thư pháp, và rút mình vào việc thờ phượng, nay ông đã qua đời, và rồi Ismail, con trai ông kế vị ngai vàng," tôi nói. "Quốc vương Tahmasp hiểu rõ bản chất thù địch và khó chịu của con trai ông, vì thế ông đã giữ con trai ông, người sẽ là vua tương lai, trong cảnh kín cổng cao tường suốt hai mươi năm. Ngay khi Ismail kế vị ngai vàng, trong một cơn điên cuồng, ông đã cho thắt cổ những em trai của mình - một số trước đó còn bị ông chọc mù mắt. Tuy nhiên, cuối cùng những kẻ thù của Ismail cũng thành công trong việc dụ ông hút thuốc phiện và đầu độc ông, và sau khi thoát được sự hiện diện cụ thể của ông ta, họ đưa người anh trai dở hơi Muhammad Khodabandeh của ông lên ngai vàng. Trong triều đại của ông này, mọi ông hoàng, anh em, các tổng đốc và người Uzbek, tóm lại là mọi nguồn đã bắt đầu nổi loạn. Họ săn đuổi nhau và săn đuổi Tổng trấn Serhat một cách hung bạo đến độ cả xứ Ba Tư hóa thành tro bụi và chìm trong hỗn loạn. Thực tế quốc vương hiện tại hoàn toàn không có tiền bạc và trí thông minh và gần như mù, không có khả năng tài trợ cho việc sáng tác cùng minh họa những bản thảo có trang trí. Vì vậy những nhà minh họa huyền thoại của Kazvin và Herat này, tất cả những bậc thầy lão thành này, cùng với thợ học việc của họ, những nghệ sĩ từng tạo ra những kiệt tác trong các xưởng làm việc của Quốc vương Tahmasp, những họa sĩ và người tô màu mà chiếc cọ của họ đã làm cho những con ngựa chồm ra phi nước đại và những con bướm của họ vỗ cánh khỏi trang giấy, tất cả những thợ đóng sách và nhà thư pháp bậc thầy, thảy đều bị bỏ mặc không công việc không một xu, túng thiếu, không nhà cửa và trơ trọi. Một số di tản đến miền Bắc sống chung với người Uzbek, một số về phía Tây đến Ấn Độ. Một số khác nhận làm những công việc khác, lãng phí tài năng và thanh danh họ, một số khác còn phục vụ cho những ông hoàng và tổng đốc tầm thường, tất cả là kẻ thù không đội trời chung của nhau, để bắt đầu làm những cuốn sách cỡ lòng bàn tay chỉ có vài tờ minh họa. Được viết nhanh, vẽ vội, những cuốn sách rẻ tiền này xuất hiện khắp nơi, phù hợp với thị hiếu của binh lính, những tổng trấn thô lỗ và những ông hoàng hư hỏng."

"Họ đòi giá bao nhiêu?" Thầy Osman hỏi.

"Tôi nghe rằng Sadiki Bey vĩ đại đã minh họa một bản Những sinh vật lạ, do một lính kỵ binh Uzbek đặt làm, với giá có năm mươi đồng vàng. Trong lều của một tổng trấn tầm thường vừa từ một chiến dịch miền Đông về đến Erzurum, tôi thấy một tập gồm toàn hình ảnh dâm dục trong đó có những bức tranh của họa sĩ bậc thầy Siyavush. Vài bậc thầy vĩ đại chưa bỏ nghề minh họa thì đang làm và bán những bức tranh lẻ không nằm trong bất cứ câu chuyện nào cả. Nghiên cứu những tờ tranh lẻ như thế, ngài không thể nói nó mô tả cho cảnh nào hoặc câu chuyện nào; ngài chỉ có thể ngưỡng mộ nó vì chính nó, vì niềm vui của việc ngắm nhìn mà thôi. Chẳng hạn, ngài có thể bình luận, "Bức này giống chính xác một con ngựa, nó đẹp làm sao," và ngài sẽ trả công cho người nghệ sĩ trên cơ sở đó. Những cảnh chiến trận hoặc làm tình thật phổ biến. Giá trả cho một trận đánh loạn xạ đã xuống còn ba trăm đồng bạc, và hầu như không có khách hàng nào quan tâm. Để bán được những bức tranh giá rẻ và để thu hút người mua hơn, một số bức chỉ được vẽ bằng mực đen trên loại giấy không keo, chưa hoàn chỉnh mà không có một nét cọ màu nào."

"Có một thợ mạ vàng của ta rất ư phải lẽ và tài năng hết mực," Thầy Osman nói. "Anh ta coi sóc công việc của mình với vẻ tao nhã đến độ chúng ta gọi anh ta là "Zarif Kính mến". Nhưng anh ta đã bỏ chúng ta. Đã sáu ngày rồi mà người ta không thấy anh ta đâu cả. Anh ta đơn giản là biến mất.

"Sao lại có người có thể từ bỏ một xưởng làm việc, một tổ ấm hạnh phúc như thế này được nhỉ?" Tôi nói.

"Kelebek, Zeytin, Leylek và Zarif, bốn thợ cả trẻ tuổi giỏi giang mà ta đã huấn luyện từ khi họ là thợ học việc, nay làm việc tại nhà theo lệnh của Đức vua", Thầy Osman nói.

Việc này rõ ràng là để họ có thể làm việc thoải mái hơn cho cuốn Sur-nama vốn là công trình mà cả xưởng đều tham gia. Lần này Đức vua đã không chuẩn bị một chỗ làm việc đặc biệt cho những nhà tiểu họa bậc thầy của Ngài trong sân của cung điện; thay vào đó Ngài truyền lệnh họ làm việc cho cuốn sách đặc biệt này tại nhà. Khi nhận ra rằng chắc chắn lệnh này được ban hành cho chính cuốn sách mà Enishte của tôi đang làm, tôi câm bặt. Thầy Osman muốn nói bóng gió gì ở đây?


"Nuri Kính mến," ông gọi một họa sĩ nhợt nhạt lom khom, "dẫn Thầy Siyah của chúng ta "quan sát" xưởng làm việc đi!"

"Quan sát" là một nghi thức thường lệ trong những cuộc viếng thăm hai tháng một lần của Đức vua tại nơi làm việc của các nhà tiểu họa trong suốt quãng thời gian sôi nổi khi Đức vua muốn theo dõi sát những gì diễn ra tại xưởng làm việc. Với sự trợ giúp của Hazim, Trưởng Ngân khố; Lokman, Trưởng Biên niên sử quan, và Sư phụ Osman, Trưởng ban Trang trí, Đức vua sẽ được báo cáo về việc tại thời điểm bất kỳ nào đó các bậc thầy này đang làm việc với trang nào trong cuốn sách nào, ai mạ vàng bức tranh nào, ai tô màu bức tranh nào, và từng người một, các thợ tô màu, người xếp trang, thợ mạ vàng và những nhà tiểu họa bậc thầy, mà tài năng của họ cho phép họ hoàn thành những điều kỳ diệu, đã tham gia công việc thế nào. Tôi thấy buồn rằng họ vẫn giữ một nghi lễ giả tạo thay cho cái nghi lễ mà nay không còn được thực hiện nữa vì tuổi tác và bệnh tật đã buộc Trưởng Biên niên sử quan Lokman Kính mến. người đã viết hầu hết những cuốn sách được minh họa, phải nằm liệt ở nhà; bởi Thầy Osman thường biến mất trong sự phẫn nộ và giận dữ; bởi bốn thợ cả bậc thầy có tên Kelebek, Zeytin, Leylek và Zarif đều làm việc tại nhà; và bởi Đức vua không còn tràn đầy nhiệt tình giống như đứa trẻ trong xưởng làm việc nữa. Như đã xảy ra với nhiều nhà tiểu họa, Nuri Kính mến ngày càng già đi một cách vô ích, không được trải nghiệm cuộc sống đầy đủ hoặc trở thành một bậc thầy trong nghệ thuật của mình. Tuy nhiên không vô ích nếu ông ta dành những năm tháng đó trên bàn làm việc để lưng trở nên còng: ông ta luôn chú tâm tới những gì đang xảy ra trong xưởng làm việc, tới việc người nào đang làm trang tuyệt mỹ nào.

Và tôi cũng hăm hở ngắm nghía lần đầu tiên những trang huyền thoại của cuốn Sur-nama, vốn kể lại những nghi lễ cắt bì cho vị hoàng tử của Đức vua. Khi còn ở Ba Tư, tôi đã nghe những câu chuyện về lễ cắt bì kéo dài năm mươi hai ngày này trong đó người dân thuộc mọi ngành nghề, mọi phường hội, cả Istanbul, đều tham dự, thực sự vào thời điểm khi cuốn sách ghi nhớ sự kiện vĩ đại này đang được chuẩn bị.

Trong bức tranh đầu tiên đặt trước mặt tôi, lấy bối cảnh khu đất được rào cẩn thận của hoàng gia trong lâu đài của Ibrahim Pasha quá cố, Đức vua, Người che chở thế giới này, đang nhìn chăm chú những lễ hội ở khu Hí trường bên dưới với vẻ hài lòng. Khuôn mặt Ngài, thậm chí dù không quá chi tiết đến độ cho phép người ta phân biệt Ngài với người khác chỉ bằng những nét đặc trưng, đã được vẽ một cách khéo léo và với lòng kính trọng sâu sắc. Về bên phải của bức tranh tờ đôi mà trong đó Đức vua được thể hiện ở bên trái có những tể tướng, tổng trấn, các sứ thần Ba Tư, Tatar, Tây vực và Venice đứng dưới những mái che và cửa sổ. Bởi vì họ không phải những quốc vương, nên đôi mắt họ được vẽ một cách vội vàng cẩu thả và không tập trung vào cái gì đặc biệt ngoài cảnh náo nhiệt trên quảng trường đó. Sau này, trong những bức tranh khác, tôi nhận thấy sự sắp xếp và bố cục trang giống nhu vậy được lặp lại cho dù hoa văn trang trí bức tường cây cối và những viên đá màu đất nung được vẽ theo những phong cách và màu sắc khác nhau. Một khi những người sao chép đã viết ra phần chữ rồi, những tranh minh họa đã hoàn tất và cuốn sách đã được đóng gáy rồi thì người đọc, khi giở từng trang, sẽ thấy mỗi lần một hoạt động hoàn toàn khác nhau trong những màu sắc hoàn toàn khác nhau tại Hí trường vốn vẫn nằm dưới cái nhìn chăm chú đó của Đức vua và đám khách của Ngài - những người luôn đứng y hệt như vậy, mãi mãi nhìn vào cùng một khu vực bên dưới.

Ở đó ngay trước mắt, tôi thấy người ta đang tranh giành nhau hàng trăm tô cơm trộn được đặt trong Hippodrome; tôi thấy những con thỏ và chim còn sống vọt ra từ chỗ con bò quay và làm đám đông đang lao vào đó phải giật mình. Tôi thấy một đám những người thợ cả gò đồng đang ngồi trên một chiếc xe ngựa trước Đức vua, những thành viên trong đó đang nện vào miếng đồng nhưng không bao giờ chạm tới người đang nằm trên xe với chiếc đe đặt ngang trên tấm ngực trần. Tôi thấy những thợ lắp kính đang trang trí kính bằng hoa cẩm chướng và cây bách trong khi họ diễu hành trước Đức vua trên một cỗ xe, những thợ làm bánh kẹo đang đọc to những bài thơ ngọt ngào trong khi cưỡi bọn lạc đà chất đầy những túi đường và bày ra những chiếc lồng chứa những con vẹt làm bằng đường; và những thợ khóa già khoe khoang nhiều loại khóa treo, khóa móc, then cửa, khóa bánh răng trong khi than vãn về những tệ nạn của thời đại mới và những cánh cửa mới. Kelchek, Zeytin, Leylek đã làm những bức tranh vẽ những nhà ảo thuật: Một trong số họ đang làm những quả trứng lăn xuống theo một cây cọc mà không rơi xuống - như thể trên một phiến đá rộng - theo nhịp trống lục lạc do một người khác gõ.

Trong một cỗ xe khác tôi thấy rõ Tổng trấn Thuyền trưởng Kilic Ali đang buộc những kẻ ngoại đạo bị ông bắt giữ ngoài biển làm một "ngọn núi của bọn ngoại đạo" bằng đất sét; sau đó ông chất tất cả nô lệ lên cỗ xe, và khi đến ngay trước mặt Đức vua, ông ta cho châm ngòi mớ thuốc nổ trong "ngọn núi" đó để chứng minh ông đã biến đất đai của bọn ngoại đạo thành tiếng than khóc và rên rỉ bằng đạn đại bác như thế nào. Tôi thấy những tay đồ tể nhẵn nhụi mặc đồng phục đỏ tía cầm và sử dụng dao phay, cười với những xác cừu đỏ hồng đã cạo sạch lông treo trên móc. Khán giả vỗ tay ủng hộ những người dạy sư tử đang dắt một con sư tử bị xích đến trước mặt Đức vua, khiêu khích và chọc giận nó cho đến khi đôi mắt nó hằn tia máu giận dữ; và ở trang kế tiếp, tôi thấy con sư tử, tiêu biểu cho khối Hồi giáo, đuổi theo một con lợn hồng xám, biểu tượng cho bọn ngoại đạo Thiên chúa giáo xảo quyệt. Tôi ngắm nhìn thỏa thuê một bức tranh vẽ một thợ cắt tóc vừa treo mình lộn ngược trên trần một cửa hàng dựng trên một chiếc xe vừa cạo cho một khách hàng trong khi người phụ tá của ông ta, mặc đồ đỏ, cầm gương và một chiếc thau bằng bạc chứa xà phòng thơm, chờ lấy tiền công; tôi dò hỏi về lai lịch của nhà tiểu họa phi thường chịu trách nhiệm về bức tranh này.

"Điều thục sự quan trọng là ở chỗ một bức tranh, qua vẻ đẹp của nó, hướng chúng ta đến sự sung mãn của cuộc sống, đến lòng cảm thông, lòng tôn trọng đối với những màu sắc của thế giới mà Thượng đế đã tạo ra, và đến sự chiêm nghiệm và đức tin. Lai lịch của nhà tiểu họa là không quan trọng."

Có phải Nuri nhà tiểu họa, người rất tinh tế trong ý nghĩ nhiều hơn tôi tưởng, trở nên dè dặt vì ông ta hiểu rằng Enishte của tôi phái tôi đến đây để điều tra, hay ông ta chỉ lặp lại như vẹt lời của Sư phụ Osman Trưởng ban Trang trí?

Có phải Zarif là người chịu trách nhiệm toàn bộ việc mạ vàng này không?" Tôi hỏi. "Hiện giờ ai làm công việc này thay anh ta?"

Giờ thì có thể nghe thấy những tiếng la rú của bọn trẻ qua cánh cửa mở ra sân trong. Bên dưới, một trong những người đứng đầu nhóm đang cho đánh roi vào gan bàn chân những thợ học việc chắc đã bị bắt quả tang giấu bột mực đỏ trong túi hoặc miếng vàng trong một cuộn giấy; có lẽ chính là hai đứa mà ban nãy tôi thấy đang run rẩy chờ đợi trong cái lạnh giá này. Những họa sĩ trẻ chộp lấy cơ hội để chế giễu chúng, liền chạy đến cửa nhìn.

"Vào thời điểm các thợ học việc tô nền của Hí trường đây bằng màu hồng, hoàn tất nó như Thầy Osman đã ra lệnh," Nuri Kính mến nói một cách cẩn trọng. "người anh em Zarif Kính mến của chúng tôi chắc sẽ trở về từ chỗ nào đó anh ta đã tới và sẽ hoàn tất việc mạ vàng trên hai trang này. Thầy của chúng tôi, nhà tiểu họa Osman, muốn Zarif Kính mến tô màu sàn nhà bẩn thỉu của Hí trường mỗi cảnh một khác đi. Màu hồng phấn, xanh Ấn, vàng nghệ hoặc màu cứt ngỗng. Bất cứ ai nhìn bức tranh cũng sẽ nhận ra trong bức tranh đầu rằng đây là một quảng trường bẩn thỉu và phải có màu đất, nhưng trong bức tranh thứ hai và thứ ba, ông muốn màu khác để làm ông vui mắt. Việc tô điểm phải mang đến niềm vui cho mỗi trang."


Tôi để ý một số tranh trên tờ giấy mà một người phụ tá để lại trong góc phòng. Anh ta đang làm bức tranh khổ một tờ cho cuốn Zafernameh 2, mô tả một hạm đội hải quân đang lên đường vào trận đánh, nhưng rõ ràng là tiếng rú của những người bạn anh ta đang bị đánh vào gan bàn chân đã kích thích tay minh họa này bỏ công việc chạy đi xem. Cái hạm đội được anh ta làm bằng cách vẽ lặp đi lặp lại các con tàu y hệt nhau với một kiểu hình khối thậm chí không có vẻ gì là nổi được trên biển; nhưng, sự giả tạo này, không có gió trên cánh buồm, là do sự thiếu vắng kỹ năng ở người họa sĩ hơn là do kiểu dáng hình khối. Tôi buồn rầu thấy rằng kiểu dáng này đã được cắt ra thô bạo từ một cuốn sách cũ mà tôi không thể nhớ tên, có lẽ là một tập tranh cắt dán. Rõ ràng Sư phụ Osman đã bỏ qua quá nhiều.

Khi chúng tôi đến bàn làm việc riêng của ông ta, Nuri Kính mến tự hào tuyên bố rằng ông ta đã hoàn thành một phù hiệu hoàng gia mạ vàng cho Đức vua; ông ta đã làm nó trong ba tuần. Tôi thật lòng thán phục phù hiệu và họa tiết dát vàng của Nuri Kính mến, vốn được làm trên một tờ giấy trắng để bảo đảm rằng người nhận nó và lý do gửi nó đi sẽ vẫn nằm trong vòng bí mật. Tôi biết rõ rằng nhiều tổng trấn bốc đồng ở phương Đông đã không dám nổi loạn khi nhìn thấy vẻ tráng lệ quý phái và mạnh mẽ trong phù hiệu của Đức vua.

Kế đến, chúng tôi thấy những kiệt tác mới đây nhất mà nhà thư pháp Jemal đã chép tay, hoàn tất và để lại; nhưng chúng tôi vội vã lướt qua chúng để tránh tin vào những kẻ chống đối màu sắc và việc trang trí vốn cho rằng nghệ thuật thật sự chỉ bao gồm việc viết thư pháp, và việc trang trí màu sắc cho đẹp mắt hơn chẳng qua chỉ là một biện pháp thứ yếu để nhấn mạnh thêm.

Nasir Họa sĩ đang bày ra một tấm tranh minh họa lộn xộn mà anh ta có ý định sửa chữa từ một phiên bản Khamse 3 của Nizami có niên đại từ thời các con trai của Tamerlane; bức tranh mô tả Husrev đang nhìn Shirin trần truồng khi nàng tắm.

Một người nguyên là thợ cả chín mươi hai tuổi, đã gần như mù và chẳng có gì để nói ngoài việc khẳng định rằng sáu mươi năm trước ông đã hôn tay Sư phụ Bizhad ở Tabriz và lúc đó bậc thầy huyền thoại vĩ đại đã mù và say khướt, với đôi bàn tay run rẩy đã chỉ cho chúng tôi nét họa tiết trang trí trên hộp đựng viết mà ông sẽ tặng như một món quà ngày lễ cho Đức vua khi nó được hoàn thành sau ba tháng nữa.

Một khoảng im lặng ngắn bao trùm toàn bộ xưởng làm việc nơi có gần tám mươi họa sĩ, học trò và thợ học nghề đang làm việc trong những ngăn nhỏ ở tầng dưới. Đây là khoảng im lặng sau lúc đánh đòn, tôi đã nhiều lần trải qua những khoảng lặng tương tự; một sự im lặng có lúc bị phá vỡ bởi tiếng cười cố nén hoặc một lời nhận xét hóm hỉnh, có lúc bởi vài tiếng thổn thức hoặc tiếng rên rỉ cố nén của cậu trai bị đòn trước khi cơn khóc của cậu gợi cho những nhà tiểu họa đã thành nghề nhớ lại những trận đòn chính họ từng phải chịu khi còn là thợ học việc. Nhưng vị thầy chín mươi hai tuổi gần như mù này đã khiến tôi cảm nhận một điều gì đó sâu sắc hơn trong thoáng chốc, ở đây, xa khỏi mọi trận đánh và sự náo loạn: cảm giác rằng mọi thứ đang đến hồi kết thúc. Ngay trước ngày tận thể, cũng sẽ có một sự im lặng như thế này.

Việc vẽ tranh là sự im lặng của tư tưởng và âm nhạc của thị giác.

Khi tôi hôn tay Sư phụ Osman để tạm biệt, tôi cảm thấy không chỉ lòng kính trọng sâu sắc đối với ông mà còn cả một tình cảm khiến linh hồn tôi xáo động: lòng thương hại pha lẫn sùng kính dành cho một vị thánh, một cảm giác phạm tội lạ kỳ. Điều này có lẽ bởi vì Enishte của tôi - người muốn các họa sĩ, dù công khai hay bí mật, hãy bắt chước những phương pháp của các bậc thầy Tây vực - là đối thủ của ông.

Bất chợt tôi cũng cảm thấy rằng có lẽ đây là lần cuối tôi gặp được vị thầy vĩ đại này còn sống, và trong trạng thái bối rối muốn làm vui lòng và cổ vũ thầy, tôi đã hỏi một câu:

"Thưa thầy đáng kính, điều gì phân biệt nhà tiểu họa đích thực với nhà tiểu họa bình thường?" Tôi cho rằng vị Trưởng ban Trang trí, người quá quen thuộc với những câu hỏi bợ đỡ thế này, sẽ cho tôi một câu trả lời qua quít và ông hiện đang trong trạng thái hoàn toàn quên mất tôi là ai.

"Không hề có một phương pháp nào có thể phân biệt nhà tiểu họa vĩ đại với nhà tiểu họa bất tài và bất tín," ông nói với tất cả sụ nghiêm túc. "Điều này thay đổi theo thời gian. Những tài năng và đạo đức mà anh ta dựa vào để đối mặt với cái ác vốn đe dọa nghệ thuật của chúng ta mới là điều quan trọng. Ngày nay, để xác định một họa sĩ trẻ có tài thực sự đến đâu, ta sẽ hỏi anh ta ba câu hỏi."

"Những câu hỏi đó là gì?"

"Anh ta có tin, dưới tác động của lề thói gần đây cũng như dưới ảnh hưởng của người Trung Hoa và châu Âu, rằng anh ta phải có một kỹ thuật vẽ độc đáo, một phong cách riêng của anh ta không? Là một người trang trí, liệu anh ta có muốn có một cung cách, một khía cạnh khác hẳn những người khác không, và liệu anh ta có nỗ lực chứng minh điều này bằng cách ký tên đâu đó trên tác phẩm của mình giống như những bậc thầy Tây vực không? Để xác định một cách chính xác những điều này, trước tiên ta sẽ hỏi anh ta một câu hỏi về "phong cách" và "chữ ký."


"Rồi sau đó?" tôi kính cẩn hỏi.

"Sau đó ta sẽ muốn biết nhà trang trí này cảm thấy như thế nào về những cuốn sách bị đổi chủ, bị sút chỉ, và những bức tranh của chúng ta đang được sử dụng trong những cuốn sách khác và trong những thời đại khác sau khi các hoàng đế và quốc vương, những người đặt làm ra chúng, đã chết đi. Đây là một vấn đề tế nhị đòi hỏi một câu trả lời bất chấp nó làm vui lòng hay gây bực bội cho ta. Vì vậy, ta sẽ hỏi nhà minh họa này một câu hỏi về thời giảm - thời gian của nhà minh họa và thời gian của đấng Allah. Cậu có theo kịp ta không, cậu bé?"

Không, nhưng tôi không trả lời như thế. Thay vào đó, tôi hỏi, "Còn câu hỏi thứ ba?"

"Câu hỏi thứ ba sẽ là "phận mù!" Sư phụ Osman nói, sau đó ông im lặng như thể điều này không cần giải thích.

"Phận mù là sao?" tôi bối rối hỏi.

"Phận mù là sự im lặng. Nếu cậu kết hợp những gì ta vừa nói câu hỏi thứ nhất và câu hỏi thứ hai, thì "phận mù" sẽ hiện ra. Nó là mức xa nhất mà người ta có thể đến được trong nghề minh họa; nó là việc thấy được những gì hiện ra từ cõi u minh của đấng Allah."

Tôi không nói nữa. Tôi bước ra ngoài. Tôi bước xuống những bậc thang lạnh giá không chút vội vã. Tôi biết rằng tôi sẽ hỏi Kelebek, Zeytin và Leylek ba câu hỏi của vị thầy vĩ đại này, không chỉ vì muốn có chuyện để nói, mà còn để hiểu rõ hơn những nhân vật huyền thoại sống này, vốn là người cùng thời với tôi.

Tuy nhiên tôi không đến nhà của những thợ cả trang trí đó ngay. Tôi gặp Esther gần khu cu trú Do Thái tại một khu chợ mới nhìn xuống ngã ba sông Halic và eo Bosphorus. Esther đang rất bồn chồn trong bộ đồ màu hồng mà chị buộc phải mặc do chị là một người Do Thái, với thân hình to lớn đầy sinh lực của mình, miệng chị ta không ngớt động đậy, và chân mày cùng đôi mắt chị liên tục nháy nhó ra hiệu cho tôi; thực ra đấy là cung cách của chị ta lúc ở giữa những phụ nữ nô lệ đi mua sắm, những phụ nữ mặc áo trùm thùng thình của những khu nghèo khổ, giữa những đám đông đang chăm chú vào đống cà rốt, mộc qua, những bó hành và củ cải. Chị ta nhét lá thư tôi đưa cho vào quần với một động tác thành thạo và bí ẩn, như thể cả chợ này đang theo dõi chúng tôi.

Chị nói với tôi rằng Shekure đang nghĩ đến tôi. Chị nhận tiền công và khi tôi nói, "Làm ơn đưa nó gấp giùm," thì chị ta cho thấy rằng chị ta còn hàng đống việc phải làm bằng cách phác một cử chỉ về phía mớ đồ của chị và nói chị chỉ có thể giao lá thư cho Shekure trước buổi trưa. Tôi yêu cầu chị nói với Shekure rằng tôi sẽ đến thăm ba nhà tiểu họa trẻ tuổi và nổi tiếng nọ.

--- ------ ------ ------ -------

1 Ihya Ulum al- Din: (Phục sinh của khoa học tôn giáo). Tác phẩm của Imam Gazzali (1058-1111), được đọc nhiều nhất trong thế giới Ẳ Rập sau kinh Koran, viết về những đòi hỏi của đức tin, những kiến thức cần thiết của đời người, những đức tính cần có và những thói xấu phải khắc phục và việc chăm lo đời sống linh hồn.

2 Zafernameh: Sách các chiến thắng.

3 Khamse: bộ ngũ thư của Nizami, gồm Makhzan al-Asrar (Kho tàng những bí ẩn) Husrev o Shirin, Leyla o Mejnun, Haft peykar (Bảy nhan sắc) và Eskandamama (Chuyện Alexander Đại đế).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận