Năm Kiền Bình, cao châu Tây Bắc đại hạn, năm tháng trời không có một giọt mưa.
Một mảnh mặt trời khô héo treo trên cao, tỏa ra sóng nhiệt quay cuồng.
Phóng xa tầm mắt cũng chỉ thấy đất đai bị nướng thành màu đen xám, từng khối nứt toác.
Phó Thần đi bộ liên tục đã vài canh giờ, lòng bàn chân phỏng rộp khiến hắn không thể không dừng lại.
Cách đó không xa có một lão nông dân cuộn mình trên mặt đất, thân mình gầy guộc lộ từng đốt xương như thể gập lại liền gãy, da thịt đỏ nâu như vỏ cây già.
Bàn tay không ngừng cào loạn mặt đất như đang tìm chút rễ cây ăn chống đói, bùn và máu bê bết hòa trộn, nhìn có chút ghê người.
Tình cảnh như vậy đã không còn hiếm lạ.
Phó Thần chẳng có nổi một chút thông cảm dư thừa nào, bởi hoàn cảnh của hắn so với lão nông dân kia nào có tốt hơn.
So với đói bụng, mất nước mới là nguyên nhân khiến sinh mạng hắn cạn kiệt từng giờ.
Không biết vấp phải cái gì, hắn lảo đảo ngã trên mặt đất, thoát lực không còn sức bò dậy.
Hắn thở phì phò như một con cá bị phơi trên cạn, tuyệt vọng cùng cực khiến chút kiên nhẫn cuối cùng cũng hao mòn.
Giá lúc này có một trận mưa thì tốt biết mấy.
Tí tách, tí tách.
Cảm giác chất lỏng rơi trên mặt hết sức chân thật, lẽ nào lời cầu nguyện thật sự linh ứng?
Trong lòng trào dâng lòng cảm kích chân thành, nếu không phải tuyến lệ đã cạn khô, không tiết ra nổi một giọt nước thì giờ hắn đã lệ nóng doanh tròng.
Lúc này, chẳng có gì có thể khiến hắn mừng rỡ phát điên bằng nước mưa.
Chật vật hé mắt, lọt vào tầm nhìn lại là một mũi đinh ba, và người cầm lại là ông lão vừa bới đất đằng kia.
Không phát hiện hắn đã tỉnh, ông lão vẫn đang loay hoay tìm nơi để đâm một nhát chí mạng.
Cái mà hắn tưởng là nước mưa ban nãy hóa ra lại là máu chảy xuống từ bàn tay lão nông kia.
Gân xanh nổi lên bên trán lão giật thình thịch, yếu hầu chuyển động lên xuống tại cái cổ khô quắt, biểu hiện rằng thức ăn sắp đến miệng rồi.
Trong tíc tắc, Phó Thần liền hiểu ra, mình trong mắt ông lão kia chính là đồ ăn.
Đói khát đưa đến bóng ma tử thần, khiến cho chút nhân tính cuối cùng của lão sụp đổ.
Hắn nhanh chóng đá văng cây đinh ba.
Khi sinh mệnh bị uy hiếp, hắn nghiền ép cơ thể ra một chút sức lực cuối cùng để lăn sang bên, né một kích trí mạng, sau đó vùng dậy chạy như điên, ngay cả đầu cũng không ngoái lại nhìn.
Chạy suốt một đường, mí mắt khô cháy, trái tim cũng muốn nổ tung, yết hầu đau đớn như bị thiêu đốt nhưng hắn không dám dừng lại.
Cuối cùng xem như vận khí hắn không tệ, trên đường, hắn trông thấy một đám cỏ ngải.
Kinh nghiệm đời trước cho hắn biết loại thực vật này có giá trị làm thuốc cao, chuyên trị sốt rét, cảm nắng, và quan trọng nhất là có thể ăn.
Hắn bất chấp hình tượng, nhai nuốt vài miếng, đến khi cơn khát tạm lui, hắn hái toàn bộ chỗ còn lại bỏ vào trong túi áo, mang về cho huynh đệ tỷ muội trong nhà.
Khi về đến, hắn thấy trên mặt đất vàng ngoài cửa là một chiếc xe bò đang rời đi cuối theo bụi đất mịt mù.
Xe bò ở vùng Cao Châu chó ăn đá gà ăn sỏi này là vật vô cùng hiếm thấy.
Ngồi trên xe chính là đại tỷ của hắn, năm nay vừa tròn 16 tuổi nhưng thiếu dinh dưỡng khiến nàng trông như chỉ mới 12, gầy guộc đến độ một trận gió thổi quay cũng có thể đẩy ngã.
Hốc mắt nàng trũng sâu, càng lộ ra đôi con ngươi lớn mà vô thần.
Khi thấy Phó Thần đuổi theo xe bò, nàng hét đến rách cuống họng: "Về đi, tiểu Thần, đừng đuổi theo...tỷ...tỷ có cơm ăn rồi!"
Phó Thần đứng ngây trên mặt đất, trơ mắt nhìn đại tỷ đi càng lúc càng xa.
Máu và bùn trên mặt hắn hòa quyện chảy xuống.
Đó là những lời cuối cùng đại tỷ nói với hắn.
Đại tỷ bị bán cho một gã què góa vợ thôn Triệu Khê ở Duật Châu.
Duật Châu giàu có, cũng không bị hạn hán làm ảnh hưởng, vốn là nơi tốt để đi.
Nhưng người què chẳng còn sống được bao năm, lại có nhiều thói xấu, đến đó sao có thể yên thân.
Nỗi phẫn uất dâng lên trong lồng ngực mãi không tan.
Hắn hận chính mình bất lực, lại nhìn đến cái túi để trong góc kia, hốc mắt càng chua xót.
Chỗ lương thực này là tỷ tỷ hắn dùng tính mạng đổi lại.
Mấy tháng qua đi, chỗ lương thực đổi đại tỷ lấy về được vẫn còn ăn được một khoảng thời gian.
Khi trời còn chưa sáng, Phó Thần đã thức dậy, ra ngoài tìm thức ăn cho cả nhà.
Vừa lúc đó, hắn lại mơ hồ nghe được âm thanh nghẹn ngào của mẹ hắn ngoài cửa.
"Lão Nhị đồng ý ......"
"......!Ngày mai phải đưa nó vào cung......"
"Có nghèo thế nào....cũng không thể bán con....!!"
Mẹ hắn khổ sở đến hít thở không thông, ngăn không được tiếng nức nở, ngồi bên là cha hắn đang thở ngắn thở dài.
"Để con đi thay nhị ca".Phó Thần nghe ra họ đang bàn việc gì, liền không do dự đi đến trước mặt cha mẹ.
Hắn đến bên chân người mẹ đang khóc nghẹn, chậm rãi quỳ xuống.
"Lão út, con nói cái gì vậy? Con còn nhỏ, không hiểu đâu...Về sau con thậm chí không còn là nam nhân nữa....." Triệu thị ngừng khóc, nhìn chằm chằm Phó Thần như không dám tin đứa con này của thị chỉ mới tám tuổi.
"Mẹ, con thông minh hơn nhị ca, hơn nữa nhị ca tuổi đã lớn, chưa chắc họ đã thích."
"Thằng bé ngốc nghếch này, trong cung là chỗ ăn thịt người.
Ta nghe trên trấn nói lão Trương đem bán đứa con thứ ba, chẳng được mấy năm đã bị cuốn chiếu vứt ra bãi tham ma ngoài thành, xương cốt cũng không tìm về được...." Cha hắn hốc mắt cũng đỏ, lấy bàn tay khô gầy che đi, không nói tiếp được nữa.
Nếu không phải hoàn cảnh xô đẩy, có nhà nào lại muốn bán con.
Bọn họ thà rằng chết đói cũng không thể hại đời mấy đứa trẻ.
Triệu thị vốn không nỡ đưa con vào cung làm thái giám nghe vậy liền gào khóc, hoảng hốt ôm lấy Phó Thần: "Không đi, con và lão Nhị đều không đi, chúng ta không bán con! Ta đi tìm đại tỷ con về, không gả! Chúng ta là người một nhà, phải luôn ở cạnh nhau."
Thời cổ đại này rất kiêng nói từ "chết".
Lời Triệu rõ ràng không nhắc đến chữ này, nhưng ý nghĩa lại cho thấy thị thà bỏ mạng cũng muốn giữ con.
Nước mắt rơi trên mặt Phó Thần nóng hổi như thiêu, đến cả tâm can cũng phải bỏng.
Hắn vươn tay ôm lấy người mẹ gầy, vỗ về sống lưng.
Người này còn không hơn được tuổi hắn kiếp trước nhưng thà chịu khổ cực cũng không nghĩ đến hại con nên tiếng mẹ kia, hắn gọi ra không hề miễn cưỡng.
Vài năm trước, khi Phó Thần đến với thời đại này, hắn rất cẩn thận dè chừng mà đóng vai một đứa trẻ vô tri.
Tại cái thời kỳ tin thần tin quỷ, có hành vi khác người liền bị đem thiêu sống, hắn không dám làm gì vượt quá giới hạn tuổi tác và tín ngưỡng, cũng dần dần hòa nhập vào cuộc sống mới này.
Hắn từng thấy phụ thân lão Hoa ở đầu thôn mắc bệnh tâm thần, hay mở mồm nói lời kỳ quái, liền bị cho là ma quỷ nhập thân, theo tập tục địa phương, phải mổ bụng để tinh lọc linh hồn.
Đã có một quãng thời gian dài, hắn cho rằng hắn và cái thời đại này không hợp nhau nên chọn cách sống thờ ơ như một kẻ qua đường.
Nhưng không biết từ lúc nào hắn đã xem những người này như người thân thực sự.
Thứ tình thương thấm đẫm gan ruột này, ngay cả trái tim sắt đá cũng phải xúc động.
"Để con đi! Cha, mẹ, hãy tin con, tuổi con vừa hợp, sẽ được giá tốt." Hắn biết đa số các triều đại tuyển thái giám đều quy định độ tuổi.
Trong ký ức của hắn không tồn tại triều Đai Tấn nhưng hẳn cũng như nhau, đối tượng tốt nhất là những đứa trẻ còn nhỏ tuổi, mơ hồ về giới tính, không hiểu rõ thế nào là nam nhân đích thực.
Hơn nữa khi tuyển vào cung đều có yêu cầu đơn giản về ngoại hình, lời nói.
So với nhị ca ngốc nghếch, kiệm lời, hắn tin mình sẽ được giá cao hơn một chút.
Chỉ là hắn vạn vạn không thể ngờ có ngày hắn phải tính toán xem mình bán được bao nhiêu.
Quan trọng nhất là hắn có thể thoát được chết đói.
"Lấy ngân lượng này đi chuộc đại tỷ về, chúng ta đều phải sống sót."
Chỉ có sống sót, mới có hi vọng.
......
............
"Thần tử, Thần tử, dậy mau!"
Cả người bị xô đẩy, khi Phó Thần tỉnh lại trên giường, mồ hôi lạnh đã chảy đầy lưng.
Người lay hắn là Trần Cẩu Đản, nhưng thái giám chưởng sự thấy tên này quá khó nghe nên gọi là Trần Tác Nhân, phụ trách tuần tra đèn đóm.
Vì tuổi còn nhỏ, tính nhanh nhẹn, vừa vặn bù đắp lại với Phó Thần nên quan hệ giữa hai người cũng không tệ."
"Có chuyện gì?" Âm thanh Phó Thần còn khản đặc, rõ ràng chưa tỉnh ngủ.
Bên ngoài Giám Lan viện truyền đến tiếng "Đùng...đùng, đùng đùng", một chậm ba nhanh, chính là báo hiệu lúc 1 giờ sáng.
Quần áo trên người dính dớp khó chịu nhưng lại không được tắm.
Thân làm một tiểu thái giám quét rắc không có cấp bậc, số lần quy định được phép tắm rửa cũng ít ỏi đến đáng thương.
"Ta vừa đi tuần về liền thấy ngươi ngủ không yên, miệng không ngừng lẩm bẩm, là gặp ác mộng sao?" Trần Tác Nhân còn chưa nói lức tiến vào đã thấy Phó Thần cả người run rẩy, sắc mặt trắng bệch, bộ dạng trông có chút dọa người.
"Ta không nhớ lắm...." Phó Thần đã lâu chưa nằm mơ thấy những chuyện trước khi vào cung.
Đã qua ba năm, hắn còn nhớ rõ từng gương mặt như hiển hiện ngay trước mắt.
Hắn nhìn quanh một đám tiểu thái giám đang ngủ, không bị động tĩnh của bọn họ đánh thức mà vẫn ngáy o o.
"Ngươi không sao là tốt rồi, như vừa nãy thật đáng sợ".Trần Tác Nhân thở phào vỗ ngực.
"Cũng may có ngươi đánh thức ta." Phó Thần cũng hòa nhã đáp lại.
"Ta với ngươi mà còn khách sáo cái gì!" Trần Tác Nhân đang định cởi áo nằm lên giường lại nghe bên ngoài có tiếng động.
Hai người liếc qua nhau, nhanh chóng trao đổi.
Sống trong cung đa phần đều phải có tâm nhãn, vài kẻ khờ khạo phân nửa là chẳng sống lâu.
Một lúc sau, ngoài cửa truyền đến tiếng bước chân.
Đêm khuya tĩnh lặng không khó nghe được.
Đến khi Phó Thần mặc xong quần áo xuống giường, ngoài cửa đã vang lên tiếng gõ.
Phó Thần ngăn Trần Tác Nhân, mất vài giây cân nhắc tình huống.
Tiếng bước chân vừa rồi nghe có vẻ gấp gáp nhưng lại không gây động lớn, hẳn là có việc cần dùng người.
Phó Thần mở cửa ra, liền thấy đứng bên ngoài là Lý Tường Anh, thái giám chưởng sự cấp tam phẩm ở phủ nội vụ, phía sau là vài ba tiểu thái giám theo phe hắn.
Lý Tường Anh này là một chủ nhân khôn khéo, nổi tiếng cay độc, số thái giám cung nữ bị hắn hành hạ đến chết cứ vài tháng lại có một người.
Giờ này đến đây hẳn không phải có việc gì tốt đẹp.
Phó Thần trưng ra vẻ mặt tươi cười không hề có tâm nhãn, kết hợp với độ tuổi lại càng phát huy hiệu quả giả ngây.
Tuy hắn nhỏ bé, gầy teo nhưng cứ gặp người liền lộ ít nét cười, đôi con ngươi đen láy trong trẻo khiến người ta nhìn vào không thể ghét bỏ.
Hắn thấp giọng hỏi han: "Lý gia, có chuyện gì sao?"
Lý Tường Anh đối với tiểu thái giám mi thanh mục tú này có chút ấn tượng, liền tỏ vẻ khó chịu, hơi khom người nói: "Tìm mấy đứa kín miệng, mau ra đây, đừng kinh động nhiều người.".