Các vị đồng học, xin chào mọi người.Hôm nay có hơn 30 vị đồng học đến từ Phúc Châu, hơn 50 vị đồng học đến từ Bắc Kinh, các vị đến từ Đài Loan và các khu vực khác cũng hơn 30 người.
Tôi vô cùng cảm tạ mọi người.
Tôi biết trong số các đồng học, đặc biệt là đồng học đến từ Trung Quốc phải tốn một khoảng thời gian đi lại rất dài, tốn nhiều chi phí.
Thậm chí còn có đồng tu mang nữ trang của con gái đi bán lấy tiền làm lộ phí qua bên này tham học.
Đây là sự việc thật sự cảm động.
Đủ thấy là sự nhiệt tình của các vị đối với việc cầu pháp, có tâm chân thành.
Dù đến ở Singapore trong thời gian rất ngắn, nhưng vẫn luôn hy vọng chuyến đi này thật sự không uổng phí.
Việc tu học trong Phật pháp, trước tiên phải có nhận thức chính xác đối với nó thì chúng ta mới có thể đạt được lợi ích chân thật.
Mọi người đều biết, Phật giáo là do Thích-ca Mâu-ni Phật sáng lập vào khoảng 3.000 năm trước.
Người Ấn Độ gọi Ngài là Phật-đà.
Phật-đà có nghĩa là gì, chúng ta phải làm cho rõ ràng.
Ngày xưa thì gọi là Thánh nhân, người Ấn Độ gọi là Phật-đà, nên ý nghĩa của Phật-đà chính là Thánh nhân.
Danh từ này phiên dịch ra là giác giả, nghĩa là người giác ngộ chân chánh, giác ngộ viên mãn.
Ở Trung Quốc ý nghĩa của chữ “Thánh” là người thấu hiểu chân tướng của vũ trụ nhân sanh, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.
Cho nên mọi người hiểu được, Phật Bồ-tát không phải là thần tiên, Phật Bồ-tát là Thánh nhân là Hiền nhân.
Người Trung Quốc gọi là Thánh Hiền, người Ấn Độ thì gọi là Phật, gọi là Bồ-tát, là cùng một ý nghĩa.
Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền nhân.
Phật giáo của Ấn Độ cổ xưa là giáo dục.
Nếu dùng lời hiện nay mà nói thì đó là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa.
Chúng ta xem Khổng lão phu tử và Phật-đà thực sự không khác nhau.
Phu tử cũng là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa.
Bạn xem Ngài đã nói: “Hữu giáo vô loại”.
Câu nói này giống như ngày nay chúng ta nói là: “Không phân quốc độ, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo tín ngưỡng, bình đẳng như nhau”.
Thế nhưng có chỗ khác nhau giữa Khổng Tử và Phật-đà.
Là chỗ nào vậy? Phu tử dạy học là “chỉ nghe đến học, chưa nghe đi dạy”.
Bạn đi đến nơi của Ngài cầu học, Ngày rất hoan hỉ.
Bạn không đi tìm Ngài thì thôi chứ Ngài không đi tìm bạn.
Phật thì không như vậy.
Dù bạn không đi tìm Ngài, Ngài vẫn đến tìm bạn, gọi là “làm người khách không mời của hết thảy chúng sanh”.
Không giống nhau là ở chỗ này.
Thái độ giáo hóa đối với hết thảy chúng sanh của các Ngài là không như nhau.
Nội dung dạy học thì có thể nói là nguyên lý nguyên tắc tương đồng, đều là từ hiếu đạo mà bắt đầu, vẫn là viên mãn ở hiếu đạo.
Nhà Nho nói hiếu, nhà Phật cũng nói hiếu.
Bạn xem Tịnh Nghiệp Tam Phước vừa mở đầu thì nói với chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”.
Hiếu thân tôn sư là tông chỉ của giáo dục Phật-đà.
Triệt để hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh là mục tiêu chung cực của Phật giáo.
Đây là việc mà chúng ta phải làm cho rõ ràng trước tiên.Trong 200 năm gần đây Phật giáo mới biến thành tôn giáo.
Ngày trước thì không như vậy.
Ngày trước là giáo dục xã hội.
Hơn 200 năm, gần 300 năm khoảng thời gian này cũng không phải ngắn.
Phật giáo đã biến chất rồi, biến thành Tôn giáo.
Phật Bồ-tát bị biến thành thần tiên.
Mọi người đi đến các chùa chiền, am đường đều chỉ biết cầu khấn thần linh phù hộ, xem Phật Bồ-tát là thần linh.
Sai rồi! Thần linh có thể phù hộ cho bạn hay không? Đây là mê tín, xác thực là mê tín.
Thế nhưng việc Phật Bồ-tát có thể phù hộ cho chúng ta thì không phải là mê tín.
Phật Bồ-tát và thần linh phù hộ cho chúng ta khác biệt ở chỗ nào? Phật Bồ-tát dạy bạn biết tai nạn của bạn từ đâu mà đến.
Tai nạn là từ việc bạn tạo tác hết thảy bất thiện nghiệp mà chiêu cảm đến.
Bạn có thể quay đầu đoạn ác tu thiện thì tai nạn của bạn liền rời xa, phước báo của bạn liền hiện tiền.
Là các Ngài dạy cho bạn biết, không phải các Ngài có đặc dị công năng gì để đến bảo hộ cho bạn, không có đạo lý này.
Thần tiên nói là phù hộ cho bạn chứ không dạy bạn, vậy thì đó không phải là thật.
Kỳ thật, khi chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều các tôn giáo khác, chúng tôi xem kinh điển của họ.
Trong kinh điển của họ cũng là dạy người đoạn ác tu thiện.
Bạn hãy xem kinh Co-ran, xem Kinh Tân Cựu Ước của Ki-tô giáo và Thiên Chúa giáo.
Thần linh cũng dạy bạn phải hiếu kính cha mẹ, trong kinh điển của họ đều có.
Dạy bạn tôn trọng trưởng bối, yêu thương anh chị em của bạn, yêu thương hàng xóm láng giềng của bạn.
Đây là việc mà chúng tôi nhìn thấy trong kinh điển của các tôn giáo khác.
Đối với hết thảy người phải từ bi, phải thí xả.
Có thể thấy những vị thần linh trong các tôn giáo cũng là dạy người đoạn ác tu thiện.
Nếu không xem trọng sự giáo huấn, không chăm chỉ y giáo phụng hành, cứ mê muội dùng tình chấp để cầu Phật Bồ-tát thần linh đến phù hộ thì sau cùng cũng chỉ là uổng công.
Sau khi hụt hẫng thì oán hận Phật Bồ-tát không linh, thần tiên không linh, lại đi hủy báng, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp.
Vì vậy chúng tôi ngày nay tiếp xúc với rất nhiều các tôn giáo, chúng tôi đã khuyên tất cả các tôn giáo nên xem trọng việc giáo học của tôn giáo, phải xem trọng giáo dục tôn giáo.Ngày nay thế gian tai nạn rất nhiều.
Nguồn gốc của tai nạn chính là do chúng ta đã mất đi giáo huấn của Thánh Hiền.
Giáo huấn của Thánh Hiền dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta làm người như thế nào, làm một người tốt như thế nào, còn phải là người tốt số một trong số những người tốt.
Dạy chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa người với người, mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh đời sống, hết thảy vạn vật.
Sau khi bạn đã minh bạch rồi, bạn không những yêu thương người mà bạn cũng sẽ yêu thương vật.
Ngày nay nếu nói đến yêu thương động vật thì chúng ta không bằng người ngoại quốc.
Khi tôi sống ở Úc, người Úc nhìn thấy trên cây có một tổ chim, leo lên nhìn thử thì thấy bên trong có trứng chim.
Nơi này phải mở một con đường, cái cây này phải bị chặt đi, nhưng nhìn thấy trên cây có tổ chim nên họ phải đợi, đợi sau khi chim nở, lớn lên bay đi thì mới chặt bỏ cây này, mới mở con đường này, có khi phải đợi đến vài tháng.
Người ta yêu thương loài vật như vậy.
Điểm này chúng ta không bằng người ngoại quốc.
Cho nên khi chúng tôi ở nước ngoài, những động vật hoang dã như là những con sóc, chúng ta nhìn thấy thì rất thích chúng, lấy vài hạt đậu phộng để ở trên lòng bàn tay kêu chúng đến ăn, chúng sẽ leo lên lòng bàn tay của bạn mà ăn, chúng không sợ con người, mà như là bạn thân của con người vậy.
Chúng biết con người không làm hại chúng, sẽ bảo vệ chúng.
Ở chỗ chúng ta thì không nhìn thấy, ở chỗ chúng ta thì chim thú rất sợ người.
Ở ngoại quốc thì chim thú không sợ con người, vì con người không có ý niệm muốn sát hại chúng, đều yêu thương chúng, bảo vệ chúng.
Động vật như vậy thì thực vật cũng như vậy.
Vì vậy chúng ta hãy đi đến nơi đó mà xem thử, cây cối vì sao lại tốt như vậy, cỏ vì sao xanh như vậy, hoa vì sao đẹp như vậy, không có gì khác, vì người ta yêu thương chúng nên chúng dùng những việc này để báo đáp.
Lòng yêu thương tràn đầy khắp nhân gian, nhà Nho đã dạy bảo chúng ta như vậy, nhà Phật cũng dạy chúng ta như vậy.
Kỳ thực, trong kinh luận của các tôn giáo cũng đều dạy chúng ta như vậy nhưng chúng ta không chăm chỉ học tập.
Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều các tôn giáo, luôn nhìn thấy họ xem trọng các nghi thức tôn giáo mà không xem trọng việc giáo dục tôn giáo.
Giáo dục là thực chất, nghi thức chỉ là bề ngoài.
Chỉ có bề ngoài mà không có thực chất thì không thể giáo hóa chúng sanh, không thể tiêu tai miễn nạn.
Trong hết thảy tất cả giáo học của thế xuất thế gian, Phật pháp đích thật là đệ nhất.
Phật đích thực là siêu vượt hơn nhà Nho, nhà Nho vẫn có giới hạn, Phật pháp thì không có giới hạn.
Chúng ta thường hay nghe nhà Phật nói là “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, như vậy là không có giới hạn rồi.
Đặc biệt chúng ta đọc được điều này ở trong Kinh Hoa Nghiêm, nên phải chăm chỉ học tập.
Phải đem những gì học được hoàn toàn áp dụng vào trong cuộc sống của chúng ta, đây chính là một sự chuyển biến rất lớn.
Chuyển biến đời sống phàm phu của chúng ta thành đời sống của Phật Bồ-tát.
Phật Bồ-tát tự tại, an lạc.Từ chỗ nào mà bắt đầu xoay chuyển? Phải nên hiểu, chúng ta học Phật, các đồng tu học Phật rất nhiều, đã học rất nhiều năm mà công phu không đắc lực, vọng tưởng tạp niệm vẫn chồng chất như núi.
Các vị có rất nhiều vấn đề đến hỏi tôi.
Sau khi tôi nghe xong thì biết bạn từ sớm đến tối đều nghĩ tưởng lung tung.
Nếu bạn không có vọng tưởng thì bạn làm gì có vấn đề? Vấn đề của bạn đều là từ nghĩ tưởng quá nhiều mà ra.
Nói cách khác là không thật thà.
Nếu thật thà học Phật, lão thật niệm Phật, người thật thà thì không có vấn đề, có vấn đề đều là không thật thà, tâm không thanh tịnh.
Mọi người đều biết hai chữ “nghiệp chướng”.
Kỳ thực hai chữ “nghiệp chướng” này giải thích như thế nào đây? Rất ít người có thể giảng giải được.
Ngay cả nghiệp chướng là gì cũng không biết thì bạn làm sao có thể tiêu được nghiệp chướng? “Nghiệp” là sự nghiệp, sự là tạo tác.
Chúng ta khởi tâm động niệm là tạo tác trong tâm, ngôn ngữ là tạo tác của miệng, hành vi của thân là tạo tác của thân thể.
Khi đang tạo tác thì gọi là sự, bạn hiện tại đang làm sự việc gì thì chính là bạn đang tạo tác.
Kết quả của tạo tác gọi là nghiệp.
Tạo tác của bạn có lợi ích cho chúng sanh thì là thiện nghiệp.
Tạo tác của bạn là tự tư tự lợi thì là ác nghiệp.
Đây gọi là nghiệp.
Thiện nghiệp và ác nghiệp đều là chướng ngại.
Chướng ngại cái gì vậy? Chướng ngại tâm thanh tịnh của bạn, chướng ngại tâm bình đẳng của bạn.
Đây gọi là nghiệp chướng.
Các vị phải biết, tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng là chân tâm của chính mình.
Tâm không thanh tịnh thì liền bị ô nhiễm.
Bị cái gì làm ô nhiễm? Bị “tài sắc danh thực thùy” ô nhiễm, bị “tham sân si mạn” ô nhiễm.
Chân tâm của bạn mất đi rồi.
Sau khi chân tâm mất đi rồi thì cái bạn sử dụng đó là vọng tâm.
Là vọng tâm thì làm gì có đạo lý không tạo ác nghiệp.
Tạo tác ác nghiệp thì nhất định sẽ chiêu cảm đến quả báo bất thiện, vô vàn tai nạn sẽ hiện tiền.
Chúng ta phải hiểu rõ nghiệp chướng rốt cuộc là sự việc như thế nào.
Thế nên Phật dạy chúng ta tu cái gì? Tu tịnh nghiệp.
Cảnh giới này cao.
Thế nào gọi là tịnh nghiệp? Trong tịnh nghiệp không có ô nhiễm.
Nói cách khác là nhất định không có tự tư tự lợi, nhất định không có thị phi nhân ngã, không có tham sân si mạn, nên hết thảy tạo tác của bạn gọi là tịnh nghiệp.
Thuần túy là lợi tha, nhất định không có mảy may tự lợi.
Nếu bạn không hiểu, không biết cách làm như thế nào thì chỗ này của chúng tôi có băng ghi hình, bạn có thể xem qua.
Ở Singapore có một vị là cư sĩ Hứa 101 tuổi.
Bạn hãy xem con người này, [nghiệp] người này tạo ra là tịnh nghiệp, không phải là nhiễm nghiệp.
Bà đã 101 tuổi rồi, các vị hãy đi xem bà, thân thể của bà giống như người 30-40 tuổi vậy, cả đời chưa từng bị bệnh.
Tôi tỉ mỉ quan sát thì chỉ thấy bà mất một cái răng.
Tai, mắt đều minh mẫn, phản ứng nhanh nhạy không khác gì thanh niên.
Vì sao bà lại có hiệu quả đó? Vì tâm thanh tịnh.
Bạn hỏi bà, bà sẽ nói với bạn, bà cả đời chưa hề tức giận bao giờ, không oán hận một người nào.
Bà nhìn thế gian này, ai ai cũng đều là người tốt.
Khi chung sống với mọi người có chỗ nào chưa tốt, bà đều không trách người khác mà trách chính mình, là do chính mình làm chưa tốt nên không thể khiến người khác hoan hỷ.
Xưa nay bà chưa hề trách cứ người khác, cho nên bà khỏe mạnh sống lâu, 101 tuổi rồi mà mỗi ngày đều ra ngoài bôn ba vì những người nghèo khổ mà làm thiện nguyện, bà không nghỉ ngơi.
Nếu bạn muốn tìm bà thì phải hẹn trước bằng không bạn sẽ không thể tìm được bà.
Bà bận giúp đỡ hết thảy những người nghèo khổ.
Bà mỗi ngày ăn một bữa, là ăn trường chay.
Quần áo bà mặc là nhặt từ trong thùng rác, xưa nay chưa hề đi mua một bộ quần áo nào.
Người ta hỏi bà vì sao vậy? Bà nói người nghèo khổ còn rất nhiều, tôi phải giống như người nghèo khổ vậy, nếu tôi mặc quần áo mới thì sẽ không giống như họ nữa.
Bà không có cái ngã, không có tư tâm, cho nên bà là tu tịnh nghiệp.
Nếu “tịnh nghiệp” nhà Phật nói mà bạn không hiểu thì bạn hãy xem bà thì bạn sẽ hiểu, đó gọi là tịnh nghiệp.
Quả báo của tịnh nghiệp là thanh tịnh tự tại, thân tâm an lạc.
Bà không có phiền não, không có lo lắng, không có vướng mắc.
Đây là một tấm gương cho chúng ta, là làm cho chúng ta xem.
Đến khi 101 tuổi bà mới học Phật.
Hiện tại bà mới quy y, mới học Phật.
Bạn hỏi bà có đang suy nghĩ gì không? Bà đang nghĩ gì vậy? Bà nói tôi đang nghĩ “A Di Đà Phật”.
Hiện tại đã học Phật rồi thì nghĩ đến A Di Đà Phật, khẳng định sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Bà là một người thiện đạt tiêu chuẩn, chúng ta phải nên học tập ở bà.
Sự hành trì của bà người xuất gia đều làm không được.
Cả một đời bà là tùy duyên chứ không phan duyên nên tâm của bà mới thanh tịnh.
Thế nào gọi là phan duyên? Ta muốn đi làm cái gì thì làm cái đó, đó là phan duyên.
Bà xưa nay chưa hề có ý nghĩ này.
Cái gì cũng đều tùy duyên, tùy duyên thì tự tại.
Bạn hãy xem con người 101 tuổi này, nếu bạn có cơ hội gặp được bà, bà có thể lộn nhào vài cái cho bạn xem.
Các vị làm không được, bà có thể làm được.
Chúng tôi có làm một video ngắn về đời sống của bà, có dịp sẽ chiếu cho mọi người xem.
Nếu các vị có cơ hội thì hãy nhờ cư sĩ Lý hẹn với bà, có thể đến thăm bà.***********Các vị đồng học, mấy ngày hôm nay có rất nhiều đồng học đến từ Trung Quốc, Đài Loan và các khu vực khác.
Xem tình hình này thì về sau người sẽ ngày càng nhiều hơn.
Mọi người đến bên này, việc tôi có thể giúp đỡ các vị thực tế mà nói là rất có hạn.
Chúng ta phải nhận thức thật rõ ràng, trong hoàn cảnh đời sống hiện tại của chính mình phải làm như thế nào mới chân thật đạt được sự giải thoát.
Ý nghĩa này rất lớn! Khi chưa tiếp xúc với Phật pháp, đối với những chân tướng sự thật này chúng ta tương đối không dễ gì tiếp nhận.
Đối với Phật pháp nếu đã đọc xem qua, người có một chút công phu đều khẳng định rằng con người không phải chỉ có một đời này, chúng ta có đời quá khứ và còn có đời vị lai.
Thánh Hiền thế xuất thế gian, không ai mà không nói với chúng ta sanh mạng là vĩnh hằng, bất sanh bất diệt.
Phật pháp gọi bất sanh bất diệt là Đại Bát Niết Bàn.
Đại Bát Niết Bàn là theo tiếng Ấn Độ, ý nghĩa là bất sanh bất diệt.
Phật muốn chúng ta đi chứng minh.
Nếu bạn chứng minh, chứng thực sự thật này chân thật tồn tại thì người này gọi là thành Phật, gọi là chứng đạo, chứng quả.
Sanh tử là một sự việc như thế nào vậy? Sanh tử chính là cái thân này có sanh tử.
Cái thân này không phải là ta, thân là cái của ta.
Giống như quần áo vậy, quần áo dơ bẩn rồi thì thay một cái khác.
Thân thể này hư hoại rồi thì vứt bỏ, đổi sang một cái mới hơn.
Xả thân thọ thân cũng giống như thay đổi quần áo vậy thôi.
Trong này nói với chúng ta rằng cái ta chân thật thì không có sanh tử.
Cho nên chúng ta phải suy nghĩ về cái ta chân thật này.
Nếu bạn tu thiện nghiệp thì tương lai thân mà bạn thay đổi sẽ càng ngày càng tốt, càng thay càng thù thắng.
Nếu bạn làm việc ác thì thân này càng thay sẽ càng tệ.
Bạn xem thân người nếu thay đổi thành thân súc sanh thì đã thấp đi một bậc rồi, lại đổi thành thân quỷ thì còn thấp hơn súc sanh một bậc nữa.
Nếu bạn muốn đổi thành một thân tướng tốt vậy thì bạn phải tu thiện.
Nếu bạn làm ác thì thân tướng của bạn nhất định mỗi đời sẽ một tệ hơn.
Đây là đạo lý chân thật, cũng là sự tướng chân thật.
Do đó Phật nói với chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”.
Xin nói với các vị Phật pháp cũng là “hữu vi pháp”.
Vậy có cần phải học Phật pháp hay không? Phải học.
Phải biết học.
Nếu bạn không biết học, dù bạn học đầy cả một bụng Phật pháp thì Phật pháp đó cũng không khởi tác dụng.
Bạn vẫn phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi, bạn vẫn là đời sau không bằng đời trước.
Cho nên bạn phải biết học.Phật pháp chân chánh là gì? Là giới định huệ.
Đây mới chân thật là Phật pháp.
Giới định huệ có nằm trong sách hay không? Không có.
Trong sách thì làm gì có giới định huệ.
Giới định huệ là trong tâm của bạn, trong sách chỉ là thuyết minh nói rõ mà thôi.
Chúng ta đọc sách thì hiểu được trong tự tánh của chúng ta có giới định huệ viên mãn, mới hoát nhiên đại ngộ, mới hiểu được.
“Có” thì làm thế nào đem giới định huệ lấy ra? Đây là chân học vấn, chân công phu.
Chúng ta hiện nay vì sao không có giới định huệ? Vì giới định huệ đã biến thành phiền não rồi, biến thành tham sân si.
Giới biến thành tham, định biến thành sân nhuế, huệ biến thành ngu si.
Biến chất rồi.
Phật nói với chúng ta, tham sân si chính là giới định huệ.
Hiện nay làm thế nào đem tham sân si khôi phục thành giới định huệ thì việc tu học Phật pháp của chúng ta sẽ là công đức viên mãn.
Mấu chốt là ở chỗ nào? Mấu chốt là ở chỗ mê ngộ.
Mê rồi thì giới định huệ trong tự tánh của chúng ta biến thành tham sân si.
Giác ngộ rồi thì tham sân si hiện tiền liền biến thành giới định huệ, là sự việc như vậy.
Nếu các vị hiểu được những nguyên lý, nguyên tắc này, phải tin sâu không nghi thì chúng ta biết dụng công.
Vì sao vậy? Vì chúng ta đã nắm bắt được mục đích của tu học, chân thật nắm rõ được cương lĩnh.
Thế nên chúng ta biết được phải học như thế nào.
“Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu” thì sẽ có cách đem tham sân si khôi phục trở lại thành giới định huệ.
Không thể tham nhiều, cái gì cũng muốn học là tâm tham.
Lòng tham thì không thể đoạn được lòng tham, mê không thể phá mê.
Giác mới có thể phá mê.
Mọi người phải hiểu đạo lý này.
Trước mắt chúng ta phải vun trồng cái gốc cho vững.
Nhất định không đọa lạc, nhất định không trượt ngã.
Việc này quan trọng.Chúng ta xem từ xưa đến nay biết bao nhiêu người tu hành thất bại, đọa lạc, trượt ngã.
Nguyên nhân là gì? Là dùng ý niệm tham sân si để tu hành, dùng ý niệm tự tư tự lợi mà tu hành.
Vậy thì làm sao có thể thành công? Phương pháp để vun bồi cho chắc cái gốc chính là một môn thâm nhập.
Trong một môn này thành tựu giới định huệ.
Đây là một phương pháp vô cùng quan trọng.
Sau khi huệ đã khai rồi mới học rộng nghe nhiều.
Cho nên Tứ Hoằng Thệ Nguyện là con đường mà Phật dạy chúng ta tu hành, chúng ta phải tuần tự tiến dần lên.
Thứ nhất là phải phát nguyện.
Thực tại mà nói ngày nay người tu hành chưa phát nguyện.
Cho nên bạn cái gì cũng đều không thể thành công, bạn không phát nguyện thì bạn vẫn chưa bước vào cửa Phật.
Phát cái nguyện gì? “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.
Câu nói này giảng như thế nào? Chúng sanh vô lượng vô biên, ta phải phát cái nguyện vì họ mà phục vụ.
Các vị đã phát tâm này chưa? Vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, xả mình vì người.
Qua lại với người mà trong lòng vẫn nghĩ làm thế nào để có chỗ tốt cho mình, có lợi ích cho mình.
Sai rồi! Bạn đã mê rồi.
Bạn làm sao có thể học Phật chứ? Bạn làm sao có thể vào cửa? Bạn hãy xem chư Phật Như Lai, chư đại Bồ-tát, thậm chí là Thanh Văn, Duyên Giác.
Các Ngài đã phát cái tâm gì? Qua lại với chúng sanh luôn nghĩ đến việc chính mình có lợi ích gì đối với chúng sanh.
Tuyệt đối không nghĩ đến chúng sanh có lợi ích gì với ta hay không, không nghĩ đến việc này, mà là ta có lợi ích gì đối với họ, ta có cống hiến gì cho họ hay không? Đây gọi là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.
Bạn không có cái tâm này, không có cái nguyện này thì bạn học Phật làm gì chứ? Học có nhiều hơn đi nữa thì bạn vẫn là chúng sanh trong lục đạo, bạn vẫn chưa vào cửa Phật.
Bạn phải học Phật, Phật là xả mình vì người.
Kinh Kim Cang mọi người cũng đọc rất nhiều.
Chư Phật Bồ-tát là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”.
Một lòng chân thành từ bi vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, giúp đỡ hết thảy chúng sanh giải trừ khổ nạn.
Khổ nạn là có nguồn gốc.
Gốc của khổ nạn là gì? Gốc là mê hoặc.
Do đó, trong việc phục vụ giúp đỡ chúng sanh thì việc quan trọng nhất là giúp họ khai ngộ, phá mê khai ngộ, họ tự nhiên sẽ lìa khổ được vui.
Vĩnh viễn lìa khổ, vĩnh viễn được vui.
Đây là hạng mục quan trọng nhất trong vô lượng vô biên hạng mục.
Thích-ca Mâu-ni Phật đã biểu diễn cho chúng ta xem, 49 năm giảng kinh thuyết pháp chính là làm công tác phục vụ này.
Đây là căn bản nhất, cũng là quan trọng nhất.
Sau khi chúng ta hiểu rõ việc này, đã rõ lý rồi, sự đã rõ ràng rồi thì mới hiểu được tầm quan trọng của “nhất môn thâm nhập”.
Một môn thâm nhập là học cái gì? Đoạn phiền não.
“Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”.
Đoạn phiền não chính là lúc nãy tôi vừa nói, đem tham sân si chuyển biến thành giới định huệ.
Chính là làm công việc này.
Một quyển Kinh Vô Lượng Thọ hoặc là một quyển Kinh A Di Đà thì đủ rồi.
Bạn cần nhiều thêm để làm gì? Cổ Đại đức đã làm tấm gương cho chúng ta xem, cả một đời giảng một bộ Kinh A Di Đà, giảng hơn 300 lần.
Đây là làm tấm gương tốt cho người hiện nay chúng ta.
Người ta nếu mời Ngài làm cái khác, “tôi không biết, tôi chỉ biết giảng Kinh A Di Đà.
Những cái khác tôi đều không biết.
Các vị mời Pháp sư khác mà giảng”.
Ngài đã thành công.
Tâm của Ngài là định.
Có phải Ngài không biết giảng những kinh khác hay không? Kinh nào Ngài cũng biết giảng nhưng Ngài không giảng, chính là làm một tấm gương tốt, chỉ ra một con đường sáng cho mọi người thoát ly lục đạo luân hồi, là con đường xán lạn để liễu sanh tử xuất tam giới.
Một môn thâm nhập chuyên tu chuyên hoằng.
Bạn thích giảng Kinh Vô Lượng Thọ thì bạn cả đời cứ giảng bộ kinh này.
Thích giảng Kinh Di Đà thì cả đời giảng Kinh Di Đà, không nên giảng nhiều.
Ăn nhiều thì nuốt không trôi, làm quá nhiều quá tạp thì tâm bạn sẽ loạn.
Giới định huệ của bạn hết thảy đều không có.
Cho nên phải tinh chuyên.Trong quá khứ tôi ở dưới hội của Lý lão sư 10 năm tại Đài Trung.
Tôi đã nói qua với các vị, tôi học 5 bộ kinh.
Mười năm chỉ học 5 bộ.
Vào lúc đó tôi không hiểu đại đạo lý này nên đã học 5 bộ.
Nếu hiểu được đại đạo lý này thì tôi chỉ học một bộ, tôi sẽ không học 5 bộ.
Tôi theo Lý lão sư nhiều năm như vậy nhưng Ngài không giảng giải đại đạo lý này cho tôi một cách rõ ràng thấu triệt như vậy.
Lão sư nói chuyện rất hàm súc, chỉ ám chỉ ám thị mà thôi.
Do đó chúng ta có thể thể hội được cái dục vọng tìm tòi học hỏi đó không buông xuống được.
Nếu Ngài có thái độ giống như tôi, nói kiên quyết như thế này, nói thẳng như thế này thì chúng tôi chỉ đành phải phục tùng thôi.
Làm gì có đạo lý không nghe theo chứ? Đó là sự đáng quý của một môn thâm nhập.
Bởi vì chúng ta không tu cái gì khác, chúng ta là cầu định huệ.
Định là đầu mối trọng yếu.
Giới là phương tiện.
Định là trọng yếu.
Huệ là mục đích.
Phải khai trí huệ.
Tôi ở Đài Trung học 5 bộ kinh, kể ra cho các vị nghe thì các vị thấy được phân lượng không nhiều.
Bộ đầu tiên là học bộ A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung Kinh.
Bộ kinh đó phân lượng bao lớn? Giống như trang sách này thì chỉ có sáu trang.
Sáu trang thôi, không nhiều.
Bộ kinh thứ hai học là Phật Thuyết A Di Đà Kinh.
Bộ này thì các vị thường đọc tụng.
Bộ thứ ba học là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, các vị cũng đều đọc qua rồi, phân lượng của bộ này thì nhiều hơn một chút.
Bộ thứ tư là Kinh Kim Cang.
Bộ tứ năm học là Kinh Lăng Nghiêm.
Tôi ở Đài Trung 10 năm chỉ học một chút kinh này thôi, cho nên mới cắm được cái gốc.
Thế nhưng những kinh luận mà tôi giảng thì rất nhiều, có mấy mươi loại, đã giảng qua khoảng mấy mươi loại kinh luận.
Những đại kinh đại luận này tôi chưa học qua, chưa học qua nhưng có thể giảng.
Trong quá trình cầu học đã đạt được một chút định nhỏ, một chút huệ nhỏ thôi.
Vì vậy nếu không có định huệ thì làm sao có thể thành công? Nếu ngày nay chúng ta không có năng lực này vậy thì đành lão thật một môn thâm nhập, một câu Phật hiệu niệm đến cùng, chắc chắn được vãng sanh.
Cuộc đời này của chúng ta thành công rồi.
Thế xuất thế gian pháp đều phải buông xuống.
Liên Trì Đại sư những năm cuối đời đã nói hai câu, nói rất hay.
“Tam Tạng mười hai bộ để người khác ngộ”.
Các vị có ai thích ngộ thì các vị tự mình đi ngộ, còn Ngài thì chỉ một bộ Kinh Di Đà, ngay cả Phật pháp cũng đều buông xuống.
“Tám vạn bốn ngàn pháp môn, xin nhường mọi người hành”.
Các vị muốn tu rất nhiều pháp môn thì các vị cứ tu.
Tám vạn bốn ngàn pháp môn xin nhường các vị tu.
Ngài thì chuyên tu pháp môn niệm Phật.
Hai câu nói này rất hay, không phải người tái lai thì không nói được câu nói này.
Một quyển Kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu, vững vàng chắc chắn đến thế giới Cực Lạc, gặp A Di Đà Phật.
Bạn muốn nhiều Pháp môn để làm gì chứ? Tôi ngày nay giảng nhiều kinh luận như vậy là vì sao? Là bị ép buộc.
Nếu thế gian còn có người giảng những kinh luận này, tôi nhất định sẽ không giảng nữa.
Vì không có ai giảng nên rất nhiều Pháp sư Đại đức khuyên tôi giảng qua một lần, lưu lại băng ghi hình để cho đời sau làm tham khảo, là ý như vậy.
Tôi tuyệt đối không phải muốn giảng, cũng quyết không phải yêu thích giảng.
Giảng những kinh luận này đối với sự tu hành của bản thân tôi dù nhiều hay ít thì cũng có một chút chướng ngại.
Tuy là chướng ngại không lớn nhưng ít nhiều cũng có một chút chướng ngại.
Đây chính là chỗ mà tôi không giống như những người khác.
Các vị nếu không có một chút định công này thì chướng ngại rất lớn, nhất định sẽ tạo thành chướng ngại rồi.
Tâm của bạn là tán loạn, tâm của bạn là hôn trầm, ý thức tư tưởng của bạn không thể tập trung, phiền não của bạn không áp chế được.
Nói cách khác, bạn nhất định vẫn phải luân hồi lục đạo.
Nói lời khó nghe một chút, trong ba đường ác bạn có phần rất lớn.
Cho nên các vị đồng tu đến nơi đây thời gian tuy rằng không dài, tôi cống hiến cho các vị một câu là hãy kiên định lòng tin quyết không lay động.
Chúng ta có sư thừa, có lão sư, đời đời tương truyền, nhất định là không sai lầm.
Ngày nay trong nước, ngoài nước, số người y chiếu theo bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này tu hành, thoại tướng vãng sanh rất hiếm có.
Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy, đây là sự chứng minh.
Cho nên phải có lòng tin đối với bản hội tập này.
Lòng tin của tôi rất tràn đầy, không mảy may lay động.
Thời kỳ mạt Pháp 9.000 năm, chính là bản hội tập này quảng độ chúng sanh.
Đại sư Mai Quang Hy đã nói không sai chút nào.
Ngày trước pháp sư Diễn Bồi cũng hoài nghi.
Ông hoài nghi Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích.
Ấn Quang Đại Sư xưng tán rằng dù cho cổ Phật tái lai làm chú giải cho bộ Kinh Di Đà này cũng không thể nào hay hơn được.
Pháp sư Diễn Bồi đã hỏi tôi, Ấn Quang Pháp sư nói những lời này có phải là nói quá lời rồi hay không? Tôi trả lời là: “Không nói quá lời một chút nào cả.
Ngài nói rất chính xác”.
Bản hội tập này của Ngài Hạ Liên Cư, giống như Ngài Mai Quang Hy đã nói cũng là rất chính xác.
Chúng ta nếu có loại tâm này, có loại nguyện này, loại hành này thì bản thân nắm chắc đến Tây Phương Tịnh Độ rồi.
Bất cứ lúc nào cũng có thể vãng sanh, bất cứ nơi đâu cũng có thể vãng sanh, đều không có chút chướng ngại nào.
Đạo nghiệp của chúng ta xem như đã thành công.
Sự tu học của đời này không uổng phí.
Cho nên chúng ta cảm ơn đối với sự giáo huấn của lão sư, chúng ta thật sự đạt được, thật sự giải quyết được vấn đề.
Chúng ta ở nơi này cùng nhau tu học không giống với các Phật Học Viện thông thường khác.
Khóa trình của họ rất nhiều, rất tạp, là học rộng nghe nhiều.
Tôi không tán thành phương pháp này.
Phương pháp giáo học ở các Phật Học Viện đó là một học kỳ học đến mười mấy môn khóa trình.
Thật là lãng phí người khác, nhất định không thể thành tựu.
Phương pháp tôi dạy người là do Lý lão sư truyền cho tôi.
Đây là phương pháp đời đời tương truyền của người Trung Quốc xưa.
Chính là chỉ học một thứ.
Vào lúc đó Phật Quang Sơn có hơn 100 vị học trò.
Tôi đã nói với Pháp sư Tinh Vân, mỗi một học trò học một bộ kinh, cả đời chỉ học một bộ kinh, sau mười năm thì họ đều là chuyên gia.
Một bộ Kinh A Di Đà học 10 năm thì người đó chính là A Di Đà Phật.
Một bộ Phổ Môn Phẩm học 10 năm thì người đó chính là Quan Âm Bồ-tát.
Mỗi người đều là một chuyên gia, không nên làm thông gia, vậy thì thành công rồi.
Nhưng ông không tin, không thể tiếp nhận, ông muốn học rộng nghe nhiều.
Sau khi học xong thì cái gì cũng không biết, học quá tạp quá loạn.
Học đầy cả một bụng đều là Phật học thường thức, không liên quan gì với đạo.
Cho nên tôi cũng không có cách nào thương lượng với ông.
Chúng tôi đành như vậy mà chia tay rồi rời đi.Ở nơi này tổ chức lớp bồi huấn, các vị đồng học ở nơi này cũng có một chút thể nghiệm.
Chúng tôi là một bộ Kinh Vô Lượng Thọ nhưng cảm nhận của các vị đều không như nhau.
Bất luận là bộ kinh nào, chỉ cần bạn học một bộ, một môn thâm nhập, toàn tâm toàn lực chăm chú vào đó thì bạn sẽ từ trong này mà đắc giới, đắc định, đắc huệ.
Bạn thành công rồi.
Sau khi trí huệ khai rồi thì bạn có thể đi đọc rộng, bạn có thể đi nghe nhiều.
Vì sao vậy? Bổ sung cho hậu đắc trí của bạn.
Hậu đắc trí là vô sở bất tri.
Vô sở bất tri nhưng bạn vẫn tập trung vào một bộ kinh mà phát huy.
Sau đó bạn xem lại bộ kinh này thì mỗi câu mỗi chữ đều là vô lượng nghĩa.
Nói ngắn nói dài, nói sâu nói cạn, bạn đều được đại tự tại.
Đây là chỗ tốt từ việc nhất môn thâm nhập.
Mọi người hãy nên ghi nhớ đạo lý này, ghi nhớ phương pháp này.
Đến đây một chuyến cũng xem như không uổng công.
Tôi xin nêu ra một chút như vậy để cống hiến với các vị.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết xin cảm ơn mọi người.
A Di Đà Phật!.