Thái Thượng Cảm Ứng Thiên


Các vị đồng học, xin chào mọi người!Xin mời mở Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 118, những đoạn tiếp theo là tổng kết của quả báo thiện và ác.

Mời xem kinh văn:“Như thị đẳng tội, tư mệnh tùy kỳ khinh trọng, đoạt kỳ kỷ toán.

Toán tận tắc tử.

Tử hữu dư trái, ương cập tử tôn.” (Đối với các tội như thế, thần Tư Mệnh tùy theo tội nặng hay nhẹ mà trừ bớt tuổi thọ của người gây tội.

Tuổi thọ đã hết, sẽ phải chết.

Đã chết mà còn chưa hết nợ thì con cháu phải gánh tai ương)Chúng ta chia nhỏ những câu này ra làm hai đoạn.

Đoạn phía trước là chỉ rõ “tội báo”, hai câu phía sau là nói riêng biệt về “dư ương”.

“Đối với các tội như thế”, đây là tổng kết của những đoạn kinh văn phía trên mà chúng tôi đã dùng rất nhiều thời gian để giảng nói.

Đây là tạo ác, tạo tác rất nhiều ác nghiệp.

Những điều trong Cảm Ứng Thiên đã nói hầu như đều là những tội nghiệp trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta bất tri bất giác tạo ra.

Vì sao lại tạo tác như vậy? Ở phía trước chúng ta cũng đã nghiên cứu thảo luận qua.

Tổng kết nguyên nhân không ngoài hai loại: Một là tập khí từ vô thủy kiếp đến nay, là tập khí xấu.

Trong Bách Pháp Minh Môn Luận, đây là tài liệu thuộc về Phật học thường thức của Phật giáo chúng ta, bất luận là học tông phái nào thì đều phải học tập theo.

Trong cuốn sách nhỏ này Phật nói với chúng ta: hết thảy chúng sanh trong tám thức gồm năm mươi mốt loại tâm sở hữu pháp, ác tâm sở hữu pháp có hai mươi sáu loại, thiện tâm sở hữu pháp có mười một loại.

Bạn xem tỷ lệ này không chỉ vượt hơn một nửa, hơn nữa sức mạnh của thiện tâm sở pháp lại yếu ớt, còn sức mạnh của ác tâm sở pháp rất mạnh, điều này chúng ta thường gọi là thói quen xấu ác.

Trong nhà Phật gọi là ác tâm sở gồm sáu loại căn bản phiền não và hai mươi loại tùy phiền não, bất tri bất giác chúng liền khởi hiện hành, cho nên con người dễ tạo ác là có đạo lý.Từ trên ngoại duyên mà nói, đặc biệt là xã hội ngày nay, ác duyên thì nhiều, thiện duyên thì ít, sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới có thể nói là không có cái nào không khiến cho chúng ta tạo ác.

Bên trong có tập khí phiền não nghiêm trọng, bên ngoài có sự cám dỗ lôi kéo của ác duyên thì họ làm sao mà không tạo tội nghiệp được chứ? Khi tạo tội nghiệp thì không biết, đến lúc quả báo hiện tiền thì kinh sợ, lúc này sợ hãi cũng không kịp nữa rồi.

Cho nên chúng ta là những người hiếm có trong số ít người vô cùng may mắn có thể đọc được những lời giáo huấn này của Phật.

Sau khi đọc rồi thì nên sanh khởi sự cảnh giác cao độ, biết được sự đáng sợ của sự việc này, hậu quả không thể lường được.

Con người có thể có tâm kinh sợ thì tự nhiên họ sẽ không dám tạo nghiệp, nghĩ đến sự đáng sợ của quả báo thì không dám tạo tác nữa.

Niệm niệm có tâm kính sợ mới có thể phòng ngừa việc tạo tội.

Niệm niệm có thể nghĩ đến Phật Bồ-tát, Thánh Hiền nhân dạy bảo chúng ta phải chăm chỉ tu thập thiện nghiệp, chúng ta muốn mong cầu thiện quả thì nhất định phải đoạn ác tu thiện.

Tâm ác, ý niệm ác, hành vi ác mà mong cầu thiện quả thì làm gì có đạo lý này.

Sách Cảm Ứng Thiên này chúng ta sắp đọc hết rồi, đến đây là phần tổng kết, không phải là tổng kết trong sách mà chúng ta phải nghiêm chỉnh phản tỉnh, làm tổng kết từ trong khởi tâm động niệm và lời nói việc làm.

Sau đó mới thật sự hiểu rõ là: không thể không tu thiện, không thể không đoạn ác, vậy thì cuộc đời này của chúng ta vẫn còn có thể cứu.

Nếu tiếp tục mê hoặc điên đảo như trước đây, tùy thuận vọng tưởng phân biệt chấp trước của bản thân thì quả báo được nói ở phía trước nhất định không thể tránh khỏi.Kinh văn nói “Đối với các tội như thế”, đây là tổng kết của cả đoạn lớn về sự “tạo ác” cũng là giáo huấn quan trọng nhất trong Cảm Ứng Thiên.

“Thần Tư Mệnh tùy theo tội nặng hay nhẹ”, “Thần Tư Mệnh” là nói quỷ thần, người ngày nay không tin quỷ thần.

Sự việc này không phải là nói không tin thì không có, tin thì có.

Nếu vậy thì sự việc này giải quyết dễ dàng rồi, chúng ta không tin thì không có.

Không tin nhưng vẫn có quỷ thần, họ thật sự tồn tại, Tư Mệnh quỷ thần có rất nhiều.

Cõi dục giới có thiên thần, Đạo giáo gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, trong Phật pháp gọi là Đao Lợi Thiên chủ.

Thông thường các tôn giáo khác gọi là Thượng Đế, là vị thần lớn hơn thần Tư Mệnh, còn có các vị thần kế tiếp, còn có rất nhiều thiên thần, có cả quỷ thần.

Sáu căn của chúng ta tiếp xúc không đến được họ, thế nhưng họ nhìn thấy chúng ta rất rõ ràng.

Cho nên có câu “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”, câu nói này là thật không phải là giả.

Gần với chúng ta nhất là thần Tam Thi, phía trước chúng tôi đã nói qua, giới thiệu qua rồi, trong kinh Phật nói với chúng ta có hai vị thần thường xuyên ở cùng với chúng ta, một giây một phút cũng không xa rời, một vị là “Đồng Sanh”, vị kia là “Đồng Danh”.


Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta họ đều nhìn thấy, họ đều ghi chép, đều làm báo cáo.

Chúng ta làm việc thiện, tạo việc ác thì họ làm chứng.

Nhất định không được cho rằng chúng ta khởi tâm động niệm không có người biết, cách nghĩ này sai rồi.

Con người có vận mạng, cho nên khi xem tướng đoán mạng, người chân thật cao minh sẽ đoán rất đúng.

Các vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, bạn xem Khổng tiên sinh đoán vận mạng cho Viên Liễu Phàm vô cùng chuẩn xác, không phải đối với một người mà đối với tất cả mọi người đều đoán được rất chuẩn xác.

Điều này nói rõ con người có vận mạng, vận mạng từ đâu mà có vậy? Nên biết vận mạng là do trong đời quá khứ chúng ta đã tạo nên những thiện nghiệp và ác nghiệp.

Nghiệp lực chi phối vận mạng, vận mạng không phải do quỷ thần chi phối, không phải do thần Tư Mệnh chi phối mà do chính mình chi phối.

Bản thân mình có thể đoạn ác tu thiện thì vận mạng của bạn đương nhiên tốt.

Nếu bạn không kiêng sợ mà tùy thuận theo tập khí phiền não của chính mình, không việc ác nào mà không làm, vậy thì vận mạng của bạn đương nhiên sẽ không tốt.

Phật Bồ-tát không thể tăng hay giảm một mảy may nào cho chúng ta được, thần Tư Mệnh cũng không có quyền lực để tăng hay giảm, giống như nhân viên tư pháp, nhân viên chấp pháp của thế gian chúng ta không thể tùy tiện tăng thêm tội danh của một người, không được phép, cũng không được phép tùy thuận theo ý mình để thưởng hay phạt một người nào đó.

Nhất định là khi họ có cống hiến, làm rất nhiều việc tốt đối với xã hội thì nhân viên chấp pháp chính phủ khen thưởng họ, nếu họ tạo tác ác nghiệp thì căn cứ vào ác nghiệp, hành vi việc làm của họ mà trừng phạt họ.

Từ đây có thể biết, tuy họ là chủ quản chấp hành việc thưởng phạt nhưng họ không có quyền lực tùy tiện khen thưởng hay trừng phạt người thông thường mà nhất định phải dựa vào hành vi việc làm của người dân đó.

Thần Tư Mệnh cũng là như vậy, cho nên “tùy theo tội nặng hay nhẹ”, tùy theo việc làm, tạo tác ác nghiệp nặng hay nhẹ của chúng ta “mà trừ bớt tuổi thọ của người gây tội”.“Kỷ toán” là nói về tuổi thọ, đây là sự trừng phạt lớn.

Con người có thể hành thiện thì được kéo dài tuổi thọ, gọi là “diên niên ích thọ”.

Làm những việc thiện nào có thể tăng tuổi thêm thọ vậy? Là những thiện hạnh mà Cảm Ứng Thiên nói phía trước, đó là những việc lợi ích xã hội, lợi ích hết thảy chúng sanh, nỗ lực làm thật nhiều.

Lợi ích lớn nhất là giúp chúng sanh giác ngộ, giúp chúng sanh hiểu rõ lý và sự của nhân quả, đây là đại thiện, giúp đỡ chúng sanh chuyển mê thành ngộ.

Con người nếu có thể làm được việc đại thiện này thì nhất định diên niên ích thọ.

Trường thọ là điều mà hết thảy chúng sanh đều mong cầu.

Nếu bản thân mình không chịu khó tích công lũy đức, thọ mạng dài nhưng thân thể không mạnh khỏe thì đó là khổ báo, đó không phải là thiện, nhất định là thọ mạng dài, thân thể lại khỏe mạnh, đây là phước báo.

Chúng ta ở Singapore nhìn thấy cư sĩ Hứa Triết, đây là tấm gương sống động tốt nhất để chúng ta học Cảm Ứng Thiên.

Bà mạnh khỏe sống lâu, một trăm lẻ một tuổi rồi mà giống như thanh niên vậy.

Bà tu như thế nào? Mỗi người chúng ta đều có thể tu, nhất định không phải là sự độc quyền của bà, chúng ta thấy tấm gương này, hỏi tỉ mỉ về cuộc sống, tư duy, hành trì của bà, chúng ta từ điểm này liền có thể học tập theo, nhất định phải tận lực làm việc thiện.

Nếu tạo tác hết thảy những việc bất thiện, bạn không tin tưởng nhân quả báo ứng, làm nhiều tội ác rồi thì thọ mạng của bạn sẽ bị giảm.

Những việc thế này tương đối không dễ dàng lí giải, trong sách xưa ghi chép lại rất nhiều, trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên trích dẫn những nhân duyên công án cũng rất nhiều, chúng ta xem rồi có tin hay không? Sau khi tiên sinh Viên Liễu Phàm gặp được thiền sư Vân Cốc thì ông hiểu được đạo lý này, cho nên ông vô cùng chăm chỉ nỗ lực sửa lỗi tu thiện, vận mạng của ông chuyển biến, thọ mạng của ông cũng được kéo dài.

Khổng tiên sinh đoán thọ mạng của ông được năm mươi ba tuổi, ông sống đến hơn bảy mươi tuổi mới niệm Phật vãng sanh.

Những sự việc như vậy, từ xưa đến nay có rất nhiều.

Dịp tới nếu gặp được cư sĩ Hứa Triết thì hãy hỏi bà đã từng đoán mạng bao giờ chưa? Xem người đoán mạng cho bà trước đây đoán thọ mạng của bà là bao nhiêu? Tôi tin tưởng là thọ mạng hiện nay của bà là do tích thiện mà được kéo dài.

Khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người đoán mạng cho tôi, nói rằng tôi không sống được qua bốn mươi lăm tuổi, bốn mươi lăm tuổi nhất định sẽ chết, tôi rất tin tưởng điều này, tôi không một mảy may hoài nghi.

Tôi học Phật không cầu trường thọ, hiện tại có thể sống được đến độ tuổi này, điều này cũng là diên niên ích thọ.Làm việc ác thì “Tuổi thọ đã hết, sẽ phải chết”, cho nên đó là việc làm tổn thọ để chết.

Mấy câu này là nói tội báo.

Hai câu tiếp theo là “Dư ương”, “Đã chết mà còn chưa hết nợ thì con cháu phải gánh tai ương”.

Con cháu của họ bất hạnh, thế nhưng chúng ta cần phải hiểu được là cha con, anh em, vợ chồng đều có duyên phận trong đời quá khứ, không phải là ngẫu nhiên.

Một người tích đức, tu thiện thì tự nhiên có những người tu tích thiện nghiệp trong đời quá khứ đến đầu thai vào trong nhà bạn, thiện cảm ứng với thiện.

Bạn tạo tác những việc bất thiện thì nhất định có những oan gia trái chủ bất thiện đến đầu thai vào nhà bạn, làm con cháu của bạn.

Từ đó có thể biết “Đã chết mà còn chưa hết nợ thì con cháu phải gánh lấy tai ương”, con cháu cũng không phải là oan uổng gánh tai ương của người đời trước, cũng không phải chịu oan, nhất định là có nghiệp nhân.


Thế nhưng những người làm con cháu này nếu có thiện duyên, gặp được thiện tri thức giảng giải, họ có thể tiếp nhận, họ có thể tin nhận, họ có thể chuyển ác thành thiện thì tiền đồ của họ vẫn là tươi sáng.

Từ đó có thể biết, trong các công đức thì công đức thù thắng nhất chính là giáo hóa.

Vào thời xưa những đế vương, thậm chí lãnh đạo của chính quyền địa phương đều xem giáo hóa là việc quan trọng nhất trong việc lãnh đạo của họ.

Đó gọi là “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư”, người dân gian chúng ta gọi là quan phụ mẫu.

Quan là cha mẹ của nhân dân, họ yêu thương nhân dân giống như anh em con cháu trong nhà, dạy nhân dân giống như dạy học trò của chính mình vậy.

Như vậy thì có công đức, sau khi chết nếu họ không niệm Phật vãng sanh thì sẽ sanh lên trời để làm thần minh, tiếp nhận sự cúng tế của người đời sau.

Những câu chuyện như vậy có rất nhiều trong dân gian Trung Quốc.

Nếu là phường tham quan ô lại thì nhất định đọa lạc đường ác.

Trong đoạn văn này, chú giải nói rất nhiều.

Trong đoạn này có một đoạn rất dài được trích dẫn từ phần “Mười tập nhân, sáu giao báo” trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói về điều này trong bộ kinh này vô cùng rõ ràng, cho nên đoạn này chư vị đồng học tự mình có thể lấy làm tham khảo.************Chư vị đồng học!Mời xem đoạn thứ 119 của Cảm Ứng Thiên:“Hựu chư hoạnh thủ nhân tài giả, nãi kế kì thê tử gia khẩu dĩ đương chi.

Tiệm chí tử tang, nhược bất tử tang, tắc hữu thủy hỏa đạo tặc, di vong khí vật, tật bệnh khẩu thiệt chư sự, dĩ đương vọng thủ chi trực.” (Lại còn những kẻ cướp tài vật của người khác thì vợ con, cả gia đình của hắn phải hứng chịu dần dần cho đến chết chóc, tang tóc.

Nếu không chết chóc, tang tóc, sẽ bị những chuyện như tai họa nước, lửa, trộm cướp, mất mát vật dụng, bệnh tật về khẩu thiệt để đền trả cái giá cướp càn).Hai đoạn này nhắc lại quả báo của việc trộm cắp và quả báo của việc sát sanh, một lần nữa nêu ra hai loại nghiệp tội này.

“Giết” và “trộm” là chướng ngại lớn nhất đối với đức hạnh trong thế xuất thế gian, hơn nữa người thông thường rất dễ phạm phải những lỗi lầm này.

Thái Thượng Ngài vô cùng từ bi, sau khi khuyên bảo tỉ mỉ ở phía trên rồi thì đến đoạn cuối này lại đặc biệt nhắc nhở chúng ta.

Trộm cắp là mắc nợ người khác, mắc nợ rồi thì nhất định phải trả nợ, không thể nói mắc nợ thì không phải trả, không có đạo lý này.

Đây là điều mà chúng ta nhất định phải biết, nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền phải trả tiền, cho nên đối với hai sự việc này, bất luận là pháp thế gian hay xuất thế gian, người tu hành, người đọc sách và người rõ lý nhất quyết không chịu làm.

Duy chỉ có người đọc sách rõ lý mới thật sự thông đạt chân tướng sự thật của nhân quả, cho nên đây là chướng ngại lớn nhất của việc tu hành.

Đoạn văn này trong chú giải tuy không dài nhưng vô cùng quan trọng.

Sự việc này phía trước đã nói rất rõ ràng rồi, đã nói rõ là tùy theo sự việc mà thọ báo, đã nói rất nhiều rồi.Trong đoạn văn này đặc biệt nhấn mạnh ở “cướp ngang”.

“Hoạch” có nghĩa là gì? Là ngang ngược thô bạo, dùng vô số thủ đoạn không chính đáng để ép bức người khác, khiến cho người khác phải giao nộp tài sản cho bạn, nhưng nhất định không phải là họ cam tâm tình nguyện, là bất đắc dĩ bị ép buộc.

Đó gọi là “cướp ngang tài vật của người khác”.

Đương nhiên loại người này là loại người có thế lực, chúng ta gọi là có uy thế, có thế lực, họ lấy tài vật rất dễ dàng, thế nhưng quả báo cũng đủ để cho họ chịu đựng.

Trong xã hội hiện nay nơi nơi đều có thể nhìn thấy sự thật cụ thể.

Đặc biệt lưu ý là bản thân chúng ta, khi chính mình có một chút quyền thế thì phải chăng cũng cậy vào quyền thế của mình để ức hiếp người khác.

Đây là điều chúng ta đặc biệt cần lưu ý.

Thông thường chúng ta tạo nghiệp rồi mà bản thân không biết, không thể phát giác, cũng không biết được tính nghiêm trọng của sự việc này, thường lơ là bỏ qua.

Khi tạo tội thì rất dễ dàng, cần phải biết là người bị hại không cam tâm.

Tuy là đời này họ không thể báo thù, đợi đời sau khi nhân duyên tương ngộ thì quả báo vẫn là tự mình phải chịu.

Đây là danh ngôn ngàn đời, chúng ta cần phải nhớ kỹ, nhất định không thể nói đây là mê tín, hay chỉ là khuyên người làm thiện mà thôi, không phải là sự thật, có cách suy nghĩ như vậy thì chúng ta đã sai rồi.

Cần phải biết đây là chân tướng sự thật mà nhà Phật thường nói “Nhân quả thông ba đời”.

Tỉ mỉ mà suy nghĩ, chúng ta trong cuộc đời này tiếp nhận sự giáo huấn của Phật Bồ-tát, miễn cưỡng có thể gọi là thiện tâm, thiện niệm và thiện hạnh.

Theo lý mà nói, bất luận chúng ta làm việc gì đều không có chướng ngại, đều thuận buồm xuôi gió mới đúng, vì sao chướng duyên của chúng ta vẫn nhiều như vậy? Đây là đạo lý gì? Không cần nói bản thân chúng ta, chúng ta thấy Thích-ca Mâu-ni Phật, Ngài đã chứng đắc quả báo Bồ-đề viên mãn cứu cánh.

Ngài giáo hóa chúng sanh ở thế gian này, chân thật triệt để làm được vô tư vô ngã, tâm thuần thiện, hạnh thuần thiện, nhưng khi đó vẫn có rất nhiều sự đố kỵ, chướng ngại gây phiền phức.


Có người phê bình Ngài, có người hủy báng Ngài, có người chướng ngại Ngài.

Điều này là nguyên nhân gì? Chúng tôi đã hiểu ra: Thế Tôn trước khi chưa thành Phật, khi là phàm phu tu hành cũng đã đắc tội với không ít người.

Sau khi thành Phật rồi, oán thân trái chủ vẫn sẽ tìm đến Ngài.

Thế Tôn trong cuộc sống vật chất, điều này trong kinh điển ghi chép có ba tháng phải ăn lúa ngựa, người viên mãn phúc đức mà lại không có lương thực.

Cuộc sống đơn giản như vậy mà thức ăn cũng không có, khi đó gặp phải lúc mất mùa.

Vì vậy nhà Phật thường nói “Muốn biết nhân đời trước, xem quả hưởng đời này”, những sự thọ dụng đời này của chúng ta là do nghiệp nhân đã tạo trong đời quá khứ, hiện nay quả báo hiện ra là do nghiệp nhân không tốt trong đời quá khứ nên mới gặp phải quả báo không tốt như vậy.

Tuy nhiên chúng ta lại tỉ mỉ suy nghĩ, những nhân tốt mà chúng ta tạo trong đời này, không làm oan uổng một người nào, không có hận thù với một người nào, hoàn toàn là dùng thiện tâm thiện ý xử sự đối người tiếp vật.

Đây là nhân mà chúng ta tu trong đời này, quả báo ở đời sau, quả báo ở hậu thế, từ đời thứ ba trở đi đều gọi là hậu thế.

Quả báo của hậu thế tốt, đời này gặp phải một số điều bất hạnh, món nợ này đã trả xong rồi, nhân quả bất thiện đó, từng món từng món được xóa sổ, tương lai là tươi sáng.

Đạo lý này rất sâu, cần phải hiểu thấu đáo thì chúng ta mới chịu làm việc thiện, biết được làm việc thiện có lợi ích rất lớn đối với chính mình, quyết định không làm việc ác, cả cuộc đời này làm việc thiện, chịu đựng mọi sự khó khăn vất vả nhưng ý niệm làm việc thiện của chúng ta nhất định vẫn không thay đổi.

Đây là điều mà nhà Phật nói “Bất muội nhân quả” (không lầm nhân quả), không phải là không có nhân quả, là bất muội nhân quả, khi thọ báo thì rất rõ ràng rất minh bạch, không oán trời, không trách người.

Tôi chân thành với họ, tốt với họ, vì sao họ ngược lại có ý xấu với tôi? Do đời quá khứ đã kết oán, chúng ta nhận lấy, vui vẻ mà tiếp nhận, vẫn là dùng tâm chân thành chí thiện để đối đãi với họ thì những oán kết này liền hóa giải.

Cho nên có câu “Oan gia nên giải không nên kết”, nhất định không thể nói: Người khác đối xử không tốt với tôi, tôi cũng đối xử không tốt với họ, vậy thì sai rồi.Thái Thượng Ngài nêu ra một thí dụ ở đây, ý nghĩa của thí dụ này vô cùng sâu rộng, quả báo thật rất đáng sợ.

Phàm là cậy vào quyền thế ức hiếp người khác, có khi là do bất tri bất giác.

Câu tiếp theo là nói về quả báo: “cả gia đình vợ con đều phải gánh chịu”, chính là [liên lụy đến] thân bằng quyến thuộc của bạn.

Bạn tạo tác tội nghiệp, vì sao lại liên lụy đến thân bằng quyến thuộc của bạn? Tài vật mà bạn cướp được thì thân bằng quyến thuộc của bạn đều thọ dụng, không phải là một mình bạn hưởng thụ, nhất định là có thân bằng quyến thuộc của bạn thọ dụng ở trong đó.

Thế nên từ chỗ này chúng ta liền nghĩ, chúng ta dính vào một chút tài vật bất nghĩa thì tương lai sẽ bị liên lụy, là đạo lý này.

Tài vật bất nghĩa mà người khác tặng cho chúng ta, chúng ta đều không được tiếp nhận, vì sẽ liên lụy chịu quả báo.

Thế nên nhà Phật nói bố thí thì phải dùng tịnh tài, tịnh thí, không thể nói là tôi cướp tiền của người khác, ăn trộm tiền của người khác để tôi bố thí cúng dường, đây là bất tịnh tài.

Việc này sẽ chịu ác báo.

Bạn cúng dường Phật, Phật sẽ tiếp nhận hay không? Phật mà tiếp nhận thì tương lai sẽ bị bạn làm liên lụy, nghiệp nhân quả báo chư Phật Như Lai cũng không thể tránh khỏi.

Điều này là chân lý, không thể nói đã thành Phật rồi, thành Bồ-tát rồi thì nợ tiền không phải trả nữa, nợ mạng không phải trả nữa, đâu có đạo lý này.

Chúng ta xem trong Cao Tăng Truyện thấy Ngài An Thế Cao là cao tăng đắc đạo, trong đời quá khứ đã từng ngộ sát hai người.

Không phải là cố ý mà là ngộ sát nên Ngài đến Trung Quốc trả nợ đến hai lần, cũng là bị người khác ngộ sát lại.

Ngài hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch, món nợ này không trả không được.

Mới biết được sự đáng sợ và nghiêm trọng của sự việc này, tài vật bất nghĩa chúng ta không thể dùng.

Chúng tôi ngày nay xuất gia rồi, chính mình không theo đuổi sự nghiệp kinh doanh mưu lợi, hết thảy tiền tài vật dụng là do tứ chúng đồng tu cúng dường.

Khi họ cúng dường bạn cần bình tĩnh mà quan sát rõ ràng, tiền của họ có sạch hay không, nếu không phải là tịnh tài thì nhất định không được tiếp nhận, nhằm tránh việc chúng ta bị liên lụy trong tương lai.

Người ta cúng dường, đặc biệt là cúng dường số tiền nhiều thì phải hỏi họ: “Tiền của anh từ đâu mà có”? Năm xưa Hàn Quán Trưởng có trí huệ này, có một lần ở thư viện có một cư sĩ cúng dường năm mươi vạn đồng, bà liền hỏi anh ấy: “Tiền của anh từ đâu mà có? Anh làm công việc gì? Hoàn cảnh sinh sống của gia đình anh như thế nào?”.

Khi vừa hỏi thăm thấy anh ấy là người rất bình thường nên Hàn Quán Trưởng nói số tiền này anh hãy cầm về, tôi không tiếp nhận.

Không phải nhìn thấy tiền thì mắt sáng lên, thế còn ra gì nữa, mắt mở sáng lên có nghĩa gì? Đó là mở cửa của ngạ quỷ tam ác đạo rồi.

Nhất định phải biết được tiền của họ từ đâu mà có, sau đó chúng ta mới có thể cân nhắc có thể tiếp nhận sự cúng dường của họ hay không, để tránh chịu sự liên lụy, hậu hoạn vô cùng.“Tiệm chí tử táng”, chúng ta ngày nay gọi là “tan nhà nát cửa”.

Ở thế gian này, thời xưa có, ngày nay lại càng nhiều hơn.

Bạn xem một số công ty kinh doanh rất lớn, lừa đảo khách hàng, dùng rất nhiều thủ đoạn không chính đáng.

Ngày nay cổ phiếu chính là không chính đáng, thủ đoạn không chính đáng, không được mấy năm công ty của họ vỡ nợ, phá sản, còn nhân lực thì chịu sự chế tài của pháp luật.

Sự chế tài của pháp luật là hoa báo, quả báo là đời đời kiếp kiếp phải trả nợ, hà tất phải làm việc này chứ? Sự việc này ngày nay, người thật sự có năng lực, có cơ hội để lừa đảo người khác, lừa tiền của người khác vào túi của mình, người thế gian đều nói con người này có bản lĩnh thật lớn, con người này có trí huệ, vô cùng cao siêu mà đâu biết được họ tạo ác nghiệp của đường ác.

Người thế gian ngu si, đều có quan niệm sai lầm như thế này, bạn nói xem có đáng sợ không? Chúng ta cũng cho rằng điều này là có bản lãnh.

Họ có thể lừa mà tôi thì không lừa được.

Nghiệp nhân quả báo như vậy, nếu chúng ta bình lặng mà quan sát một chút thì ở ngay trước mắt chúng ta, chúng tôi nhìn thấy quá nhiều rồi.

Nghĩ đến Phật Bồ-tát, những giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền dạy cho chúng ta thì hoàn toàn chính xác, hoàn toàn tương ưng.

“Nếu không chết chóc, tang tóc” thì cũng có tai nạn thường xuyên đi theo họ như “tai họa nước, lửa, trộm cướp”.


Nếu không có những tai nạn như “nước, lửa, trộm cướp”, câu tiếp theo nói là “mất mát vật dụng”, điều này cũng thường có.

Chúng ta nhìn thấy rất nhiều gia đình giàu có, ngày nay ở những nơi có phong cảnh rất đẹp trên toàn thế giới, họ đều có tài sản ở đó, xây dựng biệt thự, đến khi họ chết rồi mà một ngày họ cũng chưa từng đến tòa biệt thự đó, một ngày cũng chưa từng ở qua.

Điều này gọi là “mất mát vật dụng”, những sự việc như thế có rất nhiều.

Trước đây rất nhiều năm, tôi giảng kinh ở Đài Bắc, đại khái là khoảng ba mươi năm trước.

Có một vị cư sĩ đưa tôi đến núi Dương Minh, ở tại một ngôi biệt thự vô cùng sang trọng, là của ai vậy? Là của Trần Tra Mỗ, ngôi biệt thự đó quả thật rất sang trọng, tôi ở đó một ngày.

Xây một ngôi biệt thự lớn như vậy nhưng ông không có thời gian đến ở nên thuê hai người đến ở đó giúp ông trông nhà.

Hai người đó có phước báo, bạn xem sống ở một ngôi nhà tốt như vậy mà lại còn được tiền, là thuê họ đến ở.

Còn bản thân ông, tôi nghe nói trong cuộc đời của ông chỉ ở tại ngôi biệt thự đó có một đêm.

Đây là tạo nghiệp.

Vì sao không mang số tiền này đi làm việc tốt? Người khổ trên thế gian rất nhiều, vì sao không đi giúp đỡ người khác, đi làm công đức thật sự mà làm điều ngu ngốc này chứ? Chúng ta hiểu những người thế này họ đều có biệt thự, họ đều có tài sản ở khắp nơi trên toàn thế giới.

Một hơi thở ra không hít vào, khi chết rồi thì một vật cũng không mang theo được.

Đều là vì tự tự tự lợi, không suy nghĩ cho xã hội, không suy nghĩ cho chúng sanh.

Những sự việc thế này rất nhiều.

“Bệnh tật, khẩu thiệt”, “khẩu thiệt” là chịu sự phê bình của người khác, gặp phải sự hủy báng, nhục mạ của người khác, sự việc như vậy có quá nhiều.

“Để đền trả cái giá cướp càn”, vì sao bạn lại có những chướng ngại như thế này? Là do trong đời quá khứ bạn cậy vào uy thế cưỡng bức cướp lấy tài sản của người khác, nên bạn phải chịu cái quả báo này.Đoạn văn này không dài, đã hiển thị cho chúng ta sự rộng lớn của quả báo, sự phức tạp của quả báo.

Chúng ta quay đầu lại phản tỉnh chính mình, trong cuộc đời này, những hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, trong công việc, trong xử sự đối người tiếp vật, bạn nghĩ xem có rất nhiều điều không như ý, đây đều là do tội nghiệp tạo ra trong đời quá khứ, nên trong cuộc đời này đáng phải chịu quả báo.

Nhất định không được nói hết thảy việc làm không có quả báo.

Đó là tà tri tà kiến.

Chỉ có thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật và đạo lý của nghiệp nhân quả báo thì con người này mới thật sự hồi tâm chuyển ý, không còn khởi một ác niệm nào nữa.

Vì sao vậy? Vì khởi một ác niệm chính là tìm phiền phức cho chính mình.

Ác niệm còn không khởi thì đâu có thể nói lời ác? Đâu có thể có ác hạnh chứ? Trên đường Bồ-đề mới thuận buồm xuôi gió.

Các bạn nên biết là từ khi bắt đầu khai ngộ thì đời đời kiếp kiếp mới không làm việc ác, nhưng sau khi thành Phật rồi vẫn phải gặp những quả báo này.

Đây là do trước khi chưa học Phật đã gây ra, là do trước khi hiểu được những đạo lý này gây ra, sau khi thành Phật rồi vẫn phải chịu quả báo.

Thành Phật còn không được miễn thì khi hành Bồ-tát đạo có cần phải nói nữa không? Cho nên Bồ-tát ứng hóa ở thế gian, tuy là bốn tướng, bốn kiến đã phá hết rồi nhưng nghiệp nhân quả báo trong đời quá khứ của các Ngài vẫn hiện tiền.

Sự hiện tiền này chính là Đại sư Bách Trượng nói “Bất muội nhân quả”.

Họ biết rõ, họ hiểu rõ, các Ngài biết quả báo như thế này là do nghiệp nhân đời quá khứ như vậy, ngày nay đã khởi hiện hành.

Chúng ta là phàm phu không biết được, không biết chân tướng sự thật nên oán trời trách người.

Oán trời là tội càng thêm tội, tội nghiệp này nặng thêm rồi.

Con người nếu không giác ngộ, thật sự mà nói thì đời sau sẽ kém hơn đời trước.

Vì sao vậy? Vì họ tích lũy tội nghiệp, không phải là công đức.

Chỉ có người thật sự giác ngộ mới thật sự có thể làm được tích công lũy đức, không còn tạo nghiệp nữa, dù cho tai nạn như thế nào, sự lăng nhục ra làm sao, họ đều cam tâm tình nguyện nhẫn chịu, chính là tiếp nhận quả báo.

Đời quá khứ ta tạo nghiệp bất thiện thì hôm nay ta chấp nhận quả báo.

Nếu không phải là người chân thật giác ngộ thì họ sẽ không chịu, tâm của họ sẽ bất bình.

Nếu bất bình thì sẽ là oan oan tương báo không có hồi kết.

Oan oan tương báo rất đáng sợ, đời sau sẽ nghiêm trọng hơn đời trước, sẽ không giảm nhẹ đi mà còn nặng thêm.

Cho nên vô cùng đáng sợ, đến cuối cùng nhất định là đọa địa ngục.

Oan oan tương báo thì cả hai người đều đọa địa ngục.

Chúng ta vô cùng may mắn đọc được kinh Phật, hiểu rõ được đạo lý và chân tướng sự thật này.

Từ nay về sau, nhất định giới trừ và đoạn tuyệt sự việc như vậy.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, tôi xin giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận