Các vị đồng học, xin chào mọi người!Phần trước giảng đến “tích đức lũy công”, trong phần giải thích của sách Vựng Biên đã trích dẫn đoạn Tích Thiện trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn.
Đoạn này trước đây tuy đã giảng qua rất nhiều lần, thế nhưng tôi vẫn phải thường giảng lại.
Vì sao vậy? Tuy đã giảng rồi nhưng chúng ta chưa làm được.
Vì sao không làm được? Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều, phải tìm cho được nguyên nhân vì sao không làm được, rồi tiêu trừ sạch nguyên nhân không làm được thì chúng ta mới được cứu.
Nếu không sẽ nhìn thấy tiền đồ của chúng ta là một màu đen tối, phải đi về hướng tam đồ, địa ngục.
Những lời này đều là sự thật, nhưng chúng ta luôn luôn không chú ý.
Chúng ta không đi đường Bồ-đề mà đi vào ba đường ác.Cho nên lời khai thị này là vô cùng quan trọng.
Văn trích ra rất dài, chúng ta chỉ chọn lấy mấy điều về phân biệt thiện ác để cùng với mọi người nghiên cứu một lần nữa.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Thiện có chân giả, có đoan khúc”.
“Đoan” tức là hành vi ngay thẳng chính trực.
“Khúc” tức là hành vi không ngay thẳng chính trực.
“Có âm, có dương”.
“Dương” là bạn hành thiện mọi người đều biết, được mọi người trong xã hội tán thán.
“Âm” là bạn làm việc thiện không có ai biết, nhưng báo đáp của trời đất quỷ thần cho bạn sẽ vô cùng hậu hĩ.
“Có phải có trái, có lệch có ngay, có vơi có đầy, có lớn có nhỏ, có khó có dễ.” Ông nói nhiều như vậy để giúp chúng ta phân biệt.
Hai chữ “thiện ác” khi xem thấy dường như rất dễ dàng, nhưng trên thực tế rất khó phân biệt.
Quả báo cảm được kiết hung họa phước vô cùng vi diệu.Phần trước chúng ta đã đọc qua, đúng là lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát.
Một người cả đời, đời đời kiếp kiếp ở trong vòng nhân quả báo ứng.
Một gia đình, một đoàn thể, một xã hội, một quốc gia, ngày nay chúng ta nói đến trái đất này, thế giới này, các vị hãy suy nghĩ quan sát thật kỹ, có gì chẳng phải là nhân duyên quả báo đâu chứ? Cho nên nhà Phật dùng hai chữ “nhân quả”, đã khái quát hết tất cả pháp thế xuất thế gian.
Không những pháp thế gian là nhân duyên quả báo, mà pháp xuất thế gian cũng không ngoại lệ.
Ở trong kinh luận thường nói: “Phật pháp nhân duyên sanh” (Phật pháp do nhân duyên sanh).
Thấu triệt đạo lý nhân duyên quả báo và chân tướng sự thật thì người này chính là Phật, là Bồ-tát.
Đối với cái chân tướng sự thật này mê mà không giác thì người này là phàm phu.
Tiên sinh Liễu Phàm dựa theo tâm đắc tu học cả đời của chính ông, đã viết ra mười điều này cung cấp cho chúng ta làm tham khảo.Chúng ta cần nên đọc thật kỹ, nghĩ thật sâu, đặt nền móng cho học Phật, cho làm người, vậy thì tốt không gì bằng.
Ông có câu nói rất hay: “Làm thiện mà không rõ lý, tự cho rằng mình hành trì đúng, đâu biết là đang tạo nghiệp, chỉ uổng phí, khổ tâm, vô ích vậy” đây là lời giáo huấn chân thực, là tâm đắc chân thực của cả đời ông.
Bạn muốn đoạn ác tu thiện mà chưa đủ thấu triệt đạo lý đoạn ác tu thiện, không hiểu rõ, luôn luôn tự mình cho rằng đã làm việc tốt, thực ra là tạo nghiệp.
Loại hiện tượng này xưa nay trong và ngoài nước có thể thấy từng giờ, đặc biệt là hiện nay, người hiện nay không đọc sách xưa.Chúng ta nên biết là những ghi chép trong sách xưa là kinh nghiệm của lịch sử, là kinh nghiệm của mấy ngàn năm đời đời truyền lại, sai lầm của nó không lớn, độ tin cậy rất cao.
Nếu chúng ta dựa vào kinh nghiệm một đời của mình, cả đời bạn cũng chẳng qua là kinh nghiệm của mấy mươi năm mà thôi, so với kinh nghiệm mấy ngàn năm của người ta thì còn kém rất xa.
Luôn luôn tự cho mình là đúng, tự cho là thiện, tạo tác chiêu cảm đến tai họa mà tự mình không thừa nhận, cho rằng đây là thảm họa thiên nhiên.
Trong phút chốc đã đùn đẩy cái trách nhiệm này, giống như chẳng liên quan gì với ta, ta là người đại thiện, không biết được chính mình đã tạo nghiệt.Tôi ở trong các buổi giảng cũng thường nói: thế gian kiết hung họa phước là ai tạo ra? Người giác ngộ thì biết là chính mình tạo nên.
Người mê hoặc thì đùn đẩy trách nhiệm này cho người khác, không liên quan gì với ta.
Người giác ngộ biết là do chính mình tạo nên, chính mình không làm tốt, chính mình đã không để ý.
Đặc biệt là ngày nay, bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không đủ để làm tấm gương tốt cho người thế gian, đây chính là bản thân đã tạo nghiệt, chúng ta làm chưa đủ tốt.
Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian này, cũng cảm thán như vậy, bản thân làm vẫn chưa đủ tốt nên không thể cảm hóa người thế gian.
Phật Bồ-tát quy trách nhiệm về chính mình để thành tựu đức lớn của chính mình.Vì sao Phật Bồ-tát không thể độ người thế gian? Nhà Phật thường nói thời kỳ mạt pháp “Pháp nhược ma cường”, ma cũng làm ra đủ dạng thị hiện.
Ma dùng đủ thứ dụ dỗ, tập khí nghiệp chướng phiền não của người thế gian sâu nặng, mê hoặc điên đảo, nhận giả mà không nhận thật.
Ma thì hùa theo sở thích của họ, ma dạy người cái gì vậy? Dạy người tham sân si, dạy người tự tư tự lợi.
Giáo pháp của Phật lại hoàn toàn tương phản với điều này nên người thế gian khó tiếp nhận, đây là chân tướng sự thật hiện nay của chúng ta.
Nhà Phật cũng thường nói: “Phật không độ người không có duyên”.
Chúng sanh không chịu quay đầu thì Phật không thể giúp đỡ họ.
Thật sự chịu quay đầu thì Phật mới có thể giúp.
Chúng sanh không chịu quay đầu thì Phật vẫn làm ra đủ dạng thị hiện, vẫn là cứ khổ tâm dẫn dắt, mong mỏi họ quay đầu.
Đây là đại từ đại bi của nhà Phật, đó gọi là “ở trong cửa Phật không bỏ một ai”.Tiên sinh Liễu Phàm đã nêu ra một ví dụ về việc chân giả, trước đây có một số thư sinh đi thăm Hòa thượng Trung Phong.
Hòa thượng Trung Phong là người sống vào đời nhà Nguyên.
Trước đây người đọc sách nhiều hay ít đều có xem qua kinh điển của nhà Phật.
Họ thỉnh giáo với Thiền sư Trung Phong, nhà Phật nói về thiện ác, “thiện ác báo ứng như bóng theo hình”.
Họ nói hiện nay có người hành thiện nhưng gia đạo rất suy, có người làm ác mà gia nghiệp của họ vô cùng hưng vượng.
Họ nhìn thấy những hiện tượng này nên nói nhà Phật nói thiện ác báo ứng là giả, không phải là thật.
Câu trả lời của Thiền sư Trung Phong rất hay.
Ngài nói tình thức phàm phu của các người chưa đoạn được sạch sẽ, tập khí phiền não đều còn nguyên, trí huệ chưa khai, đạo nhãn chưa khai, thấy thiện cho là ác, thấy ác cho là thiện, loại điên đảo phải trái này luôn còn đó, hơn nữa tự mình không biết phản tỉnh, không biết quay đầu, ngược lại đi oán trời trách người, nói ông trời không công bằng, không có báo ứng, điều này sai rồi.Cách nói này của Thiền sư Trung Phong là chính xác, dường như mọi người chúng ta đều biết hai chữ “thiện ác”, thực ra không hiểu biết gì cả.
Có mấy người thật sự hiểu được thiện ác, người chân thật hiểu được thiện ác mới biết đoạn ác tu thiện.
Ngày nay họ không có cách gì đoạn ác tu thiện vì còn không hiểu hai chữ này.
Ý nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô hạn, bạn có thể hiểu được bao nhiêu? Thế là những người học trò này liền hỏi Thiền sư Trung Phong: “Theo thầy thế nào là thiện, thế nào là ác?” Thiền sư Trung Phong liền hỏi họ, đánh người, mắng người là ác, tán thán người, lễ kính người là thiện, bạn thấy có đúng không? Họ đều cho là đúng.
Thiền sư liền nói: “Sai rồi! Bạn chỉ nhìn thấy trên hiện tướng, chưa có quan sát tỉ mỉ.
Nếu người này thật lòng yêu thương họ thì đánh họ, mắng họ là để khiến họ quay đầu.
Vậy thì đánh họ, mắng họ đó là thiện.
Còn tán thán họ, lễ kính họ, nếu là nịnh bợ họ, cầu cạnh nơi họ, hối lộ họ, đó là ác không phải là thiện.
Chỉ từ trên hình thức bên ngoài thì bạn không thể nhìn ra, bạn phải quan sát sâu thêm một tầng thì mới biết cái gì là thiện, cái gì là ác”.Một người khác nói: Tham tiền của, lấy bừa là ác.
Liêm khiết, có phẩm hạnh là thiện.
Thiền sư Trung Phong lắc đầu trả lời: “Đó là nhìn từ bên ngoài, chưa hẳn là như vậy.
Thiện ác có tiêu chuẩn, không cần nói tiêu chuẩn quá cao xa, chỉ nói tiêu chuẩn thông thường, chúng ta phải biết: phàm là việc có ích cho người, có ích cho xã hội, có ích cho chúng sanh thì gọi là thiện.
Hễ là có ích thì đánh họ, mắng họ cũng là thiện.
Phàm là việc có ích cho bản thân chính là ác.
Dù là nịnh hót, bợ đỡ người, loại lễ kính đó cũng là ác.
Vì sao vậy? Cầu danh vọng lợi dưỡng cho chính mình, là vì tư, không phải vì công”.Người thế gian luôn chỉ nhìn thấy bên ngoài, không nhìn thấy được chỗ dụng tâm.
Thánh nhân thế xuất thế gian đều dạy chúng ta cách dụng tâm như thế nào, làm thế nào để giữ tâm tốt.
Cái tâm này làm lợi ích cho chúng sanh, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho người khác, mỗi niệm phải giữ tâm như vậy thì hạnh của bạn là thiện.
Nếu mỗi niệm đều vì chính mình thì cái tâm này chính là ác, tự tư, tự lợi.
Tự tư, tự lợi mà làm đủ thứ việc tốt thì vẫn là ác.
Ngạn ngữ gọi là “ham cầu danh lợi tiếng tăm”, không phải là chân thiện.
Người như vậy sau khi chết rồi vẫn phải đọa vào tam đồ, cõi trời và cõi người đều không có phần.
Chúng ta không thể không biết đạo lý này.
Nếu cõi trời, người còn không có phần thì các vị thử nghĩ xem các vị còn có thể sinh về thế giới Cực Lạc được không?Sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc phải là đại thiện, trong kinh đã nói rất rõ ràng, nơi đó là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các bậc thượng thiện tụ họp một chỗ).
Chúng ta chỉ cần tâm chân, ý thành thì an tâm can đảm mà làm, không nên do dự.
Ta dùng tâm tốt làm sự việc này, số tiền đó bị người khác dùng không đúng nên sự việc không thành công, đó là chuyện của họ, không phải là việc của mình, mỗi người có quả báo của riêng mình.Lần trước khi tôi từ Úc trở về, hội trưởng Lý nói với tôi, ở Phước Kiến có một ngôi chùa, vị Hòa thượng vì tham tiền, biết lão Hòa thượng trong người có tiền, liền giết chết lão Hòa thượng, cướp đi 300 ngàn nhân dân tệ rồi bỏ trốn lên phương Bắc.
Nhưng không bao lâu người này bị bắt về.
Sau khi bị bắt về đương nhiên là bị xử tử hình.
Số tiền đó của ngôi chùa là do lão Pháp sư Đàm Thiền ở bên này bố thí, để lão Hòa thượng xây chùa.
Pháp sư Đàm Thiền biết sự việc này, gật đầu nói, thật đúng người đúng tội, mỗi người có quả báo của riêng mình.Pháp sư Đàm Thiền phát tâm xây chùa, là thuần thiện, không có một chút ác ý, ác tâm.
Các anh thấy tiền khởi ý giết người cướp của, đó là tội ác của các anh.
Hoàn toàn không phải Pháp sư Đàm Thiền có ý hãm hại người.
Trong sự việc này chúng ta phải hiểu rõ quả báo thiện ác.
Hơn nữa, Pháp sư Đàm Thiền khi trao số tiền này đã nói rất rõ ràng: “Tôi bố thí cho ông là nhân quả của tôi, sự tạo tác của bản thân các ông, tương lai nhận quả báo là nhân quả của các ông”.
Lời nói này rất rõ ràng, minh bạch.
Mỗi người có nhân quả báo ứng riêng của mình, không ai thay thế cho ai được.Cho nên mỗi niệm đều vì lợi ích của chúng sanh, cái tâm này là tâm thiện, là tâm tốt, tuyệt đối không có tư dục ở trong đó, quyết không cầu báo đáp, đây là chân thiện.
Hơn nữa, hành thiện mà không có điều kiện là chân thiện, có điều kiện là giả thiện, không phải là chân thiện.
Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều người làm một chút việc tốt đều kèm theo rất nhiều điều kiện, cho nên quả báo không được tốt.
Phàm là bố thí vô điều kiện, cúng dường vô điều kiện thì tự mình tâm địa thanh tịnh, thuận theo tự nhiên mà làm thì quả báo hậu hĩ, có đại phước báo.
Những lý này ở trong kinh Phật nói rất nhiều, Nho gia, Đạo gia nói cũng không ít.
Những việc này xưa nay trong và ngoài nước, nếu như chúng ta bình tâm một chút, khách quan một chút, ở trong hoàn cảnh hiện thực, bạn sẽ nhìn thấy rất rõ ràng, minh bạch.
Thật sự nếu muốn hành thiện thì phải hạ công phu ở trên tâm địa.Đề kinh của Kinh Vô Lượng Thọ quá hay, “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”, khởi tâm động niệm tương ưng với năm chữ này, lời nói việc làm tương ưng với năm chữ này là chân thiện.
Nếu đi ngược lại với năm chữ này thì thiện sẽ không chân, sẽ không thuần.
Làm thế nào để có thể tương ưng với năm chữ này? Đây là chỗ chúng ta cần hiểu rõ, cần học tập.
Không chỉ là đã đặt nền móng ở trên đường Bồ-đề, mà đây cũng là căn bản trong đạo lý làm người.
Cho nên với hai chữ “thiện ác” này, chúng ta không thể không dùng một chút thời gian để thảo luận.
Chúng ta dựa vào cương lĩnh của cư sĩ Liễu Phàm, bỏ công phu nghiên cứu một thời gian, dùng cái này làm nền tảng, phát triển nó rộng ra thêm, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức thì có thể sẽ thu được một chút hiệu quả.
Nếu không tham cứu tỉ mỉ sâu sắc thì e rằng chúng ta sẽ hiểu điên đảo hai chữ “thiện ác”, tạo tội nghiệp đầy người mà tự mình vẫn cho là đang tu thiện, đó là quá đỗi sai lầm rồi!*********Các vị đồng học, hôm qua đã giảng đến “thiện có thật giả” mà trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói đến, chúng tôi đã giới thiệu qua rồi.
Điều thứ hai là “thiện có đoan khúc”, “đoan” là ngay thẳng, “khúc” là cong vẹo.
Thế nào là ngay thẳng? Thực tế mà nói, tiêu chuẩn thiện ác của một người giác ngộ, hiểu biết minh bạch thì không giống với tiêu chuẩn của người thế gian.
Và thực ra mà nói, tiêu chuẩn thiện ác còn khác biệt rất nhiều.
Từ Tứ Giáo (Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo) trong Phật pháp mà nói, tiêu chuẩn thiện ác không giống nhau.
Trong 51 cấp bậc của Bồ-tát Đại thừa cũng có 51 loại tiêu chuẩn khác nhau.
Những điều mà Thánh nhân thế xuất thế gian nói cho chúng ta phần lớn là nguyên lý, nguyên tắc.
Những lời nói này có ý nghĩa rất sâu, rất rộng, phải lĩnh hội thật tỉ mỉ, phải thực hành trong đời sống, để từ trong thực tiễn bạn sẽ có sự quan sát sâu hơn.
Sau đó mới biết được, trong kinh điển của cổ Thánh tiên Hiền, từng câu từng chữ chứa vô lượng nghĩa, mới lĩnh hội được tất cả pháp mà Phật đã nói là rộng lớn, sâu sắc.Nói đến “đoan khúc”, trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói mấy nguyên tắc vô cùng quan trọng.
Tâm của bạn chánh thì hạnh của bạn sẽ chánh.
Tâm bất chánh thì dáng vẻ tạo ra, làm như thế nào cũng là bất chánh, cũng là cong vẹo.
Cho nên nguồn gốc ở trong tâm địa.
Tiên sinh Liễu Phàm đã đưa ra ba nguyên tắc.
Nguyên tắc thứ nhất là “tâm thuần túy cứu đời”, chúng ta có hay không? Tuyệt đối không có ý niệm tự tư tự lợi, mỗi niệm vì chúng sanh, đặc biệt là vì chúng sanh khổ nạn.
Hiện nay tai nạn ở thế gian mỗi ngày một nhiều hơn, mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.
Tai nạn do đâu mà hình thành? Dĩ nhiên là do cộng nghiệp gây nên.
Cộng nghiệp thì lại do đâu mà hình thành? Cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta gọi là “thất giáo”.
Nghĩa là mất đi sự giáo dục, không có người dạy họ.
Đã không có người dạy thì đương nhiên họ sẽ thuận theo phiền não, thuận theo tư dục, vậy thì liền tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, mỗi niệm đều là tự tư tự lợi, hoàn toàn không hề nghĩ đến người khác, tạo cái nghiệp này rất nặng.Tối hôm qua tôi thấy ở trong báo, tôi rất ít xem báo, thỉnh thoảng xem cái tiêu đề.
Tại Đài Loan năm nay có 400 ngàn ca phá thai, năm ngoái là 320 ngàn ca, tăng thêm 80 ngàn ca, điều này thật khủng khiếp.
Phá thai ở trong Phật pháp, Phật nói là nhất định đọa địa ngục, đó là tội giết người.
Bạn biết là một năm giết 400 ngàn người, năm vừa rồi 320 ngàn người.
Những oan hồn, oan gia trái chủ này làm nhiễu loạn xã hội thì xã hội sao có thể thái bình được chứ? Sao có thể an ổn được đây? Quỷ thần đang làm loạn, thật quá đáng sợ.
Đây quả đúng là chúng ta chưa làm hết trách nhiệm giáo dục.Vào thời xưa, ở trong nhà có cha mẹ dạy bảo, ở trường học có thầy cô hướng dẫn.
Nền giáo dục vào thời xưa không giống như nền giáo dục hiện nay.
Nền giáo dục hiện nay là truyền thụ năng lực kỹ thuật, truyền thụ kỹ thuật công nghệ.
Nền giáo dục vào thời xưa là dạy bạn làm người như thế nào, dạy bạn đối nhân xử thế như thế nào, dạy bạn làm sao sống một đời sống hạnh phúc mỹ mãn.
Không những một đời này hưởng phước mà đời sau vẫn hưởng phước, đời đời kiếp kiếp không mất phước báo, đây là nền giáo dục của cổ nhân.
Chúng ta thử xem, nền giáo dục hiện đại dạy cái gì vậy? Chỉ mưu cầu những lợi nhỏ trước mắt.
Không cần nói đời sau, ngay cả lợi ích năm tới còn không biết, còn không hề lo tính đến.
Đời sống như vậy, các vị thử nghĩ có ý nghĩa gì chứ? Mỗi ngày tạo tội nghiệp cực nặng thì tương lai là đọa ba đường ác.Tình trạng của đường ác, các vị đọc kinh điển rất nhiều, trong kinh điển chắc chắn không có nói lời lừa gạt người.
Trong Kinh Kim Cang nói: “Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả” (Như Lai nói lời chân, lời thật, lời như pháp, lời không lừa dối, lời chẳng sai khác).
Từng câu trong kinh điển đều chân thật, chúng ta có cảm giác thấy sự đáng sợ của địa ngục, sự khủng khiếp của đường ác hay không? Một chút lợi ích trước mắt này có đáng gì chứ? Trước mắt thiệt thòi một chút thì có đáng gì? Nên suy nghĩ nhiều về con đường về sau.Cho nên Thánh nhân dạy chúng ta “tích đức lũy công”.
“Tích đức” chính là giữ tâm tốt.
“Lũy công” chính là nói lời hay, làm việc tốt, tốt chính là thiện.
Mỗi niệm phải giữ cái tâm làm lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sanh, lợi ích cho người khác.
Nếu có một niệm vì bản thân là bất thiện rồi, đây gọi là “đoan khúc”, đó chính là cong, không phải ngay.
Phải giữ cái tâm này, phải làm những sự việc này.Nguyên tắc thứ hai là “mỗi niệm phải có cái tâm chân thật yêu thương người khác, giống như mẹ hiền yêu thương con cái của mình”.
Đặc biệt là khi con trẻ vào khoảng vài ba tuổi, cha mẹ yêu thương, chăm sóc.
Chúng ta có thể đem loại tâm thương yêu này mở rộng đến tất cả chúng sanh hay không? Nói lời thành thật, hiện nay bậc làm cha mẹ yêu thương con cái không bằng trước đây.
Bởi vì hiện nay cha mẹ phần lớn đều có nghề nghiệp, đều có việc làm, nên đem con cái giao cho người giúp việc trong nhà chăm sóc.
Các vị thử nghĩ vậy là có tâm thương yêu hay không? Không thể nói đến tâm thương yêu được rồi! Tương lai con cái lớn lên có tình thân hay không? Tình thân sẽ bị tổn giảm đi rất nhiều.Trong Văn Sao, Đại sư Ấn Quang cực lực chủ trương rằng sự nghiệp vĩ đại nhất của phụ nữ, cống hiến lớn nhất của họ đối với tất cả chúng sanh, đối với quốc gia xã hội, đối với dân tộc chính là chăm sóc con cái, toàn tâm toàn lực chăm sóc, bồi dưỡng để con cái có tài đức, có hiểu biết, đó chính là rường cột của quốc gia, xã hội.
Làm thế nào để bồi dưỡng? Do mẹ bồi dưỡng giáo dục.
Ấn Tổ nói, hiện nay sự nghiệp vĩ đại nhất của phụ nữ, họ không làm, họ vứt bỏ rồi.
Họ lại đi tìm một công việc nhỏ ở trong xã hội, đây gọi là điên đảo.Cho nên tiêu chuẩn đúng sai của các bậc Thánh Hiền quả thật không giống như người thế gian chúng ta, họ nhìn rất xa, nhìn rất sâu.
Tình mẹ, tình thân được bồi dưỡng từ nhỏ.
Giai đoạn nhi đồng là giai đoạn ảnh hưởng cảm hóa sâu sắc nhất trong cuộc đời của một con người.
Dứt khoát không nên cho rằng trẻ nhỏ không biết gì, vậy thì cách nghĩ, cách nhìn của bạn là hoàn toàn sai rồi! Tuy chúng còn nhỏ, một, hai tuổi, thậm chí còn chưa biết nói, chúng thấy ở trong mắt, nghe ở bên tai, đó gọi là “thói quen tập thành từ nhỏ trở thành tự nhiên”.Hiện nay trong xã hội vợ chồng ly hôn quá nhiều, không có con cái thì thôi, nếu có con cái thì điều này đối với chúng là tổn thương lớn nhất, tạo nên ấn tượng xấu nhất.
Họ không biết ly hôn có quả báo đáng sợ, họ không có trách nhiệm đối với sự an toàn xã hội và thế giới.
Vào thời xưa, chúng tôi có nghe nói kết hôn, hoàn toàn không hề nghe nói ly hôn, chưa từng nghe qua bao giờ.
Cho nên xã hội thời xưa an định, trị an lâu dài.
Đạo lý ở đâu vậy? Đạo lý ở gia đình mỹ mãn, cho nên mới có xã hội ổn định, phồn vinh, mới có quốc gia giàu mạnh.
Hiện nay không có người dạy, không có người hiểu được cái đạo lý này, tình cờ xem thấy ở trong sách xưa thì nói điều này đã lỗi thời rồi, không hợp thời đại, cần phải bị đào thải.
Những thứ này bị đào thải rồi thì cái mà chúng ta hiện nay nhận là gì? Là thiên tai nhân họa.
Thế gian có rất nhiều người nói ngày tận thế, từ bỏ lời giáo huấn của Thánh Hiền, thì ngày tận thế sẽ hiện tiền ngay thôi.
Cho nên phải có tâm chân thật yêu thương người khác, tâm chân thật chăm lo người khác.Nguyên tắc thứ ba là nói về thành kính, thuần là tâm chân thành, cung kính.
Đây là “đoan”, tất cả thiện nghiệp mà bạn làm phải giống với Thánh Hiền.
Nếu trái ngược với điều này, không có thành ý, không có ý kính trọng, không có tâm thương yêu, không có cái tâm chân thật cứu đời giúp đỡ người khác thì tất cả thiện pháp đã tu đều là bất đoan.
Những sự việc này, khi nói thì dễ dàng, khi làm thì khó.
Khó ở chỗ nào vậy? Khó bởi vì chúng ta hoàn toàn chưa được giáo dục như vậy, xưa nay không có nghe ai giảng qua, đã bị nhiễm thói tục rồi, sai mãi thì thành đúng.
Ngày nay bạn được nghe những lời nói này thì cảm thấy rất kỳ lạ.
Bạn ở trong đời quá khứ có thiện căn phước đức, được nghe những điều này thì cảm thấy rất hay, nhưng vẫn không làm được.Không làm được cái gì vậy? Xem thấy mọi người trong xã hội không có cách làm này, nếu ta làm như vậy thì ta chẳng phải bị thiệt thòi rồi sao! Một chút thiệt thòi cũng không chịu.
Vì sao ta không chịu thiệt thòi? Vì ý niệm tự tư tự lợi quá mạnh! Mỗi niệm đều đặt lợi ích của mình lên hàng đầu.
Chư Phật Bồ-tát, Thánh Hiền thế gian là đặt lợi ích của chúng sanh lên hàng đầu, điều này hoàn toàn tương phản với chúng ta.
Người ta đặt lợi ích của xã hội lên hàng đầu, bản thân họ sẵn sàng chịu thiệt thòi, sẵn sàng hy sinh phụng hiến, đây là Phật Bồ-tát.
Cách làm này thật ra không thiệt thòi vì phước sau này là vô cùng tận.
Bạn ngày nay giành một chút phần hơn với người khác, trước mắt dường như được một chút lợi ích, nhưng về sau tai họa nhiều vô cùng, chắc chắn đọa tam đồ.
Đọa vào tam đồ thì dễ, nhưng thoát ra khỏi tam đồ là không dễ dàng.
Bạn sẽ luân hồi nhiều kiếp, thọ khổ nhiều kiếp.Điều thứ ba là: “Thiện có âm, dương”, nói âm dương thì dễ hiểu.
Bạn hành thiện mà người khác đều biết, đây gọi là dương thiện.
Bạn làm ác rồi che giấu việc ác, tìm mọi cách che đậy, không để người ta biết thì cái ác này gọi là âm ác.
Nếu chúng ta làm những việc là dương thiện âm ác, thế thì khủng khiếp rồi, quả báo là địa ngục, khổ nhất ở trong tam đồ, là sự nghiệp địa ngục rồi.
Cho nên Thánh nhân dạy chúng ta, phải dương ác, ẩn thiện, phải tích âm đức, làm tất cả việc thiện, không nên để người khác biết thì cái thiện này mới tích được dày, quả báo thù thắng.
Tạo việc ác thì cần phải để người khác biết.
Phật dạy chúng ta “phát lồ sám hối”, không một mảy may che giấu, nói ra tất cả, chịu sự chỉ trích của mọi người trong xã hội, chỉ trích chính là quả báo, quả ác báo hết rồi.
Thiện thì ẩn tàng ở bên trong, cái phước này dày biết bao!Nhưng người thế gian thì hoàn toàn làm trái ngược với điều này.
Làm việc xấu thì che giấu.
Việc tốt thì mong muốn hết thảy mọi người đều biết đến, ai cũng tán thán họ, vừa báo thì đã hết phước rồi, cho nên thiện thì tích không được gì, mà ác thì tích vô cùng kiên cố.
Họ tương lai phải nhận quả báo gì? Việc này không cần nói thì cũng biết.
Phật dạy chúng ta sám hối, Khổng lão Phu Tử dạy chúng ta sửa lỗi, các tôn giáo cũng dạy chúng ta sám hối, xưng tội hối lỗi.
Chúng ta đã không hiểu ý nghĩa chân thật của những lời giáo huấn này.
Nếu bạn hiểu được rồi thì bạn sẽ như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói, bạn thật sự liễu tri thì bạn sẽ làm theo lời dạy.
Bạn vẫn không làm được, vì bạn không hiểu rõ, không sáng tỏ đạo lý và chân tướng sự thật này, nên vẫn cứ làm việc hồ đồ như xưa.
Người khác chỉ ra cho bạn, bạn vẫn không phục, vẫn muốn ngụy biện.Phật pháp cũng quan tâm đến vấn đề thể diện.
Phật đã chỉ định một ngày để tiếp nhận người khác phê bình, đó là ngày pháp hội Tự Tứ khi mùa an cư kiết hạ viên mãn.
Trong buổi lễ này, mỗi vị Tăng tiếp nhận sự chỉ trích lỗi lầm từ bất kỳ người nào.
Còn vào ngày thường, không có người bảo, thì quý vị tự mình sám hối.Thực ra người khác nói chúng ta là rất tốt, giúp chúng ta cầu sám hối, đó chính là thiện tri thức chân chánh.
Nhưng có mấy ai vui lòng tiếp nhận người khác nói lỗi lầm của mình chứ? Không những không thu được hiệu quả tích cực mà ngược lại đã kết oán thù.
Cho nên người thế gian gặp mặt nhau chỉ có tán thán, không hề nói lỗi lầm.
Trước đây có người nói lỗi lầm của chúng ta Ai vậy? Cha mẹ, thầy cô.
Họ có trách nhiệm dạy bảo bạn, thấy bạn có lỗi lầm, họ nói cho bạn nghe.
Giữa đồng học cũng rất ít khi nói lỗi lầm của nhau, huống hồ là người ngoài, vì không muốn kết oán với người khác.
Trong Phật pháp chỉ có một ngày Tự Tứ này, trong một năm chỉ có một ngày này.
Cho nên chúng ta phải phải biết, thiện phải tích như thế nào, công phải bồi ra làm sao, làm thế nào để đoạn ác tu thiện.
Thành tựu được phước đức chân chánh của mình thì đời sống của bạn sẽ được hạnh phúc, sẽ được tự tại.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.A Di Đà Phật!.