Các vị đồng học, xin chào mọi người!Tối hôm qua, chúng ta đã làm một cuộc diễn giảng tại Thiền tự Tịnh Đức, bàn đến truyền thống cổ xưa của Trung Quốc, đó là “ngũ phúc, lục cực”.
Ngũ phúc là nhân thiện, quả thiện.
Lục cực là nhân ác, quả ác.
Những việc này không những ở trong lịch sử chúng ta thấy rất nhiều mà ngay trong xã hội hiện thực, nếu chúng ta lưu ý một chút thì sẽ thấy, báo ứng thiện ác đều ngay nhãn tiền.
Nếu chúng ta mong cầu hướng lành, lánh dữ thì những báo ứng này không những là hình mẫu tốt nhất cho chúng ta học tập, mà nó cũng đủ để cảnh giác cho hành vi tạo tác, khởi tâm động niệm của chúng ta.Trong đoạn này của Cảm Ứng Thiên có kể một câu chuyện cho chúng ta.
Vào thời triều Tùy, có một vị xuất gia tuổi tác đã ngoài 100 tuổi, vô cùng khỏe mạnh.
Ông thông đạt giáo nghĩa “Pháp Hoa”, thường nói với người khác là quả báo mà ông có được rất thù thắng, khiến người rất ngưỡng mộ.
Nói quả thì nhất định phải có nhân.
Nhân như thế nào tạo thành vậy? Ông y giáo phụng hành lời dạy của Phật Bồ-tát.
Bồ-tát Phổ Hiền dạy người: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám trừ nghiệp chướng”, bốn câu này ông đã làm được rồi.
Ông nói, cả đời ông tôn kính đối với người già giống như đối với cha mẹ của mình.
Cách nói này người trước đây có sự thể hội rất sâu, người ngày nay thì khó rồi.
Khó ở chỗ nào vậy? Ngày nay con cái bất hiếu, bất kính cha mẹ.
Bạn bảo: “Tôi đối với tất cả người già giống như đối với cha mẹ”, họ nghe xong rất thản nhiên.
Đây là phong khí xã hội, giáo dục xã hội.
Vào thời đại này, bảo người có thể hồi tâm chuyển ý thật sự là khó, khó gấp nhiều lần so với trước đây.“Tôn kính đối với tất cả chúng sanh giống như tôn kính Phật Bồ-tát”.
Cách nói này, ngày nay chúng ta nghe đến đã khá thờ ơ rồi.
Tại sao vậy? Vì người hiện nay bất kính Phật Bồ-tát, bất hiếu với cha mẹ.
Bất kính Phật Bồ-tát, bất hiếu với cha mẹ cho nên mới dẫn đến tai nạn to lớn này.
Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, một ngày trước khi vãng sanh nói với một số học trò là tai nạn này, Phật Bồ-tát, thần tiên cũng không thể cứu nổi.
Thầy nói lời này xong, ngày hôm sau thầy liền vãng sanh.
Chúng ta thử nghĩ, lời nói này rất có đạo lý.
Ngày nay, ở trong xã hội này không có tấm gương tốt về hiếu thuận cha mẹ, không có tấm gương tốt về tôn kính Phật Bồ-tát.
Một người thật sự hiếu thuận cha mẹ, tôn kính Phật Bồ-tát, thì không những không dám làm càn làm bậy, mà ngay cả khởi một niệm ác cũng cảm thấy có lỗi với cha mẹ, thấy trái ngược với lời dạy của Phật Bồ-tát.
Hiện nay ở trong xã hội này tìm ở đâu một người như vậy? Người thế gian đều là thấy lợi quên nghĩa, chung sống giữa người với người là quan hệ lợi hại, đạo nghĩa không còn nữa, vậy thì làm sao mà họ không gặp nạn được?Người tuổi tác cao, từng trải nhiều, đối với nguyên nhân của tai nạn tương đối dễ dàng hiểu rõ, có sự thể hội rất sâu.
Thế nhưng chúng ta khuyên bảo người khác, người ta không tin được.
Bản thân chúng ta có thể tin hay không? Nếu bản thân chúng ta thật sự tin được thì nhất định quay đầu rồi.
Ở nơi nào có tai nạn, chúng ta đến nơi đó để cùng nhau đảm đương với người bị nạn, tuyệt đối không có ý nghĩ trốn tránh.
Có ý nghĩ trốn tránh tai nạn là bạn tự tư tự lợi, ý nghĩ đó chưa buông xả.Chúng ta tìm một nơi an toàn để cất giữ pháp bảo, hy vọng pháp bảo không bị hủy diệt ở trong tai nạn này.
Chúng ta xem thấy Thạch Kinh Phòng Sơn ở gần Bắc Kinh, đó chính là đại biểu tốt nhất mà người xưa đã làm.
Người xưa đem toàn bộ Đại Tạng Kinh khắc vào trong đá, cất giữ ở trong núi sâu.
Bộ Đại Tạng Kinh này vô cùng hoàn chỉnh.
Tất cả Kinh điển có được ở trong Đại Tạng Kinh hiện nay của chúng ta đều có trong Thạch Kinh Phòng Sơn.
Ngoài ra còn có một số Kinh mà trong Đại Tạng Kinh hiện nay của chúng ta không có, những Kinh điển bị thất truyền thì trong đó vẫn còn có một số, thật quá hiếm có! Mấy trăm người làm việc trong một ngàn năm đã làm viên mãn việc lớn này rồi.
Tại sao họ làm vậy? Lưu truyền cho người sau, chỉ sợ Phật pháp bị hủy diệt ở trong tai nạn.
Trong lịch sử Trung Quốc, mọi người đều biết “Tam vũ diệt pháp”.
Cho nên mọi hành động đều là vì chúng sanh, vì Phật pháp.
Tổ sư Đại đức thường nói, Kinh luận Phật pháp là “con mắt của trời người”, là trí huệ chân thật, do đó phải bảo tồn.Trong đời này tôi cũng làm công việc lưu thông Phật pháp.
Lượng Phật pháp quá lớn, quá rộng, năng lực, tài lực của bản thân chúng tôi vô cùng hữu hạn, cho nên tôi lưu thông có nguyên tắc.
Thứ nhất là lưu thông Kinh điển thất truyền.
Nhìn thấy Kinh điển này số lượng rất ít, lượng lưu thông không lớn, sợ rằng ở trong chiến loạn, ở trong tai nạn bị thất truyền, cho nên chúng tôi phải in lượng lớn để tặng khắp thế giới, dùng phương pháp này để bảo tồn.
Một nơi có tai nạn tổn thất rồi thì còn có một nơi khác không gặp nạn.
Chúng tôi không vì chính mình.
Tôi không có thời gian để đọc những Kinh luận này, vì muốn bảo tồn những Kinh sách này, cho nên tôi ấn tống khắp các nơi.
Còn một cái khác cần phải in nữa, chính là chúng tôi hiện nay đang giảng, đang học tập một số Kinh luận, sách tham khảo này.
Bản thân tôi một đời in Kinh, trọng điểm là ở chỗ này.
Những Kinh sách khác là do có rất nhiều người ủy thác, đó là tự họ đem tiền đến, nhờ chúng tôi in thay cho họ.
Số lượng khoảng một ngàn bản trở lên, chúng tôi tính giá cho họ bao nhiêu tiền, họ đem tiền đến, chúng tôi gánh vác trách nhiệm thay họ in, thay họ tặng.
Đây là gặp phải sự hạn chế về nhân lực, tài lực, bất đắc dĩ mới dùng phương pháp này để lưu thông.
Trước đây, điều lo lắng nhất là Tứ Khố Toàn Thư sẽ bị hủy diệt trong tai nạn, nếu không thể lưu truyền lại được thì là điều đáng tiếc lớn nhất.
Điều này không phải chỉ một mình tôi, mà đó cũng là mối lo trong giới học thuật Trung Quốc.
Từ cuối đời nhà Thanh, gần như là trong nửa thế kỷ, ở trong giới học thuật có không ít người muốn đem Tứ Khố Toàn Thư phiên dịch, in ra, lưu hành, hy vọng nó không bị mất đi, nhưng mà phân lượng quá lớn, không có tài lực lớn như vậy, cũng không có những cơ duyên này.
Sau khi triều Thanh mất nước, cục diện Trung Quốc bị quân phiệt cát cứ, bị ngoại xâm áp bức, tiếp đó là kháng chiến.
Mãi cho đến mười mấy năm gần đây, ở Đài Loan kinh tế chuyển biến tương đối tốt, có tài lực nên mọi người bèn nghĩ đến vấn đề Tứ Khố Toàn Thư.
Cho nên, thương vụ Ấn Thư Quán dốc hết sức, in 300 bộ không lấy tiền.
Đây hoàn toàn là vì sự bảo tồn văn hóa.
Khi họ in, có người đến nói cho tôi biết, tôi đoán khoảng 300 bộ, hỏi họ thì quả nhiên là đúng 300 bộ.
Tại sao không in nhiều? In nhiều thì sợ không có người mua, cũng không có chỗ dùng, sách nhiều như vậy ai cần làm chi? Chỉ có thư viện lớn.
Sách này cho bạn, bạn cũng không có chỗ để.
Chúng tôi đến nơi đó mua được một bộ cuối cùng.
Một bộ cuối cùng này là người Nhật Bản nhường cho chúng tôi, người Nhật Bản đặt với họ rồi mà không có tiền thanh toán, nên họ nhường cho chúng tôi.
Người Nhật Bản còn yêu cầu chúng tôi trả phí giới thiệu là hai vạn Đài tệ, tôi cũng đưa cho họ.
Chúng tôi có được một bộ cuối cùng.
Ngoài ra, còn một bộ cũng vô cùng quý báu, đó là Tứ Bộ Bị Yếu.
“Tứ Khố” đương thời chỉ có bảy bộ, được viết tay.
Trong thời kỳ chiến loạn đã mất hết một nửa, hiện nay chỉ còn ba bộ hoàn chỉnh.
Trung Quốc đại lục có một bộ, Đài Loan có một bộ và dường như viện bảo tàng Anh Quốc cũng có một bộ (không biết có phải là viện bảo tàng Anh Quốc không, tôi nhớ không rõ lắm).
Có ba bộ hoàn chỉnh và một số bộ bị thiếu, chỉ còn lại vụn vặt.
Ba trăm bộ này được cất giữ trên toàn thế giới ở các thư viện lớn như thư viện trường học, vậy là không dễ gì bị mất rồi.
Nếu như không phải hủy diệt cả thế giới thì những sách vở này có thể bảo tồn được.
“Bị Yếu” thì vô cùng quí báu, chỉ còn lại một bộ, độc bản, cho nên mọi người đặc biệt coi trọng.
Thư cục Trung Hoa ở Đài Loan đem nó in ra rồi.
Một mình tôi đã mua của họ 34 bộ, chia tặng cho thư viện trường học của Trung Quốc mỗi một tỉnh, mỗi một thành phố đặc biệt.
Bản thân tôi đã giữ lại hai bộ, một bộ để ở Dallas - Mỹ, một bộ hiện nay để ở Brisbane.
Chúng tôi đều là vì nghĩ cho những trân bảo này.
Đây là trân bảo vô giá mà mấy ngàn năm nay, liệt tổ liệt tông, cổ Thánh tiên Hiền, trí huệ của các Ngài, sự kết tinh của các Ngài đối với thể nghiệm cuộc sống đã lưu truyền cho người đời sau.
Việc chúng tôi làm là sự việc này.
[Sách] không phải con người, con người chẳng sao cả, người là sinh vật sống, thật sự tai nạn đến còn có thể trốn tránh, còn những bộ sách này, nếu có tai nạn đến thì không thể chuyển dọn đi được, sự tổn thất này còn nghiêm trọng hơn so với tổn thất mạng sống của chúng ta.
Cho nên chúng ta phải biết hết sức quý trọng, biết vì hạnh phúc của toàn nhân loại, vì trí tuệ của toàn nhân loại mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ, có trách nhiệm vì họ bảo quản thật ổn thỏa, đời đời truyền nhau.
Khởi tâm động niệm quyết không phải vì cá nhân, quyết không phải vì đoàn thể nhỏ, mà phải vì quốc gia dân tộc, vì toàn thể nhân loại.
Ý thức này phải càng ngày càng tăng, tuyệt đối không được sút giảm.
Nếu ý thức này bị sút giảm thì liền đọa lạc tam đồ, đọa lạc ác đạo, chúng ta phải hiểu rõ.
Nếu như ý thức này thật sự càng ngày càng tăng, từng ngày có tiến bộ thì đây là một động lực quan trọng cho việc tu đạo, học Phật của chúng ta, thúc đẩy chúng ta dũng mãnh tinh tấn một cách tự nhiên, không cần tác ý, hằng ngày ở đó tích lũy công đức.
Đây cũng chính là như ở trong Kinh, Phật vì chúng ta dặn dò vậy.
Phật mong chúng ta có thọ mạng lâu dài, cần mẫn hành trì tất cả thiện pháp; dặn dò chúng ta có trí huệ, có phước đức để có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn.
Lời dặn dò của Phật Bồ-tát chúng ta có tiếp nhận hay không? Những lời dặn dò, văn tự dặn dò này, chúng ta nghe rồi, thấy rồi, nhưng nếu không lưu ý thì không khởi tác dụng được.
Sao gọi là lưu ý vậy? Nghe rồi, thấy rồi thì lưu vào trong ý thức của chúng ta.
Chúng ta phải thường xuyên tư duy, thường xuyên thể hội, chăm chỉ nỗ lực phụng hành, đem nó ứng dụng vào trong đời sống chúng ta thì chúng ta thật sự tiếp nhận được lời dặn dò của Phật Bồ-tát.
Cho nên tất cả phải nghĩ vì chúng sanh, nếu nghĩ vì chính mình là hoàn toàn sai rồi.Hiện nay toàn thế giới có tai nạn, chúng ta nhất định phải có trí huệ chân thật, phương tiện thiện xảo để giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn thay đổi tai nạn này.
Hôm kia có đồng tu nói cho tôi biết, họ tiếp xúc Cha xứ của Thiên Chúa giáo, là vị thầy tôn giáo rất có tu dưỡng, có đức hạnh.
Vị thầy này nói, tai nạn sắp giáng xuống, nhưng không biết có một sức mạnh gì đó đang ngăn cản nó lại, làm cho tai nạn này hiện nay đã lắng dịu rồi.
Chúng tôi nghe xong lời này, ở trong tâm có suy nghĩ, tai nạn vừa lắng dịu thì cho rằng những lời tiên tri này đều là giả, tạo tác tội nghiệp không có quan hệ gì, có thể tạo nhiều một chút.
Con người càng ngày càng phóng túng thì tai nạn đó lập tức liền giáng xuống ngay.
Cho nên chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn, quyết định không được giải đãi.Tôi thường nói, chúng ta niệm Phật là vì chúng sanh khổ nạn toàn thế giới mà niệm; chúng ta nghiên cứu Kinh giáo, chúng ta giảng Kinh, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác, không có gì không phải vì chúng sanh khổ nạn toàn thế giới mà nỗ lực, không được mảy may buông lơi.
Tuyệt đối không nên cho rằng không có tai nạn nữa rồi, từ đây có thể buông lung một chút.
Hễ vừa buông lung thì ma liền có cơ hội.
Quí vị đều xem qua “Tam Muội Thủy Sám”, Quốc sư Ngộ Đạt mười đời đều là cao tăng, thật sự tinh tấn, nên oan gia trái chủ không thể đến gần.
Khi Ngài có một chút buông lơi thì ma đã chiến thắng, gần như là giao nộp mạng.
Đây là điều đáng để chúng ta cảnh giác.
Hãy thử xem, vị đệ tử tham thiền của Pháp sư Đế Nhàn năm xưa, mỗi ngày dụng công tinh tấn nên oan quỷ không thể nhập vào người, đến khi làm Hòa thượng thủ tọa, địa vị cao rồi thì không còn tinh tấn nữa, ý nghĩ ngạo mạn khởi lên thì oan gia tìm đến thân và cũng đã nộp mạng.
Vì một cá nhân mà còn như thế, chúng ta ngày nay vì chúng sanh khổ nạn toàn thế giới, quên mình vì người, không được mảy may lơi lỏng.
Bản thân mình thì sao cũng được, có đáng gì!Rất nhiều đồng tu quen với tôi đều biết, năm xưa khi tôi chưa học Phật, những người xem tướng đoán mạng đều nói tôi không thể sống qua 45 tuổi.
Năm nay tôi đã hơn 70 tuổi rồi, đáng lẽ đã chết lâu rồi, tôi còn sợ chết gì nữa? Tôi không sợ! Tất cả vì chúng sanh khổ nạn.
Trong Kinh Phật nói: “Thế gian người khổ nhiều”.
Chúng ta vì những người này mà sống, cũng vì những người này mà chết, cho nên nhất định không có lý do chạy trốn, không nên trốn tránh.
Ở nơi nào có tai nạn, ta đều muốn đi, nhưng mà đi phải có duyên phận, không có duyên phận cũng không được miễn cưỡng.
Phật dạy chúng ta tùy duyên chứ không phan duyên.
Chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì biết mình cần phải làm như thế nào.
Thế nhưng phải nhớ kỹ: “Việc tốt thường lắm giày vò”.
Bạn làm việc tốt thì nhiều người đố kỵ bạn, nhiều người chướng ngại, phá hoại bạn, thậm chí còn có người hãm hại bạn.
Chúng ta đều rõ ràng, đều minh bạch, cho nên những người đó đang tạo nghiệp, chúng ta quyết không được phỉ báng họ.
Họ sỉ nhục, họ hãm hại chúng ta, chúng ta liền không làm nữa, thế là chúng ta đã bị khuất phục trước ma vương rồi.
Chúng ta vẫn làm lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, không vì bản thân, chỉ cần hơi thở này chưa dứt thì ta nhất định sẽ không buông.
Họ tạo tội nghiệp của họ, còn ta làm công việc cần làm của ta, vậy thì đúng rồi.
Chúng ta làm được chánh, hạnh chánh thì Tam Bảo gia trì.Các đồng tu từ Trung Quốc đến, có người nói với tôi là ở Trung Quốc có một số người là lão tu hành, khoảng tám - chín chục tuổi, nói với người trẻ là thế gian này có tai nạn, nhưng Singapore không có tai nạn.
Tại sao Singapore không có tai nạn? Ở nơi này có Phật pháp, có Phật Bồ-tát, có thần hộ pháp bảo vệ.
Họ đến hỏi tôi: “Thần hộ pháp là ai?”.
Tôi nói: “Là chính bạn.
Bản thân bạn cần mẫn nỗ lực tu trì, đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ thì bạn chính là Phật Bồ-tát, bạn liền có thể bảo vệ nơi này”.
Tâm hạnh của bạn bất thiện, vậy bạn tương ưng với yêu ma quỷ quái.
Tâm thiện, hạnh thiện là tương ưng với Phật Bồ-tát, vậy mới có thể cảm được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ.
Đạo lý là ở chỗ này.
Cho nên bạn đến Singapore, tôi vô cùng hoan nghênh, vào niệm Phật đường, mỗi ngày hai mươi bốn giờ niệm Phật, hai giờ nghe Kinh.
Chúng ta nhất định phải nghe Kinh, không nghe Kinh thì không rõ lý.
Sau khi rõ lý rồi thì tu học mới như pháp, giải hành tương ưng, định huệ cùng học.
Việc mà chúng ta ngày nay làm là hoàn toàn không có thành tích gì thật tốt, có thể nói chúng ta mới chỉ chạm được một chút ở ngoài rìa mà thôi.
Nhưng mà khu vực khác chưa có người làm, chúng ta chịu làm, muốn làm, sẵn lòng làm, cần mẫn nỗ lực làm, dùng công đức ấy hồi hướng pháp giới.
Thế nhưng phải có công đức chân thật thì mới hồi hướng được, nếu không thì lấy gì hồi hướng? Hy vọng các đồng học chúng ta cùng nhau khích lệ, cùng nhau nỗ lực, quyết định không được giải đãi, quyết định không được phép xem thường.
Thế giới này càng yên ổn thì chúng ta càng phải nỗ lực.***************Các vị đồng học.
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên câu thứ 23:“Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”.
(Côn trùng thảo mộc, chớ nên thương tổn)Hai câu nói này chính là nói yêu thương tất cả mọi vật, từ bi bình đẳng.
“Côn” có nghĩa là nhiều, cũng chính là nói tất cả những loài côn trùng sâu bọ lớn nhỏ.
Động vật nhỏ còn không muốn làm tổn hại, huống chi động vật lớn.
Đây thật sự là nuôi dưỡng tâm từ bi của chúng ta.
Trong ba loại bố thí thì đây là thuộc về bố thí vô úy.
Quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh, trường thọ.
Người Trung Quốc nói trong ngũ phúc có hai loại quả báo này.
Cho nên, chúng ta nhìn thấy “quả” thì phải biết tu “nhân” như thế nào.
Người thật sự chịu tu nhân, về sau nhất định sẽ có quả báo tốt.
Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy.Bộ sách Cảm Ứng Thiên này đều là khuyên người tu nhân thiện, đoạn duyên ác.
Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta khởi tâm động niệm, mọi thứ tạo tác, nói thật ra là thiện ít, ác nhiều.
Ở trong Kinh luận, Phật nói với chúng ta phiền não là đứng đầu.
Trong “Bách Pháp Minh Môn Luận” quy nạp lại nói có 26 loại phiền não lớn, chỉ có 11 loại thiện pháp, chứng tỏ tập khí ác của chúng ta quả thật nghiêm trọng hơn so với tập khí thiện rất nhiều.Đối với động vật nhỏ như muỗi, kiến, khi nhìn thấy, chúng ta trong vô ý đã giết hại chúng hoàn toàn không có lý do.
Nguyên nhân gì vậy? Do tập khí ác.
Cho nên, Thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta bồi dưỡng tâm từ bi, bắt đầu bồi dưỡng từ đâu? Yêu quý mạng sống của động vật nhỏ.
Người học Phật biết chúng cũng là một thân mạng.
Cái thân mà chúng đang thọ là do nghiệp bất thiện của chúng trong đời quá khứ, nên chúng mới thọ cái thân nhỏ như vậy.
Chúng ta trong đời quá khứ không biết bao nhiêu lần thọ thân giống như chúng vậy.
Thân tướng những động vật nhỏ hơn nữa vẫn có một thần thức thì làm sao có thể sát hại chúng được? Không những không được sát hại, mà khiến chúng sinh phiền não thì chúng ta cũng có lỗi lầm.
Ngay cả động vật nhỏ này cũng có thức thì sao có thể dùng tâm ác đối với người ta? Phật nói cho chúng ta biết, động vật càng nhỏ thì càng đần độn, ngu si; động vật lớn thì tánh linh cao một chút, cũng chính là tương đối thông minh một chút.
Đây là cách nói thông thường, nhưng trên thực tế, nếu chúng ta tư duy thật kỹ, cách nói này rất khó đứng vững được.
Bởi vì chúng ta quan sát thấy kiến cũng rất thông minh, tổ chức xã hội của chúng rất chặt chẽ, có kiến chúa, chúng cũng biết phân công, có thể thấy chúng hoàn toàn không phải rất ngu xuẩn.
Những côn trùng biết bay như ong mật cũng có tổ chức, có xã hội của chúng, sao có thể nói chúng hoàn toàn là ngu si? Những chân tướng sự thật này, chúng ta hãy quan sát thật kỹ.
Các nhà động vật học trên thế giới chuyên nghiên cứu động vật, sự quan sát của họ tinh tế, tỉ mỉ hơn người bình thường.
Họ nghiên cứu động thái đời sống của chúng, từ trong động thái đời sống có thể thể hội được tâm cảnh của chúng.
Cho nên nhất định không nên cho rằng giết chúng có lẽ chẳng có quan hệ gì, chúng rất ngu si, không biết trả thù.
Ý nghĩ này của chúng ta là sai rồi.
Trong sách xưa có ghi chép, một bạn nhỏ cứu đàn kiến khi bị nước nhấn chìm, đem đàn kiến này lên bờ, kiến biết báo ơn.
Qua đó có thể thấy được, chúng có tánh linh.
Chúng ta từ chỗ này liền có thể thể hội được, chúng biết báo ơn, nếu bạn giết hại chúng thì chúng cũng biết báo oán.
Động vật nhỏ như vậy đều có tánh linh, đều biết báo ơn, báo oán, huống chi là động vật lớn? Cho nên Phật ở trong Kinh Lăng Nghiêm khuyên mọi người không nên ăn thịt chúng sanh.
Trong Kinh Phật lại nói rất rõ ràng, nguồn gốc chiến tranh của thế gian chính là ăn thịt chúng sanh, oan oan tương báo, không bao giờ dứt.
Thế nhưng ngày nay người thế gian, ai tin những lời này? Chúng ta khuyên người khác, người ta nói chúng ta mê tín, họ châm biếm chúng ta, vậy còn cách gì bây giờ!Thế Tôn năm xưa còn tại thế, phương thức sống là trì bát khất thực.
Trì bát thì không nên tạo thêm phiền phức cho người ta.
Nói thực ra, Thế Tôn cả đời đều không muốn thêm một mảy may phiền phức nào cho người khác.
Chúng ta nhìn thấy trong Kinh, tất cả tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.
Cho nên đi trì bát, người ta cho cái gì thì ăn cái nấy, quyết định không có phân biệt, không có chấp trước, người ta cho thịt thì ăn thịt, cho cái gì ăn cái nấy, quyết không phải đề xướng ăn thịt.
Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, đó là “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, không phải là bảo người ta làm riêng đồ chay cho người xuất gia, vậy thì thêm một lần phiền phức.
Đạo lý là như vậy.
Trong Kinh Lăng Nghiêm khuyên người ăn chay.
Khi Lương Võ Đế đọc đến Kinh văn này thì cảm động rất sâu, bản thân ông liền ăn chay trường.
Ông là hộ pháp lớn của cửa Phật, toàn tâm toàn lực hộ trì Phật pháp, cho nên bản thân ông ăn chay trường, ông cũng khuyên bảo người xuất gia nên ăn chay trường, cho nên Phật giáo Trung Quốc ăn chay là do Lương Võ Đế đề xướng.
Đề xướng này là chính xác, thuận theo lời dạy của Phật.
Chúng ta biết, Phật giáo trên toàn thế giới, chỉ có Phật giáo Trung Quốc là ăn chay, Phật giáo nơi khác đều không ăn chay.
Đây là thuận theo lời giáo giới của Phật.
Chúng ta có thể thể hội được.Dù cho động vật nhỏ đi nữa, chúng cũng hoàn toàn giống như một con người, chúng bất hạnh đi luân hồi với cái thân tướng như vậy.
Chúng ta nhất định không được xem chúng nhỏ yếu mà ức hiếp chúng, vì đó là ý nghĩ sai lầm, hành động sai lầm.
Ở trong chú giải nói rất rõ ràng, không những những động vật nhỏ này có linh tánh mà chúng cũng có Phật tánh.
Phật ở trong Kinh nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.
Đã có Phật tánh thì đều được xem là Phật, chúng ta sao có thể hại Phật, sao có thể giết Phật chứ? Bản thân chúng ta tu hành muốn thành Phật, mà còn muốn đi hại Phật, giết Phật, vậy chúng ta làm sao có thể thành Phật được? Cho nên Phật chế định giới luật, điều thứ nhất là “không sát sanh”.
Ý nghĩa này quá sâu, quá rộng.
Nếu như không đọc tụng Đại thừa, không hiểu sâu nghĩa thú thì giới điều “không sát sanh” này rất khó thể hội.
Thật sự làm được “không sát sanh”, thử hỏi xem những động vật nhỏ này có còn làm tổn thương bạn được không? Không còn! Có thể thấy chúng có trí tuệ, có thể lựa chọn.Trong Cao Tăng Truyện, quí vị biết Ấn Quang Đại Sư ở thời cận đại, động vật nhỏ không làm tổn thương Ngài.
Bất kể Ngài đến nơi nào, căn phòng Ngài ở, bạn đi tìm một con muỗi, ruồi, rận, kiến cũng không thể tìm ra được.
Bình thường thì rất nhiều, khi Ngài vừa đến nơi đó ở thì không còn nữa, những động vật nhỏ này dời nhà rồi, nhà Phật nói là dời đơn.
Tại sao Lão pháp sư có thể có cảm ứng như vậy, còn chúng ta không có? Đây là điều đáng để chúng ta suy nghĩ kỹ, chúng ta cần suy nghĩ nhiều.
Đây là đạo lý gì vậy? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi.
Tâm chân thành thì trên có thể cảm động chư Phật Bồ-tát, dưới có thể cảm động trời đất quỷ thần.
Ngay cả quỷ thần ở cõi ngạ quỷ cũng có thể cảm động, huống chi những động vật nhỏ của đường súc sanh này, đều sẽ bị cảm động.
Đây là điều chúng ta phải nên biết.Cho nên người tu hành chân chánh, khi nhìn thấy những động vật nhỏ này đều là chắp tay niệm Phật, niệm Tam quy y: “Quy y Phật, không đọa địa ngục.
Quy y pháp, không đọa ngạ quỷ.
Quy y tăng, không đọa bàng sanh (súc sanh)”.
Tôi nghĩ mọi người đều nghe rồi, nhưng chúng ta có thật sự phụng hành hay không? Rất nhiều người thường hay quên mất rồi.
Ba câu nói này là lời chúc phúc đối với những động vật nhỏ này, cũng là nhắc nhở chúng.
Chúng ta nói, chúng có hiểu hay không? Ngôn ngữ không hiểu, nhưng linh tánh là thông hiểu.
Phần tâm chí thành, sự chúc phúc chí thành đó của chúng ta, quả thật chúng có thể cảm nhận được, chỉ cần chúng ta chân thành.
Thế nào là chân thành vậy? Nhất tâm là chân thành.
Chúng ta vì chúng mà chúc phúc, vì chúng mà niệm Tam quy y, cái tâm này không chân thành, còn xen tạp, tán loạn thì không có hiệu quả.
Nếu tâm thật sự chân thành thì sẽ có hiệu quả.
Tâm chân thành không phải đối với một việc, phải đem tâm này ngày ngày bồi dưỡng nên tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi.
Đây là chân tâm của chúng ta.Tánh đức vốn có trong tự tánh, chúng ta có, chư Phật Bồ-tát có, tất cả chúng sanh đều có.
Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, chư Phật, tánh đức của các Ngài hiện tiền, tánh đức tự tại.
Tánh đức của chúng ta bị chôn vùi ở trong tập khí phiền não, tuy có nhưng không khởi tác dụng, cho nên Phật dạy chúng ta phải khắc phục phiền não, khắc phục chướng ngại, phải khiến tánh đức hiện tiền.
Cái mà nhà Nho nói là “khắc niệm tác Thánh” cũng là ý nghĩa này.
Khắc phục phiền não, khắc phục tập khí là quan trọng hơn hết.
Căn tánh mỗi người đều không giống nhau.
Người thiện căn phước đức dày thì dễ dàng, họ vừa nghe thì liền sáng tỏ, họ có thể làm được.
Người phước đức dày, tuy đối với đạo lý này chưa thông đạt, sau khi nghe rồi thì họ sinh tâm hoan hỷ, họ cũng rất muốn làm được.
Chúng ta hằng ngày nghe Kinh, hằng ngày đọc Đại Thừa mà không thể làm được thì tự mình đã biết thiện căn phước đức của bản thân chúng ta mỏng cỡ nào.
Vậy phải làm thế nào? Nghe nhiều, đọc nhiều, bồi dưỡng thiện căn, phước đức của chúng ta.
Khi duyên chín muồi rồi thì làm được việc “không sát sanh” một cách triệt để, tự nhiên rất hoan hỷ, làm được rốt ráo viên mãn.
Không những không sát hại tất cả chúng sanh, mà tuyệt đối sẽ không khiến chúng sanh sinh phiền não.Không sát hại chúng sanh được quả báo trường thọ.
Không não hại chúng sanh được quả báo khang ninh.
Khang ninh là thân tâm an lạc.
Một người cả đời không có việc phiền muộn, không có việc phiền não, đây là khang ninh.
Quả báo của khang ninh là do không muốn làm cho tất cả chúng sanh sanh phiền não.
Quả như thế nào thì nhân như thế ấy.
Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy.Sự việc “nhân quả” này quy kết đến cuối cùng thật sự chính là bốn chữ “tự làm tự chịu”.
Bản thân chúng ta tu thiện thì bản thân chúng ta nhận phước báo, bản thân chúng ta tạo ác thì chúng ta nhất định phải chịu ác báo, dứt khoát không được phép oán trời trách người.
Oán trời trách người là tạo tội nghiệp lớn.
Thế gian biết bao nhiêu người không hiểu đạo lý này, cho rằng tất cả việc bất như ý là người khác tạo cho ta, người khác kiếm chuyện với ta.
Sai rồi! Tự làm tự chịu! Tại sao người khác không kiếm chuyện với người nào mà chỉ kiếm chuyện với ta? Ta và họ trước đây có ác duyên, họ kiếm chuyện với ta là để trả thù.
Ta hiểu rõ rồi thì cần phải tiếp nhận.
Thừa nhận quả báo mà không có một mảy may ý niệm oán hận thì oan kết này đã gỡ ra rồi, đã hóa giải rồi.
Thánh Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta: “Oan gia nên giải, không nên kết”.
Không kết oán với người thì trên đường Bồ-đề mới thuận buồm xuôi gió.
Trong cuộc sống một đời, thật sự được kiết tường như ý đều là do chính mình tự tu mà có.Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây.A Di Đà Phật!.