Thái Thượng Cảm Ứng Thiên


Các vị đồng tu, xin chào mọi người!Hôm nay hội trường của chúng ta có rất nhiều đồng tu đến từ Phương Liêu.

Hôm qua cư sĩ Trần Thái Quỳnh gọi điện thoại cho tôi, Tịnh Tông Học Hội Đài Bắc hôm nay bắt đầu kỳ Phật thất, có rất nhiều lão đồng tu năm xưa của Hoa Tạng Đồ Thư Quán đều tụ hội ở sảnh đường.

Tôi nghe xong vô cùng hoan hỷ.

Cư sĩ Trần muốn tôi buổi sáng hôm nay nói vài câu với mọi người.

Hệ thống đường truyền kết nối mạng đã làm xong rồi, chúng tôi có thể nhìn thấy được hình ảnh ở đầu phía bên Tịnh Tông Học Hội Đài Bắc.

Trong quá khứ chúng tôi đã tụ hội cùng nhau cộng tu, nhớ lại thực là vô cùng hoài niệm.Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, đã xảy ra sự thay đổi lớn như vậy.

Đây là việc chúng tôi không dự liệu được từ ban đầu, không thể nào nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi lớn đến như vậy.

Nhưng chúng ta học Phật thì nhất định phải tin Phật, tin tưởng tất cả mọi thứ biến đổi đều là do Phật Bồ-tát đã an bài cho chúng ta, hơn nữa còn là sự sắp đặt vô cùng ổn thỏa và tốt đẹp.

Tôi vô cùng cảm kích, cảm kích mỗi một vị đồng học, tôi cũng cảm kích các huynh đệ của cư sĩ Cao Quý Dân, nếu như giữ gìn Thư Viện Hoa Tạng như năm xưa thì bản thân tôi nhất định sẽ vất vả hơn rất nhiều so với hiện nay.

Hàn Quán Trưởng vãng sanh, tôi đã cân nhắc, sắp xếp mỗi năm ở Đài Bắc 3 tháng, ở Mỹ 3 tháng, ở Úc 3 tháng, ở Singapore 3 tháng, đã sắp xếp như vậy rồi.

Kết quả vì sự biến đổi này nên tôi không đi Mỹ nữa, cũng ít trở về Đài Loan, cho nên phần lớn thời gian là ở tại Singapore này, chỉ ở Úc một ít thời gian, như vậy đối với tôi mà nói thì thân tâm sẽ an định hơn.

Thực sự mà nói, cũng chỉ có định lại thì mới có thể hoàn thành kinh Hoa Nghiêm.

Hơn nữa, kinh Hoa Nghiêm lại là nguyện vọng sau cùng của Hàn Quán Trưởng.

Bà hy vọng tôi giảng viên mãn bộ kinh này, lưu lại một bộ video để cho hậu học làm tham khảo, cho nên tôi cũng sâu sắc cảm nhận được sự an bài này là do ý của Phật Bồ-tát, không phải là ý của một người nào khác.Học Phật thì trước tiên phải mở rộng tâm lượng, phải học A Di Đà Phật, phải học Thích Ca Thế Tôn, phải học chư Phật Như Lai.

Các Ngài đều là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, đối với hết thảy pháp thế xuất thế gian vĩnh viễn lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Đây là chân thật.

Đoạn mở đầu kinh Vô Lượng Thọ đã nói với chúng ta “khai hóa hiển thị chân thật chi tế”, chính là cái ý này.

Chúng ta phải buông bỏ hết thảy hư vọng của thế xuất thế gian.

Buông bỏ không phải là buông bỏ từ trên sự tướng mà buông bỏ từ trong tâm, chính là không để ở trong tâm nữa, trong tâm chúng ta vĩnh viễn chỉ có cảm ân.

Chúng ta mỗi ngày đọc kệ hồi hướng: “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” (trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường).

Chúng ta học Phật không phải chỉ một đời mà đời đời kiếp kiếp đều sống trong thế giới cảm ân thì chúng ta mới có thể đạt được thọ dụng chân thật từ Phật pháp.Tai nạn thế gian càng ngày càng nhiều, càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Rất nhiều người, bất luận là ở khu vực nào, quốc gia nào, hiện tại cảm giác này càng ngày càng rõ ràng, càng ngày càng sâu sắc hơn.

Phương pháp thù thắng nhất để cứu vãn kiếp nạn này không gì hơn là niệm Phật.

Lần này ở Đài Loan rất nhiều đồng tu nói với tôi, vì một lòng một dạ niệm Phật nên đã hóa giải được tai nạn.

Từ chỗ này mà thấy, thiện ác, nhân quả báo ứng thật quá rõ ràng.

Người có thiện tâm, thiện hạnh, người niệm Phật đều được sự hộ niệm của chư Phật, được thiên long thiện thần bảo hộ.

Lúc xảy ra động đất, nhà cửa của người khác sụp đổ, vì sao nhà của người niệm Phật không bị sập đổ? Nếu như nói là do thi công thì những công trình nhà cửa này đều tương tự nhau.

Đây là việc vô cùng rõ ràng, cho thấy thiện thần hộ pháp đã bảo vệ bạn.

Sự việc này nhất định không phải là mê tín, nhất định không phải là giả.Chúng ta ở Singapore, tháng trước gặp phải sự việc quỷ thần nhập vào một vị đồng tu, nói họ là oan gia trái chủ của lão lâm trưởng Trần Quang Biệt.

Lão lâm trưởng nghe kinh học Phật rất có thành tựu, biết trước giờ vãng sanh, nhóm oan gia trái chủ này đương nhiên không đến quấy nhiễu.

[Họ] hy vọng có thể được thơm lây, đến Cư Sĩ Lâm để xin được thọ quy y, đến thỉnh cầu mở kinh Địa Tạng cho họ nghe.

Họ nói Phật quang trong giảng đường, niệm Phật đường quá mạnh, họ là chúng sanh ở cõi U Minh không dám bước vào, chỉ hy vọng chúng ta có thể mở cho họ nghe kinh Địa Tạng, mở đĩa kinh Địa Tạng ở lầu hai.

Bạn xem họ nói rõ ràng, nói tường tận như vậy.

Đây là quỷ nhập thân.

Sau khi xuất ra thì người này tỉnh lại, hỏi lại thì người này không hề hay biết gì.

Chúng tôi đã cho làm rồi, truyền thọ tam quy y cho họ, mở đĩa kinh Địa Tạng ở lầu hai, để cho họ ở đó xem.

Họ rất đông, chúng ta nhìn không thấy họ, nhưng họ nhìn thấy chúng ta.

Đây không phải là giả, đều là sự thật.Vào tháng trước, cư sĩ Tề ở Đông Thiên Mục Sơn - Hàng Châu đến kể [cho] tôi nghe rất nhiều tình hình, những quỷ thần ở trên núi đã đến nơi đó để nghe kinh, niệm Phật tu hành.

Người không tin, nghe xong những lời này thì nói là mê tín.

Chúng tôi là chính mắt mình nhìn thấy, chính tai mình nghe thấy.

Nhất định phải tin tưởng kinh Phật.

Hiện tại, một số nơi vô tình hoặc cố ý đã hủy báng Phật pháp, nói bản hội tập mà chúng tôi căn cứ là không đáng tin, do đó không ít đồng tu lòng tin bị dao động.

Ở Trung Quốc Đại Lục có nhiều sự cảm ứng như vậy, chúng ta nơi này cũng có rất nhiều cảm ứng.

Mọi người đều thọ trì bản hội tập của Hạ lão cư sĩ.

Lão cư sĩ Trần Quang Biệt vãng sanh cũng chính là nhờ bản hội tập này.


Trước khi vãng sanh hai tháng thì đã biết mùng 7 tháng 8 sẽ đi, đã viết ra mười mấy lần mùng 7 tháng 8, vậy thì sai ở chỗ nào? Không những chúng ta y theo bản hội tập này là không sai mà nếu y theo hai bản hội tập dù không được lý tưởng lắm trong quá khứ để tu hành thì cũng nhất định được vãng sanh.

Ấn Quang Đại sư có sự phê bình đối với bản hội tập của Vương Long Thư và bản hội tập của Ngụy Mặc Thâm.

Phê bình bản hội tập của họ bỏ sót một số kinh văn quan trọng, phần không quan trọng thì lặp lại nhiều lần, nên đã phê bình họ là rối rắm, là phê bình sự việc này, không phải phê bình đối với giáo nghĩa.

Về mặt nghĩa lý thì không có vấn đề.

Các vị nên đọc thử kinh A Di Đà Sớ Sao của Đại sư Liên Trì, lúc trước chúng tôi đã giảng qua, tôi nhớ đã giảng qua nhiều lần.

Đại sư Liên Trì ở trong Sớ Sao đã trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ, hai, ba phần đều là dùng bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư.

Nếu như phần nghĩa lý trong đó có sai lầm thì Tổ sư làm sao lại có thể trích dẫn bản này của họ? Đây là để tăng trưởng lòng tin cho chúng ta, hội tập có tốt hay không là một việc khác.

Nói tóm lại một câu thì đều là khuyên bạn niệm A Di Đà Phật, chỉ cần bạn nhất tâm niệm A Di Đà Phật thì nhất định được sinh Tịnh Độ, cho nên không thể nào hủy báng Đại Thừa.Các vị xem câu cuối cùng của nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện: “duy trừ ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp” thì không thể vãng sanh, ngoài những điều này ra, người tạo tội ngũ nghịch chỉ cần có thể chịu quay đầu, chỉ cần bạn chân thật có thể sám hối thì đều có thể vãng sanh.

Đây mới gọi là pháp bình đẳng, mới gọi là đại từ đại bi, phổ độ chúng sanh.

Bạn hủy báng, bạn không tin tưởng thì không những chỉ có bạn không tin mà bạn còn chướng ngại người khác.

Nghiệp chướng này rất nặng, không thể vãng sanh là ở chỗ này.Phật pháp là pháp bình đẳng, mọi người đã đọc qua kinh Kim Cang.

Trong kinh Kim Cang, Phật nói “pháp môn bình đẳng không có cao thấp”.

Phật thuyết pháp, do hết thảy chúng sanh căn tánh không đồng nên mới có sai biệt.

Từ trên lý mà nói thì không những không có sai biệt mà ngay cả chân vọng, tà chánh, đúng sai, thiện ác cũng đều không có sai biệt.

Người giác ngộ nhất định không có sai biệt, người mê thì mới thấy có sai biệt.

Người giác ngộ không cần phải lựa chọn.

Người mê cần phải chọn lựa, chọn lựa thích hợp với căn tánh của mình, thích hợp với hoàn cảnh tu học của chính mình, đem lại sự tiện lợi cho việc tu học, là vì cái này mà hiển thị sự sai biệt ở trong vô sai biệt.

Sai biệt chính là vô sai biệt, phải biết nguyên lý nguyên tắc này thì lòng tin của chúng ta sẽ kiên định.

Chúng ta thọ trì bản hội tập này thì rất tốt, họ thọ trì bản của Khang Tăng Khải cũng rất tốt.

Chúng ta đều hoan hỷ, đều tán thán, đồng sanh nước Cực Lạc.

Tuyệt đối không phải là thọ trì bản của Khang Tăng Khải thì vãng sanh, còn thọ trì bản của Hạ Liên Cư thì không thể vãng sanh, làm gì có loại đạo lý này.

Rất nhiều người thọ trì bản của Vương Long Thư, thọ trì bản của Ngụy Mặc Thâm được vãng sanh, đều có đủ thoại tướng tốt đẹp khiến chúng ta tin sâu không nghi.

Chúng ta phải hiểu đạo lý này, đối với các tông phái Phật pháp khác nhau, pháp môn khác nhau, chúng ta đều phải tán thán, tuyệt đối không thể nào hủy báng.Phải học theo 53 vị thiện tri thức ở trong kinh Hoa Nghiêm, tự mình khiêm hư, tán thán người khác.

Đây là Phật dạy bảo chúng ta.

Mọi người đều biết kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đầu tiên Thế Tôn thuyết sau khi thành đạo.

Bộ kinh đầu tiên này đã dạy chúng ta như vậy, đây mới là thái độ tu học tốt nhất.

Cho nên chúng ta đối với hành vi của hết thảy mọi người, phải căn cứ theo giáo huấn của kinh Hoa Nghiêm.

Chúng ta nhất định lễ kính họ, còn việc tán thán thì phải xem họ có như pháp hay không.

Họ làm như pháp thì tán thán, không như pháp thì chỉ cung kính mà không tán thán.

Đây là Phật dạy bảo chúng ta.Vì sao lại cung kính mà không tán thán? Cung kính là hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, hết thảy chúng sanh đều là Phật vị lai.

Kinh Hoa Nghiêm, kinh Viên Giác nói “tất cả chúng sanh vốn thành Phật”, vậy thì chúng ta sao có thể không cung kính chứ? Còn vì sao không tán thán? Vì họ làm một số sự việc không như pháp.

Việc không như pháp này là hiện tại không như pháp, nếu nhìn lâu xa cũng có thể rất như pháp.

Thí dụ như nói cư sĩ Cao Quý Dân đã lấy lại Thư Viện Hoa Tạng, tất cả đồng tu xuất gia chúng tôi đều phải rời khỏi.

Mọi người nhìn thấy cho việc này là không như pháp, nhưng mà các vị xem, hiện tại chúng tôi cảm thấy ông ấy làm như vậy là rất như pháp.

Nếu như ông không lấy lại chúng tôi sẽ rất vất vả, kinh Hoa Nghiêm chúng tôi chưa chắc có thể giảng được viên mãn, mỗi năm cứ phải đi tới đi lui, cứ gián đoạn ngắt quãng như vậy, cho nên hiện tại nghĩ đến ông ấy làm rất là như pháp.

Có thể thấy được thế gian này không có một việc nào đúng và sai tuyệt đối, không có thiện ác tuyệt đối, chúng ta phải hiểu thấu nghĩa lý này.

Cho nên đối với hết thảy người, vĩnh viễn chúng ta phải có lòng cảm ân.Khi ở Trung Quốc Đại Lục, ở quê hương của Hàn Quán Trưởng, chúng tôi có một tòa nhà do các vị đồng tu ở nơi đó tặng cho tôi.

Tòa nhà này đã trở thành Kỷ Niệm Quán cho Hàn Quán Trưởng, có bảy tầng lầu, quy mô cũng gần giống với Học Hội của chúng ta ở đây.

Hai tầng dưới cùng chúng tôi cho thuê, dùng tiền cho thuê đó để duy trì hoạt động của tòa nhà, cho nên không cần phải nhờ vào tiền của người khác cúng dường, như vậy thì mới có thể tồn tại lâu dài được.

Tương lai nếu như có đủ duyên phần, có thể chúng tôi sẽ làm viện Phật học ở nơi đó, hoặc có thể là làm lớp bồi huấn, làm một đạo tràng nhỏ để hoằng pháp lợi sanh cho miền Bắc.

Cho nên quan sát xa rộng một chút, thực tế mà nói vẫn không xem là quá lâu xa.

Quán Trưởng mất cũng chưa được 3 năm, chúng tôi nhìn thấy Cao Quý Dân làm như vậy là đúng, là chính xác, khiến cho mỗi một người xuất gia chúng ta sâu sắc thể hội được câu mà Phật đã nói ở trong kinh: “thế gian vô thường, quốc độ mong manh”.iệcn lựakhông được vãng sanh? ăn động vật.ới tên gọi là Chúng ta có tâm cảnh giác càng cao độ thì càng cố gắng nỗ lực.

Chúng ta chỉ có một mục tiêu là cầu sanh Tịnh Độ.

Chúng ta ở tại thế gian này một ngày thì làm công việc mà người xuất gia nên làm trong một ngày theo quy củ.Công việc của người xuất gia là dạy học.


Chúng ta làm công việc dạy học này cho tốt, khiến mọi người chân thật có thể nhận thức được Phật pháp là gì, việc tu học Phật pháp rốt cuộc có lợi ích gì đối với chúng ta.

Quả nhiên đã hiểu được rồi thì tự nhiên sẽ hoan hỷ mà tiếp nhận.

Phàm là không thể tiếp nhận thì đều do không có người dạy, cho nên đã sinh ra rất nhiều sự hiểu lầm.

Nói rõ ràng minh bạch rồi thì hiểu lầm sẽ hết, lòng tin sẽ được kiến lập.

Nếu như không nói rõ ràng, không giảng tường tận, tự mình không chịu nỗ lực tu học, làm tấm gương tốt, vậy thì những hiểu lầm đó sẽ ngày một thêm sâu dày hơn mà thôi.

Cho nên, chúng ta phải lấy bốn chữ “tín giải hành chứng” để tiêu trừ sự hoài nghi của hết thảy chúng sanh.Bản hội tập là do lão sư Lý trao truyền lại cho tôi, tôi tiếp nhận sự ủy thác của lão sư, tôi không phụ lòng lão sư.

Quyển sách này đích thực đã truyền rộng ra khắp thế giới, người y chiếu theo quyển kinh này để tu học càng ngày càng nhiều.

Hạ lão cư sĩ nói, quyển hội tập này có thể lưu truyền vĩnh viễn, tương lai khi Phật pháp diệt tận, sau 9.000 năm nữa Phật pháp sẽ diệt tận, quyển bị diệt sau cùng có lẽ là bản hội tập này.

Việc này có rất nhiều đại đức đều đã quả quyết như vậy, chúng ta phải tin sâu không nghi, chân thật nỗ lực, y giáo phụng hành.Chúng tôi hy vọng những vị lão đồng tu của Thư Viện nếu như có thời gian thì có thể đến Singapore xem thử, xem đạo tràng hiện tại ở Singapore.

Đạo tràng này là cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã nhận lời phó thác của Hàn Quán Trưởng, sau khi Hàn Quán Trưởng đi rồi thì công việc hộ pháp giao lại cho ông.

Quán Trưởng lựa chọn ra một người vô cùng thỏa đáng, sự hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên là tận tâm tận lực, không hề phụ lòng của Hàn Quán Trưởng.

Cho nên, chúng tôi vĩnh viễn cảm ân sự hộ trì suốt ba mươi năm của Hàn Quán Trưởng, hy vọng các vị đồng tu đều có thể bỏ hết đi sự hiểu lầm, chúng tôi và các huynh đệ Cao Quý Dân đều vui vẻ hòa thuận, cũng tôn trọng kính ái giống như xưa, hỗ trợ hợp tác lẫn nhau, không có một mảy may hiềm nghi.

Như vậy thì tốt rồi, hoan nghênh mọi người đến Singapore này để tham học.**********Xin chào các vị đồng tu! Mọi người thật rất hiếm có vì đã đến Singapore để chúng ta cùng nhau tham học, thật sự là một duyên phần hiếm có, chúng ta càng phải nên trân quý cơ duyên này, phải nắm chặt lấy cơ hội này.Phật pháp là viên dung, không phải là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng nói viên dung mà chân tướng sự thật là viên dung.

Chư Phật Bồ-tát đã đích thân lĩnh hội chân tướng sự thật, trong kinh Bát Nhã đã nói “chư pháp thực tướng”.

Thực tướng rốt cuộc là gì? Phật ở trong hết thảy kinh luận đã nói qua rất nhiều, rất rõ ràng, rất tường tận rồi.

Chúng ta phải y theo giáo huấn của Phật, y theo cách nói của Phật mà khế nhập cảnh giới, khai phát chánh trí.

Thật sự chân tướng sự thật là viên dung như vậy, viên mãn đến như vậy, trong các buổi giảng chúng tôi cũng thường nói: hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới là cùng một sinh mạng, là cùng một thể.

Bạn có thể thể hội được chân tướng sự thật này thì trí huệ của bạn viên mãn, đức năng viên mãn, phiền não tự nhiên không còn nữa.

Tất cả phiền não là từ trong sự hiểu lầm mà sản sinh ra, không hiểu được chân tướng sự thật, tự mình cho là đúng, đây mới là sanh phiền não.

Hiểu được chân tướng sự thật thì chỉ sanh trí huệ, không sanh phiền não nữa.

Cho nên các vị phải hiểu phiền não đều là từ tự tư tự lợi, từ ngã chấp mà sinh ra.

Hiểu được chân tướng sự thật, hư không pháp giới là chính mình, hết thảy chúng sanh là chính mình thì ý niệm tự tư tự lợi sẽ không còn nữa, không cần đoạn mà tự nhiên liền không còn nữa, những thứ này không phải là thật.

Thế nên, chúng ta sâu sắc có thể thể hội được, không phải là do Phật phát hiện, cũng không phải do Phật phát minh, không phải cách nói của Phật mà mỗi câu Phật nói đều là chân tướng sự thật.Kinh Kim Cang nói không sai: “Như Lai thị chân ngữ giả”, chân ngữ thì nhất định không nói lời giả; “thực ngữ giả”, thực tức không hư, nhất định không phải là đàm huyền thuyết diệu; “như ngữ giả” là những gì nói ra đều là sự thật, không thêm không bớt, sự thật là như thế nào thì nói như thế ấy, không thêm một chút mà cũng không giảm đi một chút, đây là “như ngữ”; “bất cuống ngữ giả”, càng không cần phải nói, Phật nhất định không nói lời vọng ngữ.

Chư Phật Như Lai đều là như vậy, câu câu là chân thật, nói lời đại chân thật.

Chỗ thù thắng nhất mà Phật dạy bảo chúng ta là không phải hễ Phật nói ra thì chúng ta phải tin đó là thật, vậy thì quá miễn cưỡng, mà sau khi Phật nói thì Ngài bảo chúng ta phải đi làm, bảo chúng ta đi thể hội, bảo chúng ta hãy đi chứng thực, đích thân bạn đi chứng minh sự việc này rốt cuộc là thật hay là giả.

Nếu bạn có thể chứng thực được rồi, thì bạn thành Phật, Phật Phật đạo đồng, mới hiểu được chân tướng sự thật này thì ra là như vậy, đều là như nhau.Cho nên, việc đầu tiên của học Phật chính là mở rộng tâm lượng.

Các vị thường hay đọc tụng, cũng thường hay nghe thấy trong Phật pháp, đều hiểu được câu “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”.

Phật nói đây là chân tâm, tâm lượng của chúng ta vốn dĩ lớn như vậy.

Hiện tại đã mê mất rồi, đã mê mất chân tướng sự thật, cho rằng cái thân này là chính mình, hết thảy vì cái thân này mà tạo nghiệp, biến tâm lượng này thành ra nhỏ như vậy, ngoài thân thể của mình ra thì không thể nào bao dung một người nào khác, vợ chồng còn phải ly hôn, cha con thì bất hòa.

Bạn nói xem còn lời gì nữa đây, tâm lượng đã biến thành nhỏ đến như vậy.

Vốn dĩ có thể dung nạp cả hư không pháp giới mà hiện tại ngay cả một người cũng không thể bao dung được.

Đây chính là tội nghiệp, đây chính là luân hồi tam đồ khổ báo.

Nói lời thành thật, chúng ta đã mê quá lâu rồi, thật như trong kinh đã nói, vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã mê mất chính mình.

Chính mình là hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới.Ân đức lớn nhất của Phật đối với hết thảy chúng sanh chính là giáo hóa, đem chân tướng sự thật nói với chúng ta.

Chúng ta sau khi nghe xong thì quay đầu, sau khi nghe xong thì giác ngộ, giữa người với người, giữa dân tộc, quốc gia với nhau, làm gì gây khó khăn cho nhau chứ? Vì sao không thể tôn trọng lẫn nhau, kính ái lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau? Mọi người đều được hưởng phước.

Còn nếu tranh chấp lẫn nhau, tuyệt không khoan nhượng “chỉ có tôi hưởng phước, còn anh phải nên bị tội”, tâm thái như vậy là đã kết oán thù với hết thảy chúng sanh, oan oan tương báo không bao giờ dứt.

Đây là ngu si, ngu si đến cùng cực.

Duy chỉ có người học Phật thì hiểu rõ, biết rõ phải mở rộng tâm lượng, phải bao dung hết thảy.Hồi phục tự tánh thì dung chứa được hết thảy chúng sanh hư không pháp giới.

Vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh hư không pháp giới là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.

Tâm của ai? Tâm của chính mình, không phải là ai khác.

Cho nên, chân tướng là hư không pháp giới đích thực là một cái thân.

Nhà Phật gọi là pháp thân thanh tịnh; một cái tánh, là chân như bổn tánh.


Nếu như đối với đại nguyên tắc này, tổng cương lĩnh này không thể khẳng định, không thể nhận biết thì chúng ta tu học Phật pháp cho dù rất nỗ lực, cả đời dũng mãnh tinh tấn thì cái mà bạn đạt được vẫn rất có hạn, vì sao vậy? Vì cái gốc mê của bạn chưa phá trừ được.Phật ở trong kinh nói rất hay, người mê chỉ có ba loại hiện tượng.

Một là hình tướng, chúng ta gọi là hiện tượng, tướng chính là hiện tượng.

Loại mê thứ hai là mê chấp vào danh từ, chúng ta nói Phật là một danh từ, Bồ-tát cũng là một danh từ, chúng sanh cũng là một danh từ, bạn, tôi, họ đều là một danh từ, mê ở trên danh tướng.

Từ trên danh từ và hiện tượng sản sinh ra vô lượng vô biên vọng tưởng.

Vọng tưởng chính là phân biệt, chấp trước.

Phật dùng ba câu để nói rõ về chúng sanh chưa kiến tánh, chưa chân thật giác ngộ trong thập pháp giới, cuộc sống các vị là ở trong đó.

Người giác ngộ thì không như vậy, duy chỉ có như như, chánh trí.

Như như là chân tướng sự thật, chánh trí là hiểu rõ triệt để đối với chân tướng sự thật.

Cho nên Tướng Tông nói “ngũ pháp tam tự tánh”, đây là ngũ pháp.

Tam pháp trong ngũ pháp là cảnh giới của mê, nhị pháp là cảnh giới của ngộ.

Khai ngộ như thế nào đây? Phải chánh trí.

Chánh trí từ đâu mà đến? Phải nghe pháp.

Không có người trí dạy bảo chúng ta thì chúng ta làm sao khai ngộ, làm sao biết chính mình đã mê rồi? Biết chính mình đã mê thì người này giác ngộ rồi, liền quay đầu.

Sợ là sợ chính mình mê mà không biết là mình đang mê, vậy thì không có khả năng giác ngộ.

Nếu biết mình mê thì có khả năng giác ngộ.Khai ngộ mà trong nhà Phật thường nói là tiểu ngộ.

Thế nào là tiểu ngộ? Biết chính mình mê hoặc điên đảo.

Tích tiểu ngộ thành đại ngộ, tích đại ngộ thì thành đại triệt đại ngộ.

Cho nên, phương pháp mà cổ đại đức chỉ dạy cho chúng ta, tốt nhất người sơ học chúng ta chưa có năng lực phá mê khai ngộ thì hãy tuân thủ giáo huấn của Đức Phật.

Đại sư Thiện Đạo ở trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ đã dạy cho chúng ta, Ngài nói: những điều mà Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta hãy nỗ lực chăm chỉ mà làm, những điều Phật dạy chúng ta không được làm thì chúng ta nhất định không làm.

Hai câu nói này rất hay.

Người sơ học như chúng ta, quả nhiên có thể ghi nhớ giáo huấn của hai câu nói này, chăm chỉ y giáo phụng hành, trước tiên y theo Phật, y theo Phật điều gì? Sửa đổi các loại tư tưởng, hành vi sai lầm của chính chúng ta, sau khi tu sửa trở lại thì có thể y theo chính mình, vì sao vậy? Bởi vì tư tưởng, hành vi của chúng ta không còn sai lầm nữa.

Không có sai lầm thì đương nhiên có thể dựa vào chính mình, khi vẫn còn có sai lầm thì phải nương tựa người khác.

Phật là người từng trải, tư tưởng hành vi của Phật Bồ-tát nhất định không có sai lầm.

Đối với lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, mỗi câu mỗi chữ đều quay về tự tánh thì chúng ta mới được thọ dụng.

Nếu như không thể quay về tự tánh, y văn mà giải nghĩa, vậy thì bạn đã hiểu sai ý nghĩa trong đó rồi.

Từ xưa đến nay, rất nhiều người học Phật hiểu sai ý của Phật, điều này cho thấy người học Phật thì nhiều mà người thành tựu thì ít, nguyên nhân là ở chỗ này.

Vì sao những người đó không thể thành tựu? Vì đã hiểu sai ý của Phật.Vậy chúng ta suy nghĩ, chúng ta phải làm thế nào thì mới chân thật có thể không hiểu sai ý của Phật? Ở trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ-tát đã dạy chúng ta, chúng ta xem kinh nghe giáo, nghĩa là nghe giảng kinh phải “lìa tướng ngôn thuyết”.

Xem kinh không chấp trước văn tự, nghe giảng kinh không chấp trước ngôn ngữ, đây chính là lìa tướng văn tự.

Đó là điều kiện đầu tiên.

Điều kiện thứ hai là “lìa tướng danh tự”.

Các vị phải nên hiểu, câu đầu tiên Ngài dạy chúng ta lìa tướng, câu thứ hai thì dạy chúng ta lìa danh, lìa danh ở trong ngũ pháp.

Không nên chấp trước tướng danh tự.

Danh tự là công cụ, chấp trước thì sai rồi.

Phật nói với bạn có Phật có Bồ-tát, bạn chấp trước thật sự có Phật, thật sự có Bồ-tát thì sai rồi, bạn chấp trước không có Phật, không có Bồ-tát cũng sai, nếu không chấp trước thì tâm của bạn mới thanh tịnh.

Thứ ba là “lìa tướng tâm duyên”.

Thế nào gọi là tâm duyên? Bạn suy đoán, “tôi nghe đại khái là cái ý này” thì bạn suy đoán sai rồi.

Thế nên, sau khi nghe Phật pháp thì có thể nghiên cứu hay không? Không thể nghiên cứu, hễ nghiên cứu thì sai rồi, vì sao vậy? Bạn đã rơi vào trong ý thức.

Ý thức là vọng tưởng, phân biệt.

Bạn dùng vọng tưởng, phân biệt để phân biệt cảnh giới của Phật thì toàn bộ đều sai rồi.Cho nên, quả nhiên có thể lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, thì bạn nhất định sẽ không hiểu sai đi ý nghĩa của Phật.

Bạn phải biết nghe.

Hầu hết thính chúng chúng ta đều chấp trước ba loại tướng này.

Nếu chấp trước ba loại tướng này thì sau khi nghe xong sẽ có tranh luận.

Không chấp trước ba loại tướng này thì tự nhiên sẽ không có tranh luận.

Phật Bồ-tát thuyết pháp không chấp tướng, gọi là “nói mà không nói, không nói mà nói”.

Bạn nghe kinh mà cũng không chấp trước ba loại tướng này, chính là “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” thì sẽ khai trí huệ.

Đoạn mở đầu Khởi Tín Luận đã đem phương pháp này dạy cho chúng ta, chúng ta phải biết học.

Tóm lại mà nói, nhất định phải đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay sanh tử luân hồi, hiện tại sống những ngày tháng khổ sở này, gặp phải rất nhiều tai nạn, không do gì khác, mà đều là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hại, không phải người nào khác hại chúng ta, không phải hoàn cảnh hại chúng ta.

Hoàn cảnh và người đều không hại chúng ta, vấn đề là chính mình đã hại chính mình.

Tự mình nếu không hại chính mình thì tất cả hoàn cảnh đều là hoàn cảnh tốt, thuận cảnh là hoàn cảnh tốt, nghịch cảnh vẫn là hoàn cảnh tốt, thiện duyên là hoàn cảnh tốt, ác duyên cũng là hoàn cảnh tốt.Chúng ta thật sự muốn thành tựu thì tự mình phải biết lựa chọn hoàn cảnh tu học.

Các vị cũng đã nghe qua câu chuyện về Thiên Mục Sơn.

Quỷ thần trên Thiên Mục Sơn rất nhiều, Phật Bồ-tát ở trên đó tu hành, quỷ thần cũng ở đó tu hành, súc sanh cũng ở đó tu hành, cho nên nếu không phải là người thật sự tu hành thì quỷ thần sẽ đuổi bạn xuống núi, chọc phá bạn, nên có rất nhiều người không dám đi [đến đó].


Không dám đi thì tâm đó là hư giả, không phải là chân thật phát tâm, không phải chân tu hành.

Người chân tu hành thì sẵn sàng đi đến nơi đó, vì sao vậy? Có nhiều Phật Bồ-tát, quỷ thần hộ pháp như vậy thì làm gì có đạo lý không thành tựu.

Ở nơi đó không dám khởi ác niệm, không dám động tà tâm bất chính.

Bạn khởi tâm động niệm thì quỷ thần liền biết.

Chúng ta có nhiều quỷ thần ở bên cạnh hộ trì như vậy thì chính mình khởi tâm động niệm đều sẽ cẩn trọng, đạo nghiệp sẽ rất dễ dàng thành tựu.

Nghe đến nơi đó mà không dám đi thì tâm này của bạn là tâm luân hồi, tâm này của bạn là tâm ác đạo, hay nói cách khác, trong đời này bạn không chịu thành tựu, vẫn muốn tiếp tục luân hồi trong lục đạo, không phải là như vậy hay sao? Có rất nhiều người lên núi, ở nhiều ngày thì đều lo sợ, sợ bị quỷ thần đuổi xuống thì mất mặt lắm.

Bạn xem, họ rất sĩ diện! Người chân thật tu đạo, biết được nơi này thì nhanh chóng đi đến.

Cho nên, duyên phần này của chúng ta đã thành thục rồi, [duyên phần] ở hải ngoại chúng ta hãy từ bỏ, nhất định trở về quê hương của mình, tu hành cho tốt, hy vọng ngay trong đời này chân thật được thành tựu.Hôm qua tôi nghe các vị kể lại tình trạng Tề cư sĩ trở về, tôi rất cảm động.

Bà trở về vào ngày 18 tháng 8.

Ngày 18 tháng 8 hôm đó đúng lúc các hành tinh của hệ mặt trời xếp thành hình chữ thập, là một ngày xấu nhất, bà không đặt được vé máy bay, bất đắc dĩ ngày hôm nay phải về.

Ngày hôm nay thì tốt, ngày hôm nay máy bay đều trống, đều rất ít người, cho nên bà lên máy bay tuy rằng rất lo lắng nhưng cũng chăm chỉ nhất tâm niệm Phật.

Niệm được một lúc thì bắt đầu thấy hoan hỷ, nhìn thấy bầu trời phía trên máy bay có rất nhiều Phật Bồ-tát.

Bà nói với mọi người, các vị hãy nhìn ngoài cửa sổ xem, tất cả đều là Phật Bồ-tát.

Người khác nhìn không thấy, chỉ bà nhìn thấy.Cho nên chúng ta hiểu được là chúng sanh cho dù tạo tác tội nghiệp cực nặng thì Phật Bồ-tát vẫn muốn giúp đỡ, vẫn muốn cứu hộ, đại từ đại bi.

“Phật thị môn trung bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật không bỏ một ai), vấn đề là chúng ta có chịu tiếp nhận hay không? Chúng ta không chịu tiếp nhận thì cũng hết cách rồi.

Chúng ta có thể tin, có thể giải, có thể hành, chịu tiếp nhận, dù tạo tội ngũ nghịch thập ác cũng được cứu, trong cửa nhà Phật không bỏ một ai.Tai nạn cực kỳ to lớn có thể cứu vãn được không? Khẳng định là có thể cứu vãn.

Vì sao tôi lại có thể nói một cách khẳng định như vậy? Vì tôi hiểu đạo lý này, tôi tin tưởng đạo lý mà Phật nói: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh” (Tất cả pháp đều từ tâm sanh ra).

Nguyên lý căn bản trong kinh Hoa Nghiêm là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.

Tâm chính là “duy tâm sở hiện”, tưởng chính là “duy thức sở biến”.

Chỉ cần chúng ta nghĩ thế giới này tốt, nghĩ tưởng hết thảy chúng sanh đều tốt, thì họ liền biến thành tốt.

Chúng ta nên suy nghĩ về hướng tốt đẹp, không nên ngày ngày cứ nghĩ đến chỗ xấu.

Thế nào là nghĩ xấu? Tôi hoài nghi bạn, bạn hoài nghi tôi, đôi bên đấu tranh lẫn nhau.

Cách nghĩ này không tốt, cách nghĩ này sẽ dẫn đến chiến tranh, dẫn đến thế giới hủy diệt.

Chúng ta nghĩ bất luận là người như thế nào, bất luận là tôn giáo nào, bất luận là dân tộc khác nhau như thế nào, đều có thể chung sống hòa thuận thì thế giới này chẳng phải tốt đẹp rồi sao? Bạn phải nghĩ nó tốt, hết thảy đều suy nghĩ theo hướng tốt, không nên suy nghĩ theo hướng xấu.

Ngày ngày nghĩ đến việc đôi bên không thể bao dung lẫn nhau, đôi bên muốn chiến tranh với nhau, ngày ngày đều chuẩn bị chiến tranh, sau cùng là cùng nhau đi đến chỗ chết, bạn nghĩ đến cái này để làm gì? Vì sao không chịu nghĩ đến những chỗ tốt? Đều là ở một niệm mà thôi.

Một niệm mà thế giới này tốt đẹp, cũng một niệm mà thế giới này bị hủy diệt, đều do một niệm của chúng ta mà thôi.Cho nên, đệ tử Phật một niệm thuần thiện, cảm thấy cả hư không đều là Phật Bồ-tát đang hộ trì, một ác niệm thì bạn nhìn thấy đều là yêu ma quỷ quái.

Rốt cuộc là Phật hay là ma? Xin nói với các vị, không Phật cũng không ma, còn phải xem cách nghĩ của bạn như thế nào nữa.

Ý niệm của bạn là thiện, thì ma cũng biến thành Phật, ý niệm của bạn là ác, thì Phật cũng trở thành ma.

Chúng ta phải hiểu đạo lý này, cho nên chúng ta có thể khẳng định, tin sâu không nghi.Người phương Tây nói năm 1999 là ngày tận thế, người trên toàn thế giới đều lo sợ, đều hoang mang.

Trong nhà Phật thì nói, pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật, mạt pháp là 10.000 năm, bây giờ mới qua được 1.000 năm, còn đến 9000 năm phía sau nữa.

Bạn phải tin Phật, về sau còn đến 9.000 năm nữa.

Nếu tin vào cách nói của người phương Tây thì ngày tận thế đã đến rồi.

Cách nghĩ của Phật và cách nghĩ của họ không giống nhau, cho nên chúng ta phải hiểu nguyên lý nguyên tắc, hết thảy đều hướng về chỗ tốt đẹp mà suy nghĩ.Các dân tộc, tín ngưỡng, văn hóa, quốc gia khác nhau đều có thể hợp tác, chỉ cần chúng ta dùng tâm chân thành, tâm vô tư.

Vì sao không thể hợp tác vậy? Vì bạn có lòng riêng tư nên quốc gia với quốc gia đàm phán với nhau, rất nhiều sự việc đều bàn không được, ai ai cũng hoài nghi, rốt cuộc nguyên nhân là ở đâu? Vì muốn phù hợp với lợi ích của quốc gia mình, sai chính là ở ý niệm này, cho nên không thể thống nhất được.

Nếu như ý niệm của bạn chuyển lại, phù hợp với lợi ích của họ thì vấn đề sẽ được giải quyết hết.

Mỗi một người đều nghĩ đến việc phù hợp với lợi ích của đối phương, vậy thì sao lại không hoan hỷ tiếp nhận.

Mấu chốt chính là ở một niệm, hết thảy phải phù hợp với lợi ích của tôi mà không lo đến lợi ích của người khác, vậy thì sao có thể không xung đột chứ? Cho nên mỗi một quốc gia đều đang phát triển những loại vũ khí mới, đang chuẩn bị chiến tranh, đều là vì muốn phù hợp với lợi ích của mình.

Nếu như ý niệm chuyển trở lại để phù hợp với lợi ích của đối phương thì chúng ta không cần phải quân bị, không cần phải chiến tranh nữa, đem những tài lực và vật lực này dùng để phát triển sự nghiệp phúc lợi cho xã hội.

Chỉ là sai khác nhau có một niệm.Giáo huấn của Phật pháp không có gì khác, đó là hy vọng đem ý niệm sai lầm này chuyển trở lại, xã hội liền an định, thế giới đại đồng, mỗi một người đều trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn, bạn nói xem như vậy tốt biết bao.

Cho nên, chúng ta phải sâu sắc hiểu rõ đạo lý này, tâm lượng nhất định phải mở rộng ra, nhất định không nên nghĩ đến lợi ích của chính mình.

Nếu nghĩ đến lợi ích tổng thể của tất cả chúng sanh trên địa cầu này thì vấn đề mới thật sự được giải quyết.

Tôi nói sâu hơn một chút với các vị, nếu không sợ các vị nghe xong lại sinh ra hiểu lầm, vì sao vậy? Chúng ta vì lợi ích của cả địa cầu này mà không vì lợi ích của các tinh cầu khác, tương lai vẫn phải có chiến tranh giữa các tinh cầu, vậy thì vẫn phiền phức rồi.

Cho nên vẫn là Thích Ca Mâu Ni Phật cao minh, phải vì lợi ích của hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, đây mới chân thật là hết việc, chiến tranh giữa các tinh cầu cũng không có.

Nếu vì lợi ích của địa cầu chúng ta, không vì lợi ích của tinh cầu khác thì vẫn có chiến tranh giữa các hành tinh.

Chúng ta hãy tỉ mỉ mà suy nghĩ đạo lý này, phải nghĩ cho thông sự việc này, giải quyết từ trên căn bản.

Đây là Phật pháp, đây là trí huệ chân thật.

Cho nên không vì cá nhân thì tốt, không vì cá nhân thì được đại tự tại, chân thật được hưởng phước.

Vì cá nhân thì chỉ có phiền não, chỉ có khổ nạn.

Khổ nạn lớn thì biến thành kiếp nạn, đều là vì chính mình.

Vì vậy, nhà Phật nói tiêu chuẩn của thiện ác: vì mình chính là ác, vì chúng sanh chính là thiện, bạn suy nghĩ thử xem nó có đạo lý hay không?Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận