Các vị đồng tu, xin chào mọi người.Xin mời mọi người xem đoạn thứ 48 của Cảm Ứng Thiên, quyển thứ ba của sách Vựng Biên.
“Khinh miệt thiên dân, nhiễu loạn quốc chính.” (Khinh miệt quần chúng, làm rối loạn, quấy nhiễu quốc chính)Đây là điều ác thứ tư của người làm quan.
Trong phần chú giải nói rất hay “Sứ mệnh của trời, chính là ở lòng dân, phàm là người dân thì đều là con của trời, nên gọi là con trời, trời rất thương yêu dân chúng vậy”.Những câu nói này chúng ta phải thường xuyên đọc tụng, thường xuyên để ở trong tâm.
Trong Phật pháp, mối quan hệ giữa chúng ta với hết thảy chúng sanh được nói thấu triệt hơn.
Đạo lý này, người xưa hiểu rất rõ ràng.
Chúng ta thường nghe câu nói: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, ta và người là một, đều cùng một pháp thân.
Nhà Phật gọi là pháp thân, nghĩa là cùng một thể với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, người và ta đều là một thể.
Nói cách khác, nếu chúng ta xem thường người khác tức là xem thường chính mình, tôn trọng người chính là tôn trọng mình, phải hiểu đạo lý này, đây là chân tướng sự thật.Con người không thể không có sự tôn nghiêm, sự tôn nghiêm này kiến lập từ đâu? Tôn nghiêm chính là tôn trọng người khác, tôn nghiêm không phải là ngông cuồng tự đại, như vậy thì sai rồi.
Tự cho mình là đúng, tự cao tự đại, khinh thường người khác thật ra là phá hoại nghiêm trọng sự tôn nghiêm của chính mình.
Một người ở nơi nào cũng khiến người khác khiếp sợ thì người này coi như xong rồi.
Nếu một người nơi nơi đều nhận được sự tôn kính của người khác thì người đó thành công rồi.
Sự tôn kính từ đâu mà đến, tuyệt đối không phải có được từ việc ra oai tác quái mà có được từ sự chân thành tôn trọng người khác.
Người xưa nói rằng: “Kính người thường được người kính”.
Bạn không tôn kính người thì người làm sao tôn trọng bạn chứ? Nếu đắc tội với tất cả chúng sanh, cho dù là cố ý hay vô ý thì hậu hoạn vô cùng.Những đạo lý này nói ra chúng ta đều có thể lý giải, cũng có thể tiếp nhận, nhưng trong cuộc sống, khi chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật vẫn tái phạm lỗi cũ, nguyên nhân do đâu? Là do chưa hiểu thấu triệt, chưa đủ triệt để.
Khi cảnh giới hiện tiền thì chính mình không xoay chuyển được.
Cho nên, chúng ta phải rõ việc này, chúng ta cần phải học.
Chúng ta hiện nay cầu học, chính là lời người xưa nói “mất bò mới lo làm chuồng”.
Lúc nhỏ không được học, không có người dạy, đến tuổi thanh niên cũng không được học, hiện tại học đã quá muộn rồi nhưng không thể không học, nếu không học thì sẽ tạo nghiệp trùng trùng, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm thảy đều tạo nghiệp, như vậy làm sao được? Cho nên không thể không học.Hôm nay tôi thực sự không sợ đắc tội với người khác, tuy tôi nói những lời hơi khó nghe nhưng lại hữu ích với mọi người.
Năm xưa khi tôi cầu học, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thầy của tôi.
Lúc tôi học với thầy, tôi chỉ mới 31-32 tuổi, thầy đã 71-72 rồi, thầy dạy chúng tôi thật ý tứ dè dặt.
Thầy nhiều lần nói với tôi, dạy người chưa đến 20 tuổi thì có thể nghiêm khắc dạy dỗ, đối với người 20 tuổi trở lên thì không thể như vậy, người hơn 20 tuổi thì dạy bằng cách nào? Phải khuyên bảo một cách dè dặt, uyển chuyển, chỉ nói me mé mà thôi, để họ nghe rồi sẽ giác ngộ.
Còn người 40 tuổi trở đi thì không dạy được nữa, họ có lỗi gì mình cũng không được nói ra, họ đã có tuổi rồi, không thể dạy được nữa.
Cho nên, trước đây thầy dạy người thì dạy những người 20 tuổi trở xuống, còn đối với người 30-40 tuổi thì đều dùng cách ám chỉ gợi ý, tuyệt đối không nói thẳng ra.
Hiện nay, đừng nói người 40 tuổi, đối với người 60-70 tuổi có ám chỉ gợi ý họ cũng không hiểu, phải làm thế nào? Đành phải nói thẳng, mà nói thẳng thì đắc tội với người ta, nhưng không nói thì không được, vì quá khứ họ không được học.
Người khác ám chỉ gợi ý cho tôi thì tôi hiểu.
Do đó có thể biết, bất luận là thế gian pháp hay Phật pháp, nói đến việc học là phải học từ nhỏ.
Lúc còn trẻ mà thất học đến trung niên không gặp được thiện tri thức, sau 40 tuổi là tuổi xế chiều rồi, “người sống đến 70 xưa nay hiếm có”, có bao nhiêu người chưa đến 60 đã chết rồi.
Nếu mọi người lưu ý một chút thì có thể hiểu rõ, mỗi ngày các bạn xem các cáo phó đăng trên báo, các bạn thấy những người qua đời là bao nhiêu tuổi, các bạn thống kê thì sẽ biết thôi.
Cho nên 40 tuổi trở đi là đã già rồi.Tuổi già cầu học thì nhất định phải tự động tự giác, chân thật giác ngộ hồi đầu, gặp được thiện tri thức thì người ta mới thấy được sự kiền thành cầu học của bạn.
Ấn Tổ có nói “họ có một phần thành kính thì dạy họ một phần, có hai phần thành kính thì dạy họ hai phần”, lời nói, giáo hóa đều phải có chừng mực.
Dạy học trong thế gian pháp và Phật pháp, nói đến cùng thì chính là sự chân thành, tâm yêu thương.
Cho nên nhà Phật nói “từ bi là gốc, phương tiện là cửa”, đây là tâm từ bi hết sức chân thành, một tấm lòng từ bi, từ bi đối với hết thảy.
Niệm niệm vì hết thảy chúng sanh, cái tâm này chính là tâm Bồ-đề, mỗi việc làm đều vì tất cả chúng sanh, đây chính là Bồ Tát hạnh, nhất định không được khinh thường một chúng sanh nào.Nếu kết oán thù với một chúng sanh nào thì về sau rắc rối không bao giờ dứt.
Tôi nghe Đỗ cư sĩ nói với tôi, em trai của ông xem thường quỷ thần, kết quả là bị quỷ thần đánh cho một trận, đánh đến bị thương phải vào bệnh viện.
Tôi từ chỗ này mà tỉnh ngộ ra, kiếp nạn hiện nay trên thế gian vì sao lại nghiêm trọng như vậy? Là do chúng ta xem thường quỷ thần, lúc nào cũng nói việc này là mê tín, nhưng họ thật sự tồn tại.
Khi vận khí của chúng ta còn thịnh, họ không dám đến gây rối, vận khí của chúng ta suy rồi thì họ liền đến.
Cho nên, khi bạn đang ở lúc vận may thì quỷ thần cũng nhường bạn ba phần, cũng sẽ tránh né bạn.
Nhưng khi bạn gặp vận xui rồi thì họ sẽ tìm đến gây rắc rối cho bạn.
Việc này tôi đã nói với các bạn nhiều lần rồi, có đồng tu khuyên tôi nên công khai nói cho đại chúng biết, nhắc nhở mọi người.
Đại địa chấn ở Đài Loan nhất định có liên quan mật thiết đến những oan quỷ này.Tôi nhớ đến lão cư sĩ Chu Kính Trụ.
Nhiều năm trước ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện.
Lúc đó tôi vừa mới học Phật, năm đó tôi 26 tuổi, lúc đó lão cư sĩ đã gần 70 tuổi rồi.
Ông nói với tôi, vào năm cuối thời vua Tuyên Thống (Phổ Nghi), ở vùng quê ông, ông là người Ôn Châu tỉnh Triết Giang, ông sống ở vùng quê.
Một thôn gần quê ông, cách đó không xa có một thôn trang.
Trong thôn đó có một người đọc sách thi đậu cử nhân, cuộc sống trong gia đình cũng tạm ổn, mặc dù ông đã thi đậu nhưng không ra làm quan.
Ông rất hiếu thuận với cha mẹ.
Vị cử nhân này một hôm ngủ trưa đã nằm mộng, mộng thấy có người dắt ngựa đến.
Phương tiện giao thông thời đó thì đi ngựa là tốt nhất.
Người đó gửi cho ông một thiếp mời, phía trên ghi tên của ông, đến gõ cửa nhà ông.
Ông ra mở cửa, thấy có người cầm thiếp mời ông, ông hỏi: “Người nào mời tôi vậy?”.
Người đó nói: “Đại tướng quân nhà tôi mời ngài đó”.
Ông nói: “Tôi trước giờ không quen đại tướng quân nào? Tôi ở chốn trường thi chưa hề giao du với những vị võ tướng, quan văn quan võ tôi chưa từng tiếp xúc qua, chắc là ông gửi nhầm người rồi!”.
“Nhưng mà trên thiếp có ghi tên”.
“Tên thì đúng rồi, đúng là viết như vậy, nhưng có thể là cùng họ cùng tên cũng nên.” Người kia nói: “Cái đó không quan tâm, nếu đã đúng tên của ngài thì mời ngài lên ngựa”.
Sau khi lên ngựa, ông cảm thấy con ngựa này không chạy trên đất mà hình như đang bay trên không.
Không bao lâu sau thì tới nơi, ông nhìn thấy một cung điện đường hoàng tráng lệ, có rất nhiều người đang ở đó nói chuyện, ở đó bàn tán, ông liền đến nghe ngóng xem tướng quân đó là người nào, người ta nói với ông đó là Nhạc Phi.
Ông liền nghĩ, nếu là Nhạc Phi vậy thì mình chẳng phải đã chết rồi sao? Nhạc Phi là người đời nhà Tống.
Nhạc Phi đến tìm mình vậy là mình đã chết rồi, như vậy không được, mình trên còn có cha mẹ, dưới còn có vợ và các con, như vậy sao được chứ? Một lúc sau Nhạc Phi xuất hiện, triệu tập mọi người đến họp, mời vị cử nhân này làm thư ký, họ bàn về việc chinh phạt phương Bắc, đánh quân Kim.
Khi ông nhìn thấy Nhạc Phi thì trong lòng nghĩ, sớm muộn gì mình cũng phải chết, nếu chết mà có thể làm việc cho Nhạc Phi thì cũng vinh dự, cho nên ông đã quyết định đồng ý đi theo vị anh hùng dân tộc này.
Ông nói với Nhạc Phi: “Trong nhà tôi còn có cha mẹ, vợ và con nhỏ, tôi phải dặn dò họ”.
Nhạc Phi đồng ý, nói: “Ta sẽ tiễn ông về, đợi đến ngày chúng ta xuất quân, ta sẽ cho người đến mời ông, trong khoảng 4 tháng nữa thôi, 4 tháng sau ta sẽ cho mời ông, ông hãy về nhà lo hậu sự đi”, rồi tiễn ông ấy trở về.
Về rồi thì ông ấy tỉnh mộng, sau khi tỉnh mộng ông cảm thấy cảnh giới này quá rõ ràng, không giống như đang nằm mộng.
Ông đã kể cho cha mẹ nghe về việc này, cha mẹ ông nói: “Việc này là nằm mộng thôi, sao có thể xem thành thật được chứ?”, nhưng bản thân ông không xem việc này là mộng, ông bắt đầu chuẩn bị tất cả những việc hậu sự trong nhà.
Đến ngày ước hẹn, quả nhiên không sai, ông biết rất rõ, đến ngày ước định đó ông đều thông báo cho người thân bạn bè biết.
Lão cư sĩ Chu Kính Trụ năm đó mới 15-16 tuổi, ông cũng đến xem cảnh náo nhiệt, ông nhìn thấy một người vẫn đang sống khỏe mạnh, vì sao mà chết vậy? Người đó cũng không bị bệnh.
Ngày hôm đó, trong nhà ông ấy tụ tập đầy những người thân và bạn bè đến tiễn ông.
Sau khi ăn cơm xong thì ông nói lời từ biệt với mọi người là ông sắp đi rồi, ông quay về phòng của mình, lúc đó cửa phòng mở, mọi người có thể nhìn thấy, ông nằm trên giường.
Cha mẹ của ông ở bên giường rất đau lòng, không vui.
Không lâu sau đó, ông nói: “Người đến đón con đã đến rồi! Họ đứng ở cửa”.
Cha của ông mắng lớn, ông chỉ có một đứa con duy nhất mà lại bắt nó đi phục dịch, nên ông không cam tâm.
Sau cùng ông đã khuyên cha của ông rằng: “Có thể đi theo Nhạc Phi cũng là điều vô cùng vinh hạnh”.
Cha của ông đành cắn răng mà nói: “Được rồi! Vậy thì con đi đi!”, ông lập tức tắt thở, lúc đó mọi người đều tận mắt chứng kiến.
Nửa năm sau đó, vào ngày 10 tháng 10, cách mạng Tân Hợi khởi nghĩa ở Vũ Xương thành công.
Cho nên, lão cư sĩ nói, ở trên dương gian chưa bắt đầu có biến động mà quỷ ở dưới âm phủ đã đi đánh trận trước rồi, đã đi chinh phạt rồi.
Câu chuyện này tuyệt đối không phải do lão cư sĩ Chu Kính Trụ sáng tác.
Năm đó tôi mới học Phật, lão cư sĩ kể cho tôi nghe rất nhiều những câu chuyện này, thật sự việc này là có thật.
Các bạn thấy đó, oán khí của Nhạc Phi hơn 1000 năm vẫn không tiêu được, ông vẫn làm quỷ vương trong cõi ngạ quỷ.
Người học Phật chúng ta sau khi nghe xong thì biết ý niệm này của Nhạc Phi đã sai rồi.
Nếu oán khí của ông tiêu trừ thì ông sẽ sanh thiên.
Ông là người yêu dân yêu nước, tận trung báo quốc, công đức này nhất định sanh lên cõi trời, không đến nỗi đọa lạc vào quỷ thần đạo, chỉ vì ông không thể buông xuống được ý niệm [oán hận].Trong Phật pháp, chư vị thường đọc đến kinh Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, các vị thấy oan gia của quốc sư Ngộ Đạt, trong mấy trăm năm đã đầu thai mười lần rồi nhưng oan thân trái chủ vẫn thường xuyên ở đó đợi cơ hội, nhất quyết không bỏ qua.
Cho nên, cổ đức dạy chúng ta “oan gia nên giải không nên kết”, việc kết oán thù, bất luận là vô tình hay cố ý đều rất dễ tạo thành oán kết.
Nhưng để hóa giải những mối oán kết đó thì không dễ dàng, không đơn giản, oan oan tương báo không bao giờ ngừng dứt.
Không thể đắc tội với người, cũng không thể đắc tội với quỷ thần, không những không thể đắc tội với quỷ thần mà chư vị đồng tu cũng không thể đắc tội với động vật, chúng đều là người đầu thai cả.
Nếu bạn bắt nạt chúng, tâm báo thù của chúng, ý niệm báo thù của chúng vĩnh viễn tồn tại.
Do đó trên đường Bồ-đề có rất nhiều ma chướng, ma chướng từ đâu mà đến? Đều là do chúng ta nhiều đời nhiều kiếp đã đắc tội với tất cả chúng sanh nên tạo thành ma chướng.
Sau khi giác ngộ thì phải dùng tâm chân thành, tâm từ bi mà đối đãi tốt đẹp với tất cả chúng sanh.
Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta lễ kính, xưng tán, cúng dường.
Cúng dường chính là vì chúng sanh phục vụ, vô tư phục vụ, phục vụ vô điều kiện thì mới có thể khiến cho oan thân trái chủ nhiều đời nhiều kiếp nhìn thấy bạn mà bình tâm trở lại, tâm bình khí hòa thì sẽ không gây phiền phức cho bạn nữa, phải hiểu đạo lý này.**********Các vị đồng tu, xin chào mọi người.Hôm qua chúng ta giảng đến đoạn thứ 48 của Cảm Ứng Thiên: “khinh miệt quần chúng, làm rối loạn, quấy nhiễu quốc chính”.
Chúng ta nhìn thấy ở thế gian, phàm là tà pháp tà giáo thì hầu như đều tạo ra ác nghiệp.
Giống như Pháp Luân Công ở Trung Quốc hiện nay, chỉ lo cho danh lợi của mình, không quan tâm đến lợi ích của người dân, lừa gạt chúng sanh, nhiễu loạn xã hội, tội nghiệp này vô cùng nghiêm trọng.
Mặc dù họ có thể trốn tránh pháp luật nhưng không trốn tránh được nhân quả.
Trước mắt chỉ đạt được một chút lợi ích, sau đó phải thọ khổ vô cùng.
Người học Phật nhất định phải hiểu rõ đạo lý này, tuyệt đối không được tham cái lợi nhỏ nhất thời mà khiến mình gặp tai họa vô cùng về sau, đó là ngu si đến cùng cực.Phật Bồ-tát khởi tâm động niệm, tất cả không ngoài việc làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, an định xã hội, đây là tâm Phật, đây là sự nghiệp của Bồ-tát.
Niệm niệm nhất định là đều nghĩ cho chúng sanh, bất luận nghề nghiệp nào, bất luận phương thức sinh sống nào cũng đều là Bồ-tát đạo, đều là Bồ-tát hạnh.Hôm qua cư sĩ Thôi Ngọc Tinh ở Đông Bắc gọi điện cho tôi, nói là công việc của cô hiện tại đang gặp khó khăn, cô ấy rất muốn bỏ cuộc, sáng sớm hôm nay lại điện thoại cho tôi, tôi khuyên cô ấy hãy hành Bồ-tát đạo, không nên vì lợi ích của bản thân.
Cô ấy nói: “Dạ phải”, cô ấy đều vì nhân viên, vì xã hội nhưng lại bị rất nhiều hủy báng, rất nhiều chướng nạn, những thứ này khó mà tránh khỏi.
Ngạn ngữ có câu: “Việc tốt lắm dày vò”.
Cha mẹ nào mà không thương yêu con cái, không nghĩ đến con cái chứ? Nhưng con cái vẫn cứ oán trách cha mẹ mình, vẫn cứ gây ra cho cha mẹ rất nhiều phiền phức.
Cha con còn như vậy thì ông chủ và nhân viên sao có thể ngoại lệ được chứ? Cô ấy liền kể cho tôi nghe một việc, trước đây, công nhân ở trong công ty mỗi ngày đều niệm Phật nghe kinh, mọi người đều rất hoan hỷ, bình an vô sự.
Tôi nói: “Hiện tại cô cứ làm theo như vậy!” Cô nói: Hiện nay không thể rồi.
Pháp Luân Công vừa dấy lên thì họ không còn nghe kinh nữa, họ cũng không niệm Phật nữa.” Cô nói hiện nay tâm của họ đều loạn rồi, họ có nhiều ý kiến khiến cô rất khó quản lý.
Tôi nói vẫn phải nghe Kinh, phải phân định rõ ràng giữa Phật Pháp và Pháp Luân Công.
Phật pháp tuyệt đối không có liên quan gì đến Pháp Luân Công, phải nói rõ việc này, nói minh bạch.
Trước đây trong công ty, nhiều người đều rất hoan hỷ, đều nhất tâm nhất ý.
Từ đó có thể thấy, hiệu quả của Phật pháp vô cùng thù thắng, nhất định cô phải giải thích rõ ràng với mọi người, giải trừ những hiểu lầm này.Người không nghe kinh thì nhất định sẽ nghĩ tưởng lung tung, không những là người bình thường trong thế gian mà người học Phật chúng ta cũng như vậy, phiền não tập khí rất nặng.
Ba ngày không nghe kinh thì hoàn toàn đã thoái chuyển rồi.
Cho nên, tôi nói với cô ấy, dạo này tôi nghe được nhiều sự việc cảm ứng, quỷ thần cũng yêu cầu được nghe kinh, đồng thời yêu cầu kéo dài thời gian nghe kinh, nghe hai giờ một ngày thì không đủ.
Những cảm ứng này, ở bên ngoài nhìn thấy dường như đều là quỷ thần nhưng trên thực tế theo tôi nghĩ đều là chư Phật Như Lai hóa hiện, nên dùng thân nào để độ thì các Ngài thị hiện loại thân đó.
Con người chúng ta hiện nay đã không còn là người nữa rồi.
Trong mắt của Phật Bồ-tát nên dùng thân quỷ thần để độ thì hiện thân quỷ thần để độ chúng ta.
Lẽ ra chúng ta nên biết hổ thẹn.
Phật thị hiện làm thiện tri thức trong cõi nhân gian nhưng chúng ta gặp thì lại không tin, nghe đến quỷ thần thì liền sợ hãi, không dám lơ là thiếu cảnh giác, là do Phật Bồ-tát thị hiện thân quỷ thần đến độ chúng ta.
Phật Bồ-tát dùng thân phận của chúng sanh trong ác đạo đến độ chúng ta, đây là hiển thị cho thấy trí tuệ khôn cùng, là phương tiện thiện xảo, chúng ta ở nơi đây phải đề cao cảnh giác mà chăm chỉ nỗ lực tu học.Hiện giờ ít người giảng kinh, không dễ thỉnh được pháp sư giảng kinh.
Thế nào là pháp sư giỏi? Thế nào là thiện tri thức chân thật? Họ nhất định không có tư tâm, họ nhất định không vì bản thân.
Hôm nay tôi khuyên cư sĩ Thôi Ngọc Tinh không nên nghĩ cho lợi ích của bản thân nữa, cũng đừng lo nghĩ cho lợi ích của gia đình cô nữa, mà niệm niệm đều nghĩ đến những nhân viên trong xí nghiệp.
Xí nghiệp của cô có hơn 4000 nhân viên, niệm niệm hãy vì những người này mà suy nghĩ, niệm niệm đều nghĩ đến lợi ích của mọi người trong xã hội, như vậy thì bạn chính là Bồ-tát.
Người quản lý vì nhân viên mà phục vụ, nhân viên có thể vì xã hội mà phục vụ, xã hội vì quốc gia mà phục vụ, quốc gia vì thế giới mà phục vụ, việc này gọi là Bồ-tát đạo, đây mới gọi là Phật pháp.Chúng ta đem Phật pháp áp dụng vào trong cuộc sống hiện thực, Phật pháp tuyệt đối không phải là bàn luận những chuyện huyền diệu.
Nếu vì lợi ích của mọi người nhưng bên trong vẫn xen tạp, không xả bỏ được lợi ích của bản thân thì đó gọi là phàm phu, không phải Bồ-tát, vẫn cứ mê mà không giác, nhiễm mà không tịnh.
Học làm Bồ-tát phải học cho thật giống, phải học triệt để, học cho rốt ráo.
Bất luận là người nào, bất luận bản thân trải qua cuộc sống ra sao, bất luận bản thân đang phục vụ ở vị trí công tác nào, chỉ cần không có tâm riêng tư, không có tâm tự lợi, tất cả đều nghĩ cho chúng sanh, nghĩ cho đoàn thể, phục vụ một cách chân thành từ bi thì người này chính là Bồ-tát hóa thân.
Người này bất luận họ làm sự nghiệp gì nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm, thiên long thiện thần hộ niệm.
Những việc khó khăn, thậm chí là tai nạn có khi khó tránh khỏi, là do nguyên nhân gì? Do nghiệp lực chiêu cảm.
Nghiệp lực không thể tiêu trừ thì nhất định không thể tránh khỏi tai nạn.
Tiêu trừ nghiệp chướng phải làm từ bản thân mình, nếu nghiệp chướng của mình không thể tiêu trừ thì làm sao có thể giúp đỡ người khác được? Phải hiểu được đạo lý này.Trong khu vực này, người hiểu đạo lý này cũng nhiều, vì sao họ có thể hiểu rõ, có thể giác ngộ vậy? Phải dựa vào việc giảng kinh thuyết pháp.
Trong lục đạo đều là phàm phu, đều là những người mê muội đánh mất tự tánh, không có Phật Bồ-tát giáo hóa thì họ làm sao giác ngộ được chứ? Họ chân thật phát đại tâm học kinh giáo, xả mình vì người.
Sự việc này các vị hãy nghĩ cho thật kỹ, nghĩ thông rồi liền hiểu rõ, liền biết rằng đáng phải như vậy.Con người trong một đời thọ mạng ngắn ngủi, cho dù có thể sống đến một trăm tuổi thì vẫn là quá ngắn ngủi, hà tất phải tạo nghiệp chứ? Vì lợi ích của bản thân nên mới tạo nghiệp.
Cho nên, Phật Bồ-tát trụ thế, năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế thị hiện cho chúng ta xem, như trong kinh Kim Cang nói, tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, hành vi của Ngài đều là biểu hiện của “vô ngã tướng, vô nhân tướng, diệc vô phi pháp tướng”.
Tất cả những gì Ngài nói, cả đời Ngài đều thực hiện được, toàn bộ đều được thể hiện đầy đủ thông qua đời sống và cách làm việc của Ngài.
Thế nhưng chúng ta không nhìn thấy được, còn người giác ngộ thì có thể nhìn thấy.
Trong hội Bát Nhã, Tôn giả Tu Bồ Đề đã nhìn thấy được và tán thán: “Thế Tôn thật là hiếm có”, điều gì hiếm có? Hiếm có là vì Ngài thực hiện được.
Người trong thế gian, chúng sanh trong lục đạo, có ai mà không vì bản thân chứ? Mọi người đều vì chính mình, việc này không có gì là hiếm có.
Hiện nay gặp một người không vì chính mình, từng li từng tí hoàn toàn đều vì chúng sanh, việc này là hiếm có.
Tâm này thật hiếm có, sự hành trì của người này cũng là hiếm có.Cho nên, trước tiên cần phải phát tâm, phải phát tâm vô thượng Bồ-đề.
Tâm này vừa phát thì tự nhiên có thể yêu thương hết thảy chúng sanh, trong kinh Vô Lượng Thọ gọi là “nhân từ, bác ái”.
Từ “bác ái” là xuất phát từ kinh Vô Lượng Thọ.
Có tâm yêu thương thì sẽ thật sự hoan hỷ vui vẻ, cho dù phải chịu rất nhiều oan khuất, cũng không thoái tâm, cũng không thay đổi chí hướng, chăm chỉ nỗ lực phục vụ hết thảy chúng sanh.
Sự phục vụ của Phật Bồ-tát đối với chúng sanh không giống sự phục vụ của người trong thế gian.
Mục đích phục vụ chủ yếu nhất của Phật Bồ-tát là giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, đây gọi là Phật pháp.
Nếu như không làm được điểm này thì đó là thế gian pháp, không phải là Phật pháp, là sự phục vụ trong thế gian pháp.
Sự phục vụ trong Phật pháp thì từng li từng tí đều là giúp chúng sanh giác ngộ.
Sự việc này trong kinh Bát Nhã chúng ta thấy rất nhiều, thấy được rất thấu triệt.
Trong kinh Hoa Nghiêm thì càng biểu diễn cụ thể hơn cho chúng ta xem, chúng ta phải lãnh hội được.Từ việc đọc kinh chúng ta có thể thấy được tình hình sinh hoạt trong thực tế của chư Phật Bồ-tát và của hết thảy chúng sanh.
Kinh giáo và hiện thực nhất định không thể tách rời, là một không phải hai, như vậy mới gọi là hiếm có.
Nếu như kinh giáo tách rời thực tế, đây không phải là lỗi của Phật Bồ-tát mà là lỗi của chúng ta.
Bản thân chúng ta không biết học cho nên hai điều này mới tách rời nhau.
Nếu biết học thì Phật pháp chính là đời sống thực tế.
Thời xưa, khi Phật pháp chưa được truyền vào Trung Quốc, trong số cổ Thánh tiên Hiền của Trung Quốc, chúng ta tin tưởng sâu sắc là có Phật Bồ-tát ứng hóa ở trong số đó.
Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Công, Khổng Tử, tấm lòng và hành vi của các Ngài, chúng ta dùng Kinh Phật để đối chiếu thì có thể nhận biết rõ ràng đó đều là Phật Bồ-tát.
Trong phần Tiểu Chú của Cảm Ứng Thiên có đoạn là: “Đế Nghiêu viết”, Vua Nghiêu nói, “Ngô tồn tâm ư thiên hạ, gia chí ư cùng dân” (Tấm lòng của ta đều dành cho thiên hạ, nhất là dành cho những người dân khốn khổ).
Chúng ta hãy xem tấm lòng của Ngài, điều Ngài nghĩ là những gì? Nghĩ đến những chúng sanh khổ nạn trong thiên hạ này.
Trong mỗi một niệm đều là làm thế nào để giúp đỡ những chúng sanh này lìa khổ được vui.
Nếu muốn giúp đỡ chúng sanh, chúng sanh thiếu thức ăn thì cho họ một ít thức ăn.
Họ thiếu mặc thì tặng cho họ một ít quần áo, đây chính là ân huệ nhỏ, đây chưa phải là biện pháp, nhất định không thể dạy chúng sanh luôn sống dựa dẫm vào người khác được, đây không phải là sự giúp đỡ mang tính từ bi.
Giúp đỡ từ bi là dạy cho chúng sanh có trí tuệ, có năng lực có thể tự mình mưu sinh, tự cầu đa phước, đây mới là sự cứu giúp từ bi chân thật.Chân thật từ bi cứu giúp nên làm từ đâu? Từ giáo dục, dạy dỗ con người, họ không có trí huệ thì dạy dỗ họ, mở mang trí huệ cho họ.
Họ không có năng lực sinh sống thì dạy kỹ năng cho họ, dạy cho họ năng lực mưu sinh, cho nên có câu “Giáo học vi tiên” (Giáo dục là hàng đầu).
Mà sự giáo dục rốt ráo, viên mãn, triệt để chính là trong Phật pháp nói: giúp đỡ hết thảy chúng sanh chuyển mê thành ngộ, đây chính là sự giáo dục siêu việt hơn so với những giáo dục thông thường trong thế gian.
Đại triệt đại ngộ thì chính là Phật Bồ-tát, giác ngộ rốt ráo triệt để chính là vô thượng Bồ-đề.
Điều mà Phật Bồ-tát dạy chúng sanh chính là những điều này.
Chúng ta phát tâm học Phật cũng chính là học những điều này.Phật Bồ-tát đại từ đại bi, bản thân chúng ta có thể thành tựu hay không then chốt chính là ở chỗ hiếu học, điều này tôi đã nói nhiều lần rồi.
Nếu không hiếu học thì dù có thầy tốt cũng không ích gì.
Một đời này của chúng ta có thể thành tựu hay không thì phải xem chúng ta có hiếu học hay không.Lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm là cư sĩ Trần Quang Biệt gần đây vãng sanh Tịnh Độ, trước đó ba tháng ông biết trước ngày giờ, ông làm cách nào để tu được như vậy? Do ông hiếu học.
Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, trong bốn năm sau cùng, lão cư sĩ Trần mỗi ngày đều nghe kinh tám giờ đồng hồ, vì vậy mà ông thành công.
Trong bốn năm mắc bệnh, thân thể ông không tốt, không thể làm việc được, ông nằm trên giường, trên giường có đặt một cái Ti-vi lớn, tất cả những băng ghi hình của tôi ông đều đem 1 bộ về nhà, mỗi ngày đều xem, mỗi ngày xem tám giờ đồng hồ.
Ông xem trong bốn năm, ông đã hiểu rõ, đã thấu suốt rồi, tín tâm nguyện tâm kiên định, buông xuống vạn duyên, nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ, ông đã được như nguyện, ông đã thành tựu rồi.
Cho nên các bạn thấy từ xưa đến nay, phàm những người thành tựu, không có gì khác ngoài việc hiếu học.
Phàm những ai không thành tựu, chúng ta hãy quan sát thật kỹ, là do họ không hiếu học.
Người hiếu học sẽ tùy thuận lời dạy của Phật Bồ-tát, còn người không hiếu học thì sẽ tùy thuận phiền não tập khí của chính mình.
Nhân đã không đồng thì quả báo đương nhiên không giống nhau, việc này chúng ta cần phải giác ngộ sâu sắc.Tốt rồi, thời gian hôm nay đã hết, cám ơn mọi người.
A Di Đà Phật!.