Thâm Cung

Hậu cung có tiền lệ cứ ba năm thì đại phong một lần. Có nghĩa là phi tần chỉ cần cố giữ mình, đừng phạm lỗi gì thì không cần được sủng ái vẫn có thể từ từ leo lên. Nói đơn giản như thế nhưng đã sống trong Hậu cung thì rất ít ai có thể yên ổn qua ngày mà chờ đến đợt đại phong. Trải qua mấy lần sóng gió, không tính ta là kẻ mới tới thì số người đủ điều kiện đại phong chỉ có Trịnh Vân Anh, Minh Âm, Liên Nhạc và Khán Linh Chương. Trịnh Vân Anh và Minh Âm đã ở hàng Phi, không thể tùy tiện thăng thêm nên chỉ được nhận thưởng. Liên Nhạc và Khán Linh Chương mỗi người được thăng hai bậc, Liên Nhạc từ Thường tại thăng lên Tiểu nghi, Khán Linh Chương từ Tần thăng lên Tu nghi. Đối với những người còn lại, Hoàng Hậu cũng tỏ rõ đức độ của mình mà ban thưởng hết sức rộng rãi, nhất là Triệu Lam Kiều. Hoàng Hậu kiên quyết không trả loan ấn Đức phi cho nàng ta nhưng ngày nào cũng hào phóng mang thứ này thứ nọ đến tặng. Chỉ là, lộ trình của những món quà này có chút đặc biệt, từ Triêu Lan cung phải đi vòng một lượt qua Mẫu Đơn cung rồi mới đến Hạ Lê cung chứ không đi thẳng một đường như trước. Lại nói, Hoàng Hậu tuy không trực tiếp dùng danh nghĩa của Hoàng Đế nhưng lần nào cũng tỏ vẻ như đang làm theo ý của Hoàng Đế, khiến cho Liễu Yến Yến ghen đến mức đứng ngồi không yên. Giữa ba người Hoàng Đế, Hoàng Hậu và Triệu Lam Kiều, nếu muốn tìm một kẻ trút giận đương nhiên phải tìm Triệu Lam Kiều. Chính vì thế, mặc dù tiết xuân vừa đến, Triệu Lam Kiều không lúc nào là được yên thân.

Ta nghĩ, để Liễu Yến Yến quấy phá nàng ta như thế cũng tốt, bận rộn một chút sẽ bớt thời gian rảnh rỗi đi tính kế hại người. Hậu cung những ngày đầu năm này có thể nói là yên ả.

Về phần ta, cả mùa đông rồi ta không nhìn thấy Hoàng Đế. Ban đầu, ta cứ ngỡ mình đã làm gì khiến hắn phật lòng, hoặc là trí nhớ hắn không tốt nên đã quên mất ta rồi. Mãi đến tận ngày tất niên, hắn mới cho Tô Trường Tín mang tới chỗ ta một cái bao méo mó kì cục, bên trên còn vẽ hình một cái mặt cười toe toét, khiến cho ta dở khóc dở cười. Những chuyện ta và hắn từng nói trong đêm trăng hôm ấy, hóa ra hắn vẫn nhớ hết. Ngay cả lời hứa sẽ mang ta ra ngoài chơi vào dịp Nguyên Tiêu, hắn cũng không quên.

Lời hứa ấy ta không cho là thật nên chẳng trông đợi gì. Ấy thế mà, vào đúng ba ngày trước Nguyên Tiêu, Lý Thọ lại đủng đỉnh đến Cẩm Tước cung dõng dạc thông báo:

“Hoàng Thượng khẩu dụ, lệnh cho Hòa phi theo hầu thánh giá, lập tức chuẩn bị giờ Thìn xuất hành, không được chậm trễ.”

Hỏi ra mới biết thì ra mấy hôm trước Hoàng Đế nằm mơ thấy điềm lạ, bèn mời Quốc sư Lưu Thiên vào hỏi ý. Cùng lúc đó, Khâm Thiên Giám cũng báo lại bầu trời phía nam xuất hiện dị tượng. Lưu Thiên nghe xong liền lập đàn nhảy múa một hồi, đoạn phán rằng ở phía nam kinh thành có Hà Quỳnh tiên tử hạ thế phò trợ quân vương. Ấy là đại phúc, Hoàng Đế phải ngự giá đến tìm mà thỉnh tiên tử về hậu đãi, bằng không là làm trái ý trời, tất phải gánh họa. Hoàng Đế xưa nay luôn tin tưởng khả năng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý của Quốc sư đại nhân, thế nên mặc cho văn võ bá quan hết lời can ngăn, hắn vẫn khăng khăng đòi xuất cung đi đón Hà Quỳnh tiên tử. Triều thần ngăn cản không được, đành phải thỏa hiệp bằng cách bắt Hoàng Đế mang theo một đoàn mấy trăm người bao gồm những Cẩm Y vệ tinh nhuệ nhất, cả Ngự y, thái giám, cung nữ Ngự tiền, lại phải chọn một phi tử theo hầu, sớm hôm kề cận không rời một bước. Hoàng Đế đồng ý ngay, lần nữa sai Lưu Thiên bói quẻ xem nên mang phi tử nào theo. Lưu Thiên bấm độn hồi lâu mới phán: Hoàng Đế mệnh kim, vậy nên phi tử đi cùng phải chọn người mệnh thủy, mà người này phải sinh vào đêm rằm – thời điểm hội tụ đủ tinh hoa của đất trời mới được. Hậu cung có rất nhiều phi tử, nhưng người mệnh thủy sinh vào đêm rằm thì chỉ có mỗi mình ta.

Ta nghe kể rồi, chỉ có thể nén tiếng thở dài, quỳ xuống nhận thánh ý. Nhìn Ngọc Nga tất bật chuẩn bị hành trang mà lòng ta lo lắng không thôi. Hoàng Đế thật quá tài giỏi rồi. Ngay cả chuyện mấy tháng sau sẽ nằm mơ thấy cái gì hắn cũng biết rõ, đúng là khiến người ta khâm phục. Tiên tử hạ thế? Rõ ràng chỉ là cái cớ Hoàng Đế tạo ra để xuất cung. Mà vì sao hắn nhất định phải mang ta theo? Có chết ta cũng không dám tin hắn chỉ đơn thuần là muốn cùng ta đi du ngoạn.

Nhưng ta tin hay không thì ích gì đâu. Thánh ý đã ban xuống, chuyện ta có thể làm chỉ là trưng lên vẻ mặt hân hoan, lướt qua những ánh nhìn ganh ghét cùng ngưỡng mộ của những phi tần còn lại, ngoan ngoãn theo Hoàng Đế xuất cung.

Mấy tháng nay, Hoàng Đế chẳng hiểu ăn phải cái gì mà cao hẳn lên. Bây giờ, ta chỉ còn cao tới vai hắn thôi. Hoàng Đế vì việc này mà tỏ ra vui vẻ lắm. Hắn liên tục xoa đầu ta, cười nói:

“Ít lâu không gặp, nàng hình như lại lùn đi ấy nhỉ?”

Mái tóc bới cẩn thận của ta bị hắn vò không thương tiếc, chẳng bao lâu đã không khác gì một cái tổ chim.

Ta mà lùn đi à? Do nhóc con ngươi đang tuổi ăn tuổi lớn thì có.

Ta thầm mắng trong lòng, ngoài mặt thì làm bộ hờn dỗi:

“Hoàng Thượng làm hỏng hết tóc thiếp rồi. Đền cho thiếp đi…”

Hoàng Đế phì cười, lại đưa tay cào cào tóc ta:

“Còn bộ dạng nào của nàng mà ta chưa nhìn thấy đâu?”

May mắn cho ta, Hoàng Đế chẳng đắc ý được bao lâu. Ngự giá rộng rãi thoải mái, ngựa đi cũng chậm rì nhưng sức khỏe hắn vốn không tốt, chỉ sau một canh giờ đã mệt đến xanh mặt.

Lúc này, Hoàng Đế chẳng còn chọc phá ta nổi nữa. Hắn nằm bẹp một chỗ, ngay cả thở cũng khó nhọc. Ta nhìn hắn như vậy cũng thấy xót xa. Vừa vắt khăn lau mồ hôi cho hắn, ta buột miệng nói:

“Hoàng Thượng cần gì phải tự làm khổ mình thế này…”

Hoàng Đế nhếch môi cười:

“Có những việc trẫm phải đích thân làm mới được.”

Ta tặc lưỡi, chẳng biết nói gì nữa. Hoàng Đế thấy ta yên lặng bèn hé mắt nhìn:

“Nàng lo cho ta sao?”

Ta nhíu mày:

“Thiếp không lo cho Hoàng Thượng thì lo cho ai?”

Hoàng Đế thở dài, nắm lấy tay ta đặt lên trán mình, giọng như trách móc:

“Lo cho ta, thế mà chẳng thấy nàng đến tìm ta bao giờ. Ngay cả túi thơm này… Ta đòi mãi nàng cũng chỉ làm cho ta có một cái…”

Thực ra ta cũng định làm thêm cho Hoàng Đế vài cái đẹp đẽ một chút, nhưng chợt nhớ ra vẫn còn nợ Tiểu Phúc Tử một cái túi thơm nên đành ưu tiên làm cho Tiểu Phúc Tử trước. Ta cứ nghĩ mấy tháng mùa đông rảnh rỗi, làm vài cái túi thơm không có vấn đề gì. Chỉ là, ta đã đánh giá thấp sự lười nhác của mình. Cuối cùng hết cả một mùa đông, ta cũng chỉ thêu xong mỗi một cái túi thơm chữ Phúc mà thôi.

Nhắc tới chuyện này ta tự thấy mình có lỗi, bèn nhẹ nhàng xoa bóp trán Hoàng Đế, cười lấp liếm:

“Không phải như người nghĩ đâu… Thiếp… Là do thiếp muốn tập luyện thêu thùa một chút, khi nào làm tốt rồi mới dám dâng lên để người khỏi chê cười…”

“Chỉ giỏi chối tội.”

Hoàng Đế hừ một tiếng rồi thôi, cũng chẳng còn sức nói nhiều nữa.

Hắn đã mệt lắm rồi, lại có người xoa bóp bấm huyệt trên đầu dễ chịu, chốc lát liền ngủ thiếp đi.

Hoàng Đế ngủ rồi, ta không còn việc gì làm, bèn nhấm nháp điểm tâm của hắn, vừa ăn vừa đưa mắt ngắm nhìn khung cảnh thanh bình đang lừng lững trôi qua ngoài ô cửa sổ nhỏ.

Nghe nói Hà Quỳnh tiên tử hiện thân ở phía Nam kinh thành, nhưng đến cả Lưu Thiên cũng không bói được chính xác vị trí. Vừa hay cách kinh thành khoảng sáu mươi dặm là hành cung Thanh An. Hoàng Đế đã quyết định sẽ nghỉ lại nơi này trong thời gian tế lễ tìm kiếm vị tiên tử kia.

Hành cung Thanh An cách kinh thành không xa, nếu đi nhanh thì chỉ hơn hai canh giờ là đến nhưng vì phải kiêng dè sức khỏe của Hoàng Đế nên chúng ta đi chậm rề rề. Trời đã quá trưa mà mới đi được nửa đoạn đường, đành phải dừng chân nghỉ trưa dùng cơm rồi mới đi tiếp.

Lần này xuất cung, Hoàng Đế mang theo cả Ngự trù nên dù là ở nơi đồng không mông quạnh thế này, cơm trưa dâng lên vẫn đủ mười hai món tinh xảo, thơm nức cả cỗ xe ngựa lớn. Chỉ tội cho Hoàng Đế ở trên xe ngựa dằn xóc cả ngày, đến lúc dùng cơm cũng chẳng ăn được bao nhiêu, cuối cùng chỉ uống nổi một chén canh hầm gà ác bát bảo. Về phần ta, đâu phải ngày nào cũng có thể ăn thức ăn Ngự trù chuẩn bị, vì vậy ta ăn hết sức nhiệt tình. Hoàng Đế nằm rũ ở một bên, nhìn ta ăn uống ngon lành không nhịn được cũng phải đâm một câu:

“Nàng ăn như thế không sợ thành heo à?”

Ta liếc hắn một cái, tay vẫn không ngừng gắp thức ăn:

“Thiếp phải ăn thật nhiều để khỏe mạnh mà hầu hạ Hoàng Thượng chứ. Vì Hoàng Thượng, thiếp không sợ gì cả.”

Hoàng Đế trề môi, cố trêu chọc thêm vài câu. Ta biết tính hắn như thế nên cũng chẳng buồn đôi co, chỉ chuyên tâm ăn uống. Hoàng Đế thấy ta không phản ứng gì cũng mất hứng chẳng buồn nói nữa. Đến khi ta ăn xong, hắn mới đưa ta sờ sờ bụng ta, còn làm ra vẻ mặt rầu rĩ. Ta bực mình, bèn xoay lưng lại không cho hắn sờ nữa, đương định gọi người vào dọn dẹp thì đã nghe tiếng Lý Thọ đứng bên ngoài nói vọng vào:

“Bẩm Hoàng Thượng, bên ngoài có chút việc… Nô tài muốn thỉnh ý Hoàng Thượng…”

Hoàng Đế chẳng buồn ngồi dậy, lười nhác hỏi:

“Việc gì?”

“Bẩm, bên ngoài có một nữ nhân tự nhận là con gái Tô Ngự sử đại nhân, đang trên đường về thăm nhà ngoại ở thành Từ Trang thì gặp phải sơn tặc. Gia nhân hộ tống nàng ta đã bị sơn tặc giết cả rồi. Nàng ta bị sơn tặc đuổi theo tới đây thì gặp Cẩm Y vệ đi dò đường, được cứu mang về đây. Nô tài muốn thỉnh ý Hoàng Thượng xem nên giải quyết nàng ta thế nào…”

Hoàng Đế nhíu mày, dường như nghĩ ngợi gì đó một lát. Chợt, hắn đẩy nhẹ vai ta:

“Nàng đi ra xem thế nào rồi quyết định đi.”

Ta giật mình, vội lắc đầu:

“Thiếp đâu biết gì…”

“Chỉ sai làm chút việc nhỏ mà đã trốn tránh rồi? Ban nãy ai nói phải ăn nhiều để hầu hạ trẫm cho tốt?”

“Cái đó…”

Suy cho cùng, hắn mới là Thiên Tử. Ta nào dám cự cãi với hắn, đành cắn răng bò ra ngoài, theo Lý Thọ đi gặp vị Tô tiểu thư nọ.

Tô tiểu thư được Lý Thọ sắp xếp cho nghỉ tạm ở chỗ đám cung nữ. Khi ta và Lý Thọ đến, nàng đang ngồi trên tảng đá nhỏ dưới bóng cây, bờ vai mảnh mai vẫn còn hơi run rẩy. Từ xa đã có thể nhận ra, Tô tiểu thư này cũng là một mỹ nhân.

Ta nghiêng đầu, ghé tai Lý Thọ hỏi khẽ:

“Lý công công có biết vị Tô Ngự sử đó không? Ông ta có con gái tầm tuổi này chứ?”

Ly Thọ chẹp lưỡi:

“Cái này nô tài không rõ. Tô đại nhân có nhiều con gái lắm…”

“Thế có kiểm tra thư tịch của nàng ấy chưa? Đi từ thành này sang thành khác thì phải mang theo thư tịch chứ?”

“Tô tiểu thư nói thư tịch để trong tay nải, bị sơn tặc cướp đi rồi.”

“Ban nãy, công công nói gia nhân của nàng ta bị sơn tặc giết hại. Vậy công công có cho người đi kiểm tra lại không?”

“Nô tài đã nhờ mấy Cẩm Y vệ đi tra lại rồi ạ, quả đúng cách đây mấy dặm có vài xác người bị chém chết, nhưng của cải trên người đều bị lột sạch, không thể xác minh thân phận…”

Nghe Lý Thọ nói đến đây, ta không thể không đỡ trán thở dài thườn thượt:

“Giữa một nơi cách xa thôn làng, vắng người qua lại như vậy lại đột nhiên xuất hiện một Tô tiểu thư… Công công không cảm thấy quá đáng ngờ sao? Thân phận không rõ ràng, chúng ta không thể giữ nàng ấy lại được.”

Lý Thọ nhăn mặt, khổ sở đáp:

“Nô tài cũng biết vậy. Nhưng Tô Ngự sử là một trong số ít quan viên thật lòng phò tá Hoàng Thượng… Nếu lỡ nàng ta thực sự là con gái Tô Ngự sử, mà chúng ta lại bỏ mặc nàng ấy lại đây… E rằng sẽ khiến Tô Ngự sử…”

Nếu bỏ lại con gái Tô Ngự sử ở chỗ này, sau này làm sao Tô Ngự sử còn có thể một lòng với Hoàng Đế?

Ta cắn môi:

“Nếu vậy, sao chúng ta không cử Cẩm Y vệ đưa nàng ấy về kinh thành?”

Lý Thọ lại lắc đầu, phản đối ngay tức thì:

“Cũng không được đâu ạ. Nếu nàng ấy là thiên kim của Tô Ngự sử, để nàng ấy đi đường một mình cùng nam nhân khác thì mất hết thanh danh rồi…”

“Vậy… cho mượn thêm một xe ngựa cùng hai cung nữ đi theo có được không?”

Lý Thọ lại lắc đầu:

“Không ổn, không ổn. Chúng ta không có dư xe ngựa. Hơn nữa, lần này Hoàng Thượng rất khó khăn mới thuyết phục được các vị đại nhân để người xuất cung, đã giao hẹn phải mang đúng số người hầu cận như vậy. Bây giờ cho người đưa nàng ấy về kinh thành thì chỗ chúng ta sẽ hụt đi vài người. Nếu êm đẹp thì thôi, nhưng nếu xảy ra chuyện bất ngờ gì… Tội này không ai gánh nổi đâu…”

Lý Thọ nói chưa hết câu, mặt đã xanh mét, càng lắc đầu dữ dội. Ta bất lực nhìn hắn:

“Thế này không được, thế kia cũng không được. Công công bảo ta phải làm sao đây?”

Lý Thọ cúi đầu, lí nhí đáp:

“Thế nên nô tài mới phải đi thỉnh ý Hoàng Thượng…”

Nói đến đây, đôi mắt bé xíu như hai hạt đậu của hắn sáng rực lên:

“Chẳng phải Hoàng Thượng đã nói để nương nương giải quyết sao? Nương nương muốn làm thế nào, nô tài liền tuân theo thế ấy.”

Bộ mặt Lý Thọ lúc này, có thể nói là chỉ còn thiếu hai chữ gian ác trên trán mà thôi. Ta nhìn dáng vẻ đùn đẩy trách nhiệm của hắn, không nén được tiếng thở dài.

Hai người vừa đi vừa to nhỏ bàn bạc, chẳng mấy chốc đã tới chỗ Tô tiểu thư đang ngồi. Nàng nhìn thấy bọn ta, liền vội vã đứng dậy, cung kính cúi chào:

“Tô Nhược bái kiến nương nương, bái kiến công công.”

Tô Nhược mặc một bộ váy lụa màu trắng, bên ngoài khoác áo the tím nhạt. Tóc nàng bới kiểu tùy vân kế (1) rất công phu, cố định bởi một bộ thoa bạc tám cái, cùng vô số dây bạc, hoa bạc được chế tác tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Chẳng qua là nãy vừa bị đuổi bắt nên tóc tai và trang phục có hơi rối loạn đôi chút. Nhìn ở khoảng cách gần, nhan sắc của Tô Nhược không quá mặn mà, nhưng nàng ta lại trang điểm rất khéo cho nên về tổng thể cũng tính là như hoa như ngọc.

“Tô tiểu thư đừng đa lễ.”

Ta dịu dàng đỡ lấy Tô Nhược, thuận thế lướt tay qua hai cánh tay nàng nhẹ nhàng nắm lấy đôi cổ tay mảnh dẻ kia siết nhẹ, miệng không quên động viên:

“Tiểu thư đừng lo lắng, nơi này rất an toàn, không ai có thể làm hại tiểu thư nữa.”

Tô Nhược giương đôi mắt ươn ướt nhìn ta, cảm kích nói:

“Đa tạ nương nương…”

Ta lật tay lại, cầm tay nàng thân thiết cười:

“Tiểu thư kinh sợ nhiều rồi, nên nghỉ ngơi mới phải. Y phục của tiểu thư không còn sạch sẽ nữa, cũng nên thay đi thôi.”

Nói đoạn, quay sang nhìn Lý Thọ. Hắn hiểu ngay, cao giọng gọi một tiếng liền có mấy cung nữ chạy đến đỡ Tô Nhược vào một chiếc xe ngựa gần đó.

Đợi Tô Nhược đi khuất rồi, Lý Thọ mới dè dặt hỏi ta:

“Như vậy… nương nương định mang Tô tiểu thư theo sao?”

Ta thở hắt ra:

“Còn cách nào khác chứ? Dù sao cũng là một cô nương…”

Để một cô nương xinh đẹp như thế lại nơi đồng không mông quạnh, lại có cả sơn tặc như vậy chẳng khác nào đẩy nàng ta vào chỗ chết.

Lý Thọ gật đầu:

“Nói cũng phải, bất luận có phải Tô tiểu thư thật hay không, nếu bọn sơn tặc kia tìm được nàng ta thì chết chắc.”

Nhắc tới sơn tặc, trong đầu ta chợt nảy ra một nghi vấn mơ hồ. Ta kéo tay áo Lý Thọ, hỏi:

“Ban nãy công công bảo Cẩm Y vệ giết sơn tặc mới cứu được Tô tiểu thư phải không? Thi thể bọn sơn tặc ấy đâu rồi?”

Lý Thọ tròn mắt:

“Nương nương hỏi mấy thứ dơ bẩn đó làm gì?”

“Bản cung muốn kiểm tra lại một chút…”

“Để bọn chúng nằm đó cũng không ổn, mà thiêu thì sợ làm ô uế không gian nên nô tài đã bảo đám thuộc hạ kéo ra xa chôn tạm rồi.”

“Mau, dẫn ta đi xem!”

Lý Thọ nghe ta muốn xem thi thể đám sơn tặc kia thì lấy làm kinh hãi, nhưng thấy ta kiên quyết quá nên cũng không dám ngăn cản, bèn gọi thêm mấy Cẩm Y vệ nữa cùng đi.

Chỗ chôn bọn sơn tặc kia cách nơi chúng ta nghỉ chân chừng ba dặm. Khi ta đến thì mấy thái giám nhận lệnh đã đào xong một cái hố lớn, đương chuẩn bị đẩy thi thể xuống.

Lý Thọ vội hô to:

“Ngừng tay!”

Bọn họ nhìn thấy người đến, cuống quýt chạy ra hành lễ. Ta lướt qua bọn họ, nhanh chân bước tới cạnh ba cái thi thể nằm xếp hàng bất động bên miệng hố, vừa định kéo áo chúng lên thì Lý Thọ đã hét thất thanh:

“Nương nương, người không thể đụng vào thứ này được! Tổ tiên ơi, Hoàng Thượng sẽ giết nô tài mất!”

Ta biết hắn nói cũng có lý, bèn rút tay lại, ngẩng đầu nhìn tên thái giám đứng gần nhất:

“Được rồi, vị tiểu công công này, giúp bản cung kéo áo đám người này lên xem.”

“Tuân lệnh nương nương.”

Thái giám kia nghe lời, nhanh nhẹn lật hết áo mấy cái xác lên.

Lý Thọ thấy thế càng hoảng, chạy tới che trước mặt ta la toáng lên:

“Ôi! Sao ngươi dám để nương nương nhìn thứ như thế này!”

Lý Thọ ồn ào tới mức làm ta bực mình, bèn hất mặt về phía mấy cái xác, nói cụt lủn:

“Ta không nhìn, công công tự đến mà nhìn xem.”

Lý Thọ quay đầu lại, nheo nheo mắt:

“Bọn khốn kiếp này thì có cái gì để mà nhìn…”

Thế nhưng nói được nửa câu thì hắn lại im bặt, ắt hẳn cũng đã nhận ra điểm không đúng.

“Không thể nào…” Lý Thọ lẩm bẩm.

Mấy cái xác này tuy là cao lớn bặm trợn, trông cực kì hung dữ nhưng da thịt lại trắng trẻo, hơn nữa còn chẳng có lấy một vết sẹo. Sơn tặc như thế quả là hiếm thấy.

Lúc này, Lý Thọ mới hoang mang nhìn ta:

“Tô tiểu thư kia… có thể nào là thích khách không? Chết rồi…”

Ta lắc đầu:

“Có lẽ không phải. Ban nãy khi bản cung đỡ nàng ta đã kiểm tra tay áo nàng ta, không thấy có giấu gì. Vả lại cơ xương đều mảnh dẻ, không giống người biết võ công. Nếu trong người có thứ gì mờ ám thì khi thay y phục nhất định sẽ bị cung nữ phát hiện.”

Lý Thọ thở phào nhẹ nhõm:

“Nếu vậy nô tài sẽ sai người trông coi nàng ta cẩn thận, đợi đến hành cung Thanh An rồi tính tiếp.”

Bây giờ xem ra cũng chỉ có thể làm như vậy thôi.

Sự xuất hiện của Tô Nhược làm Lý Thọ chột dạ, quyết định khởi hành sớm hơn. Khi ta quay về xe ngựa thì Hoàng Đế vừa mới uống thuốc xong, còn đang nhăn nhó. Ta rót trà cho hắn, tranh thủ kể lại chuyện ban nãy. Hoàng Đế chẳng biết có chú tâm nghe hay không, đợi ta kể xong, hắn chỉ gãi gãi cằm hỏi bâng quơ:

“Tô thị có xinh đẹp không?”

Ta suýt chút nữa là cắn trúng lưỡi:

“Xinh đẹp hay không thì liên quan gì?”

Hoàng Đế cười cười:

“Nếu xinh đẹp thì có thể là nàng ta cố tình xuất hiện trước thánh giá để lôi kéo trẫm thôi. Chậc, lần nào trẫm xuất cung trở về cũng dư ra một người. Hoàng Hậu e là lại có dịp càm ràm…”

Chuyện đào hoa của hắn ta đã nghe đến mòn tai. Năm trước hắn vi hành thăm thú dân tình thế nào không biết, khi về lại mang theo Liên Nhạc; năm trước nữa thì là Tiệp Tuyết. Lần này không khéo Hậu cung lại có thêm một Tô Nhược. Làm Hoàng Đế đúng là tốt, trong khi ta vì thân phận Tô tiểu thư này mà lo sốt vó, hắn lại rảnh rỗi nghĩ chuyện phong tình như thế.

“Này, sao tự nhiên lại xị mặt ra? Ghen à?”

Hoàng Đế phì cười, đưa tay nhéo má ta.

“Hoàng Thượng anh tuấn bất phàm, đương nhiên là có nhiều mỹ nhân đem lòng ngưỡng mộ. Thiếp nào dám đố kị…”

Ta bực mình nghiêng đầu tránh qua một bên. Hoàng Đế thấy thế càng cười rộ lên:

“Nói chuyện không thật lòng chút nào. Thôi được rồi, không trêu nàng nữa. Lại đây…”

Hoàng Đế kéo ta tới ngồi sát bên hắn, hỏi:

“Ban nãy nàng nói tay Tô thị có vết chai kì lạ như thế nào?”

Ta gật đầu, dùng ngón tay vẽ vẽ lên bàn tay hắn:

“Ở tay phải có một vết chai ở gần đầu ngón tay trỏ, còn một vết nhỏ nữa ở lòng bàn tay, chỗ này…”

Hoàng Đế nhìn theo ngón tay ta, lẩm bẩm:

“Đúng là kì lạ, vết chai như vậy làm sao mà có nhỉ? Không phải chai do làm việc nặng, cũng không phải do tập luyện cung kiếm…”

Ta gõ nhẹ ngón tay vào tay hắn, nói tiếp:

“Còn một chuyện nữa… Đám sơn tặc đuổi giết Tô tiểu thư ấy… Lý công công phát hiện ra bọn chúng cũng có chỗ khả nghi. Dù là sơn tặc nhưng kẻ nào kẻ nấy da thịt đều trắng trẻo, không hề có sẹo đao kiếm trên người.”

Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, ta thấy vẫn nên đẩy chuyện này cho Lý Thọ. Bất luận thế nào, một phi tử mà lại đi lật áo sơn tặc lên xem thì cũng không hay ho gì.

Hoàng Đế nhếch môi cười nhạt:

“Xem ra trẫm trị vì mấy năm nay cũng chẳng đến nỗi nào, cả sơn tặc cũng được sung sướng thế này.”

Sắc mặt Hoàng Đế đột nhiên hóa thành lạnh lẽo, vừa nhìn qua là biết hắn đã nổi giận rồi. Ta sợ hắn nổi cơn lên thì mình sẽ là người lãnh đủ, vội vàng vuốt ngực hắn:

“Hoàng Thượng đừng giận, tổn hại long thể…”

Hoàng Đế thấy ta lo lắng, bèn giang tay ôm lấy ta vào lòng, khẽ nói:

“Đừng sợ… Những chuyện như vậy không phải trẫm mới gặp lần đầu. Tô thị đó, tạm thời cứ giữ lại đi. Trẫm cũng muốn xem nàng ta định giở trò gì.”

Phiên ngoại : Bánh bao

Tô Trường Tín năm nay tròn năm mươi tuổi. Ông theo hầu Vạn tuế gia từ khi người mới lọt lòng, đến giờ cũng hơn mười tám năm rồi. Ông đã từng tự hào rằng mình là người hiểu Vạn tuế gia nhất. Thế mà hôm nay, khi tuổi già đã đuổi đến sát sau lưng, niềm tin bao năm ấy của ông lại bị lung lay. Tô Trường Tín chợt cảm thấy ông chẳng còn hiểu nổi Vạn Tuế gia nữa.

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng chạp, Vạn tuế gia không phải thiết triều. Thường thì những ngày rảnh rỗi như vậy, Vạn tuế gia đều ngủ nướng đến tận trưa ở tẩm cung của Thục phi hoặc một vị sủng phi nào đó. Sức khỏe của Vạn tuế gia từ nhỏ đã không tốt, dạo gần đây có lẽ vì chính sự căng thẳng nên càng tệ đi. Vì lẽ đó, Tô Trường Tín cảm thấy Vạn tuế gia có lười biếng một chút, ngủ nhiều một chút cũng là phải đạo. Thế mà hôm nay, người lại thức dậy rất sớm, còn điều động đám người Lý Thọ đi tìm bếp lò, xửng hấp, nồi niêu chén bát các thứ linh tinh mang đến gian phòng phía sau Noãn các. Gian phòng ấy là thế giới riêng của Vạn tuế gia. Bình thường, Vạn tuế gia thích ở trong đó một mình, đọc sách hoặc khắc gỗ, Tô Trường Tín biết cả. Nhưng nấu ăn ư? Ông chưa thấy bao giờ.

Cái ý nghĩ Vạn tuế gia nấu nướng bên bếp lò làm cho Tô Trường Tín rùng mình. Hình ảnh ấy còn đáng sợ hơn cả khi Vạn tuế gia nổi giận đùng đùng đòi chém người này người nọ. Tô Trường Tín lo lắm, nhưng Vạn tuế gia có đủ đồ nghề nấu bếp và nguyên liệu rồi thì đóng chặt cửa, chẳng cho ai vào cả. Tô Trường Tín không nhìn ngó được gì thì lại càng lo hơn. Đêm nay vẫn còn yến tiệc giao thừa, nếu Vạn tuế gia lại nghịch dại gì đó, hay tự làm mình bị thương thì ông biết phải làm sao đây?

Có lẽ ông trời cũng nghe được tiếng lòng thành tâm của Tô Trường Tín, sau hai canh giờ tỏ vẻ thần bí, Vạn tuế gia cuối cùng cũng chịu he hé cửa phòng:

“Lão Tô, vào đây…”

Tô Trường Tín mừng rỡ, nhưng vừa đặt chân vào phòng thì suýt chút lên cơn đau tim. Vạn tuế gia… người thực sự nấu ăn!

Nhìn gương mặt non nớt lem nhem vệt trắng vệt đen của Vạn tuế gia, Tô Trường Tín thở dài. Thì ra là Vạn tuế gia không biết nhóm bếp.

Trên đời có một số điều không thể học qua sách vở. Nhóm bếp chính là một trong số đó. Cũng may, mười năm làm Tổng quản Nội thị giám chưa đủ làm Tô Trường Tín quên đi cách nhóm bếp. Chỉ sau vài động tác đơn giản, ngọn lửa trong bếp lò liền cháy bùng lên. Vạn tuế gia hài lòng, vỗ vai ông mấy cái:

“Lão Tô, vẫn là ông lợi hại nhất.”

Nói đoạn, lại vui vẻ tiếp tục công việc còn dang dở.

Tô Trường Tín lén lút nhìn quanh, không chỗ nào là không có bột mì vương vãi. Vạn tuế gia của ông đang làm bánh bao.

Liếc mắt nhìn qua mấy cái bánh bao to tướng, méo mó đang được Vạn tuế gia cẩn thận xếp vào xửng hấp, Tô Trường Tín không khỏi đổ mồ hôi lạnh, chỉ mong người nấu xong đừng bắt ông ăn thử là phúc đức ba đời nhà ông rồi.

May mắn cho Tô Trường Tín, chẳng biết Vạn tuế gia nhà ông đọc những sách gì, làm bánh ra sao mà cuối cùng cái thì nứt bung cả nhân ra ngoài, cái thì teo tóp chẳng ra làm sao. Thành quả mấy canh giờ nghiêm túc nấu nướng của Vạn tuế gia cuối cùng chỉ còn lại một cái bánh bao duy nhất là nguyên vẹn.

Ấy thế mà Vạn tuế gia có vẻ vui lắm. Tô Trường Tín thấy người rón rén nhấc nó ra đĩa như sợ làm nó bị thương, sau lại chăm chú dùng màu gấc vẽ lên trên một cái mặt cười toe toét rồi mới cho vào hộp gỗ.

Giao cái hộp đựng bánh cho Tô Trường Tín, Vạn tuế gia ra lệnh:

“Đem tới cho Hòa phi. Nhớ không được nhiều lời đấy.”

Gương mặt Vạn tuế gia mỗi khi ra lệnh cho kẻ khác đều rất lạnh lùng đáng sợ, nhưng giờ đây mặt người dính đầy bột mì và muội than lem luốc… Tô Trường Tín cắn chặt răng, vội vàng nhận lấy hộp bánh đi thẳng một mạch, chỉ sợ chậm chân một khắc sẽ không nhịn cười nổi nữa. Cái gì mà nhiều lời với không nhiều lời? Trong Hoàng thành này, ngoài Vạn tuế gia người ra, còn có kẻ thứ hai làm ra được cái bánh bao xấu xí thế này sao?

Đã lâu lắm rồi, Tô Trường Tín không nhìn thấy dáng vẻ hào hứng của Vạn tuế gia. Mỗi ngày người đều cười cợt trêu đùa với các phi tần, nhưng Tô Trường Tín hiểu, trong những nụ cười đó chẳng có bao nhiêu phần vui vẻ. Từ sau khi Hiền phi qua đời, Lê thị sụp đổ, Trịnh thị suy tàn, suốt mấy năm nay, đây là lần đầu tiên Tô Trường Tín lại được nhìn thấy nụ cười đơn thuần cùng với ánh mắt lấp lánh niềm vui của Vạn tuế gia.

Tô Trường Tín bất giác hoảng sợ. Hộp bánh trên tay chợt hóa thành gánh nặng ngàn cân.

Vạn tuế gia của ông lại có thể đích thân làm bánh cho một nữ tử?

Mà nữ tử này lại là vị Hòa phi nương nương dung mạo tầm thường ấy?

Tô Trường Tín nghĩ thế nào cũng không hiểu nổi. Hòa phi thực ra có điểm nào tốt mà Vạn tuế gia lại để tâm như vậy? Nàng ta không có dung nhan động lòng người, cũng không có tài nghệ gì nổi trội, ngay cả thân phận công chúa cao quý cũng là hữu danh vô thực mà thôi. Người như vậy vốn không thể mang lại bất kì lợi ích nào cho Vạn tuế gia. Vạn tuế gia xưa nay ghét nhất là những kẻ vô dụng, vì sao lại có lòng với Hòa phi đến thế?

Tô Trường Tín ôm nỗi băn khoăn ấy trong lòng, khi ông đến Cẩm Tước cung thì vị Hòa phi nương nương kia vẫn còn đang ngủ nướng. Giờ này, e rằng phi tần nào cũng đang tất bật lựa chọn phấn son, trang sức sao cho nổi bật nhất vào dạ yến giao thừa… Vậy mà Hòa phi lại thản nhiên nằm ngủ. Nghĩ lại, Hòa phi cũng chưa từng cầu kiến Vạn tuế gia bao giờ. Ngoại trừ lần duy nhất bị Lý Thọ lừa đến Ngự thư phòng lúc trước, Hòa phi chưa bao giờ chủ động tìm Vạn tuế gia. Món quà duy nhất nàng dâng lên Vạn tuế gia cũng là do tình thế cấp bách, không thể làm khác. Về sau, Vạn tuế gia muốn nàng làm tặng túi thơm khác thì mỗi ngày đều phải cho Lý Thọ đi đốc thúc mới được. Phi tử như thế, Tô Trường Tín chưa thấy người thứ hai.

Tô Trường Tín tự hỏi, phải chăng tính cách an nhiên tự tại, không tranh không đoạt ấy là điều Vạn tuế gia yêu thích?

Tô Trường Tín trao lại hộp bánh cho vị Hòa phi vẫn còn đang ngái ngủ kia mà lòng cứ chùng xuống. Nữ tử lạnh nhạt vô tâm thế này, liệu có hiểu được tấm lòng của Vạn tuế gia hay không?

Về phần vị Hòa phi kia, khi nhận hộp bánh từ tay Tô Trường Tín, nàng vẫn còn buồn ngủ lắm. Thế nhưng, khi nắp hộp mở ra, ánh mắt đương đờ đẫn vì ngái ngủ của nàng lập tức trở nên linh động. Tô Trường Tín thấy thế vội vàng nói ngay:

“Hoàng Thượng chỉ sai lão nô mang cái này đến cho nương nương, những chuyện còn lại lão nô không biết gì cả.”

Hòa phi ngơ ngẩn nhìn cái bánh bao méo mó có hình mặt cười toe toét kia một lúc, chợt nở nụ cười:

“Đa tạ Tô Tổng quản. Bản cung hiểu rồi.”

Thời khắc ấy, Tô Trường Tín bỗng nhận ra vị Hòa phi dung mạo bình thường này hóa ra lại có một nụ cười ngọt ngào đến thế.

Lăn lộn nơi Hậu cung đã mấy mươi năm, Tô Trường Tín luôn rất đa nghi, nhưng không hiểu sao ông lại cảm thấy mình có thể tin tưởng vào lời nói của nàng. Ông tin rằng nàng hiểu.

Nàng nhất định hiểu.

***

Thực ra, Vạn tuế gia rất ghét yến tiệc. Mỗi khi tiệc tan trở về, lúc mà chỉ còn Tô Trường Tín bên cạnh, sắc mặt người sẽ trở nên tối tăm, chuyện nhỏ nhặt gì cũng có thể khiến người cáu gắt. Vậy mà hôm nay, chỉ vì một nụ cười cùng mấy tiếng “bản cung hiểu rồi” nghe từ miệng Tô Trường Tín thuật lại, Vạn tuế gia chẳng còn cáu gắt chút nào.

Theo lệ thì sau dạ yến giao thưà, Vạn tuế gia phải nghỉ lại ở Triêu Lan cung. Nhưng dạo gần đây, Hoàng Hậu quản lý Hậu cung thực sự không được tốt. Tô Trường Tín trộm đoán, có lẽ Vạn tuế gia muốn cảnh cáo Hoàng Hậu, cho nên đêm nay người không đến Triêu Lan cung mà trở về Noãn các một mình.

Tô Trường Tín có vô số điều thắc mắc, nhưng cuối cùng lại không dám mở lời. Chỉ là ông quên mất, bản thân ông hiểu Vạn tuế gia bao nhiêu thì người cũng hiểu ông ngần ấy. Sự băn khoăn được che giấu kĩ lưỡng của Tô Trường Tín không qua được mắt Vạn tuế gia. Người vỗ vai ông, cười hỏi:

“Lão Tô, muốn nói gì thì cứ nói đi. Trẫm không phải đã ban kim bài miễn tử cho ông rồi sao? Không chết được đâu.”

Đã không giấu nổi, chi bằng cứ nói thẳng ra vậy. Tô Trường Tín cười khổ, cố lựa lời sao cho khỏi chọc giận Vạn tuế gia của ông:

“Bẩm Hoàng Thượng… Lão nô vừa nhớ ra là… Từ khi lập đông đến nay, Hoàng Thượng chưa lật thẻ bài của Hòa phi nương nương lần nào…”

Tô Trường Tín biết Vạn tuế gia của ông ghét nhất là người khác xen vào chuyện Hậu cung. Khi nói ra lời này, ông cũng đã chuẩn bị nhận phạt, chẳng ngờ Vạn tuế gia không hề nổi giận. Người bình thản đáp:

“Trẫm sợ lạnh, ông cũng biết mà.”

Vạn tuế gia sợ lạnh, cho nên vào mùa đông người luôn triệu phi tần đến Noãn các chứ không tự mình đến tẩm cung của ai cả. Nhưng như vậy thì gọi Hòa phi đến tiếp kiến như những phi tần kia cũng được mà?

Tô Trường Tín chẹp lưỡi, chưa biết nói tiếp thế nào thì Vạn tuế gia đã như đọc được suy nghĩ của ông. Người khẽ nhún vai:

“Đường xá trơn trợt.”

Bởi vì trời lạnh đường trơn, cho nên không muốn gọi Hòa phi đến ư?

Vạn tuế gia từ lúc nào lại lo nghĩ cho người khác nhiều đến thế?

Tô Trường Tín khẽ lắc đầu. Ông cảm thấy mình đã già rồi. Tâm tình của Vạn tuế gia, ông không hiểu nổi nữa.

Sủng ái cũng Vạn tuế gia đối với Hòa phi thực sự rất mập mờ.

Nói người sủng Hòa phi cũng không đúng lắm. Người đối đãi với nàng không tệ, nhưng cũng không có điểm nào hơn những phi tần khác. Bổng lộc, ban thưởng đều đúng với cung quy, không thiếu nhưng cũng không thừa. Thậm chí thẻ bài của Hòa phi, người cũng chỉ thỉnh thoảng mới lật một lần. Biết Thục phi và Đức phi chèn ép nàng, người để mắt nhưng chẳng can thiệp.

Nhưng nói người không sủng Hòa phi thì lại càng không phải. Kẻ khác có thể không biết, nhưng Tô Trường Tín là người thân cận nhất của Vạn tuế gia. Từng hành vi cử chỉ của người ông đều nhìn rõ. Còn nhớ đêm hôm nào, Hòa phi vì bảo vệ một Thái y vô danh mà ngất xỉu trước Thái Y viện, Vạn tuế gia chẳng ngại trời mưa tầm tã, đích thân đến tận nơi đưa nàng về Noãn các chăm sóc. Lại nhớ một đêm khác, Vạn tuế gia đọc tấu chương đến nhức buốt cả đầu nhưng vừa nghe tin Hòa phi bị Đức phi tố tội, người liền đi một mạch đến Vị Tú hiên khỉ ho cò gáy. Làm như thế không phải vì muốn che chở cho nàng ư? Còn cái lần Hòa phi bị kẻ khác mưu hại thả rắn vào chăn, Vạn tuế gia biết tin nhưng vì sớm hôm sau còn phải thiết triều nên không đi thăm nàng được. Đêm đó không biết Vạn tuế gia đã trở mình biết bao nhiêu lần. Buổi sáng ngày hôm sau, Vạn tuế gia vừa bãi triều liền đi thẳng đến Cẩm Tước cung. Khi ấy Hòa phi còn mê man bất tỉnh, người đã cầm tay nàng, yên lặng ngồi bên cạnh hơn một canh giờ. Nếu không phải có đại thần cầu kiến, có lẽ người sẽ ngồi đó đến khi Hòa phi tỉnh lại mới thôi.

Đã rất lâu rồi, Vạn tuế gia không sủng hạnh Hòa phi. Những kẻ không hiểu chuyện ở Kính sự phòng đã bắt đầu phao tin Vạn tuế gia không còn yêu thích Hòa phi nữa. Tô Trường Tín chỉ biết, chính nhờ không được sủng hạnh mà Hòa phi không phải uống chén canh “an thai” kia, mà món canh ấy đối với nữ nhân chẳng phải thứ tốt đẹp gì.

Tô Trường Tín là kẻ lão luyện. Từ lâu ông đã lờ mờ nhận ra Vạn tuế gia vẫn luôn âm thầm che chở Hòa phi. Thứ tình cảm của người dành cho Hòa phi chẳng rõ tự bao giờ đã không còn giống với loại sủng ái thông thường.

Thứ tình cảm ấy, Tô Trường Tín không dám gọi tên, càng không dám tin nó là sự thật.

Chỉ là hôm nay, tận mắt nhìn thấy Vạn tuế gia vui vẻ làm bánh bao tặng Hòa phi, Tô Trường Tín có muốn không tin cũng không được nữa.

Phía bên kia, Vạn tuế gia sau một ngày mệt mỏi đã ngủ thiếp đi. Hôm nay, tâm trạng của người tốt cho nên nét mặt khi ngủ cũng rất thanh bình.

Tô Trường Tín thở dài thườn thượt, bao nhiêu nỗi lo lắng mới lại ập đến. Biết rằng lời này nói ra sẽ là phạm nghịch, nhưng ông thực lòng quan tâm Vạn tuế gia như người thân ruột thịt của mình. Biết được trên đời này có một nữ tử có thể khiến Vạn tuế gia nở nụ cười hạnh phúc đơn thuần, ông vui mừng lắm chứ. Nhưng cạnh bên niềm vui ấy vẫn tồn tại vô số nỗi lo sợ. Nữ tử ấy liệu có thật lòng đối với Vạn tuế gia hay không? Nàng thân cô thế cô, yếu đuối như thế, liệu có thể tồn tại bao lâu trong chốn Hậu cung hiểm ác này?

Vạn tuế gia quan tâm nàng như vậy, nếu chẳng may nàng không còn nữa, vậy thì người chắc chắn sẽ đau lòng lắm.

Tô Trường Tín ông biết phải làm sao?

Người già thường hay thích thở dài.

Tô Trường Tín cũng thế. Ông thở dài thêm mấy cái nữa, rồi quyết định ngả lưng ở chiếc sạp gỗ nơi gian ngoài, canh giấc cho Vạn tuế gia.

***

Hoàng thành sau thời điểm giao thừa náo nhiệt cũng dần dần chìm vào giấc ngủ.

Chỉ còn một gian phòng nơi chính điện Cẩm Tước cung là vẫn sáng ánh đèn.

Ngọc Nga ngáp dài một tiếng, nhẹ nhàng phủ thêm lên vai nữ tử đương ngồi chống cằm bên chiếc bàn trà nhỏ.

“Chủ nhân, mau ngủ đi thôi. Trời sáng sắp sáng mất rồi. Người cứ hắt xì suốt, không khéo bệnh rồi cũng nên…”

Chu Đan Nguyệt sau khi hắt xì đến lần thứ hai mươi thì mũi đã đỏ như quả cà chua. Nàng nhăn mặt, vừa lau mũi vừa lẩm bẩm:

“Tên chết tiệt nào nói xấu ta mãi thế không biết…”

Nói đoạn, vươn vai một cái nhưng rõ ràng là không hề có ý định đi ngủ.

Ngọc Nga nhíu mày, kéo kéo tay nàng:

“Chủ nhân, đừng thức nữa… Người còn muốn ngồi nhìn cái bánh bao kì cục này đến bao giờ”

Chu Đan Nguyệt phì cười, nhìn lại cái bánh bao này đúng là kì cục thật. Vừa to đùng, vừa méo mó, lại còn có một cái hình mặt cười vẽ nguệch ngoạc bên trên, chắc chắn là không ăn được. Bánh như vậy mà cũng dám mang cho người khác, còn tỏ ra thần bí, chẳng biết trong đầu hắn nghĩ cái gì.

Nếu Ngọc Nga mà biết được suy nghĩ của nàng thì nhất định sẽ bĩu môi nói: “Cái bánh kì cục như vậy mà người ngồi nhìn suốt cả ngày, nô tì mới không biết trong đầu người nghĩ cái gì.”

Đáng tiếc, Ngọc Nga không đọc được suy nghĩ của người khác, chỉ có thể dai dẳng bám lấy nàng, kêu réo không ngừng:

“Chủ nhân, đừng nhìn nữa, ngủ thôi…”

“Ta chưa buồn ngủ.”

“Chủ nhân, ngủ đi mà… Ngày mai nhìn tiếp cũng được mà…”

“Đừng kéo ta…”

“Chủ nhân, ngủ…”

Chính điện Cẩm Tước cung đêm hôm đó, hình như rất lâu sau cũng chưa thấy tắt đèn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui