Thám Tử Rời Sân Khấu

Ngày lại ngày qua đi trong sự chờ đợi đến nóng ruột, nhưng vẫn không có sự gì xảy ra. Tuy nhiên, có một số việc lặt vặt, vài nhận xét, vài mẩu trao đổi hơi là lạ, những chi tiết mà nếu tôi sắp xếp cho khớp lại thì có lẽ tôi đã nhìn sáng rõ hơn.
Vẫn là Poirot, như thường lệ đã chỉ cho tôi một điều mà tôi hoàn toàn bỏ qua. Tôi phàn nàn đến trăm lần về cái việc ông nhất định giữ bí mật, như thế là chơi không đẹp, từ trước tới nay tôi và ông vẫn thường thông báo tin tức cho nhau, vân vân.
Poirot sốt ruột đưa tay gạt:
- Đồng ý rồi, anh bạn, thế là không đẹp, không tin nhau, và có lẽ tôi chơi không đúng luật. Nhưng đây không phải là trò chơi, không phải là thể thao. Anh cố công tìm xem ai là X. Nhưng không phải vì chuyện ấy mà tôi yêu cầu anh đến Styles. Anh không cần mất công vào cái việc vặt ấy, vì tôi đã biết rồi. Cái tôi chưa biết và rất cần biết bây giờ là tên của nạn nhân sắp tới. Mục đích của chúng ta là cố gắng ngăn không để một con người phải chết.
Tôi hơi hoảng, thong thả đáp:
- Biết rối ông đã nói thế rồi, nhưng tôi chưa hiểu rõ...
- Thế thì đến lúc cần phải hiểu. Theo anh, ai sẽ là đối tượng bị nhắm?
- Tôi hoàn toàn không biết.
- Anh phải có một ý gì chứ? Nếu không anh ở đây làm gì?
Tôi nhớ lại những suy nghĩ mà tôi đã nghiền ngẫm về vấn đề này.
- Giữa nạn nhân và X, tất phải có mối liên quan nào đó. Cho nên nếu ông cho tôi biết X là ai...
Poirot lắc đầu kiên quyết:
- Tôi đã chẳng giảu thích cho anh biết phương pháp chủ yếu của tên tội phạm này là gì? Sẽ không có cái gì làm hắn dính líu tới cái chết của nạn nhân, điều ấy là chắc chắn.
- Ông muốn nói là, mối liên quan giữa nạn nhân và tội phạm được che giấu kỹ?
- Che giấu rất kỹ, tôi với anh không thể nào tìm ra.
- Nhưng nếu ta nghiên cứu lý lịch quá khứ của tên X...
- Không, dù sao thì không kịp, vì tội ác sẽ xảy ra nay mai.
- Và nạn nhân là một người đang ở trong nhà này?
- Không còn nghi ngờ gì.
- Ông thực không biết hắn định giết ai, giết bằng cách nào?
- A! Nếu tôi biết thì còn nói làm gì... Tôi đã không nhờ anh.
- Ông nêu giả thuyết như vậy chỉ vì hiện X có mặt ở Styles?
Trong tôi lúc đó chắc rất ngớ ngẫn, nên Poirot kêu:
- Khổ lắm, tôi đã nói bao nhiêu lần. Nghe tôi đây, nếu bỗng dưng một lô phóng viên chiến tranh đổ xô đến một nơi nào trên trái đất, như thế nghĩ là gì? Là: chiến tranh! Nếu các thầy thuốc từ nhiều nơi tụ họp ở một thành phố. ta kết luận gì? Rằng sắp có một hội nghị y tế. Khi nhìn thấy diều hâu bay lượn trên không, có thể chắc chắn là có xác chết đâu đó. Anh thấy một người dừng lại bên bờ sông, cởi áo và nhảy tùm xuống nước, có thể suy ra là người đó sắp cứu người chết đuối. Nếu anh ngửi thấy mùi nấu nướng lại trông thấy nhiều người cùng đi một hướng, có thể khẳng định là họ sắp tụ tập để ăn nhậu.
Tôi suy nghĩ một lát về những ví von ấy, rồi nói:
- Dù sao một phóng viên chiến tranh không nhất thiết là dấu hiệu của chiến tranh.
- Tất nhiên rồi, cũng như một con én không làm nên mùa xuân. Nhưng chỉ cần một sát thủ là đủ làm nên tội ác. Hoặc nhiều tội ác!
Khó mà cãi được. Nhưng tôi chợt nghĩ - và điều này Poirot có vẻ chưa nghĩ ra - một sát thủ có lúc cũng muốn nghỉ ngơi. Có thề X đến Styles chỉ để nghỉ vài ngày hoặc vài tuần, không có ý đồ xấu xa nào. Tuy nhiên, Poirot đang hăng hái, nên tôi không nói ta ý nghĩ ấy, và chỉ thở dài.
- Chúng ta phải đợi thôi.
- Chờ và xem, Poirot cười khẩy. Đó là hạ sách. Xin nhớ, tôi không khẳng định là ta sẽ thành công, vì như tôi đã nói, một khi kẻ tội phạm quyết ra tay thì không dễ gì chặn được. Dù sao ta phải cố. Hastings anh hãy tưởng tượng mình đứng trước một ván bài mà anh biết hết cả quân của từng người, rồi thử đoán kết quả sẽ ra sao.
Tôi lắc đầu.
- Tôi chịu. Nếu tôi biết X là ai...
- Thôi nào, sao anh cừng đầu thế. Anh đã nghiên cứu năm vụ án tôi đưa anh đọc. Không biết ai là X, nhưng anh biết cái mẹo hắn dùng để thực hiện những vụ án đó. Mẹo này, hắn sẽ còn dùng nữa.
- Ồ! Tôi hiểu...
- Thì đúng là anh hiểu. Nhưng anh mắc cái tội lười suy nghĩ, không bắt trí óc làm việc... Điều cốt yếu trong phương pháp của X là gì? Có phải là khi hoàn thành, vụ án rất hoàn hảo? Có nghĩ là ở đó có động cơ, cơ hội, phương tiện và điều này còn quan trọng hơn, có một "thủ phạm" để sẵn sàng quy tội và kết án.
Tôi công nhận mình quả là ngốc, và nói:
- Vậy tôi phải tìm người nào... đáp ứng tất cả các điều kiện đó. Nạn nhân tiềm ẩn.
Poirot ngả người trên lưng ghế, thở phào:
- Thế đó! Bây giờ anh đã hiểu nhiệm vụ của mình là gì. Anh năng động, còn đi lại được, bám sát mọi người, nói chuyện với họ, kín đáo theo dõi họ...
Tôi định cất tiếng phản đối, song lại thôi.
- Anh có thể nghe các câu chuyện của họ, đầu gối anh còn dẻo, có thể quỳ xuống để nhòm qua lỗ khóa...
- Tôi không nhòm qua lỗ khóa! - Tôi gắt.
Poirot lim diêm đôi mắt.
- Được. Anh không nhìn qua lỗ khóa, anh giữ đúng phong cách quân tử phong nhã nước Anh, và một người sẽ bị giết. Nhưng anh không quan tâm điều đó. Với người Anh, danh dự được đặt lên hàng đầu. Và danh dự của anh đáng giá hơn tính mạng một con người. Được rồi. Tôi hiểu.
- Nhưng Poirot...
- Anh ra đi, và gọi Curtiss cho tôi - giọng Poirot lạnh nhạt. Anh thật cố chấp, đã thế lại cực kỳ ngốc. Tôi muốn có người khác đáng tin cậy hơn, nhưng đành phải nhờ đến anh, tạm chịu đựng ý kiến vớ vẩn của anh về quân tử hão. Anh không có tế bào xám nên không sử dụng được, ít nhất thì anh cũng có tai, mắt và nếu cần, cả mũi nữa. Vậy hãy sử dụng chúng trong phạm vi những quan niệm của anh về danh dự cho phép.
* * * *
Đến hôm sau, tôi mạnh dạn trình bày với Poirot một ý nghĩ nhiều lần thoáng qua đầu óc. Tôi vừa trình bày vừa thăm dò, vì không biết ông sẽ phản ứng ra sao:
- Tôi đã suy nghĩ. Tất nhiên tôi không phải con người xuất sắc, ông còn cho tôi là ngu ngốc nữa. Kể có phần đúng: tôi chỉ là một nửa con người của tôi trước kia. Từ khi vợ tôi mất...
Tôi ngừng lại. Poirot hầm hừ tỏ vẻ thông cảm. Tôi tiếp:
- Song tôi nghĩ, ở đây có một người rất cần cho ông. Có trí tuệ, óc tưởng tượng, có khả năng. Tính quyết đoán, nhiều kinh nghiệm. Đó là Boyd Carrington. Ông ta có thể giúp ích. Ông hãy trao đổi với ông ta, kể tất cả câu chuyện.
Poirot nhìn tôi một lúc rồi tuyên bố:
- Nhất định không.
- Tại sao? Ít nhất ông ta cũng thông minh hơn tôi.
- Hãy bỏ ý kiến đó đi, anh Hastings. Chúng ta không chia sẻ bí mật với ai hết, anh nên hiểu rõ điều đó. Tôi cấm anh không nói chuyện này với ai.
- Được rồi, vì ông muốn thế. Nhưng Boyd Carrington thực sự...
- Ô là la! Không hiểu tại sao anh mê Boyd carrington đến thế. Ông ta là cái gì? Một anh chàng tự mãn vì luôn được xưng tụng là "ngài" khi còn làm thống đốc. Tôi đồng ý hắn tế nhị và có duyên nhưng không có gì đặc sắc. Hắn hay lặp đi lặp lại, kể đến hai lần liên tiếp một câu chuyện, trí nhớ hắn lại kém đến mức tuôn ra mẩu chuyện mà chính anh đã kể cho hắn nghe mấy hôm trước. Một người xuất chúng hơn người thường ư? Đâu có. Một anh lải nhải đến chán tai, một quả bóng toàn hơi, một tên người nộm độn cát!
Đúng là Boyd Carrington có trí nhớ kém. Tôi chợt nhớ một lần ông ta bị hố, và Poirot có định kiến từ đó. Poirot kể cho ông ta nghe một câu chuyện từ thời ông còn làm ở Sở Cảnh sát Bỉ, thế mà chỉ hai hôm sau, lúc mọi người tụ tập trong vườn, Boyd Carrington kể lại đúng mẩu chuyện ấy cho Poirot khoe rằng nghe được từ một cảnh sát Pháp.
Tôi không nói gì hơn nữa, và rút lui.
Tôi đi xuống vườn. Không có ai. Tôi qua bãi cỏ và một bụi cây, trèo lên một mô đất trên đó có một nhà kính vốn để trồng rau nhưng nay đã tàn tạ. Tôi ngồi xuống ghế, châm thuốc và suy nghĩ.
Ở Styles này, ai có lý do để giết ai? Quả thực tôi không thấy có người nào. Phiền một điều, là tôi không có đủ thông tin về tất cả những người ở đây. Những động cơ nào xui khiến người ta giết người? Tiền bạc, ghen tuông, thù hận.
Boyd carrington có vẻ là người giàu có nhất ở đây. Nếu ông ta chết ai sẽ thừa kế tài sản? Một người nào hiện có mặt ở Styles? Không có khả năng ấy, dù sao cần phải làm rõ. Có thể ông ta để lại gia tài cho công việc khoa học và chỉ định Franklin là người thừa kế chính thức? Ghép với cái lý thuyết ngông cuồng của ông bác sĩ này cần thủ tiêu tám mươi phần trăm nhân loại, có thể đặt Boyd Carrington vào tình thế cực kỳ nguy hiểm.
Cũng có thể Norton, hay cô Cole là những họ hàng xa, sẽ thừa kế. Giả thuyết hơi gượng ép, song có thể xem xét.
Và đại tá Luttrell từng là bạn cố tri của Boyd Carrington biết đâu ông chả có tên trong danh sách kế thừa của ngài huân tước?
Tôi tính tiếp đến những giả thuyết lãng mạn. Bà Franklin đau yếu, nhưng đâu là nguyên do làm sức khỏe bà suy sụp? Bà bị chồng đầu độc từ từ chăng? Là bác sĩ, Franklin thừa sức làm việc đó. Nhưng động cơ là gì? Bỗng một nỗi lo âu kinh khủng thoáng qua óc tôi khi nghĩ Judith có thể dính vào chuyện này. Tôi có đầy đủ cơ sở để tin mối quan hệ giữa con gái tôi và Franklin hoàn toàn chỉ có tính nghề nghiệp. Nhưng liệu dư luận có tin như vậy? Một sĩ quan cảnh sát ngốc ngếch nào đó sẽ đặt vấn đề nghi ngờ. Xưa nay bao nhiêu cô trợ lý trẻ đẹp chẳng là nguyên nhân gián tiếp của những cuộc ám hại đó sao? Nghĩ thế, tôi phát hoảng.
Rồi tôi xét đến trườg hợp Allerton. Người nào có lý do để thủ tiêu anh ta? Nếu nhất định sẽ phải có một vụ giết người - như Poirot tin chắc - có lẽ tôi muốn Allerton là nạn nhân hơn là người khác. Có thể tìm thấy nhiều lý do để người ta muốn hắn chết. Cô Cole tuy không còn trẻ, vẫn là người đàn bà đẹp. Nếu tìm ra được cô ta đã từng là tình nhân của Allerton một thời gian nào đó, ta có thể nghĩ cô sẽ hành động vì ghen tuông. Nhưng chẳng có lý do gì để tin chuyện đó là thực. Vả lại, ta đang nghi Allerton chính là tên X bí ẩn kia mà...
Tôi lắc đầu sốt ruột. Rối như tơ vò. Có tiếng chân bước trên sỏi ở bên dưới, làm tôi chú ý. Đó là Franklin đang rảo bước về nhà, đầu cúi xuống, hai tay đút túi, nom vẻ mệt mỏi, buồn bã. Bây giờ tôi mới chợt nhận ra là ông ta có vẻ thực sự đau khổ.
Mải nhìn ông ta, bỗng cô Cole xuất hiện ngay gần mà tôi không biết.
- ồ, cô đến lúc nào mà tôi không nghe tiếng chân - tôi vội nói để giải thích sự giật mình.
Có liếc nhìn cái nhà kính, nhận xét:
- Một di vật từ thời Victoria để lại.
- Đầy những mạng nhện. Nếu cô cần ngồi, để tôi phủi bụi.
Tôi thầm nghĩ: đây là dịp để ta tìm hiểu hơn những con người ở đây. Vừa phủi bụi chiếc ghế gỗ tôi vừa liếc mắt quan sát cô bạn. Giữa băm nhăm và bốn mươi, mặt gầy nhìn nghiêng khá thanh tú, mắt rất đẹp. Cô có vẻ khép nép, luôn giữ thế. hẳn người đàn bà này đã đau khổ nhiều, do đó cảnh giác với cuộc đời. Tôi quyết tâm tìm hiểu nhiều hơn về con người này.
Lấy mùi xoa phủi bụi một nhát cuối lên ghế tôi nói:
- Xong! Không thể làm sạch hơn.
- Cám ơn ông.
Cô mỉm cười và ngồi xuống. Tôi ngồi bên cạnh. Cái ghế ọp ẹp nhưng may không làm sao. Cô Cole hỏi:
- Lúc tôi tới, ông đang nghĩ gì vậy? Có vẻ như đang suy tưởng ghê lắm.
- Tôi nhìn theo bác sĩ Franklin, tôi thong thả đáp.
- À ra vậy?
Tôi thấy không có lý do gì để không nói lên điều đang suy nghĩ:
- Và đột nhiên tôi cảm thấy ông ấy có vẻ không hạnh phúc.
- Thì đúng vậy còn gì? - Cô bạn bình thản đáp - bây giờ ông mới thấy ư?
Tôi hơi ngạc nhiên, lúng túng.
- Ơ... quả thật, không. Tôi cứ tưởng ông chỉ chú tâm đến công việc.
- Và sự thật cũng đúng là thế.
- Và theo cô, vì thế mà ông ấy khổ sở ư? Tôi tưởng trái lại, một người như ông ấy phải hạnh phúc lắm.
- Tôi không phản đối. Song với điều kiện là công việc không bị ngăn trở, được làm việc hết mình.
Tôi tò mò nhìn cô.
- Mùa thu vừa rồi, cô nói tiếp, bác sĩ Franklin được mời sang Châu Phi tiếp tục nghiên cứu. Ông ấy là nhà khoa học có tầm cỡ, từng có những công trình xuất sắc trong lĩnh vực y học nhiệt đới.
- Vậy sao ông không đi?
- Bà vợ phản đối. Bà cho mình không hợp với khí hậu bên đó, và không muốn ở lại Anh một mình. Với lại kinh tế sẽ eo hẹp , vì lương lậu bên đó không cao.
- Và ông ấy cho là mình không thể đi, do sức khỏe của vợ?
- Ông Hastings, ông hiểu về sức khỏe của bà ấy thế nào?
- Ồ, không rõ lắm. Chỉ biết là bà ốm, có phải không?
- Bà ấy thích được như thế.
Giọng nói sẵng của cô Cole làm tôi hiểu là cô không ưa bà Franklin, mà cảm thông với ông bác sĩ. Tôi ngập ngừng nói:
- Phụ nữ đau yếu thường dễ sinh ích lỷ.
- Phải rồi. người ốm - là tôi nói người ốm thực - thường tỏ ra hơi ích kỷ. Ta chẳng thể trách họ.
- Vậy cô cho là tình hình bà Franklin không có gì nghiêm trọng.
- Ôi, tôi kông dám khẳng định. Chỉ hơi nghi một chút thôi. Nhưng trường hợp nào bà cũng làm theo ý mình.
- Xem ra cô hiểu vợ chồng Franklin lắm? - Tôi thăm dò.
- Không đâu. Trước khi đến đây, tôi chỉ mới gặp họ một, hai lần. Những gì tôi nói là do con gái ông kể.
Lòng tôi hơi chua chát khi nghĩ Judith dễ dàng tâm sự với người lạ hơn với bố. Cô Cole nói tiếp:
- Cô Judith rất tận tụy với thầy, và rất không tán thành sự ích kỷ của bà Franklin.
- Cô cũng cho là bà ấy ích kỷ.
- Phải. Nhưng tôi thông cảm với bà, và cũng thông cảm với thái độ nhường nhịn của ông Franklin. Cô Judith cho rằng ông cứ nên nghiên cứu bất chấp mọi sự. Cô ấy là một nhà khoa học say mê.
- Tôi biết - Tôi nói giọng buồn bã. Và điều ấy đôi khi làm tôi lo. Có cái gì không... tự nhiên. Có thể tôi nói không rõ, song theo tôi, nó phải... con người hơn, phải sống vui, giải trí... yêu một hay hai đứa con trai. Dù sao, tuổi trẻ là thời gian vui chơi chứ không phải suốt ngày cúi xuống mấy cái ống nghiệm. Không, không hợp tự nhiên. Thời trẻ chúng tôi nô đùa, tán tỉnh nhau, cô biết đấy...
Một lát im lặng, rồi cô Cole thốt ra lời lạnh như băng:
- Không, tôi không biết.
Tôi chưng hửng. Vô ý thức, tôi đã chuyện trò với cô Cole như với người đồng tuế, nay mới chợt nhận ra rằng cô kém tôi dễ tới mười lăm tuổi. Tôi đã thiếu tế nhị mà không biết. Tôi định nói chữa, tôi đã ngắt lời.
- Không hề chi. Tôi nói thật lòng: tôi không biết. Tôi không hề có cái mà ông gọi là "tuổi trẻ", và không hề được "vui chơi".
Tôi không biết nói gì trước những lời chua chát đó, chỉ lí nhí một câu xin lỗi. Cô cười nhợt nhạt:
- ồ, không sao. Đừng thắc mắc gì, ta nói chuyện khác.
Tôi vội vã chuyển đề tài:
- Cô biết rõ những người khác ở đây?
- Tôi biết ông bà Luttrell từ lúc còn bé, nay thấy họ phải làm ăn thế này tôi thấy buồn. Buồn nhất là cho ông ấy, vì ông ấy rất tốt. Còn bà, thì bề ngoài thế thôi, chứ cũng dễ thương. Chỉ vì suốt đởi phải sống dè sẻn, eo hẹp nên bà mới sinh ra keo bẩn. Nếu ông luôn luôn phải tính từng đồng, thì rồi cũng thế thôi. Tôi chỉ không ưa bà ở chỗ cứ làm ra vẻ vồ vập.
- Còn ông Norton thế nào?
- Cũng chả có gì đáng nói. Ông ta tốt, hơi nhút nhát, và... có lẽ không sáng trí lắm. Vả lại ông ấy cũng không khỏe. Sống với mẹ, một bà mẹ đần độn và cáu kỉnh, đe nẹt con từng tí. Bà ấy chết đã được mấy năm. Ông ta mê chim, hoa và những thứ tương tự. Ông ta thật tốt, và nhìn được nhiều thứ.
- Nhìn qua ống nhòm?
Cô Cole cười:
- Tôi không nói thế. Chỉ muốn bảo là ông ta nhận xét nhiều thứ như một con người bình tĩnh, mực thước. Ông ấy khoan dung, biết quan tâm đến mọi người. Nhưng tính hơi... thiếu quyết đoán. Tôi nói vậy, không biết ông có hiểu không.
- Hiểu, tôi hiểu cô muốn nói gì.
Giọng cô lại trở nên chua chát:
- Các nhà trọ kiểu này, chủ đã là người trên đường tàn lụi, thì khách trọ cũng toàn những kẻ thất bại trong cuộc đời, mệt mỏi, chán nản.
Lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn. Đúng vậy thay! Chúng tôi ở đây là một mớ người đã tàn, tóc muối tiêu, đầu óc mông lung. Bản thân tôi cô đơn, chán chường, và người phụ nữ trẻ ở cạnh tôi lúc này cũng đầy chua chát và thất vọng. Bác sĩ Franklin bị ngăn trở trong công việc, vợ ốm. Chàng Norton hiền lành tập tễnh đi ngắm chim qua ống nhòm. Poirot đã một thời oanh liệt, nay là một ông già tàn tật.
Ngày xưa, khi tôi tới Styles lần đầu mọi sự đâu có thế! Tôi thở dài luyến tiếc.
- ông làm sao vậy? - Cô Cole hỏi.
- Không. Cô biết đấy, hồi trẻ tôi đã ở đây và tôi nghĩ đến sự tương phản giữa ngày xưa và ngày nay.
- Chắn hồi ấy, mọi người đều hạnh phúc.
Thật kỳ lạ, kỷ niệm xưa có vẻ như lẫn lộn, đan xen với nhau như hình ảnh kính vạn hoa. Và tôi nhận ra sự luyến tiếc của mình về quá khứ thực ra chỉ là vì tình yêu quá khứ, chứ không phải vì bản thân các sự việc. Vì, ngay hồi đó, làm gì có hạnh phúc thực sự ở Styles. Tôi nhớ lại từng người và thấy mọi người đều có những lo âu, ấm ức riêng. Và bây giờ cũng vậy. Tôi nói:
- Có lẽ tôi đã bị tình cảm lãng mạn ru ngủ. Thực ra, ở đây chưa ai hạnh phúc cả. Trước đây cũng như bây giờ.
- Con gái ông....
- Judith cũng không hạnh phúc.
Tôi nói những lời ấy mà không sợ sai. Không Judith không hạnh phúc.
- Hôm rồi Boyd Carrington nói với tôi rằng ông ấy cảm thấy cô đơn. Song xem ra ở đây ông có vẻ thích thú.
- Ngài William khác những người khác. Ông không thuộc loại người như chúng ta. ông đến từ bên ngoài, từ một thế giới thành đạt. Ông ấy đã có danh trên đời, và tự biết điều đó. Ông ấy không... tàn tật.
Tôi quay lại cô, ngạc nhiên:
- Sao lại cùng từ đó?
- Vì đúng sự thật là thế. Như tôi đây, tôi là một kẻ tàn tật.
- Có nghĩ là cô cũng không hạnh phúc?
- Ông chưa biết tôi là ai, có phải không? - Cô Cole bỗng hỏi tôi
- Ồ... tôi biết tên cô.
- Cole không phhải họ của tôi... Đó là... họ của mẹ tôi. Sau này tôi đổi lấy họ mẹ. Họ thực sự của tôi là licthfield.
Tôi không liên tưởng được ngay lập tức, chỉ cũng thấy cái tên cái quen quen thế thôi. Sau tôi nhớ ra, lẩm bẩm:
- Matthew Litchfield.
Cô gật đầu:
- Vậy là ông cũng biết. Bây giờ ông hiểu lúc nãy tôi muốn nói gì. Cha tôi là một người có bệnh và là một người tàn bạo. Ông không cho chúng tôi hưởng cuộc sống bình thường: cấm chúng tôi đi chơi, cấm không được có bạn, kể cả bạn gái. Không cho chúng tôi tiền tiêu, mặc dù ông rất giầu...
Cô ngừng lời, đôi mắt đẹp tối sầm xuống:
- Và thế là, chị tôi... chị tôi...
Cô lại ngừng.
- Cô khỏi nói, nói làm gì thêm buồn. Tôi biết chuyện rồi, do đó gợi lại những kỷ niệm đau đớn là cô ích.
- ông không thể biết hết đâu. Chị Maggie... Ôi, không thể tưởng tượng, không thể tin. Tất nhiên, chị đã tự ra nộp mình với cảnh sát, đã thú nhận hết. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể tin. Không hiểu tại sao, có vẻ như đó không phải là sự thật, mọi việc không thể xảy ra như chị đã khai báo.
- Cô muốn nói là các sự việc mâu thuẫn với lời nói của chị?
- Không, không. Đúng chị Maggie đã... Nhưng việc đó không hợp với tính chị. Không phải đúng là chị.
Môi tôi mấp mấy định nói mấy lời, nhưng lại thôi. Chưa phải lúc để tôi nói với cô Elizabeth Cole: "Cô nói đúng: Không phải là Maggie..."


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui