Tôi ngủ không ngon giấc. Gió đã nổi, một cơn gió to, dữ dội, như thể một lũ quỷ sứ đang la hét om sòm vậy. Suốt cả đêm tôi chỉ nghĩ đi nghĩ lại những sự việc với mọi ý nghĩa của chúng, nhưng chẳng được kết quả gì ngoài việc giờ tôi đang bị một cơn đau nửa đầu hành hạ.
Làm sao để có thể nói “tôi bị đau đầu” bằng một ngón trỏ nhỉ? Chắc là không thể. Thế nên cũng không có aspirin. Vậy là tôi đành phải chịu đựng những cơn đau âm ỉ, ngấm ngầm trên lông mày, rồi cả tiếng mưa rả rích, tiếng gió rú gào… Một bầu không khí thật tuyệt vời trong một bộ phim buồn thê thảm. Cửa ra vào bật mở:
-Thời tiết thật khiếp quá! Tôi bị ướt sũng hết! Tôi phải pha một cốc nước hâm thật nóng mới được.
Khiếp quá đi mất!
-Một cốc nước hâm cỏ đuôi ngựa… Nó sẽ làm cho chúng ta phấn chấn lên.
Khiếp quá, khiếp quá! Không, một ly rượu táo trắng cơ. Tôi muốn một ly rượu táo trắng cơ!
-Tôi đã mua báo để xem có tin gì mới không. Trên tivi người ta chẳng bao giờ đưa tin chi tiết cả.
Tốt, tôi hoàn toàn đồng ý.
-Xong rồi, tôi đã đun nước rồi. Xem nào… kính của tôi đâu rồi nhỉ?
Cháu chắc chắn là cô đang đeo cái cặp kính đó ở trên cổ như mọi khi ấy.
-Tôi thật dở hơi quá! Nó ở cổ tôi đây này.
Đấy thấy chưa! Cô Yvette bắt đầu lật giở từng trang báo và đọc:
-Lụt lội… người Séc ở vùng Bosnia… trận đấu bóng giữa đội tuyển Pháp và Bulgarie… dự án Vigipirate… phản ứng của nhà thờ… à, đây rồi. “Phải chăng Michaël Massenet đã bị sát hại trong căn lều gác rừng ở trong rừng? Người ta có thể đặt ra nhiều nghi vấn. Thật vậy, những phân tích nhanh chóng đã cho thấy những vết máu dính trên quần áo đàn ông được phát hiện trong căn lều (xem số báo ra ngày hôm qua) là máu của cậu bé Michaël. Còn bộ quần áo (gồm một áo săngđay bằng len màu xám, một chiếc quần jean, găng tay da màu đen), là của một người đàn ông cao khoảng 1,85m, cỡ 46, bàn tay to. Tất cả những gì chúng tôi có thể thông báo cho quý vị - theo thanh tra Yssart nói – là cuộc điều tra vừa có một bước tiến lớn”. Thế đấy, cùng với những thứ này, - cô Yvette nói, - chắc chắn là họ phải tìm ra hắn thôi. Nhất là khi họ chắc chắn tìm thấy những sợi tóc hay lông dính trên áo săngđay, bây giờ họ có nhiều máy móc chính xác lắm, chỉ với một sợi tóc thôi là họ có thể biết nhiều điều, tuổi tác, màu da, khối thứ ấy chứ. Ôi, hy vọng là họ sẽ tóm cổ được hắn. 1m85, gần bằng chiều cao của Stéphane. Đúng. Cao hơn Jean nhiều, còn cao hơn Paul nửa cái đầu nửa. Tôi đọc tiếp cho cô phần sau nhé: “Liệu những yếu tố mới này có cho phép đưa ra ánh sáng những tên giết người ở Boissy-les-Colombes mà đến nay vẫn chưa bị trừng phạt hay không? Ngày 11 tháng Sáu 1991: Victor Legendre. 13 tháng Tám 1992: Charles-Eric Galliano. 15 tháng Tư 1993: Renaud Fansten. 28 tháng Năm 1995: Michaël Massenet. Và ngày 22 tháng Bảy vừa rồi, đến lượt cậu bé Mathieu Golbert bị sát hại một cách tàn bạo. Một loạt tội ác mà cảnh sát hy vọng sớm giải quyết được”. Hy vọng là có nhiều chi tiết hơn trong số báo ngày mai. Tôi đi gọi điện cho Hélène đây, nhỡ đâu cảnh sát đã liên lạc với cô ấy rồi.
Cô Yvette đon đả đến bên điện thoại. Hélène đáng thương! Những vụ giết người mới và những lo âu kèm theo nó hẳn phải làm cho cô ấy nhớ đến cái chết của Renaud. Cứ như là một chuỗi các cơn ác mộng cứ lặp đi lặp lại không dứt ấy. Có lẽ với những ông bố bà mẹ khác có liên quan đến vụ án này cũng như thế. Điều tồi tệ nhất là trong tất cả những chuyện này có một tên sát nhân. Đằng sau cái mác “một kẻ ưa thích những trò tàn bạo”, luôn có một ai đó vẫn nói chuyện, vẫn ăn uống, đùa cười, vẫn làm việc như chẳng hề có chuyện gì xảy ra cả. Có một sinh vật có tính người có khả năng bóp cổ một đứa trẻ và móc mắt hay moi tim của nó. Tại sao ông Yssart lại kể những chuyện đó cho tôi nghe chứ? Có lẽ tôi không cần biết những chuyện đó!
-Thanh tra Gassin đã đến thăm họ. Anh ta yêu cầu họ ngày mai qua xem những bộ quần áo, nhỡ đâu họ lại nhận ra chúng. Bố mẹ của bọn trẻ đã được triệu ập đến gặp thẩm phán, bà Blanchard. Anh ta cũng hỏi tên tất cả bạn bè của họ, những người có thể trả lời về những dấu hiệu nhận dạng mà báo chí đã đưa. Tất cả bọn họ đều nhắc tới cái tên Stéphane. Hélène có vẻ rất mệt mỏi. Cô ấy nói với tôi là cô ấy rất muốn mọi chuyện nhanh chóng kết thúc. Đấy, tôi hiểu cô ấy lắm.
Năm vụ giết người trong năm năm. Victor, Charles-Eric, Renaud, Michaël, Mathieu. Trong năm vụ đó chỉ có bốn đứa bé trai bị làm biến dạng một cách dã man. Một khoảng cách dài giữa những vụ án, cho đến thời gian gần đây. Từ năm 93 đến 95 chẳng có gì xảy ra, bỗng dưng giờ đây… Chuyện gì đã xảy ra trong sáu tháng vừa rồi? Phải chăng cỗ máy giết người do chạy quá tải nên đã bị rối loạn, hỏng hóc? Tại sao? Có phải là vì tôi gặp Virginie? Đúng. Virginie là một chìa khóa, nhưng tôi không biết phải tra nó vào ổ khóa nào. Còn những bộ quần áo đàn ông bị bỏ lại trong căn lều gác rừng? Hung thủ hẳn phải đoán được là người ta sẽ tìm thấy chúng ở đó. Ai đã gọi điện cho cảnh sát? Một cú điện thoại nặc danh… Cú điện thoại đó có thể do ai thực hiện? Do một ai đó đã nhìn thấy hung thủ đi vào lều? Hay là của ai đó có thể vô tình đã phát hiện ra bộ quần áo nhưng không muốn liên quan đến một vụ giết người? Thật là bực mình khi không thể nói ra những câu hỏi đó. Tôi mong sớm đến ngày mai để biết bà thẩm phán muốn biết những gì.
Cái ngày hôm nay như không bao giờ kết thúc mất! Tôi đang cố chịu đựng. Trời thậm chí còn không mưa nữa. Ông Jean Guillaume đã mang đến cho cô Yvette hai con cá hồi rất ngon mà chính tay ông câu được. Giờ thì cả hai đang chơi bài belote. Tôi nghe thấy tiếng họ cười vui vẻ. Cô Yvette nói với tôi là ông Guillaume nom giống người anh họ Léon của cô. Tôi vẫn nhớ người anh họ Léon của cô, một người lái xe tải đường trường rất khỏe mạnh với cái đầu rất đẹp của người Pháp những năm 1900. Hình ông có trong tất cả những bức ảnh gia đình của cô Yvette cho đến khi ông bị chết trong một vụ tai nạn trên đường cao tốc gần Liège. Tôi luôn nghi rằng cô Yvette có chút cảm tình với anh họ Léon của mình, một người rất hay cười đùa. Tôi biết ông Jean Guillaume là người không cao to, cô Yvette đã nói với tôi điều đó. Tôi dán cái đầu của ông anh họ Léon với thân hình nhỏ con của vận động viên cử tạ và cứ chơi mãi cái trỏ đó. Tôi chờ tiếng chuông điện thoại, hy vọng Hélène gọi điện cho chúng tôi.
Tiếng cô Yvette:
-Mấy giờ rồi?
Ông Jean Guillaume:
-Bốn giờ…
-Tôi phải đi đón cháu Virginie ở trường nếu bố mẹ của nó chưa kịp trở về.
-Tôi không muốn ở vào vị trí của họ. Đến lượt tôi vơ bài. Tôi tự hỏi tại sao mà bà thẩm phán lại phải triệu tập tất cả mọi người… Anh ta không nói gì cho bà biết hả, anh thanh tra ấy?
-Chúng tôi chẳng gặp lại cậu ta nữa. Cẩn thận này, tôi ăn bài đây.
-Một người có thể gặp phiền toái chính là cậu Migoin. Anh ta có dáng người chuẩn, vạm vỡ, tay thì to như cái vồ ấy, và anh ta có mặt ở đó khi Elise bị ném xuống nước… Tôi không muốn ở vào địa vị anh ta lúc này đâu.
-Stéphane? Ông đang nói đùa à? Tại sao lại là Stéphane chứ? Thêm nữa, anh ta cũng không biết những đứa trẻ kia…
-Một người đã từng làm công trường thì có thể đã đi khắp nơi rồi. Người ta nói với tôi rằng anh ta chính là người xây nhà cho gia đình Golbert. Bởi vì cũng có những chuyện ngồi lê đôi mách hồi đó như vậy mà, nhưng cũng không nên tin lắm. Nó đây rồi, át, bà thật là ghê đấy!
-Trên radio họ nói là đang tìm một chiếc break màu trắng hoặc màu kem, còn Stéphane thì lại có một chiếc BMW màu xanh thẫm.
-Ừm, tôi biết, nhưng mà mấy chiếc xe hơi ấy, chúng cũng có thể thay đổi được chứ.
Một đoạn phim thuật lại cảnh quá khứ: “Ôi nhìn kìa, Stéphane, đấy, ngồi trong chiếc CX màu trắng! – Anh ta không có xe CX, mà anh ta có một chiếc BMW”. Stéphane…, người đã gọi điện cho tôi nói là anh ta có nhiều kẻ thù và mọi người chắc chắn sẽ nói “này nọ” về anh ta. Stéphane…, người mà tôi không thấy “minh bạch” ngay từ đầu. Hãy tin vào trực giác của bạn, các chuyên gia tâm lý đã nói vậy. Tôi tin, tôi tin vào trực giác của mình, tôi tin, tôi không tin.
***
Cô Yvette đã đi đón Virginie. Jean ngồi trên tràng kỷ ở gần tôi. Ông ta thở dài:
-Tất cả những chuyện tồi tệ này, dù sao cũng… Còn cô, Elise đáng thương của tôi, cô ổn chứ?
Tôi giơ ngón trỏ lên.
-À, hôm qua tôi đã nghĩ tới cô, khi đi ngang qua nhà Romero.
Romero là người bán những thiết bị cho việc cấp cứu hay thiết bị cho người tàn tật.
-Họ đang bán một chiếc ghế đẩy chạy bằng điện. Hiện giờ khi cô có thể cử động được ngón tay của mình, cô cũng có thể tự điều khiển được nó một mình. Chỉ cần bật cái công tắc điện. Cô có muốn tôi nói với bà Yvette để bà ấy nói với chú cô không?
Một chiếc xe đẩy chạy bằng điện? Chắc là tôi sẽ làm nó chạy lung tung khắp nơi mất! Nhưng nếu tôi học cách điều khiển nó chỉ chạy trong nhà thôi… Lạy Chúa, có thể, có thể là… một cuộc cách mạng!
Tôi giơ ngón trỏ.
-Cô có lý đấy. Cô không thể ở mãi một chỗ như vậy, cứ như là một con búp bê bằng giẻ ấy, chỉ chờ được chữa khỏi bệnh… Tôi tin chắc là người ta có thể chế tạo ra rất nhiều thứ để làm cho cuộc sống của cô dễ dàng hơn.
Thật tuyệt vời ông Jean Guillaume với cái đầu của ông anh họ Léon! Thế mà có lúc tôi lại nghi ngờ ông ấy là kẻ giết người. Nào, làm đi, làm đi, hãy cho tôi thoát ra khỏi cái đường hầm tối đen này, nơi mà tôi đang chết gí ở trong này.
***
Virginie đang xem tivi. Tôi nghe thấy những tiếng kêu ăng ẳng, những tiếng kêu the thé, tiếng ồn của những trận chiến giữa các vị tinh tú. “Không được để chúng thoát khỏi chúng ta. – Thưa đại tá, chúng tôi không thể tăng độ nóng cháy của nitroglycerin(2), chúng ta phải nhảy ra thôi”.
Big, bang, pụp, pụp…, ông Jean đang giúp cô Yvette mổ cá hồi. Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?
Có tiếng chuông cửa. Cuối cùng thì cũng có người đến.
-Đây rồi, tôi ra ngay đây! A, chào cô Hélène, chào Paul! Mọi người vào đi, Virginie đang xem phim Intergalactics. Thế nào, mọi chuyện thế nào? Anh chị có muốn uống chút gì không?
-Tôi muốn uống một cốc bia, nếu bà có bia. Tôi đang chết khát đây. – Paul trả lời.
-Đúng là lâu quá…, nhưng cuối cùng thì bà thẩm phán cũng có vẻ rất tốt… Tôi chỉ muốn một cốc nước thôi. – Hélène nói.
-Ngồi xuống đi, tôi xong ngay đây. Jean đang bận làm cá. Ông ấy mang đến hai con cá hồi tuyệt vời.
-Chào cô, Elise.
-Chào Elise.
Tôi giơ ngón trỏ.
Họ ngồi xuống, Paul thở dài. Có ai đó đang bẻ ngón tay.
-Đây rồi, đây rồi. Hy vọng là bia còn đủ lạnh. Thế nào?
Tôi dỏng tai lên lắng nghe. Paul hẳn là đã uống hết một hơi dài, tôi nghe thấy tiếng anh ta nuốt, sau đó anh ta trả lời:
-Bà thẩm phán sẽ ra lệnh, hừm… khai quật… hừm, khai quật tử thi. Bà ấy cho rằng, vì lúc đó người ta chưa nghĩ tới việc kết nối các vụ án lại với nhau, nên cần phải tiến hành lại việc mổ xác. Lúc đấy không ai nghi ngờ gì cả, tất nhiên rồi, nhưng còn biết làm gì đây bây giờ?
-Khai quật tử thi? Ôi…, nhưng mà… rõ ràng là…
-Họ nghĩ là, - Hélène cắt lời, - là Michaël đã bị sát hại ở gần sông và hung thủ đã đi thay quần áo trong căn lều gác rừng. Vào thời gian đó trong năm, căn lều đó bị bỏ không.
-Nhưng… làm sao mà có người lại biết được hắn? – cô Yvette hỏi.
-Bởi vì có ai đó đã trông thấy hắn. Có ai đó đã sợ hãi và đã im lặng. Như vậy đấy! – Paul uống nốt cốc bia và nói.
Phải chăng đó là Virginie? Không, cảnh sát hẳn phải phân biệt được giọng của một đứa trẻ với giọng của một người lớn chứ… Như vậy phải có ai đó biết rõ mọi chuyện?
-Có thể là một kẻ lang thang lúc ấy đang tìm chỗ trú ẩn trong căn lều đó và hắn đã phát hiện ra bộ quần áo. – ông Guillaume nói trong tiếng lép bép của mỡ rán cá.
-Một tên du đãng chắc là không báo tin cho cảnh sát đâu. – Hélène nói, giọng mệt mỏi.
Tóm lại, mọi người đang quay lòng vòng. Giá mà ông Yssart ngớ ngẩn này có thể đến thăm tôi, ông này lúc nào cũng chỉ xuất hiện vào những lúc mà tôi không muốn…
Khai quật tử thi… Cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng tôi. Những bàn tay nhỏ nhợt nhạt, nắp quan tài bị bật ra từ dưới đất ẩm, những thi thể bị thối rữa, những mụn quần áo rách, những lọn tóc vương vãi trên những khuôn mặt gầy quắt queo lồi lên những chiếc xương. Dừng lại ngay Elise, không được nghĩ về chuyện đó. Không nghĩ về chuyện đó nữa.
-Thật là bất hạnh. Hy vọng là người ta sẽ sớm bắt được hung thủ. – cô Yvette thở dài.
-Đáng tiếc là họ chưa bắt được hắn. – Paul càu nhàu. – Thôi chúng tôi đi đây, tôi có việc bị muộn rồi.
-Đúng rồi, đừng để bị muộn nhé… À thế khi nào thì… chuyện đó ấy…
-Việc khai quật à? Sáng ngày kia. – Hélène trả lời. – Nào Virginie, con lại đây, chúng ta đi thôi.
-Đã đi rồi á? Nhưng phim còn chưa hết…
-Nhanh lên và đừng lằng nhằng nữa!
-Chào cô Elise, tạm biết bà Yvette. Tạm biệt ông Jean.
Con bé gọi ông Jean Guillaume là “ông Jean”. Mọi người đều chào tạm biệt. Chỉ còn lại mỗi “cái giỏ khoai tây” là vẫn ngồi ở chỗ của mình, đâm chiêu suy nghĩ. Chẳng có gì đúng trong chuyện này cả. Không có gì trùng hợp cả. Như thể có ai đó đã làm rối tung các hướng điều tra. Hẳn là phải có ai đó có cái nhìn bao quát trong trò chơi xếp hình và sắp xếp các mẫu gỗ sao cho không ai có thể xếp chúng khít vào nhau.
-Paul thật đáng thương! Tôi không muốn ở vào địa vị của cậu ta đâu. Cứ nghĩ đến chuyện người ta sẽ đào xác con trai mình lên… - ông Guillaume nói vọng ra từ trng bếp.
-Thôi ông đừng nói nữa, nó làm tôi rùng hết cả mình đấy. Cô có thất thế không hả Elise?
Tôi giơ ngón trỏ.
-Khỏi phải nói, vẫn có đầy người phải chịu bất hạnh trên trái đất này đấy thôi. – cô Yvette nói tiếp.
Tôi chỉ còn có thể tán thành với ý kiến đó.
-Trông cậu ta già nhanh quá. – ông Guillaume nói – Lúc này cậu ta cứ như già đi mười tuổi ấy.
Tôi không thể ngăn mình tự hỏi tôi cảm thấy gì nếu người ta nói với tôi là người ta sẽ đào mộ của Benoît lên. Tôi không có mặt ở bên anh khi Benoît rời bỏ tôi, người ta đã chôn Benoît khi tôi không ở đó. Benoît vẫn mãi là người đàn ông luôn mỉm cười dưới bầu trời đầy mây ở đất nước Ái Nhĩ Lan, là người đang phải chịu số phận của một cái xác quắt queo với những con giun đang làm công việc của mình. Thật quá bất công! Nhiều khi tôi muốn phá vỡ cái thế giới này trong lòng bàn tay như bóp vỡ một cái cốc vậy, và để ình bị chảy máu.
-Elise có ăn được cá hồi không?
-Tôi sẽ nghiền một ít cá với khoai tay cho cô ấy…
Này, đấy là món patê cho lợn đấy.
Tối hôm nay tôi có cảm giác mình có tâm trạng thật tồi tệ.
***
Thế là tôi đã có nó rồi! Một chiếc xe đẩy chạy bằng điện. Tôi ngồi trên ghế như là một bà hoàng ấy. Sáng hôm qua cô Yvette đã gọi điện cho chú tôi và ngay buổi chiều hôm đó, người ta đã chuyển cho tôi chiếc xe này. Jean bắt tay vào công việc giúp đỡ tôi và suốt từ sáng đến giờ, ông ấy là của tôi. Một chiếc ghế có thể đi tới đi lui một mình. Và, còn một điều kỳ diệu trong các điều kỳ diệu nữa, đó là việc tôi có thể làm cho ghế chạy mà không cần phải nhờ đến ai cả, chỉ việc ấn cái nút nhỏ thành hình chữ thập, trước, sau, phải, trái. Ngay lúc này tôi có thể ấn vào nút trước và sau, còn nút phải và trái thì hơi khó. Ông Raybaud thì thấy rằng thiết bị này chỉ có thể làm cho chức năng vận động tay của tôi trở nên dễ dàng hơn thôi và ông vẫn khuyến khích tôi phải kiên trì. Cứ như là tôi làm điều đó để làm ông ta thấy dễ chịu vậy. Dù sao thì… Vậy là tôi áy chạy, tôi cho xe tiến lên và lùi xuống trong phòng khách (cô Yvette đã sắp xếp các đồ đạc lại gần tường) và tôi phải nói rằng, khi người ta phải sống phụ thuộc vào lòng tốt của người khác từ nhiều tháng nay thì thật là tuyệt vời khi giờ đây có thể tự mình di chuyển được, ngay cả khi chỉ là tiến lùi được có ba mét trên sàn nhà mà thôi.
Ngoài việc đó ra, trong khi tôi đang vui thích với món đồ chơi mới của mình thì cảnh sát đang tiến hành khai quật xác bọn trẻ, trong sự chứng kiến của một người trong các gia đình. Tôi đoán rằng Paul là người phải đến đó. Chắc các ông bố khác cũng vậy.
Một vòng tròn những người đàn ông, ánh mắt khô khan, cổ họng ức nghẹn, đứng trong gió lạnh nhìn những người đào huyệt đang ấn những nhát xẻng xuống đất. Khốn nạn! Theo như cô Yvette nói thì trời rất đẹp. Cô ấy để cửa sổ mở, và mùi của đất ẩm mùa thu bốc lên. Hình như là những người đào huyệt có đeo khẩu trang, như là những bác sĩ phẫu thuật ấy, không phải vì sợ mùi ẩm mốc mà vì sợ chướng khí. Chướng khí lên men trong các quan tài. Thỉnh thoảng vẫn có chướng khí bốc lên. Nhưng tại sao tôi cứ bị dẫn dắt bởi những suy nghĩ đó chứ? Trước, sau, sau, trước, tôi không muốn hình dung ra cái nghĩa địa ấy, tôi không muốn nghĩ về những cái xác bị quắt lại nữa, trước, sau, trước, sau…
-Cô sẽ đào được một cái rãnh mất thôi!
Ồ đúng rồi, cô Yvette tốt bụng của cháu, sau, trước, một cái rãnh, một cái hào, một cái hố, rồi một cái huyệt mộ. Thôi nào, dừng lại ngay!