Thần Chiến Triều Trần

Bốn người, bốn ngựa đi với tốc độ thần tốc. Tuy nhiên do trước đó con Đông A Xích Thố làm loạn mất quá nhiều thời gian nên phải đến cuối giờ chiều, cả đoàn mới về đến phủ Đông Đô, ngoại thành Thăng Long. Trời mới vào đông chuyển tối nhanh chóng. Hoàng hôn như đứa trẻ tinh nghịch đang dát vàng đường đất thì bị màn đêm giống mụ đàn bà thành thục giành mất chỗ, ôm trọn lấy đất trời vào lòng.

Mọi người vốn định cố sức về đến Thăng Long rồi nghỉ ngơi luôn thể nhưng bóng tối ập đến quá nhanh, chả mấy chốc khắp nơi đã một màu đen kịt. Ngựa Hồng Mao thuộc tính trời sinh phải được hấp thụ ánh dương ấm áp nay bốn bề tù mù thì ngựa xuống sức rất mau. Chỉ mỗi con Đông A Xích Thố còn hung hăng chứ ba con Hồng Mao còn lại thì ra chiều mệt mỏi, thở phì phò. Cũng may khi đó đã vào đến đầu một ngôi làng, tất cả liền xuống ngựa dắt bộ vào trong tìm chỗ nghỉ.

Bước qua chiếc cổng bề thế được làm theo lối tam quan, con đường đất trải ra trước mặt cả bọn. Cơn gió lớn thổi hơi nước từ dưới con sông gần đó lên, mang theo cái lạnh se sắt. Mọi người đang khẽ rùng mình vì đợt giá rét thì Bạc Nương kêu lên một tiếng thất thanh rồi chỉ vào khoảng đất trống mênh mông bên tay tả con đường.

- Cái… cái gì kia?

Cả bọn nhướng mắt lên nhìn theo hướng tay Bạc Nương. Chỉ thấy đây là một khu đất trải dài ra đến sát bờ sông, rộng hàng mấy chục mẫu. Trên khu đất lạ thay không phải các ruộng lúa trơ trọi sau khi qua vụ mùa mà là vô số các mái lều lợp tranh lụp xụp. Bên trong lều là các gò lớn, phồng ở đầu, dài ở đuôi, trông từ xa như nong tằm khổng lồ. Không những bên tay tả mà ngay cả bên tay hữu cũng có lác đác các gò đất như vậy. Nhật Duật sau một hồi quan sát cẩn thận liền cười lên một tràng.

- Các gò dưới kia là các lò gốm. Hóa ra đây là làng làm gốm.

Bọn Vi Mai và Ngô Soạn nghe vậy liền “à” lên một tiếng. Bạc Nương từ nhỏ ở trên núi cao chưa từng xuống vùng đồng bằng, đồ dùng trong nhà cũng toàn bằng gỗ hoặc sắt nên nghe thấy tên “làng gốm” thì chỉ biết mở to mắt ra ngạc nhiên chứ không rõ đó là thứ gì.

Mọi người cứ lầm lũi đi theo con đường đất vượt qua khu lò gốm thì bắt gặp một lũy tre to như dấu hiệu thông báo đã vào nơi dân cư. Quặt qua lũy tre, con đường đất được thay thế bằng con đường lát đá xám. Nhà cửa hiện lên san sát, toàn bộ đều được xây bằng gạch đỏ và lợp mái ngói vẩy cá. Nhiều nhà còn đắp tường đất cao vây quanh thay thế cho hàng rào bằng phên, nứa. Ngô Soạn thấy làng này trù phú như vậy thì tấm tắc khen.

- Không ngờ mới mấy năm không qua lại chốn kinh kỳ mà nơi đây đã thay đổi vượt bậc. Ngay cả một ngôi làng ngoại thành cũng quá sức khang trang.

Vi Mai và Bạc Nương ngó Đông, ngó Tây, tỏ ra hết sức tò mò với lối kiến trúc nhà cửa kiên cố san sát nhau. Trên vùng cao nơi các nàng ở thì nhà sàn vốn chỉ được lợp bằng các tấm gỗ hoặc tấm phên, lại nằm giữa vùng đồi núi cây cối heo hút chứ đào đâu ra cảnh gạch ngói tầng tầng lớp lớp. Ngay Nhật Duật cũng thấy ngạc nhiên, ngôi làng lớn như vậy ở gần Thăng Long mà chàng không hề biết tới. Thật không ngờ chỉ trong vòng hai năm trấn thủ nơi miền ngược mà vùng kinh kỳ đã biến đổi khác hẳn.

Bốn người tiếp tục đi vào trong làng, nhưng càng đi càng thấy kỳ quái. Trái ngược với vẻ trù phú, phồn thịnh của nhà cửa và khu lò gốm là cảnh im ắng và vắng vẻ bóng người trên con đường đá xám. Ngôi làng bày ra một sự lặng lẽ và trống trải đón tiếp những người khách mới tới. Không có ánh đuốc, ánh lửa, không cả tiếng khóc, tiếng cười. Cả làng như vừa trải qua cuộc di tản khẩn cấp.

Đi qua một khu bề thế, chợt cả bọn nghe thấy tiếng nói xôn xao và ánh đuốc hừng hực. Bốn người cả mừng liền đi về hướng đấy. Quặt qua mấy nóc nhà ngói, bọn họ thấy dưới sân gạch rộng mênh mông của mái đình cong vút có mấy trăm người tụ họp, đuốc đốt sáng trưng như ban ngày. Bên ngoài dãy hàng rào cọc tre của khu đình là một lũ người đông đúc chủ yếu gồm người già, phụ nữ và trẻ con đang đứng lố nhố, thập thò nhìn về phía ánh đuốc nhưng không dám lại gần.

- Thưa cụ, làng mình đang có chuyện gì quan trọng phải không? - Nhật Duật tiến tới hỏi một bà già đang cố gắng kiễng chân chống lại cái sự gù lưng của mình để nhìn qua tường rào, quan sát sự kiện diễn ra trên sân đình.

Bà lão nghe hỏi thì giật mình, miếng trầu đang nhai bóp bép rơi đánh “bạch” xuống nền đất.

- Bẩm ông… ông, ngài hỏi gì lão ạ?

Nhật Duật cười, nhắc lại:

- Thưa cụ, chẳng hay trong làng mình đang có chuyện gì quan trọng mà đông người tụ tập tại đình làng thế kia?

Bà lão nghe hỏi thế thì trố mắt nhìn chàng như quái vật. Có vẻ như bà không mấy khi được người khác đối xử lễ phép đến thế.

- Ông… ngài không biết à? Vào ngày rằm là làng Mộc Miên chúng tôi có tục thỉnh thành hoàng, mời ngài về ban phép và chỉ đường dẫn lối cho dân làng.

- Làng này tên là làng Mộc Miên(1) sao?

Lúc mới vào do trời nhá nhem tối, nên cả bọn không ai để ý đến những cây to được trồng xung quanh làng. Nay định thần nhìn kỹ mới biết các cây đó đều là cây gạo. Tiết trời vào đông tước hết hoa, lá trên cây, biến các cành thành những cánh tay gày gò, khẳng khiu vươn lên đâm thủng nền trời đen thẫm.

- Thành hoàng làng này chắc linh lắm ạ? - Nhật Duật lại hỏi tiếp.

Bà lão gật đầu, đáp:

- Thành hoàng làng là thần Mộc Miên trú trong cây gạo cổ thụ mọc giữa gian chính của đình làng. Cả cái làng này xây xung quanh cây thần đấy. Trước nay thì thần ít hiển linh nhưng từ dạo dân làng đổ bệnh lạ thì thần hay về cứu chữa lắm. Hễ cứ rằm với mùng một là thần lại về.

- Dân làng mình đang bị bệnh gì sao? - Nhật Duật tò mò hỏi.

- Phải, phải. - Bà lão gật đầu lia lịa, nét mặt bỗng chuyển qua nhăn nhó.

- Thế là bệnh gì vậy? - Trông bộ dạng bà lão, Nhật Duật thấy kỳ lạ, hỏi tiếp.

- Bệnh khó chịu, khó chịu lắm. Chết thật, lại đến giờ phát tác rồi. - Bà lão dáng vẻ càng lúc càng khó coi hơn. Bà ôm bụng, gập người, lật đật chạy vào trong sân.

Nhật Duật quay sang bảo mọi người:

- Chúng ta lại gần chỗ đình xem sao.

Vi Mai nghe thế thì cau mày, nói:

- Bây giờ chỉ cần một chỗ nghỉ tạm để mai phải vào thành sớm, vương lại lắm chuyện làm gì vậy?

Nhật Duật cười, nói.

- Lần này về Thăng Long là để điều tra Hắc Hổ. Làng này có sự lạ thì cũng nên xem xét cẩn thận, biết đâu lại có liên hệ với nhau. Thà đa nghi một chút còn hơn bất cẩn bỏ qua.

- Trước giờ ta chỉ nghe nói thần cây đa, ma cây gạo chứ chưa bao giờ biết đến thành hoàng nào trú trong cây gạo cả. Ngô Soạn ta cũng muốn tìm hiểu việc này cho kỹ càng. Hơn nữa dân làng đang bị bệnh lạ, chúng ta không thể bỏ mặc.

Vi Mai thấy mọi người bàn thế thì không nói gì thêm. Cả bọn liền buộc ngựa vào gốc cây gần đấy rồi bước vào trong sân đình.

* * * * *

Giữa cái sân to lát gạch đỏ, đuốc đóm sáng rực như sao sa. Các hương chức(2) của làng mũ áo chỉnh tề quỳ lạy trước một bàn đầy cỗ lớn đặt ngay giữa cửa tam quan của gian chính.

- Chúng con xin kính thỉnh đức ngài đại thần Mộc Miên cai quản sáu cõi nhân gian, ân đức bao trùm bốn bể. Xin đức ngài về cho chúng con hầu hạ!

Hương chức mặc áo dài xám, đầu vấn khăn xám quỳ chính giữa đọc lớn đoạn dập đầu cồm cộp xuống thềm gạch. Đám hương chức phía sau liền quỳ mọp theo, cùng đồng thanh hô:

- Xin đức ngài về cho chúng con hầu hạ!

Vi Mai nghe vậy thì bĩu môi:

- Có chức thành hoàng nhỏ nhoi mà cũng đòi quản cả sáu cõi nhân gian cơ à?

Nhật Duật quay sang nàng “suỵt” một tiếng. Bọn dân làng quỳ lố nhố xung quanh đã có vài người ngẩng đầu nhìn về phía bọn họ.

- Thỉnh đức ngài Mộc Miên về cho chúng con hầu hạ! - Hương chức áo xám lại hô tiếp, cả làng đồng thanh hô theo lão. Giọng bọn họ trầm bổng trong không khí quyện với khói hương và khí lạnh bốc lên từ nền gạch ẩm tạo ra một thứ quang cảnh thờ cúng tràn đầy tục khí.

- Thỉnh đức ngài Mộc Miên về cho chúng con hầu hạ!

Giọng hô của cả làng càng ngày càng khẩn trương hơn. Dường như có chút run rẩy thốt ra từ đám đông dân làng.

- Thỉnh đức ngài Mộc Miên về cho chúng con hầu hạ!

Lần này giọng hô lẫn cả tiếng thét, tiếng khóc thút thít, tiếng kêu rên rỉ. Trong đám dân làng nhiều người ôm bụng ngã vật ra đất, tỏ ra đau đớn cùng cực. Quang cảnh đang từ trang nghiêm, thành kính đã nhanh chóng chuyển qua hỗn loạn.

- U u u ồ ồ ồ…

Gió đột nhiên thổi to, hương khói bốc lên ngùn ngụt phủ kín sân đình, mọi thứ trở nên mông lung kỳ lạ. Hoa gạo bỗng xuất hiện ngập tràn không trung, tô đỏ thắm các cành cây khẳng khiu, gầy gò thành các bó đuốc khổng lồ rực cháy trên cao. Một cơn gió vi vu lướt qua, lác đác vài cánh hoa rụng xuống đám người bên dưới. Đám đông bỗng trở nên ầm ĩ, hỗn loạn. Dân làng giành giật, tranh nhau từng bông hoa gạo. Người này chộp, người kia cướp, kẻ chạy, kẻ đuổi náo loạn cả góc đình.

* * * * *

* Chú thích:

- (1) Mộc Miên: là tên Hán Việt của cây gạo.

- (2) Hương chức: để chỉ các chức sắc trong làng thời xưa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui