Thần Kiếm Kim Thoa

Bên Động Đình hồ hùng vĩ, từ một góc cao lâu, chu lan lòa xòa soi bóng xuống mặt hồ xanh ngắt, đó chính là Nhạc Dương lâu với truyền thuyết “Tam Túy Lã Động Tân” đã lừng vang khắp thiên hạ.

Ngôi tửu lâu với cột xà chạm khắc tinh vi, mái cong cao vút, những hàng hiên tao nhã, quả là khí phái ý vị vạn phần!

Nếu bên cạnh có thêm một vài tri kỷ ngồi tựa lan can cùng uống danh trà chiêm ngưỡng cảnh Động Đình hồ trăm dặm khói sương, luận bình thơ phú cổ kim thì thật là một tuyệt thú chốn trần gian, có thể quê hết mọi sự đời!

Lúc ấy chừng quá ngọ, chợt nghe có tiếng vó ngựa tiếng lại gần.

Khoảnh khắc sau, hai con bạch mã đã dừng vó trước Nhạc Dương lâu dựng hai chân trước hí vang.

Hai con ngựa hoàn toàn giống nhau, cả vóc dáng lẫn hình thức, lông trắng như tuyết không một sợi pha tạp, đều là loại thần câu thiên lý mà bất cứ người sành sỏi nào cũng đều ao ước.

Trên mình ngựa là một đôi nam nữ thiếu niên.

Nam nhân ăn vận theo lối thư sinh, bạch y phơ phất, diện mạo rất anh nhi tuấn tú.

Nữ nhân bận cẩm y màu hồng, dung nhan cực kỳ kiều diễm, trông rực rỡ như một đóa hoa hồng.

Cả hai buông lỏng dây cương, đưa mắt ngắm nhìn cảnh vật, thần thái trông rất du nhàn.

Đôi nam nữ tuổi chỉ mới mười bảy mười tám, cả dáng người lẫn vẻ mặt đều giống nhau như hai giọt nước, chắc hẳn là một đôi huynh muội song sinh. Giá như không phải một người bận nam trang thì người ta đều tin rằng đó là đôi tỷ muội, hơn nữa còn không sao phân biệt được đâu là chị, đâu là em.

Đến trước tửu lâu, cả hai cùng xuống ngựa trao dây cương cho một tên tiểu nhị vừa ra đón sai bảo hắn chăm sóc tử tế rồi rảo bước lên thẳng thượng lâu.

Bấy giờ mới nhận ra hai huynh muội đều mang trường kiếm với tua màu trắng và màu hồng giống như y phục của từng người.

Ánh nắng chiếu lên thanh kiếm sáng quắc, chỉ nhìn qua cũng biết không phải loại tầm thường.

Thực ra trong thời buổi này việc các vị công tử, ngay cả những cô nương đeo kiếm chẳng phải là hiếm thấy. Điều đó chưa đủ chứng tỏ họ là người biết võ công mà nhiều khi được dùng như là một vật trang sức mà thôi.

Thông thường ở Nhạc Dương lâu vào thượng ngọ rất đông khách đủ giới từ tao nhân mặc khách, người trong võ lâm cho đến thương nhân và cả thị dân, ngư tiều canh mục.

Sau giờ huyên náo đó, tới trung ngọ thì phần lớn đã tản đi, đến hạ ngọ thì còn lại rất ít.

Hôm nay cũng thế, trên thượng lâu rất yên tĩnh.

Bạch y thư sinh và hồng y thiếu nữ chọn chỗ ngồi ở mái hiên, gọi một bình trà ngon vừa thưởng thức vừa ngắm cảnh hồ.

Động Đình hồ bao la ngút tầm mắt, những cánh buồm xa hút trong sương khói như đang chơi vơi giữa màn mây.

Quân Sơn nhoi lên giữa hồ như một con ốc lớn thấp thoáng trong mây bạc càng làm cảnh sắc tăng phần tú lệ.

Hồng y thiếu nữ không giấu được nổi thích thú, nhoẻn miệng cười phô hàm răng trắng bóng thốt lên :

- Cảnh sắc ở đây thật kỳ thú, chẳng trách nào đến cả tiên nhân cũng đăng lâu chuốc chén! Mẫn tỷ...

Tới đó, cô ta đột nhiên ngừng bặt.

Bạch y thư sinh nghe hồng y thiếu nữ gọi mình là “Mẫn tỷ”, mặt chợt đỏ ửng lên trừng mắt nhìn tiểu muội thấp giọng quát :

- Huệ nha đầu! Sao không biết giữ mồm giữ miệng cứ bô bô lên thế chứ? Nếu để người ta nghe thấy chẳng hỏng việc?

Dứt lời đưa mắt liếc nhìn quanh, ý chừng xem có ai để ý đến câu lỡ lời vừa rồi của hồng y thiếu nữ không.

Nguyên cách đó một bàn phía bên tả có hai người ngồi, giống như là hai ông cháu.

Lão đầu chừng ngoài năm mươi tuổi, tay bưng chén trà nhưng mắt thì nhìn ra Động Đình hồ đến xuất thần.

Mái tóc hoa râm và bộ mặt đầy nét phong trần của lão không che giấu được ánh mắt sáng quắc hữu thần, cùng với Thái Dương huyệt nhô cao, chứng tỏ lão đầu này là một cao thủ nội gia có hạng.

Ngồi cạnh lão là một tiểu cô nương mới mười lăm mười sáu tuổi, tuy thoa gai áo bố nhưng dung mạo khá xinh đẹp, đặc biệt là đôi mắt đen láy dưới hàng mi thăm thẳm tỏ ra đó là một cô nương thông minh lanh lợi.

Trên bàn đặt một chiếc túi dài nhỏ, chắc bên trong đựng thứ binh khí nào đó.

Tiểu cô nương hơi cúi mặt, nhưng đôi mắt đen láy lại nhìn chăm chăm vào khuôn mặt rất tuấn mỹ của vị bạch y thư sinh, chỉ thỉnh thoảng mới liếc sang ngoại công mình như có ý dè chừng.

Nhưng còn may, nàng không bị ngoại công phát hiện, nếu không sẽ vô cùng phiền phức!

Còn hồng y thiếu nữ trong lòng đang cao hứng trước cảnh sắc tuyệt mỹ của Động Đình hồ mà buông lời cảm thán, nào ngờ lỡ miệng để bị “Mẫn tỷ” mắng cho nên cụt hứng, chau mày lại tỏ ý bất bình.

Từ cầu thang chợt vang lên tiếng bước chân rầm rập, chốc lát thấy hai tên đại hán mày thô mắt lớn bước lên lầu.

Tên tiểu nhị vội vã chạy ra tận cầu thang nghênh đón vẻ khúm núm, một tiếng “đại gia” hai tiếng “đại gia” trông hết sức cung kính.

Hai tên đại hán ngẩng đầu sải bước chẳng thèm để ý đến ai, khi đi ngang qua bàn lão đầu ném cho lão ánh mắt đầy khinh thị rồi đến bàn kê bên cửa sổ ngồi xuống.

Chỉ chốc lát, tửu trà liền được mang tới.

Hai tên đại hán ắt hẳn là khách quen của Nhạc Dương lâu này, hơn nữa bọn tiểu nhị đều tỏ ra rất nể sợ.

Sau khi rượu và thức nhấm đưa tới đầy bàn, hai tên đại hán vừa ăn uống vừa nói chuyện. Thoạt tiên chúng nói rất khẽ, nhưng sau vài chén, tiếng đàm thoại to dần. Đến khi nốc vào năm sáu chén, hai tên đại hán cất tiếng oang oang giống như cả Nhạc Dương lâu này là nhà riêng của chúng vậy!

Sau khi nhập bàn không lâu, một trong hai tên đại hán ngồi đối diện với hồng y thiếu nữ đã để mắt đến cô ta và từ đó ánh mắt hắn dán chặt vào khuôn mặt kiều diễm và những đường nét đầy hấp dẫn trên người cô không rời ra nữa.

Hồng y thiếu nữ mặt đỏ bừng, thái độ vừa thẹn vừa tức.

Tên đại hán ngồi đối diện mắt vẫn không rời cô ta, cúi người sang tên đồng bọn thì thầm mấy câu.

Tên này vốn ngồi quay lưng sang hồng y thiếu nữ nghe xong chợt quay hẳn lại, trơ tráo nhìn hồng y thiếu nữ một lúc rồi bỗng nhiên phá lên cười hô hô nói :

- Cô ả này quả là xinh xảo lắm! Thế nhưng Lại Bì Lang ngươi thấy đấy! Người ta đã có ý trung nhân rồi, chẳng đến phần thứ lang ghẻ ngươi đâu! Hô hô hô...

Nhưng tràng cười của hắn chưa dứt thì chợt “Hực” lên một tiếng rồi ngừng bặt, mặt tím lại như bị một vật gì giộng vào miệng.

Tên đại hán ngồi đối diện hồng y thiếu nữ được gọi là “Lại Bì Lang” thấy có sự khác thường vội nhìn sang đồng bọn hỏi :

- Thịnh lão nhị! Ngươi sao thế?

Chỉ thấy “Thịnh lão nhị” mặt tái xanh, máu trào ra hai bên mép. Hắn há miệng thò tay vào moi một hồi lâu rồi lấy ra một cọng trà nhỏ xíu thấm đỏ và một chiếc răng cửa.

Tên Lại Bì Lang cho rằng Thịnh lão nhị phát điên làm bậy chứ đâu thể ngờ rằng có người chỉ dùng một cọng trà nhỏ xíu mà có thể đánh rụng của hắn nguyên một chiếc răng cửa được? Cho dù người có võ công tuyệt đỉnh cũng không thể có bản lĩnh thế kia mà!

Nhưng thấy “Thịnh lão nhị” dùng tay áo lau máu hai bên khóe miệng xong đứng bật lên mắt hầm hầm nhìn hồng y thiếu nữ đầy đe dọa.

Thiếu nữ này chỉ “Hừ” một tiếng lạnh lùng nhìn hắn đầy khinh miệt.

Thịnh lão nhị không nhịn nổi thét lên :

- Nha đầu thối tha! Ngươi sao dám vuốt râu hùm?

Dứt lời hai bàn tay cong lại xông tới định chộp vào ngực đối phương.

Bạch y thư sinh chợt cười nhạt nói :

- Ngươi thật muốn chết!

Rồi không chờ Thịnh lão nhị bổ lại gần hồng y thiếu nữ, chàng ta vung tay áo phất nhẹ một cái.

Thân thể to lớn của Thịnh lão nhị chợt bay ngược lại như chiếc lá khô trước gió bắn đi xa tới hai ba trượng!

“Bịch” một tiếng, người hắn và vào quầy hàng rơi xuống, nhưng chừng như chưa nghiêm trọng lắm cố nhịn đau gượng đứng lên, rút từ thắt lưng thanh đơn đao sáng quắc, mắt trừng trừng nhìn bạch y thư sinh đầy thù hận.

Lại Bì Lang thấy đồng bọn bị thiệt thòi cũng rút đao ra.

Cả hai tên đại hán như được cùng một hiệu lệnh nghiến răng xông tới đối phương, hai thanh đao sáng loáng nhất loạt bổ xuống!

Vị tiểu cô nương ngồi ở bàn bên tả thấy vậy nhíu mày nhấp nhổm muốn đứng lên định can thiệp, nhưng ngoại công của nàng khẽ lắc đầu đưa mắt ra hiệu khiến nàng đành phải ngồi yên.

Thịnh lão nhị và Lại Bì Lang vung đao xông tới, một chém xuống bạch y thư sinh, một nhắm vào hồng y thiếu nữ.

Cả hai tên mắt vằn tia máu, nghiến răng trợn mắt giống như hung thần ác sát, tướng mạo đã dữ dằn nay đang phát nộ nên trông càng hung tợn!

- Bọn chó mù!

Sau ba tiếng quát lanh lảnh, chỉ thấy bóng hồng lóe lên, chừng như hồng y thiếu nữ vừa có một hành động gì đó nhưng rất nhanh, sau đó mọi cử động đều ngừng lại.

Hồng y thiếu nữ và bạch y thiếu niên vẫn ngồi nguyên như không hề xảy ra chuyện gì.

Và quả thật không có chuyện gì xảy ra, vì hai tên đại hán vung đao chém xuống giữa chừng bỗng nhiên cứng đờ lại như hóa đá, chỉ có đôi mắt đảo quanh và khuôn mặt thô lỗ méo xệch đi trông vẻ hết sức đau đớn và trên trán chúng, từng giọt mồ hôi lớn bằng hạt đậu không ngừng túa ra.

Dám đoán hai tên này vừa bị người điểm vào trọng huyệt đau đớn không sao chịu nổi!

Bạch y thư sinh nhìn hồng y thiếu nữ cười nói :

- Huệ muội! Hà tất phải thừa hơi đi giận bọn nhãi nhép này để làm mất nhã hứng? Hãy thả cho chúng đi!

Hồng y thiếu nữ đưa bàn tay trắng muốt bưng tách trà lên nhấp một ngụm rồi nhìn hai tên đại hán cười lạnh nói :

- Hai tên chó mù kia! Có lẽ thường ngày các ngươi quen thói bạo ngược vô vương vô pháp như thế rồi! Nhưng vì chưa thấy tận mắt lần nào, nên bổn cô nương chưa muốn giết các ngươi cho bẩn tay! Cút đi cho khuất mắt!

Dứt lời khẽ vung ngọc thủ.

Thịnh lão nhị và Lại Bì Lang lập tức được giải huyệt đạo. Chúng biết hôm nay gặp phải cao thủ nên đâu dám chần chừ? Liền lấm lét nhìn hồng y thiếu nữ và bạch y thư sinh rồi không dám nói một lời len lén bước về phía cầu thang lủi mất.

Nhưng tên đi trước là Thịnh lão nhị mới bước xuống một bậc thang thì nghe giọng hồng y thiếu nữ thánh thót từ phía sau :

- Nếu không lưu lại một chút ký hiệu nhỏ thì e rằng sau này các ngươi quên mất không biết lấy gì làm điều răn!

Thanh âm của thiếu nữ vốn rất dễ nghe nhưng lúc này, vẫn với ngữ điệu đó làm cho Thịnh lão nhị và Lại Bì Lang phát run!

Câu nói chưa xong, một luồng kình khí đã ập tới!

Hai tên đại hán chỉ thấy tai trái tê đi vội vã đưa tay sờ thấy nhơm nhớp, đưa nhìn lại thì ra là máu!

Cả hai chẳng còn hồn vía nào, sợ rằng chỉ chậm lại thoáng chốc nữa không chừng mất luôn cả tai phải, liền phóng chân chạy thục mạng xuống lầu!

Bạch y thư sinh cười nói :

- Huệ muội! Hai tên này tất là phỉ đồ của Tam Nghĩa hội. Cứ nhìn vai chúng khắc ba vòng tròn thì biết...

Hồng y thiếu nữ “Xì” một tiếng bĩu môi đáp :

- Mặc chúng! Bất kể là Tam Nghĩa hội hay “Tứ Nghĩa hội”, dù sao thì đều là loại chó ghẻ cả, ai lại sợ chúng chứ?

Ngay lúc ấy lại thấy có tiếng bước chân lên cầu thang.

Người xuất hiện là một thiếu niên chừng mười lăm tuổi bận khinh trang, trang phục khá sang trọng, lưng đeo thanh đoản kiếm, tay phải cầm một chiếc hộp bằng ngà voi khá lớn chạm khắc rất công phu, không biết bên trong đựng vật gì?

Tuy thiếu niên trong khá quý phái nhưng lại có vẻ lộn xộn, vì y trang phục theo lối võ sĩ lại đeo đoản kiếm thì xách theo chiếc hộp sang trọng như một vị công tử con nhà hào phú để làm gì?

Tên điếm tiểu nhị ngay khi vừa thấy hai tên đại hán hung hăng rút đao ra, tin chắc lần này thế nào cũng xảy ra án mạng thì không còn hồn vía nào nữa đã khiếp sợ chạy trốn xuống lầu.

Nhưng sau đó thấy tình hình yên ắng lại quay lên, vừa thấy khinh trang thiếu niên thượng lâu vội chạy đến cười nhã nhặn nói :

- Mời tướng công ngồi! Ngài dùng trà hay rượu?

Khinh trang thiếu niên đưa mắt nhìn khắp tửu lâu rồi chỉ tay vào chiếc bàn hai tên đại hán vừa ngồi nói :

- Ngồi ở bàn này thưởng ngoạn cảnh hồ rất tốt. Ngươi hãy mau thu dọn cho sạch sẽ, lát nữa công tử của ta sẽ tới, hãy phục dịch cho chu đáo, nhất định sẽ có thưởng!

Khinh trang thiếu niên nói ra câu đó, không những làm tên tiểu nhị trố mắt kinh ngạc mà đến cả hai vị bạch y thư sinh, hồng y thiếu nữ và ông cháu tiểu cô nương cũng không khỏi ngạc nhiên.

Thiếu niên bận khinh trang này trông đã quý phái như vậy, công tử của y còn đến mức nào?

Tên tiểu nhị “Dạ” một tiếng rồi vội vã đến thu dọn bàn còn ngổn ngang đồ ăn thức nhấm.

Thiếu niên bận khinh trang ngồi xuống đặt chiếc hộp lên bàn mở ra, lấy từ trong hộp một đôi đũa bằng san hô màu ngọc, một chén rượu nhỏ bằng bạch ngọc, một bộ bát đĩa toàn bằng loại thượng phẩm bày lên bàn rồi nhìn tên điếm tiểu nhị nói :

- Ngươi hãy mang rượu trà đến là vừa, nhưng hãy chọn thứ thượng hạng, đừng quan tâm đến chuyện tiền bạc!

Tên tiểu nhị biết hôm nay gặp phải khách sang, tiền thưởng tất không ít, liền vâng dạ luôn miệng rối rít làm theo.

Khinh trang thiếu niên gật đầu tỏ vẻ hài lòng rồi trở xuống lầu, chỉ chớp mắt đã mất hút bóng, dường như chân không chạm đất.

Thấy thân pháp của thiếu niên cao tuyệt như thế, bạch y thư sinh cũng phải ngạc nhiên bật kêu lên một tiếng.

Hồng y thiếu nữ buột miệng :

- Mẫn tỷ! Không ngờ khinh công tên nhóc con đó cao cường đến thế!

Bạch y thư sinh nhìn tiểu muội đáp :

- Gia gia thường nói rằng “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”. Tốt nhất muội đừng nên xem thường ai cả.

Chàng trầm ngâm nói tiếp :

- Khinh công tên đó quả thật bất tục, thế mà hắn chỉ mới là tên thư đồng, chẳng biết chủ nhân của hắn còn cao cường đến đâu?

Chợt nghe từ dưới lầu có tiếng xôn xao :

- Đến rồi! Đến rồi!

Cả hai cùng ngoảnh lại nhìn, mắt chợt sáng lên, trong lòng cùng rúng động đến nỗi tim đập thình thịch.

Nguyên ở cầu thang vừa xuất hiện một trang công tử rất quý phái, dáng cao dong dỏng, dung mạo cực kỳ tuấn mỹ, mắt sáng như sao, phong thái rất ôn văn nho nhã.

Vị công tử đó tuổi mới độ hai mươi, môi hồng mày kiếm, mình vận lam bào, trên ngực thêu một cành mai, tay cầm chiết phiến, thong thả bước lên lầu.

Trông vị công tử đó như ngọc thụ lâm phong, tiêu tửu thoát tục vô cùng!

Theo sau công tử là hai tên thư đồng bận khinh trang chừng mười lăm mười sáu tuổi, trông cũng rất anh nhi tuấn tú.

Một tên cầm trên tay một thanh trường kiếm chuôi được chạm khắc rất công phu, thoạt trông cũng biết đó là loại bảo kiếm từ thời cổ.

Tên thư đồng thứ hai chính là khinh trang thiếu niên vừa lên lầu, nhưng lúc này trên tay hắn có thêm một chiếc cổ cầm lộ ra màu ngọc bích, ắt là loại thượng phẩm.

Tên tiểu nhị ngây mặt nhìn vị công tử quý phái, tin chắc rằng đây là bậc công hầu thế gia, danh đầu không nhỏ.

Ngẩn ra một lúc, hắn chợt sực tỉnh rối rít bày biện đủ các loại cao lương mỹ vị, trà ngon rượu quý lên bàn.

Thiếu niên công tử vừa ngồi xuống, tên thư đồng thứ hai vội bỏ đàn xuống bưng bình rót rượu ra chén bạch ngọc mà chính hắn đã mang đến trước đây.

Thiếu niên công tử tay bưng chén rượu không nói gì, đưa mắt mơ màng ngắm nhìn ra Động Đình hồ xa xăm mờ sương khói.

Bốn khách nhân còn lại trong tửu lâu đều đổ dồn ánh mắt vào thiếu niên công tử với vẻ hiếu kỳ, giống như muốn tìm hiểu từ thiếu niên quý phái này một điều bí ẩn nào đó.

Còn thiếu niên thỉnh thoảng lại nhấp một chén rượu, say ngắm mặt hồ không để ý gì đến họ.

Hai tên thư đồng đứng sau chủ nhân hầu rượu không nói một lời.

Trên lầu vô cùng tĩnh lặng.

Đột nhiên thiếu niên công tử cất giọng ngâm nga:

Tam túy Nhạc Dương nhân bất thức

Lăng ngâm phi quá Động Đình hồ.

Thanh âm không lớn, nhưng vang vào tai mọi người rõ như tiếng bạc.

Câu thơ “Tam túy Nhạc Dương” của Lã Động Tân chừng như gợi lên thi hứng của thiếu niên công tử.

Chàng ngoảnh lại bảo một tên thư đồng :

- Cầm nhi! Hãy lấy nghiên bút lại đây!

Tên thư đồng giữ đàn được gọi tên là “Cầm nhi” liền “Dạ” một tiếng lật đật lấy từ trong chiếc hộp ngà ra văn phòng tứ bảo, thấp giọng hỏi :

- Công tử muốn làm thơ hay sao?

Thiếu niên công tử cười đáp :

- Trước cảnh sắc đầy thi vị này sao lại không làm thơ chứ? Ngươi hãy giúp ta mài mực đi!

Cầm nhi cúi mình “Dạ” một tiếng nữa rồi thi hành lệnh.

Hồng y thiếu nữ bĩu môi “Xì” một tiếng hướng sang bạch y thư sinh nói :

- Mẫn tỷ xem, tên công tử đó trông thật hợm hĩnh đáng ghét!

Tuy nàng nói vậy nhưng ánh mắt lại không thấy ác cảm chút nào!

Bạch y thư sinh đưa mắt ra hiệu cho tiểu muội, ý chừng bảo đừng nhiều lời.

Trong lúc đó, hồng y thiếu nữ chợt thấy thiếu niên công tử nhìn sang phía mình, trên môi hé lộ nụ cười.

Thiếu nữ thấy tim mình đập rộn lên, mặt đỏ bừng, tự hỏi :

- “Lạ thật? Vì sao chàng ta lại mỉm cười với mình? Chẳng lẽ chàng vừa nghe được câu mình nói với Mẫn tỷ?”

Nhưng nàng lại phủ định ngay :

- Không có lý! Cách xa tới năm bàn, mình lại nói khẽ như thế, làm sao chàng ta có thể nghe thấy được?

Nàng lại đưa mắt liếc trộm thiếu niên công tử, thấy chàng lại nhìn ra mặt hồ, tay phe phẩy chiết phiến, tay kia tựa vào song cửa, có lẽ đang tìm tứ thơ.

Xem kỹ thiếu niên, thấy chàng quả nhiên là khó hiểu.

Nếu nói rằng chàng ta không biết võ nghệ thì không đúng, vì căn cứ vào nhãn thần sáng quắc, chứng tỏ chàng có nội lực rất thâm hậu.

Nhưng nói rằng chàng không biết võ nghệ cũng không sai, vì trông dáng chàng rất ôn văn mơ mộng như một kẻ hủ nho vậy!

Hồng y thiếu nữ tự nhủ :

- “Mặc hắn! Mình có thú thưởng ngoạn của mình, hơi đâu bận tâm đến chuyện của người khác?”

Tuy quyết định như vậy, và quả thật nàng đã nhìn ra phía hồ nhưng không hiểu sao mặt nàng lại đỏ bừng lên.

Nghe tiếng bạch y thư sinh nói khẽ :

- Huệ muội! Ngươi xem hắn đã làm thơ xong rồi, đang bắt đầu chép vào giấy!

Hồng y thiếu nữ nghe nói nhìn lại, quả thấy thiếu niên công tử đang vung bút viết như múa lên tờ giấy được tên thư đồng để trước mặt.

Hồng y thiếu nữ khẽ “Hừ” một tiếng, nghĩ thầm :

- “Đồ láo toét! Thiếu gì kẻ viết chữ như gà bới, thôi bốc mùi khăm khẳm không ai ngửi được nhưng làm ra bộ văn hay chữ tốt, tay cứ múa loạn lên. Tên hủ nho này chắc thuộc hạng rỗng tuếch đó mà thôi!”

Nghĩ thế, nàng tự dưng lại đỏ mặt lên, chừng như thấy rằng mình đánh giá như vậy là không công bằng, quá khắt khe.

Quả thật nàng thiếu công bằng, vì với nhân phẩm như vị công tử này tất không phải hạng khoe mẽ mà phải có thực tài thực học.

Thiếu niên công tử chép xong đặt bút mỉm miệng cười, thái độ ra chiều đắc ý rồi nhìn vào tờ giấy khẽ ngâm bài thơ vừa ứng tác của mình:

Động Đình thu thủy nước pha sương,

Nửa mái cao lâu nhuốm tà dương,

Viễn khách thả lòng trong cõi mộng,

Thẩn thờ quên chuốc chén tiêu tương!

Đến cả khách tiên còn túy lúy,

Người trần ai cưỡng được tửu hương?

Hỡi hỡi Mai lang say thỏa thích,

Bõ công bôn tẩu chốn tha phương.

Thi tứ tửu thoát, rất mơ mộng nhưng ẩn chứa sự hào hùng.

Mặt khác, cứ xem ý tứ trong bài thì thiếu niên công tử này tự bạch mình họ Mai, là một khách lãng du.

Hồng y thiếu nữ bất giác lại liếc nhìn thi nhân, ánh mắt không giấu được sự thán phục.

Đến lúc đó thì nàng chợt nhận ra không thấy Cầm nhi đâu cả. Hắn vừa ở đây mà sao bỗng dưng biến mất vô thanh vô tức như vậy chứ?

Ở cầu thang lại có tiếng chân đi lên, với âm thanh nặng nề đó, quyết không phải là Cầm nhi rồi!

Quả nhiên người lên lầu là một tên đại hán dáng thô kệch.

Hắn đảo mắt nhìn khắp lầu rồi dừng lại ở lão đầu, do dự một lát rồi mới tiến đến gần lão chấp tay thi lễ nói :

- Tiểu nhân kiến quá Võ lão gia!

Lão đầu ngạc nhiên nhìn tên đại hán vẻ dò hỏi.

Tên này mỉm cười nói tiếp :

- Tệ Hội chủ bổn hội nghe tin Võ lão gia đại giá quang lâm tới đây nên tổ chức một cuộc yến sai tiểu nhân đến mời. Tối nay vào canh đầu, tệ Hội chủ sẽ hầu đợi ở Long Vương miếu trong Lăng Cơ thành.

Tới đó, hắn lấy trong túi ra một tấm danh thiếp lớn màu hồng hai tay đưa tới lão đầu nói thêm :

- Tệ Hội chủ sai chuyển kèm một tấm thiệp, xin Võ lão gia quá mục!

Lão đầu nghe tên đại hán mới đến mời đích danh mình hơi sửng người ra một lúc mới ôm quyền toàn lễ rồi đưa tay cầm lấy tấm thiệp xem qua xong cười ha ha đáp :

- Động Đình tam nghĩa đã có lòng ưu ái Võ Công Vọng này như thế, lão hủ rất lấy làm vinh hạnh, có lý đâu chối từ? Dám phiền tiểu ca về báo lại với quý Hội chủ rằng Võ mỗ sẽ đến đúng hẹn!

Bạch y thư sinh và hồng y thiếu nữ nghe lão đầu tự xưng danh tính, bất giác đưa mắt nhìn kỹ lại.

Thì ra vị đó là Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng, nhân vật cũng có danh đầu trong võ lâm.

Tên đại hán chắp tay cáo từ Võ Công Vọng xong đi về phía bạch y thư sinh và hồng y thiếu nữ ôm quyền nói :

- Hai vị tôn khách! Mới rồi huynh đệ của tệ hội lỡ mạo phạm đến hai vị. Tệ Hội chủ sai tại hạ đến đây bồi tội trước hai vị. Nếu hai vị tôn khách coi được Tam Nghĩa hội cũng là bằng hữu đồng đạo thì tối nay vào canh một xin mời quá bộ đến Thành Lăng Cơ cùng dự yến chẳng hay hai vị có nể lời không?

Vừa nghe tới đó, hồng y thiếu nữ chẳng cần biết thái độ của bạch y thư sinh ra sao, liền dằn mạnh chiếc chén trong tay xuống bàn!

- Bịch!

Chén trà bị lún sâu xuống mặt bàn tới ba thốn nằm kẹt trong đó như được khảm vào.

Hồng y thiếu nữ nhìn tên đại hán cười nhạt đáp :

- Hừ! Cái gì mà Hội chủ với hội tớ? Với phường lục lâm thảo khấu như Tam Nghĩa hội mà cũng cao giọng phách lối! Tên trùm sỏ của ngươi đã muốn như thế thì bổn cô nương cũng sẽ tới dạy cho một bài học nhớ đời!

Tên đại hán bị mắng như tát nước vào mặt thì nộ khí xung thiên, nhưng chỉ xem hồng y thiếu nữ vừa khẽ dằn chén trà lún sâu xuống mặt bàn ba tấc, đủ biết mình không phải là đối thủ nên đành nuốt giận gượng cười nói :

- Nói như vậy là hai vị tôn khách cũng sẽ đến dự yến. Tại hạ xin cáo từ trước!

Dứt lời chắp tay thi lễ xong quay người bỏ đi ngay.

Vị tiểu cô nương ngồi ở bàn bên tả đưa mắt nhìn Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng nói :

- Ngoại công! Thật tốt, tối nay chúng ta có bạn đồng hành rồi!

Võ Công Vọng không đáp, cũng không tỏ thái độ gì.

Tiểu cô nương nhìn sang hồng y thiếu nữ với ánh mắt thán phục, miệng nở nụ cười thật ngọt ngào dễ mến.

Hồng y thiếu nữ chừng như cũng rất cảm mến vị tiểu cô nương này, nhìn lại cô ta cười dịu dàng nói :

- Không sai! Tối nay chúng ta sẽ đồng hành tới Lăng Cơ thành xem bọn Tam Nghĩa hội bày trò gì. Xin hỏi tiểu muội quý tính là gì?

Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng ho khan một tiếng rồi nhìn tiểu cô nương cười nói :

- Yến nhi! Người ta hỏi ngươi đấy, sao không mau đến kiến lễ đi?

Tiểu cô nương liền “Dạ” một tiếng rồi đứng lên đến trước hồng y thiếu nữ chắp tay cười đáp :

- Tiểu muội tên là Thượng Quan Yến...

Lại nhìn Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng giới thiệu :

- Còn đây là ngoại công của tiểu muội, lão nhân gia đã tự nói tính danh rồi, chắc thư thư còn nhớ...

Hồng y thiếu nữ gật đầu.

Thượng Quan Yến cười hỏi :

- Dám hỏi thư thư quý tính đại danh...

Hồng y thiếu nữ đứng lên thân thiết cầm lấy tay Thượng Quan Yến, thấp giọng trả lời :

- Ta tên là Thôi Huệ, còn huynh này...

Tới đó chỉ tay sang bạch y thư sinh, nói khẽ vào tai Thượng Quan Yến :

- Chị ấy là Thôi Mẫn, thư thư của ta.

Tuy Thôi Huệ nói rất khẽ nhưng Thôi Mẫn vì ngồi cạnh nên cũng nghe được, vờ làm mặt giận quát :

- Huệ nha đầu! Ngươi dám phản bội ta sao?

Vừa quát tiểu muội vừa nhìn Thượng Quan Yến gật đầu mỉm cười.

Thượng Quan Yến tuy đã biết bạch y thư sinh là nữ nhân, nhưng vì nàng ăn vận giả trang lại cười gật đầu với mình cũng thẹn đỏ bừng mặt không dám nhìn lại.

Thôi Huệ thấy vậy bật lên cười rúc rích.

Lúc đó tiểu đồng Cầm nhi lại chạy lên lầu đến trước thiếu niên công tử cuối mình cung kính nói :

- Tiểu nhân đã chuẩn bị thuyền, mời công tử xuống lầu!

Thiếu niên công tử gật đầu.

Cầm nhi thanh toán tiền rượu, chỉ cần nhìn vẻ mặt tươi rói của tên tiểu nhị và dáng vẻ khúm núm sướng rơn của hắn cũng biết được thưởng không ít.

Thiếu niên công tử chậm rãi đứng lên, miệng vẫn còn ngâm nga:

Hỡi hỡi Mai lang say thỏa thích,

Bõ công bôn tẩu chốn than phương...

Còn Thôi Huệ và Thượng Quan Yến thì chuyện trò xem ra tâm đắc, ríu rít không thôi.

Nhưng khi thấy thiếu niên công tử rời gót xuống lầu, Thôi Huệ chợt thấy lòng nao nao như vừa mất đi một vật gì. Bất giác nàng đưa mắt nhìn công tử, thật tình cờ bắt gặp ánh mắt của chàng nhìn lại mình.

Thôi Huệ vội cúi đầu xuống, mặt ửng đỏ, vội nói câu gì đó với Thượng Quan Yến để che giấu sự bối rối của mình, may mà không bị ai phát giác.

Khi nàng ngẩng đầu nhìn lên thì người ta đã đi khuất dưới lầu rồi...

Hoàng hôn bắt đầu hắt bóng xuống Động Đình hồ.

Thiết Bối Thương Cù gọi tiểu nhị đến tính tiền, nhưng Thượng Quan Yến vẫn dùng dằng chưa nỡ rời tay vị Huệ thư mới quen nhưng như đã thân tình từ lâu lắm.

Thôi Huệ cười nói :

- Yến muội! Tối nay chúng ta sẽ lại gặp nhau mà!

Thượng Quan Yến mở to đôi mắt đen láy nhìn Thôi Huệ đầy hy vọng :

- Hãy nhớ hai chị nhất định phải đến đấy!

Dứt lời cùng ngoại công xuống lầu.

Bấy giờ khách nhân bắt đầu lên lầu mỗi lúc một đông.

Thư muội Thôi Mẫn và Thôi Huệ còn uống thêm vài bình trà rồi mới trả tiền trở về khách điếm.

Nghỉ ngơi một lúc, tới khi sang canh một, hai người mới sửa sang lại trang phục chỉnh tề, đeo trường kiếm vào, thổi tắt đèn, nhẹ nhàng ra khỏi phòng.

Thôi Mẫn còn cẩn thận đóng cửa lại.

Hai người mới đi được mấy bước thì chợt nghe “Xoảng” một tiếng từ phía sau.

Thanh âm nghe như tiếng binh khí lỡ để chạm nhau.

Hai thư muội vội dừng bước quay lại nhìn, nhưng không thấy một nhân ảnh nào cả.

Thôi Mẫn lẩm bẩm :

- Đó là tiếng gì vậy? Nếu là người sao biến mất nhanh như bóng ma thế chứ? Nếu vậy thì công phu của người đó quả đã tới mức xuất thần nhập hóa!

Thôi Huệ trầm ngâm một lát rồi bất chợt nhún chân lao vút đi như cánh chim nhằm hướng tiếng động vừa phát ra.

Thôi Mẫn nhìn theo thở dài tự nhủ :

- “Nha đầu này không biết trời cao đất dày là gì, lại làm hỏng chuyện mất thôi!”

Cô ta biết tính khí của tiểu muội mình nên đành phải đuổi theo đề phòng sẽ xảy ra điều gì bất trắc.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui