Sau khi hoả táng Tri Tân, thời gian Lý Ý Lan tỉnh táo ngày càng ít đi.
Ngoài vấn đề tâm trạng thì cũng vì bệnh tình của hắn vốn đã đến giới hạn, sau khi đi ngủ vào đêm ngày hai mươi chín, nguyên ngày hôm sau hắn không hề tỉnh dậy, miệng mũi còn chảy máu vô cùng đáng sợ.
Ký Thanh chạy đi tìm Tôn Kiều đến chữa trị, Tôn Kiều tuy muốn cứu người nhanh chóng nhưng cơ thể Lý Ý Lan không chịu được, chỉ có thể điều dưỡng trước.
Vương Cẩm Quan nghe tin xong thì suy tư một lát rồi lập tức quyết định đưa hắn về quê nhà Lê Xương, bởi vì bất kể sống hay chết thì cũng phải ở trước mắt cha mẹ hắn.
Lý Ý Lan phá án lập công lớn, Cao Canh vốn định ban thưởng cho hắn một ít vinh hoa phú quý ngay tại Kim Loan điện, ngặt nỗi hắn cứ liên tục hôn mê nên hoàng thượng đành tạm gác lại việc khen thưởng, phái Hồng Chấn mang theo một sọt dược thảo quý hiếm tiễn hắn về Lê Xương.
Suốt cả Tết xuân, Lý phủ đều chìm trong bầu không khí lo lắng tĩnh mịch, thế nhưng những tốp người cả được hoan nghênh lẫn không được hoan nghênh vẫn suýt chút nữa đạp hỏng cổng nhà.
Lý Chân thấy phiền quá thể, cuối cùng đóng chặt cổng luôn.
Nhóm Giang Thu Bình tạm thời về nhà ăn Tết, trước lúc chia tay còn nói qua Tết sẽ đến Lê Xương một chuyến.
Ký Thanh và Vương Cẩm Quan ở lại Lý phủ, Vương Kính Nguyên không có chỗ nào để đi, hắn vừa quan tâm Lý Ý Lan lại vừa không biết đi đâu bây giờ, thế là cũng quyết định đi theo.
Ngoài ra người tự nguyện đến đây còn có Tôn Kiều, chấp niệm cứu người của ông còn lớn hơn cả nhân gian đoàn viên, khiến nhà Lý Chân cảm động rơi nước mắt.
Vào cái ngày thu tro cốt, Lý Ý Lan lấy xá lợi ra khỏi đống tro tàn, bọc bằng túi vải rồi cất vào ngực áo.
Rồi trong suốt một tháng, dưới sự chăm sóc của Ký Thanh, chí bảo Phật môn này chưa từng rời khỏi lồng ngực hắn.
Ký Thanh có lúc cảm thấy bất an thì sẽ chắp tay nhắm mắt cúi đầu, cầu mong đại sư phù hộ cho Lục ca thuận lợi vượt qua kiếp nạn này.
Sau đó quá trình theo dõi, châm cứu, điều trị kéo dài hơn một tháng ròng, Lý Ý Lan lúc tỉnh lúc mê, khi tỉnh sẽ bảo già trẻ trong nhà đừng lo lắng, khi mê lại vô thức gọi Tri Tân.
Tiếng gọi chẳng được ai đáp lại, Ký Thanh đành đóng giả thế thân đứng ở đầu giường đáp “Ơi”, thế nhưng người mù hôn mê như thể đã biết tỏng nên chẳng hề để ý đến cậu.
Ký Thanh hết cách, đành dúi túi vải đựng xá lợi vào lòng bàn tay hắn.
Tuy nhiên hành động này cũng không có hiệu quả, Lý Ý Lan vẫn cứ gọi, vẫn cố chấp tìm kiếm người kia trong ý thức hỗn loạn của mình.
Lúc này quá nửa người trong đội tra án đều đã về nhà, kết cục của bạch cốt án vẫn chưa truyền từ phương Bắc đến Lê Xương, mấy tôi tớ tò mò trong quý phủ bắt đầu dò hỏi Ký Thanh xem Tri Tân là ai, Ký Thanh không muốn phá hoại thanh danh của Lục ca nhà mình, chỉ nói đó là một vị bằng hữu vừa qua đời cách đây không lâu.
Vương Cẩm Quan tình cờ nghe được lúc đi ngang qua, thế là cứ đứng ngẩn ngơ một hồi lâu.
Nàng vào kinh thành vào ngày hỏa táng Tri Tân, tận mắt thấy Lý Ý Lan nhặt xá lợi lên từ trong lò hóa thân, Phật bảo được nhặt lên khỏi lò thiêu, bỗng chạm vào một giọt nước mắt lặng lẽ rớt xuống từ giữa không trung.
Lúc ấy vẫn đang là sáng sớm, nắng rọi nghiêng vào ống thoát gió ở đỉnh lò, giọt nước bắn tóe ra bốn phía, dường như toát lên ý “tản” trong ánh nắng vàng rực.
Chẳng biết vì sao, Vương Cẩm Quan bỗng nhiên lĩnh ngộ được một nỗi bi ai thấu tận xương tủy trong cảnh tượng yên ắng ấy.
Nàng nhanh chóng nhận ra nỗi bi thương ấy đến từ đâu, bởi vì sau khi thu thập hết tro cốt, Lý Ý Lan đã đặt đầu thương Giải Nhung vào trong hũ.
Món binh khí mà hắn coi như tính mạng ấy nay đã chia làm hai nửa, một nửa theo bằng hữu xuống mồ, nửa còn lại cất trong người.
Cũng có thể lý giải đây là cao sơn lưu thủy tìm tri âm, nhưng Lý Ý Lan không phải kiểu cuồng sĩ sẽ thỏa sức ca vang, từ nhỏ hắn đã ẩn nhẫn, câu chữ cũng rất thẳng thắn rõ ràng, cho nên đây không phải hành động bộc phát trong đau buồn.
Vương Cẩm Quan nhớ tới dáng vẻ sốt ruột cứu chữa của Tri Tân vào cái đêm hắn trúng độc bán hạ, nàng bỗng nhiên tỉnh ngộ.
(Cao sơn lưu thủy tìm tri âm: nhắc tới tích Bá Nha và Tử Kỳ, hai người bạn tâm giao tri kỷ, có tình bạn gắn liền với hai khúc đàn tên là “Cao sơn” và “Lưu thủy”.)
So với tri kỷ, quan hệ giữa hai người này càng giống nàng và Lý Di hơn.
Trên đường rời khỏi Thanh Lương tự, nàng đã xác thực việc này với Lý Ý Lan, hắn đưa bức thư cho nàng xem, tờ giấy được gấp rất có dụng ý, vừa khéo lộ ra câu nói về hoa mai kia.
Vương Cẩm Quan lặng lẽ đọc xong rồi gấp kỹ về nguyên trạng, những ký ức hỗn loạn thay phiên nhau trào ra trong đầu như sóng cuộn.
Dáng vẻ mấy lần Tri Tân ngập ngừng muốn nói lại thôi hiện lên trước mắt, khiến nàng chợt hiểu ra, tại sao rõ ràng nói là bèo nước gặp nhau mà sau đó lại nhớ ra đại phu họ “Tôn”, còn nói “mười hai năm trước” thành “bảy năm trước”.
Bởi vì chính bản thân Tri Tân cũng đang đấu tranh, đang chần chừ lựa chọn giữa việc tra ra chủ mưu đứng sau vụ bạch cốt án thứ năm và việc cứu Lý Ý Lan.
Một khi nàng tìm được Tôn Kiều thì y chắc chắn sẽ bại lộ, còn không tìm được thì Lý Ý Lan chắc chắn phải chết, cho nên y cố gắng cung cấp tin tức mơ hồ, dự định sẽ giao sinh tử của Lý Ý Lan cho trời cao quyết định.
Ai ngờ đến cuối cùng, người dốc sức tìm kiếm cơ hội sống cho Lý Ý Lan vẫn là y.
Đối diện với tính toán và tình nghĩa như vậy, nếu Vương Cẩm Quan mà bảo không cảm động thì là nói dối, nhưng nàng cũng thực lòng không thốt ra được lời an ủi hay trách móc nào.
Y đã qua đời chính là sự thật, sau này cả đời sẽ không nhìn thấy, không sờ thấy, không thể nói chuyện với y, đồng thời năm tháng sẽ khiến y dần dần phai nhạt, sẽ không còn ai nhắc đến y, y sẽ không thể cùng trải qua những chuyện buồn vui, nhớ kỹ y rất khó mà quên được y cũng khó lắm.
Những việc này chính nàng đã từng trải qua, không biết Lý Ý Lan có tiếp bước theo nàng hay không.
Vương Cẩm Quan ngẩn ngơ đến khi vó ngựa đã đi được mấy dặm, nàng mới nở nụ cười, cất giọng vừa mỏi mệt vừa dịu dàng: “Sau này hãy đến Sùng Bình nhiều hơn để thăm ta nhé.”
Lúc ấy Lý Ý Lan đã bình tĩnh chờ chết, song hắn vẫn đáp “Vâng”.
Ngày Tôn Kiều mổ ngực nối mạch cho hắn là vào mười một tháng giêng, nội tạng đẫm máu lộ ra trước mắt mọi người, ngoài sự tàn khốc khiến người ta run rẩy thì còn có một cảm giác kỳ lạ như đang tranh mệnh với trời.
Suốt nửa đời sau Ký Thanh chẳng bao giờ muốn nhớ lại cảnh tượng hôm ấy, Tôn Kiều bảo cậu đứng ở mạn giường đè một cánh tay và một chân của Lý Ý Lan, dáng vẻ hắn hôn mê chịu đau khiến Ký Thanh chỉ muốn gào khóc.
Song đau khổ cũng có lợi, cuối cùng Lý Ý Lan vẫn giữ được tính mạng.
Tôn Kiều nói nếu tĩnh dưỡng tốt thì có thể luyện thương tùy thích, không hề ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên chỉ không luyện võ nghệ một ngày thôi là cũng thụt lùi rồi, trong thời gian ngắn Lý Ý Lan còn không thể chạy được, chắc phải rất lâu sau mới có thể cầm thương học lại một lần nữa.
Ban ngày trôi qua trong lo lắng, mà đến đêm bầu trời lại tĩnh lặng đến lạ thường.
Ký Thanh ngồi trên bậc thang trong hành lang quanh co, nghe Vương Kính Nguyên ở bên cạnh chỉ vào một chỗ nào đó trên trời, nói cái gì mà Thất Nguyên Ách Tinh Quân ngự cao trên Bắc Đẩu, hắn bấm đốt tay tính toán, đại nhân ắt có hậu phúc.
Ký Thanh ngẩng đầu nhìn lên, quả nhiên thấy chuôi của chòm sao hình cái đẩu hướng về phía Đông, thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó mà trời đã vào xuân rồi.
Sau bảy ngày Lý Ý Lan mới tỉnh lại, sức khỏe rất suy yếu song thần thái lại bình tĩnh, không hề đòi sống đòi chết, thậm chí Ký Thanh còn chưa từng thấy hắn nhỏ một giọt nước mắt nào.
Hắn hết sức phối hợp ăn uống tĩnh dưỡng, cử chỉ hành động không khác gì lúc rời Lê Xương đi nhậm chức, song Ký Thanh vẫn cảm giác hắn không giống ngày trước lắm.
Hắn bỗng nhiên thân thiết hơn với lão phu nhân, mỗi ngày đều ghé gian Phật đường nhỏ ở hậu viện, bà cụ đọc kinh trước tượng Phật, hắn thì cuộn chân ngồi bên cạnh lắng nghe, thi thoảng lại gõ vào chuông bát.
Ký Thanh vô tư nên không phát hiện lần thứ nhất hắn gõ hai mươi tư tiếng, chính là số ngày mà Tri Tân qua đời, mỗi một ngày trôi qua, sẽ lại tăng thêm một tiếng gõ.
Lý Ý Lan đang tính toán thời gian, hắn muốn chờ đến ngày mình không còn đếm nữa thì Tri Tân có thể thực sự siêu thoát, trở về với trời cao.
Đối với Phật gia đây có lẽ là chuyện tốt, thế nhưng Lý Ý Lan không muốn.
Bọn họ đáng lẽ có thể có một mối duyên tình, tiếc rằng mãi không tỏ lòng nhau, tình cảm vừa mới bắt đầu thì đã kết thúc.
Hắn không chỉ không thể nguôi ngoai mà thậm chí sau khi nhận được tin “tốt” rằng tính mạng mình không gặp nguy hiểm nữa, hắn còn chìm vào vực sâu hối hận.
Hắn nghĩ nếu không phải bản thân cứ mãi chần chừ thì thứ để hắn nhớ lại vốn dĩ có thể nhiều hơn rồi.
Có lúc hắn lại nghĩ, nếu Tri Tân không hôn hắn, không để lại đoạn cuối trong bức thư, thì đó mới là thực sự làm hắn tiếc nuối.
Có người sống cả đời cũng chưa chắc có thể gặp được tình yêu, nếu như không có Tri Tân, Lý Ý Lan vốn định bầu bạn với trường thương suốt quãng đời còn lại, cho nên trong chuyện tình cảm hắn đã nhận được quà tặng rồi, chẳng cần mong cầu nhiều hơn thì cũng đã đủ đầy.
Tiếng tụng kinh gõ chuông trầm thấp ngân dài, ngày qua ngày hóa thành tâm tình hắn, Lý Ý Lan từ từ chấp nhận sự thật rằng Tri Tân đã rời xa, thị lực cũng đang chậm rãi khôi phục.
Hắn không thề thốt với ai rằng sẽ mãi nhớ về y, cũng không nhắc đến Tri Tân với ai cả, chỉ có lúc đi ngang qua chợ nghe người ta bàn tán về bạch cốt án, hắn sẽ vô thức dừng chân lắng nghe một hồi.
Dân chúng trên phố chợ không biết vị đề hình quan trong câu chuyện đang ở ngay bên cạnh, bọn họ vẫn hồn nhiên thêm mắm dặm muối khiến câu chuyện thêm phần ma quái kỳ bí.
Song trong lòng Lý Ý Lan hiểu rõ hơn ai hết, thế gian này hoàn toàn chẳng có tinh quái và hồn phách, bởi vì từ sau khi Tri Tân đi, y chưa một lần xuất hiện trong giấc mộng của hắn.
Giữa tháng ba là lúc Lê Xương bắt đầu ấm lên, cánh hoa đào rơi lả tả khắp nơi.
Giữa tiết trời gió thổi như mưa táp ấy, vết sẹo của Lý Ý Lan bắt đầu tróc vảy, hắn gói ghém tro cốt và xá lợi của Tri Tân, lên đường đến núi Vô Công.
Đường đi rất dài, cách xa chừng tám trăm dặm, hắn cũng không gấp rút lên đường, phải mất tròn một tháng mới qua thành tới ngoại ô, đến được cổng chùa nằm sâu hun hút trong rừng.
Cổng Từ Bi tự có chín trăm chín mươi chín bậc thang, Lý Ý Lan từ chối để Ký Thanh cõng, hắn nghỉ ngơi một lúc rồi tự mình leo nửa ngày mới đến nơi.
Chẳng cần hắn thông báo mục đích, ở cửa đã có tăng nhân chờ sẵn.
Trông thấy hắn, người nọ liền gọi Lý công tử, nói là Tri Tân sư thúc biết trước hôm nay sẽ có khách quý ghé thăm nên lệnh cho tăng nhân ở đây đón hắn.
Lý Ý Lan lấy làm ngạc nhiên, hắn không thông báo trước khi tới, vậy mà vị đại sư kia lại đoán được việc này.
Nếu trên núi này không có đài quan sát, vậy thì cảnh giới của đại sư thật quá cao thâm.
Hắn cảm ơn tăng nhân rồi làm theo yêu cầu của đối phương, để Ký Thanh ở lại ngoài cửa viện, sau đó một mình ôm hũ tro cốt bước vào chốn thanh tịnh sau núi mà ít ai có thể đặt chân tới.
Người chưa từng vào đây sẽ không biết, sau núi không có đá quý thác nước hay đình đài nguy nga, chỉ có một con đường mòn hẹp lát bằng đá cuội, trắng đen đan xen, từ nơi đặt chân dõi mắt ra xa xăm chỉ thấy một lối đi mờ mịt mơ hồ.
Hai bên đường mọc đầy hoa đỗ quyên cao đến đầu gối, dù không phải mùa hoa nở rộ nhưng hoa đỗ quyên nơi này lại trải khắp cả con đường, liên miên chẳng thấy điểm cuối.
Sắc hoa đỏ đến mức chói mắt, tựa như màu máu.
Lý Ý Lan đi men theo con đường độc đạo này gần bốn khắc đồng hồ, cuối cùng dừng trước một gian nhà trúc giữa rừng trúc trên sườn núi.
Gian nhà không có rào chắn, đường mòn dẫn thẳng đến cửa, ngoài cửa còn có hiên nhà để uống trà.
Một người đang ngồi xếp bằng ở hiên nhà, khoác chiếc cà sa màu trắng mà Lý Ý Lan quen thuộc, Lý Ý Lan ngắm nhìn sườn mặt người kia, còn ngỡ rằng Tri Tân đang ngồi đó.
Cà sa vân nghê đã trở lại trên người chính chủ từ bao giờ, Lý Ý Lan lại nhớ tới ngày Tri Tân rời đi.
Người bị chú ý nhanh chóng quay đầu lại, trao đổi một cái liếc mắt với Lý Ý Lan giữa không trung.
Cái liếc mắt ấy kéo Lý Ý Lan ra khỏi dòng suy nghĩ, hắn nhận ra tuy gương mặt họ có vài phần tương tự, nhưng hắn biết người này không phải Tri Tân.
Không, phải nói đây mới thực sự là Tri Tân, mà Hứa Biệt Thời cũng tên là Tri Tân, hơn nữa Lý Ý Lan quen rồi nên hắn chỉ xưng người này là đại sư.
Ngoại hình đại sư còn trẻ hơn cả Tri Tân và hắn, đã thế nước da còn trắng nõn đến mức gần như trong suốt.
Lý Ý Lan giật mình ngạc nhiên, bởi vì trong ấn tượng của hắn thì vị đại sư này đã gần đến tuổi tri thiên mệnh rồi.
(50 tuổi: Ngũ thập nhi tri thiên mệnh.)
Nhưng thực tế trông ông chỉ chưa đến hai mươi tuổi, còn toát lên khí chất trẻ trung, cẩn trọng và trang nghiệm bất khả xâm phạm, những đặc điểm xuất chúng lẫn bình thường dung hợp với nhau một cách kỳ dị ở nơi ông, cảm giác ông mang đến cho người khác không phải kiểu ấm áp như gió xuân giống Tri Tân, mà là một sự hòa hợp và thanh thản lạ kỳ.
Nếu như ông và Tri Tân đứng cùng một chỗ thì ai cũng sẽ biết ông mới là chính chủ, điều này không liên quan đến ngoại hình hay áo cà sa, mà đó là khí thế bẩm sinh của một vị Phật sống.
Lý Ý Lan bỗng thấy thê lương, kể cũng lạ, hắn không muốn giãi bày với ai khác, ấy thế nhưng lần đầu tiên nhìn thấy vị cao tăng này, lòng hắn vẫn chua chát không sao đè nén được.
Có lẽ là bởi đại sư có một đôi mắt hiền từ mà trong trẻo, có lẽ là bởi ông ngồi ở nơi đó vô hại như cây cỏ và gió mát chốn núi rừng, hoặc nguyên nhân càng đơn giản hơn, chỉ là vì ông là sư phụ của Tri Tân, đã sắm vai một người thầy và cũng là một người cha trong mười hai năm chất chứa hận thù của người ấy.
Lý Ý Lan chậm rãi bước lên bậc thang, cúi người báo ra tên họ rồi nhanh chóng ngồi xếp bằng xuống tấm bồ đoàn đối diện đại sư.
Hắn có trực giác mãnh liệt rằng đại sư biết hết mọi thứ, biết hôm nay hắn sẽ đến đây, biết đồ đệ để lại thứ gì cho mình, thậm chí biết mối quan hệ giữa hắn Tri Tân.
Nhưng dường như ông cũng đang thực sự chờ đợi đáp án, tiếng chào hỏi của ông cất lên vừa như rừng vừa như suối.
Lý Ý Lan nghe ông nhẹ nhàng cất lời: “Lý thí chủ, hân hạnh gặp mặt.”
“Ta là người nói câu hân hạnh mới phải.” Lý Ý Lan chắp tay chữ thập, rồi lấy bức thư trong ngực áo ra, “Đại sư xưa nay ẩn giấu công danh, ta có thể gặp được đại sư là nhờ phúc phận của Tri…… Biệt Thời.
Lý Ý Lan xin bái kiến đại sư, đây là thư mà y gửi cho ngài, để chậm trễ đến hôm nay mới đưa được, mong đại sư thứ lỗi.”
Đại sư lắc đầu cười khẽ, ông không lên tiếng mà chỉ vươn tay nhận lấy bức thư, đồng thời hướng mắt nhìn chiếc hũ sứ, ông đặt thư lên bàn, đưa tay về phía hũ sứ.
Lý Ý Lan hiểu ý, vội đưa tro cốt cho ông, đại sư nhận lấy rồi đặt lên bàn, nhắm mắt chắp tay niệm kinh vãng sinh bảy lần cho Tri Tân.
Đàn hương tỏa khói lượn lờ, thời gian chầm chậm trôi qua, Lý Ý Lan nhìn quanh bốn phía, đánh giá nơi ở trước kia của Tri Tân.
Nơi này ngoại trừ con đường đá thì hình như cũng chỉ còn lại gian nhà trúc này, trời đất bao la vắng bóng con người, nếu như Tri Tân chưa từng xuống núi mà ở lại đây tu hành đến khi viên tịch thì đã có thể trở thành một cao tăng lưu danh muôn đời.
Song y đã mất đi vinh quang ấy, biến thành vết nhơ trên sử sách.
Lý Ý Lan không muốn nghĩ nhiều về việc này nữa, mỗi lần nhớ tới hắn đều thấy gân cốt đau nhói, mấy ngày mấy đêm không ngủ yên.
Có lẽ qua mấy năm nữa hắn có thể chia sẻ việc này với Đỗ Thị Nhàn, song hiện tại thì không được, sức khỏe của hắn đang hồi phục, mà trái tim thì cách hồi phục còn xa lắm.
“Ngươi có nhìn thấy con đường nhỏ kia không?”
Đại sư mở lời đột ngột quá làm Lý Ý Lan không kịp chuẩn bị, hắn ngớ người, thu hồi tầm mắt từ giữa núi rừng, thấy động tác của đối phương nhẹ bẫng không một tiếng động, thậm chí đã mở thư ra từ bao giờ.
Thực ra chỗ nào Lý Ý Lan cũng có liếc qua một chút, trong đó có con đường nhỏ này, cho nên hắn tùy tiện đáp: “Có ạ.”
Ai ngờ có cả một câu chuyện đằng sau con đường này, đại sư nở nụ cười, gương mặt trẻ tuổi nom hiền hòa quá đỗi: “Vậy ngươi có biết con đường này là do một mình Tri Tân xây nên không.”
Ông tự xưng là bần tăng, vậy “Tri Tân” ở đây hẳn là chỉ Hứa Biệt Thời.
Lý Ý Lan kinh ngạc nói: “Trước đây đại sư cũng gọi y là Tri Tân sao? Vậy chẳng phải sẽ lẫn lộn với tôn hiệu của ngài ư?”
“Thì có sao?” Đại sư bình thản đáp, “Nó là Tri Tân, ta cũng là Tri Tân, đây là việc đã ước định từ rất lâu trước đây rồi, bọn ta tự biết là đang gọi ai, vả lại……”
Ông nở nụ cười dịu dàng rồi thở dài nói: “Tri Tân là một cái tên rất hay mà.”
Biết thói đời hiểm trở, biết người lắm gian khổ, biết mệnh trời vô tình, biết lòng người quỷ quái, biết mà không tránh, gánh vác trên vai, mới có thể chứng đạo.
(Tri: biết, Tân: khổ.)
Lý Ý Lan khó mà tán đồng, hắn thà rằng Tri Tân không biết gì về gian khổ còn hơn, song hắn không tiện phản bác đại sư, đành chuyển sang chủ đề khác: “Tại sao y lại phải xây con đường này?”
Đại sư: “Bởi vì chấp niệm của nó quá nặng, bần tăng liền phạt nó lao động khổ sai ở đây.”
Nhặt từng khối đá từ đầm lạnh trong khe sâu, rồi lại xếp từng khối từng khối vào nơi này, ngày làm đêm nghỉ, xây suốt bốn năm đằng đẵng.
Lý Ý Lan không thể tưởng tượng nổi dáng vẻ Tri Tân lao động khổ sai, hắn cười bảo: “Sau đó thì sao, hình phạt lao khổ có hiệu quả không?”
“Không, nó còn bướng bỉnh hơn cả lừa nữa.” Nhắc đến y, đại sư bỗng tỏ vẻ bất đắc dĩ, “Cho nên cuối cùng ta đã để nó xuống núi.”
Lý Ý Lan nhướn mày hỏi: “Không phải y nhốt ngài, cướp áo ca sa của ngài để mạo danh sao?”
Đại sư buồn cười: “Nếu nó mà có bản lĩnh làm chuyện tày trời ấy thì đã chẳng ra nông nỗi như hôm nay, nó diễn như thế chẳng qua là cho người khác xem thôi, nó lo lắng sẽ khiến ta bị chỉ trích nên cố ý vạch rõ giới hạn với ta.”
Nỗi đau buồn và oán hậu tuôn trào trong lòng Lý Ý Lan, hắn thẫn thờ hỏi: “Đối với Đỗ Thị Nhàn y cũng như vậy, luôn luôn che chở, xóa sạch dấu vết.
Nhưng thưa đại sư, quý pháp môn khuyên con người một lòng hướng thiện, kết quả chỉ có một mình y chịu tổn thương, y ăn chay niệm kinh gieo lương duyên, chết đi lại chẳng vẻ vang bằng nhiều kẻ độc ác khác.
Xin ngài nói cho ta biết, y lương thiện như thế là có đáng hay chăng?”
Đại sư chỉ nói: “Nếu như nó bất chấp làm cả những việc giết người phóng hỏa, vậy ngươi còn nguyện ý hỏi vấn đề này thay nó không?”
Lý Ý Lan nghẹn họng, không thể nói được gì.
Đại sư đợi một hồi rồi mới phá vỡ sự im lặng: “Việc hôm nay ngươi tới đây, cũng là do nó đã trải sẵn đường cho ngươi rồi, cho nên Lý thí chủ à, hãy quý trọng mối duyên này.”
Lý Ý Lan cảm giác dường như ông có ẩn ý riêng, song thần thái của ông rất đỗi tự nhiên nên hắn chẳng dám nghĩ nhiều, đành gật đầu rồi lấy xá lợi trong ngực áo ra: “Vâng, đại sư yên tâm.
Cuối tháng trước y nhờ ta chuyển lời tới ngài rằng đáp án cho ván cược giữa ngài và y đang nằm trong tro cốt của y, còn mấy viên xá lợi này vốn lẫn trong tro cốt của y, ta xin trả lại hết cho ngài.”
Bởi vì không muốn nên động tác của hắn chậm rì rì, mà cố chậm mấy thì cũng phải đưa thôi.
Đại sư nhận lấy bọc vải không hoa văn trang sức kia, mở nút ra đổ đồ vào lòng bàn tay, nhận thấy quả nhiên bên trong là số xá lợi bị trộm khỏi tháp Xá Đắc vào chín năm trước.
Tuy nhiên vốn dĩ có sáu viên mà giờ lại thành bảy viên, viên xá lợi mới xuất hiện kia có màu sắc như sương mai, long lanh trong vắt, đẹp đẽ vô ngần.
Thực ra ông đã biết chuyện xá lợi bị Tri Tân lấy trộm, bởi vì sau khi Phật bảo bị mất, người lấy cớ tìm kiếm để xuống núi nhiều nhất và kiên trì nhất chỉ có một mình y mà thôi.
Đàm lục tất nhiên cũng là do y trộm, quyển sách kia phức tạp tối nghĩa, không ai thích đọc mà có đọc cũng không hiểu, trước khi y tới thì nó đã bị phủ bụi trong Tàng Thư các suốt nhiều năm.
Mà chứng kiến y từ từ gột rửa lệ khí, dần trở nên ôn hòa nhã nhặn, đại sư cảm thấy tạm thời gửi gắm xá lợi ở trong người y cũng được vậy.
Bây giờ sự thật cũng chứng minh đồ đệ mà ông chọn quả thực có Phật duyên, chỉ trong mười năm ngắn ngủi mà có thể tu ra được bảo vật mà các tăng nhân khác mất cả đời cũng không đạt tới.
Đại sư không muốn nói trời cao đang bù đắp cho Hứa gia, cũng không có ý định che giấu chân tướng như Lý Ý Lan.
Đây là khát vọng sống của một người trẻ tuổi mà đã chết từ lâu trong mắt người đời, trong ác hướng thiện, tựa như hoa quỳnh thoáng nở trong đêm, cần có người để thưởng thức và quý trọng.
Nếu như phải dùng một câu để khái quát cuộc đời tiểu đồ đệ của ông, đại sư cảm thấy câu này là thích hợp hơn cả: Kẻ kiên cường chẳng thể khinh khi.
Song việc này không cần vội, bởi vì ông muốn người trẻ tuổi này ở trong núi thêm một thời gian nữa.
Đại sư cười cười, trở lại chủ đề chính: “Việc này nó đã kể trong thư với ta rồi, nhưng ngươi có biết nó vẫn uỷ thác ngươi đến đây là có dụng ý gì không?”
Lý Ý Lan không biết bọn họ cá cược cái gì nên tất nhiên không thể phỏng đoán dụng ý: “Ta không biết.”
Đôi mắt đại sư ánh lên vẻ thương xót: “Nó sợ mình đi rồi ngươi sẽ suy sụp không thiết sống nữa, liền quyết định giao phó cho ngươi một việc, bởi nó tin ngươi là người giữ chữ tín, một khi đã nhận lời nó thì sẽ dốc hết sức để tới đây gặp ta.”
Lý Ý Lan nghe mà nghẹn ngào trân trối, nghẹt thở đến nỗi suýt nữa rơi lệ.
Đại sư như không nhìn thấy sự thất thố của hắn, ông đổi sang vẻ mặt đánh giá, nói một cách dí dỏm: “Nó còn nói nó muốn hoàn tục, bảo ta hãy gặp người đã khiến cho nó phá giới.”
Tầm mắt Lý Ý Lan bỗng chốc trở nên mơ hồ.
Cũng không biết có phải vì đã hoàn thành giao phó hay không, đêm hôm ấy Lý Ý Lan nghỉ lại căn phòng nhỏ nơi Tri Tân từng ở, hắn đã mơ một giấc mơ.
Mơ thấy lúc ánh chiều tà le lói, hắn một mình rót hai chén trà trong căn phòng thiền màu chàm, rót xong lại đẩy một chén về phía đối diện.
Bên kia lập tức có người vươn tay ra bưng lấy, tầm mắt xuôi Lý Ý Lan theo bàn tay ấy ngước lên trên, trông thấy một gương mặt quen thuộc.
Đó là người hắn muốn gặp gỡ, chẳng biết mái tóc đã dài ra tự bao giờ, y để tóc nửa buộc nửa thả, ngồi xuống phía đối diện, mày như đao cắt, khôi ngô anh tuấn, lúc cười lên đôi mắt sáng ngời, trong sáng như thể chưa từng trải qua sóng gió cuộc đời.
Y nói: Vị bằng hữu này, có rượu không?
Tác giả có lời muốn nói:
Kẻ kiên cường chẳng thể khinh khi.
—— Xuất phát từ《Quốc thương》của Khuất Nguyên.
Phiên ngoại tạm tới đây thôi, sau này nếu muốn viết thì thêm sau vậy, tiếp theo tôi dự định viết một bộ hiện đại, vẫn chưa nghĩ xong, chờ tôi nhé hahaha.
Cảm ơn các thiếu nữ xinh đẹp đã đồng hành cùng tôi thời gian qua, cúi chào ~.