Thành Phố Hoang Vắng

Ra khỏi quán cà phê, Thái Hồng thất thểu bước đi trên phố. Cô suy nghĩ về tình bạn giữa mình và Lợi Lợi, càng nghĩ càng thấy rối như tơ vò. Sau vụ Ngụy Triết, cô luôn tận hưởng một cảm giác ưu việt về mặt đạo đức những tưởng rằng mình tha thứ cho Lợi Lợi, còn không câu nệ chuyện xưa mà tiếp tục giữ mối quan hệ qua lại với cô ấy, tưởng rằng mình thật là cao thượng. Giờ đây, rốt cuộc là ai làm tổn thương ai? Rốt cuộc là ai không câu nệ chuyện xưa? Và rốt cuộc, ai mới là người coi trọng tình bạn? Tất cả đều không thể nói rõ được!

Càng hoang đường hơn nữa là, xét theo toàn bộ sự việc, dường như từ đầu chí cuối chỉ có hai cao thủ Lý Minh Châu và Lợi Lợi so chiêu với nhau, chuyện ai thắng ai thua đều chẳng liên quan gì đến Thái Hồng.

Thù mới hận cũ như những đường ống ngầm dưới lòng thành phố này, được che lấp sâu bên dưới, đến là lộn xộn, rối rắm. Dù lộ ra hay che lại thì nó vẫn lộn xộn, rối rắm khiến người ta chẳng thể nào hiểu được. Thái Hồng ngẩn ngơ lang thang trên phố, đi mãi, bước chân bất giác đưa cô đến trước cung thiếu niên.

Nhìn đồng hồ, giờ này chắc Quý Hoàng đang dạy yoga trong cung thiếu niên. Anh đã tìm một giáo viên khác đứng lớp thay để đến nhà cô ăn tối, ai dè nhanh như thế đã bị “tiễn ra cửa”, chắc anh lại đến đây dạy rồi. Cô vào trong hỏi, quả nhiên có anh trong đó. 

Cô tìm một chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh cửa, xuyên qua lớp kính, từ xa trông thấy Quý Hoàng đang làm động tác mẫu với vẻ nghiêm túc và chăm chú. Trong những cử động uyển chuyển, nhịp nhàng ấy, dường như có một sức mạnh vô hình truyền về phía cô, khiến cô bình tâm trở lại. Dần dần, lòng cô đã hết rối bời, cô bắt đầu ngây người ra trên ghế.

Có lẽ đã thấm mệt vì đi nhiều, cũng có lẽ lòng đã quá muộn phiền, cô tựa người vào lưng ghế, mơ màng ngủ thiếp đi. Một hồi lâu sau, cô cảm thấy có một bàn tay khẽ xoa đầu mình. Cô mở mắt ra, nghe tiếng Quý Hoàng hỏi: “Thái Hồng, sao em lại đến đây?”

“Không có chuyện gì, em ra ngoài đi dạo, loanh quanh rồi đến đây, tiện ghé vào thăm anh một lát.” Cô ngáp một cái rõ dài, giơ chiếc túi ra. “Em có mua dâu cho anh, đã rửa sạch rồi, anh ăn không?”

Toàn thân vã mồ hôi, anh ngồi xuống, không khách khí cầm lấy ăn.

“Đói vậy sao?” Lần đầu thấy anh ngấu nghiến ăn, Thái Hồng cảm thấy xót xa. “Nhất định là do những lời nói chua ngoa của mẹ em, hại anh đến cơm tối cũng ăn không ngon.”

“Không phải vậy đâu.” Anh nói. “Em tin không? Đây là lần đầu anh được ăn dâu, đúng là rất ngon.”

Cô ngẩn người, sửng sốt: “Không phải chứ? Dưới quê anh không bán dâu sao?” Dù ở dưới quê không có, thì ở thành phố nơi anh học đại học chắc chắn có bán chứ? Ngay sau đó cô liền hiểu ra. Dâu rất đắt tiền, cũng có thể coi là thứ xa xỉ trong các loại trái cây, nhà Thái Hồng cũng hiếm khi mới mua về ăn, gia cảnh nghèo khó như Quý Hoàng thì lại càng không thể mua. Ý nghĩ này vừa thoáng qua trong đầu, cô liền cảm thấy mình cứ chăm chăm vào chuyện này thì thật là ngốc nghếch quá.

May là Quý Hoàng không để tâm, anh nhanh chóng chuyển sang đề tài khác: “Anh ăn táo nhiều hơn. Đúng rồi, bộ sách lần trước nhà sách bảo hết hàng hôm nay có rồi”, anh nói. “Anh đã mua cho em một bộ.”

“Bộ nào? Của Bakhtin hay là Sigmund Freud?”

“Bakhtin toàn tập.”

“Em chỉ cần quyển Những vấn đề thi pháp Doctoyevsky”, cô le lưỡi làm mặt quỷ. “Những quyển còn lại anh cứ giữ cho mình đi nhé!”

“Anh mua những hai bộ. Nhà sách có nói sách học thuật bán không chạy nên họ chỉ nhập về có hai bộ thôi.”

“Bao nhiêu tiền?”

“Hơn hai trăm tệ một bộ, tổng cộng có sáu quyển. Đừng lo lắng chuyện tiền bạc, anh tặng em mà.”

“Anh xem anh kìa, cứ nói đến mua sách là hào phóng dễ sợ.” Thái Hồng thở dài.

“Ai bảo cô Hà phải thi tiến sĩ nào? Bakhtin hơi khó, em phải từ từ đọc nó, chỗ nào không hiểu thì ghi ra.”

“Anh có ghi chép sách của ông ấy không?”

“Đương nhiên là có. Những quyển sách hay anh đều ghi chép lại hết, gom góp từ trước đến giờ cũng được mấy nghìn trang rồi ấy chứ!”

“Thế thì anh cho em mượn đi.” Cô ngang ngược bảo. “Em muốn xem tất cả!”

“Đương nhiên là được. Nhưng mà những thứ mà anh “gặm” qua không có ích với em lắm. Sách em phải tự mình đọc và ghi chép thì tốt hơn. Chuyện học vấn người khác không thể nào làm thay em, huống chi anh và em đâu có chung một phương hướng nghiên cứu.”

Vừa nhắc đến chuyện ghi chép, Thái Hồng liền cảm thấy mình kinh nghiệm đầy mình, có đủ lý do để phê bình anh chuyện này: “Này, giờ là thời đại nào rồi mà anh còn ở đó ghi ghi chép chép lên quyển sổ dày như cục gạch đó? Anh biết không, có một loại phần mềm cao cấp có thể tự động phân biệt chữ trên các ấn phẩm, đến cả giọng anh cũng có thể phân biệt được, hoàn toàn thay thế cho cách ghi chép thủ công, hơn nữa còn có thể tự động làm mục lục và tra cứu, tìm kiếm. Nói cách khác, nghiên cứu và học vấn bây giờ đã chuyển sang số hóa lâu rồi, còn ai chép từng chữ, từng chữ một lên giấy giống anh chứ? Những kho sách điện tử trên mạng đầy ra ấy, muốn tra gì chứ việc lên google là có tất… Quý Hoàng à, anh thừa nhận đi, kỹ thuật anh lỗi thời lắm rồi!”

“Anh thích chép tay đấy, anh không thích nhờ máy tính ghi nhớ và suy nghĩ thay anh.”

“Từ chối đi cùng thời đại?”

“Cũng không phải. Internet có vấn đề của internet, và trong số đó có những vấn đề tương đối nghiêm trọng đối với các học giả, không biết em đã từng nghĩ đến chưa?”

“Chưa hề nghĩ đến. Anh xem em gửi một bức e-mail, chỉ một giây là được rồi. Đấy, giống thế này này, ding doong! You got a mail. Cái này gọi là hiệu suất công việc, lại tiết kiệm giấy và bảo vệ môi trường.”

“Thứ nhất, tài liệu có được quá dễ dàng, nhưng thực ra em không nghiêm túc nghiên cứu đầu đuôi của vấn đề, cho nên em không có được những ý thức từ việc trải nghiệm mà các lão tiền bối tích lũy được thông qua việc đọc sách theo kiểu trải thảm. Thứ hai, thời gian của em sẽ bị các liên kết phân cắt ra thành những mảnh vụn vặt, khó mà tập trung suy nghĩ sâu xa về một thứ. Cho nên anh không tán thành việc tốn quá nhiều thời gian cho internet.”

“Thôi thì nói toạc ra rằng, anh hoàn toàn không tán thành việc dùng máy tính.”

“… Cũng gần gần như vậy.” Anh thừa nhận.

“Có lẽ đây là phương hướng phát triển mới, tạm thời đặt tên là chủ nghĩa “tân điền viên”?” Cô nháy nháy mắt.

“Cũng có thể gọi là chủ nghĩa hậu internet.” Anh thêm vào một câu.

Cô bật cười to.

Được trò chuyện vui vẻ với sự dí dỏm của Quý Hoàng, tậm trạng Thái Hồng cuối cùng trở nên nhẹ nhõm hẳn. Cô đứng dậy, kéo anh: “Thế thì chúng ta mau ra ngoài nào. Đi, hôm nay trong lòng em bực bội suốt, đi xem phim nào!”

Hai người cười nói vui vẻ, tay trong tay đi đến rạp chiếu phim, xem một bộ phim hành động hài của Châu Tinh Trì. Khi vào rạp, cô chỉnh lại âm lượng của di động, bỗng phát hiện trên đó có đến hai mươi ba cuộc gọi nhỡ, đều là số điện thoại nhà cô.

Thấy hai mắt cô nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại, Quý Hoàng hỏi: “Em có cuộc gọi nhỡ à?”

Thái Hồng mỉm cười, nhét di động vào ví tiền: “Không có.”

Hai người tản bộ trên con đường quen thuộc, mãi đến tận cánh cổng nhà Thái Hồng, hai người mới bịn rịn tạm biệt nhau. Thấy tâm trạng Thái Hồng không tốt, suốt cả đoạn đường đi người kiệm lời như Quý Hoàng cũng kiếm chuyện để chọc cô vui, những chuyện thú vị trong ký túc xá nam, chuyện đó đây của các học giả nước ngoài, những luận điểm quái gở trong nghiên cứu học thuật… nói hết chuyện này đến chuyện khác, thao thao bất tuyệt. Nếu là bình thường thì Thái Hồng chắc chắn đã bò lăn ra mà cười rồi, nhưng càng về đến gần nhà, cô càng không cười nổi. Quý Hoàng vừa về, cô cất bước lên lầu, nghĩ đến bóng dáng của Minh Châu, tâm trạng cô bất chợt nặng nề hơn.

Đẩy cửa bước vào nhà, quả không sai, Lý Minh Châu đang ngồi đan áo len trên sofa, mặt sầm lại.

Thời đại bây giờ đã không còn thịnh áo len đan tay nữa. Từ lúc vào đại học Thái Hồng không mấy khi mặc nó, những khi cần thì vào cửa hàng mua, và đương nhiên mọi thứ đều do một tay Minh Châu lo liệu. Với con mắt của mình, Minh Châu không hề dễ dãi khi mua đồ, nhưng món nào bà vừa ý thì chắc chắn là hàng có chất lượng thượng hạng, kiểu dáng mới mẻ, hơn nữa sẽ giảm giá vào mùa sau. Cho nên áo len của Thái Hồng không nhiều, nhưng cái nào cái nấy đáng giá đồng tiền bát gạo. Bản thân Minh Châu thì lại tiếc tiền mua cho mình nên tất cả quần, áo len, bao gồm cả của Hà Đại Lộ đều do bà tự tay đan. Sợi len cũ rồi tháo ra giặt một lần, xong đặt ở ban công phơi nắng, rồi đan lại thành quần áo, vừa ấm áp lại bồng bềnh.

“Về rồi đấy à?” Lý Minh Châu hỏi.

“Dạ!” Thái Hồng lặng lẽ cởi áo khoác, chuẩn bị đi vào trong phòng.

“Mẹ có hầm canh đuôi bò cho con đấy, mau uống đi cho nóng.” Lý Minh Châu đặt que đan xuống, đi vào bếp múc một bát canh đặt lên bàn.

Cô đành ngồi xuống bưng bát canh lên, khẽ thổi cho nguội bớt.

“Đi đâu, làm gì mà đến tận giờ này mới về? Gọi điện thoại cũng chẳng bắt máy lấy một lần?” Lý Minh Châu hỏi.

“Con đi xem phim với bạn.”

“Lại với gã Quý Hoàng đó?”

“Dạ.” Thái Hồng đặt bát xuống, nghe giọng mình khẽ run rẩy: “Con thích ở cạnh anh ấy.”

Sự im lặng bỗng bao trùm.

Một hồi sau, Lý Minh Châu thở dài: “Thái Hồng, cả đời này mẹ sống nghèo khổ nên cũng quen rồi, nửa đời sau dựa vào bảo hiểm lao động, tằn tiện chi tiêu cũng đủ sống qua ngày. Tục ngữ nói, con cháu tự có phúc của con cháu, số mẹ trước giờ không tốt cũng không dám mơ mộng gì quá cao xa. Mẹ không phải ích kỷ vì bản thân mình, nếu con có được tấm chồng tốt, dù mỗi ngày chỉ ăn dưa cải mẹ cũng vui lòng. Nhưng mà gã Quý Hoàng này, mẹ thực sự không cam tâm! Hai mươi mấy năm nay, mẹ vất vả trăm phương ngàn kế nuôi dưỡng con, con cũng giỏi giang tìm được một công việc tốt, học vấn cao, vẻ ngoài xinh đẹp, tính thêm ông ngoại con vào, gia thế nhà mình cũng không kém cạnh ai. Con có điều kiện như thế thì lo gì không tìm được tấm chồng tốt, lại đi tìm một người xuất thân từ mỏ than ở cái huyện nhỏ kia chứ? Không có nền tảng kinh tế chẳng nói làm gì, đằng này còn phải gánh vác một đống gánh nặng trên vai. Con thế này không phải tự mua dây buộc vào người rồi sao? Gã Quý Hoàng này, đừng thấy vẻ ngoài của hắn nhã nhặn, lịch sự, mẹ thấy hắn cũng chẳng khác Hạ Phong bao nhiêu, chỉ e còn hung dữ hơn cậu ta nữa kia. Loại người này bề ngoài trung thực nhưng bên trong phong kiến, gia trưởng hơn bất kỳ ai! Sau này trông chờ hắn ta thương yêu con, đừng có hòng! Con xem, lần này thì hay rồi, cuộc đời mẹ và con tuy không xuất phát từ cùng một điểm, nhưng lại cùng chạy đến một điểm đích, nửa đời người chui rúc trong căn nhà chật chội, một xu tiền phải cố bẻ làm đôi để tiêu xài. Nếu con lấy Quý Hoàng, chỉ sợ ngay đến một căn nhà chật chội cũng chẳng có mà ở. Nếu biết sớm, từ nhỏ mẹ đã nuôi con như một đứa bé nhà nghèo, năm giờ sáng bắt dậy nhóm lửa nấu cơm, lúc nào không vui thì đánh con một trận. Còn con, chịu khổ quen rồi sẽ không cảm thấy bị đau khổ giày vò, bị đánh quen rồi nên cũng quên cái gì gọi là đau… Thái Hồng, mẹ hiểu con, con chẳng qua là muốn tìm một người có chung sở thích để có thể trò chuyện vui vẻ với nhau, đúng không? Con trai kiểu như thế có nhiều mà. Ban nãy mẹ gọi điện cho dì Tạ của con, khéo sao dì ấy đang có một người như thế, là giảng viên khoa tiếng Pháp của một trường đại học, là tiến sĩ du học về nước. Cha mẹ là giáo sư Tâm lý học. Gia cảnh tốt, đạo đức, văn hóa tốt, và may mắn là cha mẹ thuộc hàng trí thức tiến bộ, lại am hiểu tâm lý học… phú quý chúng ta không có phúc, cũng chẳng dám với cao, phù hợp nhất vẫn là gia đình trí thức, hiểu lễ nghĩa. Mẹ vừa nói với dì Tạ là dì ấy hài lòng lắm, gọi điện ngay cho nhà bên kia, họ tỏ ý chấp nhận hẹn gặp mặt một lần, hẹn uống cà phê vào bảy giờ tối thứ Bảy tuần này…”

Những lời lẽ thực dụng thế kia chính là thứ mà chủ nghĩa nữ quyền cần phản đối nhất! Thái Hồng cảm thấy mẹ mình vì xem ti vi quá nhiều, suốt ngày nghe những lời tán gẫu nên mê muội đầu óc rồi. Cô liền bực bội cướp lời bà: “Con không đi, con không thích. Mẹ thích thì mẹ tự đi đi! Con tìm bạn trai của con, mẹ tìm con rể của mẹ. Tìm được ai vừa ý rồi thì mẹ cứ việc sinh thêm đứa con gái gả cho hắn…”

Chưa kịp dứt lời, một tiếng “bốp” vang lên, cô lãnh một cú tát đau điếng.

“Con dám báo đáp cha mẹ thế đấy hả!” Lý Minh Châu giận sôi máu, ném phịch cái áo len xuống sàn, hằn học giậm mạnh vài cái. “Mẹ vất vả, cực nhọc nuôi con từ lúc còn bé đến nay đã hơn hai mươi năm, cha mẹ làm trâu làm ngựa cho con, chỉ thiếu điều cắt tim gan dâng cho con, là vì cái gì? Là để con lông cánh cứng cáp rồi quay lại báo đáp cha mẹ như thế sao? Con nói xem, cha mẹ có chỗ nào không phải với con? Tiền lương của cha mẹ có đồng nào mà không chi tiêu cho con chứ? Nhà thì rách nát, tồi tàn, cho con mặc thì toàn gấm vóc lụa là, ăn những thứ rau muối chấm tương để cho con ăn sơn hào hải vị. Cuối cùng cha mẹ được hưởng phúc gì từ con hả? Thái Hồng! Con căng mắt ra nhìn lại cái nhà này, rồi xem lại chính con đi, con chẳng phải là một chim phượng hoàng sống trong ổ gà đó sao? Không có mẹ đỡ đần, con nghiên cứu được cái quái gì về chủ nghĩa nữ quyền cơ chứ! Có giỏi thì con thử thay đổi tình trạng của cái nhà này xem, đừng có mà tốn công tốn sức gây gổ với cha mẹ để người dưng nước lã lợi dụng, cuối cùng lại khóc lóc ỉ ôi chạy về nhà mẹ than khóc kể khổ. Đến khi con trở thành Hàn Thanh, bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay, mẹ cũng chẳng bảo vệ được con đâu. Đúng là ngốc nghếch, càng học nhiều càng ngốc mà!”

Mặt Thái Hồng đau rát, vừa thẹn vừa giận, cô ngoảnh đầu chạy vào phòng mình, đóng cửa cái “rầm”. Trong bóng tối, cô ôm chăn khóc nức nở.

Xuyên qua rèm cửa, ánh đèn thành phố lấp loáng giữa bóng cây xào xạc. Dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi, mùi thơm của những món nướng dưới lầu được gió thoảng đưa lên, các cửa hàng đã đóng cửa nhưng khu chợ đêm ồn ào, náo nhiệt thì chỉ vừa bắt đầu. Cứ thế, bầu không khí xô bồ, nhộn nhịp tiếp nối ngày và đêm giữa thành phố hầu như không ngủ này, và hơi thở thực dụng vẫn lan tỏa khắp chung quanh, dẫu là màn đêm thăm thẳm cũng chẳng thể che giấu được.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, phòng khách vắng lặng không một tiếng động, cửa phòng ngủ của Thái Hồng khẽ mở ra.

Đèn bàn chợt bật sáng, Thái Hồng ngồi dậy.

Là cha cô, Hà Đại Lộ.

“Lại cãi nhau với mẹ con à?” Hà Đại Lộ hỏi.

Thái Hồng giận dỗi không trả lời.

“Tính khí mẹ con có hơi nóng nảy, nhưng mà cha đồng ý quan điểm của mẹ con.” Hà Đại Lộ thở dài nặng nề, đưa tay xoa xoa đầu cô, từ cổ tay áo tỏa ra mùi xăng dầu quen thuộc. Thái Hồng nghe ông nói: “Mẹ con rất có mắt nhìn người, trước nay chưa bao giờ nhìn lầm, đừng nói cha, đến cả lãnh đạo ở cơ quan bà ấy cũng phải khâm phục, nếu không thì sao bà ấy có thể từ một nhân viên tài vụ quèn được đề bạt lên chức trưởng phòng chứ? Con người thầy Quý không tệ, theo cha thấy cậu ta không phải người xấu. Nhưng thực sự nhà cậu ta khó khăn chồng chất, sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của con sau này. Con chưa bao giờ lo liệu chuyện trong nhà, không biết nó khó khăn như thế nào đâu. Cha thấy tốt nhất con hãy từ bỏ sớm đi, đây là ý kiến của cha và mẹ con.”

Những lời của cha nằm trong dự đoán của cô. Chuyện lớn trong nhà từ trước giờ Hà Đại Lộ đều răm rắp nghe theo Lý Minh Châu, về điểm này từ khi Thái Hồng hiểu chuyện, nó đã như thế rồi và chưa từng thay đổi.

“Một người đàn ông đã thích con, đương nhiên sẽ tìm trăm phương ngàn kế lấy lòng con.” Hà Đại Lộ nói tiếp. “Nếu con dễ dàng cảm động bởi những điều ấy thì đúng ý nguyện của anh ta rồi. Người ở quê có ai mà không muốn ở lại phát triển tại thành phố này? Chẳng biết rõ gốc gác, thân thế của người này, làm sao cha mẹ yên tâm để con và cậu ta chung sống qua ngày được chứ?”

Thái Hồng nói: “Sao lại không biết gốc gác, thân thế? Người ta là tiến sĩ của trường đại học danh tiếng, thành tích ưu tú, được phân làm giảng viên đại học, là một học giả giản dị, trong sạch… lý lịch của anh ấy con đã xem qua, không có bất kỳ vết nhơ nào.”

“Gia đình cậu ta thế nào con hiểu rõ không? Cha cậu ta là người thế nào, mẹ cậu ta là người thế nào? Con biết được bao nhiêu? Học giả, học giả, con gả cho cậu ta không phải vì học vấn, mà là để sinh sống qua ngày. Chủ nghĩa Marx con biết chứ? Tư liệu sản xuất quyết định thượng tầng kiến trúc. Cậu ta có bao nhiêu tư liệu sản xuất con biết không hả? Con thông minh lắm mà, sao giờ lại chuyển thành chủ nghĩa duy tâm mất rồi?”

Đúng là người nào người nấy giỏi nói chuyện đạo lý, mà chỉ có hơn chứ chẳng có kém, Thái Hồng thiếu điều ngất xỉu vì tức, ngã lăn ra giường, phớt lờ cha mình.

“Cha mẹ chỉ muốn tốt cho con, người trẻ hay hành sự theo cảm tính, đưa ra lựa chọn không thiết thực, đến lúc xảy ra chuyện thì hối hận không kịp nữa.” Giọng của Hà Đại Lộ thô ráp, pha chút khàn khàn.

Thấy Thái Hồng hồi lâu chẳng buồn đáp lời, ông đành nói: “Con hãy suy nghĩ kỹ nhé, ngủ sớm đi!” Dứt lời, ông đi ra phòng khách.

Vừa mở cửa, đột nhiên Thái Hồng cất tiếng hỏi: “Cha, năm xưa mẹ và cha kết hôn là hành sự theo cảm tính hay là lựa chọn thiết thực? Bao nhiêu năm qua, hai người hạnh phúc không?”

Không có câu trả lời, đáp lại là một tiếng “rầm” đinh tai, cánh cửa đóng sập lại.

Trong thoáng chốc, đêm đen ngập tràn nỗi lạnh lẽo buốt giá.

Thái Hồng biết mình đã bắn một mũi tên làm tổn thương cha mình. Cô vẫn nhớ rõ, lúc còn nhỏ, cha mẹ cô thường xuyên gây gổ, cãi cọ, sau trận cãi vã là chiến tranh lạnh kéo dài đến mấy tuần, phải nhờ Thái Hồng làm bồ câu đưa thư, chuyển giấy nhắn tin để nói chuyện với nhau.

Một ngày nọ, khi cô mười tuổi, Thái Hồng không chịu nổi nữa, bèn viết một bức thư cho cha mẹ, ghi rằng thà cô chết sớm cũng không muốn trông thấy hai người cãi cọ. Cô đặt bức thư vào trong một phong bì ngũ sắc, nhét vào ví tiền đặt trong đống quần áo sắp mang đi giặt. Cô biết Minh Châu có thói quen kiếm tra tất cả các túi áo quần trước khi giặt quần áo.

Từ sau hôm đó, những trận cãi vã biến mất, chiến tranh lạnh kết thúc, thay vào đó là cảnh êm ấm bề ngoài. Cha mẹ vẫn mâu thuẫn với nhau, chẳng qua là từ cãi cọ công khai chuyển sang âm thầm, giấu giếm mà thôi. Hơn ai hết, khi lỡ bước sai đường, những người già luôn biết cái gì gọi là đâm lao phải theo lao, chỉ biết bất lực thở dài chịu đựng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui