Thành Phố Không Mặt Người

22. Thằng Hắc Quẩy
Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Bình
Tới giờ cũng chẳng ai biết nó tên gì, trong xóm ai cũng gọi nó là thằng Hắc Quẩy. Hắc là đen, quẩy hình như là quỷ. Thằng quỷ, không biết có phải vậy không. Nếu đúng, cái tên có vẻ hợp với con người của nó. Đen thui và phá như… quỷ. Nhà tôi ở đầu hẻm, còn đi sâu vô trong, đến tận cùng, con hẻm teo lại chỉ đủ một người lách qua là tới nhà nó. Lúc mới biết nó từ nhỏ cho đến lớn, không khi nào thấy nó mặc áo, chỉ độc cái quần đùi dơ như nùi giẻ lau xe, mình mẩy mốc thếch. Nhà tám anh chị em, ba nó còng lưng đạp xích lô, mà lại có vợ nhỏ, nghe đâu là mối quen ở tuốt Hóc môn lên bán rau. Mẹ nó buổi sáng chăn dắt lũ con, buổi chiều dắt hai đứa lớn ra chợ nhỏ phụ dọn hàng, dẹp sạp kiếm bữa rau, bữa cháo. Đêm hôm đó, mẹ nó ngủ rồi đi luôn. Sáng ra, chị nó kêu hoài không dậy, đến khi cầm chân định lay, thấy đã lạnh ngắt. Chắc bà đuối sức, chịu hết nổi chuyện chồng con. Đám tang xong, ba nó lấy chiếc xích lô đi luôn không thấy quay lại. Chị nó nói: “Ổng theo vợ nhỏ”. Từ đó, chị nó thay mẹ lo cho hai đứa nhỏ nhất. Tốp năm đứa khúc giữa, trong đó có nó bắt đầu tự bò ra khỏi “hang” để kiếm ăn. Ban đầu nó chỉ loanh quanh cái chợ nhỏ, hết đẩy xe, khiêng vác, lượm mót… tất cả mọi thứ, miễn là có thể nhai và nuốt được. Lần hồi, thằng Hắc Quẩy phát hiện thiên hạ đối xử với nó khốn nạn quá, la, chửi, đánh đập, trả công như bố thí. Đời “dạy” nó cách tồn tại, nó không thèm làm công cho ai nữa, bắt đầu chôm chỉa, móc túi, đá cá, lăn dưa, mặc ấy đứa em lo sợ. Chỉ thời gian ngắn, tay nghề “hai ngón” của thằng Hắc Quẩy “nổi tiếng khắp chợ. Vừa thấy bóng nó, cả chợ như sôi lên, tiếng kêu í ới , tiếng kéo đồ, tiếng chửi, tiếng xua đuổi ầm ỉ. Nó lảng mất, lúc ẩn, lúc hiện. Cuối cùng cũng có người kêu mất đồ. Cả chợ phải hùn tiền thuê một ông già tay đeo băng đỏ làm bảo vệ chỉ với một chuyện là canh chừng nó. Ông già làm việc nhiệt tình quá, hết kiếm ăn được ở chợ, nó bắt đầu chuyển địa bàn và phương thức hoạt động. Suốt ngày nó lang thang hết ngõ này đến hẻm nọ, ai hở ra cái gì nó “quất” liền, kể cả quần áo đang phơi trên balcon, đôi giày để trước cửa…Có lần nó bế bổng một bé gái mới vài tuổi đang tha thẩn chơi một mình trước nhà chỉ để rút đôi dép. Không phải lần nào cũng trót lọt, đi đêm có ngày gặp ma, đôi khi cũng bị bắt quả tang, người ta đập ột trận thừa sống thiếu chết rồi thả ra, không ai giao cho công an, nó chưa tới tuổi vị thành niên.
***
Thằng Hắc Quẩy bằng tuổi tôi, tuổi con cọp. Nó là cọp rừng, cọp đường phố. Tôi là cọp nhà, cọp giấy. Cũng như mọi đứa con nít trên thế gian, thằng Hắc Quẩy cũng ham chơi sau những giờ đi… chôm chỉa căng thẳng. Thấy đám con nít chúng tôi hay tụ tập ở khoảng sân trống cuối hẽm bày trò chơi, nó cũng xáp lại. Nhưng vừa thấy nó là cả đám tản ra chạy về nhà hoặc chạy ra xa đứng nhìn nó. Lúc đầu nó ngẩn ngơ một chút, rồi như chợt hiểu, lủi thủi bỏ đi. Không cho nó chơi, nó phá. Có khi nó chạy ào tới nhảy xổ vào, đánh đứa này, thoi đứa nọ, níu tóc đứa kia làm chúng tôi chạy tán loạn. Có một trưa hè, tôi trốn ngủ tha thẩn ra sân hẻm, đám bạn chưa đứa nào đến, thằng Hắc Quẩy bỗng xuất hiện. Tôi giật mình quay lại thủ thế, nhưng tôi thấy vẻ mặt nó không có gì là ác ý, thân thiện nữa là khác. Nó bước đến xòe bàn tay ra, có hai cục bi cũ trong tay. Nó rủ: “Chơi không, tao với mày chơi bắn bi”. Không hiểu sao tôi gật đầu. Chắc tôi đồng tuổi, với lại tướng tá tôi còn bự hơn nên ít có cảm giác sợ hãi, vì vậy nó mới có dịp rủ tôi chơi chung. Mấy đứa khác thấy nó là chạy mất dép. Bắn bi với nó được vài ba lần bỗng dưng tôi nổi tiếng: dám chơi với thằng Hắc Quẩy chôm chỉa. Ba tôi quất đủ mười roi bằng cây chổi lông gà vào mông, cấm tiệt không cho ra sân hẻm chơi. Mấy hôm sau, con nhỏ em gái về khều tôi nói nhỏ: “Hồi trưa thằng Hắc Quẩy tới sân hẻm, nó kiếm anh”. Hết hè tôi vô trường cấp ba, thằng Hắc Quẩy nghe đâu vô trường giáo dưỡng. Kể từ đó tôi không còn gặp nó nữa. Cho đến khi tôi đang học lớp mười hai, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông, anh cảnh sát khu vực đi ngang nhà kể với mẹ tôi: “Anh em nhà thằng Hắc Quẩy không cha, không mẹ mà vẫn lớn, mạnh khỏe không sẩy đứa nào. Trời nuôi tụi nó, có điều trời không dạy nổi thằng Hắc Quẩy thím ơi!. Lúc này nó “làm ăn lớn”, trộm cắp chuyên nghiệp rồi, vô tù ra khám như cơm bữa.”. Còn tôi, đậu tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đại học và trúng tuyển… nghĩa vụ quân sự.
****
Năm năm sau tôi xuất ngũ. Không nghề, không vốn, thất nghiệp hơn nửa năm. Hôm nọ anh Tư ở cùng xóm, giờ làm phó chủ tịch phường qua nhà nói với mẹ tôi cho tôi vô phường làm. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cùng với một cán bộ dẫn hơn ba mươi đối tượng vừa mãn hạn tù đang chịu sự quản lý của địa phương đi lao động. Thật ra đây là công trình do phường nhận để giải quyết công ăn việc làm tạm thời cho những người vừa ra tù. Sáng đó, nhỏ em gái - mới thành cô giáo dạy tiểu học - chuẩn bị cho tôi một lon cơm nhét cái trứng kho, nó nói: “Anh Hai lấy cái xe đạp em đi làm. Tuần này em ở nhà. Mai mốt anh đi làm kiếm tiền ráp thêm một chiếc”. Giá trị cái xe đạp thời đó lớn lắm. Nếu tính lương giáo viên tiểu học phải ba bốn tháng nhịn ăn mới sắm được một chiếc. Đạp xe lên phường, tôi thấy đã có nhiều người, người đi bộ, người đi xe đứng ngồi lố nhố. Tôi nhận ra ngay thằng Hắc Quẩy đang đứng dựa góc tường nhả khói thuốc, mặt mày nó không khác gì hồi nhỏ, chỉ thêm cái quần dài ka ki cũ, cái áo jean bạc chỉ cài hai nút phía dưới. Nó cũng nhận ra tôi, bước đến cười cười hỏi liền, không cần chào:
- Nghe nói ông mới đi lính về?
- Ừ! Sao biết?
Nó không trả lời vô thắc mắc của tôi:
- Còn tôi mới ở tù về!
- Khỏi khoe, thấy ông có mặt ở đây tôi biết rồi.
Chỉ bao nhiêu đó, tôi với nó không nói thêm tiếng nào. Tôi chở nó lên chỗ lao động. Nó khỏe như con trâu, sức làm bằng ba bốn người. Có người khen, nó nói nhờ ở tù lâu, lao động quen rồi. Giờ nghỉ trưa, tôi giở lon cơm mời, nó lắc đầu:
- Có nhiêu đó, ông ăn còn không đủ. Ông cho tôi mượn cái xe đạp đến chỗ nhỏ em thăm nó một lát, từ lúc ra tù chưa gặp, nghe nói nó mới sinh con.
- Đi đi, mà nhớ về đúng giờ làm – Tôi đồng ý không chút ngần ngại – Mà em gái ông bao nhiêu tuổi mà sinh em bé.
- Mười chín
Nó vừa thót lên yên đạp đi, lập tức mấy người làm chung đang nghỉ cách đó mấy cái hố móng ập đến bên tôi :
- Trời! sao ông cho thằng Hắc Quẩy mượn xe đạp. Bộ ông không biết nó hả. Nó là thằng Hắc Quẩy, thằng Hắc Quẩy, ông biết chưa.
Tôi sững người, giật mình quăng lon cơm chạy nhanh ra đường đuổi theo, nhưng không còn kịp nữa, bóng thằng Hắc Quẩy khuất hẳn sau làn xe cộ đông đúc. Tôi quay vô, ngồi phịch xuống đất, tưởng tượng hình ảnh khuôn mặt mếu máo của nhỏ em gái khi biết tin chiếc xe đạp thân yêu bay theo thằng Hắc Quẩy, thật tình tôi chịu không nổi. Suốt buổi chiều, tôi vừa làm vừa ngóng, đi ra đi vô, nó vẫn chưa quay lại. Hết giờ làm, tôi nán lại chờ trước những ánh mắt thông cảm cùng những lời an ủi:
- Lên xe, tôi chở ông về, kể như tiêu rồi. Về ráng kiếm chiếc khác. Cái xe vô tay nó như mỡ gặp miệng mèo. Nó không quay trở lại đâu.
Tôi từ chối, không về, nói thẳng ra là không dám về. Với nhỏ em gái, cái xe đạp là cả gia tài của nó lúc đó, hình như nó còn vay tiền để ráp chiếc xe. Có thể nó không dám trách móc tôi nhiều, nhưng… tôi vẫn chưa dám bước về nhà. Thành phố bắt đầu lên đèn, tôi uể oải đứng lên, phủi bụi, lết từng bước nặng nề, tự trách sao lại ngớ ngẩn như vậy. Bỗng một chiếc xe đạp thắng gấp trước mặt tôi, khuôn mặt thằng Hắc Quẩy như từ dưới đất chui lên, nhe răng cười toe tóet. Tôi chộp ngay cổ nó, định dộng vô mặt nó một dộng nhưng kịp dằn lại. Tôi xô nó xuống xe, giằng lấy chiếc xe, đạp thẳng về nhà bỏ mặc nó đang lồm cồm bò dậy. Về đến nhà tôi dắt chiếc xe ra tuốt sau nhà, vòng sợi xích bóp chặt ổ khóa. Nhỏ em gái ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, cứ đi theo hỏi. Tôi trả lời:
- Không có chuyện gì hết. Trả em chiếc xe, mai anh đi bộ được rồi, ở chỗ làm, xe để không ai coi, dễ mất lắm.
Một giờ sau có tiếng gõ cửa. Thằng Hắc Quẩy đứng lù lù trước nhà, tôi kéo nhanh nó ra quán cà phê, sợ nhỏ em thấy:
- Cái gì đây, định mượn xe nữa hả. Bán không được mới đem về trả phải không?
Nó cười khùng khục:
- Cái xe tốt lắm, bộ đồ lòng (xích, líp, đùm) toàn đồ ngoại, chạy nhẹ re. Vô tay tôi, cái quần cũ còn bán được huống chi cái xe của ông.
Giọng nó bỗng chùng xuống :
- Nói thiệt, lúc đầu tôi nghỉ ông không bao giờ dám ột thằng trộm cắp như tôi mượn xe, không ngờ ông lại để tôi lấy xe dễ dàng như vậy. Mới ra tù, tôi “vả” lắm, định “thẩy” nó rồi, nhưng… tôi không làm được. Tôi thiếu đủ thứ, thiếu mẹ, thiếu cha, không bạn bè, chẳng ai dám chơi. Hồi nhỏ chỉ có ông dám chơi với tôi. Tôi về nhà, chị tôi còn đem đồ đạc đi giấu, vậy mà ông cho tôi mượn xe tỉnh bơ. Như vậy ít ra còn có ông có lúc coi tôi là một con người bình thường, bởi vậy tôi phải đem xe trả ông như một chuyện bình thường.
Tôi không ngờ con người như thằng Hắc Quẩy mà nghỉ được điều này. Nó biết đâu tôi cho nó mượn xe chỉ là một phút mất cảnh giác, quên phắt nó là một tên trộm cắp, chưa bao giờ tôi coi nó là một người lương thiện bình thường. Tôi im lặng, cố giấu suy nghĩ của mình. Phải chăng chỉ cần xem nó là người lương thiện, nó sẽ trở nên lương thiện. Ảo tưởng. Nhưng trong trường hợp này là thật. Cuối cùng tôi vỗ vai nó
- Dù sao, tôi cũng cám ơn ông đã không bán xe của nhỏ em. Chắc chắn ngày mai nếu tôi lấy xe tiếp tục chở ông đi làm, mọi người sẽ nhìn ông một cách rất khác thường. Ông không còn là một thằng Hắc Quẩy bình thường nữa. Ông ráng làm một thằng Hắc Quẩy khác thường đi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui