Thành Phố Không Mặt Người

23. Mắc nợ thòng đong
Truyện ngắn của Trần Hồng Giang
Chiều. Mưa xối xả từng cơn, gió lồng lộn giẫy lên như một kẻ khùng trong cơn điên loạn. Mưa đổ ràn rạt lên mái tôn tạo nên những âm thanh chói lói rồi hắt vào trong căn phòng trọ chừng 8 mét vuông từng vụm nước.
Trên mép giường nơi góc căn phòng, hắn ngồi bó gối, mắt gườm gườm nhìn ra phía cánh cửa đang rung lên từng nhịp theo gió. Một lát, hắn lại chống tay duỗi người rồi bỏ thõng một chân xuống dưới sàn nhà ướt lép nhép. Hắn buông một tiếng thở dài, tiếng thở dài nghe rất sâu tưởng như rút hết không khí từ lồng ngực của hắn.
Có tiếng động lịch kịch rồi cánh cửa mở hé ra. Một mái tóc dài đẫm nước thò vào phòng, tiếp sau là một thân hình phụ nữ gầy lẵng nhẵng bó sát vào bộ quần áo sũng nước.
- Sao ngu vậy, không biết đợi cho ngớt mưa rồi hãy về à? – Hắn quạu cọ.
- Đợi ngớt mưa thì đến sáng mai à! – Ả đàn bà vừa lột bộ quần áo sũng nước vừa lầm bầm.
Ả nói dứt câu thì bộ quần áo ướt cũng được vo tròn lại và ném toẹt vào góc nhà. Trên đường bay của cú ném, những sợi dây loằng ngoằng của chiếc áo ngực bung ra mắc toòng teng vào tay lái chiếc xe đạp cũ dựng ở sát vách trông rất nghịch mắt.
Hắn nhổm người một chút, thủng thẳng co chân ngồi khoanh lại trên giường rồi hất hàm về phía ả đàn bà khi đó đang trần như nhộng:
- Thế nào, có kiếm được cái gì không?
- Mưa gió thế này, đứa nào nó ngu gì mà thò mặt ra đường ình thịt nó! - Ả nói thế nhưng rồi bỗng lại bật cười hi hí rất khoái trá. – Nhưng mà có cái này!
Ả bước vội về phía góc nhà, nơi bộ quần áo ướt đang nằm tơ hơ. Ả bới bới vài cái rồi nhặt lên cái quần sịp, lộn ngược và móc từ trong đó ra một tấm thẻ từa tựa như cái chứng minh nhân dân. Hắn nhướng mắt, đưa tay ra giật vội lấy:
- Gì đây?
- Xem đi rồi biết!
Hắn lật qua lật lại, đọc rành rọt: “Thẻ hội viên Hội nhà văn…”. Hắn chun cái mũi lại khịt khịt vài cái rồi quăng toẹt cái thẻ xuống mặt chiếu:
- Cái của khỉ này thì làm được cái đếch gì!
- Hứ, sao bảo thông minh lắm mà hôm nay lại đần thối ra thế!
Ả đàn bà khi đó đã mặc xong bộ quần áo khô được lấy ra từ cái thùng nhựa đặt ở gầm giường. Ả bước tới, ngồi lên mép giường, đặt tay lên vai hắn, hạ giọng ra vẻ quan trọng:
- Tôi đội mưa mò theo lão này về tận nhà rồi. Nhà lão to vật vã, giàu tú hụ ra.
- Giàu thì làm gì! Nó ình à? Càng cái loại nhà giàu thì nó càng cú đỉn.
- Hôm nay ốm rồi hay sao mà đầu óc chậm hiểu thế? - Ả đàn bà đưa tay giúi đầu hắn xuống. – Cái này ngày mai mang đến nhà rồi bắt lão ấy chuộc mà chả được vài trăm à!
Cái mặt hắn chợt tươi lên hơn hớn, tiếng cười phát ra từ cổ họng nghe lục khục rất quái dị:
- Đúng rồi, cái bọn nhà văn là hay sĩ rởm lắm, mất cái bùa này thì lấy cái chó gì mà đem ra khoe với thiên hạ; với lại bọn ấy cũng chả muốn cho ai biết là mình bị mất thẻ đâu, có mà muối mặt à! Ừ hứm, rồi sẽ ra vấn đề đây!...
Hắn cẩn thận nhét tấm thẻ vào túi quần rồi cài khuy lại. Bên ngoài, trời vẫn mưa xối xả nhưng gió đã dịu đi, không còn lồng lộn lên như lúc trước. Ả đàn bà ngồi xổm dưới sàn nhà, xoay lưng lại phía hắn, trước mặt là một cái bếp than cháy nghi ngút.
Chưa đến 7 giờ sáng, hắn cùng ả đàn bà đã có mặt trước cánh cổng sắt sơn màu huyết dụ của một ngôi nhà sang trọng. Ngôi nhà nằm ngay trên mặt tiền một con phố lớn nhưng cửa đóng im ỉm chứ không bày ra kinh doanh thứ gì. Hắn lẩm bẩm: “Rõ phí, phải tay ông thì có mà vơ bộn tiền!”. Ả đàn bà từ phía sau bước sát đến đưa khuỷu tay huých vào lưng hắn giục giã:
- Bấm chuông đi! Chứ còn đợi người ta ra mời vào nữa chắc!
Hắn với lên cái núm nhựa màu đỏ gắn bên cạnh cổng. Thay cho tiếng chuông là giai điệu của bản nhạc “Thư gửi Ê - ly” mà hắn đã nghe quen ở quán cà phê Minh Đạt nơi thường ngày hắn hay lai vãng. Cái đầu hắn gật gù theo tiếng nhạc, bàn chân trái xỏ trong một chiếc dép giả da cũ sờn cũng nhóng lên nhóng xuống nhịp nhịp.
- Gì mà nhấn chuông liên hồi vậy mấy người? Nhả ra cho bớt chói lỗ tai dùm đi!
Hắn giật mình rút tay về. Cánh cổng kêu lạch xạch xủng xoảng rồi được mở hé ra. Một cái đầu đàn bà tóc uốn lù xù được gá trên một thân hình béo ục ịch nặng nề ló ra sau cánh cổng. Chả hiểu sao khi ấy hắn lại cuống lên nói ríu cả lưỡi:
- Tôi... tôi…bọn tôi…muốn gặp ông…Duy Hòa.
- Duy Hòa nào ở đây mà tìm?
- Ông nhà văn…ở nhà này…
- Văn vẻ gì ở nhà này! Mấy người có bình thường không vậy? – Bộ tóc uốn xù lui vào sau cánh cổng.
- Chờ tý đã bà chị! – Hắn loay hoay cởi khuy túi quần móc ra chiếc thẻ rồi gí vào trong cánh cổng. – Là ông này đấy!
- Lão này hả? Chiều qua tới đây xin tiền rồi về luôn mà! – Giọng nói đổi tông, kéo dài ra chua lè: - Nhà văn nhà thơ gì cái hạng ấy, có mà trấn lột thì có! Tìm cách moi bằng được tiền trong túi người ta ra thì mới chịu để yên!
Cánh cổng sắt đóng sầm lại ngay sát mặt hắn. Hắn quay người trở bước, nhìn ả đàn bà đang đứng ngây ngúa ra ở đó, hắn thấy cáu tiết liền cầm ngay cái thẻ ném tẹt vào mặt ả rồi cun cút bước vội đi tựa như bị ma đuổi. Ả đàn bà tẽn tò đứng cúi mặt rồi cũng rảo bước theo hắn. Đi được dăm bước thì ả ngần ngừ dừng lại. Ả ngoái nhìn lại về phía chiếc cổng sắt màu huyết dụ, và nơi đó, ngay dưới mặt đất, tấm thẻ của nhà văn Duy Hòa nằm chỏng chơ, lạc lõng. Một hai phút trôi qua, ả đàn bà quả quyết bước tới nhặt tấm thẻ lên, phủi bụi rồi cẩn thận nhét nó vào trong lai quần.
Xe buýt giờ cao điểm, người đông như nêm cối. Hành khách trong xe ai nấy dáng vẻ đều mệt mỏi, nhăn nhó. Xe vừa trờ tới trạm, còn chưa kịp dừng hẳn thì đã có người ở trên nhảy xuống. Người ở phía dưới trạm chờ cũng xăm xắn đứng lên dồn cả vào cửa xe. Hắn lanh lẹ len lên với cái tay cầm trên cửa xe rồi lấy sức đu mình lên chen vào bên trong xe. Những người phía sau hắn khó nhọc theo nhau bước lên từng bậc cửa. Khi người khách cuối cùng bước lên và còn đang ngó nghiêng tìm ình một chỗ ngồi, thì bỗng ở hàng ghế cuối xe có tiếng la lớn:
- Cướp! Có cướp…nó giật túi xách của tôi!...
Bóng hắn thoáng qua trước mặt mọi người và lao ra cửa xe khi đó cũng còn chưa kịp đóng lại. Người lái xe nghe tiếng hô cướp thì cũng vội đạp phanh, cả chiếc xe buýt chao đi, chúi về phía trước. Dưới tác động của pha phanh gấp nên cú nhảy của hắn không được chính xác. Một cẳng chân của hắn trượt vào cạnh mép vỉa hè làm hắn ngã giúi giụi đau điếng. Ngay lập tức hắn xoay người ngỏm dậy nhưng rồi lại đổ vật xuống nằm im ôm chân xuýt xoa. Khi mọi người từ trên xe đổ xuống đứng vây quanh thì hắn vẫn nằm nguyên tư thế đó, chiếc túi xách của người khách nọ văng ra bên cạnh. Một anh chàng cao to mặc chiếc áo thun màu ghi, giữa ngực có in hàng chữ Puma to tướng xông vào túm lấy cổ áo hắn kéo dựng lên rồi vung tay dứ dứ nắm đấm vào mặt hắn. Hắn nhăn nhăn cái mặt, miệng rên rẩm ra chiều khá đau đớn. Những tiếng la ó, chửi rủa cất lên ồn ào:
- Đánh chết nó đi! Đánh cho chừa cái thói trộm cắp đi!
- Giải nó lên công an đi! Cho nó ngồi tù mọt gông cho sáng mắt ra!
- Cần gì phải công an, cứ cho nó một chầu hội đồng cho biết lễ độ!
- …
Một cái chân của ai đó tung lên, thân hình hắn oằn lên, hai tay hắn chới với trong không khí rồi vòng xuống ôm lấy bụng, nước mắt hắn ứa ra rơi thành giọt. Người khách bị hắn giật túi xách khi đó đứng liền bên cạnh, tay đã ôm chặt lại chiếc túi ở trước ngực, chị ta nhìn thấy một vệt máu từ khóe miệng hắn tứa ra thì vội đứng chen vào giữa ngăn lại:
- Thôi tha cho nó các chú ạ, của tôi vẫn còn nguyên đây, trời cũng đã muộn, ta lên xe đi thôi!
Cùng lúc đó tiếng còi xe cũng vang lên, những tiếng nói ồn ào lắng xuống, đám đông lại rục rịch quay trở lại trong xe để tiếp tục hành trình bỏ lại mình hắn ngồi đừ đẫn trên vỉa hè. Hắn ngồi đó một lát rồi chống tay đứng dậy, chân khập khiễng lê từng bước dưới nắng trưa đi ngược về phía đầu con phố.
Quá trưa hắn mới về đến phòng trọ, đẩy cửa đi vào thì đã thấy ả đàn bà ngồi thù lù trên giường, trước mặt là một mâm cơm được đậy lại bằng cái rổ nhựa. Thấy hắn tập tễnh đi vào ả đàn bà đứng dậy thảng thốt:
- Làm sao thế? Đi đứng thế nào mà ra thế kia!
Hắn không nói không rằng, ghé ngồi lên giường rồi duỗi chân kéo ống quần lên. Một vệt xước rớm máu chạy chéo ngay trên ống chân hắn đã bắt đầu tấy lên đo đỏ. Ả đàn bà bước vội tới cuối phòng với lên cái giá treo đồ lấy xuống một lọ dầu nóng đã dùng dở. Ả mở lọ dầu, xòe bàn tay trái ra dốc ngược lọ dầu vào đó, sau đó lật tay tẹt lên chân hắn rồi cứ thế mà miết đi miết lại. Hắn ngả người, chống hai tay ra sau, mắt nhắm lại, khuôn mặt khẽ nhăn lên sau mỗi cái miết tay của ả đàn bà. Hồi lâu, hắn mở mắt ngồi thẳng dậy, như chợt nhớ ra điều gì, hắn lấy lại vẻ mặt điềm tĩnh hất hàm về phía ả đàn bà:
- Thế nào, hôm nay có ghé vào chỗ con bé không?
- Có chứ. Tôi đến một lúc thì nó vội đi học nên không ngồi được lâu, chỉ kịp đưa tiền cho nó xong rồi về. - Ả đàn bà xoa hai tay vào nhau, kéo ống quần xuống cho hắn rồi đứng dậy.
- Nó có nói gì không?
- Nó bảo vẫn học tốt, cuối tháng này sẽ thi cái gì đó, sẽ phải đóng thêm tiền…
- Vậy à!...
- Nó còn bảo…
- Gì nữa?
- Nó bảo hay là con nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ với bố mẹ.
- Cái gì? Nghỉ học á? – Hắn giật thột, miệng hơi há ra, vài tia nước bọt bắn ra rơi xuống cánh tay. – Tao là tao cấm đấy! Không liệu đường mà bảo nó thì đừng hòng mà sống! Tao giết đấy, giết hết cả mẹ lẫn con nghe chưa?
Tiếng hắn gầm lên nghe rờn rợn, cơ mặt hắn giật giật, hàm răng nghiến lại kêu kèn kẹt, mắt vằn lên những tia màu đỏ, bàn tay phải nắm lại đấm đấm xuống thanh gỗ cạnh giường, mâm cơm ở trên giường nẩy lên làm bát đĩa va vào nhau kêu lanh canh. Ả đàn bà sợ sệt đứng nép vào góc phòng len lét nhìn hắn. Nhưng ả còn chưa kịp trấn tĩnh thì đã lại thấy hắn đưa tay bưng mặt khóc tức tưởi. Hắn khóc tấm tức, ti tỉ như đứa trẻ bị đòn oan. Bờ vai hắn rung lên nhịp nhịp theo những tiếng nấc ứ nghẹn nơi cổ họng. Hắn khóc và than vãn những câu gì đó nghe ú ớ không rõ lời. Những âm thanh dồn nén trong nỗi uất ức giống như dòng nước bị tắc nghẽn lâu ngày trong một con suối hẹp. Trên giường, mâm cơm đã nguội ngắt, còn ả đàn bà thì ngồi xệp xuống sàn nhà mắt ngó mông lung ra cửa rồi buông một tiếng thở dài.
Sáng sớm, khi hắn vừa thức dậy thì đã thấy ả đàn bà đi từ ngoài vào, trên tay xách toòng teng một cái túi ni-lông trong đựng ít hoa quả và mấy chai nước ngọt. Hắn giụi mắt nhìn ra, nét mặt hiện rõ vẻ ngạc nhiên:
- Của nợ gì thế kia?
- À, con bé nó bảo hôm nay đưa mấy đứa bạn về chơi! Tôi mua tạm cho nó có cái đãi bạn.
- Cái gì? Bạn á? Không được, bảo nó đừng đưa bạn về đây, có phải nhà mình đâu mà đưa về! Đưa bạn về đây nhìn cái hang chuột này để cho chúng khinh thường mình đi à!
- Nhưng nó hẹn thế rồi, giờ sao nói lại cho kịp!
Hắn choàng dậy, ngồi yên thừ thẫn. Tình huống này diễn ra ngoài ý thức chủ động của hắn, chưa bao giờ hắn lại có ý nghĩ rằng sẽ có lúc ai đó đặt chân đến cái phòng trọ ẩm thấp tối tăm này. Hắn thấy hơi mất bình tĩnh, đầu hắn như căng ra, một vài phương án đối phó theo bản năng được đặt ra nhưng rồi lại nhanh chóng bị hắn gạt bỏ. Hắn sẽ phải làm gì bây giờ nhỉ? Hai tay hắn ôm lấy đầu, những ngón tay đan chéo vào nhau ở phía sau gáy, hắn gục gặc di di cái cằm xuống gối chân khi đó đang chống lên trước ngực.
- Chứ làm sao mà phải thộn mặt ra thế! - Ả đàn bà cầm cái lược vừa gỡ tóc trên đầu ra đập đập lên vai hắn. – Có gì mà phải lo, bạn con mình nó tới đây, đứa nào nó chê mình nghèo nó khinh mình thì thôi, khỏi cần chơi với nó, đứa nào nó thông cảm chia sẻ được với mình thì càng quý, con mình nó càng biết đường mà chọn bạn chứ có sao!
Hắn ngồi yên lặng nghe ả đàn bà rỉ rả. Hắn chợt nghĩ cũng phải, đời có là cái chó gì đâu nhỉ, cũng phải để cho con bé nó thấy được cái sự đểu cáng tráo trở ở đời để còn biết cách mà sống chứ. Trong lòng hắn bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn, khuôn mặt hắn trở lại vẻ nhâng nhâng bất cần vốn có. Hắn đứng dậy vươn vai hít một hơi căng lồng ngực. Tuy vậy nhưng rồi hắn vẫn xẵng giọng nói với ả đàn bà:
- Thôi thì ông mặc xác! Lát nữa tao biến ra đường ẹ con nhà mày muốn làm gì thì làm!
Miệng nói thế nhưng khi thấy ả đàn bà cầm cái chổi sể lùa vào gầm giường quét dọn thì hắn cũng xăm xắn dọn dẹp sắp xếp những thứ đồ đạc lỉnh kỉnh đang bày ra khắp căn phòng. Cái bếp than này hả, thôi cứ tống tạm mày vào gầm giường, lúc sau lại moi ra cũng chả khó nhọc gì; cái giá để bát đĩa này ư, để vào đâu nhỉ, mà thôi cứ để yên nó đấy, nhà đứa nào mà chẳng có bát đĩa, chứ không chả ăn bốc à…
Khi căn phòng đã trở nên quang đãng sạch sẽ hơn một chút thì hắn nhìn vào cái đồng hồ trên tường. Chết cha, thế mà đã hơn 9 giờ. Hắn vơ lấy cái áo vắt hờ lên vai rồi bước vội ra cửa. Sau lưng còn nghe tiếng ả đàn bà vọng theo: “Biến thật à!”.
Hắn vừa ra tới khúc quẹo gần đầu hẻm thì nghe tiếng ồn ào, hắn nghe giọng quen. Thôi chết, sao nó về sớm thế chứ! Hắn luống cuống giây lát rồi bước quay ngược trở lại. Ả đàn bà ngạc nhiên khi thấy hắn nhanh chóng quay về:
- Thế nào, đổi ý rồi hả?
Hắn chẳng nói chẳng rằng, đứng trân trân mắt dớn dác nhìn một lượt quanh căn phòng. Cuối cùng hắn bước về phía cái toilet ở cuối phòng, đẩy cửa chui vào đó và khóa trái lại. Ả đàn bà còn chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra với hắn thì một tốp bốn năm cô cậu thanh niên đã bước vào đứng chật cả bậc cửa. Những tiếng chào hỏi líu ríu, những bước chân loạt xoạt, những tiếng cười trong trẻo giòn tan cứ quyện vào nhau không dứt. Căn phòng trọ nhếch nhác tối tăm thường ngày bỗng vụt trở nên rạng rỡ lạ thường. Ngồi trong ngăn toilet, tai hắn không bỏ sót một âm thanh nào từ phía ngoài vọng vào. Tiếng nước rót vào ly lóc róc, tiếng ả đàn bà đon đả mời mọc, tiếng mấy đứa con gái chọc ghẹo nhau cười chí chóe rồi có cả tiếng nói đầy vẻ trịnh trọng của một thằng con trai: “Thưa bác, ngày mai nhà trường làm lễ tốt nghiệp cho bọn con, vậy nên bọn con muốn mời hai bác tới dự cho thêm phần ý nghĩa ạ!”.
Cái gì? Tốt nghiệp á? Vậy là con bé đã trở thành cử nhân rồi ư? Hắn thấy sống mũi cay cay, khóe mắt rơm rớm nước. Ừ nhỉ, vậy là con bé đã có thể ngẩng đầu lên mà nhìn người trong thiên hạ rồi! Một giọt nước từ mắt hắn trào ra lăn xuống gò mà rồi trượt vào miệng mằn mặn, trong khi khuôn mặt hắn lại ánh ngời lên một niềm hạnh phúc khôn tả.
- Cái bếp nhà cậu ở đâu nhỉ? – Tiếng một đứa con gái cất lên đưa hắn về thực tại.
Cái quỷ quái gì nữa không biết? Hắn khe khẽ lẩy cái chốt rồi he hé cánh cửa ghé mắt nhìn ra. Hắn thấy ả đàn bà đang cúi xuống gầm giường cố gắng moi cái bếp ra, một thằng con trai thấy thế liền gạt ả ra rồi chui đầu vào lôi cái bếp ra ngoài một cách gọn lẹ. Phía bên ngoài, mấy đứa con gái đang xúm xít quanh một cái rổ, trong đó xếp đầy những bắp ngô trắng ngà múp míp. Bố khỉ, lại còn thế nữa!
Cánh cửa toilet bất ngờ bị đẩy mạnh vào trong làm hắn giật mình ngã ngửa ra sau.
- Ôi, sao bố lại ngồi đây!
Hắn xua xua hai tay luống cuống:
- À, ừ…không sao!...Bố chỉ bị đau bụng tý thôi!...
Mờ sáng, mụ chủ khu phòng trọ mở cánh cổng sắt lạch xạch để đi ra phố tập thể dục. Liền sau đó hắn nghe có tiếng thì thầm to nhỏ, hắn nhóng tai lên nghe ngóng. Giọng của ả đàn bà đang tỉ tê gì đó với mụ chủ. Lát sau, hắn thấy mụ kia ré lên một tràng: “Ôi, đã tốt nghiệp rồi cơ à! Nhanh nhỉ! Mà con bé cũng rõ là ngoan nết, chả bù cho cái loại nhà này, nướng đi của bố mẹ cơ man là tiền của rồi mà cũng không nên hồn người. Thôi thế là sướng rồi nhá! Ừ, để tôi lấy à mượn, ngày trọng đại thế này cũng phải tươm tất một tý chứ, ở đời dễ có được mấy dịp thế này!”.
- Định bày ra trò gì nữa đây? – Hắn vẫn nằm yên trên giường và cất tiếng hỏi khi ả đàn bà bước vào, trên tay cầm một bộ áo dài màu tím nhạt.
- Thì đến chỗ con bé chứ đâu!
- Đến thật à?
- Rõ vớ vẩn! Không thật thì giả à? Mà không đi đến đấy hay sao mà còn hỏi thế?
Hắn trân mình nằm xoay mặt vào tường, một tiếng “Không!...” khẽ thoát ra khỏi cổ họng. Ả đàn bà giũ giũ cái áo dài cho phẳng ra rồi ướm vào người.
Sân trường đại học chật kín. Người ở đâu ra mà lắm thế chứ, cái sân thì hẹp mà người thì cứ tầng này lớp kia chen nhau ra tận cổng còn chưa hết người. Ả đàn đàn bà nhón chân ngóng cổ nhìn vào trong. Bộ áo dài của mụ chủ phòng trọ làm ả vướng víu suýt ngã mấy lần. Chợt ả khựng lại vì bờ vai bị một bàn tay nắm lấy. Ả quay lại nhìn và dẩu cái môi lên:
- Sao bảo không đi mà còn mò đến đây? Rõ là đồ hâm!
- Hâm hay không mặc xác ông! – Hắn lên giọng nạt nộ như thường ngày.
Thế vậy nhưng hôm nay ả đàn bà có vẻ phởn nên vẫn tiếp tục day dí:
- Muốn đi bỏ mẹ mà còn làm bộ ta đây!…Mà con bé đâu nhỉ? Toàn người là người thế này…Á kia rồi! Mà sao nó lại mặc bộ quần áo lụng thụng như ông cung văn thế kia, con này dở người rồi à!...
- Ngu lắm! – Tiếng hắn khe khẽ thoát qua kẽ răng: - Quần áo ông nghè đấy! Con mình giờ là cử nhân rồi, chả kém cạnh đứa nào đâu!
- Vậy à, ai biết đâu…
Tiếng cái loa phóng thanh ồm ồm vang lên cắt ngang cuộc đôi co giữa hắn và ả đàn bà: “Kính mời nhà văn Duy Hòa, chủ nhiệm quỹ hỗ trợ “Vì tương lai xanh”, người đã đồng hành cùng các em sinh viên nghèo hiếu học trong suốt thời gian qua lên phát biểu ý kiến!”.
Cái gì? Duy Hòa á? Tim hắn giật thột, tâm trạng bối rối. Hắn quay sang phía ả đàn bà thì thấy ả đang cầm tấm thẻ trên tay mân mê ngắm nghía. Mắt hắn bỗng sáng lên như bắt được vàng, hắn quành tay qua vai ả đàn bà rồi ghé sát vào tai thì thầm: “Lát nữa mình ra cổng đứng chờ trả lại cho ông ấy!”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui