7. Ngách vắng xôn xao
Truyên ngắn của Phan Thị Kim Thảo
Đây không phải một câu chuyện tình
1. Kẹp giữa hai ngôi nhà trong ngõ là cái ngách 27/4, chật hẹp chộn rộn. Ngách hẹp nhưng đủ rộng cho hai chiếc xe máy tránh nhau, vẫn may mắn hơn ngách phía dưới chỉ đủ ột chiếc xe máy luồn lách. Những ngôi nhà xếp sát nhau - những ô khối không đều, xộc xệch chen lấn, khoảng không ở giữa dồn ứ bởi hai bên nhà cửa, âm thanh cũng vì thế mà như đặc lại hơn. Mà kể cũng lạ, lủn mủn những mảnh đất nhỏ tý là thế vậy mà những ngôi nhà 3, 4 tầng mọc lên trồi ra che khuất khoảng trời phía trên. Thi thoảng có vài vệt nắng dài qua những khỏang trống tênh, hấp háy rơi tõm xuống ngách, tạo thành những vệt dài vàng rực đối ngược với mặt nền xi măng xám xịt của ngách.
Hương lần tìm chiếc điện thoại, lèm nhèm nhìn những con số trên màn hình phát sáng. 7 giờ kém. Nàng đứng dậy bước qua con em họ đang ngủ say với tay bật bật điện. Ánh đèn nhấp nháy một hồi rồi bật sáng. Căn phòng tầng một hiện ra. Hai chiếc xe máy và một chiếc xe đạp ngay cạnh nơi nàng ngủ. Bồn rửa và giá để bát đĩa ở ngay sát nhà vệ sinh. Ngó quanh quẩn tìm chiếc dép lê một hồi cũng lôi ra được một đôi dưới gầm xe, nàng đi vào phòng tắm. Đồng quần áo chất đầy ở cái bồn bốc một mùi hâm hẩm. Lọ kem đánh răng bẹp dí.
7 giờ 15, nàng mở cửa, chuẩn bị dắt xe máy ra ngoài.
Một người đàn ông nhỏ thó, gầy gò, mái tóc dày xù lên trong chiếc áo sơ mi rộng thùng tình đã cũ và chiếc quần kaki bạc màu đang loay hoay bên bếp than trước cửa nhà. Ông Hải, đối diện nhà nàng. Ngôi nhà một tầng, dúm dó giữa hai ngôi nhà cửa sắt thoáng đãng, những mảng tường vôi đã phai màu, tróc từng mảng. Bà Hải làm cấp dưỡng còn ông thì chỉ ở nhà lo giặt giũ cơm nước. Anh con trai ông làm nghề xe ôm, còn chị con dâu chạy chợ theo mùa,hè bán chè, mùa đông thì bán bánh khoai. Một gia đình ba thế hệ năm người sống trong căn nhà một tầng có gác xép.
Bà Hải vừa dắt xe đạp ra khỏi nhà vừa càu nhàu
- “Sao bây giờ ông mới đun nước?”. “
- “Con Hiên vừa nãy đun lại nồi cà kho”.
Bà làu bàu gì đó rồi đi. Ông bà Hải không ăn cùng vợ chồng con trai mà ăn riêng, một nhà hai mâm cơm. Có lần Hương nghe thấy, tiếng chị con dâu bảo “Giang, mang thịt kho sang cho ông bà.”. Và tiếng bà Hải đáp lại “Thôi, khỏi cần, mang về đi”. Bà Hải và cô con dâu không hợp nhau thì phải. Có lẽ vì chuyện chị con dâu chưa cưới đã mang thai khiến hai gia đình phải cưới vội vàng mà nghe đâu hồi ấy chị mới 17, không nghề nghiệp gì.
“Con biết xuân này mẹ chờ tin con…”
Hương giật bắn mình lên, vội rụt cổ. Lời nhạc ầm ầm như búa bổ vào tai vang lên. Nàng ngao ngán: Màn tra tấn lại quen thuộc lại bắt đầu, có nguồn gốc từ nhà ông Dũng, cách một nhà, “chí phèo” của cái ngách này. Cứ khi nào hứng lên là ông lại bật cái dàn loa hết công suất thả ra những âm thanh như búa dộng vào tai, những bài hát lẽ ra rất hay nhưng lại biến thành những dòng âm nằng nặng, tỏa ra khắp ngách một không khí ngập ngụa. Nghe đồn ông Dũng từng buôn thuốc phiện, đứa con trai đang ở trại cai nghiện. Mà cũng chẳng phải đồn. Hẳn là có phần sự thật, bởi nàng không thấy ông đi làm, chỉ thấy thi thoảng phóng con xe Airblade đen mới cóng đi đâu đó rồi về. Và cả cái tướng mạo nữa, trông đã sợ rồi. Nhìn cái dáng người săn chắc và toát ra một vẻ gì đó lành lạnh, độc ác, đôi mắt xếch lên trợn trừng, mái tóc húi cua đã bạc và cái giọng rè rè mỗi lần chửi đều tạo ra những tiếng nghe rợn người. Thế nên, dù ông có bật to đến mức nào thì cũng chẳng ai ở cái ngách này dám hé một câu nhắc nhở dù có bị âm thanh đập vào đầu đến tân 11 giờ đêm đi nữa. Nhưng nàng vẫn thấy ông cũng còn gọi là dễ ưa hơn bà vợ.
Vừa hì hụi dắt xe máy ra nàng vừa thầm nghĩ may mà thoát được cái thứ tra tấn ấy. Lách qua chiếc xe máy dựng ở ngôi nhà đầu ngách, Hương chầm chậm rẽ tay lái, đi ra ngõ. Khoảng không gian như rộng mở, ánh sáng rực rỡ. Ngõ đã bắt đầu một ngày mới, những hàng bún đậu, cháo lòng đã bắt đầu có khách, một vài người đi chợ đã về, tay cầm những chiếc túi bóng lỉnh kỉnh…
2. 3 giờ chiều, Hương đi học về, nhà chỉ có mình nàng, anh nàng đi làm tối mới về. Em họ thì vừa nhắn tin bảo nó cũng về muộn. Một bắp ngô luộc, chắc hồi trưa con em quên không đậy cẩn thận, chuột đã gặm nham nhở, lăn lóc ở rổ bát. Nàng mở nồi cơm điện, vét cơm nguội ăn với nước mắm. Đang trệu trạo nhai cơm, nàng nhăn mặt. Không phải vì nước mắm mặn mà là vì tiếng của bà Lập, vợ ông Dũng. Đó là người đàn bà to béo, núng nính mỡ, lúc nào cũng mặc bộ quần áo lụa đen, đôi mắt được săm lông mày xếch lên trông ti hí giữa khuôn mặt vuông ngân ngấn. Bà cất cao giọng nghe trịch thượng: “Cái loại nhà quê chúng mày tin làm sao được, toàn buôn gian bán lận, cân điêu. Tao biết thừa rối nhá, đừng có mà giở trò ở đây nhá. Đây, cân thử xem”. Câu “nhà quê chúng mày” có lẽ là cửa miệng của bà, nhưng nàng biết bà từ Thái Bình lên, thế mà…Có lần ở chợ, nàng đang lúi húi chọn cua, thì nghe thấy tiếng bà: “Cua bán bao đồng thế mày”. “7 nghìn một lạng, bà mua đi, hôm nay trời nóng nấu canh cua ăn át”. Nàng quay lại nhìn, bà Lập đứng đó, hai tay chắp sau lưng, đang ngó nhìn đám cua trông như thể có đống rác phía dưới vậy. Tiếng bà Lập rít lên “Đắt thế, chúng mày ăn cướp của thiên hạ à” rồi quày quả quay đi như thể làm một chuyện gì đó rảnh nợ.
Cuộc đối thoại giữa bà Lập và người đồng nát bị ngừng lại bởi tiếng ông Dũng cằn nhằn “Bà câm mẹ mồm đi. Nói đ. gì mà lắm thế”. Có lẽ ông ta vừa uống rượu xong nên giọng có vẻ lè nhè. Cái tiếng “Đồng nát đơiiii” xa dần. Mọi thứ lại quay trở về quỹ đạo bình thường.
Nàng bỏ phần cơm ăn dở gói vào túi nilon để vứt vào rác, rửa bát thì một người phụ nữ ngó vào
‘Em ơi chị thu tiền điện nhé” “Bao nhiêu chị ơi. Giá điện tăng đúng không chị “Ừm, nhà Nam, 357 nghìn, hóa đơn này”. Rồi vừa nhận tiền, chị vừa hạ giọng thì thầm “Nhà cái ông tên Dũng có cái bà vợ ghê thịt quá cơ, lần nào cũng thế, lúc nào cũng hạch hỏi vặn vẹo. Mà chị chỉ đi thu thôi chứ biết gì.”
Hương mỉm cười đáp lại, không nói gì. Cầm tờ hóa đơn điện, nàng vừa nhẩm tính thêm tiền nước rồi tiền mua mấy thứ lặt vặt. Thật đau đầu. Bỗng có tiếng người đàn ông oang oang “Mai nhá, bây giờ chưa có tiền”. Nhà ông Sơn sát vách với nhà nàng. Điệp khúc khất tiền. Hồi đầu nàng ngạc nhiên lắm, nhưng rồi cũng chẳng thấy lạ. Ông Sơn làm nghề xe ôm, sống trong căn nhà hai tầng bên trái nhà nàng. Tầng một có lần nàng nhìn qua chỉ chỏng chơ một cái bàn gỗ uống nước và vài chiếc ghế đẩu, bên trong chỉ thấy loáng thoáng chiếc xe máy dream đời cũ ngoẹo đầu ở đó. Em họ nàng thì kể: “Có lần em lên tầng hai, cũng chẳng có gì, có một cái ti vi nhỏ xíu và một chiếc giường, và chiếc bô hình như là dựng nước tiểu”. Thằng Tú, con trai ông, bỏ học từ năm lớp 7, làm nghề trông quán internet. Thi thoảng nó sang ngó nghiêng nói chuyện với ba anh em nàng. Có lần nàng bảo thằng Tú đọc cái bài báo thì nó cũng ngắc ngứ như kiểu đánh vần từng chữ.
Tiếng ông Dũng vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của nàng.
“Mẹ chúng mày, ngu bỏ xừ ra, đến tiền điện nước cũng không có. Bọn ngu suốt ngày cắm cúi mặt kiếm mấy xu lẻ. Phải dùng cái đầu, cái đầu ấy, như tao đây này, ở nhà mà vẫn đầy tiền. Kiếm tiền phải là loại có đầu có óc chứ không cái loại lao động chân tay suốt ngày chỉ cắm mặt xuống đất thì bao giờ chúng mày mới khá lên được”.
Ông vẫn hay chửi như thế, nói oang oang khắp cái ngách này, mỗi lần ông lại khơi ra chửi xoáy vào vấn đề của một nhà nào đó trong ngách.
Không ai nói gì, có lẽ vì đó là người đàn ông “không ai dám động đến”, và cũng bởi thói thờ ơ lãnh đạm vốn có đặc trưng của những ngôi nhà kề vách nơi Hà Nội này. Một nhà có chửi đánh nhau, thì cũng chẳng ai sang can huống hồ là một người đàn ông chửi đời chửi người thế này. Chỉ có khi nào những trận cãi nhau của một nhà nào đó đã lên tới đỉnh điểm, và cái nhà đó không thuộc dạng đầu gấu thì vài người kẻ cả mới ngó vào, theo cái bản tính tò mò và hiếu kỳ cùng những lời chêm vào cho xong chuyện.
Ở cái ngách này và có lẽ ở cái thành phố đất chật người đông, những người ở những ngôi nhà sát vách nhau thi thoảng lắm mới trao đổi dăm ba câu, những cuộc trò chuyện chớp nhoáng. Đó như là cái quy tắc : không liên quan đả động đến nhau - có lẽ ai cũng hiểu cả. Mà ba anh em nàng cũng thế, ở cái ngách này tính ra chắc khoảng 15, 16 nhà gì đó. Nhưng ba anh em nàng cũng chỉ biết mấy nhà xung quanh, khi mà những âm thanh trao đổi cứ vọng vào rõ mồn một. Thế nên thi thoảng vài ba bận, nàng lại bất đắc dĩ trở thành thính giả,nghe những chuyện cãi nhau đã thành chuyện thường kỳ, mỗi tuần lại hai ba bận ở cái ngách này. Và y như rằng, khi "bài phát biểu" của ông Dũng vừa tạm dừng 5 phút thì:
- “Mẹ nhà mày, tao đã làm hộc mặt từ sáng đến tối mà bây giờ chả có cơm mà ăn. Đm nhà mày, rúc ở chỗ nào mà có mỗi cái nồi cơm cũng đ. cắm”.
- “Anh tưởng mỗi mình anh đi làm à, cứ về nhà lại chửi bới vợ con”. Cuộc cãi vã giữa vợ chồng anh con trai bác Hải cứ thể theo đà tăng tiến. Rồi tiếng bát đũa loảng xoảng, tiếng can ngăn xen lẫn tiếng khóc mếu máo của trẻ con. Lại tiếng cãi nhau giữa ông Hải và đứa con trai. Những lời chì chiết, oán trách cái giai điệu lặp đi lặp lại ở gia đình nhỏ bé ấy lại vang lên, rè rè như một cuốn cat sét đã được định sẵn. Kết thúc là tiếng xe máy phóng đi, rồi một lúc sau, tiếng bà Hải vang lên
- “Con Hiên, chồng mày nói gì thì câm cái mồm vào. Đời thuở nhà ai lại cứ cãi sa sả lại. Mày biết tính nó còn gì”.
- “Nhưng con không chịu được, cứ hôm nào về nhà là cứ đay nghiến, con cũng phải đi làm chứ có chơi đâu. Về muộn một tý cơm chưa kịp nấu là lại chửi rồi đập vỡ lung tung.”.
- “Thì nó chửi kệ nó, nói lại làm gì. Tính nó nóng, nó có thèm nghe ai nói đâu. Đến tao còn sợ…”.
Những lời trao đổi thưa dần rồi im hẳn. Cái ngách hẹp lại cuộn mình trong yên ắng. Đã hơn 10 giờ, nhưng mắt nàng vẫn mở chong chong. Con em họ đang học bài dưới chiếc đèn bàn, ở tầng hai anh nàng đang nói chuyện bàn về đám cưới với chị Vân, chị dâu tương lai của nàng. Ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn bàn và tiếng trò chuyện làm nàng không ngủ được. Rồi, một mùi thối hoắc nồng nặc bốc lên. Cái mùi đã quá quen thuộc. Hồi đầu, em họ nàng và nàng tưởng là mùi từ nhà vệ sinh trong nhà .Nhưng sau đó, anh nàng mới nhăn mặt giải thích “Phân rồi nước tiểu đựng trong xô, toàn ông Sơn đêm xuống là đem ra đổ xuống cống. Ông ấy không xây nhà vệ sinh”. Có lần anh nàng sang nhà ông Sơn bảo hai nhà góp tiền làm một đường cống mới vì đường cống nhà nàng thông với nhà ông Sơn có lẽ đã nghẹn ứ, nên toàn bị tắc nhưng ông không đồng ý. Có lẽ vì chưa có tiền. May mà sau đó, ông Dũng đồng ý cho đường thoát cống với nhà nàng thông qua nhà ông. Nàng sợ ông Dũng nhưng cũng không ghét nhiều như vợ ông, bà Lập.Mà cái hôm làm đường thoát cống. Mấy nhà xung quanh thi thoảng ngó ra săm soi, không phải vì họ quan tâm mà vì họ sợ sẽ ảnh hưởng đến nhà họ. Họ chăm chú xem, chăm chú chỉ trích về mùi hôi, về rác rưởi, …
Em họ nàng đã tắt đèn. Bóng tối ập xuống, im lặng. Nàng bắt đầu rơi vào trạng thái mơ màng. Những ý nghĩ bắt đầu lộn xộn, nàng nghĩ hồi bố mẹ nàng mua căn nhà này cho anh nàng, về niềm háo hức khi đỗ đại học được lên ở nhà trên Hà Nội. Và khi cơn buồn ngủ đã chiến thắng, hình ảnh cuối cùng thoáng qua đầu nàng là sao ông Dũng xây nhà 5 tầng làm gì nhỉ, nhà chỉ có hai vợ chồng…rồi cái câu ông nói: “Ai tử tế với tao thì tao tử tế lại, còn nếu không thì liệu mà tránh”.
3. Tiếng rào rào ầm ập làm nàng thức dậy. Một ánh chớp lóe lên rồi âm thanh đì đùng rì rì . Chân nàng quệt qua chiếc đinh trồi lên ở tấm ván giường đau điếng.Vừa xuýt xoa chiếc chân đau, nàng vừa đứng dậy lần mò bật công tắc điện. Cơn mưa vẫn đang đổ ào ào, không dứt. Một lát sau, dòng nước tràn vào nhà lênh láng. Vội quơ đống sách vở và ôm nồi cơm điện để lên bậc cầu thang, nàng nhanh chóng lật chiếu và chăn màn. Vừa cùng con em họ dựng tấm ván giường lên thì thứ nước đùng đục đã ngập đến đến bắp chân. Những chiếc dép rồi chiếc ca nhựa trôi lênh bềnh. Rồi cơn mưa dai dẳng cũng dứt. Hai năm ở đây nàng đã quen với tình trạng lụt bất ngờ này, nền nhà nàng xây thấp hơn mặt ngách mà khu Hoàng Mai này cũng thuộc vùng trũng nên hay bị lụt . Ba anhh em nàng hì hụi dùng gáo đổ nước vào chậu để đổ ra ngoài, cống bắt đầu thông nên nước cũng rút nhanh theo đó. Sàn nhà chỉ còn nước lưng chừng không thể thoát do nền nhà thấp. Lại thay nhau dùng chổi nhựa, gàu để tát thứ nước ra ngoài. Có tiếng gọi “Nam ơi”. Anh nàng ngó ra chạy đi một lúc rồi quay lại “Ông Dũng ượn hai mảnh nhựa để gạt nước cho dễ”. Cuối cùng cũng xong, sàn nhà ướp nhẹp, những chất cặn bẩn lắng lại, chỉ còn phải lau nhà. Vừa rửa tay chuẩn bị đi chợ, Hương vừa thầm nghĩ may mà rút nhanh, nếu không thì hôm nay ba anh em lại túm tụm ở tầng hai.
Cầm mớ túi bóng nào rau nào đậu, thịt, bước vào nhà, nàng hỏi em họ đang vo gạo “Sao nhà ông Sơn đông người thế nhỉ”.
“Chị biết em trai ông Sơn không, cái ông hay đội mũ lưỡi trai ấy, bị bệnh viện trả về. Chắc là sắp chết rồi. Họ đang chuẩn bị lo hậu sự”.
Trí nhớ Hương hiện ra hình ảnh mà nàng thi thoảng gặp vài lần. Người đàn ông gầy nhom, khuôn mặt vàng bủng beo, lúc nào cũng đội một chiếc mũ xộc xệch và lúc nào cũng khật khưỡng, đù đù không biết vì dáng người hay là vì say rượu. Vợ ông bỏ đi theo trai, hai người con trai thì tự lớn rồi cùng nhau làm nghề khuân vác. Còn ông vẫn đều đặn sang nhà anh trai ăn cơm nhờ.Và rồi không qua khỏi ở tuổi trung niên vào một ngày mưa to ầm ầm. Có phải ông trời đã than khóc ột kiếp người từng vật vờ sống ở trên đời?
Tiếng người khóc hờ vang lên nghe buồn ẫn rờn rợn: “Em ơi, sao em bỏ đi thế nà”, “Anh ơi”…. Những tiếng kèn trống rền rĩ, tiếng người lao xao dặn dò, í ới gọi nhau. Hai chiếc bàn được đặt trước nhà ông Sơn, những chiếc ghế nhựa màu xanh, anh đèn vàng vọt, hai bức trướng được cắm qua loa.
Đã lâu cái ngách này mới có những âm thanh lao xao, ồn ã như thế. Phải, kể từ khi đứa con trai ông Dũng bị đưa vào trại cai nghiện. Rồi ông Hải bị đột quỵ. Những tiếng chửi người của ông Dũng thưa vắng dần. Gia đình ông Hải dường như cũng trầm lắng hơn, những âm thanh trao đổi trò chuyện nhẹ nhàng hơn, tiếng cáu gắt đập vỡ bát đũa dường như là một chuyện gì đó xa xưa.
10 h. Tiếng kèn trống đã dứt. Không gian lại yên ắng như nó vốn có. Nàng trở mình, nghĩ về cái chết, nỗi buồn, sự tù đọng, quanh quẩn ngày này qua ngày khác. Rồi nàng lại trở về với suy tưởng về cái lần đầu tiên lên Hà Nội. Hà Nội của nàng thời còn là con bé con được lên Hà Nội chơi, áp mặt vào cửa kính nhìn những đường nhựa rộng thênh thang, đông đúc, những con người đẹp đẽ. Hà Nội của những ngày xa xưa. Những cửa hàng rộng lớn thật đẹp, điều hòa mát lạnh, những đồ vật lung linh tỏa ra những ánh sáng diệu kỳ. Hà Nội của thời trẻ thơ trong bàn tay của cha mẹ, bình yên, không lo nghĩ. Hà Nội hiện tại của nàng bây giờ là những âm thanh ồn ã mà thấy buồn thiu, những điệp khúc tịch mịch, rêu phong. Những con người lay lắt sống, lay lắt buồn, lay lắt quẩn quanh trong cái ngách nhỏ hẹp này. Thi thoảng họ phá vỡ sự chật chội, bí bức nhàm chán bằng những tiếng cự cãi. Có lẽ họ cần những tiếng cãi nhau để cuộc sống được giải tỏa đôi chút. Rồi sau đó thì sao nữa, con cái họ, lại những mảnh đời tiếp nối chắp vá . Nàng tự hỏi thế như thằng Tú con ông Sơn học còn chưa hết lớp 7 thì sẽ như nào nhỉ và con bé Giang còi cháu ông Hải, có học tử tế không.?Rồi nàng lại tự hỏi liệu con của anh Nam khi ra đời còn ở cái ngách này?....
Hương chìm đi vào trong giấc ngủ. Những tiếng người, tiếng bước chân dần xa xôi, lãng đãng.