Thành phố trong mơ

 
Tàu chầm chậm dừng lại. Đến một thành phố mới lạ.
Thành phố không giống những món hàng, hàng hoá càng mới càng hấp dẫn, nhưng thành phố thì không. Mỗi vùng đất trên lãnh thổ Trung Quốc đều có nét riêng, chỉ giống nhau ở những ga tàu lộn xộn khủng khiếp. Tàu lại phi về phía trước, lao qua khu dân cư. Nhìn qua khung cửa sổ màu xanh, thời gian như bị lôi ngược về sau. Có một chiếc máy bay lướt trên đầu, logo rất to của China Airline bay vèo qua mắt tôi. China Airline chưa gặp tai nạn máy bay nào, thật là một hãng hàng không đáng tin cậy. Nhưng cũng chưa chắc, sớm muộn cũng sẽ có một vài cái rơi xuống đâu đó. Tương lai đã được sắp sẵn, chỉ có điều chưa đến lúc mà thôi. Tôi hình dung ra những hành khách trên các chuyến bay của China Airline đang xếp hàng dần dần tiếp cận đến thời khắc định mệnh.
Trước mắt, phải lần ra “tổ chức” đã. Cần gọi một cú điện thoại. Tôi đi một vòng quanh nhà ga, tất cả trạm điện thoại công cộng đã bị đập nát, chiếc khả dĩ nhất còn ra dáng cái trạm, nhưng không còn điện thoại. Sơn đen cửa kính làm toa-lét công cộng khéo còn có giá trị sử dụng hơn. Tôi bấm bụng tìm đến hàng tạp hoá ven đường. Điện thoại cửa hàng đề dòng chữ “Điện thoại IP: ba hào một phút ngoại tỉnh”.
Tôi bước lại gần:
- Cháu gọi nội hạt thôi, không gọi đường dài.
Ông chủ mau mắn rút trong túi ra chiếc di động:
- Dùng cái này đi, city phone gọi dễ hơn!
- Sóng tốt không ạ? – tôi hỏi.
- Sao không tốt! Đứng yên đừng động đậy, đầy sóng đấy!
Tôi dập chân đứng chào cờ và bấm số. Mãi hồi lâu chẳng thấy gì.
- Sai hướng rồi! Nhìn kia kìa, trạm phát sóng ở đằng kia, quay đầu lại cái cột ý!
- Có phải hứng tín hiệu vào mặt đâu mà quay đằng đấy, đằng nào ăng-ten chả hướng về phía ấy. – tôi bảo.
- Chưa chắc! Chưa chắc đâu! – ông chủ khẳng định.
Tôi đành quay mặt về phía toà nhà cao nhất trong tầm mắt. Ông chủ bước ra khỏi quầy dí đầu tôi xuống:
- Thấp tí nữa, thế, ăng-ten chọc về hướng đấy!
Thế mà có tín hiệu thật, tôi vội hỏi:
- Đại ca Kiện, ở đâu đấy?
- Cậu đứng gần ga hả, có thấy một toà nhà cao chất ngất không? – chiếc điện thoại vọng ra lời đáp.
- Thấy rồi, đầu mình đang hướng vào nó. – tôi đáp.
- Đấy, bên cạnh nhà ấy có một toà khác cũng rất cao, khách sạn đẹp nhất vùng này, Quần thể khuôn viên khách sạn mậu dịch quốc tế đế vương Phương trời mới.
Tôi quay đầu nhìn, thế là, ôi thôi, mất luôn tín hiệu.

- Ông chủ ơi, mất sóng rồi! – tôi gọi.
- Cái cậu này, đã bảo gọi điện thoại phải bình tĩnh. Ngó ngang ngó ngửa mất sóng là phải!
- Bao nhiêu tiền ạ? – tôi hỏi.
- 40 đồng!
Tôi vội đút phắt hai tờ một đồng vừa lấp ló khỏi miệng ví:
- Làm gì đến nỗi đắt thế! Gọi liên tỉnh có ba hào một phút, cháu gọi nội hạt, mà đã hết một phút đâu!
- Thế đấy! Gọi đường dài thì mất ba hào. Nhưng đằng này gọi bằng di động của tôi cơ mà, 10 đồng một cuộc, đầu kia không nhấc máy cũng tính một cuộc gọi, cái này đầu tư nhiều tiền lắm, còn phải xạc pin nuôi nó chứ.
- Ông… ông ăn chặn quá! – tôi lắp bắp.
Lão chủ hất tay sang bên:
- Không nhìn thấy đây là nhà ga à? Nôn tiền ra!
Vừa lúc ấy, có hai gã ló ra khỏi cửa hàng của lão:
- Gì đấy bố?
Thôi xong đời, tôi thầm nghĩ, đành trả tiền thôi. Trông bố con nhà nó rõ “danh gia vọng tộc”, chắc lão chủ rắp tâm theo nghề này từ trước nên đẻ sẵn hai thằng con đồ tể.
Trả tiền xong, tôi kêu một chiếc taxi Matiz, bảo lái đến khách sạn sang trọng nhất thành phố. Tôi cố công chọn một chiếc xe đã tân trang ngon lành nhất trong dãy xe đỗ trước cửa ga. Trước kia tôi đã từng mua bán sang tay vài chiếc ô tô nên rất rành về khoản đánh giá tình trạng xe. Tôi biết, có thể chiếc này chạy không ngon bằng chiếc xe cũ kỹ chốc lát lại rụng một mảng sơn đằng kia, nhưng tôi vẫn thích vì nó đẹp. Đàn ông con trai ai chả vậy. Chậc, đằng nào cuối cùng cũng sẽ đến khách sạn. Trước khi lên xe tôi mặc cả sẵn với anh xế, 10 đồng. Một lúc sau, chiếc xe xóc long xòng xọc đưa tôi đến nơi. Tôi xuống xe, đưa trả 10 đồng.
- Sếp ơi, sao có 10 đồng? – anh xế hỏi.
- Thế anh bảo bao nhiêu?
- Chậc, xa thế này bét ra phải 30!
- Nhưng tôi mặc cả từ trước rồi mà. – tôi đáp.
- Thì phải lừa cậu lên xe đã chứ! Anh mày lừa đấy, biết chưa?
Tôi ngây ra dễ đến một lúc, mấy mươi năm qua kể ra tôi chưa từng gặp người nào… thẳng thắn và cương trực như vậy.
- Chịu ông anh, em… không đưa thì sao?!
- Đập chết ăn thịt!

Nghe khẩu khí biết ngay anh ta là hảo hán Đông Bắc, tôi vội cuống cuồng rút ra 30 đồng.
- Đây đây trả anh! Bó tay!
Tôi dợm dợm chân, nghiêng ngó xung quanh. Bà nó chứ, không gian trông thật tệ hại! Tôi thở dài chán nản. Những toà nhà quanh tôi rất Trung Quốc, rất tuỳ tiện. Những căn nhà cao lô nhô mọc lên cạnh nhà thấp, nhà mới chen lấn nhà cũ, chẳng căn nhà nào chịu nhường nhà bên cạnh. Đứng lặng tại chỗ một lúc lâu, đột nhiên tôi thấy tràn trề buồn chán.
Trong vô vàn việc lặt vặt của cuộc đời, tôi không thể chịu nổi phải đi đến thành phố lạ và ăn những món ăn lạ. Mỗi lần như thế lại có cảm giác mình phải đóng giả một thanh niên trí thức bị đi đày thời Cách mạng văn hoá. Trong hai việc ấy, tôi ghét nhất đi đến thành phố lạ, đi đến thành phố lạ tức là phải ăn đồ lạ.
Bước vào đại sảnh khách sạn sang trọng, tôi gọi tiếp một cú bằng điện thoại công cộng trong đó.
- Đại ca Kiện, ở phòng mấy mấy?
Giọng nói trong điện thoại lập tức xạc cho tôi một trận, sao chưa nói hết đã dập máy, vân vân và vân vân…
- Cậu tưởng mình đi nghỉ chắc! Mình ở bên cạnh chỗ ấy, nhà nghỉ Trường Giang. – cuối cùng người trong điện thoại bảo.
- Phòng bao nhiêu? – tôi hỏi lại.
- Vào là biết ngay, cả thẩy có hai phòng!
Bước ra khỏi đại sảnh, tôi nhìn thấy nhà trọ Trường Giang của Đại ca Kiện. Rõ mười mươi đây là một căn nhà dân thường tu sửa làm nhà trọ. Căn nhà cũ kỹ, xung quanh là hộp đêm xanh đỏ tím vàng nhức cả mắt. Căn cứ vào quang cảnh xung quanh, tôi đoán chắc đây là một hộ chây ỳ chưa chịu giải toả.
Tiếp tục tiến vào cửa chính, tôi lập tức nhìn thấy một bác già đang viết sổ đăng ký. Thật kinh ngạc, bên trên quầy reception thảm hại cực kỳ là một dãy đồng hồ báo giờ các nơi trên thế giới. Dãy đồng hồ đầy đủ hơn hẳn của khách sạn bên kia. Nội báo giờ trong nước đã có 4 chiếc, của Tây Tạng, Trùng Khánh, Bắc Kinh và Đài Bắc. Thậm chí có cả một chiếc hiển thị giờ của đảo quốc Mauritius.
- Đồng hồ của bác hoành tráng thật đấy! – tôi đùa.
Bà già đáp:
- Bọn bên cạnh cứ lăm le dỡ nhà bác đấy nhưng bác không đồng ý. Không những không cho dỡ, bác còn mở nhà trọ để cạnh tranh với chúng nó. Phải giành bớt khách của nhà chúng nó. Mấy cái đồng hồ của bác đẹp hơn chán bên đấy, nhỉ!
Lúc ấy, trong óc tôi đột nhiên hiện lên rõ mồn một hình ảnh Đại ca Kiện bị một lũ đánh hội đồng, lúc ấy Đại ca chỉ túm lấy một người trong hội bọn chúng nện thật lực…
Tôi giơ ngón tay cái về phía bà già, tỏ vẻ thán phục, rồi bước lên cầu thang. Đại ca mở sẵn cửa ngóng tôi. Trên cánh cửa có hai chữ mạ vàng to đùng lóng lánh: Số Một.
Tôi bước vào:
- Oai quá nhỉ, trọ ở Trường Giang Số Một cơ!
Đại ca cười như mếu:

- Cực chẳng đã, chỗ này rẻ mà. Tất thảy có mỗi một nhân viên, vừa trực ban, vừa nghe điện thoại, kiêm quét dọn, thủ quỹ.
- Bao nhiêu tiền một ngày? – tôi hỏi.
- 20 đồng. – Đại ca đáp.
- Rẻ là quan trọng nhất. Ít ra còn được cái ở gần trung tâm thành phố. Buổi tối đi dạo phố cũng gần, đi dạo chán chê về ngủ khoèo là xong.
- Dạo cái con khỉ gió! 9 giờ đóng cửa. Bà già tiết kiệm điện, 10 giờ là tắt đèn đi ngủ.
- Ha ha, 20 đồng ột cái phòng ngủ ký túc… kể cũng hơi đắt.
Câu chuyện khiến tôi bất giác nhớ lại quãng thời gian sống trong trường học, hồi ấy ngây thơ và cũng nhơ nhớp biết bao, bỗng thấy hơi rung động. Nhớ đến một bài hát: Giờ đây, dù kim đồng hồ ngừng trôi, dù cuộc đời thành tro bụi… vân vân và vân vân…
Tôi không gặp Đại ca Kiện dễ đến nửa tháng nay. 15 ngày mai danh ẩn tích, chúng tôi phải lẩn như trạch hết chỗ này đến chỗ khác, chịu đựng cuộc sống gian nan vất vả, lén lút liên lạc. Khó khăn lắm mới gặp lại nhau, chúng tôi quyết định đi đánh chén một bữa mừng hội ngộ.
Bước ra khỏi nhà trọ Trường Giang, hai chúng tôi lần vào trung tâm thành phố. Có một hàng ăn Nhật Bản mới khai trương ngay dưới chân khách sạn sang trọng bậc nhất. Hai chúng tôi rất ngạc nhiên:
- Cứ như quay về Thượng Hải ấy nhỉ! Hình như dạo này người Thượng Hải thích ăn đồ Nhật.
- Bọn mình cũng liều làm tiểu tư sản một phen! – Đại ca đồng tình.
Tiến lên mấy bước, bỗng Đại ca ngưng lại:
- Thôi, chúng nó mới khai trương…
- Mới khai trương càng tốt! Vừa sạch sẽ khéo lại được giảm giá. – tôi bảo.
- Không! Đang lúc như thế này… mình không nên vào nơi có nhiều quan chức nhà nước!
- Cậu đừng mơ! Người ta ăn trong phòng kín chứ có ngồi hóng ở bên ngoài đâu! Chắc cũng qua đợt truy quét gay gắt rồi, tội gì phải căng thẳng thế cho khổ! Số bị bắt thì trốn lên trời cũng không thoát, mặc kệ đi!
Đại ca đáp:
- Không kệ được! Thế thì thà đi tự thú, an phận thủ thường ăn cơm tù còn hơn! Quyết tâm làm quân đào tẩu thì phải giữ phong độ người đào tẩu chứ!
- Cậu phải có niềm tin vào chính phủ! Thứ nhất, chắc chắn có một ngày chính phủ sẽ minh oan cho chúng ta. Thứ hai, phải vững tin rằng quan chức nhà nước chỉ ngồi ăn trong phòng kín có điều hoà! Đi nào!
Tôi lôi xềnh xệch Đại ca co rúm như con chuột nhát nước vào nhà hàng. Chúng tôi chọn vị trí gần cửa sổ, thế giới bên ngoài nhìn qua cánh cửa kính màu nâu như nước chè sát tận sàn xám xịt và u ám. Tiếng đàn hát dìu dặt vang lên trong nhà hàng giả bộ sang trọng nửa vời. Bản nhạc như bài hát khổ não của phụ nữ Nhật Bản chia tay chồng đi xâm lược nước người, nát cả cõi lòng.
Đúng lúc ấy, đột nhiên có một người Trung Quốc không cam chịu buồn khổ ngồi cách chỗ chúng tôi không xa đập đôi đũa đánh “chát” một cái xuống bàn, quát tướng lên bằng giọng Đông Bắc:
- Đ.má, bật nhạc trẻ lên xem nào!
Mấy cô cậu phục vụ quầy cuống quýt tìm đĩa nhạc. Tôi nghe thấy anh ta lè nhè đệm thêm:
- Mẹ kiếp, nghe ba cái nhạc sang trọng lộn cả ruột!
Chưa đầy một phút sau, hiếc đầu JVC vang lên Say Yes của ban nhạc Chage and Aska đã tan rã từ đời nào. Ông chủ cửa hàng quả là Hán gian chính cống. Tiếng hát cất lên chưa được nửa phút, anh chàng Đông Bắc lại gào toáng:

- Ê bồi, có bài hát Quảng Đông không? Cho nghe cái gì mới mới chứ, không có đĩa chạy ra ngoài mà mua, mau!
Mấy cô cậu phục vụ lại cuống cuồng tìm đĩa, mãi mới thấy CD của ca sĩ Trần Bách Cường. Nghe xong câu đầu tiên, anh chàng Đông Bắc đứng phắt dậy túm lấy cậu bồi:
- Trông tao thế này mà dám cho nghe người chết hát à? Đi mua đĩa Tuyết Thôn[1] về cho tao!
- Xin lỗi sếp, nhưng cửa hàng không cho em tiền mua đĩa. – cậu bồi rúm ró.
- Thế thì tìm đĩa khác!
Họ lại tìm, tìm mãi mới thấy một chiếc đĩa nhạc cổ cũ kỹ, bật lên thì là bài hát Để thế giới đầy ắp tình yêu.
Anh chàng Đông Bắc gầm lên:
- Lũ kia, chúng mày giễu ông phải không? Ông bảo nhạc trẻ cơ mà! Mày dám cãi ông dần ột trận bây giờ!
Câu nói chưa dứt khỏi miệng, lập tức có hai gã đàn ông đại bự lừ lừ hiện ra từ ngóc ngách nào đó của cửa hàng, họ táng cho anh chàng Đông Bắc một phát ngất ngây. Một gã nhắc vai, một gã nhắc chân, chúng kéo xềnh xệch anh ta ra ngoài. Cậu phục vụ hét với theo:
- Quẳng xa xa một tẹo! Vứt tít ra ngoài nhà trọ Trường Giang ý! Tất cả hết 92 đồng!
Một gã to béo đặt uỵch anh chàng xuống đất, móc túi quần anh ta ra tờ 100 đồng, hắn bảo:
- Thối lại 8 đồng!
Nói rồi một gã đẩy cánh cửa, một gã đủn mông, ba người mất hút khỏi tầm nhìn của chúng tôi.
Thế gian được trả lại sự an bình. Vài giây sau, khắp nhà hàng lại vang lên Để thế giới đầy ắp tình yêu. Đại ca Kiện đột nhiên ôm mặt, có vẻ rất đau đớn. Tôi châm cho cậu ta điếu thuốc:
- Nhớ bạn gái phải không?
Đại ca nhìn ra ngoài cửa sổ, không đáp lời.
- Nhớ thì gọi điện thoại hỏi thăm người ta. – tôi tiếp.
- Bây giờ chắc cô ấy bị cảnh sát khống chế rồi. – Đại ca đáp.
- Cậu đừng có bi quan như vậy. Công nhận cảnh sát giỏi đi, nhưng phải có sức ép nào đấy họ mới bộc lộ cái tài, ví dụ như cậu chém nhầm người nhà họ, hoặc làm vụ gì ì xèo lên tận Bộ công an hay Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chứ như chuyện bọn mình chỉ là muỗi, ăn thua gì! – tôi an ủi.
- Nhỡ đâu vụ của bọn mình đã ì xèo lên tận Ban chấp hành Trung ương Đảng rồi thì sao? – Đại ca nhăn nhó.
- Cậu nghĩ kỹ lại mà xem, thật ra hai đứa bọn mình cũng có làm gì nên tội! Lột tất tần tật trên người chúng ta giờ không có nổi 200 đồng. Nghèo đến nỗi làm cảm động Ban chấp hành Trung ương Đảng thì có. Cậu cứ gọi một cú đi, không tội nghiệp cô ấy mong cậu.
Đại ca Kiện lại chìm vào suy ngẫm, còn tôi hồi tưởng lại những chuyện đã qua…
Câu chuyện bắt nguồn từ nửa tháng trước.
Tốt nghiệp xong, tôi tìm việc ròng rã suốt hai tháng không có kết quả. Trong khi đó, các cô bạn xinh xắn cùng lớp đều đã tìm được việc làm, cô giỏi nhất chuyển công ty ba bận. Trông người lại ngẫm đến ta, tôi không khỏi chạnh lòng.
Tôi quen Đại ca Kiện từ trước đó rất lâu. Đại ca hơn tôi một tuổi, ra trường trước tôi một năm, tìm việc ròng rã một năm hai tháng nay chưa chỗ nào nhận. Tình bạn của chúng tôi hình thành nhờ sửa máy tính miễn phí. Hồi đó, phòng chúng tôi có một chiếc máy tính, hết người này đến người khác dùng máy chỉ để lên những trang web đen. Xem nhiều quá khiến nó bị dính vô vàn con vi-rút. Thế mà nó vẫn chạy đều, không hề bị treo. Có lẽ là do dính nhiều vi-rút quá, các loại vi-rút tự đánh phá và diệt trừ lẫn nhau. Nhưng tai hại là con chiến thắng cuối cùng là con mạnh nhất – vi-rút đại vương. Theo thuật ngữ của chúng tôi, những con làm chết máy thông thường gọi là “vi-rút bệnh lậu”, con lần này mạnh đến nỗi không thể khởi động ổ cứng, chắc phải cỡ “vi-rút HIV”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận