Một tuần sau, Đại ca quay về nhà trọ Trường Giang, tay bó bột. Từ hồi bị ngã gãy chân, bà chủ nhà trọ không thu tiền trọ của chúng tôi. Bà bào mục đích của bà không phải là kiếm tiền, mà là cạnh tranh với khách sạn bên cạnh, hút bớt khách của họ. Bà bảo, tiếc thật, đáng lẽ có hai gian phòng để cạnh tranh, bây giờ chỉ còn một. Tôi nói:
- Cháu áy náy quá, chúng cháu làm giảm bớt sức cạnh tranh của bác.
Bà đáp:
- Không sao, phải giúp đỡ người đau yếu tàn tật.
Không những thế, bà còn trả hộ trước tiền viện phí của Đại ca. Chúng tôi cảm động đến phát khóc, Đại ca bảo:
- Bác ơi, khi nào kiếm ra tiền chúng cháu sẽ trả bác gấp đôi.
Bà cười:
- Thôi khỏi, thanh niên bây giờ chỉ cần đừng gây chuyện là giỏi rồi.
Tôi thầm nghĩ, nhỡ có một ngày cảnh sát xô cửa vào bắt tôi và Đại ca chắc bà chủ đau lòng lắm.
Vương Siêu chi ra 5000 tệ cho sự vụ gãy xương tay. Cậu ta trở thành bạn đầu tiên của chúng tôi ở đất này. Thật tệ, hai người bạn của Đại ca, tôi và Vương Siêu, mỗi người lấy đi của Đại ca ít xương tay và xương chân.
Thời gian trôi chậm chạp, trong mắt tôi thời gian là tốc độ phục hồi của tay và chân Đại ca. Không có việc gì làm càng cảm thấy thời gian lề mề. Nhưng lạ nữa là nó đến chậm chạp nhưng ra đi rất nhanh. Quay đầu nhìn lại tôi không thể nhớ nổi hôm qua đã làm việc gì, mà chủ yếu là vì hôm qua tôi không làm gì cả.
Đại ca dễ thở hơn tôi, thời gian của cậu ta còn có cái để tham chiếu. Ví dụ, hôm qua nhấc chân được 1cm, hôm nay được 2cm. Trong mắt cậu ta, thời gian và không gian hoà nhập vào làm một.
Vương Siêu là một trong số hàng nghìn hàng vạn sinh viên sống vật vờ qua ngày đoạn tháng của Trung Quốc. Họ của cậu ta chẳng có một chút cá tính nào, tên cũng không không đặc sắc, vì thế cuộc sống của cậu ta không hơn gì cái tên.
Vương Siêu đã lăn lộn 3 năm trong trường. Có lúc cậu ta cũng giả vờ kêu than 3 năm trôi nhanh như chớp. Trước khi vào đại học cậu ta có rất nhiều mơ ước, bây giờ cũng có mơ ước, nhưng không giống hồi đó. Hồi phổ thông, cậu ta mong ước trở thành người lái máy bay, nhưng lại đỗ khoa khảo sát địa chất Đại học Công nghiệp. Mọi người đồn qua đồn lại, bạn học cũ tưởng cậu ta đi đào than, không hề đúng với lý tưởng của cậu chút nào. Sau 3 năm lăn lộn trong trường, bây giờ cậu ta theo đuổi nhiều ước mơ hơn nữa: chủ tịch câu lạc bộ tuyên truyền, hoa hậu câu lạc bộ văn nghệ, cô gái cưng của đội người mẫu, cầu thủ chủ lực đội bóng bầu dục, cô em mới đến thực tập ở cửa hàng ăn nhanh, cô bán hàng văn phòng phẩm…
Tôi hỏi:
- Cô nào được nhất?
- Người mẫu người đẹp nhất, em tuyên truyền vẽ tranh đẹp nhất, em câu lạc bộ hát hay nhất, em bóng bầu dục chắc thịt nhất, em nhà hàng ăn nhanh dịu dàng dễ thương, em bán hàng niềm nở… rất khó chọn.
- Rốt cuộc cậu chọn em nào? – Tôi hỏi.
- Phải xem em nào chọn mình trước. – Vương Siêu đáp.
Tôi hoàn toàn bị đánh gục trước thái độ tình yêu của Vương Siêu. Cậu ta nói tiếp:
- Nhưng hiện giờ tất cả đều có vấn đề.
- Vấn đề gì?
- Các em ấy có bạn trai hết rồi.
Tôi “ồ” lên một tiếng, đúng là vấn đề lớn.
- Nhưng nữ sinh bây giờ cô nào chẳng liếc mắt đưa tình lúc không có bạn trai bên cạnh. – Vương Siêu nói.
- Thế bạn các em ấy làm gì?
- Em người mẫu yêu một cậu trong đội người mẫu nam, chả có tí sáng tạo gì nhỉ. Cậu nghĩ mà xem, hai đứa người mẫu dốt nát đi chơi với nhau cứ tưởng mọi người ngưỡng mộ lắm, thật ra rút cục cũng chỉ là hai đứa dốt nát. Người mẫu nghiệp dư vớ vẩn, mỗi lần diễn được ba chục đồng bọ. Xã hội bây giờ thực tế lắm, chắc không đến một năm nữa con bé sẽ bỏ thằng kia. Cao thì được tích sự gì, bố mẹ cao chắc gì đẻ ra thằng con Yao Ming[1]! Cao có xẻ ra ăn được đâu…
Đại ca ngồi dưỡng thương bên cạnh bảo:
- Tiểu Siêu à, sao lại nói thế…
- Nhưng xã hội bây giờ đúng là rất thực tế mà! – Vương Siêu đáp.
Đại ca Kiện hơi cử động, nghiêng người quay mông vào Vương Siêu hỏi:
- Thế cô em hiền lành dịu dàng hàng văn phòng phẩm yêu ai?
- Con bé ý chả có mơ ước gì, yêu thằng cửa hàng hoa quả đối diện. – Vương Siêu đáp.
Đại ca dàn hoà:
- Thế cũng tốt, người ngoại tỉnh có công việc ổn định là tốt lắm rồi.
- Vùng này ô nhiễm nặng, gà còn chả sống thọ một năm, thà về quê còn hơn. Chả biết nó ở đây làm gì, mình thà đi Thượng Hải còn hơn.
- Hai đứa bọn mình từ Thượng Hải về đây đấy chứ! – Tôi nói.
- Ờ, mình không hiểu các cậu về đây làm gì? – Vương Siêu hỏi.
- Thượng Hải rộng lớn quá, cảm giác mình lọt thỏm đi đâu mất.
Vương Siêu nói rất nghiêm túc:
- Đúng đúng! Đàn ông sợ nhất cảm giác đó!
- Này, thế còn hoa hậu câu lạc bộ văn nghệ? – Tôi hỏi.
- Xì, con bé đấy ham tiền. Nó chơi với một thằng con ông chủ nhà hàng karaoke to nhất vùng này. Nhà thằng ấy có 4 cái xe Mercedes, thằng con ngày nào cũng lái Lexus vào trong trường. Mẹ, lão gác cổng toàn cho nó vào, bố mình đi Santana thì bị nó chặn lại, sống chết thế nào cũng không cho vào.
- Sao thằng con trai không đi Mẹc? Nhà nó nhiều xe, đi xe Nhật có sang trọng gì đâu! – Đại ca hỏi.
- Đợi tí nữa kể cho. Con bé đấy chập mạch. Đời nào thằng kia lấy nó, đỉnh lắm mời đi ăn vài bữa cơm, mà có phải mình nó ăn đâu, chẳng qua thằng kia thích ăn thì cho ké một thể. Chả hiểu con bé trông chờ cái gì! Để ngồi lên Lexus á, thần kinh nặng, có phải xe của nó đâu! Con dở hơi còn tưởng cả trường hâm mộ nó lắm, mẹ nó chứ, làm gái còn được tiền, nó vênh cái quái gì! Chạy đâu thoát khỏi số ngồi xe buýt, giỏi lắm được ngồi xe có điều hoà!
Đại ca bảo:
- Cậu độc quá. Người ta thích thế cậu làm gì được. Người ta được ngồi Lexus thấy sướng thì làm sao! Cô ấy ngồi trong xe Lexus, cậu cưỡi xe đạp Vĩnh cửu, thế giới này đã phân công rõ ràng.
- Thế còn cầu thủ bóng bầu dục? – Tôi gặng.
Vương Siêu nghiến răng đau khổ:
- Đồ cầm thú!
- Người ta to cao khoẻ mạnh một tí sao lại thành cầm thú hả? – Đại ca ngạc nhiên.
- Thằng đi Lexus là đồ cầm thú, nó không tha cả con bé bóng bầu dục.
- À, cô này cũng thích Lexus. – Đại ca nói.
- Lúc nào đến đón bóng bầu dục đi Mercedes, thế là không bị lộ. Có tiền vẫn hơn, hai cô bạn gái sống cùng một toà nhà mà không đụng nhau. – Vương Siêu đáp.
- Ngày nào cậu cũng lái xe đạp Vĩnh cửu, cưa hai cô cùng lúc cũng không ai để ý đâu. – Đại ca nói.
- À, mình còn cái xe Phượng hoàng, mới mất mấy tháng trước. Hôm vừa rồi mình bắt được đứa dở hơi đi xe của mình, nó phải trả lại rồi. Bây giờ mình cũng có hai xe, một đi trời nắng, một đi mưa.
- Thế còn em câu lạc bộ tuyên truyền? – Tôi hỏi.
- Có bạn trai, từ hồi lớp 10. Mình chờ vậy.
- Chờ cái gì? – Đại ca hỏi.
- Thường yêu nhau 7 năm là có vấn đề. – Vương Siêu đáp.
Tôi cười. Đại ca quay người, nhớ cô bạn gái.
Vương Siêu nói:
- Cậu cũng thật là, sao cậu không gọi cho người ta. Mà thôi, tuỳ cậu nghĩ thế nào thoải mái là được, chẳng qua cũng chỉ là đống thịt thêm ít huyết quản và mấy cái nội tạng. Có gì quý báu đâu, chúng mình cũng có.
Trung thu. Lâu lắm rồi tôi và Đại ca không về nhà. Tôi đẩy xe đưa đại ca lên phố. Tuần nào Vương Siêu cũng đạp xe đến vài lần, dạo này số lần đến tỉ lệ thuận với nhiệt độ càng lúc càng giảm. Chúng tôi rẽ vào chỗ đỗ xe khách sạn, hình như trong thời gian Đại ca bị ốm số người giàu xổi lại tăng thêm khá nhiều. Đại ca băn khoăn, vùng này có mỏ than đâu, tại sao nhiều người giàu thế!
Men theo đường đi bộ cho người khiếm thị, tôi đẩy Đại ca lùi ra xa khỏi khu vực phồn hoa. Đến gần một cửa hàng đề chữ “Điện thoại IP”, Đại ca đột nhiên bảo:
- Dừng!
Giật bắn người, tôi vội dừng xe.
- Nhà ga ở đâu? – Đại ca hỏi.
- Xa lắm, cậu muốn đến đấy?
Đại ca thở phào:
- Được rồi, thế thì gọi được! Mình gọi điện cho bạn gái.
- Gọi đi, đáng nhẽ nên gọi từ lâu rồi mới phải! – Tôi đáp.
Đại ca chần chừ:
- Cậu không sợ mình bị bắt à?
- Sợ gì! Mình thấy bọn mình không phạm tội gì cả, không thể cứ trốn mãi được.
- Mình có xem một bộ phim, phim nói là gọi điện không quá 1 phút sẽ không kịp phát hiện số.
- Phim Mỹ chứ gì? – Tôi hỏi.
- Ừ.
- Nước ta chắc phải mất 3 phút, cứ gọi đi! – Tôi bảo.
Đại ca Kiện bảo tôi đẩy cậu ta lên phía trước, nhưng đột nhiên cậu ta quay lại bảo:
- Nhưng di động hiển thị số, mã vùng của mình hiện lên thì chết!
- Sợ gì, qua đợt nguy hiểm rồi! Cậu tưởng cảnh sát nước mình thật lòng muốn phá án thế á? Đa phần là vô tình phát hiện ra, ví dụ như bắt được thằng trộm vặt ngoài phố, vô tình phát hiện ra hắn mới giết người. Người ta phá những vụ lớn như thế đấy!
- Mình không tin. – Đại ca đáp.
Tôi bước lên phía trước:
- Cứ gọi đi, không sao đâu!
Đại ca cầm ống nghe lên, lại đặt xuống.
- Sao thế? – Tôi hỏi.
- Biết nói gì đây? – Đại ca đáp.
- Làm sao mình biết được! – Tôi bảo.
- Hay là hỏi thăm cô ấy. Không được, nghe thấy mình chắc chắn cô ấy sẽ khóc. Phải nghĩ kỹ đã.
- Cô ấy sẽ hỏi cậu ở đâu. – Tôi bảo.
- Mình sẽ bảo em đừng hỏi anh ở đâu. Anh vẫn khoẻ, em yên tâm.
- Cô ấy bảo em nhớ anh chết mất!
- Anh cũng nhớ em chết mất.
- Khi nào anh về?
- Lúc này chưa được.
- Em tin anh vô tội. Chắc chắn là thằng nhãi đi trốn cùng anh gây chuyện này. – Tôi nói.
- Không đâu, chuyện này rồi sẽ rõ ràng thôi! Cậu ấy là bạn bè với anh, đừng nói thế!
- Thôi anh giữ gìn sức khoẻ nhé! Tháng chạp này con anh sẽ ra đời.
Đại ca lườm tôi một cái:
- Anh biết rồi, em yên tâm. Anh sẽ về thăm em, em bảo trọng!
- Em biết rồi. Em không nói với ai anh gọi đến đâu. Sắp đến 3 phút rồi, tạm biệt!
Đại ca bảo:
- Đúng rồi! Chắc chắn chỉ mấy câu thế thôi. Gọi đi gọi đi!
Đại ca nhấc ống nghe, tay hơi run, cuống quýt rỏ cả nước dãi. Ấn đến mấy số cuối, quai hàm cậu ta giật giật, căng thẳng quá. Trịnh trọng hoàn tất các nút bấm, Đại ca hắng giọng. Đúng lúc ấy, đôi loa cũ kỹ trong cửa hàng vang lên bài “Có lẽ vào mùa đông” của Tề Tần. Không bận tâm đến khung cảnh âm nhạc lãng mạn, Đại ca vội vẫy tay bảo vặn nhỏ tiếng.
Tôi nín thở từ lúc Đại ca bắt đầu bấm số, sắp đứt hơi. Nhưng bây giờ mới đến giây phút quan trọng, tôi cúi xuống nhìn.
Đột nhiên, mặt cậu ta trắng bợt.
- Sao thế? – Tôi hỏi.
- Không có số điện thoại này. – Đại ca đáp.
- Không thể thế được!
- Gọi lại lần nữa, có lẽ bấm nhầm. – Đại ca nói.
Lần này cậu ta bấm 10 nút không hết 1 giây.
Nhưng vẫn không được.
- Hay lâu rồi không gọi, cậu nhớ nhầm. – Tôi bảo.
- Không thể nhầm được! Số điện thoại không nhớ nổi thì gọi người ta làm gì!
- Thêm một lần cuối cùng! – Tôi bảo.
Đại ca ấn nút, thất bại.
Đại ca ngồi lặng một lúc, bảo:
- Về thôi!
Tôi đẩy Đại ca về nhà trọ Trường Giang. Giọng hát Tề Tần nhạt nhoà dần. Nét mặt Đại ca lộ rõ buồn bã. Buồn là một thứ rất trìu tượng, không giống sự vui vẻ, chỉ cần anh hơi nhếch mép cười mọi người sẽ biết anh đang vui. Buồn đến nỗi lộ rõ trên nét mặt thì là rất buồn. Những cái trừu tượng cụ thể hoá sẽ rất to lớn và mạnh mẽ. Đại ca im lặng suốt dọc đường đi.
Bãi đất trống trung tâm thành phố, hơn mười nghìn người xúm xít mua lôtô quay thưởng tại chỗ. Chúng tôi đi xuyên qua đám ếch ngồi đáy giếng về nhà trọ. Đại ca đột nhiên bảo:
- Chúng mình đi chỗ khác thuê phòng.
Cả hai chìm vào im lặng.
Nói đến nhà ở, liên tưởng đến cô bạn gái trước kia của tôi. Cô ấy người ngoại tỉnh, hơn tôi 3 tuổi. Lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng sợ ế, cô ta hạ quyết tâm trong vòng một năm phải lấy chồng. Cô ta nôn nóng và ráo riết cứ như thể con gái không lấy được chồng trước 25 tuổi thì sẽ bị nổ tung mất. Thật khó tưởng tượng, tôi lại yêu một cô gái như thế. Cô ta thích nhà đến nỗi tôi không hiểu nổi. Cô ấy thuê một căn hộ gần chỗ làm, bài trí nó cực kỳ rối rắm, ai nhìn thấy chắc sẽ hết hứng mua chỗ khác để khỏi phải chuyển đồ đạc. Thế mà cô ấy rất ghét căn hộ của mình, chẳng qua vì có một anh chàng rất đẹp trai sống kế bên, nếu không cô ta sẵn sàng phóng hoá đốt nó bất cứ lúc nào. Bố mẹ cô ta luôn luôn ép con gái phải lấy một anh chồng Thượng Hải có nhà không nợ ngân hàng, nhưng cô ấy yêu tôi mới lạ. Cô ấy bảo chắc chắn sau này chúng tôi sẽ ở biệt thự đi Mecerdes. Hiện giờ tôi chưa có nhà chung cư rẻ tiền, cũng không có nổi xe Matiz, nhưng cô ấy tin chắc như đinh đóng cột vào tương lai làm tôi rất vui. Sau này tôi mới biết ông thầy bói bảo cô ấy sẽ gặp quý nhân phù trợ vào ngày này tháng này giờ này địa điểm này. Thầy bói còn bảo lúc gặp có thể quý nhân không có tiền, nhưng trong vòng 10 năm chắc chắn sẽ phát tài to.
Đúng ngày ấy tháng ấy năm ấy giờ ấy, tôi xuất hiện ở cái địa điểm chết tiệt ấy, thật bất hạnh.
Mấy tháng yêu nhau, tôi cảm thấy rõ nét cảm giác bất an của cô ấy. Tôi cũng phần nào hiểu vì sao cô ấy thèm muốn một ngôi nhà của riêng mình. Nhưng một hôm tôi đột nhiên bảo:
- Sau này có tiền cũng không mua nhà! Nhà cửa chẳng có ý nghĩa gì cả!
Cô ấy chạy vụt đi. Cho đến trước khi nộp bản thảo, chúng tôi không gặp lại.
Thế giới này có nhiều người bất an, có lẽ loài người đều như vậy. Nhưng tôi không hiểu vì sao người ta gửi gắm cảm giác an toàn vào những vật phù du, như nhà cửa hay sổ tiết kiệm. Trái đất treo lơ lửng một cách không đáng tin cậy trong vũ trụ, động đất, chiến tranh, suy thoái kinh tế có thể lấy đi những thứ ấy bất cứ lúc nào. Tôi không hiểu vì sao những thứ có thể mất đi bất cứ lúc nào lại đem đến cảm giác an toàn!
Không biết cái gì có thể đem lại cảm giác an toàn tin cậy, tôi hỏi các bạn cùng trường. Đáp án khá trùng lặp: Đồ ngốc, “bao an toàn[2]” làm ta an toàn chứ sao!
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ đáp án đó là đúng. Chúng ta luôn luôn đi tìm câu trả lời, một câu hỏi có rất nhiều đáp án nhưng các loài sinh vật hình như chỉ muốn biết một đáp án duy nhất. Nghĩa là chúng ta không cần biết đáp án này đáp án khác, mà chúng ta chỉ muốn biết kết quả cuối cùng.
Câu hỏi trên tôi không tìm ra kết quả.
Tôi nghĩ sự bình yên trong lòng mới là nguồn gốc của cảm giác an toàn. Còn ngôi nhà có quyền sử dụng 50 năm tính đi tính lại sẽ rẻ hơn khách sạn thật, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là khách sạn thời hạn 50 năm mà thôi. Nước Trung Quốc cũng mới chỉ thành lập 50 năm.
Tất cả suy nghĩ lằng nhằng chung quy lại là do không có tiền. Nếu có tiền tôi sẽ ở khách sạn năm sao, thuê luôn hai phòng, ở một phòng để trống một. Để trống một phòng là để làm vui mỗi khi lễ tết mọi người đứng bồn chồn hỏi phòng ở quầy lễ tân.
* * *
[1] Vận động viên bóng rổ Trung Quốc thi đấu cho NBA Mỹ.
[2] Tức bao cao su.