Thanh Quỳ Mộc Dương

Sau khi nhà họ Mục và nhà họ Lý kết nghĩa, tự nhiên thường xuyên qua lại. Bà nội Mục thường nói, nếu đã kết nghĩa càng qua lại nhiều thì càng thân thiết, nếu không đi lại gì với nhau thì còn kết nghĩa để làm gì, nếu cảm nhận người thân thì không thể phụ phần nhân duyên này được.

Trẻ con trong nhà cũng rất thích những việc như thế, Mục Anh mỗi lần đến nhà họ Lý, cũng không thể thiếu được cái đuôi đi theo là Mục Lan. Ngược lại cũng thế, Lý Bỉnh Nam mỗi lần đến nhà họ Mục, thì em trai hắn cũng tò tò đi theo.

Trong ba anh em nhà họ Lý, bà nội Mục thích nhất đứa thứ hai Bỉnh Huy, bởi vì Bỉnh Huy quả thực chính là đứa cháu đích tôn lý tưởng trong lòng bà... khoẻ mạnh kháu khỉnh lại thông minh cơ trí. Đứa thứ ba tính cách ôn hòa nhã nhặn giống Mục Anh, bởi vậy được mẹ Mục thiên vị. Anh lớn của bọn họ là Lý Bỉnh Nam thì lại có sự kết hợp tính cách của hai người em, cho nên rất được lòng ba Mục và ông nội Mục.

Nhà họ Lý chỉ sinh được con trai không có con gái, cho nên Mục Lan đến nhà bọn họ luôn luôn được hưởng thụ đãi ngộ của công chúa... ăn ngon chơi vui ưu tiên số một, lại còn có hai người anh và một người bạn chơi cùng nghe cô sai bảo. Bởi vậy cô càng thích nhà họ Lý hơn so với anh hai.

Ba Mục được ba Lý nhờ cậy, làm giúp nhà bọn họ chút việc, sau khi mọi chuyện làm xong, ba Mục sai Mục Anh đang được nghỉ học cuối tuần đến nhà họ Lý truyền lời. Đương nhiên là Mục Lan sẽ đi theo.

Hôm đó ba Lý không ở nhà, Mục Anh đem lời nhắn của ba mình nói cho mẹ Lý. Chưa kịp đợi mẹ Lý hỏi thăm người lớn trong nhà họ Mục, thì ba anh em nhà họ Lý đã lôi kéo anh em họ đi chơi. Mục Anh được Lý Bỉnh Nam dẫn đến đập chứa nước câu cá, Lý Bỉnh Huy và Lý Bỉnh Lân thì dẫn Mục Lan ra sau vườn nhà bọn họ chơi.

Khu vực hậu viên phía sau vườn nhà họ Lý không phải là một mảnh đất hoang bỏ không, mà được tận dụng rất thích đáng, trông rất xinh đẹp và trù phú.

Vườn rau trồng ở hai bên lối đi với đầy đủ các loại rau dưa, đón lấy ánh nắng mặt trời, vô cùng tươi tốt.

Cây thị, cây táo, cây hạnh và các loại cây ăn quả chiếm cứ giang sơn sát vách tường, có cây đang ra hoa, có cây đã kết quả.

Gà vịt thích tới nơi này kiếm ăn, chim tước thích tới nơi này nói chuyện phiếm.

Ngay cả đống củi và rơm trấu phơi nắng an phận trong một góc cũng thường xuyên có khách đến thăm, một con gà mái hoa khác lạ thường xuyên đi đến đó ấp trứng, chó mèo cũng thường xuyên chui vào đống rơm rạ ở đó nghỉ ngơi.

Nhiều cây cối thẳng tắp vươn lên trời cao, mọc song song ở hai bên mép vườn, giống như những vị thần đang bảo vệ các sinh linh trong khu vườn.

Hai người dẫn theo Mục Lan đi hái được mấy quả dưa vàng nhạt, vừa ăn vừa đi dạo xung quanh. Lúc trước ba người bọn họ thường hay chơi trò trốn tìm, làm nhà, đánh giặc không biết mệt, bây giờ thì không ai nhắc tới nữa... bọn họ đã đến tuổi đi học rồi, không thể lại chơi những trò chơi của con nít nữa.

Chơi trên mặt đất đã chán, Bỉnh Huy đề nghị bò lên trên cây chơi. Cây cối trong khu vườn này, có cây thì quá nhỏ yếu, có cây thì quá mức cao lớn, cành nhánh quá nhiều, chỉ có cây hạnh già là lý tưởng để mấy đứa bé có thể trèo lên.

Cây hạnh già thân thể cường tráng, cành lá xòe ra, giống như một ông lão hiền hòa, để cho đám trẻ con...lúc trước là Bỉnh Nam, bây giờ là Bỉnh Huy cưỡi lên trên người “Tác oai tác oái”.

Đây là một cây mạch hoàng hạnh, có nghĩa là, trái cây sẽ chín vào mùa gặt lúa mạch, Mục Lan tới chậm một bước, quả hạnh mấy hôm trước đã bị hái hết.

Bỉnh Huy nhanh chóng lên cây hạnh, Mục Lan cũng dựa vào năng lực của bản thân, tự bò lên trên. Bỉnh Lân bị hai người kia có ảnh hưởng cũng nóng lòng muốn thử, hắn chưa từng trèo cây, cho nên không có kinh nghiệm không bắt được điểm tựa, phí hết nửa ngày cũng không thể trèo lên được, cuối cùng đành phải tiếp nhận sự hỗ trợ của Bỉnh Huy và Mục Lan.

Bỉnh Huy là cao thủ trèo cây, chẳng mấy chốc đã có thể leo được lên những nhánh cây mà ngay cả Bỉnh Nam cũng thấy sợ, mà hắn thì có thể lên xuống tự nhiên.

Lần này, sau khi ở trên cây hạnh được một lát, hắn liền bắt đầu khoe khoang bản thân mình với Mục Lan bằng cách trèo luôn lên cây thị. Trong sự kinh ngạc và khen ngợi của Mục Lan, Bỉnh Huy vô cùng thỏa mãn hư vinh.

Mục Lan tuy cũng bướng bỉnh như con trai, nhưng dù sao cũng là con gái, nhìn thấy hoa thị màu vàng nhạt rào rạt rơi xuống, liền muốn đem chúng xỏ thành vòng cổ.

Bỉnh Lân về nhà lấy tới một sợi dây, xỏ giúp cô. Một người chơi không thú vị, Bỉnh Huy cũng mò qua hỗ trợ. Hắn không nhẫn nại xỏ vòng cổ, cho nên chịu trách nhiệm chọn những bông hoa thị vừa rơi xuống còn tươi nhất.

Cái vòng tinh tế rực rỡ, lại còn thơm ngát, đeo lên trên cổ, khiến Mục Lan xinh đẹp vô cùng. Rất nhanh, trên cổ, trên tay và cả bím tóc đuôi ngựa cũng đều tràn đầy hoa thị. Bỉnh Huy đã chán chết, liên tiếp khuyên nhủ Mục Lan và Bỉnh Lân chơi trò khác.

Tiếc là, Mục Lan vẫn chưa muốn từ bỏ mấy cái vòng xinh đẹp. Bỉnh Huy thật sự không chịu nổi, tiến lên nài ép lôi kéo cô, kết quả không cẩn thận lại giật đứt cái vòng cổ của Mục Lan. Mục Lan tiếc hận muốn chết, khóc lớn lên.

Mẹ Lý đang quét rác ở sân trước nghe tiếng chạy tới, hỏi rõ ngọn nguồn, thuận tiện trong tay đang cầm cây chổi quất ngay vào mông Bỉnh Huy, nếu không phải Bỉnh Huy chạy trốn nhanh, một trận đau mềm xương là không thể tránh được.

Mẹ Lý dùng rau dưa và thịt ba chỉ làm nhân, làm vằn thắn đãi hai anh em nhà họ Mục. Bỉnh Huy sau khi gây họa thì bỏ trốn mất dạng, đến bữa cơm trưa mới mồ hôi đầm đìa quay trở lại.

Hắn móc từ trong túi áo ra hai quả mạch hoàng hạnh chín xòe ra trước mặt Mục Lan. Bỉnh Lân tò mò hỏi Bỉnh Huy kiếm đâu ra mấy quả hạnh này, bởi vì mạch hoàng hạnh bây giờ đã khan hiếm.

Bỉnh Huy nói lên trên núi Hạnh Viên hái. Nhìn mặt mũi của mấy quả hạnh thơm ngào ngạt, Mục Lan vì vậy cũng liền tha thứ cho Bỉnh Huy.

————————————

Con nhà người khác phần lớn đều sau 8 tuổi thì mới đi học, nhưng Mục Anh bảy tuổi đã đến trường, bởi vì bà nội Mục vẫn luôn có sự trách nhiệm đối với câu tục ngữ mê tín là “Bảy thành tám không thành”.

Sau khi Mục Anh đi học rất biết tranh đua, giấy khen dán đầy vách tường trong nhà, điều này càng làm cho bà nội Mục có thể đúng lý hợp tình phản kích sự cười nhạo của ông nội Mục và ba Mục rằng bà mê tín “Tục ngữ đều rất chính xác, là kinh nghiệm mà đời đời đã tổng kết ra! Đừng tưởng rằng uống nhiều hơn người khác mấy bình mực thì liền cho rằng mình giỏi!”

Tin chắc là như vậy, cho nên Mục Lan cũng theo bước anh trai, chỉ bảy tuổi đã đi học. Cùng năm đó, Bỉnh Huy kém một tuổi và Bỉnh Lân cũng đi học. Trong huyện, chỗ hai thôn của bọn họ chỉ có một trường tiểu học, mỗi cấp học chỉ có một lớp, không nghi ngờ gì, ba người bọn họ lại gặp nhau trong cùng một lớp.

Mỗi lần thi cử, anh em nhà họ Lý đều xếp hạng nhất: Bỉnh Lân là số dương, Bỉnh Huy là đếm ngược. Trường học có một quy luật bất thành văn... ai học giỏi thì sẽ là cán bộ lớp, Bỉnh Lân học tập tốt nhất, đương nhiên đảm nhiệm lớp trưởng, Mục Lan xếp hạng nhì, trở thành lớp phó học tập.

Bỉnh Huy thành tích không tốt thì cũng thôi đi lại còn hay thích đánh nhau gây chuyện, vốn dĩ đã vô duyên với các chức vụ, nhưng mà thằng nhóc này lại có số làm quan, chủ nhiệm lớp của bọn họ căn cứ vào nguyên tắc sử dụng người tài phải đúng chuyên môn, vì thế phong cho hắn làm lớp phó lao động.

“Bạn Lý Bỉnh Huy có hai ưu điểm rất lớn!” Giáo viên giải thích về nguyên nhân chọn hắn trước mặt cả lớp “Một là lúc làm việc không dùng mánh khóe để lười biếng, không tiếc sức lực, hai là không sao chép gian lận, cũng không giở trò bịp bợm.”

Giáo viên sắp xếp cho Bỉnh Huy và Mục Lan ngồi cùng bàn, cũng chỉ thị rõ ràng Mục Lan cần phải trông chừng cái tên này cho cẩn thận.

Lúc đang lên lớp Bỉnh Huy cứ thích nhìn đông nhìn tây, không phải nói chuyện với bàn kế bên thì chính là giở trò, tóm lại không có lúc nào yên tĩnh.

Nhưng đáng giận nhất là hắn dám “Động thổ trên đầu thái tuế”, cứ hở một chút là túm lấy bím tóc đuôi ngựa của Mục Lan, coi như là trò vui. Khuyên nhủ, cảnh cáo, đe dọa đều không có hiệu quả gì, Mục Lan liền không nói nhiều nữa trực tiếp động thủ... che miệng hoặc nắm lỗ tai, dẫm chân, vặn khuỷu tay, véo tay… Nhận hết các loại “Khổ hình”, Bỉnh Huy vẫn như cũ... “Tớ là một hạt đậu Hà Lan bằng đồng, hấp không mềm, nấu không nát, xào không bể, đập không bẹp, bổ không vỡ, vang dội vô cùng.”

Giáo viên chủ nhiệm lớp bọn họ là một ông giáo lớn tuổi, quen biết với ba mẹ Lý. Mỗi lần gặp mặt, vị giáo viên lớn tuổi này đều khen Lý Bỉnh Lân đến tận trời.

Ba mẹ Lý đều cảm thấy hết sức kiêu ngạo với đứa con trai út, đồng thời cũng cảm thấy lo ngại đối với đứa con giữa của mình, cho nên chủ động cảm tạ ông giáo: “Bỉnh Huy đã làm thầy giáo nhọc lòng.” Ông giáo già lại dùng một câu thành ngữ để đánh giá Bỉnh Huy: “Thằng nhóc đó cũng không tệ, nghĩa khí hảo hán.” Ba mẹ Lý tuy rằng nghe cũng không hiểu lắm, nhưng biết đây là lời tốt đẹp, chỉ là không có liên quan gì tới việc học.

Không thể so sánh với em trai, nhưng Bỉnh Huy không tự ti cũng không ghen ghét. Bỉnh Lân thường xuyên tham gia thi học sinh giỏi, lần nào cũng đoạt giải, Bỉnh Huy đều vui vẻ hơn bất cứ ai, gặp ai cũng khoe khoang về em trai mình.

“Còn cậu đoạt giải gì?” người được kể hỏi lại Bỉnh Huy.

“Tớ không tham gia.”

“Vì sao không tham gia?”

“Học không giỏi.”

“Vậy vì sao cậu không lo học cho giỏi đi?”

“Không thích học thuộc lòng.”

“Tại sao lại không thích học thuộc lòng?”

“Không thích tụng kinh.”

Bỉnh Lân trong một lần tham gia thi học sinh giỏi Toán được thưởng một cây bút máy rất quý giá, bản thân cũng không dám dùng, nhưng lại bị một nam sinh lớp 5 trấn lột. Bỉnh Lân mới đầu không dám nói ra, sau này nhịn không nổi nữa mới nói với Bỉnh Huy.

Giữa trưa hôm sau, sau khi tan học, Bỉnh Huy đơn thương độc mã đi đến chỗ nam sinh cao hơn hắn một cái đầu đòi lại cái bút máy. Nam sinh kia lúc đầu còn không chịu thừa nhận, sau đó thì dùng lời nói ngang ngược hù dọa, cuối cùng giơ nắm đấm ra. Ba chiêu dùng xong, Bỉnh Huy vẫn như hổ rình mồi tiếp tục giằng co, nam sinh cao to kia chịu thua, bỏ bút đầu hàng.

Bỉnh Huy không đánh mà thắng, thu hồi bút máy, khiến cho Bỉnh Lân bội phục sát đất, tình nguyện tặng cây bút cho hắn. Bỉnh Huy không chút khách sáo bỏ vào trong túi. Nhưng mà, cây bút máy này chỉ ở trong túi Bỉnh Huy có một tiếng đồng hồ, thì đã bị hắn “đút lót” cho Mục Lan.

Mục Lan nhận “hối lộ” cũng không phải là một hai lần... trái cây lê táo, bút chì cục tẩy, sách vở, chỉ là vật phẩm hối lộ lần này quá quý giá, Mục Lan không dám thu, nhưng lại không thể kháng cự lại được sức quyến rũ của nó, bởi vậy, trước khi nhận hối lộ, cô đã bày tỏ lập trường: “Nếu anh làm trái kỷ luật, em cũng sẽ trừng phạt anh! Sau đó báo cho thầy giáo biết!”

“Phạt thì phạt đi, báo thì báo đi, ai sợ ai chứ!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui