Thanh Triều Ngoại Sử 2

Ngày hôm sau mặt trời vừa mới mọc đã có rất đông người ra ngoài bãi xem đấu ngựa rồi.  Đồng cỏ hôm nay được phong tỏa nghiêm ngặt từ bốn phía, chỉ những người có thiệp mời mới có thể vào xem đua ngựa.  Ngoài ra thì binh sĩ tầng tầng lớp lớp, lực lượng bảo vệ lên đến cả vạn người, canh gác tưởng chừng một con ruồi cũng không thể nào lọt vào được.

Một tốp thái giám rảo bước vào lán, đứng quay mặt về một hướng, đằng xa vọng lại tiếng hô:

- Thái hoàng thái hậu giá lâm!

Mọi người trong lán đứng quay nhìn hướng vừa phát ra tiếng hô, vài tích tắc trôi qua, Hiếu Trang mỉm cười ung dung đi vào trong lán.  Do Khang Hi chưa khỏi bệnh nên không đi cùng Hiếu Trang.  Sáng nay Hiếu Trang mặc bộ y phục màu vàng lộng lẫy, vạt áo thêu một đóa sen trắng, cổ đeo ba xâu chuỗi, hai xâu kết bằng trân châu, một xâu làm bằng hồng bảo thạch phát ra tia sáng long lanh.  Tô ma ma cầm quạt lông ngỗng đi theo Hiếu Trang.  Sa hoàng đứng dậy, còn lại ai nấy rạp mình xuống sát đất.  Ngần ấy người quỳ lạy mà không một tiếng thở mạnh.  Đợi Hiếu Trang và Sa hoàng chào nhau rồi cùng an tọa, thái giám cao giọng hô: “Bình thân!” bấy giờ ai nấy mới răm rắp đứng lên và ngồi vào chỗ đã được sắp sẵn.

Sa hoàng ngồi vào chiếc ghế bên phải Hiếu Trang.  Sáng nay Sa hoàng vận áo sơ mi màu xanh dương bỏ ngoài quần, cổ áo khoét lệch, tà áo và ống tay áo trang trí bằng các hình hoa thêu, lưng thắt dây da, bên ngoài khoác thêm áo vải nhung màu đỏ trang hòa sặc sỡ với các đường may nhấn mạnh bằng len đủ màu.  Một phụ nhân là người thông dịch cho Sa hoàng mặc áo đầm lông chồn gắn phụ kiện lung linh như ngọc trai, cườm…  Cổ đeo chuỗi trân châu, tai đeo khuyên bạc, tóc được búi cao. Điểm đặc biệt khiến mọi người chú ý là ngón trỏ tay phải của phụ nhân đeo một chiếc nhẫn kim cương rất to.

Phía sau Hiếu Trang là hàng ghế của Đài Nã và Khang Nạp, kế đến là các quan nhất phẩm, rồi nhị phẩm, tam phẩm... Ai cũng có mặt đầy đủ.

Hiếu Trang trò chuyện với Sa hoàng một lúc quay ra sau hỏi Đài Nã:

- Mẫn Mẫn đâu rồi?  Còn chưa đến cơ à?

Sáng nay Đài Nã vận áo gấm đỏ, váy trắng, tóc vấn cao, trên cổ đeo chuỗi hạt bằng hổ phách.  Đài Nã và Hiếu Trang cách nhau có một tuổi, mặc dù Hiếu Trang trên danh nghĩa là mẹ kế nhưng hai người thương yêu nhau như chị em.  Đài Nã có tính tình hoàn toàn khác hẳn Hiếu Trang.  Trong khi Hiếu Trang cương quyết, cứng rắn, dám nghĩ dám làm thì Đài Nã yếu đuối, nhu mì, nhiều lúc gần như bạc nhược.  Có điều Đài Nã rất trung thành với Hiếu Trang.

Đài Nã nghe Hiếu Trang hỏi, cười đáp:

- Dạ bẩm thái hoàng thái hậu, Mẫn Mẫn còn đang tìm áo vừa ý để mặc, đứa cháu gái này sửa soạn từ tối qua đến sáng nay còn chưa xong nữa, thật không biết phép tắc gì hết, xin thái hoàng thái hậu thứ lỗi.

Đài Nã nói đoạn, kể thêm sáng nay trời mới tinh mơ Mẫn Mẫn đã thức dậy, gọi mấy a hoàn lại, dặn trang điểm cho mình càng lộng lẫy càng tốt. Tiếp đó đến quần áo và đồ trang sức, nhưng nàng duyệt hết món này món nọ, lại món nọ món kia, bày ra la liệt khắp bàn khắp giường khắp nhà mà không sao quyết định được.

Hiếu Trang nghe Đài Nã kể cười nói:

- Hôm nay đại hội lớn, Mẫn Mẫn đương nhiên phải sửa soạn thật đẹp, không sao, cứ từ từ, chúng ta xem trận đua ngựa trước.

- Vâng.

Mọi người dõi mắt ra ngoài bãi.

Kỵ sĩ người Mãn ngồi trên ngựa trắng, đang cho ngựa diễu qua mặt mọi người rồi tiến lại điểm xuất phát.  Bộ đồ của kỵ sĩ Mãn màu lam nhạt, ở lưng có thắt đai đen thêu hình long mãng, bím tóc dùng một sợi vải nâu buộc chặt và được quấn quanh cổ.

Kỵ sĩ Nga cũng vẫy tay chào mọi người, đưa tay vuốt bộ lông đen tuyền của con ngựa sau đó cũng nhảy lên ngựa đi theo kỵ sĩ Mãn.  Mọi người trầm trồ trước con ngựa của kỵ sĩ Nga, giống ngựa đó là giống ngựa Ả Rập hết sức quý hiếm, thể lực hết sức sung mãn, cực kỳ dai sức.  Kỵ sĩ Nga để râu quai nón, mặc áo sơ mi trắng cổ thấp khoét lệch, quần bó sát may bằng vải gai thô nhuộm màu đen, chân đi giày da ống cao.

Từ điểm xuất phát hướng ra ngoài bãi cắm hai hàng cờ vàng thẳng tắp dài bốn dặm, ở cuối dãy cờ vàng là hai cây cờ đỏ cắm dưới một cây bách lớn. 

Nhạc Chung Kỳ bảo một binh sĩ cầm dùi dộng trống, tiếng trống lan xa trong trời xuân át tiếng chim hót và tiếng nói chuyện trong lán.  Hai kỵ sĩ nắm dây cương, lắc một cái để kiểm tra dây cương, sợi dây dao động chẳng khác chi đôi rồng quẫy đuôi uốn khúc chao lượn.  Hai kỵ sĩ rạp mình xuống sát lưng ngựa.  Nhạc Chung Kỳ cầm lệnh kỳ đen phất một cái, một tên lính liền giơ nòng súng hướng lên trời bắn một phát súng.  Kỵ sĩ Mãn ra hiệu cho ngựa chạy bằng một cái thúc khuỷu tay. Kỵ sĩ Nga đạp nhẹ vào hông ngựa.  Những người ngồi trong lán thấy một trận cát bụi như cuồng phong phát ra, lao đi vun vút giữa hai hàng cờ vàng, tốc độ cực nhanh những tưởng có thể xô thành bạt núi.

Tiếng vó ngựa sầm sập như trời đổ mưa, ngựa phi tới đâu là hai dãy cờ vàng uốn lượn tới đó trông từ xa như một con mãng xà uốn khúc.

Sa hoàng nhìn ngựa trắng phóng mình nhanh như gió, cười nói:

- Người Mãn các người thật không hổ là những kẻ chuyên sống trên lưng ngựa, chưa chập chững đi đã biết leo lên yên ngựa rồi.

Hiếu Trang thành thạo rất nhiều thứ tiếng nên không cần người phiên dịch, nhưng Át Tất Long vẫn dịch lại cho những người khác nghe.  Át Tất Long là một đại thần chuyên lãnh trọng nhiệm đi sứ các nước nên cũng thông thạo rất nhiều thứ tiếng.  Các quan nghe Sa hoàng khen gật đầu cười vui vẻ.  Hiếu Trang cũng quay sang Sa hoàng khen lại một câu.

Đằng xa, hai kỵ sĩ cùng lúc thúc ngựa đến gần hai cây cờ đỏ, rồi lại đồng lượt rạp mình sát đất nhổ hai cây cờ dưới gốc cây bách lên, cây bách rất to, cành lá rậm rạp um tùm che kín không để lọt qua một chút ánh sáng nào. Kỵ sĩ Mãn cho ngựa rẽ sang bên phải thân cây trong khi kỵ sĩ Nga cho ngựa rẽ trái để trở về điểm xuất phát.

Sau trận đua ngựa Hiếu Trang mời Sa hoàng và các quan đến dùng tiệc ở điện Giao Thái.  Điện hình vuông, nằm ở giữa cung Càn Thanh và cung Khôn Ninh, tuy quy mô không lớn nhưng không kém phần tráng lệ nguy nga.  Trước điện có bậc cấp làm bằng đá trắng, trong điện các khung cửa đều sơn son thép vàng, cột nhà điêu khắc hoa văn rồng phượng.  Trên các bàn tiệc bấy giờ hãy còn để trống, chỉ có rượu.  Bàn của Hiếu Trang, Sa hoàng và các quan nhất phẩm đặt ở trong điện.  Bàn của các quan khác đặt ở ngoài điện.  Phía sau bàn của Hiếu Trang trên tường vẫn còn treo tấm biển của triều Minh, trong biển viết hai chữ “Vô Vi,” hai chữ này đại thể nói về sự nhu hòa giữa hoàng hậu và hoàng thượng theo triết lý đạo Lão.

Lúc Đài Nã dẫn Mẫn Mẫn vào điện, phần đông những người đang trò chuyện ngưng lại ngắm Mẫn Mẫn đến thần người.  Mẫn Mẫn có khuôn mặt đầy đặn, trong như trăng rằm, quyền, trán không lộ, sắc mặt hồng nhuận.  Đôi tay Mẫn Mẫn cũng trắng trẻo như ngọc, bộ tóc dài chấm đất, đen mượt đúng cách "rồng đen quấn cột ngọc" hay còn gọi “Ô long quyển trụ” là tướng rất giàu có.  Tóc nàng hôm nay được thắt thành hai bím.  Trưa nay Mẫn Mẫn mặc bộ quần áo màu đỏ bắt mắt, vai khoác thêm áo choàng không tay đủ màu trông hệt một con khổng tước kiêu hãnh đang phô bày dáng vẻ.  Mẫn Mẫn vừa đi vừa vô thức nhìn sang một hướng, mắt như dáng vào nơi đó.  Chợt nghe Đài Nã đi kế bên tằng hắng, Mẫn Mẫn mới nhận ra nãy giờ mình cứ ngây đuỗn mà nhìn người ta, bèn vội vàng đổi ánh nhìn sang nơi khác.

Khoảng giữa giờ Ngọ có tiếng thông báo Hiếu Trang vào điện, mọi người đứng dậy làm lễ tham bái, Hiếu Trang tiến đến ngồi bên cạnh Sa hoàng bên dưới tấm bản “Vô Vi,” vẫn là Tô ma ma đứng hầu phía sau Hiếu Trang.  Các quan nghe thái giám hô “bình thân” liền hô tạ ơn rồi theo thứ tự ngồi xuống, họ ngồi cách nhau một thước, sau lưng có một thái giám và một cung nữ đứng phục dịch.

Mẫn Mẫn ngồi ở chiếc bàn gần Hiếu Trang, đứng dậy bước lại trước mặt Hiếu Trang nhún chân cười nói: 

- Mẫn Mẫn bái kiến thái hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu vạn phúc.

Hiếu Trang không thấy Mẫn Mẫn đến trường đua mà không trách, còn nhìn Mẫn Mẫn dịu dàng nói:

- Lâu lắm không gặp cháu, nào, lại ngồi bên cạnh ai gia, qua đây cho ai gia xem, quả thật như một đóa phù dung rất xinh đẹp.

Hiếu Trang nói đoạn sai một cung nữ mang chiếc ghế của Mẫn Mẫn lại đặt bên cạnh chiếc ghế của mình.  Mẫn Mẫn không hề ra chiều khép nép khiêm nhường, tươi cười ngồi xuống ghế nói:

- Thái hoàng thái hậu đã cho phép, cháu sẽ xem nơi đây như nhà của mình.

Hiếu Trang mỉm cười, vừa ngắm Mẫn Mẫn vừa vuốt tóc nàng nói:

- Tuổi trẻ thật hay, trong thấy cháu ai gia mới biết mình già, đúng là ai gia đứng ngồi một chút đã thấy mệt rồi, không như cháu, tuổi trẻ non xuân.

- Không phải vậy đâu thái hoàng thái hậu – Mẫn Mẫn nói - Thật ra mỗi một mùa thì mùa nào cũng đẹp, xuân hạ thu đông mỗi mùa đều có nét đặc sắc riêng.  Con người cũng vậy thôi.

- Thật không?

- Thật chứ, hồi mẹ cháu còn sống thường nói phụ nữ giữ được thanh xuân là nhờ vào chính bản thân, nếu bản thân người phụ nữ cảm giác vui vẻ, tâm trạng thoải mái, yêu đời, tự nhiên cơ thể sẽ tràn trề sức sống, không màng tuổi tác.

- Cháu và Tân Nguyên luôn biết cách làm ai gia vui, nếu có thời gian, cháu nhớ thường xuyên sang đây thăm ai gia.

Hiếu Trang và Mẫn Mẫn chuyện trò tới đây có hai cung nữ rảo chân bước lại gần Tô ma ma thì thào vào tai Tô ma ma.  Tô ma ma gật đầu rồi nói lại điều vừa nghe với Hiếu Trang.  Hiếu Trang gật đầu, hai cung nữ bèn nhún chân lần lượt đi ra khỏi điện.

Sau ba hồi chiêng trống long phụng được vang lên.  Hiếu Trang phát biểu ý nghĩa của buổi tiệc, tiếp theo nữa là ba tiếng ngọc khánh báo hiệu yến tiệc bắt đầu.

Các cung nữ bưng thức ăn vào điện, cả đại điện phảng phất mùi thơm nồng nặc.

Hiếu Trang nâng đũa lên nói mấy câu bằng tiếng Nga với Sa hoàng, Sa hoàng cũng nâng đũa lên vui vẻ mỉm cười đáp lời Hiếu Trang, sau đó mọi người cũng cầm đũa lên.

Món khai vị của buổi tiệc là món canh vi cá ngó sen. Chén canh điểm xuyết hình lá cúc màu lục được đặt lên một cái đĩa tạo dáng như một đóa cúc nở vàng tươi. Nước canh trong vắt xâm xấp lưng chừng chén, dập dềnh mấy cọng sen bào mỏng.  Các món chính thì được đặt trong bộ đĩa màu hồ thủy, có đĩa hình mộc lan, khiến bàn tiệc trông như trùng dương sóng xanh có hoa mộc lan tươi tắn nổi trên ngàn khơi.  Đũa và muỗng thì đều làm bằng vàng.

Bên ngoài đại điện các quan từ nhị phẩm trở xuống dùng muỗng đũa bạc. Bộ chén đĩa mà họ dùng có tên “bạch tuyết hoàng mai” với những cái đĩa tròn màu trắng in hình hoa mai năm cánh màu vàng.  Chén là chén sứ tao nhã tinh vi.

Thực đơn có đến một trăm bốn mươi món ăn, cần đến một ngàn năm trăm người phục dịch.  Trước yến tiệc hai tháng, mỗi tỉnh được lệnh tiến cử mười đầu bếp giỏi nhất để vào kinh thành hội ý thực đơn, sau một tháng bàn bạc, các đầu bếp đã đưa ra thực đơn.

Sau món khai vị là món Tượng Tinh.  Món này trước hết là chọn những tổ yến thật to và được lấy từ các đảo ngoài khơi, rửa cẩn thận rồi nấu bằng nhân sâm và đường Chủng Càu Chỉ, hòa chung với nước lê Vân Nam và bột Kiết Châu Phấn, nấu khô lại rồi tạo thành hình con voi, cuối cùng bỏ vào lò nung cho thật chín và chắc.  Khi con voi làm bằng tổ yến đã được nung, các đầu bếp sẽ khoét lưng voi một lỗ trống vừa đủ nhét vào một cái bóng cá đã ngâm thuốc bắc phơi khô trong đó. Món ăn được đem đi hấp cách thủy. Để thưởng thức món ăn, thực khách sẽ lấy một chiếc kim vàng và đâm vào bụng con voi để chất nước nhờn chảy vào chén bạc rồi uống.

Món thứ hai là canh Chi Thảo.  Loại cỏ Phương Chi thường mọc trên phiến đá ở ngọn núi Thái Hàng. Đặc biệt, loại cỏ này chỉ vào những năm nhuận mới mọc và chỉ mọc đúng một lần duy nhất vào ngày Trung thu, và đời sống lại rất ngắn, chỉ gặp phải ngọn gió bắc đầu mùa sẽ khô héo ngay lập tức.  Tương truyền, canh này mát, người ăn vào sẽ sảng khoái tinh thần, suốt cả tháng không thấy mệt mỏi, có thể trừ bách bệnh.

Kế đến là món Trứng Công.  Thịt công làm nem đã là món quý, trứng chim công lại càng trân quý hơn nữa vì rất khó lấy được trứng công, vì nếu đến gần ổ trứng công sẽ chống cự dữ dội để bảo vệ trứng, thậm chí công phá vỡ ổ trứng để không cho người lấy.

Món thứ tư là heo sữa Phúc Châu.  Vùng Phúc Châu có giống heo thịt thơm ngon vô cùng, chuyên ăn một loại củ sắn mọc ở đồi Châu Tịch Xương.  Bữa tiệc này sử dụng một trăm con heo sữa.  Heo được thui qua một lượt để làm sạch lớp lông heo. Tiếp đến đầu bếp ướp các loại thuốc bổ trong vòng ba ngày và đem chưng cách thủy. Lúc ấy thịt heo vô cùng thơm ngon, xương rất mềm.

Món thứ năm là thịt dê nướng, gọi là Sơn Dương Trùng, dê núi được chăm sóc cẩn thận, hàng ngày được cho ăn bằng loại cỏ ở Vân Nam và Quảng Tây.  Đây là cỏ “Đông trùng hạ thảo” vô cùng quý, là vị thuốc bổ can thận.  Dê ăn cỏ quý này, lại ăn thêm các lá cây thuốc bổ khác.  Nhà bếp làm thịt dê rồi ngâm thịt vào thùng gỗ đựng nước gừng và rượu quý.  Hai ngày sau thịt dê được vớt ra bỏ vào bể bằng sứ chứa sữa dê tươi và nước sâm nhung.  Sau một ngày nữa, đầu bếp lau khô thịt dê rồi đem đi nướng, món ăn vô cùng bổ dưỡng này còn có tác dụng trị các bệnh lao phổi, tê bại, bán thân bất toại.

Cứ hết mỗi một món ăn nhạc sẽ tấu lên một bản, sau khi dùng đúng năm món, khách mời sẽ được uống một ly rượu thuốc nước có tác dụng tiêu thực. Tất nhiên, rượu để đãi khách cũng là loại rượu quý và đại bổ. Nhà bếp sẽ dọn lên năm món một lúc. Cứ mỗi lần dùng năm món ăn mới thì Hiếu Trang sẽ gõ khánh ngọc, một viên thái giám lại vòng tay xướng tên món ăn.

Qua hai canh giờ, các món ăn vẫn tiếp tục được cung nữ bưng ra đặt lên bàn. Tiếng giao phùng mỹ tửu nghe chan chát.

Cuối cùng các cung nữ bưng các mâm bạc tiến vào đại điện, trên mâm là những đĩa bánh mì cắt lát mỏng và những chén muối nhỏ.  Thường thì bánh mì muối là phong tục của người Nga dùng để chào hỏi những người khách mới quen và để bắt đầu một mối quan hệ. Theo người Nga thì bánh mì biểu trương cho sự giàu có và sung túc, trong khi muối có thể bảo vệ thân thể khỏi các bệnh và làm gia tăng sức mạnh.

(còn tiếp)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui