Thanh Triều Ngoại Sử

Sẽ đi đâu đó một thời gian

Để xóa ưu tư, xóa bẽ bàng

Xóa đi ký ức người yêu dấu

Làm mới thân ta, xóa phũ phàng

Cửu Dương ngồi trong cỗ xe ngựa, xe không ngừng chạy đã hơn mấy canh giờ.  Chàng như một người mất hồn, tay vén rèm nhìn ra khung trời màu xám xịt bên ô cửa sổ, thêm cái không khí lạnh lẽo khiến cho chàng cảm giác như rơi vào một sự cô đơn sâu sắc, nó gặm nhấm tan nát tâm hồn đang hứng chịu điều đó.

Xa Tây Hồ, chàng ước gì không còn cảm thấy quá nhiều gánh nặng trong lòng nữa, tự nghĩ đó là một sự lựa chọn đúng đắn. Đây chính là điều chàng cần lúc này. Chỉ là sao bây giờ chàng lại thấy thẫn thờ, nhìn lá rơi qua tấm rèm vải của khung cửa sổ, lại cảm thấy nhớ nàng, dĩ nhiên, không thể tránh khỏi điều đó.  Không biết có ai che chở cho nàng không, giữa trời thu lạnh lẽo này?

Trong lòng Cửu Dương thầm nhủ, “ừ, nàng vẫn ổn…” Với chàng vậy là được rồi, không cần gì hơn nữa.  Tiểu Tường nói đúng, nếu điều đó làm nàng hạnh phúc, làm nàng thoải mái, làm nàng thấy vui hơn, tại sao lại bắt ép nàng yêu chàng?  

Chàng yêu nàng, vì thế cần làm những gì tốt nhất cho nàng, nếu điều đó là chúc phúc cho nàng, “ừ, nàng đang ổn…  Chỉ cần vậy là được rồi. Vậy là được rồi…”

Cửu Dương tựa lưng vào thành xe, dần dần chìm vào giấc ngủ.

Bánh xe ngựa cứ lăn.

---oo0oo---

Trong một ngôi nhà ríu rít tiếng trẻ, ngọt ngào những lời yêu thương, một tổ ấm hạnh phúc.

Cửu Dương nhẹ tay đặt hài tử lên giường, âu yếm nhìn nó rồi quay sang sư muội, ánh mắt chàng nhìn nàng chứa chan hạnh phúc, dịu dàng và yêu thương.  Chàng dang tay ra chờ đợi.

Nữ thần y lao ngay vào vòng tay đó, thổn thức nói:

-Bây giờ muội đã là của huynh!  Huynh muốn bất cứ gì ở muội cũng có thể!

Cửu Dương vuốt ve suối tóc và chiếc cổ trắng ngần, cười hỏi:

-Huynh có thể làm bất cứ điều gì ư?

Nữ thần y âu yếm ngước lên, Cửu Dương nhìn đôi môi chín mọng của nàng.  

Khoảng khắc hai trái tim đang cùng chung nhịp đập, ánh mắt nhìn nhau đắm đuối, chàng cảm thấy hơi thở nàng nóng hổi phả vào mặt thì…

-Sư phụ... sư phụ à...

Cửu Dương mở mắt ra, khuôn mặt yêu quý của sư muội chàng biến mất, thay vào đó là bộ mặt của Hiểu Lạc đang chằm chằm nhìn chàng.

-Tới rồi sao?

Cửu Dương uể oải hỏi.  Chàng cùng Hiểu Lạc bước xuống xe ngựa.  Lữ Nghị Chánh đã xuống xe trước rồi.

Lão Trần tiếp tục đánh xe đi hướng Đồng Sơn, để tụ hợp cùng với các cống sinh.

Cửu Dương, Nghị Chánh, và Hiểu Lạc đi trên con đường đất đỏ dẫn đến một khu chợ.  Nơi này nườm nượp khách qua lại, thỉnh thoảng có vài kỵ mã phi ngưa vụt ngang, để lại những đám bụi bốc mù trời.

Ba người vào một quán ăn, chọn chiếc bàn ở một góc bên phải trong quán.  Cửu Dương ngồi giữa, bên trái chàng là Hiểu Lạc, bên phải là Nghị Chánh.  Nghị Chánh ngồi đặt úp một bàn tay lên trên mặt bàn.

Tiểu nhị khoảng hai mươi mấy tuổi, bận áo màu nâu, vai vắt chiếc khăn trắng thấy có khách tới vội mang ấm trà lại chào hỏi, vừa tươi cười rót trà vô ba cái chén.

Nghị Chánh đợi cho tiểu nhị rót trà xong rồi nhấc tay lên, tiểu nhị thấy nơi mà Nghị Chánh vừa mới nhấc tay lên trên mặt bàn có bảy đồng xu xếp thành một vòng tròn, biết đấy là dấu hiệu của các đương gia, mỗi một đồng xu tượng trưng cho một đương gia.

-Thiên hạ vạn tỷ cầu phục Nguyên - Tiểu nhị nhỏ tiếng đọc một vế đối, vế đầu này là ám hiệu của các thành viên trong hội dành để nhận diện các đương gia.

Lữ Nghị Chánh khẽ đánh mắt về phía Cửu Dương, hạ giọng đáp vế tiếp theo:

-Giang hồ nghĩa hiệp thất Tung Sơn.

Do Cửu Dương ngồi ở chiếc ghế thứ bảy trong hội phục Minh nên Nghị Chánh đọc là “thất,” còn nếu là một đương gia khác thì thay chữ thất bằng chữ đại, nhị, tam, tứ, ngũ, lục Tung Sơn.

Tiểu nhị nghe vế đối, biết chắc chắn là thất đương gia của Đại Minh Triều, hắn cẩn thận đánh mắt về phía Cửu Dương, nhẹ nhàng gật đầu chào chàng.  Cửu Dương cũng khẽ gật đầu đáp lễ lại.  

Tiểu nhị không dám chần chừ, lập tức vào trong báo với Lục Y Thiết.  Họ Lục là chủ của quán ăn này, cũng là người cầm đầu phân đà Tứ Xuyên.  Mấy hôm trước Lục Y Thiết nhận được thư bồ câu gởi đến từ tổng đà ở Hàng Châu nói về chuyện cống sinh không chịu vào Quốc Tử Giám.  Lục Y Thiết nghe qua, không dám trễ nải, vội đi sắp xếp chỗ ở cho Cửu Dương, lão Trần, Nghị Chánh, Hiểu Lạc và những cống sinh ở trên Đồng Sơn.  Lục Y Thiết cho người của y đi mua lều, dựng trại trên núi, có lương khô và luôn cả đồ dụng để thất đương gia và các cống sinh khai thác mỏ đồng.

Lại nói tới Cửu Dương và nhóm người của chàng khi này đang ngồi trong tửu lầu.  Đồ ăn thức uống đã được dọn lên đầy bàn.  Nào là năm cân rượu trắng, ba cân thịt bò dai xào cải ngọt, một con gà quay chảo, một tô lớn thịt cừu nướng, hai đĩa bánh bao chay.  Hiểu Lạc đi xe đã mấy ngày nay rồi, mệt mỏi lắm, ăn hết món này đến món khác.

Đồ ăn thịnh soạn hấp dẫn vậy mà Cửu Dương lại không ăn gì, chỉ ngồi đó thủng thẳng rót rượu ra chung uống.  Nghị Chánh cũng hờ hững gắp thức ăn bỏ vô miệng nhai trệu trạo, khi này chàng đang chú tâm tới những gì đang xảy ra ở đằng kia.  Nghị Chánh thấy trong tửu lầu có rất đông khách nhưng đa số khách khứa bu quanh hai người một già một trẻ ở góc trái của quán ăn.  

Hiểu Lạc cũng nhìn thấy đằng kia nhộn nhịp, nó xé cái đùi gà vàng hực, vừa cắn một miếng nhay nhồm nhàm vừa quay sang hỏi Nghị Chánh:

-Sư bá à, đằng kia coi bộ rất náo nhiệt?

Nghị Chánh chưa trả lời, một khách nhân bàn kế bên ghé đầu sang nói:

-Quán ăn này vào giờ này lúc nào mà không náo nhiệt.

Nói rồi y cười thêm lời:

-Hình như các vị huynh đài mới tới đây lần đầu?

Nghị Chánh cười thân thiện, gật đầu nói phải.

-Quán rượu là một nơi tốt nhất để nghe những chuyện lạ, các người có biết giang hồ gần đây có chuyện gì hấp dẫn không?

Nghị Chánh tưởng vị khách nhân này sẽ nhắc tới chuyện Giang Nam thất hiệp hành thích Khang Hi tiểu hoàng đế, chàng không muốn vây vào, bèn so đôi vai.  Ngờ đâu không phải vậy.

Người khách nói bằng giọng kẻ cả:

-Các người có biết một đao pháp đã vang dội giang hồ hồi ba mươi năm về trước lại đã xuất hiện rồi không?  Ngũ hành đao pháp ấy mà!

Bốn tiếng Ngũ hành đao pháp quả thật làm cho Nghị Chánh và Hiểu Lạc rúng động còn hơn cả chuyện thích sát hoàng đế ở Sơn Tây.  

Người khách lại nhìn Hiểu Lạc:

-Lúc Võ Ma tung hoành trong chốn giang hồ thì nhóc tì ngươi còn chưa sinh ra đời đâu, dĩ nhiên không nghe biết sự lợi hại của hắn.  Ta nói cho ngươi biết lúc đó giang hồ không ai không biết hắn, luôn cả Võ Thánh, trụ trì chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn được xem là đệ nhất võ sĩ đương thời khi đó cũng chết bởi tay hắn.  Hành tung của hắn kỳ bí lắm, khi ẩn khi hiện, thoắt đó thoắt đây như ma quái.  Hắn vừa mới rêu rao sẽ kiếm Võ Thánh để tỉ võ thì hai ngày sau Võ Thánh chết ngay, người ta nói Võ Thánh sợ sẽ đại bại nên dùng cái chết để bảo tồn danh tiếng cho Thiếu Lâm.

Hiểu Lạc không nói gì, nhưng trong lòng nó đương nhiên biết Võ Ma mà người khách này nói tới tên thật là Long Thiên Hổ, họ Long chính là truyền nhân tám đời của Trát Mộc Hợp - một võ thuật gia thiên hạ vô địch dưới thời kỳ hùng hậu của bộ lạc Trát Đạt Lan ở vùng thảo nguyên.  Trát Mộc Hợp đã từng làm thủ lĩnh của lực lượng phe đảng đối lập với Thành Cát Tư Hãn, cả hai người này đều có cùng một tham vọng, muốn thống nhất các bộ lạc Mông Cổ để trở thành bá chủ thế giới thời bấy giờ.  Trát Mộc Hợp cũng là tổ sư sáng lập ra hệ phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn, chiêu thức Ưng Trảo Công của Trát Mộc Hợp sau này lưu truyền rộng rãi đến tỉnh Hà Bắc.

Lại nói tiếp chuyện trong quán ăn.  

Người khách nói đến đâu đôi mắt sáng lên đến đó, trong mắt thập phần thán phục:

-Mấy mươi năm trước, sau khi Võ Thánh chết rồi thì Võ Ma cũng bặt tích giang hồ luôn, ai ai cũng tưởng Ngũ hành đao pháp sẽ biến mất theo rồi, không dè mấy năm gần đây truyền nhân của hắn lại xuất hiện, và chỉ trong vòng nửa canh giờ, nghe nói người này triển khai tuyệt kỹ của bộ đao pháp Ngũ hành thần đao là Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao tiêu diệt cả nghìn mấy trăm binh sĩ ở trận chiến Giang Hoa…

Khách nói tới đoạn này thì đằng kia cũng kể về truyền nhân của Võ Ma - Võ Thánh.  Hắn không nói gì thêm nữa, hấp tấp ba giò bốn cẳng chạy đến đó kéo ghế ngồi nghe.  

Hiểu Lạc quay sang Nghị Chánh, hồ hởi nói:

-Sư bá à, hay là chúng ta cũng đi? Con cũng muốn lại đó nghe!

Nghị Chánh nhìn Cửu Dương ra ý hỏi, nghe tiếng đáp:

-Kể chuyện thì ở đâu cũng vậy thôi, không kể chuyện Tam Quốc thì kể Thủy Hử, có gì đâu lạ. 

-Không phải vậy đâu sư phụ - Hiểu Lạc lay lay cánh tay Cửu Dương nói - Lần này ông khách ban nãy bảo kể chuyện trong Binh Khí Phổ đó sư phụ, cả vùng chỉ có chỗ này là kể chuyện khác với người ta.  Họ chuyên môn kể chuyện của giang hồ.

- Vậy à - Cửu Dương hờ hững đáp lời, cũng không màng xê dịch.

Hiểu Lạc đành ngồi tại chỗ, nhưng từ đó nó cũng ăn uống chậm lại.  Nghị Chánh thì khỏi nói rồi, buông đũa xuống luôn, chàng dõng tai lên nghe, thấy có hơi thú vị.

Nói đúng ra thì chỉ có người thanh niên đầu quấn khăn trắng là người kể chuyện mà thôi, hắn ta bận bộ đồ cũng màu trắng, tay phải cầm cái dùi trống, tay trái cầm cái chiên, cổ đeo thêm một cái trống tròn nhỏ bằng cái bát.  Người già đầu cũng quấn chiếc khăn màu trắng, mũi cao mắt sâu, mặt mày râu ria rậm rạp, bím tóc sau lưng ông lão lấm tấm bạc, hông đeo cặp đao cong.  Ông lão đầu tóc muối tiêu này chỉ đứng sau người thanh niên áo trắng mà thôi, trong tay lão ôm một đống sách gì đó.  

Khách nhân trong quán không chỉ có đàn ông, mà còn có con nít, người già, đàn bà con gái, hễ ai thích nghe kể chuyện là đến.  

Người thanh niên áo trắng kể chuyện đời xưa có gương mặt tiêu sái tuấn tú, mười phần lém lỉnh, nhất là cặp mắt tinh anh sáng sủa như sao lúc nào cũng mở to.  Hắn ta đang nói tới đoạn các đương gia của Đại Minh Triều:

-Vị thất đương gia này, nghe nói rất là tuấn tú đó nha, y phong nhã, lại còn rất là thông minh nữa.  

Các cô gái đương nhiên thích nhân vật này nhất trong các đương gia, nên người thanh niên áo trắng vừa nói xong họ liền vỗ tay tung hứng:

-Hay quá!  Hay quá đi!

-Hay lắm!  

-Tiếp tiếp nữa đi!

Các khách nhân vỗ tay rào rào.  Một vị khách nữ thấy thanh niên áo trắng nói xong một câu cũng cười tít mắt theo, xong thì không nói gì thêm nữa, bèn lên tiếng giục:

-Ngươi mau kể nhanh lên, ta rất thích nghe về nhân vật này.

-Vậy thì tốt quá! - Thanh niên áo trắng dùng dùi đánh vào chiên phát một tiếng “keng” rồi nói - Ta cũng rất thích kể chuyện của hắn!

Thanh niên áo trắng khi thốt lời này ánh mắt thoáng mơ màng, hắn thở ra.  Trong khi đó lão già tóc muối tiêu và tiểu nhị đứng phía sau thì bụng giật thon thót, hai người liếc nhau như muốn nói “đã bảo nhiều lần lắm rồi, bảo là không nên nhắc đến Giang Nam thất hiệp nữa, nhưng lúc nào cao hứng cũng đều như vậy cả…

-Nhưng tôi nghe nói những người tuấn tú thì thường hay vô tình nha - Có tiếng ai đó vang lên.

-Tôi lại nghe hắn rất đa tình cơ.

Một giọng cười nhỏ nhẻ, đoán phải là của hai vị cô nương.

-Tầm bậy tầm bạ - Thanh niên áo trắng sa sầm nét mặt, làm động tác chém tay vào không khí, phản đối - Người ta là người có tình có nghĩa đàng hoàng lắm cơ!

Nghị Chánh và Hiểu Lạc nghe tới đây lật đật lia mắt nhìn sang Cửu Dương, thấy chàng trước sau vẫn ngồi đó liền tù tì uống rượu, mặc kệ không lý đến, Nghị Chánh không khỏi cười thầm.

Khi này thanh niên áo trắng dùng cây dùi chĩa vào khán giả, nói sang đến mấy loại binh khí:

-Mọi người nên biết, cây quạt của vị thất đương gia đó rất là đặc biệt, y đã chọn lọc từ các loại thép tinh tuý nhất, đúc kết mà thành, nhưng không phải chỉ đơn giản vậy đâu, mà nó còn được trui rèn suốt năm năm trời mới hoàn tất đó, có thể nói nó là một trong những loại binh khí tối độc nhất trong giới võ lâm đương thời!

Thanh niên áo trắng ngưng một chút, đặt cây dùi xuống bàn, đoạn quay ra sau lưng lấy một quyển sách trên tay lão già tóc muối tiêu, rồi quay trở lại nói:

-Đây đây, Lộ Thần tiền bối đã viết tập “Binh Khí Phổ” này đây, trong này ngài ấy đã liệt võ công của Gia Cát tái lai vào hàng thứ nhì trong thiên hạ, kể cũng là quá đúng!

Hiểu Lạc nghe nói vậy toét miệng ra mà cười, trong lòng nó khoái chí quá xá tử luôn, khi không tự dưng sư phụ nó được tên này đôn lên hàng cao như vậy, làm cho nó cười tít mắt đi.  Vì trong hội ai cũng kháo rằng, Tần Thiên Nhân là giỏi võ công nhất, rồi là tới Khẩu Tâm, Trương Quốc Khải, Cam Phụng Trì, Tàu Chánh Khê...

Những người khách trong tửu lầu cũng ngạc nhiên như Hiểu Lạc, họ nhao nhao nói:

-Sao lại hàng thứ nhì?  Thứ bảy chứ nhỉ?

-Võ công lợi hại vậy sao?

-Có thiệt không đây?  Trên cả Bách bộ truy hồn, Nghĩa đảm kiếm khách luôn hử?

-Có mới nói đó nha.

Một người còn chồm cả lên nói:

-Đưa quyển sách đó cho tôi xem nào?  Là trang mấy đây?

Nghị Chánh ngồi đằng này nheo mắt nhìn, đọc được mấy chữ ghi trên quyển sách màu xanh nước biển mà thanh niên áo trắng đang cầm giơ cao lên, Nghị Chánh thấy trên đó ghi “Binh Khí Phổ,” cũng tò mò không biết thật giả thế nào?

Một vị khách tỏ ra biết chuyện, hất hất mặt nói:

-Ừ thì Gia Cát tái lai được xếp vào hạng thứ hai, vì trong giang hồ không ai biết được Nam hiệp thần quyền và Phủ Viễn tướng quân người nào sẽ ngồi trên chiếc ghế võ lâm chí tôn.

-Đúng đúng! - Thanh niên áo trắng gật đầu lia, hắn lật một trang trong sách, mở ra cho mọi người xem và nói – Quả thật Lộ Thần tiền bối xếp hạng như vậy đó, vì truyền nhân của Võ Ma Võ Thánh là Tần Thiên Nhân và Dương Tiêu Phong, chưa từng gặp mặt bao giờ.  Nếu tính hai người đó võ công ngang nhau, thì không phải Gia Cát tái lai sẽ xếp hàng thứ nhì hay sao? 

Sau đó hắn thảy cuốn sách cho ông lão tóc muối tiêu cầm giữ, lại lấy ra một cây đao cong cong, ngó vào ngọn đao trên tay mình và nói chầm chậm:

-Cây đao này là một thứ thép thường bất cứ thợ rèn nào trong vòng đôi ba giờ cũng làm thành được cả, nhưng trong quyển phẩm bình vũ khí trong thiên hạ, Lộ Thần đã viết: Ngũ hành đao pháp liệt vào hàng thứ nhất, ngang hàng với bộ quyền pháp phái Thiếu Lâm là Chuẩn Đề quyền.  Tuyệt kỹ Cửu ẩn phi hoàn đao đem so với tuyệt kỹ Thiên thủ thiên nhãn quyền lợi hại không hơn không kém.  Bởi vậy mới nói trận đánh giữa những truyền nhân của Võ Thánh Võ Ma, e là không thể tránh khỏi được.  

Một người khách mặc áo xanh lá mạ nói:

-Truyền nhân của Võ Ma tôi có nghe qua danh tiếng Phủ Viễn tướng quân, người ta đồn rằng người này có biệt tài hễ một đao vung ra là chẳng bao giờ sai chạy, lời đồn đại đó chẳng biết có ngoa không?

Thanh niên áo trắng đáp một cách tự nhiên:

-Trước kia thì cũng có nhiều người hoài nghi câu nói đó như huynh đài vậy đó.

Người áo xanh hỏi vặn: 

-Thế còn bây giờ?

-Bây giờ thì số người ấy đã chết cả rồi!

Lời này làm cả tửu lầu lặng thinh một lúc.

-Thế các người có biết thân thế của Phủ Viễn tướng quân không? - Thanh niên áo trắng lên tiếng phá vỡ khung cảnh im ắng.

Lão già đầu tóc muối tiêu và tiểu nhị cùng lúc thở phào một tiếng, nhủ bụng “rốt cuộc cũng được chuyển sang đề tài khác rồi…”  

Mọi người nghe hỏi đưa mắt nhìn nhau, thanh niên áo trắng không nghe ai lên tiếng đáp lại lời mình thì bắt đầu kể:

-Y là người Mãn, là hậu sinh của bộ tộc Nữ Chân Kiến Châu, dòng họ Tế Nhĩ Ha Lãng, y là con trai của nguyên soái Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Xích, tên thật của y là Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Nỗ…  

-Thế còn Dương Tiêu Phong? - Khách nhân lại ngơ ngác nhìn nhau, có vài người ngắt lời của thanh niên áo trắng.

-Không phải tên hắn là Dương Tiêu Phong à?

Thanh niên áo trắng xoay xoay cây đao mòng mòng trên tay như một cái chong chóng, giải đáp thắc mắc của mọi người:

-Người trong giang hồ đặt cho y biệt hiệu là Tiêu Phong, vì vũ khí mà y chuyên dùng là phi đao và phi tiêu, khi xuất thủ lại nhanh như gió cuốn nên mới gọi thành như vậy.

Hiểu Lạc nghe tới đây môi dưới nó trề ra, trong khi các khách nhân đầu gật gù.  Thanh niên áo trắng cất cây đao vô vỏ trở lại, sau đó nói:

-Gia thế của dòng dõi Tế Nhĩ Ha Lãng lớn cực kỳ, cả mấy đời đều theo Đại Hãn thân chinh Nam hạ.  Có một lần vì hữu duyên mà a mã của Dương Tiêu Phong gặp được Võ Ma.  Kể từ đó Dương Tiêu Phong bái Võ Ma làm sư phụ và theo Võ Ma học tập võ nghệ.  Từ nhỏ Dương Tiêu Phong đã cùng với sư phụ y sống kiểu du mục, hai sư đồ ngao du trên đại mạc mênh mông thật là phiêu diêu khoái lạc.

À, ra là vậy!  Khách nhân nghe những lời này, phần nào cũng được tỏ tường.

Họ ai nấy cũng chăm chú lắng nghe thanh niên áo trắng kể chuyện, cảnh tượng về Dương Tiêu Phong theo sư phụ y rong ruổi trên đồng cỏ Tây Bắc như hiện lên trước mắt họ.

-Võ Ma đưa đứa bé bốn năm tuổi hai người đã rời bỏ cuộc sống đô thành để đến một nơi hoang vắng, dựa vào sức bản thân mà xây dựng nên ngôi nhà cho họ, sống nhiều năm trong ngôi nhà được hoàn toàn xây dựng bằng gỗ và bùn.  Mặc dù nó không sang trọng tinh tế, nhưng lại mang cảm giác yên bình và gần gũi với thiên nhiên.

Hiểu Lạc và Nghị Chánh cũng bị cuốn vào câu chuyện này, đây cũng là lần đầu tiên họ nghe về gia thế của Phủ Viễn tướng quân, không biết thật hư ra sao?

Thanh niên áo trắng khi này lại kể đến năm Dương Tiêu Phong trưởng thành, trước khi Dương Tiêu Phong theo a mã y xuất chinh Nam hạ, Võ Ma gọi y tới nói mấy câu cáo biệt.  

Thanh niên áo trắng lúc này vờ làm Võ Ma, nói bằng giọng ôn tồn:

-Đao pháp Ngũ hành thần đao, tuyệt kỹ Cửu ẩn phi hoàn đao, là tuyệt học võ lâm chí cao vô thượng, hôm nay con chánh thức là truyền nhân duy nhất của ta, đã học biết hết tất cả các chiêu thức của đao pháp Ngũ hành thần đao này.  Trong đời của lão phu, chẳng tranh giành thế sự với ai, đao pháp mà ta sáng tạo ta định giấu kín không cho ai biết, nhưng bởi vì duyên phận cho ta gặp được con, bây giờ tất cả những chiêu thức ta biết được ta đã đem hết để mà truyền thụ cho con rồi... 

Thanh niên áo trắng đang kể chuyện trơn tu mạch lạc, thì một người khách lên tiếng cắt lời của hắn: 

-Sao nghe mâu thuẫn vậy nhỉ?  Thế còn lời đồn về Võ Ma khiêu chiến Võ Thánh thì thế nào?

-Đó chỉ là lời đồn nhảm nhí thôi! 

Thanh niên áo trắng nói nhanh, rồi tiếp tục câu chuyện dang dở.  Lần này hắn vờ làm Dương Tiêu Phong, quỳ xuống làm động tác vái sư phụ một cái, nói: 

-Đệ tử may mắn được sư phụ chỉ dạy lâu năm, con không biết phải báo đáp như thế nào?

Thanh niên áo trắng lại nói Võ Ma dìu tay đồ nhi cưng của lão đứng lên, nói:

-Đệ tử ngoan, đứng dậy.

Rồi “Võ Ma” lấy ra một bọc vải vốn màu trắng nhưng đã bị ố màu, nói tiếp:

-Sư phụ đem bộ phi đao này và đao pháp tất cả trao cho con, có thể sử dụng như ý hay không là phải trông cậy vào con, con phải bảo quản cho thật tốt đó.

“Dương Tiêu Phong” nhận lấy, cúi đầu nói:

-Sư phụ ban cho con bảo đao, con sẽ hết sức thận trọng bảo quản, không làm phụ lòng sư phụ.

Thanh niên áo trắng kể tới đây thì khách ngồi trong quán vỗ tay rân trời, hấp dẫn vô cùng.  Tiểu nhị mang một chén trà lại cho hắn uống, nói là uống vào cho thấm giọng rồi hẳn tiếp tục kể chuyện.  

Ông lão tóc muối tiêu nhân lúc người kể chuyện nghỉ ngơi uống trà thì đem sách tới trước mặt những người khách trong quán ăn, rao bán, lão thấy có rất nhiều người mua sách của lão, nhủ bụng tiền kiếm được hôm nay cũng không tệ.  Trên gương mặt già nua hiện ra đường nét vui sướng.

Lữ Nghị Chánh cũng sai Hiểu Lạc đi mua một quyển mang lại cho chàng xem thử.  Mấy năm trước chàng có đôi ba lần đọc qua Binh khí phổ.  Nghị Chánh ngạc nhiên thấy quyển sách này cũng đều ghi rất tỉ mỉ từng chiêu thức, tình tiết các trận đánh và xuất thân của từng nhân vật có tiếng tăm trong giang hồ.  Nhiều đoạn còn chi tiết hơn cả quyển của Lộ Thần nữa.  Nghị Chánh tự hỏi lòng có phải hai người này quen biết Lộ Thần chăng, cho nên trong mấy năm gần đây có lẽ Lộ Thần đã bổ sung thêm các tình tiết vào trong quyển sách mới này?  Bằng không thì tại làm sao người kể chuyện đó biết nhiều như vậy?  Mới đầu chàng tưởng đâu hai người kể chuyện đời xưa này chỉ là hai kẻ bịp bợm, bán Binh Khí Phổ giả để lòe người ta mà thôi.

Nghị Chánh lật một trang đọc về Dương Tiêu Phong, trong bụng hy vọng do những người viết về sử đều là những người trung gian, tuy là người Hán nhưng không theo một phe Mãn - Hán nào cả nên sẽ viết theo kiểu khả quan nhất.

Quả nhiên trong sách viết “Phủ Viễn tướng quân là cận thân của thái hoàng thái hậu Hiếu Trang và là một trong những trung thần đắc ý của hoàng đế Thuận Trị.  Y có xuất thân rất là hiển hách, gia cảnh ba đời từng là trung thần lập quốc và kế thừa chức vị cao cả trong triều đình nhà Thanh.  Đời nội tổ từng được phong tặng chức vị Tả Hữu Vệ Chỉ Huy Sứ Nữ Chân Kiến Châu.  Ngạch nương của y mất khi y còn chưa biết nói nên từ nhỏ tới lớn y xem người nhũ mẫu như là mẹ của mình.  Những câu chuyện phiêu lưu của cha y thường được người nhũ mẫu này kể cho y nghe, chuyện ông ta tham gia những cuộc chinh phạt các bộ tộc, điển hình như là hai bộ lạc Hải Tây và Dã Chân Nữ Chân.  Do ông phụng chỉ chinh chiến nhiều nơi nên cuộc sống của hai cha con thường nay đây mai đó.  Ông vì một lòng chung thủy với người vợ quá cố nên tới khi qua đời đã không lập thêm kế thất, chỉ dành hết thời gian chăm sóc và dọn dẹp tiền đồ cho người con trai duy nhất của mình.  

Năm lên ba tuổi, trong một lần hữu duyên cùng cha cưỡi ngựa đi săn ngoài thảo nguyên, Dương Tiêu Phong gặp Võ Ma.  Kể từ ngày đó y đã được Võ Ma đào tạo, truyền thụ cho võ công thượng thừa cho, và hướng dẫn cặn kẽ cách bắn cung bách phát bách trúng.  Khi lên bốn, y dùng khả năng học được từ cung tên chuyển qua tập luyện cách ném phi đao và phi tiêu. 

Võ Ma rất tự hào về người đồ đệ cưng của mình.  Ông thích đứng từ xa âm thầm quan sát Dương Tiêu Phong cùng đám trẻ đồng trang lứa chuốt tre dàn quân dẹp trận.  Trong những trò chơi giặc giã, Dương Tiêu Phong mặc nhiên được nắm chủ quyền.  Ở cương vị thủ lĩnh, đứa trẻ bảy tuổi đã đem nghệ thuật quân sự từ Tam Quốc Diễn Nghĩa ra thực hành một cách hăng hái.

Năm lên mười, Dương Tiêu Phong từ giã những trò chơi đó, quyết tâm dành hết thời gian đọc sách binh pháp, thuộc rõ ràng tỉ mỉ từng chi tiết về sự hưng vong của các triều đại nhà vua.  Năm mười hai tuổi, Dương Tiêu Phong tham gia quân đội và rất được lòng binh sĩ.  Năm mười bốn đã cùng phụ thân chinh chiến khắp tứ phương.  Hoàng thượng tính nhiệm, phong phụ thân của y thành Chủ Soái Hạ Ngũ Kỳ.

Dưới sự thống lĩnh của cha mình, Dương Tiêu Phong bắt đầu điều khiển binh mã, sử dụng tài tình các chiến thuật và đoạt được hàng loạt chiến dịch quân sự.  Bằng sự quyết đoán khôn khéo, Dương Tiêu Phong đã từng bước tăng cường và củng cố vị trí quyền lực độc tôn trong bối cảnh phức tạp của chiến trường.  Thành công vang xa khi chàng thiếu niên mười sáu tuổi dẫn quân vào chinh phục Triều Tiên, ép buộc Nội Mông khuất phục trước khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát miền Đông Bắc vùng Hắc Long Giang.

Vào năm cha của y thọ cao qua đời, y ngẫu nhiên trở thành người hậu sinh cuối cùng của dòng họ Tế Nhĩ Ha Lãng.  Hoàng đế Thuận Trị vì vậy đã không nỡ để y xuất binh sa trường nữa, lo rằng nhỡ có chuyện xảy ra thì cả dòng họ Tế Nhĩ Ha Lãng sẽ tuyệt hậu. Cho nên ngay sau khi mãn tang cha mình, y đã được triệu về kinh và nhậm chức Phủ Viễn tướng quân, một chức võ quan nhất phẩm thời bấy giờ…”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui