Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 149: Giáo dục

Biết nói với mẹ cũng vô dụng, Chu Tam Ni đợi cha đi làm về liền nói với cha, xin cho em trai được tới trường.

Chu Tam Ni: “Nhị Oa nhà thím tư sắp được đi học. Chu Hạ nhà mình còn không có sách để đọc.”

Đại Ni, Nhị Ni, Tứ Ni nhà anh chị cả, Ngũ Ni nhà anh chị ba đều được đi học, chỉ có Tam Ni với Lục Ni nhà anh chị hai là không được.

Chu Tam Ni cảm thấy mình không được đi học cũng không sao nhưng em trai nhất định phải biết đọc biết viết.

Nghe con gái trình bày xong, anh hai Chu cảm thấy việc này cũng được, vì thế tìm vợ thương lượng.

Chị hai Chu: “Gia cảnh nhà này thế nào anh không biết mà còn phải hỏi?”

Anh hai Chu: “Gia cảnh nhà mình làm sao? Chả nhẽ không nuôi nổi con trai đi học? Trước kia chưa có con trai cả ngày cô ước ao có thể sinh một đứa, giờ có được rồi nên không coi trọng nữa có phải không? Có mỗi việc học chữ cũng cấm cản, cô định tiết kiệm chút tiền đấy để làm cái gì, hả?”

“Cưới vợ cho nó chứ còn làm gì? Sau này nó không muốn cưới vợ hả? Bộ cưới vợ không cần tiền chắc?”

“Lo bò trắng răng, bây giờ nó mới bao lớn mà đã tính chuyện mười mấy năm sao. Không nói nhiều, cho nó đi học.”

Đại Oa, Nhị Oa nhà chú tư được đi học thì không nói làm gì, đằng này mấy đứa con gái nhà chú ba với anh cả còn được đến trường, không lẽ con trai anh không thể? Vớ vẩn!


Chị hai Chu xót tiền nhưng chồng đã quyết chị không thể không nghe, chỉ có thể cắn răng móc tiền học phí ra, giận cá chém thớt lên đầu thằng con: “Nếu không đạt thành tích tốt thì đừng hòng học tiếp, biết chưa?”

Chu Hạ chỉ chờ câu này, gật đầu cái rụp.

Nhưng sự nghiệp học tập không dễ như nó tưởng. Hôm nay tới lớp, cả một buổi học nó ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, không hiểu bất cứ điều gì thầy giáo giảng.

Vừa tan học về nhà đã bị mẹ tóm cổ, hỏi dồn dập một hồi, tất nhiên là nó không trả lời được, vì thế chị hai Chu túm nó đánh túi bụi như để hả cơn giận.

Bà Chu thấy cháu bị đòn thì vội cản: “Được rồi, được rồi, đừng đánh nữa, mới ngày đầu tiên mà, cái gì cũng biết thì là quái vật chắc?!”

Haizz, chứng kiến cảnh này, bà Chu chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Càng ngày càng cảm thấy vợ thằng hai kém vợ thằng tư về mọi mặt. Đúng là thỉnh thoảng làm mệt quá vợ thằng tư sẽ càu nhàu vài câu nhưng cùng lắm chỉ mắng chồng con là cái thứ đòi nợ chứ không khi nào nỡ xuống tay đánh bọn nhỏ. Hoạ huần lắm có một vài lần bọn trẻ ngỗ nghịch quá thì nó vơ đại khúc củi hay cán chổi quơ qua quơ lại, làm bộ giơ cao đánh khẽ. Bà chưa bao giờ thấy nó dùng lời lẽ cay nghiệt chửi mắng đay nghiến con cái chứ đừng nói là đánh con không ngơi tay như vợ thằng hai.

Chị hai Chu khó chịu: “Mẹ, đây là con con đẻ ra, con có quyền dạy.”

Bà Chu nói: “Con chị cũng là cháu trai tôi, ý chị là tôi không được phép nói cũng không được phép can thiệp, có phải vậy không?”

Kể cả đã phân gia nhưng chị hai Chu không dám đối nghịch trực tiếp với mẹ chồng, chỉ có thể đổ hết lên đầu Chu Hạ: “Nếu ngày mai tao hỏi mà mày còn câm như hến thế này nữa thì liệu hồn, tao cho nghỉ học ở nhà ngay lập tức, tao sẽ lên trường tìm hiệu trưởng đòi lại tiền học phí.”

Chu Hạ ấm ức, tủi thân chạy một mạch đi tìm Nhị Oa.

Nhị Oa: “Mày qua đây, tao dạy mày.”


Đối với Nhị Oa kiến thức trên lớp quá đơn giản, mẹ đã dạy trước cho nó hết rồi. Thật ra, nó muốn nhảy thẳng lên lớp 2 ấy, ngồi đần ra ở lớp 1 thật là mất thời gian.

Nhưng mà mẹ không cho phép, mẹ bảo năm nay còn nhỏ cứ ngoan ngoan học lớp 1 đi, tới sang năm lớn hơn chút nữa rồi nhảy lớp cũng chưa muộn.

Chu Hạ ở lỳ bên này nhờ Nhị Oa phụ đạo, tiện thể tới giờ cơm nên ăn cơm chiều ở nhà chú thím tư luôn.

Lâm Thanh Hoà nói thầm với Chu Thanh Bách: “Thằng nhóc này nhìn người bé tí tẹo mà ăn khoẻ ra phết.”

Chu Thanh Bách bật cười thành tiếng, vợ anh hai tiết kiệm tới mức bủn xỉn, làm gì chịu nấu thức ăn ngon cho các con. Trẻ con được ăn ngon tự nhiên sẽ ra sức ăn nhiều hơn bình thường.

Lâm Thanh Hoà: “Không biết nó có bị no quá không. Lát nữa về mà đau bụng hay làm sao mẹ nó lại kiếm em tính sổ thì phiền.”

Cái này không phải cô lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử mà sự thật đúng là như thế, nếu chẳng may Chu Hạ ăn ở đây rồi về có chỗ nào không thoải mái, nhất định mẹ nó sẽ tìm tới tận cửa gào ầm lên cho mà xem. Cá gì cô cũng cá!

May mắn, đường tiêu hoá của nhóc Chu Hạ làm việc tốt, ăn nhiều như thế mà cũng tiêu hoá hết, không bị đầy bụng khó tiêu gì cả. Học xong, ăn xong nó toe toét chạy về nhà mình.

Chị hai Chu thấy con trai chạy về liền cười lạnh: “Ăn ngon rồi mới về đấy hả? Thím tư mày chiêu đãi món gì?”

Chu Hạ có sao nói vậy: “Bánh bột bắp, trứng gà bác, cá sốt đậu.”


Chị hai Chu sờ sờ cái bụng căng tròn của thằng con trai: “Ừhm, ăn không ít nhỉ?”

Chu Hạ gật đầu: “Ăn nhiều lắm.”

Thật ra nó còn có thể ăn được nữa nhưng bà nội bảo ăn thế thôi ăn nhiều sẽ bị no vỡ bụng nên nó mới dừng lại.

Đồ ăn bên nhà chú tư ngon thật đấy, ước gì được làm con trai chú thím tư thì tốt biết mấy!

Chị hai Chu đen mặt không nói gì nữa, tiếp tục gắp một đũa dưa muối mặn chát bỏ vào miệng rồi húp cháo loãng.

Bên này, sau khi cơm nước xong xuôi, Lâm Thanh Hoà lại bắt đầu đóng đế giày.

Cứ tới đầu xuân là cô lại phải làm công việc này. Cha con nhà này đi giày như phá, mới có một năm mà động đến đôi nào là đôi đấy mòn hết gót.

Cô vừa làm việc vừa kèm Đại Oa và Nhị Oa làm bài tập. Nhị Oa đã học hết kiến thức lớp 1 nên ở nhà cô sẽ dạy nó trước kiến thức lớp 2 nhưng ở trường nó buộc phải ngồi ở lớp 1 để rèn nề nếp và kỷ luật.

Trong lúc hai anh bù đầu bù cổ với bài vở, Tam Oa cũng chẳng rảnh rỗi, nó đang tập bắn bi.

Bắn sao cho chuẩn bắn sao cho khéo để ngày mai còn đi quyết chiến một trận với đám nhóc trong thôn.

Sau khi loay hoay tập luyện một hồi thấy kỹ năng cũng ổn ổn, nó cất bi vào túi, mò lên bàn chọc phá hai anh.

Đại Oa liền quăng cho nó một cây bút và xấp giấy: “Này, bút đây, ra một góc vẽ tranh đi.”

Tam Oa trề môi: “Em không thích giấy báo, em thích giấy trắng giống của các anh cơ.”


Đại Oa giảng giải: “Loại giấy này là để viết bài, rất đắt, không thể lãng phí, em vẽ đại lên mấy tờ giấy báo kia là được rồi.”

Nhị Oa đánh thẳng vào trọng điểm: “Đắt lắm đấy, nếu em cứ đòi giấy của các anh thì mẹ sẽ chẳng còn dư tiền mà mua kẹo sữa cho mấy đứa mình ăn đâu.”

Lời anh cả, Tam Oa không thèm để ý nhưng lời anh hai lại khác, đây chính là điểm mấu chốt nha, không được ăn kẹo nữa thì đau khổ lắm. Thôi, hy sinh vẽ lên giấy báo vậy, vì một tương lai có kẹo ăn.

Lâm Thanh Hoà chỉ ngồi một bên yên lặng quan sát. Cô rất hiếm khi can thiệp vào vấn đề bọn nhỏ. Thỉnh thoảng ba anh em sẽ xảy ra mâu thuẫn, nhưng không lần nào cô nhúng tay vào, cô muốn để cho bọn chúng tự tìm cách giải quyết. Nếu không tự giải quyết được thì lao vào vần nhau một trận, hôm sau kéo nhau ra ngoài đấu bi với lũ trẻ trong thôn lúc về là làm huề, bá vai bá cổ anh anh em em ngay.

Trẻ nhỏ là vậy, dễ giận dễ hoà, cứ để chúng tự giải quyết rồi đâu sẽ vào đấy nhanh thôi.

Lâm Thanh Hòa chưa từng sinh đẻ, về phương diện nuôi dạy trẻ cô chỉ nhìn người lớn và bạn bè đồng nghiệp xung quanh chứ không hề có kinh nghiệm thực tiễn, nhưng không thể phủ nhận cách thức giáo dục con của cô không tồi.

Ít nhất thì trong mắt Chu Thanh Bách, ba thằng con trai được cô dạy dỗ rất ngoan.

Đại Oa viết được một nửa thì chợt nhớ ra cái gì, ngẩng đầu lên nói với mẹ: “Mẹ ơi, ngày mai tan học con về trễ một chút nhé. Con có hẹn với đám bạn học đá bóng ở sân thể dục.”

Lâm Thanh Hoà vẫn cúi đầu làm việc: “Ừ, mai xách theo cái bình nước của cha đi mà uống.”

Trong nhà có hai cái bình thuỷ, đều là hàng quân dụng Chu Thanh Bách mang về, giữ nhiệt rất tốt, đặc biệt hữu dụng cho mùa đông.

Nhị Oa nói ngay: “Ngày mai con đi cùng anh trai, con giúp anh ấy trông bình thuỷ.”

Lâm Thanh Hòa tưởng nó ham chơi nên nhắc: “Con không được ra sân, các anh đều lớn hơn con, chẳng may té ngã một cái thì chết. Ngồi ngoài sân xem thôi, biết chưa?”

“Vâng, con không vào sân đâu.” Nhị Oa đồng ý ngay không chút do dự, nó chỉ đơn thuần là muốn đi theo trông cái bình thuỷ thôi, chẳng may bị kẻ gian trộm mất thì tiêu!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận