Anh đã quên chuyện mình bắt đầu cầm bút vẽ từ năm bốn tuổi, cũng quên mất hồi tiểu học anh từng giành được giải thưởng lớn trong một cuộc thi vẽ tranh quốc tế dành cho thiếu nhi.
Thế nhưng cơ bắp vẫn có ký ức.
Phí Nghê không tới thăm anh, anh bèn vẽ lại Phí Nghê trên trang giấy.
Phương Mục Dương dựa vào trí nhớ của mình mà vẽ hơn chục bức kí họa Phí Nghê.
Trong trí nhớ của anh, Phí Nghê vô cùng sinh động.
Cô xách đồ bước vào cửa phòng bệnh, trên môi nở một nụ cười, sau khi đặt đồ xuống liền bắt đầu khảo hạch anh, nếu câu trả lời của anh khiến cho cô không hài lòng thì cô sẽ nghiêm mặt lại.
Động tác giặt giũ của cô rất liền mạch, nhất là những khi cô vò cổ áo sơmi của anh trong nước xà phòng.
Lúc này, nếu như trông thấy mồ hôi lấm tấm trên sống mũi cô, anh sẽ đưa tay lau giúp.
Cô sẽ tránh khỏi tay anh thật nhanh, nếu lỡ như không tránh được, cô sẽ trừng mắt nhìn anh một cái.
Anh cần phải dừng cô lại ở trong trí nhớ của mình, đóng băng từng khoảnh khắc nhỏ rồi mới bắt tay vào vẽ, mà chuyện này hiển nhiên chẳng hề dễ dàng chút nào.
Càng vẽ nhiều, Phương Mục Dương lại càng phát hiện ra ngôn ngữ cơ thể của Phí Nghê rất độc đáo, chúng có khi còn thú vị hơn cả những lời cô vẫn nói ra miệng nữa.Trong quá trình làm sống dậy chuỗi hồi ức về Phí Nghê, Phương Mục Dương lại làm quen với cô thêm một lần nữa, lần này càng tỉ mỉ hơn, càng kỹ lưỡng hơn.
Khi cô vẫn còn tới đây, anh sao có để ý được cúc áo trên cùng của cô nằm ở chỗ nào cơ chứ.Vẽ tranh dần trở thành cách Phương Mục Dương tìm hiểu về thế giới này.
Anh nhờ y tá đi mua giấy bút hộ mình.
Vẽ xong Phí Nghê, anh lại bắt đầu vẽ cây cỏ ngoài cửa sổ.
Vẽ xong cây cỏ ngoài cửa sổ, anh bắt đầu vẽ các cô y tá bên cửa sổ.
Những bức ký họa người thật của anh còn được lòng người hơn tranh phong cảnh rất nhiều.
Lần đầu tiên anh vẽ một nữ y tá họ Hồ, nhận được bức họa thì cả tuần sau cô nàng vẫn đỏ mặt khi nhìn thấy Phương Mục Dương.
Bức tranh ấy chỉ là một bức phác họa sơ sơ, nhưng lại phác ra được cụ thể từng đường cong của cô ấy.Phương Mục Dương có một đôi mắt nhìn người rất hiểm, mà kỹ năng vẽ của anh lại càng hiểm hơn.
Anh nắm rất rõ đặc điểm của từng y tá, rõ đến mức khiến cho người ta không thể không ngoài nghi động cơ của anh khi vẽ.
Đương nhiên, những cô nàng y tá trẻ không hề quan tâm gì tới động cơ của anh, họ chỉ muốn biết dáng vẻ của mình dưới cây cọ mà anh cầm trông đẹp hay là không đẹp.
Phương Mục Dương giờ đây đã trở thành một chiếc máy ảnh hình người, những cô y tá trong viện cứ hễ trông thấy mặt anh là lại vô thức điều chỉnh tư thái của mình, chủ động ưỡn ngực thẳng lưng, thậm chí còn cố tình đi chậm lại để anh kịp hình dung trước bức họa ở trong trí óc.
Người vẽ tranh thường xuyên phải dùng đôi mắt của mình để nắm bắt được đặc điểm của đối tượng.
Một người đàn ông cứ nhìn chằm chằm phụ nữ thì không khỏi khiến người khác cảm thấy đáng khinh, nhưng đôi mắt của Phương Mục Dương lại giúp anh tránh được kiểu nhận định này.
Hàng mi của anh rất dài.
Lúc quan sát đối phương, đầu mày anh thường nhíu lại, đến khi người kia chú ý tới ánh mắt anh thì anh sẽ khẽ cong môi, cũng chẳng nói thêm điều gì.
Sự kiệm lời do thiếu vốn từ vựng làm cho người ta đinh ninh anh là một người đứng đắn, kết quả chính người bị nhìn lại bỗng dưng thấy ngượng ngùng, luôn chậm rãi quay mặt đi chỗ khác.Phương Mục Dương vốn đã có một phần tiền trợ cấp cho thanh niên trí thức hàng tháng, đến nay anh vẫn nhận đều, mà bây giờ hội thanh niên trí thức còn coi anh như bệnh nhân nên anh lại được hưởng thêm một khoản trợ cấp khác nữa.
Trước kia Phí Nghê ở đây, số tiền này đều tiêu vào những món ngon.
Giờ Phí Nghê đi rồi, Phương Mục Dương không quá chú trọng việc ăn uống nữa, chỉ cần bốn hào cũng đủ để anh no bụng cả ngày.
Chỗ tiền tiết kiệm được, anh đưa cho mấy cô y tá quen thân, nhờ họ mua hộ một ít hoa quả, hạt dưa và mứt trái cây đến viện.
Chỗ đồ này phần lớn lại vào miệng các y tá, nhưng thỉnh thoảng anh cũng sẽ mang sang chia với mấy phòng bệnh cùng tầng, đồng thời còn vẽ chân dung cho bọn họ..