Năm 1993, dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè, trên con phố Phượng Hoàng thuộc thị trấn Thạch Bình, một nhóm trẻ con mải miết chơi trò đánh bài dưới gốc cây lớn ở đầu ngõ.
Những tấm "bài" mà bọn trẻ chơi thực chất là vỏ hộp diêm với những hình ảnh đẹp mắt.
Trẻ con thường cắt vỏ hộp diêm đã dùng hết để sưu tầm, coi đó như báu vật.
Để có thêm nhiều vỏ hộp diêm, chúng sẽ chơi trò này để thắng bài từ tay các bạn khác.
Trò chơi rất đơn giản: chính là mỗi đứa đưa ra một hộp diêm để chồng lên trên nhau, rồi dùng tay tạo ra gió để làm nó lật lại.
Nếu lật được, thì thắng; nếu không thì sẽ đến lượt đứa khác.
Trò chơi này hấp dẫn cả bọn con trai lẫn con gái, khiến cả lũ tụ tập chơi với nhau.
Trong khi đó, các bậc phụ huynh ngồi gần đó phe phẩy quạt nan, trò chuyện rôm rả.
Hôm nay, câu chuyện của bọn họ xoay quanh nhà họ Lục.
Ba tháng trước, bố của Lục Lâm Phương là Lục Quan Hoa bị bọn côn đồ chặn đường cướp khi đang giao hàng.
Ông bị đánh gãy một chân, còn người bảo vệ đi cùng bị đánh chết ngay tại chỗ.
Ông Lục bị bỏ lại bên đường suốt một đêm, đến sáng hôm sau mới được người đi đường đưa vào bệnh viện.
Do tình trạng xương và mô mềm bị hoại tử nên bệnh viện quyết định cắt bỏ chân của ông để giữ lại tính mạng cho ông.
Vì đây là tai nạn lao động nên nhà máy không chỉ chi trả toàn bộ chi phí y tế mà còn bồi thường thêm 2000 đồng cho ông ấy.
Ngoài ra, ông còn được nhận 20 đồng mỗi tháng tiền trợ cấp thương tật.
"Mới nghe 2.000 đồng thì có vẻ nhiều, nhưng sau này chẳng biết ra sao."
Người nói câu này cũng là có lý do.
Vào thập niên 70 thì một quả trứng gà chỉ có giá 7 xu, nhưng giờ phải đến 2 hào mới có thể mua được một quả, giá cả đã tăng gấp ba lần.
"Phải đấy, mẹ Tiểu Hy đâu phải người đảm đang.
Cái vai không gánh nổi, tay không cầm nổi, thì làm sao mà sống yên ổn được."
Một phụ nữ liếc nhìn cô bé đang chơi trò đánh bài, rồi ghé vào tai mấy người khác nói nhỏ: "Hôm qua tôi lại thấy mẹ Tiểu Hy về nhà ngoại.
Chỉ trong tháng này thôi mà cô ta đã về tới tám lần rồi.
Các chị bảo, liệu cô ta có ý định gì không?"
Mọi người đưa mắt nhìn nhau.
Chồng gặp nạn mà không ở nhà chăm sóc, lại cứ về nhà ngoại, chẳng phải là không muốn cùng chung hoạn nạn hay sao?